Melville: Mardi (kỳ 4)
Mardi, bộ tiểu thuyết đồ sộ của Melville sẽ được đăng phơi ơ tông trên Văn Bản, vào thứ Ba hằng tuần, cho đến hết. Sau Jacket trắng và Ngắn, Melville một lần nữa hiện ra, cùng nhịp với Joseph Conrad và Henry James trong cuộc mở rộng chân trời.
Mardi
- Herman Melville
CHƯƠNG XI
JARL MẮC CHỨNG CỨNG KHÍT HÀM
Nếu tôi được hạ thủy con thuyền săn cá voi khỏi tấm ván cong của con tàu trên biển một lần nữa, tôi sẽ liệu chừng cho thật cẩn thận, sẽ kiếm một đồng bạn thật hoạt bát, với một cái đầu huyên náo. Mong hắn đừng bao giờ ngu ngốc quá - cái sự ngu ngốc của hắn, miễn hắn năng nổ vì nó, thì còn du di được.
Đôi lúc, ai mà chẳng thích một gã rồ, một gã đần cứ khúc kha khúc khích bông đùa, có cái miệng cười toe toét chứ? Đấy chẳng phải là sự sắp đặt hợp lý của Đấng Quan Phòng để lấp đầy những trống trải vào những quãng đình đốn xã hội, làm nguôi bớt nỗi buồn chán của tồn tại hay sao? Chưa kể họ còn giúp, đây đó, rất nhiều người giữ được ảo tưởng tốt đẹp về chính mình. Dù đôi khi lời họ nhạt nhẽo như nước lã tráng lưỡi rượu ngà; dù với những tâm hồn thiếu ôn hòa và cáu bẳn, cái “bản mặt” của họ nhìn vào là muốn điên tiết, tiếng nói huyên thuyên họ nghe vào là muốn tự sát, ta cũng đừng khó khăn với họ; hãy để họ sống nhờ vào việc lành mà biết đâu họ sẽ làm.
Ấy vậy mà này Jarl, Jarl ngu, Jarl thương, ông nào thuộc về đám người ấy. Ông mang bộ mặt tuồng như mặt thầy phó tế mắc vạ tuyệt thông. Bất kể sự gì xảy ra mặc lòng, ông vẫn cứ lối cũ xử sự. Lặng lẽ, ông đã suy đi nghĩ lại trên trục sáng suốt của ông, ở bên trong ông, như bàn quay trong cỗ máy cứ xoay vòng luôn mãi, dầu rằng ông có thật đã nhìn vào nó hay chăng. Này, Jarl! chẳng phải ông đang mải lo việc mà lắm kẻ sao lãng - việc của riêng ông ru? chẳng phải ông đang mải nghĩ về nó, mà chẳng có cơ may sẽ cuộn lại những lo toan thất thường của ông, và trải một lá buồm ổn định ru?
Thế mà đôi lúc, những mơ mẩn không ngớt nơi người bạn đơn độc của tôi thật mệt nhọc với tôi biết bao. Tôi ao ước có điều gì đó mang sinh khí, một sự bật ra ngôn từ, tính hoạt bát con người thế này thế kia. Sau khi hoài công cố cạy ra một lời từ Jarl, tôi thử tự làm với chính mình, đùa giỡn với cái thân tôi như với một thứ nhạc cụ, hát hò, ới gọi và làm những cử chỉ trống rỗng, đến khi ông Viking của tôi trừng mắt nhìn thật hắc, và cái thằng tôi tạm ngưng để xét xem liệu mình có bị khùng điên gì chăng.
Nhưng thanh minh cho sự nghiêm trọng của Ông Giời thế nào đây? Đã hẳn, nó chẳng dựa trên trầm mặc triết lý; ông không hề thuộc loại người lý tưởng chủ nghĩa, một kiến trúc sư trên không, một kỹ sư xây dựng những vòm bay. Chẳng thể tưởng tượng rằng các mơ mẩn của ông giống như vua Manfred và cao quý, gợi lại những chiến công không thể tả xiết bằng lời, quá bí ẩn ngay cả khi được biểu lộ nhờ vào những gợi ý xa xôi nhất. Mọi giả thuyết đều vô lý.
