Tiện bút 1
180 trang
13 x 20,5 cm
Tiện bút là người anh em của tùy bút, nhưng đó là một người anh em không rõ mặt, ẩn trốn, gần như vô hình. Khỏi cần nói thêm rằng, so với tùy bút, tiện bút thích đi chơi xa hơn, và cũng hay nghịch dại hơn.
Một mùa hè
Mùa hè ấy đã vạch vào cuộc đời tôi những đường cả quyết giống như làn nước bị con tàu vạch ra trên mặt biển lặng và giống như vết rạch ghê gớm trên đầu, lẩn dưới mái tóc bẩn thỉu của cái thằng bé thuộc về chuyến tàu hỏa buổi đêm lang thang giữa núi và rừng hiu quạnh.
Mọi chuyện đều có bắt đầu, những bắt đầu mà mãi sau này, cộng hết mọi kinh nghiệm lại, dùng thêm những lóe chớp vụt ra từ đâu đó sâu thẳm, để tìm cách giải thích quá khứ, ta mới may ra lờ mờ hiểu được. Mùa hè năm ấy, tôi nóng bức sốt ruột, nhưng tôi cũng lạnh lẽo như không hề thuộc về đâu, không thuộc về một nơi nào. Có chuyến đi sang thế giới khác, một điều gì đó bỗng mở ra vô tận, đẹp đến thảm khốc nhưng cũng đáng sợ vô cùng, để rồi từ đó quay về, tôi không thấy mình thực sự ở đâu nữa. Nhưng còn có một cái lưng phụ nữ xa lạ; khi nó tìm đến tôi, chính tôi, chẳng điều gì còn có thể giống như trước.
Hà Nội ngày ấy nghèo nàn lắm. Gần hai mươi năm đi học, tôi chỉ làm một việc là lần theo những nan quạt mở từ phải sang trái, từ Đông sang Tây, thành đúng một góc chín mươi độ. Cứ sau vài năm tôi lại chuyển sang một ngôi trường khác, nhích sang tay trái một chút trên cái vòng cung lấy nhà tôi làm tâm điểm; từ nhà tôi vốn dĩ là một khu tập thể may mắn không bị nghiêng đi, kiểu khu tập thể rất hay thấy ở Hà Nội trong nhiều năm, trước tiên tôi đi học ở một cái trường cách nhà khoảng mười bờ mương, mấy năm chỉ chuyên đánh lộn nhưng thật thần kỳ, ở nhà ai cũng tưởng tôi là thằng bé duy nhất trên đời ngoan ngoãn và không bao giờ đánh nhau, có những hôm rách rưới đi học về rất muộn, tôi khai là tôi bị ngã, thế mà hình như chẳng ai nghi ngờ tôi vừa trải qua một trận đánh nhau thừa sống thiếu chết và trong lòng nung nấu những ý định trả thù hung dữ nhất, tàn bạo nhất, nhuộm máu Bối Thủy hoặc tan nát dưới chân tường thành Troie. Rồi những con đường mới được làm, những bờ mương dần biến mất, tôi cũng chuyển sang một trường mới, nhích sang phía Tây một chút. Ở cái trường ngay gần một cái tượng màu trắng rất to này, cũng vẫn là những vụ đánh nhau, nhưng tới lúc này thì tôi không che giấu được nữa, dẫu sao chắc cũng nhờ thanh thản vì bản chất đã bị lột trần, tôi đã bắt đầu yên ổn hơn giữa đám bạn dữ tợn, không còn mấy bị lôi cuốn vì dao kiếm gậy gộc nữa. Gần đây, một người bạn học cùng trường hồi ấy kể cho tôi về một thằng bạn chung, mới oắt con nó đã nổi tiếng toàn thành phố vì cướp giật, lên báo công an suốt, rồi nhanh chóng bỏ mạng, một thằng bạn khác, thằng này thì học cùng tôi từ nhỏ, cứ xuống sân trường đá bóng là tin tưởng giao cho tôi chân thủ môn, mới đi họp lớp và rưng rưng bảo với lũ bạn là không ngờ bây giờ vẫn còn có thể ngồi đó sau khi nghiện oặt ròng rã bao nhiêu năm và tưởng đã chết dấp chết rũ chẳng biết bao nhiêu lần. Vòng thời gian cứ quay tiếp từ trái sang phải, tôi chuyển trường một lần nữa, ngược thêm từ bên phải sang bên trái: nỗi chán nản đánh đấm, nghịch ngợm, ít nhất một phần, đã giúp tôi thi đỗ một cách hiển hách vào một ngôi trường nổi tiếng, cũng cách nhà tôi một khoảng cách đúng bằng so với hai ngôi trường cũ; xét cho cùng, trong cả cuộc đời, lúc nào ý thức về khoảng cách trong tôi cũng vô