Tâm hồn và Hình thức

280 trang
13,5 x 20,5 cm
Đây là tập tiểu luận được Lukács viết hồi còn rất trẻ, trong đó trình hiện cái nhìn, đánh giá của ông về một số nhân vật lớn của văn chương thế giới: điều gì là yếu tính nơi tinh thần họ, và nơi tác phẩm của họ. Với Tâm hồn và hình thức, Lukács đặt ra cho mình một thử thách (và câu hỏi) lớn: tiểu luận phê bình có thể trở thành một hình thức nghệ thuật hay không? Ngày nay, các nhân vật trở thành đối tượng cho cuốn sách của Lukács dễ gây khó hiểu: Rudolf Kassner là ai? Rồi thì Beer-Hofmann, Storm, Philippe? Tất nhiên, nếu không biết Paul Ernst hay Stefan George thì ấy là lỗi của độc giả, nhưng điều quan trọng nằm ở chỗ Lukács không hẳn coi phê bình là một công việc của ghi nhận nhân vật. Những tiểu luận của Lukács vẫn được đọc, kể cả khi các nhân vật được nói tới đã mờ đi.
Nhưng một tâm hồn thì phải đón lấy bi kịch của mình. Chính trong bi kịch, tâm hồn tìm thấy mình, nhận ra mình. Một trong những điều chuẩn xác và nghiệt ngã nhất Lukács viết là tâm hồn luôn kiếm tìm thẩm phán của nó - một thẩm phán nghiêm khắc đến tàn nhẫn, không ân xá, không xót thương và phải sinh ra từ bên trong chính nó, không được dựa dẫm vào bất kỳ tiêu chuẩn bên ngoài nào. Điều này - gần như không thể giải thích với những ai chưa từng kinh nghiệm - lại rất hiển nhiên với những người đã nhìn thấy, dẫu chỉ trong lóe chớp, sự thật vẫn luôn ở đó mà không được nhận ra. Nhu cầu sâu thẳm của tâm hồn là được (bị) phán xét, được (bị) trừng phạt. Tội và phạt không phải là hiện tượng bên ngoài mà là những sự kiện thiết thân của tâm hồn, là bằng chứng rõ nhất cho một tâm hồn đang tan chảy trong tình yêu. "Con người ý thức về số phận mình và gọi ý thức này là "tội lỗi." Và bằng cách cảm thấy rằng mọi thứ buộc phải xảy ra với anh ta đều do anh ta tạo ra, anh ta vẽ những công tua chắc chắn quanh tất cả những gì bên trong vô tình lọt vào con sóng những tình cờ tạo nên sự sống mình.
Lukács trên Văn Bản