Melville: Mardi (kỳ 14, inédit)
Kỳ trước, sau trận giáp lá cà không tiếng súng, họ bắt giữ được vài dân đảo và tiến về chiếc xuồng với mục đích đổi lấy thiếu nữ bị giam. Khi bức màn liễu gai được vén lên, nàng Yillah hiện ra - một sinh thể dịu dàng, đẹp lạ lùng, với câu chuyện huyền hoặc về nguồn gốc của mình: một hóa thân của đoá hoa thần tiên, được nuôi dưỡng trong đền thờ ẩn giữa rừng sâu và đang được đưa đến chặng tiếp theo của định mệnh đã được mặc khải - sẽ dẫn nàng tới cái chết. Để cứu Yillah khỏi số phận hiến tế, họ chuyển cả chiếc lều đang ấp ủ nàng sang thuyền Dê Biển, đồng thời phóng thích những kẻ bị bắt giữ khỏi thuyền. Cuộc truy đuổi của các dân đảo dấy lên một chặp nhưng sớm phải kết thúc: xuồng địch mất hút sau đợt sóng, trong khi Dê Biển tiến lên, không để lại dấu vết nào trên biển mênh mông.
kỳ này, giống ở kia, sẽ là một inédit
CHƯƠNG XLV
NHỮNG HỒI TƯỞNG
Trong việc giải cứu Yillah dịu hiền khỏi bàn tay của những người Dân Đảo, một kế hoạch dường như đã được hoàn thành. Nhưng giờ có điều gì phải làm nữa? Nơi đây, trên chiếc thuyền Dê Biển mạo hiểm, là một cô gái còn đáng yêu hơn những ánh ban mai; và để bầu bạn với nàng, còn ai ngoài tôi và các đồng bạn? Thế nhưng ngực nàng vẫn phập phồng với những hoảng hốt, các tưởng vọng của nàng hết thảy đều lang thang những chốn mê cung.
Làm sao để chế ngự những tưởng tượng nguy hiểm ấy? Làm sao để nhẹ nhàng xua tan chúng đi?
Có một cách: đó là hướng các suy nghĩ của nàng về tôi, như là một người bạn và là một người bảo vệ của nàng, và là một người tốt hơn và khôn ngoan hơn Aleema thầy tế. Song điều này chưa đạt kết quả nếu vẫn còn giả thuyết của tôi về một nguồn gốc thần thánh nơi đảo thiêng Oroolia; và thế là ấp ủ trong lòng nàng cái niềm quan tâm bí ẩn, như ngay từ đầu nàng đã mường tượng về tôi. Nhưng nếu sự lãnh đạm khó tính nơi vị cứu tinh của nàng khiến nàng xem chàng như là một người lạ lạnh lùng từ Miền Bắc Cực nào đó, thì làm sao nàng đồng cảm với chàng được? từ đó, làm sao nàng có được bình an trong tâm hồn, khi chẳng có ai khác để nương tựa?
Bấy giờ khi trở lại trong lều, một lần nữa nàng lại hỏi Aleema đang ở đâu.