cùng mạnh mẽ, nó quyết định gần như mọi tập tính của tôi, tính cách của tôi, cả tốt lẫn xấu. Ở đây tôi sửng sốt phát hiện ba điều: bọn ở các nơi khác học giỏi quá, học giỏi thực sự, và rất coi trọng sự học, chứ không cái kiểu láng cháng được chăng hay chớ, bôi gio trát trấu vào cái sự học như tôi vốn dĩ; nhiều đứa con gái quá chừng xinh, nền nã hoặc ăn chơi đỏm dáng chứ không rặt một kiểu chu môi chu mỏ xắn tay áo gấu quần lên chửi bọn con trai như ở trường cũ; và nhất là, đi từ cổng trường vào (hồi ấy cái đường chạy qua phía trước vẫn là một con đường lổn nhổn, chưa có tên phố, vẫn án ngữ mấy khu tập thể cao tầng giờ đây đã bị phá tan tành), đi qua cái sân trồng những cây có bệ xây tròn bằng gạch dưới gốc và vài cái ghế đá, đi tiếp qua cái sảnh, nơi tôi sửng sốt nhận ra tên mình trong danh sách thi đỗ hồi đầu năm lớp mười, cũng là địa phận bắt đầu phải chú ý cẩn thận nhằm tránh mặt giám thị, tôi còn nhớ một bà giám thị vô cùng hắc ám có giọng nói cao vút đến giờ tôi vẫn nhớ được cao độ đặc thù, đến chân cầu thang thì rẽ phải luôn, sẽ tới một cái giống như là hốc tường. Đó là nơi đặt hòm thư chung cho học sinh trong trường, rất đáng ngạc nhiên vì có một hòm thư như thế, và càng đáng ngạc nhiên hơn nữa vì hòm thư ấy đã mang đến cho tôi không biết bao nhiêu bức thư. Sau này tôi đã đốt sạch, những bức thư ấy cháy mãi mới hết. Trường cuối cùng, nan quạt cuối cùng của vòng cung Đông-Tây thì tôi không còn nhớ mấy, vì lúc này tôi bỏ học suốt, nhiều khi chán chường vác xác đến trường thấy nó thật lạ lùng. Cái trường cuối cùng này, năm đầu tiên tôi học, vẫn còn phải đi vào từ một con đường cực kỳ lầy lội bẩn thỉu mỗi khi trời mưa, ngay cạnh một cái mương. Hà Nội thời ấy nghèo nàn lắm. Hà Nội bây giờ còn nghèo nàn hơn.
Con người thay đổi các tập quán, nhưng các tập quán, đến lượt mình, cũng làm thay đổi con người. Các tập quán và con người đều phản phúc như nhau, đều muốn tỏ ra mình có thể gây nên những thay đổi, càng lớn càng tốt, mà không hiểu rằng những gì càng lớn bao nhiêu lại kéo theo sự vô nghĩa lớn bấy nhiêu. Sự nghèo nàn khai trương và khánh thành những tập quán đáng sợ, sau rất nhiều thời gian kéo dài nó làm cho con người sống ở Hà Nội cứ ăn là vục mặt vào cái bát như những kẻ nô lệ, trời mùa đông thì vẫn mang bít tất khi đi ngủ. Những năm ấy, ai cũng đi xe đạp, xe đạp được người Hà Nội biến đổi theo nhiều cách thức kỳ quái, vì nó quá quen thuộc nên nó phải bị biến đổi mãnh liệt, rất nhiều yên xe bên dưới nhét vào một quả bóng tennis, thậm chí hai quả bóng tennis. Nhưng dẫu đã có đề phòng đến như vậy thì đám yên xe vẫn có tác động không nhỏ: nếu làm được một việc là lột truồng mười phụ nữ từng sống qua quãng thời gian ấy, bắt họ nằm sấp xuống, điều chắc chắn mà ta sẽ thấy là cả mười bộ mông đều in hằn những tác động kỳ quái của cái yên xe đạp. Những chai sần, những biến dạng theo đủ mọi cách, tùy thuộc vào thói quen riêng của từng người khi đạp xe (có người cân bằng, có người lệch sang trái, lại có người lệch sang phải), là một trong những dấu ấn của một thời nghèo nàn Hà Nội để lại trên những bộ mông phụ nữ. Cả tôi nữa, tôi cũng bị tập quán của chính tôi bắt tôi nói đến những bộ mông, thói quen đồng nhất hóa phụ nữ với những bộ mông (sẽ dễ dàng hơn nhiều nếu đó là khuôn mặt, bàn tay hay cái cổ, nhưng biết làm sao được) đã khiến cho đang định nói tới một cái lưng duy nhất thì tôi lại quành qua bộ mông tập thể.