Sự trầm ngâm của ông là một câu đố. Tôi lo lắng hỏi thăm ông liệu rằng, có nơi nào trên thế gian này, Savannah, Surat, hay Archangel, ông có một người vợ để nghĩ tới; hoặc là con cái, mà sao cái mặt ông dài thượt thế. Cũng không ở đâu sất. Thành thử, như lời ông thú nhận rằng ông chẳng nghĩ về ai trừ chính mình, và nơi ông cũng chẳng có gì nhiều ngoài lòng trung thực (mà chỉ với lòng trung thực ấy thôi người ta cũng có thể xem như ông đã đầy ắp rồi), tôi còn biết vin vào điều gì ngoài giả thuyết ban đầu: rằng trong lúc nghỉ ngơi, trí tuệ ông bước ra, và để mặc tấm thân ông một mình.
CHƯƠNG XII
THÊM CHUYỆN TRÊN THUYỀN KHÔNG MUI
Vào sáng ngày thứ ba, khi trời hừng đông, tôi ngồi tại cây chèo lớn, một hai tiếng trước khi thay phiên Jarl, lúc này đang ngủ khò. Chẳng biết thế nào, bất thình lình một cảm giác nguy nan quá mãnh liệt đến với tôi, rằng thật khó mà làm trầm trọng thêm nỗi cô đơn trọn vẹn nhất.
Ở trên boong tàu, cảm giác đơn thuần khi được nâng lên trên nước và tầm với của tiền đồ mà bạn chỉ huy mang cho bạn một mức độ tự tin khiến bạn hả hê vì sự an toàn tưởng tượng của mình. Nhưng khi ở trên một con thuyền không mui, bị hạ xuống mặt biển phẳng, cảm giác đó gần như là bị bỏ mặc hoàn toàn. Trừ khi các con sóng, trong những trò nhảy nhót nô giỡn của chúng, hất bạn lẫn cái mẩu gỗ của bạn lên các đỉnh sóng trịch thượng, mặt cầu thị giác của bạn chỉ hơi lớn hơn một chút so với khi ở đáy giếng. Tầm nhìn xa nhất của bạn, dù theo bất kỳ hướng nào, cũng chỉ là một mặt biển cao và lừ đừ cuộn sóng, khi bạn sa xuống những khoảng không mù sương, tăm tối, giữa những ngọn sóng lừng dài và đều. Thế rồi, ngay lúc ấy, như là đang ngước nhìn quanh trảng cỏ nhập nhoạng, vô tận, nơi hai khuôn rạng, mỗi rạng ở mỗi bên, tựa như đang vật lộn qua những đầu núi chất lỏng nửa trong suốt.
Nhưng, nán lại không lâu trong những thung lũng yên ắng ấy, từ vách sóng đến vách sóng, con thuyền đơn độc của chúng tôi nhảy bật lên, một chú dê biển giữa dãy Alps!
Đường chân trời dập dờn làm sao - như một con mãng xà khổng lồ cùng cả vạn khúc cuộn quấn quanh địa cầu này song lại rất gần, theo cách hiển nhiên, đến độ như thể bàn tay người ta có thể chạm đến nó.
Quả là cô đơn; khi mặt trời mọc và tung vó lên tận thiên đường, chúng tôi chào mặt trời như một khách bộ hành chốn sa mạc Sahara thấy một bóng kỵ binh đằng xa. Ngoại trừ chúng tôi, mặt trời và Dê Biển có vẻ là toàn bộ những gì còn sót lại từ cuộc sống trong vũ trụ này. Chúng tôi khao khát hướng về phía cái đĩa vui tươi ấy, như trên những vùng đất lạ, người lữ khách chào mừng những khuôn mặt thân quen, gương mặt mà nơi quê cũ từng chẳng hề để tâm. Và chẳng phải mặt trời là bạn của người du hành sao? Chẳng phải cả hai chúng tôi đang đi về phía tây sao? Nhưng nó nhanh chóng đuổi kịp và vượt chúng tôi hằng ngày biết cỡ nào, vội vã đưa hành trình của nó đến hồi kết.
