Hélène Cixous: Viết chết
Hélène Cixous là nữ triết gia Pháp, correspondante của Michel Foucault và Jacques Derrida. Dưới đây là đoạn đầu trong quyển Ba bậc trên thang viết. Bản dịch (chưa bao gồm các chú thích) dựa theo bản dịch tiếng Anh của Sarah Cornell và Susan Sellers, Columbia University Press xuất bản năm 1993, tên do chúng tôi tạm đặt.
Viết chết
- Hélène Cixous
Khi chọn một text tôi bị gọi: tôi tuân theo tiếng gọi của một số text; tôi bị từ chối bởi những text khác. Những text gọi tôi có những giọng khác nhau. Nhưng chúng có một giọng chung - mặc cho tất tật những khác nhau ấy, chúng có một âm nhạc khớp với tôi: bí mật nằm ở đó. Bạn có thể đã biết những âm nhạc tôi nghe thấy. Tôi mang chúng theo đây, tôi sẽ làm chúng vang lên. Có Clarice Lispector: âm nhạc khô, cứng, nghiêm và sắc, giống như Bernhard. Có âm nhạc dịu dàng uốn lượn của Tsvetaeva, và cả âm nhạc quặn lòng của Ingeborg Bachmann. Tất cả đi trên cùng cái thang. Với chúng ta, đó là cái thang đi xuống, vì chuyển động lên, với bao nhiêu khó nhọc, là lên tới đáy cùng. Lên hun hút, phải nói vậy vì người ta vẫn quen nghĩ xuống là dễ. Những tác giả tôi yêu là những người đi xuống, quăng mình vào cuộc dò tìm cái thấp nhất và sâu nhất. Sự dễ dàng của xuống là lừa mị. Ở những người tôi yêu, xuống đôi khi là một kinh nghiệm bất khả, đau đớn vô chừng, và đôi khi họ phải dừng, không tiếp tục, giống như Kafka:
“Anh nói tôi nên xuống nữa, nhưng tôi đã xuống sâu lắm rồi, vậy nhưng nếu không thể khác thì tôi sẽ ở lại đây. Cái chỗ hay sao! Chắc là chỗ sâu nhất đấy. Nhưng tôi sẽ ở lại đây, chỉ là đừng bắt tôi xuống sâu hơn nữa.”
(Bạn có thể đã biết Kafka là hai người và đôi khi vẫn gọi mình là “anh”, giống như Leonardo da Vinci.)
[...]
1. Cần một phụ nữ chết để bắt đầu
Để bắt đầu (viết, sống), phải có cái chết. Tôi thích người chết, đó là những người giữ cửa: đóng bên này lại để mở bên kia.
Phải có cái chết, nhưng là cái chết trẻ trung, bạo liệt, tươi mới và hiện diện, cái chết ngày hôm nay. Cái chết nhảy thẳng vào mặt ta, đột ngột ta không kịp tránh, ý tôi là không kịp tránh cảm giác hơi thở của nó chạm vào ta. Ha!
[...] Đúng là cả cái chết lẫn người giữ cửa đều không đủ để mở cửa. Phải có can đảm và ham muốn tiến đến, đi thẳng vào cánh cửa.
Viết là nỗ lực không xóa nhòa cảnh ấy, không quên, không quên. Với Lispector là vậy, với Tsvetaeva và Ingeborg Bachmann cũng vậy… Tất cả những người tôi yêu, từng người, trong ngôn ngữ của họ, trong giọng của họ, trong nụ cười và nước mắt của họ, không ai giống ai. Cho đến khi tôi phát hiện ra, sau đó, rằng ban đầu mỗi người họ đều có một xen khai mở. Sự viết nảy ra từ đó.
