Joseph Roth: Hai chương Hành khúc
Hai chương thuộc đoạn đầu của Hành khúc Radetzky. Trong một khoảng rất ngắn, cậu bé lớn lên dưới bóng bức chân dung ông nội - người anh hùng của trận Solferino - đã kịp lớn; người phụ nữ dạy cho cậu về tình yêu đột người qua đời; người cha cứng rắn và xa cách bỗng hóa ra một người anh em, với cả một thế giới bí hiểm nhưng thân thuộc sau lưng; và những buổi chiều niên thiếu dường chỉ mới đây thôi đã bị chôn vùi dưới hàng chục và hàng chục năm: "cái chết phủ bóng lên chúng và giấu chúng đi, cái chết dựng lên giữa xưa kia và hôm nay và tuồn bóng tối phi thời gian của nó vào giữa quá khứ và hiện tại".
Hành khúc Radetzky
- Joseph Roth
II
Không có, trong toàn vùng quân sự, đội nhạc nào hơn đội của trung đoàn bộ binh số X tại tỉnh nhỏ W. ở Moravia. Chỉ huy đội quân nhạc hẵng còn là một trong các kapellmeister Áo cũ kia, những người được thiên phú một ký ức chắc chắn và không ngừng tìm kiếm các biến tấu mới trên những bản nhạc cũ, có khả năng mỗi tháng viết ra một hành khúc mới. Tất tật các hành khúc đó giống hệt nhau như những người lính. Xét về phần lớn, chúng bắt đầu bằng một loạt trống rền, chứa một điệu rước đuốc, với nhịp tăng dần cho các nhu cầu của hành quân nhà binh, một nụ cười chói ngời của chũm chọe lanh lảnh và kết thúc bằng tiếng sấm gầm của trống đại, cái cơn giông thật đẹp ấy của nhạc lính. Điều khiến viên chỉ huy quân nhạc Nechwal khác với các đồng nghiệp của ông ít nằm ở sự bướng bỉnh khủng khiếp và hiếm thấy trong tư cách nhà soạn nhạc của ông hơn so với sự nghiêm trang đầy thanh lịch và thanh thản mà ông mang tới cho sự chơi nhạc. Thói quen lười biếng của một số chỉ huy dàn nhạc, những người để cho viên phó quân nhạc dẫn dắt hành khúc đầu tiên và chỉ giơ cây gậy của mình lên vào tiết mục thứ hai của chương trình, bị Nechwal coi là một triệu chứng hiển nhiên cho suy đồi trong nền quân chủ đế chế và hoàng gia. Ngay khi các nhạc công tạo thành vòng tròn theo quy tắc và cắm xong những cái chân nhỏ xíu của giá nhạc vào các kẽ đất đen phân tách những viên đá lát lớn của quảng trường, viên chỉ huy quân nhạc, cả ông nữa, cũng đứng giữa các nhạc công của mình, cây gậy bạc kín đáo giơ lên. Tất tật các buổi công xe ngoài trời - chúng được tổ chức dưới những cửa sổ của ông tỉnh trưởng - đều bắt đầu bằng bản Hành khúc Radetzky. Dẫu nó quen thuộc với những người chơi đến độ hẳn họ có thể chơi nó vào ban đêm, trong lúc ngủ, không cần được chỉ huy, thì viên chỉ huy quân nhạc vẫn coi là không thể thiếu, việc dõi theo từng nốt trên tổng phổ của mình. Và, như thể ông đang cho các nhạc công của mình dượt lại Hành khúc Radetzky lần đầu tiên, vào mọi Chủ nhật, với ý thức của người lính và nghệ sĩ, ông ngẩng đầu, giơ cây gậy và nhìn lên, và cùng một lúc quay chúng về hướng một điểm của vòng tròn ở chính giữa đó ông đứng, tức là người dường cần cây gậy của ông hơn cả. Những cái trống thô tháp đập, những cây sáo êm ái thổi, những chũm chọe lảnh lót bùng nổ. Một nụ cười thỏa mãn và ngây độn lướt qua trên khuôn mặt của những người nghe và máu giật giật nơi những cái chân họ. Vẫn bất động, họ tưởng đâu mình đã bước đi. Các cô thiếu nữ nín thở và khẽ hé miệng. Những người đàn ông lớn tuổi cúi đầu và nhớ lại các ma nớp. Những bà già thì ngồi trong công viên bên cạnh và các cái đầu tóc bạc nhỏ bé của họ run lên.
Đang là mùa hè.
Đang là mùa hè, đúng vậy. Trước ngôi nhà của ông tỉnh trưởng, các cây dẻ chỉ lay động vào buổi sáng và buổi tối tán lá dày màu lục sẫm trên ngọn của chúng. Toàn bộ phần còn lại của ngày, chúng cứ thế bất động, phả ra một luồng hơi ráp và ném những cái bóng mát lớn của mình ra tới tận giữa phố. Bầu trời thường trực xanh. Lũ chim chiền chiện vô hình không ngừng hót phía bên trên thành phố yên lặng. Đôi khi, một cỗ xe ngựa thuê chở một người lạ nghiêng ngả từ khách sạn đi ra ga trên lòng đường khấp khểnh. Đôi khi, người ta cảm thấy bước kiệu của hai con ngựa được thắng vào cỗ xe chở ông von Winternigg đi dạo xuyên qua phố lớn, từ Bắc xuống Nam, giữa lâu đài của ông chủ đất lớn ấy và chòi săn của ông ta.
Là một ông già nhăn nheo bọc mình trong một cái chăn lớn màu vàng, với một cái đầu nhỏ xíu như xác ướp, ông von Winternigg đi ngang qua trên cỗ xe của mình. Ông đi ngang qua trong sự đầy của mùa hè, giống một tàn dư thảm thương của mùa đông. Trên những cái bánh cao bọc cao su, nhún nhảy và im lìm, mà các thanh nan hoa mảnh, sơn màu nâu, phản chiếu mặt trời, ông chuyển trực tiếp từ cái giường sang sự giàu có nông thôn của ông. Những khu rừng rộng lớn u tối và những người gác tóc vàng ăn vận màu lục đã đợi sẵn ông. Các cư dân của thành phố chào ông. Ông không đáp lại họ. Ông thản nhiên vượt qua một đại dương những lời chào. Viên xà ích của ông ngồi thật cao, thẳng tắp như một chữ i trong bộ chế phục màu đen, cái mũ cao của anh ta gần như chạm các ngọn cây dẻ; cái roi uốn éo ve vuốt sống lưng lũ ngựa hồng và, theo những quãng cách đều đặn, cặp môi khép chặt của viên xà ích lại hé, phát ra một tiếng tặc khô khốc, vang lừng hơn cả tiếng ngựa đi nước kiệu, nghe giống một phát súng trường ngân nga.
Chính vào lúc đó kỳ nghỉ bắt đầu. Ở tuổi mười lăm, Karl-Joseph von Trotta, con trai ông tỉnh trưởng, học sinh tại trường kỵ binh Mährish-Weisskirchen, có cảm giác thành phố quê hương cậu là một chốn hội hè. Đấy là tổ quốc của mùa hè cũng như đấy là tổ quốc của chính cậu. Vào Giáng sinh và Phục sinh, cậu được mời tới nhà ông cậu của mình. Cậu chỉ về nhà vào kỳ nghỉ lớn. Ngày cậu tới lúc nào cũng là một Chủ nhật. Theo đúng ý muốn của bố cậu, ông tỉnh trưởng, Franz, nam tước von Trotta und Sipolje, dẫu hôm đánh dấu khởi đầu của kỳ nghỉ tại trường có là ngày nào, thì ở nhà ông, chúng cũng đều phải bắt đầu vào một Chủ nhật. Chủ nhật, ông von Trotta und Sipolje không có công vụ. Cả buổi sáng, từ chín giờ đến trưa, được dành cho con trai ông. Mười lăm phút trước lễ mi-xa đầu tiên, chàng trai trẻ hết sức đúng giờ đứng trước cửa phòng bố cậu, vận đồ diện Chủ nhật. Chín giờ kém năm, Jacques bước xuống cầu thang, trong bộ chế phục màu xám của mình, và nói:
- Thưa cậu, bố cậu đang tới.
Karl-Joseph kéo thêm một lần nữa cái áo dài của mình cho thẳng thớm, chỉnh lại thắt lưng, cầm cái mũ kêpi ở tay và chống nó vào hông đúng như quy định. Ông bố tới, đứa con trai rập gót chân, tiếng động vang rền khắp ngôi nhà cũ im lìm. Ông già mở cửa và nhường đường cho con trai, tay phác một cử chỉ. Chàng thanh niên không nhúc nhích, cậu không để ý thấy lời mời. Ông bố bèn đi vào. Karl-Joseph đi theo ông và dừng lại trên ngưỡng cửa. Một lúc sau, ông tỉnh trưởng nói:
- Con cứ thoải mái.
Thế là Karl-Joseph tiến lại gần cái phô tơi lớn bằng nhung lông màu đỏ và ngồi xuống đối diện với bố, cứng đơ, hai đầu gối gập lại, cái mũ kêpi cùng đôi găng tay trắng để trong lòng. Qua các khe mảnh của mành cửa màu lục, những dải ánh sáng hẹp rơi xuống tấm thảm màu đỏ lựu. Một con ruồi bay vo ve, đồng hồ treo tường khởi sự đánh chuông. Khi tiếng chuông chín giờ đã ngừng, ông tỉnh trưởng bắt đầu:
- Đại tá Marek có khỏe không?
- Cám ơn bố, ông ấy khỏe.
- Vẫn kém môn địa lý à?
- Cám ơn bố, bớt một chút rồi.
- Con có đọc sách không?
- Có, thưa bố.
- Thế còn tập cưỡi ngựa thì đến đâu rồi? Năm ngoài không được khá cho lắm.
- Năm nay... Karl-Joseph khởi sự, nhưng cậu sớm bị ngắt lời.
Bố cậu đã giơ bàn tay thanh mảnh, một nửa giấu đi bên dưới một măng sét tròn sáng lấp lánh, của mình lên. Một cái khuy vuông to bắn ra một tia vàng.
- Đã không khá lắm, lúc nãy bố vừa nói, đã... Ông tỉnh trưởng ngưng lại và nói nốt bằng giọng không âm sắc: một nỗi nhục!
Bố và con im bặt. Dẫu nó được thốt ra hết mức nhẹ, cái từ "nỗi nhục" vẫn tiếp tục bập bềnh trong căn phòng. Karl-Joseph biết rằng sau mọi lời phê phán nghiêm khắc của bố, thế nào cũng có một quãng im lặng. Cần phải chấp nhận sự đánh giá với toàn bộ biểu nghĩa của nó, hấp lấy nó, khắc sâu vào chính mình, đẫm nó vào trái tim và bộ óc. Đồng hồ treo tường kêu tích tắc, con ruồi bay vo ve. Rốt cuộc Karl-Joseph bắt đầu, giọng rõ ràng:
- Năm nay, đã khá hơn nhiều rồi. Chính ông quản đội hay nói vậy. Trung úy Koppel cũng đã chúc mừng con.
- Bố rất mừng vì thế, ông tỉnh trưởng tuyên bố, giọng âm u mộ phần.
Ông dùng gờ bàn đẩy cái măng sét thụt vào bên dưới ống tay áo, người ta nghe thấy tiếng sột soạt cứng rắn của nó.
- Tiếp tục đi! ông nói, và châm một điếu thuốc lá.
Điều này có nghĩa người ta có thể bắt đầu được thoải mái. Karl-Joseph đặt cái mũ kêpi cùng đôi găng tay của mình xuống cái bàn có nắp nhỏ, đứng dậy và khởi sự câu chuyện về tất tật các sự kiện trong năm vừa qua. Ông bố gật đầu tán thành. Đột nhiên, ông kêu lên:
- Nhưng, con đã lớn bổng rồi, con trai. Giọng của con thay đổi! Có lẽ đang yêu chăng?
