Pietro Citati: Katherine Mansfield
Năm 1914, sau ba năm bị cuốn vào Nhịp cùng John Middleton Murry, bắt đầu mệt lả, Mansfield đến sống trong một thành phố lạ. Con người lúc nào cũng cuống cuồng lao vào những mối tình, tuyệt vọng nương nhờ hơi ấm chập chờn của phăng te di ấy cuối cùng cũng sống một mình. Một mình và hạnh phúc, dù vẫn không ngừng viết những lá thư da diết cho tình nhân và đồng chí ở xa. Chính vào quãng này, Mansfield mới bắt đầu thực sự viết được, bắt đầu tìm lại được mình. Hình ảnh trở về từ tuổi thơ - cây lô hội - trở thành báp têm cho truyện mở đầu Ngợp, xuất bản năm 1918 - năm cuối cùng thế chiến.
Ngợp sinh ra trong lòng cuộc chiến lớn, nhưng gần như chẳng thể đọc thấy gì của chiến tranh trong những ấn tượng "tím và hồng" của Mansfield. Mansfield mới chỉ bắt đầu tìm lại, bắt đầu thấy thế giới những người chết mở ra. Sẽ còn cần nhiều năm nữa, đến tận Tiệc vườn, để tuổi thơ hiện ra trong toàn bộ những kỳ diệu hãi hùng, cùng cuộc chiến đã cướp đi người anh yêu quý. Đó cũng là thời điểm Mansfield nhìn thấy kết cục, đi thẳng đến số phận mình.
Dưới đây là toàn bộ chương II trong quyển sách của Pietro Citati về Mansfield, được dịch ra tiếng Pháp với nhan đề Brève vie de Katherine Mansfield. Để dựng lại chân dung Mansfield của quãng formation lơ lửng ấy, Citati đọc các truyện trong Ngợp, nhưng nhất là thư và nhật ký. Gần như còn chưa được biết đến, ở đây, nghệ thuật đọc thư và nhật ký. Cần một sự nghiêm khắc không khoan nhượng - xé đi từng lớp ảo tưởng, nhưng cũng cần một sự nâng niu, ngưỡng mộ và kiên nhẫn vô biên để có thể đi cùng, bằng tưởng tượng - thực sự đi cùng, không vội một nhịp nào.
(Để biết việc tiết lộ correspondence có thể trở thành một sự bẽ bàng đến thế nào, xem ở đây - nhân vật cũng rất quen thuộc với Citati).
Katherine Mansfield
- Pietro Citati
1914 và 1915 là hai năm hạnh phúc cuối cùng của Katherine Mansfield: hạnh phúc như có thể với một tạo vật bị chọn. Bệnh lao và những cơn nhức khớp vẫn chưa biến nàng thành người con gái của khổ đau. Nàng đi, nàng gặp, nàng nói, nàng đọc, nàng viết, nàng rập rờn trước cuộc đời và một lần nữa nàng biến mình thành con mồi của những cơn điên bồng bềnh, hoàn toàn chủ ý mà lúc trẻ nàng từng cố nương vào để chinh phục thế giới. Nàng biến hình theo mốt Paris: áo vest nhung nâu cúc bạc, đồ bộ kẻ sọc xanh nước biển, juyp ngắn, giày gót cao, tất xanh lục bảo, hồng sậm, đỏ, vàng, xám bạc, xanh ngọc lam và, nếu ta tin vào những bức ảnh, đôi mắt ánh cái nhìn điềm nhiên ngạo ngược sẽ sớm bốc hơi. Từ tháng Tám năm 1912, nàng đã chuyển đến sống cùng John Middleton Murry - con người “phần hợm hĩnh, phần hèn nhát, phần ủy mị” như Murry tự nhận xét - người sẽ trở thành một trong những nhà phê bình nổi danh nhất của thế hệ. Nhưng đến cuối 1914, Katherine bấy giờ hai sáu tuổi, tình yêu của họ dường đã cạn. “Jack, tất cả đã kết thúc giữa chúng ta,” nàng viết trong nhật ký. “Em chắc chắn thế, anh cũng vậy. Đừng sợ khiến em đau khổ. Cả hai ta đều phải giết đi trong mình hình ảnh đã vẽ ra về người kia. Ngay khi anh bỏ đi, em sẽ xa anh hơn anh có bao giờ hình dung được. Em như đã thấy anh kinh ngạc làm sao cuộc tình này lại kéo dài đến thế. Nhưng em đã xa rồi, em chẳng còn là người anh biết nữa đâu.” Nàng đã chán. Nàng cần một thứ gì khác. Nàng mơ về New Zealand.