Cái lưng ấy xuất hiện khi một tập quán mới ra đời ở Hà Nội. Nó thuộc về một người phụ nữ xấu hay đẹp, tôi không hề biết, tôi cũng chẳng biết ở trên cơ thể người đó, nó có một tỉ lệ ra sao so với cặp chân. Tôi chỉ biết là nó rất nóng, dâm dấp nước vào một buổi trưa hè ngột ngạt. Thời ấy, ở Hà Nội bắt đầu xuất hiện những quán cơm bình dân đầu tiên, rất tiện lợi vào buổi trưa. Bước đệm cho hình thái sinh hoạt mới này chắc là những quán cà phê (gọi là “quán giải khát” mới đúng) bỗng nhận ra rằng quán sẽ rất đông khách vào buổi trưa nếu bán những bát mì, rất đơn giản là thả thêm vào mì ăn liền lõng bõng nước mấy miếng thịt và vài cọng rau. Cô chủ quán giải khát gần nhà tôi đi tiên phong trong bước ngoặt này. Cô có một cái tên rất lạ, Trư hoặc Chư, tôi không bao giờ biết rõ, nhưng cô thực sự rất béo, cả một phì nhiêu của vú và mông gieo rắc mộng tưởng. Cô Trư (hoặc Chư) nấu mì và thế là cô cứu rỗi cho cả một khu phố cứ đến trưa là vắng lặng ai chạy về nhà nấy xì xụp nấu cơm ăn (và sau đó thường ngủ một giấc; buổi trưa ở các khu tập thể hoang vắng như sa mạc). Nhưng cô nhanh chóng bị cạnh tranh, một hàng cơm bình dân sớm được mở ra ở ngay cạnh, xếp những bàn ghế chạy dài san sát vào nhau, dưới mái lá lụp xụp trông không khác gì quang cảnh của một sơn trại thảo khấu, mà lãnh đạo là một người đàn bà rất gợi nhớ các áp trại phu nhân uy quyền vượt trời đất. Một buổi trưa như thế, còn chưa thực sự quen với hình thức ăn uống mới mẻ này, đằng trước chật chội trên mặt bàn bày những rau, canh, thịt, lạc, dưa cà, còn đang nhấp nhổm lo ngại chẳng biết phải cư xử như thế nào ở nơi sơn trại lạ có những phép tắc riêng chưa kịp rành rẽ, thì tôi bỗng cảm thấy sau lưng mình còn chật chội hơn. Một toán khách mới vừa đi vào, ngồi xuống cái bàn sau lưng tôi, và bởi ghế được kê sát sàn sạt, nên ngay lập tức lưng tôi trở thành ghế tựa cho một cái lưng phụ nữ. Tôi thấy khó ở và khó sống: buổi trưa hè rất nóng, hai lần áo mỏng làm tôi cảm nhận được rõ mồn một sợi dây gồ lên thắt ngang phía trên cái lưng kia, nó lại nhất định không ở yên một chỗ mà cứ liên tục chuyển động lên xuống, cà vào lưng tôi đang đầm đìa toát mồ hôi như một cơn lũ, người phụ nữ không biết mặt, chẳng rõ già hay trẻ ấy lại chẳng hề thấy có vấn đề gì khi hai cái áo bết mồ hôi dính chặt vào nhau, càng về sau càng cọ lấy cọ để vào tôi. Nước chảy như thể tạo được những giọt to tướng, từ mọi nơi nào có thể chảy nước. Mà tôi thì không thể nhích ra, không thể làm gì, trên thực tế tôi không thể ăn được nữa mặc dù mới lúc trước còn rất đói và lúc ấy có ai bảo tôi đứng lên thì tôi cũng sẽ chỉ ngồi yên đó mặt lì ra. Đúng là tôi không thể đứng lên được, chứ tôi đâu có chút ham muốn nào chống đối lại thế giới này.
Tôi đã đi đến mùa hè tàn nhẫn ấy qua những thay đổi tập quán trong khung cảnh chung, cả những thay đổi ở bản thân tôi mà lúc nào tôi cũng nghĩ chẳng bao giờ mình qua nổi, chúng mạnh mẽ đến thế, khốc liệt như thế, có chút nào chịu nương nhẹ hay thương xót tôi đâu.
Mùa hè năm ấy, khi đã trôi dạt ra đến giữa biển
(còn nữa)