Karl-Joseph đỏ lựng lên, khuôn mặt cậu cháy bừng như một cái đèn nhỏ màu đỏ, cậu quả cảm bày nó ra trước ông già.
- Chưa, hả? ông tỉnh trưởng hỏi. Đừng rối lên, tiếp tục đi.
Karl-Joseph nuốt khan. Sự đỏ mặt của cậu biến mất, đột nhiên cậu cảm thấy lạnh run. Rồi cậu rút từ trong túi áo ra bản danh sách những cuốn sách và đưa nó cho ông bố.
- Toàn sách tốt đây, ông tỉnh trưởng nói. Tóm tắt cho bố Zrinyi xem nào!
Karl-Joseph bèn kể lại vở kịch, từng hồi một. Rồi cậu ngồi xuống trở lại, mệt mỏi, tái nhợt, miệng khô.
Cậu ném một ánh mắt lén lút lên cái đồng hồ treo tường. Mới mười giờ rưỡi, cuộc sát hạch sẽ còn kéo dài thêm một tiếng rưỡi nữa. Có thể trong tâm trí bố cậu sẽ nảy ra ý tra hỏi cậu về lịch sử cũ hoặc huyền thoại Giéc-manh.
Ông tỉnh trưởng vừa hút thuốc vừa đi đi lại lại trong phòng, bàn tay trái để sau lưng. Bàn tay phải thì chơi nghịch dưới măng sét. Các tia sáng tăng cường độ trên tấm thảm, càng lúc chúng càng dịch lại gần cửa sổ hơn. Chắc mặt trời đã lên cao. Những cái chuông nhà thờ bắt đầu kêu tinh tang, tiếng ồn rất gần của chúng dường rơi vào phòng như thể chúng vang lên ngay kề bên những mành cửa sổ dày. Hôm nay, ông von Trotta chỉ tra hỏi về văn chương. Ông nói rất kỹ về tầm quan trọng của Grillparzer, khuyên con trai mình đọc Adalbert Stifter và Ferdinand von Saar như là "những thứ dễ đọc" cho những ngày nghỉ. Rồi ông quay trở lại các chủ đề quân sự: canh gác, nội quy phần hai, cấu tạo của một quân đoàn, sức mạnh của các trung đoàn nếu có chiến tranh. Đột nhiên, ông hỏi:
- Tuân thủ là gì?
- Tuân thủ là sự vâng lời mù quáng, Karl-Joseph cất giọng, mà mọi thuộc cấp phải có với chỉ huy của mình và mọi cấp dưới...
- Dừng lại!
Bố cậu ngắt lời và sửa lại.
- Cũng như mọi cấp dưới đối với cấp trên của anh ta...
- Khi..., Karl-Joseph tiếp tục.
- Ngay khi..., ông tỉnh trưởng chỉnh.
- Ngay khi cấp trên ra lệnh.
Karl-Joseph trút ra một tiếng thở phào. Giữa trưa vừa điểm.
Mãi lúc này kỳ nghỉ của cậu mới bắt đầu. Thêm mười lăm phút nữa và cậu nghe thấy, vẳng tới từ doanh trại, loạt đầu tiên của những cái trống thuộc đội nhạc lính đang trên đường. Tất tật các Chủ nhật, vào khoảng giữa trưa, nó đều chơi trước văn phòng của ông tỉnh trưởng, người đại diện cho chính Đức Bệ Hạ Hoàng đế tại thành phố nhỏ. Karl-Joseph trốn mình đằng sau giàn cây leo dày của ban công và cậu nhận lấy buổi công xe của đội nhạc quân sự như một lời vinh danh. Cậu tự cảm thấy mình có chút là họ hàng của nhà Habsburg mà bố cậu đại diện và bảo vệ quyền lực ở nơi này và vì họ chính cậu hẳn rồi một ngày kia cũng sẽ lên đường ra trận và đến với cái chết. Cậu biết tất tật những cái tên của các thành viên trong gia đình tối cao. Cậu yêu tất tật họ một cách thành thực bằng trái tim tận tụy theo lối trẻ con nhưng, hơn tất tật những người khác, cậu yêu Hoàng đế, ông thật tốt và lớn lao, vượt trội và công bằng, xa xôi vô tận và ở ngay sát gần, đặc biệt gắn chặt vào với các sĩ quan thuộc quân đội của ông. Được chết vì ông trong các âm sắc của một bản hành khúc quân đội là cái chết đẹp nhất trong số tất tật các cái chết, được chết trong âm thanh của bản Hành khúc Radetzky là cái chết dễ nhất trong số tất tật các cái chết. Những viên đạn khéo léo rít lên đầy nhẹ nhõm, có nhịp điệu, quanh đầu của Karl-Joseph, thanh kiếm tuốt trần của cậu lấp lánh lên; trái tim và bộ óc ngập tràn các quyến rũ đầy sức lôi kéo của âm nhạc ấy, cậu rơi vào cơn ngây ngất các rền vang của những cái trống và máu của cậu nhỏ giọt thành một màng mảnh màu đỏ trên thứ vàng ánh ỏi của những cây kèn trumpet, màu đen sâu thẳm của mấy cái trống lớn và sắc bạc chiến thắng của các chũm chọe.
Jacques, đứng sau lưng cậu, húng hắng ho. Vậy là sắp tới giờ bữa trưa. Khi tiếng nhạc dừng, người ta nghe thấy tiếng lanh canh nhỏ của đĩa vẳng đến từ phòng ăn. Được phân tách với ban công bởi hai căn phòng, nó chiếm đúng đoạn giữa của tầng hai. Trong bữa ăn, tiếng nhạc vang lên, xa xôi nhưng thật rõ. Rất không may, không phải ngày nào nó cũng được chơi. Nó thật tốt lành và hữu dụng. Êm ái và đầy sức gắn kết, nó ôm ghì lấy nghi lễ trang trọng của bữa ăn, nó không cho phép bất kỳ cuộc trò chuyện ngắn và thô nào được thiết lập, cái thứ mà ông tỉnh trưởng vô cùng thích tạo ra. Người ta có thể im lặng, lắng nghe, thưởng thức âm nhạc. Những cái đĩa có các đường kẻ mảnh xanh và vàng, chúng nhạt đi. Karl-Joseph thích chúng. Cậu thường nghĩ đến chúng, trong năm. Những cái đĩa, Hành khúc Radetzky, trên tường, bức tranh chân dung bà mẹ quá cố của cậu (mà đứa con không còn nhớ nữa), cái muôi bạc lớn, đĩa cá, các con dao cắt hoa quả với cái sống răng cưa của chúng, những tách uống cà phê nhỏ xíu cùng các cái thìa nhỏ mong manh, mảnh dẻ như những món đồ bằng bạc, toàn bộ những cái đó tập hợp lại với nhau muốn nói: mùa hè, tự do, tổ ấm.
Cậu đưa cho Jacques cái thắt lưng, mũ kêpi, đôi găng tay của mình và đi sang phòng ăn. Bố cậu đến đó cùng lúc với cậu và mỉm cười với cậu. Không lâu sau đó, Cô Hirschwitz, quản gia, bước vào trong cái váy lụa màu xám của các Chủ nhật, đầu thẳng, cái búi nặng trên gáy, một khuy móc đầy ấn tượng uốn cong trên ngực, như một dạng mã tấu. Hẳn có thể nói là cô được vũ trang và mặc áo giáp. Karl-Joseph hôn phớt lên bàn tay dài cứng đanh của cô. Jacques đẩy những cái ghế lên. Ông tỉnh trưởng ra hiệu bảo mọi người ngồi. Jacques biến mất để xuất hiện trở lại giây lát sau đó với đôi găng tay trắng, chúng dường biến đổi ông ta hoàn toàn. Chúng tỏa rộng sự chói lọi của tuyết lên khuôn mặt đã trắng của ông ta, bộ râu má đã bạc của ông ta, mái tóc đã bạc của ông ta. Nhưng chúng cũng vượt mức bừng sáng mọi thứ gì mà người ta có thể gọi là bừng sáng trên đời này. Đôi găng tay sáng màu kia cầm một cái khay sẫm màu. Liễn xúp bốc hơi nghi ngút được đặt trên đó. Ông ta nhanh chóng đặt nó xuống chính giữa bàn, hết sức cẩn thận, không gây tiếng động nào và rất mau lẹ. Theo thói quen cũ, Cô Hirschwitz là người phục vụ món canh. Cần phải đến trước những cái đĩa mà cô chìa cho ta, bàn tay đầy ân cần, một nụ cười biết ơn trong cặp mắt. Cô đáp lại ta bằng một nụ cười mới. Một luồng sáng mạ vàng ấm nóng uốn lượn trong các cái đĩa, đó là món canh. Một món canh mì sợi, trong suốt, với thứ bột màu vàng, nhỏ, quấn lẫn vào nhau và thanh. Ông von Trotta und Sipolje ăn rất nhanh, đôi khi đầy giận dữ. Hẳn có thể nói là ông đang hư vô hóa các món, hết món này tới món khác, với một nỗi ác cảm câm lặng, cao quý và mau lẹ. Ông ban đòn kết liễu cho chúng. Cô Hirschwitz chỉ ăn những mẩu nhỏ ở bàn nhưng, khi hết bữa, cô sẽ ngay lập tức mang các món về phòng riêng. Karl-Joseph nuốt vội những thìa nóng bỏng và các miếng lớn. Theo cách ấy, tất tật họ kết thúc cùng lúc. Không ai nói lời nào những khi ông von Trotta und Sipolje im lặng.
Sau món canh, Tafelspitz được mang ra, thịt bò hầm ăn kèm rau củ. Đó là món ngày Chủ nhật của ông già kể từ không biết bao nhiêu năm nay. Sự chú ý đầy thích thú mà ông dành cho món ấy chiếm hơn nửa thời gian bữa ăn. Thoạt tiên cặp mắt của ông tỉnh trưởng ve vuốt lá mỡ mềm bọc quanh miếng thịt khổng lồ, rồi những cái đĩa nhỏ khác nhau nơi để rau: củ cải với các ánh màu tím, rau chân vịt nghiêm trang màu lục thật mướt, xà lách sáng màu và vui tươi, màu trắng hắc của cải, hình ô van hoàn hảo của lũ khoai tây mới bơi trong bơ nấu, gợi nhớ các món đồ chơi nhỏ bé. Ông có những mối quan hệ kỳ khôi với đồ ăn. Cứ như thể ông dùng mắt để ăn các miếng chính, gu thẩm mỹ của ông thì nghiến ngấu trước hết tinh chất các món, tính tinh thần của chúng theo cách nào đó; về phần những gì còn lại, lặt vặt, thứ sau đó bước vào tiếp xúc với cái miệng và ngạc, thì thật nhạt nhẽo, phù hợp nhất là nuốt chửng đi không chờ đợi nữa. Sự trình bày đẹp mắt các món mang lại khoái lạc cho ông von Trotta ngang mức với bản tính đơn giản của chúng. Bởi ông thích có cái gọi là "sự nấu nướng bourgeois", món cống nạp mà ông trả cho các sở thích của ông cũng ngang với cho tính cách của ông, về nó ông bảo quả thật là ông có nhiều chất Sparta. Như vậy ông tụ hội được, với một sự khéo léo đầy may mắn, sự thỏa mãn cho khoái lạc của mình và các đòi hỏi của nghĩa vụ nơi ông. Ông là một người Sparta. Nhưng ông là người Áo.