Khi một tuần đã trôi qua, thuyền đi ổn định, ngày và đêm, và chẳng có gì trước mắt ngoài vẫn y cái biển ấy, thì có gì lạ đâu khi những suy nghĩ không yên lòng cuối cùng cũng bước vào tâm can chúng tôi? Nếu vô tình chúng tôi đi qua điểm đến mà, theo tính toán là nơi các đảo của chúng tôi trải dài, thì chúng tôi đang ở vùng biển vô bờ nào? Lắm phen, những điềm ấy làm nao núng cái ý nghĩ về vị trí các quần đảo ngoài kia. Mọi thứ trở nên mơ hồ và rối ren; thế nên về hướng tây các đảo Kingsmill và Radack, tôi tưởng ở đấy chẳng có gì ngoài một vùng biển vô tận.
CHƯƠNG XIII
VỀ LỚP CÁ SỤN, VÀ NHỮNG LOÀI KỲ DỊ KHÁC
TRÀN VÀO QUẤY PHÁ CÁC VÙNG BIỂN PHÍA NAM
Đôi khi trong cuộc hải trình lẻ loi của chúng tôi, từng có những cảnh đã làm cho cảnh vật thêm đa dạng, nhất là khi chòm Song Ngư đang ở điểm hoàng đạo.
Đấy là nghiên cứu thực vật trứ danh, họ nói, ở những thảo nguyên vùng Arkansas bát ngát; tôi xin gửi gắm sinh viên Ngành Ngư Học xuống một con thuyền không mui và những đồng hoang biển cả Thái Bình Dương. Khi con thuyền của bạn lướt đi thì những con quái vật biển lạ kỳ cũng lượn qua. Ở nơi khác, ta chẳng bao giờ được thấy thứ gì giống như chúng. Và chúng cũng chẳng ở bất kỳ đâu trong sách của các nhà tự nhiên học.
Dẫu cho Mỹ Châu đã được khám phá, quận Cathays của biển sâu vẫn còn là bí ẩn. Và bất kỳ ai có vượt Thái Bình Dương hẳn đã đọc các bài đọc của Buffon. Con hải xà không phải là một chuyện hoang đường; và ở ngoài biển, thì rắn chỉ là một con sâu vườn. Trên đời có nhiều kỳ quan hơn những kỳ quan được người đời công nhận và nhiều cảnh tượng không được tiết lộ hơn bạn và tôi từng mơ về. Chuột chũi và dơi không thôi đã là những thứ đáng nghi, và sự bội tín đích thực duy nhất là để một con người đang sống tự bỏ phiếu chết cho chính mình. Ta lấy Sir Thomas Browne làm mẫu mực; người mà, đang khi làm tiêu tan “Những Lỗi Thô Tục,” đã chân thành ôm lấy hết thảy những mầu nhiệm trong Ngũ Thư.
Nhưng kìa! hàng sải sâu dưới biển khơi, có nơi nào bạn từng thấy một bóng ma như thế? Một hình lưỡi liềm to tướng có gạc như một con tuần lộc, và một Đồng Bằng của những mồm những miệng. Nó chậm rãi chìm xuống, và chẳng còn được thấy nữa.
Tiến sĩ Faust đã thấy quỷ; nhưng bạn đã thấy “Cá Đuối Quỷ”.
Lại nữa kìa! Thêm một con khác đến. Jarl gọi nó là Cá Mập Xương. Con trưởng thành to cỡ một con cá voi, nó có đốm như báo và răng như ngà voi gối lên các hàm như những con hải mã. Với các thủy thủ, chẳng có gì gây kinh hoàng như khi ở cự li gần với một sinh vật thế này. Những con tàu lớn lái khỏi đường đi của nó. Và chúng nên thế, vì con tàu Essex xưa cùng những tàu khác, đã bị những con quái vật biển này đánh đắm, như loài cá sấu thọc cái mõm sừng của nó xuyên qua thuyền độc mộc Carribean.