Vì lúc nào cũng thế: một xen, một cảnh. Cảnh ấy là cánh cửa mở ta phải đi qua. Xen khai mở của Thomas Bernhard:
“Con đường đưa tôi qua một lò mổ. Cửa mở, cưa, dao, xẻo xếp gọn gàng, những đồ giết mổ cái còn dính máu, cái chùi sáng long lanh, những cái pistol, những con ngựa đổ vật, những cái bụng phơi trần ọe ra những xương cùng máu. Qua lò mổ vài bước là nghĩa địa, nhà xác, hầm mộ. Ngày đầu tiên, tôi vẫn nhớ cạnh một người trẻ tuổi xanh xao bày trong nhà xác là đứa con người làm pho-mát, và cạnh đó - tim tôi vẫn đập thình thình trên ghế lớp học - một cô giáo. Bà tôi luôn dẫn tôi đi cùng. Buổi sáng tôi đến trước nghĩa địa một mình. Buổi chiều bà dẫn tôi đến thăm nhà xác. Bà bảo tôi, “Nhìn kìa, người phụ nữ nằm kia. Toàn xác là xác.”
[...] Không phải ngẫu nhiên mà ta thấy nghĩa địa hiện ra ngay giữa ký ức. Cuộc tập sự đầu tiên là với nghĩa địa. [...] Rồi ta dành cả đời cố không nhìn những gì đã thấy. Cảnh ở đấy: những gì ta biết khi còn nhỏ; khi còn nhỏ, ta biết mọi thứ, theo cách trẻ con.
Tôi nói những người chết đầu tiên là thầy dạy đầu tien, những người mở cánh cửa dẫn sang bên kia cho ta, miễn là ta chịu được. Viết, nhiệm vụ cao quý nhất của nó, là cố gắng không xóa đi, là đào lên, tìm lại lần nữa cái cảnh nguyên ủy, cái cảnh đã làm ta hãi hùng đến thế. Lạ lùng, cảnh ấy là một xen. Nó không ở đó mà không có lý do. Những người đã tiếp xúc với cánh cửa thấy nó đúng là một xen, xen kịch. Sao lại là hình thức ấy: một xen? Sao nó lại trở thành xen tội ác? Là vì ta là khán giả của xen ấy: ta không ở trong xen; ta đi xem kịch, không phải diễn viên trên sân khấu. Ta là chứng nhân của một xen kỳ vĩ, mà bí mật nằm ở phía bên kia. Ta không nắm bí mật. Ta chỉ thấy một cảnh bày ra trước mặt mình.
Xen mở đầu “Pushkin của tôi” của Tsvetaeva là cảnh sau:
“Mọi thứ bắt đầu giống cái chương trong cuốn tiểu thuyết ấy, quyển sách gối đầu giường của các mẹ và các bà - Jane Eyre - bí mật của căn phòng đỏ.
Trong căn phòng đỏ, một cái tủ bí ẩn.
Nhưng trước cái tủ bí ẩn còn có gì khác nữa: một cảnh, một bức tranh trong phòng mẹ tôi - “Cuộc đấu súng”.
Cuộc đấu súng: cái chết của Pushkin. Đầu tiên có bức tranh ấy: ta bước vào hoặc không. Cuộc đấu súng - cái chết - bức tranh: chúng tạo thành một cánh cửa, một cửa sổ, một lối mở. Montaigne nói triết học là học chết. Viết là học chết. Học làm sao đừng sợ, học sống ở cực hạn của sống, tức là những gì người chết, cái chết cho ta.
[...] Cái chết của người ấy cho ta kinh nghiệm nguyên ủy, tiếp xúc với thế giới khác [...] Nghĩa là cho ta mọi thứ, cho ta điểm cuối thế giới này; muốn làm con người, cần kinh nghiệm điểm chót cùng thế giới. Cần phải mất thế giới, mất một thế giới, và khám phá ra rằng có nhiều hơn một thế giới, rằng thế giới đâu phải như ta từng tưởng. Không có kinh nghiệm ấy, ta chẳng thể biết gì về sự bất tử và phù du mang trong mình. Ta không thể biết mình đang sống nếu còn chưa đối mặt cái chết: những chuyện ai cũng biết, và luôn luôn bị xóa nhòa. Nhưng cái đó là ân sủng.
Dostoyevsky được thế giới nhờ mất nó (lúc nào cũng thế, ta lại quay lại kinh nghiệm của Abraham và Isaac), được nó chính nhờ bị kết án tử hình, vì đã đứng trước đội xử tử, rồi được tha, trong gang tấc. Ân sủng là như thế: nhận án tử, rồi được rút lại.