Vậy là ông chuẩn bị sẵn, giống mọi Chủ nhật, để thái Spitz. Ông nhét mấy cái măng sét vào bên trong hai ống tay áo, giơ hai tay lên và, vừa cắm dao cùng dĩa của mình vào thịt, ông vừa nói với Cô Hirschwitz:
- Cô biết đấy, thưa cô, là đòi mua một miếng thật mềm tại hàng thịt thì còn chưa đủ đâu. Phải trông coi cách thức người ta cắt lấy nó cho ta nữa. Tôi muốn nói là dọc hay ngang thớ. Đám hàng thịt ngày nay không còn biết nghề của bọn họ nữa. Thứ thịt ngon nhất cũng bị làm hỏng mất khi nó bị thái sai cách. Nhìn thử mà xem, thưa cô! Gần như là tôi chẳng còn cứu được nó. Nó bở ra, bị rã theo đúng theo nghĩa đen. Trong tổng thể, người ta có thể coi là nó mềm. Nhưng, xét riêng lẻ, các miếng nhỏ sẽ rất dai, như cô sẽ sớm thấy. Đối với những gì là "đồ gia giảm", như người Đức thuộc Reich hay nói, tôi những mong một lần khác cái kia, mà cô gọi là "ăn kèm", bớt đẫm hơn một chút. Nó không được đánh mất vị của mình ở trong sữa. Cũng cần phải chuẩn bị nó vào thời điểm cuối cùng trước lúc ngồi vào bàn. Thật là sai lầm khi ngâm nó quá lâu.
Cô Hirschwitz, người đã sống nhiều năm ở Đức, luôn luôn nói hochdeutsch và sở thích hướng tới những cách nói cầu kỳ, đã khích lên các ám chỉ của ông von Trotta đến "đồ gia giảm" và "ăn kèm", trang trọng và chậm rãi gật đầu. Nhấc khỏi gáy trọng lượng đáng kể búi tóc của mình và bắt được cái đầu thực hiện một cú cúi đầy tán thành thấy rõ là buộc cô phải nỗ lực rất nhiều. Sự khả ái chuyên nghiệp khiến cô tỏ lộ đầy chừng mực và thậm chí dường như ở vào thế phòng ngự. Và ông tỉnh trưởng thấy mình bị dẫn tới chỗ phải tuyên bố:
- Chắc chắn là tôi không nhầm đâu, thưa cô!
Ông nói thứ tiếng Đức giọng mũi của các công chức cao cấp và giới tiểu quý tộc Áo. Thứ tiếng Đức ấy có chút gợi nhớ những cây đàn ghi ta xa xôi trong đêm, hoặc nữa, các rung lên cuối cùng đầy tinh tế của những cái chuông đang lịm đi. Đấy là một ngôn ngữ êm dịu, nhưng chính xác, mềm mại và độc ác cùng một lúc. Nó ăn nhịp với khuôn mặt xương xẩu của người nói, cái mũi khum khum nơi dường ẩn nấp những phụ âm vang rền và có chút sầu muộn. Những khi ông tỉnh trưởng nói, mũi và lưỡi của ông trở nên một cách thức của nhạc cụ bộ hơi thì đúng hơn là các phần của một khuôn mặt. Chẳng gì nhúc nhích trên khuôn mặt đó ngoại trừ cặp môi. Hai bên bộ râu quai nón sẫm màu mà ông von Trotta mang như một bộ phận của đồng phục, một dấu vết nổi trội dành để cho thấy ông thuộc về hàng ngũ người hầu của Franz Joseph, một chứng cứ cho sự gắn liền của ông vào triều đại, thứ râu ấy cũng ở yên bất động những lúc ông von Trotta nói. Ông giữ người thật thẳng bên bàn như thể đang cầm dây cương ngựa. Những lúc ông ngồi, người ta có thể tưởng ông đang đứng và những lúc ông đứng, người ta luôn luôn thấy ngạc nhiên trước thân hình thẳng tắp như một chữ i của ông. Ông thường trực mặc đồ màu xanh sẫm, hè cũng như đông, Chủ nhật cũng như các ngày trong tuần, một cái rơ đanh gốt xanh sẫm cùng quần xám có sọc, nó bó thật chặt hai chân ông lại và được hai cái lót chân căng ra không một nếp gấp trên đôi giày co giãn được. Giữa món thứ hai và món thứ ba, ông có thói quen đứng dậy để "cử động". Nhưng hẳn người ta có thể nói đúng hơn thì ông muốn chứng tỏ cho những người cùng ăn thấy cách thức đứng dậy của ông, đứng và đi lại mà không chối bỏ đi sự bất động. Jacques phục vụ thịt và khéo léo bắt được một ánh mắt ngắn ngủi của Cô Hirschwitz nhờ ông giữ ấm phần còn lại cho cô. Với những bước chân chừng mực, ông von Trotta tiến về phía cửa sổ, nâng ri đô lên một chút và quay trở lại bàn. Cùng lúc đó, Kirschknödel xuất hiện trên một cái đĩa lớn. Ông tỉnh trưởng chỉ lấy một cái, dùng thìa của mình cắt ra và nói với Cô Hirschwitz:
- Đây là, thưa cô, một khuôn mẫu cho bánh sơ ri. Nó đủ đặc chừng người ta cắt nó và tuy vậy ngay tức thì nó tan ra ở lưỡi.
Và quay sang Karl-Joseph:
- Bố khuyên con ăn hai cái, hôm nay.
Karl-Joseph lấy hai cái. Cậu nuốt chửng chúng trong một nháy mắt, kết thúc một giây trước bố và chiêu thêm một cốc nước - buổi tối mới có rượu vang - nhằm làm chúng trôi khỏi thực quản nơi chúng có thể vẫn đang mắc kẹt, xuống dạ dày. Cậu gập khăn ăn của mình lại theo cùng nhịp với bố.
Họ đứng dậy khỏi bàn. Bên ngoài, đội nhạc đang chơi khúc overture của Tannhäuser. Họ bước vào phóng hút thuốc trong những âm điệu rền vang của bản nhạc, Cô Hirschwitz dẫn đầu. Jacques mang cà phê đến đó. Người ta đợi viên chỉ huy đội nhạc Nechwal. Ông ta tới trong khi ở bên dưới các nhạc công của ông ta xếp thành hàng để đi khỏi, trong trang phục diễu hành sẫm màu của mình, với thanh kiếm sáng bừng của họ cùng hai cây đàn hạc nhỏ lấp lánh nơi cổ áo.
- Tôi rất vui lòng vì buổi công xe của anh, ông tỉnh trưởng tuyên bố, cả lần này nữa, cũng như vào mọi Chủ nhật. Hôm nay, thật ngoạn mục!
Ông Nechwal cúi người. Một tiếng trước, ông ta đã ăn trưa tại nhà ăn của sĩ quan, nhưng đã không đợi cà phê, vị của các thứ thức ăn vẫn đọng lại trong miệng ông ta, ông ta muốn đến chết được hút một điếu Virginia. Jacques mang đến cho ông ta một hộp xì gà. Viên chỉ huy đội nhạc rít thật lâu châm nó từ ngọn lửa mà Karl-Joseph lúc nào cũng giữ trước đầu điếu xì gà dài, dẫu làm thế rất dễ làm bỏng các ngón tay. Họ ngồi trên những cái ghế rộng bằng da. Ông Nechwal nói về buổi biểu diễn ở Wien bản operetta mới nhất của Lehar. Đó là một người quảng giao, viên chỉ huy đội nhạc! Ông ta tới Wien hai lần mỗi tháng và Karl-Joseph dự cảm rằng, nơi đáy tâm hồn ông ta, viên nhạc công giữ rất nhiều bí mật nơi các chốn ăn chơi của những người thích sống về đêm. Ông ta có ba đứa con và một người vợ "thuộc một giới rất giản dị", nhưng, tách khỏi gia đình, ông ta có cuộc sống thượng lưu rất huy hoàng. Ông ta nhấm nháp các câu chuyện Do Thái và kể chúng với một khoái lạc ma mãnh. Ông tỉnh trưởng không hiểu chúng, chúng cũng không làm ông cười, nhưng ông nói: "Hay lắm, hay lắm!" "vợ anh có khỏe không?" ông đều đặn hỏi.
Ông đặt câu hỏi ấy từ nhiều năm nay. Ông chưa từng bao giờ gặp bà Nechwal và chẳng hề muốn một ngày kia sẽ gặp người phụ nữ "thuộc một giới rất giản dị" đó. Vào thời điểm tạm biệt, ông không quên nói với ông Nechwal:
- Gửi lời chào của tôi tới vợ anh nhé, mà tôi còn chưa có vinh dự được quen biết.
Và ông Nechwal hứa sẽ chuyển những lời chào ấy, đảm bảo rằng vợ ông ta hẳn sẽ vui lắm.
- Thế các con anh khỏe chứ? ông von Trotta hỏi, ông luôn luôn quên mất đấy là mấy đứa con trai hay con gái.
- Thằng cả học giỏi lắm! viên chỉ huy dàn nhạc đáp.
- Chắc nó sẽ trở thành nhạc công, cả nó cũng vậy, chứ? ông tỉnh trưởng hỏi, giọng có chút hạ cố.
- Không, sang năm nó sẽ vào trường thiếu sinh quân.
- A! Sĩ quan! Anh làm đúng đấy. Bộ binh à?
Ông Nechwal mỉm cười:
- Dĩ nhiên rồi. Nó có năng lực. Có lẽ rồi một ngày kia nó sẽ vào được ban tham mưu.
- Chắc chắn rồi, chắc chắn rồi, ông tỉnh trưởng nói, đó là những điều mà người ta từng thấy.
Tuần tiếp theo, ông đã quên mất tất tật. Người ta không ghi nhớ con cái của một viên chỉ huy đội nhạc.
Ông Nechwal uống hai tách cà phê, không hơn không kém. Ông ta tiếc rẻ dụi một phần ba còn lại của điếu Virginia. Ông ta phải đi, người ta không từ biệt với một điếu xì gà đang cháy.
- Hôm nay, thật là ngoại lệ, kỳ vĩ lắm! Gửi lời chào vợ anh nhé! Thật không may, tôi còn chưa có niềm vui... ông von Trotta und Sipolje nói.
Karl-Joseph rập gót. Cậu đi cùng viên chỉ huy đội nhạc ra đến thềm ngoài. Rồi cậu quay lại phòng hút thuốc, đứng trước mắt bố và nói:
- Con đi dạo đây, bố.
- Được, được, vui vẻ nhé! ông von Trotta đáp, đưa tay vẫy cậu.
Karl-Joseph đi. Cậu có ý định đi dạo chậm rãi, cậu muốn thơ thẩn, chứng minh cho hai bàn chân mình là chúng đang được nghỉ. Người lính đầu tiên mà cậu gặp chỉnh tư thế cho cậu, như người ta hay nói trong ngạch quân sự. Cậu đi đều bước. Cậu tới rìa thành phố, đánh dấu bằng tòa nhà lớn màu nâu sẫm của sở ngân khố đang bình thản được nướng chín trong nắng. Mùi êm dịu của cánh đồng thoảng đến cậu cùng bài hát chói lọi của lũ chiền chiện. Chân trời xanh lơ bị chặn lại về phía Tây bởi những ngọn đồi xám xanh, các ngôi nhà đầu tiên của những ngôi làng nhô ra với những cái mái phủ ngói gỗ hay rạ của chúng, tiếng kêu của lũ gia cầm vang lên như kèn đồng trong sự im lặng mùa hè. Vùng nông thôn đang ngủ, bọc mình trong ban ngày và sự sáng sủa.
Đằng sau đường sắt là trụ sở cảnh binh nằm dưới sự chỉ huy của một viên quản đội. Karl-Joseph biết rõ ông ta, viên quản đội Slama. Cậu quyết định gõ cửa nhà ông ta. Cậu đi vào dưới hàng hiên, gõ cửa, kéo chuông, chẳng ai xuất hiện. Một cửa sổ mở ra, bà Slama cúi người xuống phía trên đám hoa phong lữ và hét to:
- Ai đấy?
Cô ta trông thấy thằng bé Trotta.
- Xuống ngay đây, cô ta nói.
Cô mở cửa dẫn vào sảnh trước. Ở đó có mùi của sự mát mẻ và một chút nước hoa. Bà Slama đã nhỏ một giọt xuống dưới váy. Karl-Joseph nghĩ tới các hộp đêm ở Wien. Cậu hỏi:
- Ông quản đội không có nhà à?
- Ông ấy đang đi trực, thưa cậu von Trotta, người phụ nữ trẻ tuổi đáp, nhưng cứ vào đi!