Vài tháng trước, ở Paris, nàng đã gặp Francis Carco, một văn sĩ Pháp hạng hai. Hắn nhỏ và duyên, dáng mềm như thiếu nữ với bờ vai uyển chuyển. Hắn có “nước da màu ô liu, mắt đen với hàng mi dài, tóc đen bồng, cắt ngắn và hàm răng tăm tắp mà nụ cười rất khéo tôn lên.” Hắn không có tiền nhưng lúc nào cũng lịch thiệp. Hắn có những quần áo hạng nhất, đồ lót lụa, hai bộ đồ tiệc, bốn đôi giày màu lục cùng ghệt trắng và cả một lô găng tay, hộp phấn, bộ giũa móng, nước hoa, xà phòng tinh chế… Hắn ám muội, lập lờ, dịu dàng, mê hoặc, ủy mị. Tháng Mười Hai năm 1914, hắn viết thư cho Katherine Mansfield. Hắn bảo rằng hắn đã yêu nàng kể từ khi nàng đến Paris, rằng hắn muốn sống cùng nàng trong một túp lều nơi tận cùng thế giới, rằng xa nàng, hắn thấy trống rỗng không sao chịu nổi. Hắn thà nằm sõng soài trên đường để mình bị cán chết còn hơn. “Khi tôi chìm vào giấc ngủ, tôi thấy như được siết chặt em trong tay và tôi thấy buồn ghê gớm… Katherine thân yêu, tôi chẳng muốn gì ngoài em. Em là và sẽ mãi là cả thế giới của tôi…” Cú vọt trào lộn xộn này tóm được cô gái nhỏ ủy mị vẫn trốn trong tim Katherine Mansfield: nàng yêu tồn tại nóng bỏng và sôi sục cảm giác ấy; nàng tin rằng sống cùng hắn sẽ đúng với “thiên tính” của mình hơn ba năm vừa qua với Middleton Murry.
Vẫn là jeune fille mong manh ấy viết vào nhật ký, ngày 28 tháng Mười Hai: “Gần hết năm rồi. Cơn gió cô độc thổi thật nhẹ, thật nhẹ. Mình muốn nhắm mắt lại một giây để nghĩ về dải đất bên ngoài, trắng xóa tuyết và ánh sáng… nghĩ về từng hòn đá viền mép con đường trắng… và tuyết trong những luống cày. Mon Dieu! Sao mà bình lặng thế, sao mọi thứ có thể kiên nhẫn đến thế! Nếu anh ấy đến, có khi mình còn chẳng nghe thấy tiếng bước chân.” Nàng đang bị Carco ám. Cứ như thể hắn ở cùng nàng cả ngày. Cả ngày, nàng nhìn cùng hắn và thấy thế giới qua đôi mắt hắn. Một đêm, khi đang ra ngoài trên chiếc xe buýt hai tầng nhằm hướng Piccadilly, nàng suýt bật dậy gọi váng tên hắn. […] “Sau bữa tối, Jack và mình làm tình trong phòng ngủ,” nàng viết ngày mồng tám tháng Một năm 1915, “tí nữa mình đã làm hỏng hết vì bật ra tên Francis.” Sau đó, đúng như một jeune fille truyền thống, nàng nhét một lọn tóc và một bức ảnh vào thư gửi sang Pháp. Khi Carco hồi âm, đòi nàng sang với hắn ở Bourgogne, tình yêu cũng bắt đầu làm nàng suy kiệt. Trái tim chẳng lúc nào yên của nàng dẫn lối cho toàn bộ cơ thể và bộ não. Các mạch máu của nàng