“Đừng nghĩ gì về ông ấy, Yillah yêu dấu,” tôi kêu lên. “Nhìn tôi đây. Da tôi không trắng như em sao? Nhìn đi, dẫu rằng từ lúc rời Oroolia mặt trời đã nhuộm má tôi, tôi không giống như em sao? Da tôi có nâu như Aleema da màu? Mấy người này đã bắt cóc em khỏi hòn đảo ngoài khơi, khi em còn quá nhỏ để mà nhớ ra tôi. Nhưng tôi đâu có quên em, Yillah yêu dấu nhất. Ha! ha! chúng ta đã chẳng cùng nhau rung lắc những lá cọ, và đã chẳng đuổi theo những quả hạch lăn xuống nơi thung lũng hẹp sao? Chúng ta đã chẳng bước vào hang bên bờ biển, và cùng nhau đi vào động mát nơi gò đồi sao? Nơi nhà tôi ở Oroolia, Yillah yêu, tôi có một lọn tóc của em, khi nó còn chưa vàng: một lọn tóc đen nhỏ như một chiếc nhẫn. Đôi má em đã từng ra sao khi đổi màu từ ô-liu sang trắng. Và khi nào tôi sẽ quên được cái lúc, mà tôi bắt gặp em đang say giấc giữa những đoá hoa, với hồng và ly bên má. Vẫn chưa nhớ ra ư? Em không nhận ra giọng tôi? Những tinh linh trong đôi mắt em trước đây đã từng thấy tôi. Chúng bây giờ đang bắt chước tôi khi nô giỡn trong hai hồ nước của mình. Toàn bộ quá khứ là một khoảng trống lu mờ ư? Hãy nghĩ về khoảng thời gian chúng ta chạy tung tăng dưới vòm lá râm mát, nơi những dây leo xanh quấn mình quanh những chiếc xương sườn khổng lồ của một con cá voi mắc cạn. Ôi Yillah, Yillah nhỏ bé, hết thảy đều đã đến nước này rồi sao? Em vĩnh viễn quên tôi sao? Vậy mà tôi đã băng qua cái thế giới nước rộng lớn hầu tìm được em: từ đảo này qua đảo kia, từ biển này qua biển nọ. Và giờ đây chúng ta chẳng chia lìa. Aleema không còn nữa. Mũi thuyền của tôi vẫn cứ hôn lấy những ngọn sóng, đến khi nó hôn lấy bờ biển Oroolia. Yillah, nhìn lên.”
Nhận chìm hồn ma của Aleema: Yillah yêu dấu là của ta!
CHƯƠNG XLVI
CHIẾC DÊ BIỂN CÙNG MỘT NHIỆM VỤ DONG THUYỀN KHẮP NƠI
Nhờ tính siêng năng của ông Viking, trước khi đêm xuống, chiếc thuyền Dê Biển của chúng tôi một lần nữa lại được thu xếp đâu ra đó. Và cùng những mối nối khéo léo của người thạo nghề biển mà chiếc lều nhẹ đã được buộc vào đúng chỗ; buồm đã được cuộn vào mép cuốn.
Các đồng bạn của tôi lúc này hỏi tôi về những ý định của tôi; liệu chúng có thay đổi vì các sự kiện trong ngày hay chăng. Tôi trả lời rằng điểm đến của chúng ta vẫn là các hòn đảo phía tây.
Nhưng từ đấy mà chúng tôi trôi dạt không đổi suốt cả buổi sáng; đến nỗi bây giờ chẳng thấy đất liền hiện ra ở đâu. Thế nhưng mũi thuyền của chúng tôi vẫn cứ hướng tới như trước.
Đến khi tối trời, các đồng bạn của tôi nhanh chóng chìm vào giấc ngủ, để tôi lái thuyền.
Ánh sáng giờ này mới dịu dàng và mơ màng làm sao. Những tia nắng mặt trời, đang lặn sau những đám mây vạch sắc hoàng kim, đến với tôi như thứ ánh sáng anh ánh đổ bóng qua tấm mắt cáo. Và làn gió thấp, ngát hương nhựa thơm đặc trưng ở vùng trung tâm Thái Bình Dương, thơm như hơi thở cô dâu.
Cảnh tượng ấy, quá tĩnh lặng và mê hoặc đến mức bàn tay Yillah đặt trong tay tôi dường như không phải là một bàn tay nữa, nhưng chỉ là một cái chạm. Các cảnh mộng vụt qua trước tôi và bên trong tôi; có điều gì ngâm vang trong tai tôi; toàn bộ khí trời là một khúc nhạc.
