Melville: Mardi (kỳ 2)
Mardi, tiểu thuyết của Melville, thứ ba hằng tuần trên Văn Bản
Mardi
- Herman Melville
CHƯƠNG III
CÓ VUA LÀM BẠN
Vào thời điểm mà tôi đang kể lại đây, chúng tôi hẳn đã ở đâu đó quá sáu mươi độ về phía tây quần đảo Gallipagos. Và khi đến được kinh độ mong muốn, chúng tôi bắt đầu chuyển hướng lên phía bắc, hướng về miền địa cực: chung quanh chúng tôi là một vùng biển rộng.
Nhưng về hướng tây, cách một ngàn dặm, trải dài từ bắc chí nam là một quần đảo hầu như bất tận, dân cư sống rải rác, nhưng ít được biết đến và đa phần là ít được lui lới, thậm chí là với cả các thủy thủ săn cá voi, những người hầu như đi khắp nơi. Khởi hành tại điểm kết phía nam của dãy quần đảo lớn này, gồm các đảo quen gọi là cụm đảo Ellice; rồi các hải đảo Kingsmill; rồi các cụm đảo Radack và Mulgrave. Tôi hình dung các đảo ấy chủ yếu là hệ thống rạn san hô, thấp và phì nhiêu, đầy những loại trái cây. Người ta nói rằng tiếng của dân ở đây rất gần với tiếng của dân trên các đảo Navigator, tổ tiên của họ chắc đã di cư từ đấy.
Với bấy nhiêu điều đã nói, tất cả những gì tôi thuật lại về các đảo ấy vẫn còn trong diện nghi vấn. Nhưng chỉ cần biết rằng chúng tồn tại đã là đủ, và rằng con đường đi đến đó nằm trên một vùng biển dễ chịu, trước mặt là gió mậu dịch ổn định. Quãng đường, tuy lớn, nhưng chỉ là sự kéo dài của mặt nước; một khoảng trống cần vượt qua bằng đường thủy, và lại bằng một con thuyền, nếu được điều khiển chính xác cũng có thể sống thọ hơn mấy con tàu lớn khi trời giông bão. Điều này là thật: thuyền săn cá voi là một trong những vật khéo léo nhất từng được con người chế tác.
Như vậy, tôi quyết tâm đặt chân lên một trong các đảo Kingsmill, cái gì đến thì cứ đến. Và tôi cũng quyết tâm không kém rằng một trong các thuyền của con tàu này sẽ đưa tôi đến đó. Nhưng tôi không hề có ý định đi một mình. Việc quan sát hẳn sẽ nhọc nhằn lắm nếu chỉ có mỗi một mình tôi phải lo mọi thứ, chẳng có gì sất ngoài đường chân trời trước mắt.
Bấy giờ, trong thủy thủ đoàn có một lão thủy thủ ra trò phết, ông Jarl; bao nhiêu tuổi chẳng ai biết, ngay cả ông. Tính theo niên biểu boong mũi thì quả là mơ hồ và lại thiếu sót vô cùng. “Cả đời lão,” Jarl thực thà nói, “lão đã sống từ ngày lão còn nhớ được.” Và quả thực, ai mà nhớ được ngoài ông ra? Cả với chính chúng ta, tất cả chúng ta dường như đồng sinh với tạo hóa. Vì lẽ ấy, thật khó mà chết trước khi chính cái thế giới này qua đi.
Ông Jarl người đảo Skye, một đảo thuộc quần đảo Hebrides. Thành thử bọn họ hay gọi ông là Ông Giời. Và dẫu ông không hề hải tặc về bề trong, nhưng ông trông như người Na-uy về bề ngoài. Bàn tay ông săn gân như tay gấu; giọng ông khản như bão gầm quanh đỉnh núi già đảo Mull; tóc ông vừa vàng vừa dài phất quanh đầu như hoàng hôn. Cả đời tôi chỉ muốn bấy nhiêu thôi, Jarl ơi, tổ tiên ông là những người Viking, biết bao lần dong buồm vượt biển Giéc-man và Ban-tích; những người đem gả các nàng Brynhildas bên Jutland và giờ đang nốc rượu mật trong đại sảnh Valhalla, và lấy vại gõ nhịp hát những bài tụng ca dân Scalds. A! những thiên anh hùng ca ấy chảy qua tôi!