Thường trực với chúng tôi là nỗi lo sợ một tai họa bất thình lình từ những loài phi thường mà chúng tôi lướt qua gần như hàng giờ.
Về phần cá mập, chúng tôi từng thấy chúng, chẳng phải từng con hay hàng chục, hàng trăm mà hàng ngàn hàng vạn. Hãy tin tôi, dưới biển có nhiều cá mập hơn người trần mắt thịt trên bờ.
Và chó có bao nhiêu loại thì những con cá mắn đẻ ấy cũng bấy nhiêu. Các nhà tự nhiên học người Đức Müller và Henle, khi đặt tên thánh cho bọn cá mập, đã đặt cho chúng những cái tên ngoại đạo hơn cả; chúng được xếp cùng một họ với nhau - cái họ mà, theo Müller, tam thái chánh nhất phẩm, chắc chắn là một nhánh của tông Cá Sụn thượng cổ và tiếng tăm.
Để bắt đầu. Ta có Cá Mập Nâu loại thường, hoặc là thầy cãi hải dương, như thủy thủ thường gọi: một kẻ xấc láo, tham lam, phàm ăn, mặc cho ăn đã những cú đập mạnh, vẫn thường kịch liệt đớp lấy cây chèo lớn của chúng tôi. Đôi khi những quý vị này bơi theo hàng đàn, nhất là quanh các phần thừa của một con cá voi bị thảm sát. Bọn chúng là những con kền kền của biển sâu.
Chúng tôi cũng thường chạm trán Cá Mập Xanh đỏm dáng, một gã có cái mã dài, thon, mãnh, và nhã, với eo mảnh y như một cậu ấm phố Bond và hàm răng trắng nhất trần đời. Cái gã trai lơ khảnh ăn này luôn thong thả: cái vây vô tư, cái đuôi lười nhác. Thế mà chú ta lại trông nhẫn tâm như quỷ.
Phong thái máu lạnh hào hoa ấy trông mới tương phản với cái vẻ ngông nghênh phũ phàng, man rợ của Cá Mập Hổ biết bao: một kẻ phàm ăn tròn trịa, béo tốt, với cái miệng phồng ưỡn và lương tâm suy đồi, lảng vảng đi tìm mồi để ngấu nghiến. Những kẻ hám ăn này là động vật ăn xác thối lính hải quân, bơi theo những con tàu ở các vùng biển Phía Nam, nhặt nhạnh những đầu thừa đuôi thẹo rác rưởi và thi thoảng được miếng mồi ngon, một thủy thủ trôi dạt. Thảo nào có chuyện các thủy thủ lên án chúng. Jarl có lần từng trấn an tôi rằng dẫu có gặp vận xui nhất thời thì cũng nên nhớ về một niềm an ủi ngọt ngào, rằng có thời ông đã từng thảm sát, không chỉ giết thôi, hàng đàn Cá Mập Hổ.