Và khi ấy một suy nghĩ xâm chiếm lòng tôi. Tôi ngẫm thấy chúng tôi cứ vậy mà thanh bình lướt đi ra sao, xa khỏi mọi ưu tư và lo lắng. Thế rồi, những cảnh tượng khác nào còn đang đợi chờ chúng tôi tại bất kỳ đường quanh hải ngạn nào. Nhưng có vẻ nhưng chẳng có hiểm nguy nơi vùng biển dịu mát; vùng chắc chắn cận đất liền thì tạo nên một cảm giác an toàn. Chúng tôi có nguồn lương thực dư dật trong vài ngày tới, và nhờ chiếc xuồng tà giáo, mà được dư dả nhiều trái cây.
Ngoài ra, giờ đây tôi còn phải lo nghĩ gì về những lùm cây xanh và hải ngạn tương sáng? Chẳng phải Yillah là hải ngạn và lùm cây của tôi sao? Chẳng phải là đồng cỏ, rượu mật, thân nho mềm rợp bóng, và vòm lá râm mát của tôi sao? Trong hết thảy những thứ đáng thèm muốn và đầy vui sướng, bó lúa trĩu hạt, và cánh tay phải tôi là đã đủ rồi sao? Đủ: chừng nào tôi có hải ngạn cho mình. Một cú xoay lái, và mũi thuyền nhẹ của chúng tôi hướng về miền đất mơ hồ của bài ca, mặt trời, và cây thân leo: miền Nam trong truyền thuyết.
Khi chúng tôi lướt thuyền đi, Yillah lạ kì đăm đăm nhìn xuống biển, và cũng khiến tôi sẵn sàng mà lao vào đấy với nàng, để được lang thang khắp biển sâu. Nhưng tôi chột dạ sững sờ; trong tưởng tượng, tôi thấy các xác lạnh của ông thầy tế đang lướt qua. Một lần nữa bóng ma ấy lại hiện ra; một lần nữa niềm hối tiếc lại đặt bàn tay vấy đỏ của nó lên linh hồn tôi. Nhưng tôi cười. Chẳng phải Yillah là của riêng tôi sao? Nhờ bàn tay của tôi đã cứu nàng khỏi điều bất hạnh sao? Vì tốt cho nàng, mà tôi đã liều chính bản thân tôi đây. Vậy thì chìm xuống đi, chìm xuống đi, Aleema.
Khi sáng hôm sau, bật dậy từ giấc ngủ, các đồng bạn của tôi thấy mặt trời đã lên quá xà buồm, thay vì ở đằng đuôi vào giờ ấy như mọi khi, họ thiết tha hỏi, “Bây giờ ta đi đâu?” Nhưng thật ngắn gọn tôi cho họ biết, rằng sau khi dành cả đêm để cân nhắc một vấn đề rất quan trọng, tôi quyết định đi thuyền đến đảo Tedaihee, thay vì miền đất phía tây.
Về điều ấy, họ chẳng lấy làm hài lòng. Nhưng nói thật, tôi đã nuôi dưỡng một ý định mập mờ, chỉ đơn thuần là muốn ngao du chút đỉnh, đến khi nào tôi thấy sẵn sàng hướng về đất liền hơn.
Nhưng có phải tôi đã chẳng thông báo cho Yillah, rằng đích đến của chúng tôi là hòn đảo thần tiên mà nàng nói tới, Oroolia? Thế nhưng bờ biển ấy thật xa xôi quá, và thật là dại dột mà ra sức đi đến đó trên một chiếc thuyền đóng thủ công, quá hiển nhiên, đến độ chuyện lạ nào mà tôi đã không thực sự suy nghĩ kỹ càng về nó?
Vậy là chiếc Dê Biển cứ trôi dạt trên biển, như một đám mây lưu lạc trên trời: đi về nơi mà chẳng ai biết ở đâu.
CHƯƠNG XLVII
YILLAH, JARL, VÀ SAMOA
Nhưng đến lúc để nói, Samoa và Jarl xem nàng Yillah bí ẩn này thế nào; và Yillah xem họ ra sao.