Thế mà Jarl, hậu duệ của các anh hùng và vua chúa, lại là một người cô độc, người thủy thủ không bạn trên sàn tàu, chỉ trung thành với gốc gác của ông ở chốn biển khơi mà ông nguyện sống đời. Nhưng chuyện đã như thế nào thì cũng sẽ mãi như thế ấy. Có người nông dân nào dám thề rằng mình không phải là hậu duệ của vua Alfred? Có anh chàng dốt nát nào dám quả quyết rằng máu mình chẳng liên can gì đến Homer xưa? Vua Noah, Chúa phù hộ ông! là cha của chúng ta hết thảy. Vậy hãy ngẩng cao đầu, hỡi những nô lệ thành Spartan các bạn, dòng máu tiềm tàng chảy trong huyết mạch của các bạn. Tất cả chúng ta đều có các quốc vương và nhà hiền triết làm bà con, các thiên thần và tổng thiên thần làm anh em họ; từ thời hồng thủy, các con trai của Chúa quả thực đã thành hôn với các bà mẹ chúng ta, những người con gái bất khả kháng cự của Eve. Như vậy, mọi thế hệ hòa lẫn với nhau: thiên đường và trái đất là một nhà: phẩm trật của các luyến thần trên các tầng trời cao nhất, các bệ thần và lãnh thần ngự trong hoàng đạo, các vong linh lang thang khắp không gian, các quốc gia và gia tộc, các đàn chiên và bầy thú trên trái đất, nhất loạt, về bản chất đều là anh em - ôi, đích thị chúng ta là anh em! Mọi sự đều có dạng nhưng đều trọn một; vũ trụ đều lấy xứ Giu-đê và Đấng Gia-vê làm đầu. Thế thì chúng ta đừng giật mình khiếp sợ nữa. Dưới một chế độ thần quyền, có gì mà phải sợ? Hãy bình tĩnh với cái chết như những kỵ sĩ kiệt sức ngủ trên yên ngựa. Hãy đón chào cả những hồn ma bóng quế khi chúng hiện lên. Hãy thôi những cái nhìn chòng chọc và nhăn nhó của chúng ta. Hình xăm trổ của người Tân Tây Lan không có gì ghê gớm, lối sống của người Tàu cũng không còn là bí ẩn. Chẳng có tập quán nào là kỳ lạ; chẳng có tín điều nào là vô lý; chẳng có kẻ thù nữa, mà sau cùng, ai muốn thì sẽ thấy một người bạn. Ở trên trời, sau này, người cha già tóc bạc Adam sẽ đón chào tất cả như nhau, và tinh thần huynh đệ sẽ ngự trị mãi mãi. Ki-tô hữu sẽ nắm tay Dân Ngoại và Do Thái; Dante tàn nhẫn quên đi các Hỏa Ngục của ông, bá vai với Rabelais béo; và thầy tu Luther bên bình rượu mật bàn luận về thời xưa cùng Giáo hoàng Leo. Khi ấy, chúng ta sẽ ngồi bên các bậc hiền nhân, ngày xưa từng ra luật cho dân Mê-đi và Ba-tư dưới ánh mặt trời; bên đồi sọ các đội trưởng trong Perseus đã la lớn, “Ra ngựa!” khi bị đánh thức bởi Tiếng Kèn Chót đang cất lên vì huấn lệnh; bên những thợ săn xưa - hàng thiên cổ trước đây từng săn nai sừng tấm trên chòm Lạp Hộ; bên những thi sĩ, từng hát ca trên Dải Ngân Hà khi Giê-su Đấng Cứu Thế được sinh ra. Khi ấy chúng ta sẽ không cắm đầu vào thứ chuyện gẫu nông cạn của những Magellan và Drake nữa mà sẽ lắng tai nghe những nhà du hành đã đi thuyền quanh đường Hoàng Đạo, những người đã vòng quanh Sao Bắc Đẩu như quanh Mũi Sừng. Khi ấy Stagirite và Kant sẽ bị lãng quên và một quyển folio khác với quyển của họ sẽ được giở ra để mà học lấy khôn ngoan; thậm chí quyển folio lúc này đang mở với tử vi tới bây giờ còn chưa được giải mã, thiên đường của các thiên đường trên cao.
Ngôn ngữ của ông già Jarl không hề có tiếng bản địa. Thủy thủ thổ dân của các bạn đây quá mức giang hồ với nó. Từ lâu đã đánh bạn với các thủy thủ mọi tộc người: dân Manilla, Anglo-Saxon, Cholo, Lascar, và Đan Mạch, chẳng chốc đã làm mòn đi mọi ấp úng tiếng mẹ đẻ. Ông đánh đắm bè đảng ông; đánh chìm quốc gia ông; ông nói thứ ngôn ngữ của thế giới, sảng khoái liến thoắng bằng Lingua-Franca của boong mũi.
Kiên định với sứ mệnh của mình, Ông Giời rất ít học; chẳng biết gì về Salamanca, Heidelberg, hoặc Brazen-Nose; ở Delhi, chưa bao giờ lật được cuốn sách nào về Bà-la-môn. Với địa lý, môn mà thủy thủ lẽ ra phải tinh thông, bởi họ suốt đời lật đi lật lại quả địa cầu, Jarl tội nghiệp cũng thiếu sót đến đáng trách. Theo quan điểm của ông về vật chất, cái thế giới gồm đất và nước này được nặn thành hình như một cái bánh nhân mứt; đất liền chỉ là mép vỏ bánh còn thế giới nước thì nằm trọn bên trong. Bấy nhiêu đấy có lẽ là lý thuyết về vũ trụ học của ông bạn hiền Viking. Còn về những thế giới khác, ông già còn chẳng nghĩ tới; tuy thế nhưng cũng sánh ngang với Gio-an Kim Khẩu đấy.