đã bị nọc ái tình xâm chiếm và từng tế bào của nàng đã nhiễm độc. “Phải, yêu cũng là một loại bệnh, một cơn điên, một trận bão… Mình chẳng bao giờ yên được, dẫu chỉ trong chốc lát. Càng đau khổ, mình càng thấy rõ năng lượng hoang dã của nó.” Một tình yêu như thế, tuyệt vọng và định mệnh đúng như những chuyện tình của Bronte, không sinh ra từ những vực thẳm của trái tim mà từ những vực thẳm không kém hun hút và hãi hùng của phăng te di: tưởng tượng khơi lên những hình tượng xa xôi, đùa với chúng rồi phá hủy chúng không thương tiếc, để rồi uất ức càng lúc càng dồn nén. Mọi tình yêu tưởng tượng đều chỉ là cái cớ để được hút tiếp thứ mật gây nghiện của khổ đau.
Mồng một tháng Hai năm 1915, Katherine Mansfield nhận một lá thư nữa, cầu xin nàng đến “ngay lập tức.” Ngày 15, nàng rời London; ngày 16, nàng đến Paris; ngày 19 nàng đến Gray, gần nơi Carco đang chiến đấu. Đó là một chuyến đi hạnh phúc. Nàng đã vui đến thế - vui vì cuộc phiêu lưu tình ái, vì tương lai tưởng tượng sáng lòa, vì được bứt khỏi nỗi chán chường Middleton Murry và nước Anh - tới nỗi tất cả những gì nàng thấy đều nhuốm ánh sáng của niềm vui ấy. Nàng cứ níu lấy bậu cửa sổ tàu, ngẩn ngơ trước bao vùng đất tuyệt diệu trải ra trước mắt […] Nàng không làm sao hình dung được cuộc chiến tranh đang diễn ra. Những khuôn mặt và giọng nói tươi cười kia thực sự đang dấn mình vào cuộc chiến ư? Người Pháp thực sự đã trở thành những chiến sĩ pour rire ư? […]
Bên ngoài nhà ga, nụ cười nhạt trên môi, bất động, đầy cảnh giác, Carco đang đợi nàng. Hắn bắt đầu ngân nga: “Đi theo anh, nhưng đừng để bị chú ý,” giọng nửa thì thào nửa vỗ về; hắn đi rất nhanh, vừa đi vừa huýt sáo và nàng không làm sao theo kịp. Một cái ô tô đưa họ đến ngôi làng gần đó, đỗ trước một tòa nhà trắng toát. Căn phòng lớn sơn trắng dành cho Katherine Mansfield có một cái giường lớn và một cái đồng hồ hoa khổng lồ. Một bức tranh khắc trên tường vẽ một người đàn ông đang ôm một con thỏ rừng. Dưới cửa sổ, khu vườn rực rỡ tường vy. “Cười khúc khích và rung động cả người, chúng mình lao vào nhau trong một nụ hôn dài” rồi bỗng bị tiếng đồng hồ điểm năm giờ chen ngang. Carco nhóm lửa. “Có điều gì đó thật comique trong toàn bộ chuyện này; cùng lúc, mọi thứ diễn ra thật tự nhiên. Chẳng thể làm gì ngoài cười và cười.” Sau bữa ăn, họ quay về. Họ chầm chậm cởi quần áo trước lò sưởi. Carco nhảy lên giường. “Ga có lạnh không?” Katherine hỏi. “Không, không