Và thế là Karl-Joseph ngồi trong phòng khách của vợ chồng Slama. Đó là một căn phòng thấp, màu đỏ nhạt, rất mát. Ở đó cứ như là đang ở trong một hầm nước đá. Lưng của những cái ghế phô tơi nhồi rơm lớn làm bằng gỗ chạm, ngả sang màu vỏ hạt hồ đào, với các cành đan kết dễ làm người ta bị xước lưng. Bà Slama đi lấy nước chanh lạnh, cô cũng uống, từng ngụm nhỏ, ngón tay út vểnh và hai chân bắt tréo. Ngồi ở gần Karl-Joseph và quay mặt về phía cậu, cô đung đưa bàn chân bị cầm tù trong một cái giày păng túp bằng nhung đỏ, để trần, không đi bít tất. Karl-Joseph nhìn bàn chân, rồi cốc nước chanh. Cậu không nhìn vào mặt bà Slama. Cái mũ kêpi của cậu đặt trong lòng, cậu giữ hai đầu gối thật cứng và ngồi thẳng tắp trước cốc nước chanh, như thể việc uống nó là một bổn phận công vụ.
- Đã lâu lắm rồi chúng tôi không được gặp cậu, thưa cậu von Trotta! người vợ của viên quản đội nói.
- Vâng, thưa bà, lâu rồi.
Cậu nghĩ là cần phải rời khỏi ngôi nhà này càng mau chóng càng tốt. Hẳn sẽ cần một hơi uống cạn cốc nước chanh, lễ độ cúi người, nhờ chuyển lời chào đến người chồng, rồi đi khỏi. Cậu hoang mang nhìn cốc nước chanh của mình, không có cách nào để uống hết nó, bà Slama cứ liên tay rót thêm. Cô mang thuốc lá ra. Hút thuốc là việc bị cấm. Cô tự châm một điếu, hờ hững nhả khói, hai lỗ mũi phồng to lên, bàn chân đu đưa. Đột nhiên, không nói lời nào, cô cầm cái mũ kêpi từ trong lòng Karl-Joseph và đặt nó lên bàn. Rồi cô nhét điếu thuốc của mình vào miệng cậu. Những ngón tay cô có mùi khói thuốc và mùi eau de Cologne, tay áo sáng màu của cái váy dài hình hoa khiến một luồng sáng băng qua dưới mắt Karl-Joseph. Cậu lịch sự tiếp tục hút điếu thuốc mà đầu lọc hẵng còn lưu giữ sự ẩm ướt cặp môi của bà Slama và nhìn cốc nước chanh. Cô lấy lại điếu thuốc mà cậu đang ngậm và vòng ra sau lưng cậu. Cậu sợ phải quay lại. Đột nhiên, hai ống tay áo lấp lánh áp vào cổ cậu và khuôn mặt của người phụ nữ đè lên mái tóc cậu. Cậu không nhúc nhích, nhưng tim đập thình thịch, một trận bão lớn cuồng loạn bên trong cậu, được kìm giữ theo lối co quắp bởi sự cứng lại của cơ thể cậu cùng những cái khuy vững chắc trên bộ quân phục.
- Tới đây! bà Slama thì thầm.
Cô ngồi lên đùi cậu, hôn cậu luôn, ánh mắt ma mãnh. Một lọn tóc vàng bỗng rơi xuống trán, cô lé mắt nhìn, ngẩng mặt lên và chu môi lại định thổi cho nó bay lên. Karl-Joseph bắt đầu cảm thấy người cô đè nặng lên hai đầu gối mình, cùng lúc cậu cảm thấy một lực mới làm căng các cơ đùi cùng hai cánh tay cậu. Cậu ôm lấy người phụ nữ và cảm nhận được sự tươi mát mềm oặt của ngực cô xuyên qua thứ dạ cứng của bộ quân phục. Từ cổ họng của bà Slama phát ra một tiếng cười khe khẽ nghe hơi giống tiếng nức nở, hơi giống tiếng chim láy rền. Trong mắt cô có nước. Rồi cô ngửa người ra sau và, với một sự chính xác êm dịu, khởi sự cởi từng cái cúc trên bộ quân phục. Cô đặt lên ngực cậu một bàn tay tươi mát và dịu dàng, hôn thật lâu lên miệng cậu với một khoái lạc có phương pháp, rồi đột nhiên nhỏm lên như thể bị hoảng sợ bởi một tiếng động nào đó. Karl-Joseph nhảy vọt dậy, cô mỉm cười với cậu và, đi giật lùi, cô nhẹ nhàng kéo cậu, hai tay chìa ra, đầu ngật về sau, một luồng sáng trong cặp mắt, về phía cánh cửa mà cô mở ra đằng sau lưng bằng một cú đá. Họ lướt vào phòng ngủ.
Giống một kẻ bị cầm tù bị bất lực, giữa hai mí mắt nhắm hờ của mình, cậu nhìn thấy cô chậm rãi cởi quần áo của cậu, cởi hết, như một bà mẹ. Chẳng phải là không kèm niềm kinh hãi nào đó, cậu thấy rơi tụt đi như miếng giẻ, xuống sàn nhà, từng mảnh trong trang phục Chủ nhật của mình, cậu nghe thấy tiếng ồn sượng đục của đôi giày và ngay tức thì cảm thấy bàn chân cậu trong tay bà Slama. Từ bên dưới, một luồng nóng và lạnh mới dâng lên tận tới ngực cậu. Cậu thả rơi mình xuống. Cậu nhận lấy bà Slama như một đợt sóng lớn của các khoái thú, của lửa và nước.
Cậu tỉnh dậy. Bà Slama đang đứng trước mặt cậu. Cô đưa cho cậu từng thứ quần áo một. Cậu bắt đầu gấp gáp mặc lại đồ. Cô chạy ra phòng khách, mang cho cậu đôi găng tay cùng cái mũ kêpi. Cô kéo cái áo dài của cậu cho phẳng, cậu cảm thấy những ánh mắt cô thường trực gắn lên mặt cậu, nhưng cậu tránh nhìn cô. Cậu rập gót chân làm chúng phát ra tiếng kêu, bắt tay người phụ nữ, bướng bỉnh nhìn vai phải của cô, rồi đi khỏi.
Một cái đồng hồ treo tường điểm chuông bảy giờ. Mặt trời đang tiến lại gần những ngọn đồi giờ đây có cùng màu xanh lơ với bầu trời, người ta khó mà thấy rõ được các đám mây. Một làn hơi êm dịu tỏa ra từ cây cối trên đường lớn. Làn gió buổi tối luồn vào những thứ cỏ nhỏ trên các cánh đồng, trên các triền dốc, ở cả hai phía con đường; người ta thấy chúng run rẩy uốn lượn dưới bàn tay to lớn vô hình và im lìm của nó. Phía xa, ở chỗ các đầm lầy, lũ ếch khởi sự ộp oạp. Ở khu ngoại ô, nơi cửa sổ để mở của một ngôi nhà màu vàng chói, một phụ nữ trẻ tuổi nhìn ra phố hoang vắng. Dẫu chưa bao giờ nhìn thấy cô ta, Karl-Joseph cứng đờ người kính cẩn chào. Cô ta đáp lại cậu bằng một cái gật đầu có chút ngạc nhiên, nhưng đầy biết ơn. Cậu thấy như thể mình chỉ vừa mới từ biệt bà Slama. Người phụ nữ xa lạ thế nhưng thân thuộc kia ở bên cửa sổ của cô ta, như một người lính canh, tại biên giới của tình yêu và cuộc sống. Chào cô ta xong, cậu cảm thấy mình đã được trả lại cho thế giới. Cậu rảo bước chân. Chính xác vào lúc tám giờ kém mười lăm phút, Karl-Joseph, nhợt nhạt, ngắn gọn, và cả quyết đúng như một người đàn ông phải vậy, thông báo với bố là mình đã về.
Cứ hai ngày một lần, ông Slama, quản đội, lại đi tuần tra. Ngày nào ông ta cũng đến văn phòng tỉnh với một tập hồ sơ. Ông ta không bao giờ gặp con trai của tỉnh trưởng. Cứ hai hôm một lần, vào bốn giờ chiều, Karl-Joseph lại cất bước lên đường tới trụ sở cảnh binh. Cậu chia tay cô vào lúc bảy giờ tối. Mùi hương mà cậu mang về từ nhà bà Slama trộn lẫn vào với các luồng hơi của những tối mùa hè khô và ngày đêm ngấm vào hai bàn tay chàng thanh niên. Ở bàn ăn, cậu lo sao để không xáp lại gần bố hơn mức cần thiết.
- Ở đây nghe cứ như có mùi mùa thu nhỉ, một tối nọ ông von Trotta nói.
Ông đang khái quát hóa, bà Slama sử dụng một cách có hệ thống tinh dầu mộc tê.
III
Bức chân dung được treo trong phòng hút thuốc của ông tỉnh trưởng, đối diện với các cửa sổ, cao trên tường đến mức trán và tóc mờ sương đi trong phản chiếu màu nâu sẫm của trần nhà bằng gỗ. Sự tò mò của đứa cháu thường trực xoay quanh con người đã khuất và vinh quang câm lặng của người ông. Đôi khi, trong buổi chiều im lìm - những cửa sổ để mở, sự yên bình bão hòa của mùa hè mạnh mẽ đi vào căn phòng với cái bóng màu lục đậm của các cây dẻ công viên, ông tỉnh trưởng thì đang chủ trì một trong nhiều ủy ban của mình bên ngoài thành phố; phía xa, trên một cầu thang, đang lướt đi bước chân như hồn ma của Jacques già, băng ngang ngôi nhà trong đôi dép bằng dạ và nhặt nhạnh, để cọ rửa chúng, giày, quần áo, gạt tàn, giá nến và cây đèn - Karl-Joseph trèo lên một cái ghế đẩu và ngắm bức chân dung tiền nhân từ thật gần. Lúc đó bức chân dung bị tời ra thành vô số vết, được làm nên từ bóng tối sâu thẳm và ánh sáng mạnh, thành những nét cọ cùng các đốm lấm chấm, cái nền phức tạp của toan vẽ, trò chơi khổ hạnh của các màu trên sơn đã khô. Karl-Joseph xuống khỏi ghế. Bóng của những cái cây hắt lên cái áo rơ đanh gốt màu nâu của mẫu, các nét cọ, vết đốm giao vào với nhau tạo thành diện mạo quen thuộc, nhưng không thể dò thấu, cặp mắt lấy lại ánh mắt quen thuộc của chúng, xa xôi, mờ sương đi ở cận kề trần nhà tối. Năm nào, vào dịp kỳ nghỉ lớn cũng đều diễn ra các trò chuyện câm lặng của đứa cháu với người ông. Người chết không để lộ gì. Cậu bé không biết được gì. Từ năm này qua năm khác, bức chân dung dường trở nên nhợt nhạt hơn, cắm sâu thêm vào cõi bên kia, như thể người anh hùng của trận Solferino thêm một lần nữa trượt chân vào cái chết, như thể, từ thế giới khác, ông chậm rãi kéo kỷ niệm về mình đi và như thể theo lối định mệnh sẽ tới một thời điểm nơi một bức tranh trống rỗng, còn câm lặng hơn bức chân dung, sẽ chăm chăm nhìn hậu duệ từ đáy cái khung đen của mình.
Bên dưới, trong sân, dưới bóng của ban công gỗ, ông già Jacques ngồi trên một cái ghế thấp trước một dãy giày bốt đánh xi, được sắp hàng theo lối nhà binh. Mọi lần nào Karl-Joseph quay về từ nhà bà Slama, cậu lại đi tìm Jacques ngoài sân và ngồi xuống rìa.
- Kể cho tôi về ông tôi đi, Jacques.