A, Jarl! con người trung thực tận tâm; quá thật và quá giản dị đến nỗi những hoạt động kín đáo của tâm hồn ông lại quá bí hiểm với những vận hành tinh vi của Spinoza.
Bấy nhiêu là đủ để nói về Ông Giời, bởi vì ông trầm mặc quá chừng, hiếm khi chịu bộc bạch bản thân.
Về phần tôi, gác lại mọi đồng cảm cao siêu, tôi thực sự yêu quý Jarl, bởi vì ông quý tôi; từ lần đầu gặp, ông đã gắn bó với tôi.
Đôi khi xảy ra chuyện một thủy thủ già như ông nảy sinh một sự gắn bó mạnh mẽ với một thủy thủ trẻ tuổi nào đấy, bạn tàu của ông: một sự gắn bó quá mức hết lòng, chừng hoàn toàn vô phương cắt nghĩa, trừ phi nó bắt nguồn từ nỗi cô đơn trong lòng, vốn sẽ rờ gáy phần lớn các thủy thủ khi họ già đi và ép họ ràng buộc với bất kỳ đối tượng chú ý nào. Nhưng dù có thế nào thì, ơi ông Viking của tôi, cảm tình tự ý của ông là lòng kính trọng cao quý nhất mà tôi từng nhận được. Và thú thực, chính điều đó khiến tôi nghĩ tốt về mình, thấy mình ít nhiều xứng đáng với lòng tận tụy của ông, hơn là những lời khen rào trước đón sau của những cái đầu có học thức hơn.
Trên biển, trong tình huống cộng sinh giữa anh em thủy thủ, ai nấy đều lộ diện con người thật của mình. Để tìm hiểu về bản chất con người, chẳng có trường lớp nào sánh bằng một con tàu. Tiếp xúc giữa người với người thì quá gần và quá liên tục để sự phỉnh phờ có dịp tung hoành. Tính cách của anh là cái quần anh mặc - không thể giấu. Vô ích thay mọi nỗ lực giả vờ những tố chất anh chẳng có, hoặc giấu đi những tố chất anh sở hữu. Mong muốn ẩn danh, dù có hấp dẫn đến đâu, cũng là điều không tưởng. Vì thế, trên mọi con tàu tôi từng đi, tôi luôn bị gán cho cái danh hiệu phòng rã đông. Không phải - để tôi nói nhanh - là tôi thọc tay vào thùng hắc ín với cái vẻ làm cao, hay là leo lên thừng chão với dáng uốn éo kiểu Chesterfield. Tôi chưa từng vượt mặt nghề của mình, mà nghề thì tôi đã trải qua không ít. Tôi có cái ngực thật là nâu rám và tay thật là cứng, thủy thủ đặc hắc ín nhất trần đời. Và chưa bao giờ có bạn tàu nào trách tôi là chểnh mảng hay kiểu cách quý tộc gì, kể cả khi công việc đưa tôi lên tận đỉnh cột buồm chính hoặc tận đầu mút trục buồm tam giác giữa trận gió chửi sói đầu sói trán.
Vậy thì, do đâu mà lại có tên gọi khó chịu ấy? Bởi đúng là nó khó chịu, tất nhiên. Đó là vì trong tôi có điều gì đó không thể giấu được; lén lút hiện ra trong cuộc đa âm hàn hữu; ngoài ra còn một cuộc bàn luận khó hiểu ở bàn ăn; những bóng gió xa xôi, thiếu thận trọng về áp phe Văn Chương; và cả những chuyện vặt vãnh khác nữa.
Nhưng nói thế này cũng đủ: trong thủy thủ đoàn của Arcturion đã lan truyền một lời đồn mơ hồ rằng vào một giai đoạn nào đó trong đời, tôi từng là một “công tử”. Nhưng Jarl dường như còn đi xa hơn. Ông chắc phải xem tôi là người thuộc Gia tộc Hanover cải trang hoặc có lẽ là Charles Edward Người Giả Dạng đội mũ mà, giống như Người Do Thái Lang Thang, còn chưa kịp lên đường đi đây đi đó. Dẫu sao đi nữa, lòng trung thành của ông cũng cực độ lắm. Không cần phải nhờ vả, ông đã là người thợ giặt và thợ may của tôi, thậm chí còn là một chuyên gia; và khi giờ ăn đến nhưng tôi phải đứng canh ở đỉnh cột buồm hoặc ngay bánh lái thì ông mang đồ ăn cho tôi giữa đám “nhóc tì” ở boong mũi bằng vẻ chuyên cần không mệt mỏi. Vì nhiều tảng “bánh” ngon mà tôi mắc nợ công chăm sóc của ông Viking. Như vua Sesostris, tôi được một quốc vương phục vụ. Song nói chung, ơn nghĩa cũng có qua có lại. Vì xin biết cho rằng, nói theo cách hàng hải, chúng tôi là bồ.