Tất nhiên tôi chỉ nói về cái chết của người ta yêu, hoàn toàn chỉ trong vòng của tình yêu. Cái lấy đi thì mang đến. Ta mất, và chính trong sự mất, ta được. Chuyện không xảy ra cùng lúc, có thể là hai sự vị liên tiếp, hoặc bị đình lại, với Bernhard thì là một sự liên tiếp lóe sáng. Bernhard kể chuyện mình bắt đầu viết như thế nào: mười tám tuổi, Bernhard vào viện, bác sĩ bảo không còn hy vọng. Người ông mà Bernhard yêu vô cùng cũng vào viện, mọi dấu hiệu đều khả quan, Bernhard kể, rồi bỗng đột ngột qua đời. Bernhard: “Tôi bắt đầu viết thơ, hàng trăm và hàng trăm.” Thật là một sự đáng ngưỡng mộ, bao nhiêu tuôn trào, một dòng sống bục ra. “Tôi tồn tại chỉ khi đang viết.” Phải viết, không dừng lại, vì không chết và viết đã được hoán đổi. “Vì ông tôi - nhà thơ đã chết, giờ tôi có quyền viết và tôi dùng cả thế giới, chuyển hóa nó thành thơ.” Đó là nguồn của dòng sống ấy, dòng viết ấy - hiện ra như hồi đáp, như nỗi cương dậy hung bạo, chống cự lại sự thiến: đó là sự thật trần. Nhưng tôi muốn dùng ngôn ngữ mềm của dục tính nữ hơn: đó là mạch nước được khơi thông và ấn định trật tự bởi sự biến mất của người là nguồn của nó. Người ông mất không phải là bất cứ kẻ nào: đó là nhà thơ, là người đã luôn yêu Bernhard, người đã là cả thế giới đối với Bernhard.
Trong “Pertencer”, Clarice Lispector cũng kể về việc được sinh ra trong nỗi hy vọng rằng người mẹ ốm của mình sẽ trụ được, trong huyễn tưởng mê tín rằng nếu người mẹ tạo ra sự sống thì sẽ được cứu sống. Chuyện không xảy ra như thế. Người mẹ chết. Clarice, giọng khô và đanh, kể rằng sau cái chết ấy, mình đã luôn có cảm giác của một tên lính đào ngũ. Nhưng sự diễn ra như thế, cô gái có thể làm gì? Chính đây là điều đôi khi ta không thể nghe, không thể chấp nhận: ta chẳng thể làm gì cả. Vậy nhưng đào ngũ, bất lực, trốn chạy: những từ ấy được in trên tường lớp học. Chúng nối với nhau: cái chết đây. Là bất hạnh hay may mắn - dù thế nào thì nó cũng biến sống thành một sự vật lộn không ngừng - khi chính trong sự mất, ta lại được. Mất và được trộn vào nhau: tội ác của ta, chính đó. Và lúc nào ta cũng thấy tội lỗi về điều đó, tội lỗi mà ta chẳng thể làm gì, với những sự được khủng khiếp, không ngờ của ta.
Quyển sách đầu tiên tôi viết bốc lên từ huyệt cha tôi. Tôi không biết tại sao, có lẽ đó là thứ duy nhất tôi phải viết thời điểm ấy, trong nỗi quẫn cùng của tôi, trong sự nghèo kinh nghiệm của tôi, tài sản duy nhất của tôi: thứ duy nhất làm tôi sống, thứ duy nhất tôi sống, đặt tôi vào thử thách, thứ duy nhất tôi cảm nhận được - vì nó đã hoàn toàn hạ gục tôi. Báu vật lạ lùng khủng khiếp của tôi. Tôi đã chẳng hề nghĩ về tất cả những điều này, nếu không thì tôi đã không viết. Một thời gian dài tôi sống thông qua cái chết của cha tôi, với cảm giác mất mát và tiếc nuối trẻ con, như một cổ tích lộn ngược: ôi nếu cha còn sống! Tôi ngây thơ dệt những câu chuyện diệu kỳ, cho đến một ngày mọi thứ bỗng đổi màu, và tôi bắt đầu thấy những cảnh khác - bao gồm tất cả những gì tôi có thể tưởng tượng, u ám hơn. Tôi đi đến một sự nhớ lại ít phăng te di hơn, đến sự tìm và dựng lại. [...]