Thế là Jacques bèn bỏ cái bàn chải, kem và Sidol xuống, xoa hai tay vào nhau như nhằm rửa chúng khỏi công việc cùng những gì bẩn thỉu, trước khi khởi sự nói về ông già. Và, như mọi khi, giống đã phải hai chục lần, ông bắt đầu:
- Tôi từng lúc nào cũng rất hòa hợp với ông ấy. Tôi không còn trẻ lúc đến nhà ông ấy. Tôi không lấy vợ, chắc ông già không thích điều đó, ông ấy chưa bao giờ thích có phụ nữ ở nhà mình, trừ vợ ông ấy, nhưng bà chết sớm vì bệnh phổi. Tất cả mọi người đều biết là ông ấy đã cứu mạng Hoàng đế tại trận Solferino, nhưng ông ấy không bao giờ nhắc tới chuyện đó, chẳng bao giờ ông ấy hé một lời nào. Cũng chính vì thế mà người ta đã viết "Anh hùng trận Solferino" lên mộ ông ấy. Ông ấy chết không hề già, cứ vậy mà chết thôi, vào buổi tối, khoảng chín giờ. Chắc là chuyện đã xảy ra vào tháng Mười một. Chắc tuyết rơi vào buổi chiều, chắc ông ấy ở ngoài sân: "Jacques, anh để đôi bốt lót lông của tôi ở đâu rồi?" ông ấy hỏi tôi. Tôi không biết, nhưng tôi đáp lại ông ấy: Để tôi đi tìm luôn, thưa ông nam tước. "Để mai cũng được", ông ấy nói vậy, và hôm sau thì ông ấy không còn cần chúng nữa. Tôi đã không bao giờ lấy vợ.
Vậy thôi.
Một hôm (đó là kỳ nghỉ cuối cùng của Karl-Joseph, sắp qua kỳ thi tốt nghiệp vào cuối năm), ông tỉnh trưởng nói với cậu vào lúc họ chia tay nhau:
- Bố hy vọng là chuyện sẽ ổn thỏa. Con là cháu của người anh hùng trận Solferino. Hãy nghĩ đến điều đó và sẽ chẳng gì có thể xảy tới với con hết.
Ông đại tá, tất tật các thầy giáo, tất tật các viên hạ sĩ quan cũng nghĩ đến điều đó; quả thật, chẳng gì có thể xảy tới với Karl-Joseph. Dẫu cậu không phải là một kỵ sĩ tài ba, dẫu cậu kém môn đo vẽ địa hình và hoàn toàn mù tịt lượng giác, cậu vẫn thi qua "với thứ hạng khá", được nhận làm thiếu úy và phiên chế vào trung đoàn Uhlan số 10.
Cặp mắt phát say vì sự chói lọi mới của mình và vì buổi lễ mi-xa trang trọng cuối cùng, hai tai đầy một tiếng sấm to lớn, các bài diễn văn từ biệt của ông đại tá, trong cái áo nẹp màu thiên thanh với hàng khuy vàng, bao đạn nhỏ bằng bạc đằng sau rực rỡ con đại bàng hai đầu, cái mũ chapska có quai và roi ngựa cầm ở bàn tay trái, vận quần cộc cưỡi ngựa màu đỏ chói, đi đôi bốt bóng loáng, đinh thúc liên hồi kêu, thanh kiếm bao rộng bản đeo bên hông, chính như vậy mà Karl-Joseph trình diện trước bố cậu vào một ngày hè nóng như thiêu. Lần này, đó không phải là một Chủ nhật. Một viên thiếu úy thì có quyền tới vào thứ Tư. Ông tỉnh trưởng đang ở trong ca bi nê làm việc của mình.
- Con thoải mái đi! ông nói.
Ông bỏ cái kính kẹp mũi ra, lim dim mắt, đứng dậy, săm soi con trai và thấy mọi thứ đều đúng quy tắc. Ông ôm lấy Karl-Joseph, họ hôn phớt lên má nhau.
- Ngồi đi, ông tỉnh trưởng nói và chỉ viên thiếu úy ngồi vào một cái phô tơi.
Về phần mình, thì ông đi đi lại lại trong phòng. Ông đang nghiền ngẫm một cách vào đề xứng hợp với hoàn cảnh. Lần này một lời chê trách hẳn sẽ là không đúng chỗ, và người ta gần như không thể nào khởi sự bằng cách biểu lộ sự thỏa mãn.
- Hẳn con sẽ phải phụ trách lịch sử của trung đoàn con, rốt cuộc ông nói, và cả lịch sử trung đoàn nơi ông con đã chiến đấu nữa. Bố sẽ phải đi Wien hai ngày để lo công vụ, con sẽ đi cùng bố.
Rồi ông rung một cái chuông nhỏ. Jacques xuất hiện.
- Hôm nay Cô Hirschwitz sẽ phải lo việc cho mang rượu vang lên, ông tỉnh trưởng ra lệnh, và, nếu có thể, thì chuẩn bị món bò rô ti cùng bánh sơ ri nhé. Chúng ta sẽ ăn muộn hơn thông thường hai mươi phút.
- Vâng, thưa ông nam tước.
Và Jacques thì thào:
- Tôi xin chúc mừng ông với cả tấm lòng!
Ông tỉnh trưởng tiến về phía cửa sổ, cảnh tượng có nguy cơ gây xúc động. Ông nhận thấy rằng, sau lưng mình, con trai ông đang chìa tay cho lão người hầu, trong khi Jacques lấy chân di di trên sàn, vừa làm thế vừa thì thào điều gì đó không hiểu nổi về ông chủ quá cố của mình. Ông chỉ quay người lại khi Jacques đã rời khỏi phòng.
- Trời nóng, có phải không? ông bố hỏi.
- Vâng, thưa bố.
- Bố nghĩ chúng ta nên ra ngoài hóng gió.
- Vâng, bố.
Ông tỉnh trưởng cầm lấy cây can gỗ mun có nắm đấm bạc của mình, thay vì cây gậy sáng màu mà thông thường ông thích dùng vào các buổi sáng đẹp trời. Ông cũng không cầm đôi găng tay ở tay trái, mà đi chúng vào. Ông đội cái mũ thành không cao lắm và rời phòng, theo sau là chàng thanh niên. Chậm rãi và không nói với nhau lời nào, họ đi dạo trong sự im lặng mùa hè của công viên. Nhân viên trị an chào họ theo lối quân sự, những người đàn ông đứng dậy khỏi các băng ghế để chào họ. Bên cạnh sự nghiêm trang u tối của ông tỉnh trưởng, trang phục hào nhoáng và sặc sỡ của chàng sĩ quen trẻ tuổi trông như thể sáng chói hơn và ồn ào hơn nữa. Ông già dừng lại trên lối đi nơi một cô thiếu nữ tóc rất vàng phục vụ soda cùng xi rô phúc bồn tử dưới một cái ô to màu đỏ và nói:
- Một thứ đồ uống mát thì sẽ không hại gì đâu.
Ông gọi hai cốc soda và, không hề để mất phẩm hạnh riêng, ông lén nhìn cô gái tóc vàng, người, theo lối vô chủ ý, có vẻ đầy hoan lạc đắm mình vào sự rực rỡ nhiều màu sắc của Karl-Joseph.
Họ uống, rồi tiếp tục cuộc dạo chơi. Thảng hoặc, ông tỉnh trưởng giơ cây can của mình lên một chút. Đấy là biểu lộ của một niềm phấn khích biết cách tự áp đặt các giới hạn. Dẫu ông im lặng và nghiêm trang như thường lệ, hôm nay, ông dường gần như vui tươi đối với con trai. Nhân dịp này, niềm vui bên trong của ông được để cho tự do bộc lộ ra bằng một tiếng ho húng hắng, một dạng cười. Ai đó chào ông, ông khẽ nhấc mũ lên. Vào một số thời điểm, thậm chí ông đi tận đến chỗ mạo hiểm nói ra những nghịch lý dạn dĩ, như chẳng hạn:
- Sự lịch thiệp cũng có thể quấy rầy ta.
Ông thích nói một lời bạo dạn hơn là để cho người khác thấy nỗi sung sướng mà những ánh mắt kinh ngạc của người đi ngang gây cho ông. Khi họ tiến lại gần cửa nhà, ông còn dừng lại thêm một lần, quay sang con trai và nói với cậu:
- Cả bố nữa, hồi bố còn trẻ, bố cũng rất muốn trở thành lính. Ông của con đã cấm ngặt bố làm như vậy. Giờ thì, bố sung sướng vì con không phải là công chức dân sự.
- Vâng, thưa bố, Karl-Joseph đáp.
Có rượu vang. Người ta cũng đã có thể làm món bò rô ti và bánh sơ ri. Cô Hirschwitz đến trong cái váy lụa màu xám của các Chủ nhật và, nhìn thấy Karl-Joseph, cô để rơi mất, chẳng mấy màu mè, phần lớn nhất trong sự nghiêm trang của mình:
- Tôi sung sướng quá, cô nói, và tôi xin khen ngợi cậu bằng cả tấm lòng.
- Chúc mừng mới là từ đúng, ông tỉnh trưởng nêu nhận xét.
Và bữa ăn bắt đầu.
- Không cần phải vội đâu, ông von Trotta nói, nếu bố ăn xong trước con, thì bố sẽ đợi một lúc.
Karl-Joseph ngẩng đầu lên. Cậu hiểu rằng từ nhiều năm nay bố cậu biết là khó theo được nhịp điệu của ông tới mức nào. Và cậu có cảm giác mình đang ném, lần đầu tiên, một ánh mắt vào trái tim sống động của bố cậu và vào đáy các ý nghĩ bí mật của ông, xuyên qua lớp giáp của ông già. Cho dù đã trở thành thiếu úy, Karl-Joseph vẫn đỏ mặt:
- Cám ơn, bố, cậu đáp.
Ông tỉnh trưởng tiếp tục vội vã hớp những thìa canh. Ông không tỏ chút nào là mình đã nghe thấy.
Vài hôm sau, họ đi tàu hỏa đến Wien. Người con trai đọc một tờ báo, ông bố thì xem đống hồ sơ. Đột nhiên, ông tỉnh trưởng ngẩng đầu lên và nói:
- Ở Wien, chúng ta sẽ đặt may cho con một cái quần kiểu, con mới có hai cái.
- Cám ơn, bố.
Họ tiếp tục đọc.
Họ chỉ còn cách Wien mười lăm phút thì ông bố gập đống hồ sơ của mình lại. Người con trai ngay tức thì xếp tờ báo. Ông tỉnh trưởng nhìn tấm gương trên cánh cửa, rồi con trai ông, trong vòng vài giây. Đột nhiên, ông nói:
- Con biết rõ, có phải không, quản đội Slama?
Cái tên ấy đập mạnh vào ký ức của Karl-Joseph, như lời gọi từ một giai đoạn đã qua. Ngay tức thì cậu trông thấy lại con đường dẫn đến trụ sở cảnh binh, căn phòng thấp, cái váy hoa, cái giường êm ái rộng rãi, cùng lúc cậu ngửi thấy mùi mộc tê của bà Slama. Cậu trở nên chăm chú.
- Thật không may anh ta đã bị góa từ mùa đông vừa rồi, ông von Trotta nói tiếp. Vợ anh ta đã chết trong lúc sinh. Chắc con phải tới thăm anh ta mới được.
Đột nhiên trong khoang tàu bốc lên một sự nóng không sao chịu nổi. Karl-Joseph tìm cách nới rộng cổ áo của mình. Trong lúc cậu tìm mà không nổi vài lời phù hợp, một ham muốn điên rồ được khóc, nồng nhiệt, trẻ con, thắt chặt lấy cổ họng cậu. Cuống họng của cậu khô khốc đi, như thể cậu đã không uống gì từ suốt nhiều hôm. Cậu thấy ánh mắt của bố cậu, cố công ngắm phong cảnh, cảm thấy, như một điều làm trầm trọng thêm nông nỗi đang hành hạ mình, sự tiến lại gần của cái đích về phía đó họ lăn bánh, không thể cứu chữa, mong sao ít nhất thì mình cũng đang ở ngoài hành lang và cùng lúc nhận thấy rằng không thể thoát khỏi cả cái nhìn của ông bố lẫn cái tin mà ông vừa nói cho cậu. Cậu tạm thời thu thập vài sức lực lại và nói:
- Con sẽ đến gặp ông ấy.