Giờ thì chuyện bồ bịch giữa các thủy thủ xem như tình huynh đệ tồn tại giữa một cặp đồng môn (chung bồ) ở cùng nhau. Đấy là một mối Fidus-Achates, một liên minh thế công thế thủ, một mối đồng hợp tác giữa các rương đồ và hố xí, một mối liên kết yêu thương và thiện chí, và một cuộc thay phiên bênh vực người vắng mặt. Quả thực, những kỷ niệm hàng hải của tôi nhắc tôi về tạp nhạp những thứ bồ bịch lười nhác, vô tích sự, vô lợi lộc và đáng ghét; cái thứ bồ bịch mà vào giờ ăn thì ngâm đến tận phút cuối cùng trong đám “nhóc tì” còn thằng bạn bất hạnh của nó thì đang ở tít trên các xà buồm; thứ bồ bịch giả đò vụng về với kim la bàn và ngại ngùng đắn đo khi phải thọc tay vào xút; thế là anh bồ khờ phải làm hết mọi việc cho đồng đội, còn anh bồ khôn thì đóng vai cộng sự đang ngon giấc trên võng. Đi đời cái lũ bồ bịch ấy!
Song le tôi van cùng ông, này Jarl thực thà, giả như tôi cứ là anh bồ khôn mãi. Xin chớ để bụng, giả như ông có mang tấm vải của tôi đem đi may, lại lấy lòng bác ái Sa-ma-ri mà vá những nơi đã rách cùng trút kim rót chỉ vào những chỗ rạch kinh khiếp nhất mà tôi đây chẳng may phải chịu, mà ông quen gọi là “những đồ vải nhẹ;” Nhưng chẳng phải chính ông đã từng tuyên bố tỏ tường, rằng thảy những điều ấy,cùng nhiều điều khác, ông sẽ làm cho tôi, chẳng kỳ cái đê tay lạ lùng, khoét từ răng ngà con cá voi ru? Xét cho phải: chớ thì tôi có thể nào giành được khỏi bàn tay khư khư của ông cái áo của chính tôi đây, một khi ông đã đem nó mà ủ nước muối giấm cho mềm, trong cái chum rộng của ông, cái thùng không nắp ấy ru? Ông đã biết tường tận, này Jarl, rằng những sự ấy là thật; và tôi buộc phải nói điều này, để phủi đi mọi nghi ngờ rằng tôi từng có ý định lợi dụng lòng tốt của ông.
Bây giờ ông Viking là của tôi, tôi nghĩ, khi tôi tìm kiếm một người đồng bạn; và chỉ ông Viking mà thôi.
CHƯƠNG IV
CUỘC TRÒ CHUYỆN TRÊN MÂY
Ông Giời có vẻ là một thủy thủ nghiêm chỉnh và ngay thẳng đến độ, phải thú thật, dẫu cho ông mến tôi, thì tôi cũng có nhiều mối nghi ngại không biết ông có sẵn lòng chung sức trong công việc vốn sặc mùi thoái lui đạo đức này không. Nhưng cân nhắc hết thảy, tôi thấy quyết tâm của tôi cũng chẳng đến nỗi tội lỗi gì cho cam; và còn về phần xúi giục một người khác tham gia với mình thì, quả thực, là một sự đề phòng không thể thiếu, đến mức có thể gạt bỏ mọi băn khoăn khác.
Thành thử tôi quyết mặc sức mở lòng mình với ông. Và để làm việc ấy một cách đàng hoàng, tôi trèo lên tận nơi ông đang đứng gác - một mình như con hải âu cổ lỗ - trên đỉnh cột buồm mũi, trông ra những con cá voi chẳng bao giờ thấy
Phải nói, đứng lơ lửng trên một que gỗ cao cả trăm bộ, trong nhiều giờ liền, khi con tàu lướt vun vút giữa đại dương, cũng giống như ngồi trong một khinh khí cầu băng qua eo biển Manche. Cứ ngỡ như Manfred, bạn nói với các đám mây: bạn có tình cảm quý mến với mặt trời. Và khi Jarl và tôi chuyện trò trên ấy, hút những “tẩu đất sét” lùn, bất kỳ con mòng biển nào lướt qua hẳn cũng lầm chúng tôi với các Tôn Ông Blanchard và Jeffries, xã giao bập mấy hơi Bagdad sau bữa tối, nối kết với Calais, qua ngả Thiên Đường, từ Dover. Ông Jarl thực thà, tôi kể tất: cuộc nói chuyện với lão thuyền trưởng, gợi ý bóng gió trong những lời cuối cùng của lão, quyết tâm chắc nịch của tôi để mà bỏ con tàu này bằng thuyền cùng với phương tiện mà tôi nghĩ để tiến hành công việc. Rồi tôi nảy ra những nguyên nhân xui khiến, lập thành những mong đợi dễ chịu, mang đi theo gió dưới mạn đến những hòn đảo ngập nắng.
Ông chăm chú lắng nghe; nhưng làm thinh hồi lâu đến nỗi tôi suýt tin rằng ở ông Jarl có gì đó quá sức với tôi và khả năng hùng biện của tôi.