Chúng ta đâu hề biết, dù ở mức phổ quát hay cá nhân, chính xác quan hệ của mình với người chết là gì. Ở mức cá nhân, đó là một phần công việc của ta, công việc của tình yêu, không phải của căm ghét hay phá hủy; ta phải nghĩ suốt từng quan hệ con người. Ta có thể nghĩ nhờ viết, nếu ta biết viết, nếu ta dám viết. Hoặc nhờ những giấc mơ: chúng cho ta món quà tuyệt vời là liên tục dựng người chết sống dậy, và ta có thể nói chuyện với họ, hằng đêm. Từng người chúng ta - đơn độc, tự do - phải cần mẫn làm cái việc là nghĩ lại cái chết của bạn, cái chết của tôi, vốn đâu có tách rời. Viết bắt nguồn từ quan hệ ấy. Từ cái điều thường không thể thừa nhận, ngược lại còn nguy hiểm muôn phần, và rất dễ trở thành một dạng tự nuông chiều: ôi đó là tội ác tồi tệ nhất. Chính chúng ta là kẻ biến cái chết trở thành một thứ tiêu cực, một sự hạn chế. Đúng, nó xấu, nó là giới hạn, nhưng nó cũng tốt: tất cả hoàn toàn phụ thuộc vào ta. Ta có thể là giết người chết, điều tồi tệ nhất, vì khi giết người chết, ta giết luôn chính mình. Nhưng ta cũng có thể, ngược lại, làm người bảo vệ, bạn, làm kẻ gọi người chết sống dậy.
Viết là hoạt động phức tạp ấy, là “học chết”, là đừng giết, đừng giết - biết rằng cái chết có thật, người chết có thật, đừng phủ nhận… Tội ác của chúng ta không phải như chúng ta vẫn nghĩ; không phải là tội ác trên mặt báo. Không, lúc nào cũng một chút ít hơn, một chút nhiều hơn. Ngay khi tôi nói của tôi, ngay khi tôi nói con gái của tôi, con trai của tôi, tôi đã chớm phạm tội sát nhân chừng nào tôi quên nhận ra tồn tại khác của người kia. [...]
Sống sót không phải như chúng ta vẫn nghĩ: Lydia Tchoukovskaia đã thổ lộ như thế, trong Rơi. Người phụ nữ này, bạn của Anna Akhmatova và Nadejda Mandelstam, thuộc vào vũ trụ nhỏ nhoi những phụ nữ bị giáng cùng bất hạnh, những phụ nữ mà nửa thân thể, nửa tâm hồn, đứa con, người tình, người chồng đã bị giằng đi, cướp mất. Người Xô viết, trong cơn điên quái đản suốt những năm tăm tối, đã tống hàng triệu người Nga vào trại tập trung, nhưng - chuyện không sao lý giải nổi - lại thường để những người vợ “sống sót”. Anna Akhmatova mất người chồng đầu tiên - bị xử bắn, rồi người chồng thứ hai - bị trục xuất và xử tử, đứa con cũng bị đày; Anna làm bạn với Nadejda Mandelstam - chồng bà, nhà thơ lớn, bị trục xuất vì thơ. Chồng Lydia Tchoukovskaia cũng chung số phận, vì là một học giả Do Thái. Khi ông bị bắt, Lydia được thông báo phán quyết: “Mười năm không được liên lạc.” Và thế là như hàng trăm phụ nữ khác, Tchoukovskaia ôm bọc đồ chờ trước tường nhà lao - chờ và chờ cho đến khi biết được rằng “mười năm không được liên lạc” là ẩn dụ cho xử tử ngay lập tức. Bao nhiêu năm Tchoukovskaia đã mang trong mình một người chết sống, sống bên trong mình, chết bên ngoài mình.