Nhưng toàn bộ điều này là sai. Phải ghét cả thiên thần, nếu đã ghét cá mập. Cả hai được tạo ra dưới cùng một bàn tay. Và những con cá mập thì đáng yêu, chứng kiến những quý chuộng quốc nội. Chẳng Nữ Thần Báo Thù nào quá dữ tợn đến nỗi không có một khía cạnh hòa nhã. Ở chốn rừng rú hoang vu, một con báo mẹ âu yếm báo con, như Hagar với cậu Ishmael, hoặc một nữ hoàng Pháp với hoàng thái tử. Khi ghét, chúng ta đâu biết mình làm gì. Và tôi có lời của người bạn hào hoa Stanhope[1] để làm chứng cho điều ấy: rằng kẻ nào tuyên bố thích một người biết ghét cay ghét đắng thì, cùng lắm, cũng chỉ là một dạng Hottentot biết cư xử mà thôi. Không phải lời nhận xét gì quá thanh tao, dù xuất phát từ người đàn ông thanh tao nhất. Nhưng khi người đào bới từ điển thốt ra câu đó, chắc chắn ông ta chẳng phải là một tín đồ Kitô giáo cho ra hồn. Song, thật khó để một người từ bỏ thứ bệnh tưởng thuộc thể tạng như vậy để được đong đầy nhựa sống và sự hiền hòa của phúc âm. Nhưng, với lòng tôn trọng, tôi phủ nhận rằng ông bác già Johnson thực sự tin vào thứ tình cảm được gán cho ông. Yêu một kẻ ghét mình ư? Ai lại thấy ngon miệng khi nếm mật đắng? Trong khi sự ghét là một thứ vô ơn. Vậy nên, ta hãy chỉ ghét cái lòng ghét; và một khi cho tình yêu cơ hội thể hiện, người ta có thể yêu một con kỳ lân. A! điều dễ nhất lại là điều tốt nhất; và để ghét, người ta phải vất vả hơn. Tình yêu là niềm vui sướng; nhưng lòng ghét là một cực hình. Và những kẻ ganh ghét thì áp những cực hình vặn ốc ngón tay, bốt Scotch, và Tòa án dị giáo Tây Ban Nha lên chính họ. Gói gọn trong năm chữ -ước gì nó là một nguyên âm kép kiểu Xiêm - kẻ ghét là kẻ ngu.
Trong vòng vài ngày, Dê Biển của chúng tôi bị đuổi theo bởi hai con Cá Mập Hổ đã nói ở trên. Một đôi thân tín bất ly bơi dọc theo đường rẽ nước của chúng tôi, sát bên mạn, như một cặp cướp cạn, nhẩn nha cho tới khi bạn đến các giao lộ. Nhưng rồi, thấy cuộc săn là vô ích, chúng đành bỏ cuộc, càng lúc càng xa về phía đuôi thuyền, đến khi hoàn toàn khuất mắt. Ông Giời lấy làm thất vọng lắm; ông đã đứng rất lâu ở đuôi thuyền, tay cầm sẵn cây xiên để phóng một cú.
Nhưng trong hết thảy bọn cá mập này, bọn Cá Mập Trắng ghê khiếp thì tôi xin kiếu. Dẫu rằng chúng ta không nên ghét gì cả, nhưng những sự không thích thì luôn là bộc phát và sự không thích thì không phải là sự ghét. Và tôi chưa bao giờ ép bản thân mình yêu được, hay là thân thiện, với một con Cá Mập Trắng. Nó chẳng phải loại sinh vật giành được cảm tình của thanh niên.
Cái thứ bóng ma cá ấy rất ít gặp và hiện rõ vào ban đêm hơn là ban ngày. Lối giống Timon[2], nó luôn bơi một mình, lượn ngay dưới mặt biển, để lộ một hình dáng dài, mờ, trắng sữa cùng hố răng trắng không đáy đôi lúc thoáng ẩn thoáng hiện. Nha sĩ, nó chẳng cần. Vào ban đêm, trông nó như một linh hồn âm thầm xuất hiện dưới nước, bề ngoài cứ lầm lầm lì lì khủng khiếp, con Cá Mập Trắng đã lắm phen gửi tới một cái rùng mình cho hai bọn tôi qua thuyền Dê Biển.
Ngày đến, ở những vùng biển lặng sâu thẳm nhất, chúng tôi thường thấy chột dạ vì tiếng thở dài nặng nề của Cá Voi Grampus khi uể oải bơi lên bề mặt, chú lấy một hơi dài sau khi chợp mắt bên dưới.
Hết lần này đến lần khác chúng tôi nhìn những con cá ngừ bạch tạng lao tới, bọn cá với tấm giáp phiến lá và những vảy vàng: vua Nimrod của các vùng biển, mà những con cá chuồn phải làm mồi cho. Khi bay khỏi những kẻ săn đuổi chúng, nhiều con bay cả lên thuyền chúng tôi. Thế mà chúng cứ vì một cú choáng mà lăn ra chết. Chẳng điều dưỡng nào có thể làm chúng hồi tỉnh được. Một trong những chiếc cánh thì tôi cắt bỏ, trải cho khô dưới một vật nặng. Trong vòng hai ngày là có miếng màng mỏng, khắp nơi có các đường vân như trên lá cây, trong suốt như thạch bóng cá và nhuốm những ánh màu rực rỡ, như lụa đổi màu.