Sau cùng ông cũng rất thẳng thừng tuyên bố rằng kế hoạch này đúng là một kế hoạch điên rồ; ông chưa bao giờ biết thứ gì như thế trừ ba lần trước đây; và luôn luôn, chẳng ai hay tin gì về những kẻ chạy trốn. Ông khẩn khoản xin tôi hãy từ bỏ cái ý định đó đi, đừng có như thằng con nít, dừng lại và suy ngẫm, kiên trì với con tàu, và cùng nó về nhà như một người đàn ông. Thật vậy, ông Viking của tôi nói chuyện với tôi như một bậc cha chú.
Nhưng tôi bịt tai chẳng thèm nghe lấy một lời, xác nhận rằng ý tôi đã quyết, và rằng vì ông từ chối đi cùng tôi, và tôi chẳng thích làm bạn với ai khác, nên tôi sẽ tự mà đi một mình còn hơn là chẳng làm chi sất. Về điều này, nhận thấy quyết tâm của tôi không thể thay đổi, ông thề thốt rằng ông sẽ cùng tôi kinh qua chông gai hiểm trở.
Cảm ơn, Jarl! ông đích thị là một người bằng hữu sẽ dốc sức đánh vật hầu thuyết phục một kẻ yêu thích lỗi lầm; nhưng thất bại thì ngay lập tức biến cuộc vật lộn ấy thành một cái ôm thân tình.
Nhưng giờ sự thận trọng lão thành của ông đã nhập cuộc. Đưa mắt nhìn ra xa khoảng nước vô biên bên dưới, ông hỏi các đảo đang bàn ấy còn cách bao xa.
“Một ngàn dặm không kém.”
“Thế thì, thuận ngọn gió mậu dịch, và một con thuyền có buồm, thì cả chuyến đi mất mười hai ngày, nhưng còn các đợt biển lặng và dòng hải lưu, có thể mất cả tháng, nhiều khi hơn.” Nói xong, ông lắc đầu, và mái tóc vàng của ông chảy thành dòng.
Nhưng tôi cố hết sức để xua tan đi những mối nghi ngại ấy, rốt cuộc ông cũng nhân nhượng. Ông đoan chắc với tôi rằng có thể tin tưởng ông mà phó thác cả sống thuyền sâu nhất.
Được ông Viking bảo đảm cho, tôi thấy thả lỏng hơn và cẩn thận cân nhắc cách thực hiện tốt nhất phi vụ táo bạo này.
Chẳng có thời gian mà phung phí nữa. Mỗi giờ trôi qua lại đưa chúng tôi càng lúc càng xa khỏi khỏi vĩ tuyến mong muốn để theo lộ trình hướng tây của chúng tôi. Thế là, khẩn trương nhất có thể, tôi hoàn thiện các kế hoạch và truyền đạt chúng cho Jarl, người đã đưa ra nhiều gợi ý - các dự kiến khả năng tương lai.
Kể cũng lạ, chỉ tới khi ông Viking với vẻ mặt hối tiếc nhắc thì tôi mới nhớ ra một hoàn cảnh vô cùng hiển nhiên cũng gọi là đáng lo. Chúng tôi phải chuồn đi mà không có hải đồ hoặc thước đo góc; dẫu, như cũng sẽ thấy ngay, một chiếc la bàn tất nhiên là ngoài tầm với. Hải đồ, chắc chắn, tôi chẳng lấy làm lo lắm; nhưng thước đo góc thì tuyệt nhiên không thể thiếu được. Vì thế này. Khi chúng tôi bắt đầu, chúng tôi phải biết chính xác vĩ độ; và dù trong chuyến đi về hướng tây ấy, chúng tôi có bị trôi lệch lên phía bắc hay xuống phía nam, thì cũng không thể nào sai lệch đến mức không chạm được vào một trong vô số đảo thuộc chuỗi quần đảo kéo dài nhiều độ vĩ, cả hai bên đường xích đạo, và trải ra ngay trên tuyến hải hành của chúng tôi.
Vì cùng một lẽ tương tự, chuyện trên đường đi của mình, chúng tôi có biết được kinh độ của mình mỗi ngày hay không cũng không quan trọng lắm, vì chẳng có đất liền giữa chúng tôi và nơi muốn đến. Vậy còn gì rõ ràng hơn nữa, rằng nếu chúng tôi kiên nhẫn giữ đúng đường hướng về phía tây thì rồi thế nào chúng tôi cũng phải đến được nơi muốn đến?
Còn về những chướng ngại như những chỗ nước nông và đá ngầm, nếu có gặp phải, chúng cũng chẳng dọa được chúng tôi. Trên một chiếc thuyền có mức chìm cách mặt nước vài tấc, chỉ một người canh gác lơ mơ cũng tránh được mọi nguy hiểm về điểm này. Trong mọi trường hợp, điều này nghe cũng đủ xuôi tai, chưa kể lòng tôn thờ mê tín của ông già Jarl với mấy món dụng cụ hàng hải, và những phản đối triết lý có lẽ đã được thúc đẩy bởi một môn đệ thông thái rởm của Mercator.