lạnh tí nào. Viens mon bébé,” hắn đáp, vừa kiểu cách vừa thô tục. “Đừng sợ […].” Và khi hắn cười như thế, cả người giấu kín dưới tấm chăn, người ta có thể tưởng hắn là một phụ nữ, với mái tóc đen bồng tuyệt đẹp và cái vòng nhỏ trên cổ tay. “Mình đã dâng mình cho anh, nhưng điều đó dường như quá tầm thường, quá thứ yếu; chúng mình có biết bao nhiêu điều để nói với nhau! Thật êm đềm khi yêu nhau” dưới quầng sáng của ngọn đèn nhỏ, trong khi lửa bập bùng hắt lên trần gỗ quét vôi trắng toát. Chẳng nghe thấy gì ngoài tiếng tích tắc của đồng hồ và tiếng tí tách lửa trong lò. Bao nhiêu vùng đất và con người vụt hiện ra: cả một tồn tại lướt qua giữa họ vào đêm ấy. Họ giống như một cặp tình nhân già ho khẽ dưới chăn và cười khúc khích với nhau. Họ nói về Ấn Độ, Nam Mỹ, rồi về Paris. “Có lúc mình lạc mất anh: mọi thứ tối sầm, rồi mình lại thấy anh trong tay và chúng mình hôn nhau.”
Buổi sáng, Carco không muốn dậy: hắn cứ nằm dài bên dưới tấm ga, làm trò: hắn run, hắn ốm, hắn sốt, hắn đau họng, có khi còn lạnh sống lưng. Rồi hắn thắng lên mình bộ đồ xanh đỏ - sơ mi, quần lót, tất, cà vạt, áo len, áo vest, áo khoác ngoài; hắn chải tóc bằng chiếc lược ngà của Katherine rồi bước. Chỉ còn lại thắt lưng và thanh kiếm của hắn trong căn phòng trắng. Đúng như một petite fille chuyên cần, Katherine lấy nhật ký ra: nàng bắt đầu viết một bức thư cho Frieda Lawrence, tuyên bố "vô cùng hạnh phúc, không thể không kể về điều đó" và một bức khác cho John Middleton Murry, người anh lười biếng, thờ ơ và hiểu biết, tả tỉ mỉ căn phòng có chiếc đồng hồ hoa. Cuốn nhật ký mở ngay đó, những trang trắng đón mời, và ngồi trên giường, nàng bắt đầu kể với cái nhìn mỉa mai sáng lòa tất tật những gì đã xảy ra trong chuyến đi Pháp và cái đêm ở Gray. Trong khi viết, nàng đi đến kết luận rằng Carco chẳng yêu gì nàng. Không yêu nàng nhiều hơn nàng yêu hắn: và nàng chẳng yêu hắn hơn cơn bốc của nàng; nàng cảm động khi thấy hắn trần truồng nhóm lửa bằng một cây cời đồng, khi hắn thắng lên mình bộ quân phục xanh đỏ, khi hắn chải mái tóc bồng đen nhánh bằng chiếc lược ngà của nàng. Sau một đêm ôm ấp, tình yêu tuyệt vọng, định mệnh, điên cuồng hồi ở London đã trở thành một trò đùa, chuyện cười, sự nhại, thành chuyện phiếm. Tất cả sức căng đã giãn ra. Như vẫn thế trong mọi dục vọng sinh ra từ tưởng tượng, tình yêu biến thành một đám khói bồng dễ chịu rồi tan luôn, hầu như không chạm vào thực tại.