Đó là câu chuyện trong “Mr. Valdemar” của Edgar Allan Poe. Mr. Valdemar nhắn gọi người kể chuyện, một chuyên gia gây mê, đến vì mình sắp chết. Theo thỏa thuận, anh ta sẽ gây mê người chuẩn bị lìa đời. Anh ta đến. Mr. Valdemar không nghe thấy gì nữa - và anh ta chỉ kịp vội vàng gây mê. Một lúc lâu sau, chúng ta cảm thấy Mr. Valdemar, giờ đã được đưa vào mê, đang đau đớn dữ dội. Khi người kể chuyện “đánh thức” Mr. Valdemar, cuộc sống của ông ta bỗng bục tung, ứa tràn - vì ông ta “đã” chết. Đó, là câu chuyện của Tchoukovskaia, người yêu dấu vẫn ở đó, bên trong, người đã chết nhưng không chết.
Tchoukovskaia nói về “rơi” đơn giản như ăn uống. Tchoukovskaia nói: “Tôi sắp rơi đây.” Rơi là cách để viết. Quyển sách bắt đầu rùng rợn: người phụ nữ hét lên, lại vẫn giấc mơ đêm nào cũng như đêm nào, nàng mơ thấy người chồng đã chết trở về, lướt qua trước mặt, nhìn nàng căm hận, làm như không hề quen biết, và đến nói chuyện với những người khác. Lần nào cũng giấc mơ độc ác ấy - giấc mơ nàng không thể hiểu. Căm thù bỏng cháy giữa hai người. Rồi đột nhiên một ngày người phụ nữ hiểu ra. Nàng hiểu sự căm hận của chính mình. Sự căm hận của chính nàng. Sự căm thù của họ: bục ra trong những giấc mơ. Nàng đang dựng cái xen tội ác. Nàng sống sự thật ấy, đồng thời cự lại nó với toàn bộ sức mạnh của mình - sự thật rằng người chết trách cứ nàng vì vẫn sống. Đây là điều nàng không thể lý giải, vì cùng lúc nàng là cả hai người: là chính mình, và là anh. Nàng tội lỗi vì sống sót. Nàng không đi theo anh. Nàng không phải là anh.
Chúng ta biết những trở về này. Tôi đã sống nhiều trở về như thế. Trong Có được là người, Primo Levi kể giấc mơ của mình, giấc mơ của tất cả bọn họ, ác mộng tuyệt đối và nguyên ủy, giấc mơ về sự bất khả trở về. Người bị đày vào trại trở về với gia đình, mọi người tụ tập quanh bàn, hắn không được chào đón; chẳng ai nghe hắn, chẳng ai tin hắn, chẳng ai hiểu hắn. Họ cướp kinh nghiệm đau đớn ấy khỏi hắn. Họ cướp tài sản khủng khiếp của hắn, sự thật của hắn - người tù bị chà đạp. Hắn mang tội là nạn nhân. Đó là kinh nghiệm lột trần.
Không chết, vẫn còn sống sau khi người kia đã chết, “sót lại”: ấy là điều không thể nào chịu nổi. Ta cảm thấy, dù đúng là chẳng thể làm gì, rằng đó là sự không thể tha thứ. Có một sự giết người - giết chúng ta, không phải anh, không phải tôi, mà giữa anh và tôi, giữa tình yêu của tôi và tình yêu của anh là sự giết ấy. Mọi text lớn đều làm mồi cho câu hỏi ấy: Ai đang giết tôi? Tôi đang giết ai? Ta điên cuồng yêu những câu chuyện sát nhân: ta tưởng mình đang đọc một quyển sách Dostoyevsky, nhưng cái ta đang nếm, là câu chuyện về những sự giết của chính mình.
[...] Năm 1904 Kafka viết cho bạn mình Pollak:
“Tôi nghĩ chúng ta chỉ nên đọc những cuốn sách làm mình đau đớn, xoáy dao vào mình. Nếu cuốn sách ấy không làm ta bừng tỉnh với một cú nã vào đầu thì đọc để làm gì? Để làm mình vui ư, như anh viết? Chúa ơi, không có sách vẫn vui được cơ mà, và những quyển sách có thể làm ta vui thì ta cũng tự viết được, nếu muốn. Nhưng ta cần những quyển sách giáng xuống ta giống như một thảm họa, khiến ta đau xé ruột, giống như cái chết của người ta yêu hơn chính mình, giống như bị đày vào rừng, xa hết con người, giống như tự tử. Một quyển sách phải là cây rìu đập vỡ đại dương đã bị đóng băng bên trong ta. Tôi tin như thế."