Hầu như mỗi ngày, chúng tôi rình Cá Voi Hoa Tiêu - đen như than và bóng nhẵn. Chúng dường như bơi bằng cách quay vòng vòng dưới nước, như một bánh xe; những vây lưng đôi khi chĩa ra như những nan hoa.
Một loài có phần tương tự nhưng nhỏ hơn, mũi như gắn bộ xén, là bọn Cá Heo Cướp Biển; chúng được gọi vậy có lẽ vì thiên hướng cướp biển của chúng, rình những con cá ôn hòa trên những vùng biển khơi và cướp đi cả xác lẫn hồn chỉ bằng một ngụm. Bọn Thổ Tàn Ác! một cuộc thập tự chinh nên được giảng dạy chống lại bọn này.
Ngoài những điều ấy, chúng tôi từng chạm trán Cá Voi Sát Thủ và Cá Voi Quất Đuôi, tới nay là những con hăng và “máu” nhất trong các tông loài có vây. Dù hơi lớn hơn cá heo chuột một chút, một băng bọn chúng chẳng thèm lao vào tấn công con thủy quái. Chúng nhử con quái vật như thả chó săn bò mộng. Cá Voi Sát Thủ đớp con Cá Voi Đầu Bò bằng cách ngoác hàm rộng đầy uất hận, và Cá Voi Quất Đuôi thì siết chặt, và đánh vào con thú bằng những chiếc đuôi săn gân. Thường thì chúng là những kẻ chinh phục, giày vò đối thủ cho tới chết. Dẫu rằng cũng xin thú thật, chỉ cần con thủy quái quất chiếc đuôi đáng sợ thì chúng sẽ bay cả lên không, như thể bị sừng Taurus hất đi.
Chúng tôi đã được nhìn thấy cảnh tượng ấy. Nếu như danh họa Wouvermans từng vẽ cuộc săn bò mà có ở với chúng tôi thì đây sẽ là một cơ hội hiếm hoi dành cho cây bút chì của ông. Và Gudin hoặc Isabey hẳn đã quẳng vùng biển xanh cuộn sóng vào trong tranh. Sau cùng, một trong những mặt trời hè đang lặn của Claude sẽ tôn lên cái toàn thể. Ôi, tin tôi đi, các sinh vật của Chúa chiến đấu với nhau, vây đền vây, một ngàn dặm cách đất liền, và lấy đường chân trời tròn làm đấu trường, ấy chẳng phải đối tượng thấp kém cho một tuyệt tác.
Đấy chỉ là một vài cảnh tượng ngoài biển lớn Phía Nam. Nhưng chúng tôi không kể hết ra. Thái Bình Dương thì đông như đất Tàu.
CHƯƠNG XIV
MỐI LO CỦA JARL
Độ ấy xảy ra một sự kiện. Ông Viking của tôi đã mở miệng, và nói. Điều kỳ diệu đã xảy ra khi, tay cầm dao xếp, ông rướn người qua mái chèo, nơi phần cán ông dùng làm lịch, cứ mỗi lần mặt trời lặn lại khắc một vết. Khoảng bốn mươi tám giờ qua, gió nhẹ và hay thay đổi. Ông ngờ rằng một dòng hải lưu đang cuốn chúng tôi về phía bắc.
Lúc này, đang khi đánh dấu, Jarl tuôn ra suy nghĩ rằng gió càng mạnh, hải lưu càng yếu thì càng tốt; và nếu một đợt biển lặng xảy đến - là điều chắc chắn, thì chúng tôi nên bắt đầu chèo là hơn.