Bốn ngày sau, nàng về lại London. Chúng ta không biết điều gì đã xảy ra giữa hai người trong căn phòng trần sơn trắng. Nhưng cuộc phiêu lưu để lại trong nàng một quầng hạnh phúc, một cảm giác dễ chịu, một sự ngu ngốc tức cười - những chuyện này nàng kể trong “Cuộc phiêu lưu ghê gớm”, mà nàng viết vài tháng sau. Người Pháp nhỏ bé bụ bẫm mắt lé đã tạm thời xua tan những ác mộng đang phủ kín chân trời nàng. Tháng Ba và tháng Năm, nàng trở lại Paris hai lần, ở nhà Carco, số 13 Quai aux Fleurs; nàng viết thư cho hắn, dùng toàn những từ từng dùng với Middleton Murry, dấu hiệu, theo nhận xét của một tiểu sử gia gần đây, cho thấy sự tiết kiệm hoàn hảo của nàng trong việc quản lý chất liệu văn chương của mình. Giữa tháng Năm, nàng đã xong với hắn, dù vẫn sống cùng nhà. Rồi, như thường xảy ra với nàng, chính Carco cũng đi vào văn chương. Giọng của hắn - cái giọng từng thề thốt với nàng, kể cho nàng nghe về thời niên thiếu, những giấc mơ lãng mạn và u tối, những hy vọng của một nhà văn dưới đáy - biến thành giọng khôi hài, lố bịch, phô trương, tự giễu của Raoul Duquette, nhân vật trong “Je ne parle pas français”. Trong truyện ấy, Katherine Mansfield thích thú tưởng tượng mình từ ánh mắt và giọng của Carco: Chuột, “con bướm Trung Hoa” vẽ ở đáy tách trà; và theo cách đó, nàng tự giải thoát mình khỏi ký ức về hắn - mãi mãi.
Cả hai lần ở lại Paris mùa xuân, chiến tranh vẫn hiện lên với nàng như một điều gì đó thật vui và kỳ ảo. Ban đêm, những chiếc Zeppelin bay ngang bầu trời với đôi cánh lụa xám, và trên cao kia là chuỗi âm thanh du dương ve vuốt - do, da, dou, da - như phát ra từ một cái tù và; những chiếc xe lao vun vút qua phố, còi reo inh ỏi báo hiệu bắt đầu và kết thúc các cuộc không kích; những tia đèn pha xé toạc bầu trời, rọi từng đám mây sáng quắc. Mùa lười biếng của năm đã đến, và những người bán hàng rong diễu qua từng con phố, hô vang Les jolies violettes de Parme. Cửa sổ căn hộ của nàng trên tầng cao nhìn ra sông Seine: những sà lan và thuyền chất đầy đá lướt ngược xuôi trên sông, cây xanh trên đảo Saint-Louis nom như một bó hoa tròn xinh xắn. Ngay dưới nhà nàng là một khu chợ hoa: nàng có thể thấy cái ô khổng lồ cong cong nơi những hàng hoa rực rỡ hiện ra, những ki-ốt phủ vải bạt với các loại cây trồng trong chậu, những bụi cọ ướt và sáng long lanh đặt trong những cái bình đất nung. Nàng gần như ở nhà cả ngày; nàng chỉ có thể viết ở Paris; và nàng muốn có thể giam trong những câu chuyện của mình ‘những ánh sáng sống rung rinh, cùng âm thanh của nước’. Nàng bắt đầu viết “Cây lô hội”, phiên bản đầu tiên của “Dạo” : “Em làm được rồi, nó đang hiện ra, đang hình thành,” nàng viết cho Middleton Murry. Cứ như thể các Nàng Thơ cuối cùng đã tụ lại một vòng quanh nàng, giống như các thiên thần trong bức Giáng Sinh của Botticelli. Nàng đọc Đỏ và Đen, mà nàng gọi là cuốn sách ‘nghiêm khắc và cao quý’; nàng mua một cuốn tiểu thuyết của James - có lẽ là The Golden Bowl - cố lội qua ‘những trang lê thê, nhàm chán và phức tạp’ bởi đã trót mê mẩn những rung động bất ngờ và êm dịu, khoái cảm mãnh liệt mà việc đọc James mang đến cho nàng. Ban đêm, nàng mơ về các chị em nhà Brontë. Nàng sống gần như chỉ bằng không khí: ba xu sữa mỗi ngày, rau củ hai mươi xu năm lạng. Khi nào bỗng thấy phấn khích, nàng băng qua cầu để đến một nhà hàng nhỏ ở Quảng trường Châtelet hoặc quán Café Biard trên đường Rivoli.