Kafka viết thư này vì bạn ông trách ông không hồi âm. Ông chỉ bảo: thứ lỗi cho tôi, nhưng tôi đang đọc. Quyển sách quá quan trọng, tôi không thể dừng lại. Lúc nào cũng là quan hệ bạo lực ấy: đầu tiên là nó, rồi mới đến anh.
[...] Chính tôi, tôi cũng tin như thế, nhưng cũng vì thế mà tôi buồn, vì quá ít sách thực sự là cái rìu làm ta đau đớn, quá ít sách phá được đại dương đóng băng trong ta. Những quyển sách phá được đại dương ấy, giết được ta là những quyển sách cho ta biết thế nào là hân hoan ngây ngất. Tại sao chúng hiếm đến thế? Vì người viết ra những quyển sách làm ta đau đớn cũng đau, cũng kinh qua một cuộc tự sát, cũng lạc trong rừng - và toàn bộ chuyện này thật đáng sợ. Ta không muốn mất sự sống của mình trong cái viết dễ dàng như thế, nhưng đó chính là điều Clarice Lispector đã làm. Làm thật, không hề ẩn dụ. Những quyển sách của bà làm rìu phá và phá, và cuối cùng bà viết The Hour of the Star, câu chuyện về sự sống và chết của một nhân vật tên Macabea, một dạng phụ nữ, một sinh thể quá nhẹ đến gần như không tồn tại. Suốt sự viết ấy, tất cả đều khiếp đảm: người viết khiếp đảm, quyển sách khiếp đảm; text bắt đầu, kể điều gì đó cho ta, rồi bỏ. Ta cảm thấy điều gì khủng khiếp sắp diễn ra, và ta cũng khiếp đảm theo: ta cứ nghĩ cái điều mình không muốn sẽ xảy ra, thế rồi nó lại không xảy ra. Ta băn khoăn hết trang này qua trang khác. Rồi đột ngột, nó xảy ra: text vùng lên, quyển sách hết, Macabea chết. Nhưng không chỉ Macabea chết, cả Clarice Lispector cũng chết, chết ngay sau đó. Quyển sách đạt được thực tại, theo cách trọn vẹn nhất, bí mật của sự viết. Clarice Lispector đã ốm sẵn. Bà không biết mình sẽ chết, nhưng khoảnh khắc kết thúc quyển sách thì bà biết. Người ta không biết ai đã viết nó, hay ai đã giết ai. Người ta không biết có phải Clarice Lispector viết nó vội vàng vì nghĩ mình sắp chết, hay sự thực là chính nó đã đặt dấu chấm hết cho sự sống của bà. [...]
Các tác giả tôi gần gũi là những người chơi với lửa, những người nghiêm túc chơi với sự sống hữu hạn của mình, đi thật xa, đi quá xa, đôi khi xa đến mức để mình bắt lửa, để lửa cuốn lấy mình. Thật khủng khiếp khi biết Ingeborg Bachmann đã chết thế nào - bị lửa thiêu, đúng là như thế - ở Rome năm 1971, cùng thời gian Clarice Lispector được con trai kéo ra khỏi lửa: thật khủng khiếp và cũng thật choáng ngợp.
Tôi tìm thấy cùng ham muốn ấy, cùng than van ấy trong lời giới thiệu Franza của Ingeborg Bachmann:
“Tôi vẫn thường tự hỏi, và tôi nghĩ cả bạn nữa, virus tội ác đã đi đâu rồi? Nó không thể đột nhiên biến mất khỏi vũ trụ được.”
