Middlemarch (tập 1)
628 trang
13,5 x 20 cm
Middlemarch là một bộ tiểu thuyết rất dày (tổng cộng hai tập hơn một nghìn trang), nhưng không trang nào không đóng góp vào tổng thể. Kể từ khi xuất bản, nó đã giành được sự ngưỡng mộ của nhiều nhân vật lớn. Năm 1873, Emily Dickinson đã viết: "Tôi nghĩ gì về Middlemarch ư? Tôi nghĩ gì về vinh quang bất tử, có điều người phàm này [chỉ George Eliot] đã khoác lên mình sự bất tử ấy rồi." Còn theo Virginia Woolf, đây là "một trong số ít tiểu thuyết tiếng Anh viết cho người lớn." Ngày nay Middlemarch được coi là tiểu thuyết vĩ đại nhất trong số những tiểu thuyết vĩ đại thời Victoria.
Câu chuyện diễn ra trong bối cảnh kinh tế - chính trị hết sức phức tạp: cái chết của George IV, cuộc bùng phát của dịch tả, việc thông qua Dự luật Cải cách 1832 và sự ra đời của đường sắt. Tất cả làm đảo lộn đời sống bó hẹp, êm đềm của một thị trấn trung du nước Anh, tạo ra nhiều xáo trộn trong những ước vọng và định kiến về hôn nhân, tôn giáo và việc phân chia tài sản. Những thay đổi này hằn dấu lên số phận nhân vật chính, cô gái giàu lý tưởng và cũng đầy ảo tưởng Dorothea Brooke. Cô đặt toàn bộ lòng tin vào người chồng uyên bác của mình chỉ để rồi phải thất vọng ê chề khi nhận ra đằng sau sự uyên bác ấy chỉ là một tâm hồn ích kỷ, đầy mặc cảm và sợ hãi. Nhưng kể cả khi đó, tình thương rộng lớn của Dorothea vẫn cho phép cô cảm thông được với sự đau đớn, bất lực của chồng. Sau mọi tuyệt vọng và sai lầm, cô vẫn dùng đời mình làm được nhiều điều ý nghĩa, dẫu đó hoàn toàn không phải là lý tưởng vĩ đại mà cô từng tưởng tượng.
Henry James, khi viết về Middlemarch, đã nhận xét: “Các nữ anh hùng của George Eliot sở hữu một sự cao cả bất khả thuyết của tâm hồn, và trong nghệ thuật trình hiện điều đó, bà đã đạt được vị trí không ai sánh kịp trong văn chương Anh. Độc giả như được nhìn thẳng vào đôi mắt khôn dò của tâm hồn Dorothea Brooke. Nàng tỏa ngát hương thơm của sự thánh thiện, và ta tin nàng như tin một phụ nữ ta có thể may mắn gặp được đúng lúc ta thấy mình nghi ngờ về sự bất tử của tâm hồn.” Sức mạnh tinh thần quật cường ấy không chỉ soi sáng những nhân vật giàu lý tưởng như Dorothea hay bác sĩ trẻ Lydgate mà còn khiến độc giả nhìn rõ hơn các nhân vật tăm tối như Bulstrode hay Casaubon. Vẫn Henry James nhận xét như sau: “Quả thật, có một điều gì đó rất cao thượng trong cách tác giả hình dung ông [Casaubon]. Phải là một nhà đạo đức xuất chúng và một người kể chuyện bậc thầy mới có thể miêu tả sự tự phụ rỗng tuếch và ích kỷ giáo điều với ít mỉa mai hẹp hòi và nhiều cảm thông có tính cách triết học đến thế. Toàn bộ chân dung ông Casaubon giữ một tông xám được duy trì rất vững, không bao giờ đen hẳn như thường thấy ở những họa sĩ kém hơn.”
Đây chính là điều mà độc giả có thể trông chờ ở các tác phẩm văn chương thực sự lớn. Ở đó không có nhân vật chính diện và phản diện đơn thuần. Nhân vật nào, dù chính hay phụ, cao cả hay xấu xa cũng hết sức phức tạp, đầy những góc khuất mà chính họ cũng không biết hết. Middlemarch dày hơn một nghìn trang nhưng không trang nào thừa thãi. Trang nào cũng hé lộ nhiều điều chưa biết về nhân vật và còn khiến người đọc mong chờ nhiều hơn. Đó là công trình của một trí tưởng tượng dồi dào và một ngòi bút bậc thầy, đạt độ chín sau cả một đời sáng tác không ngừng nghỉ. Lại vẫn dẫn lời Henry James, “Về độ rộng của viễn kiến ôm được cả sự nghiêm túc sử gia và những tưởng tượng vô độ nhất, George Eliot đứng một mình một bậc trong các nhà lãng mạn Anh. Fielding gần được nhưng không bằng bà: Fielding vẫn giáo điều, còn tác giả của Middlemarch thì thực sự suy tư triết học.”
Bộ sách gồm hai tập. Tập hai ở đây.