Trong khi những lá thư khác vẫn gửi cho Gray, khoảng cách với London lại tạo điều kiện cho một sự kết tinh mới và nàng lại bắt đầu yêu Middleton Murry như thể chưa từng có ‘cuộc phiêu lưu ghê gớm’ nào chen vào giữa họ. ‘Em lạc lối, hoàn toàn lạc lối khi không có thư của anh, và mọi thứ chẳng còn hương vị gì nữa. Hãy giữ em thật gần trái tim anh, ở vị trí vốn thuộc về em. Em yêu anh vô cùng, anh là người thân thương nhất với em.’ ‘Nếu chúng ta không ổn, em sẽ chẳng thể nào viết nổi, dù chỉ là một dòng. Em viết, theo cách của em, thông qua anh. Chính nhờ tình yêu em dành cho anh, tình yêu sâu thẳm hơn mọi thứ, nên em mới nhìn thấy, cảm thấy bất cứ điều gì.” Nàng đã thực sự hạnh phúc khi sống một mình - không có Middleton Murry, không có Carco, chỉ đôi mắt mình và cây bút, giữa Paris hồng và tím, nơi chiến tranh còn chưa tàn phá. Nàng chẳng hề muốn quay về. Chỉ cần chớm ở cùng ai đó - nàng ghi lại trong nhật ký - nàng đã bắt đầu bận bịu với ý kiến và mong muốn của họ, “trong khi chúng chẳng xứng đáng nhận được đến một nửa sự chú ý mà mong muốn của mình xứng đáng.” Sống chung với người khác, tồn tại của nàng mất đi hình dáng và sự giàu có quý giá của các chi tiết. “Tổng của những niềm vui, những niềm vui nhỏ bé tinh xảo từ những chiêm ngưỡng con người và sự vật khi ở một mình thật lớn; chỉ khi ở trong sự bầu bạn của chính mình, mình mới thực sự thấy vui, c’est vrai.”
Buổi tối, khi trời đã gần đen kịt, nàng sẽ thả mình vào cuộc dạo trong khu vườn của Nhà thờ Đức Bà. Nàng ngồi một mình trên ghế băng. Hầu như chẳng có ai ở đó: một lão già ngồi lẩm bẩm trong bộ râu và vài đứa nhóc, không hề có ý định định đi ngủ, nghịch quả bóng. Nàng chỉ thấy loáng thoáng những gương mặt, đầu gối và đôi tay chuyển động. "Thân cây thật đen, và lá thì thật đẹp! Giống như một điệu trầm được trợ lực bởi một giọng soprano cao vút - và phía trên những hàng cây là Nhà thờ Đức Bà, trong toàn bộ vẻ uy nghiêm của nó.” Bên dưới, nàng nhận ra những mũi nhọn tinh tế và mảnh mai được khắc vào bầu trời xanh thẳm đang tối dần: một hai bức tượng chim vẹt bằng đá đậu trên một ban công nhỏ [...]. Trông như bức vẽ mực của một con yêu tinh. Một ngày, nàng mạo hiểm đi xa hơn, vào khu vườn phía sau nhà thờ, nơi có hàng cỏ bao quanh một hồ đá cẩm thạch. Những con chim sẻ đang tắm biến hồ nước thành một đài phun nước, và những con bồ câu thong thả dạo trên cỏ êm đang làm mượt bộ lông. Trên mỗi băng ghế là một người mẹ, một bà bảo mẫu hoặc một ông lão: những đứa nhỏ loạng choạng với xô và xẻng xây những lâu đài bùn, lấp đầy những cái giỏ bé nhỏ với hoa từ cây dẻ và ném những cái bê-rê của ông chúng lên phần cỏ cấm. Chẳng bao lâu sau, một bảo mẫu người Tàu