Rất thường, như châm ngôn có câu, những điều giản dị nhất lại là những điều gây sửng sốt nhất, cả vì chính sự giản dị của chúng. Cho nên đừng ấp ủ những lo sợ, không thì chúng ta đã nói với vầng mặt trời lặn: “Này hoa tiêu già, hãy là người dẫn đường cho chúng tôi!”
CHƯƠNG V
CHỖ ĐÃ CHẮC VÀ HÀNH TRANG ĐÃ SOẠN
Ấy vậy mà kính lục phân và thước đo góc lại là những chuyện chúng tôi ít quan tâm nhất.
Ngay bên dưới những vòm cung chân mày của ba chục người - lão thuyền trưởng, các thuyền phó và thủy thủ đoàn, một cái thuyền sẽ bị thuổng đi; bọn họ chẳng biết tí ti gì về phi vụ này, tới khi nào biết rõ rành thì đã vô ích rồi.
Này nhé:
Trên biển, những thuyền trên một tàu Miền Nam (thường là có bốn thuyền, không tính thuyền dư) được treo bằng các pa-lăng, mắc bên trên vào những khúc gỗ đẽo cong gọi là các “cần cẩu”, được cố định thẳng đứng vào mạn tàu.
Khi ấy, không một tiểu thư tóc vàng nào được trông chừng sát sao hay được sửa soạn kỹ lưỡng dưới bàn tay các hầu gái cho bằng con thuyền săn cá voi nhỏ nhoi dưới bàn tay các thủy thủ đoàn. Và ở ngoài môi trường quen thuộc, nó dường như đủ yếu ớt để biện minh cho mối quan tâm lo lắng tột bậc này. Vì đúng là như một quý cô, quý thuyền săn cá voi cũng mỏng manh nhất khi phải để không chẳng dùng, dẫu rằng khi cần đến thì cũng bẽn lẽn chút đỉnh.
Ngoài các “cần cẩu”, các vật đỡ sau đây cũng được chuẩn bị. Hai thanh ngang nhỏ đung đưa bên dưới sống thuyền, làm các điểm gác cho nó, giữ cho phần giữa của thuyền ổn định khi treo lơ lửng ở đằng mũi và lái tàu. Một chiếc đai gai dầu bản rộng, thường được gia công theo kiểu rất nhã, cũng được quấn quanh hai bên mép mạn và được cố định vào mạn tàu, buộc chắc con thuyền vào đúng chỗ. Được nâng cao lên khỏi lan can tàu, từ trên boong ở đâu cũng thấy các thuyền rõ rành rành.
Giờ thì một trong những thuyền ấy sắp được thuổng đi đấy. Chẳng hề là chuyện dễ, thật luôn. Còn khó khăn hơn việc một tên lính Thổ tinh nhuệ bỏ trốn cùng một sủng nương từ hậu cung vua Đại Thổ. Nhưng, việc này vẫn có thể làm được thôi, vì, ối chà, người ta từng làm thế mà.
Hay là lúc ban ngày ta khéo vờ vặn cho lỏng rồi khi tối trời, tháo đai neo tàu? Nhưng làm sao để thả dây cho thấp, ngay trong cái đêm tối tăm nhất, mà không gây ra một tiếng cót két đáng sợ hơn tiếng nấc hấp hối? Dễ ấy mà. Chỉ việc thoa dầu vào các dây, và chúng sẽ chuyển động gọn ghẽ thông qua những cuốn dây vi tế của ròng rọc.
Nhưng dù cho tôi có theo đuổi kế hoạch này thì vẫn có một mức độ rủi ro ở đấy, suy cho cùng, là thứ tôi chẳng ham. Tôi mới nghĩ ra một kế khác - táo bạo hơn và do đó an toàn hơn. Đó là gì, rồi ta sẽ biết.
Khi đang chọn lấy một con thuyền cho chuyến hải trình ra trò này, tôi phát ngất vì phải đi dọc boong tàu và dòm ngó mấy con thuyền y như một sĩ quan đang chọn ngựa nòi từ một trại ngựa giống hạng ưu. Nhưng điều này không cho phép tôi. Và chiếc “thuyền mũi” cố nhiên được tuyển chọn, vì là chiếc xa boong lái hơn cả, vốn là miền của những con mắt tinh tường và những ý chí thao thức.
Kế đến, tôi nghĩ tới kho thực phẩm với một nguồn trữ nước dư dật: cũng là thứ cuối cùng tôi nhất định làm cho thật chu đáo. Chỉ có hai miệng ăn phải lo nhưng tôi tính dựa vào trữ lượng thịt và nước đủ dùng cho bốn người; hai miệng ăn thêm vào ấy chỉ mang tính tưởng tượng thôi. Và khi chẳng còn thứ gì nữa, chúng tôi cũng chẳng sợ, ngoại trừ việc cái thằng tôi có thể là thức ăn cho ai ngoài Jarl đây.