- Trông cứ như thể con bị say tàu hỏa, ông von Trotta nói.
- Vâng, thưa bố.
Câm lặng, cứng đơ, bị siết lấy bởi một nỗi hành hạ mà hẳn cậu không thể gọi được tên, mà cậu còn chưa bao giờ cảm thấy và giống như một căn bệnh khó hiểu phát xuất từ một vùng xa lạ, Karl-Joseph đến khách sạn. Cậu vẫn cố nói: "Xin lỗi, bố", rồi khóa cửa phòng mình lại, mở va li và lấy từ trong đó ra cái ví đựng vài bức thư của bà Slama, để trong những phong bì mà cậu đã nhận chúng, với địa chỉ đã được mã hóa của chúng: Hòm thư lưu, Mährisch-Weisskirchen. Các tờ giấy xanh mang màu của bầu trời, một làn hương mộc tê thoảng qua và những ký tự mảnh màu đen khiến nghĩ tới lũ én đang bay. Những bức thư của bà Slama, những bức thư của một người đã chết. Karl-Joseph thấy như thể chúng là lời thông báo đến sớm về kết thúc đột ngột của người phụ nữ trẻ tuổi và thấy ở chúng sự cao quý siêu nhiên kia, thứ chỉ tỏa ra từ những ai được giao phó cho cái chết; giống các lời chào từ trước của cõi bên kia. Cậu đã không hồi đáp bức cuối cùng. Kỳ thi tốt nghiệp, các bài diễn văn, những lời từ biệt, lễ mi-xa, sự bổ nhiệm, cấp bậc mới của cậu cùng những bộ quân phục mới đánh mất đi tầm quan trọng của chúng khi đối mặt với sự bay lên không thể dò thấu của các ký tự u tối trên cái nền màu xanh của chúng. Trên làn da cậu vẫn còn các dấu vết những bàn tay thích ve vuốt của người đã chết, trong hai bàn tay nóng bỏng của chính cậu vẫn còn giấu kỷ niệm về bộ ngực tươi mát và, nhắm mắt lại, cậu vẫn nom thấy nỗi mệt mỏi đầy sung sướng của khuôn mặt được thỏa tình ái, cái miệng đỏ, hé mở trên màu trắng hàng răng, đường cong lười biếng của cánh tay và, nơi tất tật các đường của cơ thể, phản chiếu của những giấc mơ đã được đủ đầy của một giấc ngủ sung sướng. Giờ đây lũ giòi đang bò trên ngực và đùi cô và sự thối rữa ngốn ngấu khuôn mặt xanh lè của cô. Những ảnh tượng tàn khốc của sự tàn hủy càng rõ lên dưới mắt chàng thanh niên, chúng lại càng châm lên dục vọng của cậu. Nó dường tăng tiến tận tới chỗ xâm chiếm cái vô tận không thể hình dung của những tầng cầu kia, nơi người chết đã biến mất vào: "Có khả năng lẽ ra mình không bao giờ đến gặp cô ấy nữa, viên thiếu úy tự nhủ. Lẽ ra mình đã quên cô ấy. Những lời của cô ấy thật êm dịu, đó là một bà mẹ, cô ấy đã yêu mình. Cô ấy chết rồi!"
Hiển nhiên là cậu đã góp phần vào cái chết của cô. Cô nằm đó, xác chết đầy yêu quý, trên ngưỡng cửa cuộc đời cậu.
Đấy là cuộc gặp đầu tiên của Karl-Joseph với cái chết. Cậu không còn nhớ mẹ mình nữa. Về bà, cậu chẳng biết gì hơn ngoài một nấm mộ được trang trí một lùm hoa lớn cùng hai bức ảnh. Giờ đây, cái chết sáng lóe lên trong mắt cậu như một tia chớp đen, giáng vào khoái lạc vô hại của cậu, biến tuổi trẻ của cậu thành tro và đẩy nó đến bờ của những độ sâu bí hiểm, thứ phân tách người sống khỏi người chết. Vậy là một cuộc đời đầy ngập muộn phiền đang mở ra với cậu. Cậu chuẩn bị sẵn để chịu đựng nó, đầy kiên quyết và tái nhợt, như một người đàn ông cần phải thế. Cậu xếp những bức thư vào lại trong va li, đóng nó lại. Cậu đi ra hành lang, gõ cửa phòng bố, bước vào và nghe thấy giọng của ông già như xuyên qua một vách thủy tinh dày.
- Hẳn có thể nói là con có một trái tim nhạy cảm!
Ông tỉnh trưởng đang chỉnh lại cái cà vạt trước tấm gương. Ông còn có việc phải làm với chính phủ, với ban giám đốc cảnh sát, với tòa thượng thẩm.
- Con sẽ đi cùng bố, ông nói.
Họ lên một cỗ xe hai ngựa, các bánh bọc cao su. Hơn bao giờ hết, Karl-Joseph có cảm giác các phố đang trong bữa tiệc tùng. Thứ vàng chói lóa của buổi chiều hè chảy tràn trên những ngôi nhà và cây cối, các đoàn tàu tramway, những người bộ hành, các cảnh sát, ghế băng, tòa công trình cùng những khu vườn. Người ta nghe thấy tiếng vó ngựa nện xuống đường, khô khốc. Các phụ nữ trẻ tuổi đi ngang như một sự lướt qua của ánh sáng êm dịu và sáng sủa. Những người lính chào theo lối quân sự. Các ô cửa kính lấp lánh. Làn gió êm ái của mùa hè thổi băng qua thành phố lớn.
Nhưng tất tật các vẻ đẹp của mùa hè trượt đi, không động tới họ, dưới cặp mắt thờ ơ của Karl-Joseph. Những lời của bố cậu đập vào tai cậu. Ông von Trotta nhận thấy cả trăm sự thay đổi: các tiệm thuốc lá đổi chỗ, những ki-ốt mới, các tuyến xe buýt được kéo dài thêm, các trạm dừng thay đổi. Nhiều điều đã khác so với thời của ông. Nhưng kỷ niệm trung thành của ông gắn chặt vào với toàn bộ những gì đã biến mất, cũng như vào toàn bộ những gì vẫn còn được lưu giữ, với một sự trìu mến êm ả và không mấy quen thuộc, lời lẽ của ông lôi ra ánh sáng các kho báu nhỏ bé bị giấu đi dưới những đổ nát của một thời kỳ đã biến mất, bàn tay xanh xao của ông chỉ, đồng thời chào chúng, những địa điểm nơi tuổi trẻ của ông xưa kia từng nở rộ. Karl-Joseph im lặng. Cậu vừa đánh mất tuổi trẻ của mình, cả cậu nữa, tình yêu của cậu đã chết, nhưng trái tim cậu đã mở ra với nỗi sầu muộn của ông bố và cậu bắt đầu tiên cảm được, rằng, đằng sau sự cứng rắn đầy xương xẩu của ông tỉnh trưởng, có một con người khác lẩn trốn, đầy bí hiểm và thế nhưng thân thuộc, một Trotta hậu duệ của một thương binh Slovenia và một người anh hùng dị thường, người anh hùng của trận Solferino. Và, các nhận xét cùng cảm thán của ông già càng ồn ào hơn, sự nhất trí của người con trai, vốn dĩ thông thường ngoan ngoãn, lại càng hiếm và kín đáo hơn, cái câu "vâng, bố" hợp quy, mà lưỡi của cậu đã tập luyện kể từ hồi còn bé, giờ đây mang một âm điệu mới, đầy tình anh em, thân tình. Ông bố có vẻ trẻ ra còn người con trai thì già đi. Họ dừng lại trước nhiều tòa nhà hành chính, nơi ông tỉnh trưởng tìm bạn bè thời xưa, các chứng nhân cho tuổi trẻ của ông. Brandl là một công chức cảnh sát cao cấp, Smekal sếp một bộ phận, Monteschitzky đại tá và Hasselbrunner, thư ký phái đoàn. Họ dừng lại trước các cửa hàng; tại Reitmeyer, bên dưới Tuchlauben, họ đặt hai đôi giày da hoẵng lì cho các buổi tiếp tân, vũ hội triều đình cùng những buổi chầu; ở chỗ Ettlinger, thợ may nhà binh và nhà cung cấp của triều đình, mà cửa hiệu nằm ở Auf der Wieden, một cái quần kiểu và xảy đến cái chuyện khó tin, ông tỉnh trưởng chọn tại cửa hàng Schafransky, thợ trang sức của triều đình, một hộp đựng thuốc lá bằng bạc, rất chắc chắn, lưng khía, thứ đồ xa xỉ trên đó ông thuê khắc những từ giàu sức an ủi sau: "In periculo securitas. Bố của con".
Họ tới Volksgarten, uống cà phê ở đó. Những cái bàn tròn kê ngoài hàng hiên lấp lánh lên, trắng tinh trong bóng tối màu lục, các ống xi phông in màu xanh lên khăn trải bàn. Những lúc tiếng nhạc dừng, người ta nghe thấy tiếng hót nhẹ nhõm của lũ chim. Ông tỉnh trưởng ngẩng đầu lên, như thể các kỷ niệm bay xuống với ông từ trên cao đó và bắt đầu:
- Một hôm, ở đây bố đã làm quen với một cô thiếu nữ. Đã bao lâu rồi kể từ đó nhỉ?
Ông chìm đắm vào các tính toán bí mật. Những năm dài, thật dài dường đã trôi qua kể từ bấy, đối với Karl-Joseph cứ như thể kia không phải bố của cậu, mà ông cụ của cậu mới là người đang ngồi cạnh cậu.
- Cô ấy tên là Mizzi Schinagl, ông già nói.
Ông khởi sự truy tìm hình ảnh đã biến mất nơi các ngọn cây dẻ rậm rạp, như thể đó là một con chim nhỏ.
- Bà ấy có còn sống không? Karl-Joseph hỏi, vì lịch sự và cũng nhằm tìm được một điểm định vị để ước lượng số năm đã qua.
- Bố hy vọng! Vào thời của bố, người ta không tình cảm đâu, con biết đấy. Người ta từ biệt các thiếu nữ và cả bạn bè của mình nữa...
Đột nhiên ông ngừng lời. Một người lạ mặt đang đứng gần bàn của họ, cà vạt bay trong gió, đội một cái mũ mềm và mặc áo khoác vạt chéo màu xám của một thời đại khác, đuôi áo bay phấp phới, mái tóc dài, dày phủ xuống gáy, khuôn mặt xám nhạt rộng bản râu ria lởm chởm, nhìn qua đã thấy là một họa sĩ, rất chính xác là hình ảnh truyền thống về "thể loại nghệ sĩ", dáng vẻ phi thực, như là trên các bức tranh minh họa cũ. Người đàn ông đặt hộp đựng tranh của mình lên mặt bàn và chuẩn bị mời chào các tác phẩm mình vẽ với sự thờ ơ cao ngạo mà sự nghèo cùng sứ mệnh của ông ta, bằng nhau chằn chặn, có thể truyền cho ông ta.
- Nhưng đây là Moser! ông von Trotta nói.
Họa sĩ chậm rãi giương cặp mí mắt nặng nề của hai con mắt lớn sáng màu của mình lên, nhìn ông tỉnh trưởng vài giây và chìa tay cho ông, nói:
- Trotta!
Một giây phút sau, ông đã vứt bỏ đi nỗi kinh ngạc cũng như sự dịu dàng của mình, ông ném hộp tranh lên bàn, làm đống cốc run lên và hét: "Trời ơi!" ba lần liền và to đến nỗi ông thực sự có vẻ làm được cho sấm sét vọt ra, đầy vẻ thắng lợi tung một ánh mắt nhìn quanh về phía các bàn bên cạnh và tỏ vẻ đợi từ chúng những tiếng vỗ tay, ngồi xuống, bỏ cái mũ mềm của mình ra và ném nó xuống nền sỏi gần cái ghế của ông, dùng cùi chỏ đẩy hộp tranh, vừa làm vậy vừa bình thản gọi nó là "đồ bẩn thỉu", cúi đầu trước viên thiếu úy, nhíu mày, ngửa người ra sau và nói:
- Con trai anh, hử, thưa ông thủ hiến?