mặc quần xanh lá, áo dài đen, quấn khăn xếp quanh đầu xuất hiện, dắt hai đứa trẻ. Cô ta ngồi xuống, lúi húi may vá và bắt đầu một cuộc chuyện trò dài dặc với chính mình, thỉnh thoảng liếc nhìn bọn trẻ, lũ trẻ bỏ lại trò chơi của chúng để chạy ào đến bên đầu gối cô. Trước cái cảnh tuyệt đẹp này, mà trong mắt nàng tượng trưng cho trật tự hoàn hảo và hài hòa của cuộc sống, Katherine Mansfield thấy mình bị đẩy ra ngoài, dù nàng khao khát được sống cuộc đời ấy, háo hức và ngây ngất chiếm lấy nó. “Tại sao,” nàng viết cho Middleton Murry, “em lại không có một mái nhà thực sự, một cuộc sống thực sự? Tại sao em không có một cô bảo mẫu người Tàu mặc quần xanh và hai đứa trẻ nhảy lên ôm đầu gối? Em chẳng còn là thiếu nữ nữa, em đã là phụ nữ và em muốn những thứ ấy. Em có thể nào có được chúng không?... Em muốn cuộc sống, em muốn có bạn bè, có người thân và có một mái nhà.”
Nàng ngày càng thường xuyên có cảm giác đang sống trong một giấc mơ, với những khoảnh khắc ngưng và chờ - khi mọi thứ như treo lơ lửng. Đôi khi nàng đi xa hơn nữa, vào một thế giới ma quái, nơi người chết và người sống cùng tồn tại. Một Chủ Nhật, nàng mơ về những người bạn đã chết, và buổi tối, khi nàng ra ngoài, bóng ma của nàng đứng ở cửa nhà, với ba lô leo núi trên lưng và khuôn mặt bị che khuất bởi bóng của cái mũ. Nàng bắt đầu thả mình lười biếng dọc bến tàu. Những quầng mây trắng uốn lượn trên trời như những tấm vải đang hong khô. Dòng nước chi chít những ngôi sao bạc lớn; những hàng cây run rẩy lấp lánh dưới ánh sáng mờ. Đi dạo cùng bóng ma của mình, nàng khám phá ra những chốn âm u, vượt ngoài không gian và thời gian: những quảng trường nhỏ với những ngôi nhà trắng trống trải, những cửa sổ mở toang, há hốc; và những con đường hẹp dưới vòm dẻ - hoàn toàn hoang vắng, một tháp chuông bất ngờ nhô lên trên những mái nhà... Nàng băng qua sông Seine và tựa vào lan can để ngắm dòng nước. “Thật khó để tưởng tượng niềm vui mà người đồng hành vô hình, tưởng tượng của mình mang đến. Nếu đó là người sống, một điều như thế sẽ chẳng thể nào xảy ra: nhưng mình yêu trò lang thang và trò chuyện với những người chết mỉm cười, lặng lẽ và tự do, tự do hoàn toàn và mãi mãi.”
Anh Hoa dịch
Nhật ký bằng thư
Katherine Mansfield (WW1)
Ở nhà trọ Đức (1911)
Nhịp, Nghĩa của Nhịp, Sự nghiêm cẩn trong Nghệ thuật (1912 - 1913)
Paris (1914-1915)
Ngợp (1918)
Athenaeum (1919)
Tiệc vườn (1921)
Fontainebleau & epilogue (1923)
Ingeborg Bachmann (WW2)
"người Nga đã vào Vienna" & Jack (1945)
"rằng em không nên tự viết thư cho anh" (1948 - 1950)
"khi khói tan đi và người ta nhận ra ngôi nhà không còn nữa, chẳng còn biết phải nói gì" (1950 - 1951)
Malina (1971)
Ba lối tới hồ (1972)