Bắt đầu chèo đấy! Như thể chúng tôi đang băng qua phà và chẳng có hàng lý đại dương mà vượt. Cái ý nghĩ ấy gián tiếp gợi lên hết thảy những cảnh hãi hùng có thể xảy ra. Để xua tan chúng đi ngay tức khắc, tôi khởi sự chia phần ăn sáng. Vì để xua những thứ như thế, chẳng có gì tốt hơn là kiếm món gì đấy lấp vào, dù thường thì kế này rất dễ gây ra chứng đầy bụng và chứng đầy bụng gây nỗi sầu hải.
Nhưng nguồn trữ ăn uống của chúng tôi có gì? Tới nay thì đã đủ ăn, chúng tôi chẳng thấy lo chút nào; các nguồn dự trữ của chúng tôi đang cho thấy dư dật hơn đã lường. Chỉ là, nói cũng lạ, chúng tôi không cảm thấy muốn ăn gì cả. Chỉ nước, nước trong mát, nước lấp lánh, mỗi thứ ấy là chúng tôi thèm. Và cả điều này, kho trữ của chúng tôi ban đầu cũng có vẻ rộng. Nhưng khi cuộc hải trình kéo dài và những cơn gió thổi yếu ớt cùng những đợt biển lặng chóng buông xuống, cái ý nghĩ bị tước đi thứ chất lỏng quý báu ấy đã hóa thành thứ chẳng khác chi độc tưởng; nhất là với Jarl.
Cứ độ một hoặc hai giờ cùng chiếc búa và đục thuộc về cái két mồi lửa, ông mò mẫm cái thùng tô-nô vô giá, gõ gõ những đai két đến độ tôi tưởng, trong mối lo ngại quá mức của ông, ông sẽ trổ toạc cả thùng.
Giờ đây chiếc thùng tô-nô được đặt nằm ngang, ở giữa thuyền, chỗ nước biển luôn ít nhiều dồn lại. Và chốc chốc, nhúng ngón tay vào đó, ông Viking của tôi chẳng yên với suy nghĩ rằng thứ nước biển này vị ít mặn hơn so với sát bên mạn thuyền. Tất nhiên chiếc thùng hẳn đang rỉ nước. Thế nên ông lật úp nó, mặt ướt ở phía trên; chiếc thùng nhanh chóng khô như xương. Nhưng giờ, bằng con dao của mình, ông chầm chậm dò các khớp nối của ván thành thùng, lắc đầu, nhìn lên, nhìn xuống, nếm vị nước ở đáy thuyền rồi vị nước biển, lại nhấc một đầu của chiếc thùng tô-nô, xem kỹ bằng mọi kiểm định rò rỉ mà ông nghĩ ra được. Vậy mà ông cũng không an tâm hoàn toàn rằng chiếc thùng tô-nô được an toàn về mọi phương diện. Nhưng thực tế nó chắc chắn như mặt trống vỗ bên Cerro-Gordo. Ôi! Jarl ơi, Jarl: đối với cái thằng tôi ở đuôi thuyền yên tĩnh, vừa lái thuyền vừa triết lý, ông và chiếc thùng của ông quả là chẳng giống ai.
Ngoài chiếc thùng tô-nô, chúng tôi còn có hai két đầy nước, mà trước đã có nhắc đến. Hai két này đem ra dùng trước. Chúng tôi uống nước từ thùng qua các vòi bằng chì, mỗi ngày được ba ngụm tối đa, chẳng có phương tiện nào khác để đong khẩu phần. Nhưng tới khi chúng tôi rờ đến chiếc thùng tô-nô, vốn chỉ có một cái lỗ bịt nút, dẫu là một lỗ lớn thì cứ như chó, mỗi người phải liếm láp nhiều lần - trong khi người kia quan sát tị nạnh tính đếm. Kế này, tuy vậy, chỉ cao kiến được mỗi một hôm; nước quá sâu vượt ra khỏi tầm lưỡi. Thành ra mỗi ngày chúng tôi đổ nước từ thùng ra két; và uống từ vòi của nó. Nhưng để tránh sự hao hụt không tránh khỏi khi chiết nước, cuối cùng chúng tôi nghĩ ra một cách hay hơn - là chiếc giày của ông bạn tôi. Chiếc giày, sau khi bị cắt bỏ phần cổ, thu hẹp ở gót, rồi được súc kỹ bằng nước biển, đã được biến thành một cái muôi tiện dụng, tuy mềm oặt. Cái muôi này chúng tôi giữ lưng chừng ở lỗ bịt nút của thùng, để nó không phải hút nước hai lần liền.