- Bố xin giới thiệu với con người bạn hồi trẻ của bố, ông giáo sư Moser! ông tỉnh trưởng tuyên bố.
- Trời hỡi, ông thủ hiến! Moser nhắc lại.
Cùng lúc, ông tóm lấy áo một anh bồi, hạ giọng gọi đồ uống, như một bí mật, ngồi xuống và im lặng, cặp mắt hướng về phía người bồi sẽ quay trở lại cùng món đồ. Rốt cuộc, ông có ở trước mặt một cốc soda một nửa pha sliwowitz sáng màu, nhiều lần ông đưa nó qua bên dưới hai lỗ mũi nở to của mình, đưa nó lên miệng bằng một động tác tay hùng mạnh, như thể chuyện nằm ở chỗ phải một hơi uống cạn một cốc thật nặng, rốt cuộc đưa viền môi lướt qua nó và liếm mép bằng đầu lưỡi.
- Anh ở đây từ hai tuần rồi, thế mà anh không đến gặp tôi! ông bắt đầu với vẻ tra xét và nghiêm khắc của một thượng cấp.
- Moser yêu quý, ông von Trotta đáp, tôi vừa mới tới hôm qua và mai đã quay về luôn rồi.
Họa sĩ nhìn chằm chằm vào mặt ông tỉnh trưởng một hồi lâu. Rồi ông lại cầm lấy cốc của mình lên và uống cạn nó không dừng lại, như uống nước. Khi đặt nó lại xuống bàn, ông hụt mất miếng lót và để mặc cho Karl-Joseph nhấc nó khỏi tay.
- Cám ơn, họa sĩ nói, rồi, ngón trỏ chỉ vào chàng thiếu úy:
- Ngoạn mục thật, sao mà giống người anh hùng của trận Solferino! Chỉ kém cương nghị hơn thôi. Cái mũi hơi mảnh. Miệng thì hơi hiền dịu. Sẽ có thể biến đổi theo thời gian.
- Chính giáo sư Moser đây là người đã vẽ chân dung ông con đấy, ông già Trotta nêu nhận xét.
Karl-Joseph nhìn bố và họa sĩ. Bức chân dung ông của cậu, mù sương bên dưới trần của phòng hút thuốc, trồi lên trong kỷ niệm của cậu. Mối quan hệ của ông cậu với vị giáo sư này đối với cậu thật không hiểu nổi, sự thân tình của bố cậu với Moser khiến cậu thấy sợ. Cậu nhìn thấy bàn tay bẩn thỉu to tướng của người lạ mặt đập xuống, để thể hiện tình bạn, cái quần sọc của ông tỉnh trưởng và đùi của ông khẽ có một cử động thối lui. Và ông già ở lại đó, vẻ cao quý như thường lệ, người ngật ra đằng sau như để tránh các luồng hơi rượu hướng về phía ông, về phía mặt ông, ông mỉm cười và chấp nhận mọi điều.
- Chắc anh phải làm sao để trẻ ra đấy, họa sĩ nói. Anh đã trở nên xập xệ quá! A, bố anh từng có một dáng dấp khác!
Ông tỉnh trưởng mân mê râu và mỉm cười.
- Cái ông già Trotta này! họa sĩ lại bắt đầu.
- Tính tiền, đột nhiên ông tỉnh trưởng gọi, giọng đầy kiềm chế. Anh sẽ thứ lỗi cho chúng tôi nhé, Moser, chúng tôi có một cuộc hẹn.
Họa sĩ vẫn ngồi yên. Ông bố và người con trai rời khỏi khu vườn.
Ông tỉnh trưởng luồn tay xuống dưới cánh tay con trai. Đây là lần đầu tiên Karl-Joseph cảm thấy cánh tay gầy guộc của bố cậu áp vào ngực mình. Bàn tay ông bố, trong cái găng bằng da màu ghi sẫm, uốn cong, nhẹ và đầy tin tưởng, trên ống tay áo màu xanh của bộ quân phục. Cũng chính bàn tay ấy, khô và đầy giận dữ, trong tiếng sột soạt của cái măng sét nặng trịch, có thể cổ vũ và cảnh báo, im lìm lật giở các tờ giấy bằng những ngón gầy của nó, điên tiết đóng các ngăn kéo lại, giật những chìa khóa khỏi các ổ với biết bao kiên quyết, tới nỗi người ta có thể nghĩ chúng bị đóng lại vĩnh viễn! Đấy là bàn tay hay gõ xuống gờ bàn, đầy sốt ruột, sẵn sàng can thiệp những khi mọi sự không đi theo đúng ý chủ nhân của nó, hoặc vào ô cửa kính, những khi một nỗi im lặng phiền toái ngự trị căn phòng. Bàn tay đó giơ lên, ngón trỏ chỉ thẳng, nếu ai đó đã phạm phải một sự lơ là nào đó trong nhà, nó nắm lại thành một nắm đấm câm lặng không bao giờ giáng xuống, đầy dịu dàng áp lên trán, khéo léo tháo cái kính kẹp mũi, nhẹ nhàng bọc lấy cốc rượu, đầy mơn trớn đưa lên miệng điếu Virginia màu đen. Đấy là bàn tay trái của ông bố, từ lâu đã quen thuộc với người con trai. Tuy nhiên, dường như mãi tận hôm nay người con trai mới phát hiện rằng đấy là bàn tay của bố cậu, một bàn tay ông bố. Karl-Joseph thấy muốn ép chặt bàn tay ấy vào ngực mình.
- Cái tay Moser đó, con thấy không, ông tỉnh trưởng bắt đầu.
Ông im bặt một lúc, tìm từ đúng, thật cân nhắc, rồi rốt cuộc nói:
- Lẽ ra ông ấy đã có thể trở thành một ai đó.
- Vâng, thưa bố.
- Ông ấy vẽ bức chân dung ông con khi mới mười sáu tuổi đấy. Hồi đó bọn bố đều mười sáu! Ở lớp, ông ấy từng là người bạn duy nhất của bố. Rồi ông ấy vào trường Mỹ thuật. Rượu đã túm lấy ông ấy. Dẫu thế nào...
Ông tỉnh trưởng im bặt. Sau vài phút ông mới nói tiếp:
- Trong số tất tật những người mà bố đã gặp lại hôm nay, dẫu thế nào thì chính ông ấy mới là bạn của bố.
- Vâng, thưa cha.
Đây là lần đầu tiên Karl-Joseph nói ra cái từ "cha".
- Vâng, thưa bố, cậu nói thật nhanh, hồi tâm lại.
Bóng tối đang buông. Trời đột nhiên tối trên phố.
- Bố lạnh à?
- Không hề.
Nhưng ông tỉnh trưởng rảo bước chân. Họ sớm đến gần khách sạn.
- Thưa ông thủ hiến! ai đó kêu lên sau lưng họ.
Họa sĩ Moser rõ ràng là đã đi theo họ. Họ ngoái đầu lại.
Ông ở đó. Cái mũ cầm ở tay, đầu cúi, đầy hèn mọn, như thể ông muốn làm người ta quên đi sự mỉa mai trong tiếng gọi của mình.
- Xin các ông vui lòng lượng thứ, ông nói, tôi đã nhận ra quá muộn là tôi không còn lại gì trong hộp đựng thuốc lá của mình.
Ông thò ra một cái hộp sắt tây, há hốc và trống rỗng. Ông tỉnh trưởng rút túi đựng xì gà của mình ra.
- Tôi không hút xì gà, họa sĩ tuyên bố.
Karl-Joseph chìa cho ông một bao thuốc lá. Với rất nhiều kiểu cách, Moser đặt túi tranh của mình xuống chân, trên lòng đường, đút đầy thuốc lá vào hộp, hỏi xin lửa, dùng hai bàn tay che quanh ngọn lửa nhỏ màu xanh. Chúng đỏ, dính dáp, quá to đối với các khớp. Một cơn run nhẹ làm chúng lay động, chúng khiến người ta nghĩ đến những thứ dụng cụ phi lý. Các móng tay của ông giống mấy cái mai nhỏ, dẹt và đen, với đó hẳn ông đã cào đất, bùn lầy, các hỗn hợp màu và ni-cô-tin lỏng.
- Vậy là chúng ta sẽ không còn gặp lại nhau nữa, ông nói.
Ông cúi xuống hộp tranh. Ông đứng thẳng dậy. Những giọt nước mắt to tướng chảy trên hai má ông.
- Chẳng bao giờ nữa! ông nức nở.
- Con phải lên phòng một phút, Karl-Joseph nói.
Và cậu bước vào khách sạn.
Cậu chạy lên cầu thang, cúi người ra cửa sổ, đầy lo lắng quan sát ông bố; cậu trông thấy ông già rút ví ra, hai giây sau đó họa sĩ đặt bàn tay khủng khiếp của mình lên vai ông tỉnh trưởng và nghe thấy Moser gào lên:
- Nào, Franz, số ba, như thường lệ!
Karl-Joseph chạy hết tốc lực xuống, cậu thấy dường mình phải bảo vệ ông bố. Giáo sư chào và đi ra xa với một cái vẫy tay cuối cùng; đầu ngẩng cao, ông đi qua phố theo đường thẳng, với một sự chắc chắn của người mộng du. Sang tới vỉa hè bên kia, ông lại vẫy tay trước khi biến mất vào một con đường bên cạnh. Nhưng giây lát sau ông xuất hiện trở lại, hét to: "Đợi đã!" lớn giọng tới nỗi phố im lìm vang lừng cả lên. Ông băng ngang nó bằng những bước chân thật dài, với sự chắc chắn không thể tin nổi, lại đứng trước khách sạn, hết sức vô lo nghĩ, có thể nói là hết sức "mới tới nơi", đến mức hẳn người ta chẳng thể nào ngờ là ông đã từ biệt ngay trước đó mới một phút. Và như thể ông đang nhìn thấy người bạn hồi trẻ và con trai của người đó lần đầu tiên, ông khởi sự bằng giọng cầu khẩn:
- Sao mà buồn vì gặp lại nhau như thế này! Anh có nhớ băng ghế thứ ba nơi chúng ta từng ngồi cạnh nhau không? Hồi đó anh kém tiếng Hy Lạp, và tôi để cho anh chép bài! Trung thực nhé, tự anh nói điều đó đi, trước mặt con anh! Chẳng phải tôi từng luôn luôn để anh chép bài sao?
Rồi, với Karl-Joseph:
- Đấy từng là một chàng trai khá, bố của cậu ấy, nhưng là một người rụt rè. Mãi rất muộn thì ông ấy mới đến chỗ các cô gái. Tôi đã phải khuyến khích ông ấy can đảm lên, bằng không chắc chẳng bao giờ ông ấy tìm được đường. Công bằng đi nào, Trotta, hãy nói rằng tôi đã dẫn dắt anh chứ?
Ông tỉnh trưởng mỉm cười đầy thích thú và giữ im lặng. Moser chuẩn bị thốt ra một bài diễn văn dài. Ông đặt hộp tranh xuống đất, tiến lên một bước và khởi sự:
- Lần đầu tiên tôi gặp ông già, đó là trong kỳ nghỉ. Anh vẫn nhớ chứ, hử?
Đột nhiên ông ngừng lời và đưa hai bàn tay bừng sốt của mình lên lần tìm các túi. Những giọt mồ hôi to tướng lấp lánh trên trán ông:
- Tôi đánh mất rồi, ông kêu lên, run rẩy, lảo đảo, tôi đánh mất tiền rồi!