Chẳng nên mất nhiều thời gian lo cho trại ăn ấy của chúng tôi. Bánh quy và bò muối là nguồn lương thực duy nhất, và đội ơn lòng rộng rãi của các chủ tàu Arcturion mà đoàn thủy thủ chúng tôi được nguồn cung dồi dào. Thùng tô-nô cho hai người, đã tháo nắp, sẵn sàng phục vụ tất cả. Chúng tôi đã gói ghém đủ lượng bánh quy, cho vào các túi, được cất riêng ra và giấu kín đáo ở một góc dễ lấy. Thịt bò muối thì khó thủ hơn nhưng, từng chút một, chúng tôi cũng xoay xở tuồn ra thùng tô-nô đủ để đáp ứng dự định.
Còn về phần nước sạch, thật may vì một hai hôm trước người ta mới kéo lên mấy “thùng nhỏ” dành cho việc tiêu thụ nước lúc này của đoàn thủy thủ.
Các “thùng nhỏ” này là các thùng tô-nô thon dài rất chắc. Có nhiều loại đường kính khác nhau và chúng được xếp gọn vào giữa các thùng khổng lồ trong hầm tàu.
Thùng to nhất chúng tôi có thể tìm được thì đã chọn xong, ban đầu là cẩn trọng kiểm tra xem có bất kỳ dấu hiệu rò rỉ nào không. Lấy cớ này cớ nọ, chúng tôi lăn chúng đến tận phía bên kia của con tàu nơi con thuyền của mình đang treo, còn thùng nước thì được xếp gọn vào ở giữa.
Tủ quần áo sơ sài của chúng tôi được gói gọn thành các bó và đặt tạm sang bên. Và cuối cùng, bởi tính cẩn trọng chính đáng, chúng tôi sắp xếp mọi thứ trước xuất phát điểm chung cuộc. Cũng xin nói thêm - có lẽ cũng là lời khen cho Jarl - rằng hễ khi nào cần đến sự khôn khéo thì ông lại tỏ ra không được thoải mái, và phần lớn mọi chuyện đều để tôi toàn quyền định liệu. May là ông đã như thế bởi như đã nói, ông có cái tính thành thật non cơ, đã một hai lần thiếu điều để lộ hết thảy. Thực vậy, có lần ông thành thực quá mức cần thiết, khiến tôi, lạ thay, suýt nữa ngờ rằng ông đang giở cái lối quan tâm kỳ quặc kiểu những nhà từ thiện: khi mọi cách khác đều thất bại, họ sẽ cố tình phá hoại một kế hoạch (mà họ cho là dở), bằng cách giả vờ vụng về tỏ ra đang giúp đỡ cho nó. Nhưng không có ám chỉ gì đâu, Jarl là một người Viking, bộc trực như bậc tổ phụ ông, dù không giỏi chuyện quỷ quyệt mưu mô.
CHƯƠNG VI
TÁM TIẾNG CHUÔNG
Hẳn là mặt trăng phải cực kỳ e ấp, hoặc mọi việc tự nhiên diễn ra đúng lúc, hoặc cũng có thể bọn phiêu lưu ban đêm thường tra cứu lịch thiên văn; bởi sự thể là những lúc nữ thần Cynthia tỏ cho xem chiếc đĩa tròn trĩnh thì hiếm khi người ta dám làm điều gì táo bạo. Dẫu vậy, cũng không thể phủ nhận rằng vào những đêm sáng trăng, những tráp nữ trang và trái tim trinh nữ đã bị đào ngạch đột nhập và lục lọi, vì lý do gì thì đến cả Copernicus cũng chẳng nói được.
Hành tinh hòa nhã ấy đang vào quý cuối cùng của năm và trên chiếc sừng khuyết của nó tôi treo hy vọng sẽ rời khỏi con tàu không để lại một dấu vết.
Lúc bấy giờ, đang khi lặng lẽ vượt đại dương, chúng tôi vào khoảng thời gian mà các tay săn cá voi gọi là “phiên canh thuyền”. Nghĩa là, thay vì chia thủy thủ thành hai tốp vào ban đêm - cứ bốn tiếng thì có người thay phiên lên boong, thì ở đó có bốn phiên, mỗi phiên gồm một đội canh thuyền, “đội trưởng” (luôn luôn là thuyền phó) thì ta không tính. Về phần các sĩ quan, kế hoạch này mang đến giấc ngủ không gián đoạn - “trọn đêm” theo cách thường gọi và tất nhiên là làm nhẹ bớt nghĩa vụ của thủy thủ đoàn nhiều lắm.
Các thợ phóng lao đứng đầu đội canh thuyền và chịu trách nhiệm trên tàu khi phiên canh của họ kéo dài.
Lúc này, ông Viking - vốn là một thủy thủ vạm vỡ- kéo mái chèo ở phần giữa con thuyền mà tôi sẽ là người quan sát ở mũi thuyền. Chúng tôi gác chung một phiên cùng với ba người khác, gồm Mark, thợ phóng lao. Một người trong nhóm thủy thủ, tuy vậy, là một người tàn phế, vậy chỉ còn hai người để chúng tôi xử lý.