Bà viết lời này ở Áo, khi Holocaust và sự bài Do Thái đang ngấm ngầm diễn ra. “Tất nhiên những vụ thảm sát đã thuộc về quá khứ,” bà viết, rồi thêm vào, “nhưng kẻ sát nhân vẫn ở giữa chúng ta.” Bà viết như thế vào thời điểm chúng ta bắt đầu tưởng đã có thể chôn Auschwitz. Auschwitz vẫn ở đó, trong mỗi con người.
Trong một phỏng vấn về các cuốn sách của mình, Bachmann nói mọi thứ đều là chiến tranh. Chiến tranh không bắt đầu với những quả bom đầu tiên được thả, nó không bắt đầu với những kinh hoàng được kể trên báo: nó cựa quậy từ trong các quan hệ con người. Và bà khăng khăng: “Phát xít là sự thật đầu tiên trong quan hệ giữa phụ nữ và đàn ông, tôi đã cố gắng nói rằng ở đây, trong xã hội này, lúc nào cũng là chiến tranh. Không phải là có hòa bình và có chiến tranh, mà lúc nào cũng là chiến tranh, chỉ có chiến tranh.” Sự thật khốc liệt, nhưng đó là Bachmann, trong thảm kịch Áo.
Ở Pháp chúng ta cũng nói chiến tranh, nhưng chúng ta cũng nói mình là chủ thể của hòa bình. Với Áo thì chỉ có chiến tranh.
2. Đọc và viết là giết, hay đọc/ viết: cuộc đào thoát giữa ban ngày
Người ta không đọc giống nhau, nhưng có một thể động đọc tương đương được với thể động viết: nó đẩy lùi thế giới. Với quyển sách, chúng ta triệt tiêu thế giới. [...] Ngay khi mở được cuốn sách như một cánh cửa, ta bước vào một thế giới khác, đóng lại thế giới này. Đọc là đào thoát, chối bỏ; hầu hết đọc cô độc, giống như viết. Chúng ta không thường nghĩ về điều này vì chúng ta đâu còn đọc nữa; chúng ta từng biết đọc khi còn nhỏ, chúng ta từng biết đọc có thể bạo lực đến thế nào. Quyển sách giáng một đòn chí mạng, nhưng ta, với quyển sách của ta, cũng giáng cho thế giới bên ngoài một đòn chí mạng tương đương. Ta không thể viết bằng bất cứ cách nào khác - không thể viết nếu không sập cửa, nếu không cắt mọi dây ràng buộc.
Người viết là một tội phạm bí mật. Như thế nào ư? Đầu tiên là bởi hắn cố thực hiện chuyến đi tới những nguồn kỳ lạ của nghệ thuật, vốn xa lạ với chúng ta. “Cái đó” không xảy ra ở đây, nó xảy ra ở đâu đó khác, một vùng đất lạ. Người viết có nguồn gốc xa lạ, ta không rõ là gì, nhưng ta biết họ cảm thấy một tiếng gọi, ai đó đang gọi họ trở về.
Tác giả viết như thể mình đang ở xứ lạ, như thể là người lạ trong chính gia đình. Ta đâu biết tác giả, ta đọc cuốn sách và coi đó là tác giả [...] nhưng nếu ta gặp người đó, ta sẽ thấy ngay đó là ai khác. [...] Giữa tác giả và gia đình mình luôn là chuyện lên đường trong khi vẫn hiện diện, vắng mặt trong khi vẫn ở đây, đào thoát, trốn chạy. Đúng là chuyện ai cũng biết nhưng chẳng ai muốn nói. Một tác giả thì không có con; khi viết tôi không có con. Khi viết tôi chạy khỏi chính mình, đào bật rễ chính mình, trinh nguyên; tôi rời nhà và không trở lại. Khoảnh khắc tôi cầm bút - động tác ma thuật - tôi quên hết mọi người tôi yêu; một giờ sau họ chưa từng sinh ra và tôi chưa từng biết họ. Ta vẫn trở lại. Nhưng trong thời độ chuyến đi ta là kẻ sát nhân. (Không chỉ khi viết mà cả khi đọc nữa. Viết và đọc không rời nhau, đọc là một phần của viết. Một độc giả thực thụ là một người viết. Một độc giả thực thụ luôn trên đường viết.)
Anh Hoa dịch