Cùng lúc đó, người gác cửa khách sạn đi ra. Ông ta chào ông tỉnh trưởng và viên thiếu úy, bằng một động tác mau mắn nhấc cái mũ cát két gắn ngù vàng của mình ra. Ông ta phô ra một khuôn mặt khó chịu. Hẳn có thể nói rằng ông ta chỉ chực cấm họa sĩ Moser đứng trước khách sạn, gây ồn ào và xúc phạm những người khách. Ông già Trotta thò tay vào túi và họa sĩ im miệng.
- Con có thể giúp bố tránh phiền hà không? ông bố hỏi.
Viên thiếu úy đáp:
- Con sẽ đi cùng ông giáo sư một lúc. Chào nhé, bố!
Ông tỉnh trưởng nhấc cái mũ thành không cao lắm lên và đi vào khách sạn. Viên thiếu úy đưa một tờ tiền cho giáo sư, rồi đi theo bố. Họa sĩ Moser nhặt hộp tranh lên rồi vênh váo đi khỏi.
Bóng tối sâu thẳm đã ngự trị trên các phố. Trong sảnh khách sạn cũng tối như vậy. Ngồi trong một cái phô tơi da, chìa khóa phòng cầm tay, cái mũ thành không cao lắm cùng cây can để bên cạnh, chính ông tỉnh trưởng cũng là bộ phận không thể tách rời của bóng tối lờ mờ. Người con trai dừng lại cách một khoảng đầy kính cẩn, như thể cậu muốn trình bày một bản báo cáo về việc thanh lý vụ việc Moser. Các ngọn đèn còn chưa được bật. Giọng của ông von Trotta trào ra từ bóng tối lờ mờ im lìm:
- Chiều mai chúng ta sẽ quay về, vào lúc hai giờ mười lăm phút.
- Vâng, bố.
- Bố vừa nảy ra một ý, trong buổi công xe, rằng con sẽ đến gặp chỉ huy đội nhạc Nechwal. Sau khi đã tới thăm quản đội Slama, dĩ nhiên rồi. Con còn có việc gì phải làm ở Wien nữa không?
- Bảo người ta gửi cho con cái quần cùng hộp đựng thuốc lá.
- Gì nữa?
- Không có gì, thưa bố.
- Sáng mai, con cũng sẽ đến thăm hỏi cậu của con nhé. Rõ ràng là con đã quên mất ông ấy. Đã bao nhiêu lần con được đón tiếp ở nhà ông ấy rồi?
- Hai lần mỗi năm, thưa bố.
- Chà! Nhắc đến bố với ông ấy nhé. Bảo ông ấy là bố xin lỗi ông ấy. Thêm nữa, ông ấy có khỏe không, cái ông Stransky trung hậu?
- Rất khỏe, vào lần gần đây nhất con gặp.
Ông tỉnh trưởng cầm cây can lên và ấn bàn tay vào nắm đấm bằng bạc như thể ông đang đứng, như thể cần phải có một điểm tựa thêm, ngay cả khi đang ngồi, ngay khi vấn đề là ông Stransky kia.
- Lần gần đây nhất mà bố gặp ông ấy cách đây đã mười chín năm rồi. Hồi đó ông ấy hẵng còn là trung úy. Đã yêu đắm đuối cái bà Koppelmann kia. Không thể chữa trị! Đấy là một câu chuyện rất đáng bực. Tức là, ông ấy đã yêu đắm đuối cái bà Koppelmann kia. (Ông phát âm cái tên đó lớn tiếng hơn phần còn lại và với một sự ngắt quãng rất rõ giữa hai phần.) Lẽ dĩ nhiên họ đã không thể đưa tiền bảo lãnh. Mẹ con đã gần như thuyết phục được bố trả phân nửa đấy.
- Ông ấy đã rời khỏi quân đội?
- Ông ấy đã làm thế, phải. Và ông ấy đã vào làm hãng đường sắt miền Bắc. Giờ ông ấy làm gì ở đó rồi? Thanh tra, bố nghĩ vậy, hử?
- Đúng, thưa bố.
- Được rồi! Chẳng phải là ông ấy đã biến con trai mình thành một dược sĩ à?
- Không, thưa bố. Alexander vẫn còn học trung học.
- A! Nó hơi khập khiễng chân, theo như bố từng nghe nói.
- Cậu ấy có một chân ngắn hơn chân còn lại.
- Đúng thế rồi, rốt cuộc ông von Trotta nói, thỏa mãn như thể cách đó mười chín năm ông đã tiên đoán là Alexander sẽ thọt chân.
Ông đứng dậy. Những ngọn đèn trong sảnh đã được thắp, chiếu sáng vẻ nhợt nhạt của ông.
- Bố đi lấy tiền đây, ông nói; ông tiến về phía cầu thang.
- Để con đi cho, bố! Karl-Joseph tuyên bố.
- Cám ơn! ông tỉnh trưởng đáp.
- Bố khuyên con tới Bacchus, sau đó ông nói, trong lúc họ ăn món tráng miệng. Có lẽ tại đó con sẽ gặp Smekal.
- Cám ơn, thưa bố. Ngủ ngon nhé.
Từ mười một đến mười hai giờ trưa, Karl-Joseph đi thăm ông cậu Stransky. Ông vẫn ở văn phòng, vợ ông, nhũ danh Koppelmann, bảo cậu chuyển những lời chào thân ái của bà đến ông tỉnh trưởng. Karl-Joseph từ đó chậm rãi quay về qua ngả Ringkorso. Cậu tới Tuchlauben, bảo người ta gửi quần đến khách sạn, đi lấy hộp đựng thuốc lá. Cái hộp thật lạnh, người ta cảm thấy sự mát mẻ của nó áp vào da thịt xuyên qua cái túi của áo nẹp mỏng. Cậu nghĩ tới chuyến đến thăm chia buồn chỗ viên quản đội và quyết định sẽ không bước vào phòng dẫu là dưới cái cớ nào.
- Xin được thành kính phân ưu, thưa ông Slama, hẳn cậu sẽ nói ngay từ hàng hiên.
Lũ chiền chiện hót, vô hình dưới vòm trời thanh thiên. Người ta nghe thấy tiếng nỉ non sắc lẻm của bọn dế, người ta ngửi thấy mùi cỏ khô, hương muộn màng của các cây keo, các chồi đang nở tại những khu vườn của trụ sở cảnh binh. Bà Slama đã chết. Catherine-Louise, theo giấy chứng nhận rửa tội của cô. Cô đã chết.
Họ ở trên tàu. Ông tỉnh trưởng gạt đi đống hồ sơ của mình, tựa đầu vào đống gối dựa bằng nhung đỏ, trong góc sau cánh cửa, nhắm mắt lại.
Lần đầu tiên Karl-Joseph nhìn thấy cái đầu của ông tỉnh trưởng nằm ngang, hai lỗ mũi nở rộng trên cái mũi mảnh và xương xẩu, lúm đồng tiền mờ bụi xinh xắn trên cái cằm cạo thật nhẵn và hai bên bộ râu yên bình xòe ra thành hai cái cánh màu đen lớn. Chúng đã hơi điểm bạc ở đầu, nơi tuổi tác đã lướt qua chúng, cũng như ở thái dương.
"Rồi một ngày ông ấy sẽ chết, Karl-Joseph tự nhủ. Ông ấy sẽ chết, người ta sẽ chôn ông ấy. Còn mình, mình sẽ ở lại."
Chỉ có họ ở trong khoang tàu. Khuôn mặt của ông bố, say ngủ, được ru dịu dàng trong bóng tối lờ mờ màu đỏ nhạt của lớp lót ghế. Bên dưới hàng ria đen, cặp môi mỏng và nhợt nhạt như thể tạo thành một nét duy nhất; trên cái cổ gầy ngẳng, giữa các góc bừng sáng của cái cổ giả, yết hầu co tròn lại; làn da màu xanh nhạt, nhăn nheo vô tận, hai mí mắt nhắm thường trực run rẩy; cái cà vạt rộng màu cặn rượu đều đặn nâng lên hạ xuống và, ở chót hai cánh tay khoanh lại trên ngực, những bàn tay cũng ngủ, trong hõm nách. Một sự bình yên to lớn toát ra từ ông bố đang nghỉ ngơi. Sự nghiêm khắc đã thiếp ngủ và dịu đi của ông thiu thiu, cả nó nữa, náu mình bên trong nếp nhăn yên bình thẳng đứng giữa mũi và trán, giống một cơn bão đang ngủ trong một kẽ dốc đứng giữa các ngọn núi. Nếp nhăn ấy được Karl-Joseph biết rõ, thậm chí nó hết sức thân thuộc đối với cậu. Nó trang trí cho khuôn mặt của người ông trên bức chân dung treo trong phòng hút thuốc, cùng nếp nhăn đó, món trang sức đầy giận dữ của những người nhà Trotta, di sản của người anh hùng trận Solferino.
Ông bố mở mắt ra.
- Bao lâu nữa thì tới nơi?
- Hai tiếng, thưa bố.
Trời đổ mưa. Đó là một thứ Tư. Chuyến viếng thăm nhà Slama để chia buồn được định là chiều thứ Năm. Sáng thứ Năm trời cũng mưa. Mười lăm phút sau bữa ăn, khi họ vẫn đang uống cà phê trong phòng hút thuốc, Karl-Joseph tuyên bố:
- Con sẽ đến nhà vợ chồng Slama.
- Anh ta chỉ có một mình thôi, hỡi ôi! ông tỉnh trưởng đáp. Chắc con sẽ tìm được anh ta vào quãng bốn giờ.
Đúng lúc đó, người ta nghe thấy tháp chuông nhà thờ điểm hai tiếng; ông tỉnh trưởng giơ ngón tay trỏ lên chỉ vào nó, qua cửa sổ, về phía những cái chuông. Karl-Joseph đỏ mặt. Cậu thấy dường bố cậu, cơn mưa, những cái đồng hồ treo tường, thời gian, và chính tự nhiên đã quyết định làm cho việc mà cậu phải làm trở nên nặng nề hơn. Vào các buổi chiều đó, nơi cậu vẫn còn được phép đến gặp bà Slama còn sống, cậu từng rình đợi tiếng những cái chuông, sốt ruột giống hôm nay, nhưng lại nghĩ tới những phương cách để tránh viên quản đội. Những buổi chiều ấy dường đã bị chôn vùi dưới hàng chục và hàng chục năm. Cái chết phủ bóng lên chúng và giấu chúng đi, cái chết dựng lên giữa xưa kia và hôm nay và tuồn bóng tối phi thời gian của nó vào giữa quá khứ và hiện tại. Và thế nhưng, tiếng của những cái chuông đã không thay đổi và vẫn chính xác giống xưa kia, ngày hôm nay khi họ đang uống cà phê trong phòng hút thuốc.
- Trời mưa đấy, ông bố nói như thể chỉ vừa nhận ra. Có lẽ con sẽ đi xe chăng?
- Con thích đi bộ dưới mưa, thưa bố.
Cậu muốn nói: "Dài, sẽ rất dài con đường mà mình phải đi qua. Có lẽ trước đây, hồi cô ấy hẵng còn sống, lẽ ra mình đã phải đi xe!"
Sự yên bình ngự trị, cơn mưa gõ lên các cửa sổ. Ông tỉnh trưởng đứng dậy.
- Bố đi sang bên kia đây.
Ông muốn nói: "Sang văn phòng."
- Chúng ta gặp lại nhau sau!
Ông đóng cửa lại nhẹ nhàng hơn so với ông vẫn quen. Karl-Joseph có cảm giác bố cậu còn nán lại một lúc bên ngoài, dỏng tai nghe ngóng.
Giờ đây chuông điểm mười lăm phút, rồi nửa tiếng. Đã hai giờ rưỡi. Vẫn còn một tiếng rưỡi nữa! Cậu đi ra hành lang, cầm lấy cái áo ca pốt, mất rất nhiều thời gian để chỉnh mấy nếp gấp sau lưng theo đúng quy tắc, kéo bao kiếm để luồn nó được qua khe túi, máy móc đội cái mũ kêpi lên đầu trước tấm gương và rời khỏi nhà.
Cao Việt Dũng dịch
father & son