Ta biết hợp kim thiếc tạo cho bia một vị riêng; một bát tẩu Meerschaum cũng vậy đối với thuốc lá Smyrna; những cốc tròn xanh lục tưởng như không thể thiếu để tu ừng ực vang Hock. Vậy chúng ta nói gì về chiếc cốc da để uống nước? Thử đi, những thủy thủ nghiêng ngả các bạn.
Một buổi sáng nọ, đang khi quen miệng làm một hớp, Jarl bắt được trong muôi một con côn trùng đã chết, thứ gì đó giống loài nhền nhện chân dài, mỗi tội hơn cả béo đẫy. Số phận nó ư? Một thứ từ biển thẩy lên? Đừng có tin, với hết thảy cả những giọt nước quý bám vào mấy chiếc chân dài của nó. Nó đã nấn ná ở muôi đến khi giọt cuối cùng nhỏ xuống; và ngay cả như vậy, Jarl thực thà cũng miễn cưỡng thả nó - mình ướt lấp nhấp - xuống biển.
Còn về kho lương thực, chúng tôi không thể chịu nổi món bò muối; nó sống nhăn như miếng bít-tết vùng Abyssinian còn động đậy và mặn mòi như thành Cracow. Phép so sánh kiểu người Feejee chẳng ăn thua gì. Nó còn xa mới “mềm như xác chết.” Chúng tôi chỉ ăn được mỗi bánh quy, vốn chẳng có gì lấy làm tuyệt vời, vì ngay cả khi ở trên boong, các thủy thủ vùng nhiệt đới cũng là những thực khách ăn dè.
Và đây, xin đừng bỏ qua lời gợi ý, có giá trị nhất với bất kỳ việc bỏ đi trốn hoặc dong đi trốn nào trong tương lai. Bạn đừng ăn bánh quy không, hãy đem nhúng xuống biển: làm vậy để bánh phồng xốp và bùi miệng. Khi ăn, Jarl và tôi ngấm và nhấp bánh: mỗi người ở mỗi bên Dê Biển nhúng phần bánh của mình xuống làn nước mặn. Kế này đỡ cho chúng tôi phải rửa tay khi bữa ăn chấm dứt. Nói chung, cư ngụ ở chốn biển khơi hầu như chẳng hề tệ chút nào. Người Tàu họ đâu có ngu. Trong hoạt động sửa soạn hố xí cho mình, thật là thuận lợi biết bao khi được lênh đênh trên chỗ tiện hồ!
Khương Anh dịch
[1]Bá tước Philip Dormer Stanhope của Chesterfield (1694 – 1773) với tác phẩm Letters to His Son.
[2]Timon of Athens của Shakespeare
Melville
Jacket trắng (1850)
Cúc-cà-cúc-cu (1853)
Ngắn (1853-1856)
Người 'Gee (1856)
Mardi (1856)
Nước Mỹ ấy
Hawthorne (1804–1864)
Edgar Allan Poe (1809–1849)
Thoreau (1817–1862)
Melville (1819–1891)
William James (1842–1910)
Henry James (1843–1916)
Edith Wharton (1862–1937)
Gertrude Stein (1874–1946)
Ezra Pound (1885–1972)
Philip Roth (1933 –2018)
Marilynne Robinson (1943)
phơi ơ tông
Đức cuối thế kỷ mười tám
Mỹ đầu thế kỷ mười chín
Pháp giữa thế kỷ mười chín
Nga cuối thế kỷ mười chín
Anh đầu thế kỷ hai mươi
Mỹ giữa thế kỷ hai mươi
Việt Nam giữa thế kỷ hai mươi