Ngôi nhà không còn nữa
“khi khói tan đi và người ta nhận ra ngôi nhà không còn nữa, chằng còn biết phải nói gì.” (Thư Ingeborg Bachmann gửi Paul Celan)
Con người cần một ngôi nhà để trở về, nhưng cũng cần một ngôi nhà làm điểm mốc để ra đi – như cây cọc cột một đầu sợi dây thừng. Không có sự phiêu bạt vào thế giới nào lại bất tận và chông chênh hơn sự phiêu bạt của những con người sau thế chiến phải trú ngụ trong các khách sạn và mơ tưởng về chốn dừng chân nơi miền quê hương xa lắc với hy vọng le lói rằng ngôi nhà của họ vẫn còn. Những người không nhà là những kẻ đánh cược đời mình cho cuộc đưa đẩy vần vũ nghiệt ngã, họ buộc phải chấp nhận định mệnh lênh đênh cho tới bao giờ chui được vào ngôi nhà dành cho mình thì thôi.
Ingeborg Bachmann cũng thuộc vào hàng những người không có một ngôi nhà từ rất sớm. Đúng hơn, bà đã từng có những ngôi nhà nhưng số phận buộc bà phải chứng kiến sự sụp đổ liên hồi của chúng ngay từ khi còn là thiếu nữ. Ngôi nhà đầu tiên sụp đổ cùng sự trở về của người cha vốn làm giáo viên nhưng sau đó chuyển sang phục vụ cho chế độ Đức Quốc xã. Bản chất huỷ diệt của cả một thế hệ in hằn nơi ông không chỉ vô tình bóp ngạt tâm hồn nhạy cảm của đứa con gái mà còn huỷ đi cấu trúc vốn có của ngôi nhà. Sự sụp đổ này rạch một vết thương không bao giờ kín miệng trong lòng Bachmann. Mãi sau này trong Ba lối tới hồ (1972), khi viết về quan hệ giữa cha và con gái trên nền là ngôi nhà tuổi thơ, nhân vật nữ Elisabeth của Bachmann cũng chưa từng xem ngôi nhà mà người cha già đang ở là nhà mình và luôn sẵn sàng xách hành lý rời đi bất cứ lúc nào. Việc hằng năm Elisabeth trở về chẳng qua là do ma lực của sự bất khả phản bội gia đình đã chằng vào vai người làm con. Ngôi nhà tuổi thơ chẳng còn đủ sức níu chân cô bằng hồ nước mà suốt kỳ nghỉ cô chỉ chực tìm lối tới. Ngôi nhà thứ hai của Bachmann là Klagenfurt. Dù đã dành cả cuộc đời trưởng thành cách xa thành phố tỉnh lẻ yên ả này, các cánh đồng, hồ nước cùng những lối đi trong rừng vẫn xuất hiện liên tục trong các tác phẩm của Bachmann như minh chứng cho ấn tượng lâu dài về nó. Tuy nhiên, quê hương bình yên ấy cũng sụp đổ vào cái ngày Hitler cùng quân đội tiến vào quảng trường chính của thành phố năm 1938. Đấy là một xen kinh hoàng mang tính quyết định, một tia chớp rạch ngang bầu trời, một đường cắt phăng hiện hữu nguyên khối ra làm đôi. Trong cuộc phỏng vấn nổi tiếng với Gerda Bödefeld vào tháng 12 năm 1971, bà khẳng định: "ký ức của tôi bắt đầu từ hôm đó: với một nỗi đau đến quá sớm, và có lẽ tôi chưa bao giờ kinh nghiệm thêm một nỗi đau nào có mức độ khủng khiếp như vậy nữa." Điều này phần nào lý giải vì sao Bachmann cứ ngẩn ngơ trước cái bóng lung linh của đế chế Habsburg và tin rằng dưới hào quang chói lọi vốn từng ngự trị nơi quá khứ ấy, đất nước và quê hương bà mới được phục nguyên: “Es gibt kein Land Österreich, das hat es nie gegeben. Und was wir heute so nennen, trägt seinen Namen, weil es in irgendwelchen Verträgen so beschlossen wurde. Aber der wirkliche Name war immer ‘Haus Österreich’. Ich komme aus dieser Welt, obwohl ich geboren wurde, als Österreich schon nicht mehr existierte. Doch unterirdische Querverbindungen gelten für mich immer noch, und die geistige Formation hat mir dieses Land, das keines ist, gegeben” [Không tồn tại một nước Áo. Nó chưa bao giờ từng tồn tại. Vùng đất mà ngày nay chúng ta gọi là Áo mang tên đó bởi vì nó được thống nhất như vậy trong một hiệp ước nào đó. Nhưng cái tên thực sự của nó thì luôn là Haus Österreich. Tôi đến từ nơi này, mặc dù tôi sinh ra khi Áo đã tan rã. Nhưng những mối liên kết tâm linh đầy ý nghĩa của nó và nền tảng tinh thần của tôi được hình thành bởi vùng đất ấy, vốn không phải một quốc gia]. Về sau này Bachmann còn có dịp đi nhiều nơi, thế nhưng những nơi ấy đều chỉ là những trạm dừng chân trên con đường dài dặc mà bà cố lê từng bước băn khoăn tới điểm cuối cùng vô định.