Đi tàu qua các vùng biển này, bạn có thể dong buồm cả mấy tuần liền vững vàng vô cùng, hầu như vô lăng lái chẳng nhích lấy một nan, quá ôn hòa và ổn định chính là những cơn gió Mậu Dịch. Đến đêm, phiên canh ít khi làm khó dễ người canh gác; nhất là khi một cánh buồm xa lạ hầu như là chuyện phi thường ở những vùng biển hẻo lánh này. Trên một số tàu, từ tuần này qua tuần nọ, bạn hoang mang chẳng biết khi nào thực sự đến lượt mình canh đêm; không ai để tâm chút gì đến chuyện đứng gác, trên giấy tờ tưởng là đảm bảo an toàn, nhưng hầu như ai cũng gật gù không hề lo sợ.
Nhưng một thợ săn cá voi chểnh mảng cứ việc cẩu thả trong phiên canh thuyền của mình, còn người đứng đầu thì phải ở nguyên vị trí trên boong lái, tới khi được đổi phiên theo đúng kế hoạch. Mà cơn ngủ gật chẳng chừa bất kỳ loại người nào, ngay cả Napoleon - đã chợp mắt bên viên lính gác của ông trong doanh trại phủ tuyết; cũng vậy, dù dưới vầng trăng phủ tuyết, hay vầng nhật thực gỗ mun, Mark, thợ phóng lao của chúng tôi, vẫn chợp một giấc như thường. Tạm gác lại phần việc vào đêm đầy ân phúc này, tôi nghĩ, để khi vào lúc buổi sáng trước phi vụ của chúng tôi, tôi sẽ để mắt xem kẻ nào có khả năng sẽ ngáng đường mình.
Nhưng để tôi đến gần hơn đoạn này của câu chuyện. Những lúc ngoài khơi thường có các phiên “canh sói” (từ bốn giờ đến tám giờ tối), các thủy thủ còn khá năng nổ và hay đùa nghịch; tinh thần của họ còn dạt xa đến tận phiên đầu của những phiên “canh đêm” dài; nhưng khi “tám tiếng chuông” báo hiệu kết phiên (nửa đêm) thì sự tĩnh mịch bắt đầu bao trùm; nếu bạn có nghe một giọng nói nào, ấy chẳng phải giọng thiên thần đâu: nhưng hết thảy những tiếng la lên đều là những tiếng nguyền rủa đấy.
Vào lúc tám tiếng chuông, các thủy thủ trên boong, khi ấy được giải thoát khỏi những lo âu, bò ra khỏi các sào huyệt ngái ngủ của mình trong những áo khoác chẽn cũ rích hoặc các cuộn dây buồm, rồi chóng bước trở về võng, hầu như không làm đứt quãng giấc mơ, đang khi những lãn hán bên dưới uể oải lê lết lên thang để tiếp tục giấc ngủ của họ ngoài trời.
Vì những lý do ấy, biển không trăng nửa đêm quả là lúc để đào tẩu. Thành thử, chúng tôi khốn đốn cả một ngày trôi qua chẳng có việc gì làm; chờ đêm về, vào phiên canh-thuyền-boong-mạn-phải, mà chúng tôi chịu trách nhiệm, sẽ được gọi lên boong vào lúc tám chuông trọng yếu.
Cứ thế hai mươi bốn tiếng đồng hồ đã nhanh chóng lướt đi và “Bớ canh mạn phải, lên boong! tám chuông dưới kia rồi!” cuối cùng cũng làm tôi giật mình khỏi giấc ngủ không yên.
Tôi bật dậy khỏi cái võng của mình, và chắc là đã châm tẩu hút. Nhưng đèn boong mũi đã tắt ngấm. Một tay thủy thủ lão luyện đang nói chuyện về cá mập trong giấc ngủ. Jarl và bạn đồng gác cô độc của chúng ta thì đang dò dẫm mặc cho được cái quần. Và chúng tôi chẳng nghe thấy gì ngoài tiếng ầm ù của những cánh buồm bất động trên cao; những đợt sóng vỗ vào mũi tàu và tiếng thở sâu của các thủy thủ đang say giấc nồng chung quanh.
Khương Anh dịch
Melville
Melville: Mái hiên (1849)
Melville và James (1850)
Jacket trắng (1850)
Ngắn (1853-1856)
Melville: Người 'Gee (1856)
Melville: Mardi (kỳ 1) (1856)
Nước Mỹ ấy
Hawthorne (1804–1864)
Edgar Allan Poe (1809–1849)
Thoreau (1817–1862)
Melville (1819–1891)
William James (1842–1910)
Henry James (1843–1916)
Edith Wharton (1862–1937)
Gertrude Stein (1874–1946)
Ezra Pound (1885–1972)
Philip Roth (1933 –2018)
Marilynne Robinson (1943)
phơi ơ tông
Đức cuối thế kỷ mười tám
Mỹ đầu thế kỷ mười chín
Pháp giữa thế kỷ mười chín
Nga cuối thế kỷ mười chín
Anh đầu thế kỷ hai mươi
Mỹ giữa thế kỷ hai mươi
Việt Nam giữa thế kỷ hai mươi