Sự sụp đổ của những ngôi nhà kỳ vĩ đầu đời nhanh chóng đẩy Bachmann vào tình cảnh cô đơn lang bạt và nhất thiết phải tìm cho chỗ nương náu khác. Trong một thế giới hỗn loạn, chuyện này khó khăn hơn bao giờ hết. Bachmann trẻ tuổi mò mẫm đường tới đó bằng sự giúp sức và đưa đẩy của các giọng nói đóng vai trò khải thị. Các giọng ấy cất lên từ những cuốn sách đến từ ngày-hôm-qua, nơi những: Mann, Zweig, Schnitzler,... trao cho bà một cái nhìn để bà sớm hiểu rằng không còn có thể tin vào lời chỉ dạy của những người lớn, những “nhà giáo” hách dịch chỉ muốn đám trẻ bị giết, và rằng cần phải tìm một chỗ bên ngoài các “cộng đồng chủng tộc Đức” đang hoá rồ thì mới tới được nhà. Hơn hết, các giọng nói này còn khuôn tạo và khích lệ nơi đứa trẻ cô độc một lòng tin kiên định quyết không khuất phục làm cây gậy đi đường, cùng nỗi buồn mênh mông làm lương khô dắt túi. Vậy là Bachmann tiếp tục lang thang giữa mênh mông của thực tại và khả thể.
Càng đi Bachmann càng thấy thế giới này là một chốn kỳ lạ, và điều còn kỳ lạ hơn nữa là bà lại sống trong đó ngày hôm nay. Có rất nhiều lối đi, song để tới được miền đất và ngôi nhà tinh thần vững chãi, Bachmann đã chọn đường lội qua ngôn ngữ. Thế giới đang vỡ ra cùng với tinh thần băng hoại của nó, mà ngôn ngữ là điểm móc một vòng tròn. Bachmann trẻ tuổi chọn Martin Heidegger làm đối tượng phê phán bởi bà nhận nhận ra siêu hình học của ông không thể trả lời cho các câu hỏi về sự thật và ý nghĩa của cuộc sống mà bà kỳ vọng. Ngôn ngữ các giới hạn của nó, và ngôi nhà thuộc về cõi “những điều không thể nói” mà bà tìm kiếm cần phải được dẫn lối bởi con đường của siêu ngôn ngữ. Trong luận án, bà đã trích những câu sau đây trong “Le gouffre” của Baudelaire để diễn tả nỗi kinh hoàng trước vực thẳm đe doạ: “Tout est abîme – action, désir, rêve, Parole!” [Mọi thứ là vực thẳm – hành động, khao khát, giấc mơ, Lời!] cũng như sự bất lực cuả lý trí trong đối mặt với hư vô: “Ah! Ne jamais sortir des Nombres et des Êtres” [A! Không bao giờ thoát khỏi những Con số và Hữu thể]. Nhu cầu khơi dậy từng thứ một thông qua khát vọng siêu vượt “những điều được nói ra” sẽ trở thành con đường trung tâm của Bachmann trưởng thành.
Để vẽ được bản đồ dẫn tới nhà, Bachmann phải liên tục nhìn. Bà nhìn vào quá khứ, nhìn vào thực tại, nhìn xuyên vào cả các khả thể đồng hiện và mỗi lần nhìn ấy đều khiến bà đau đớn. Một mặt bà ghi chúng lại bằng cách xếp các từ cạnh nhau để phác cho ra một hướng giải; mặt khác bà vẫn hiểu rằng các lối đi có thể sạt lở bất cứ lúc nào – sự thấp thỏm ấy đã hiện diện từ ngày Bachmann còn trẻ: “và thật không may trong bức thư cuối cùng em đã thêm vào câu rằng em cảm thấy như thể tất cả những cây cầu phía sau em đã sụp đổ” (Thư Jack Hamesh gửi Ingeborg Bachmann). Phải "nhìn" thì Bachmann mới có thể hướng đến vô hạn và phi lai. Nhưng khi "nhìn" được thực hiện trong và bằng ngôn từ, nó tất yếu gặp phải các “ranh giới ngôn từ”, như một trong những tuyên bố nổi tiếng của Wittgenstein trong Tractatus, rằng “Giới hạn ngôn ngữ của tôi là giới hạn thế giới của tôi,” có thể được hiểu như một ẩn dụ ngược của sự tự do và giới hạn mà nó đặt ra. Ngày càng thường xuyên, Bachmann phải vật lộn với giới hạn này chính khi bà cố gắng định hình lại và vượt qua nó. Bước quan trọng nhất mà bà thực hiện trong quá trình ấy là bỏ hẳn thơ (đang rất thành công) để chuyển sang hình thức văn xuôi vào quãng giữa sự nghiệp mình.
Tất cả đấu tranh và hy vọng ấy kết thúc đột ngột và bi thảm vào đêm 26 tháng 9 năm 1973, khi Bachmann ngủ thiếp đi trong căn hộ của mình ở Rome lúc đang hút thuốc trên giường. Bà tỉnh dậy và thấy mình cùng chiếc giường đã chìm trong lửa. Khi đội cứu hỏa đến, bà được tìm thấy trong tình trạng bất tỉnh và bị bỏng nặng. Ba tuần sau, ở tuổi bốn mươi bảy, Bachmann qua đời. Người phụ nữ ấy đã đi được đến đâu của bản đồ, đã tìm thấy được lối tới ngôi nhà hay chưa, hay đã chấp nhận cái chết của kẻ lang thang? Một ngôi nhà hay một chỗ nào khác để nhắm tới chừng chỉ là ảo tưởng, như Elisabeth loay hoay tìm các lối dẫn tới hồ nhưng khi được tới đó bằng xe buýt và bơi trong dòng nước mát cô chỉ nghĩ: “Hồ này cũng chẳng còn là hồ của chúng ta nữa, nước của nó có vị khác, không thể bơi như trước. Nó chỉ thuộc về chúng ta vỏn vẹn nửa tiếng trời mưa mà thôi.”
“Ich werde da sein, indem ich nicht da bin” (Ingeborg Bachmann).
Thanh Nghi