Như Người đẹp so với Quái vật, ban đầu cô gái cố tránh người bạn một tay của tôi. Nhưng thấy niềm tin tưởng của tôi đối với anh chàng man dã, một phản ứng đã chóng nối đuôi. Và chiểu theo thứ quy luật lạ lùng ấy, mà, trong nhiều điều kiện nhất định, những người xấu thậm tệ nhất lại thành ra chỉ còn gớm ghiếc theo lối có duyên, dần dà Yillah cũng xem Samoa như là một loại yêu tinh tốt tính và vô hại mà thôi. Từ đâu chàng đến, nàng chẳng quan tâm; hoặc tiểu sử của chàng thế nào; hoặc số phận của chàng có dính dáng với tôi ra sao.
Biết đâu chừng, nàng xem chàng như là một thụ tạo mang nguồn gốc tự phát.
Bấy giờ, như ở những nơi mà phụ nữ là người thuần hóa những bầy thú đàn ông; thì Yillah cũng đã kịp thuần hóa Samoa mà đem bỏ cái của kinh khiếp bên tai chàng, và thuyết phục chàng kiếm cái gì thế vào chỗ trống của cái món trang trí nơi mũi chàng. Về phần chàng, song le, hết thảy điều này đều phải có điều kiện. Chàng đòi hỏi cái đặc quyền được lấy lại cả hai món đồ leng keng ấy vào những dịp phù hợp.
Nhưng nếu người con gái vui vẻ nô đùa với Samoa như vậy; thì cảm xúc của chàng đối với nàng khác biệt ra sao? Số phận mà nàng đã được định sẵn, và mọi điều không ai hay biết về nàng, đã hấp dẫn hết thảy những mê tín bản địa nơi chàng, mà được gán cho các thụ tạo có nước da như nàng một nguồn gốc còn hơn cả trần thế. Khi được phép tiếp cận người con gái, chàng trông rụt rè và lúng túng đến lạ; gợi lên sự tương đồng về một gã thần rừng vụng về nào đó, đã rút mất những chiếc sừng của mình; chậm rãi vẫy đuôi; cúi mình luống cuống trước một linh hồn rực rỡ nào đó.
Và niềm tôn kính ấy của chàng là điều khiến tôi hài lòng hơn cả. Hoan hô! tôi nghĩ, hãy cứ mãi ngoại giáo đi. Song đấy cũng chẳng hơn gì bản thân tôi; bởi lẽ, theo một cách khác, Yillah là một thần tượng của cả hai chúng tôi.
Nhưng còn ông Viking thì sao? Thú thật, về phần ông Jarl tử tế mà tôi đau lòng phải nói, rằng cái mối quan tâm nệ cổ mà ông dành cho các sự tình của tôi khiến ông nhìn Yillah như là một kiểu người không mời mà đến, một thứ ác tiên Cúc Đá, một người biết đâu sẽ dẫn tôi lầm đường lạc lối. Đôi lúc vì chuyện này đã dấy lên một tràng đả kích; nhưng ông sẽ chỉ hướng thái độ tận tụy về sự tức tối của tôi; và rồi tôi chẳng thèm nói năng gì nữa.
Giản dị như một đóa hoa dại còn bọc trong búp, Yillah dường như chẳng thể nhận ra những ánh mắt tương phản mà các đồng bạn tôi nhìn nàng. Và như một vẻ đẹp đích thực dường như để ấp ủ cái điều cầm bằng, rằng một người như nàng khó mà cho thấy điều gì khác ngoài mội sự bất khả kháng cự với tất cả mọi người.
Nàng tỏ ra bất ngờ với vẻ ngoài của ông Viking lắm. Nhất là nàng bị ấn tượng bởi một biểu tượng đặc trưng trên cánh tay của người thủy thủ phi thường — Đấng Cứu Thế trên thập giá, in mực xanh; với mão gai và ba giọt máu đỏ son, nhỏ từng giọt từ mỗi bàn tay và bàn chân.
Thế là giờ đây Jarl thực thà lại vô cùng hãnh diện về cái hình trang trí này. Đấy là phần phù phiếm duy nhất nơi ông. Và như một phụ nữ tay không đeo găng hầu khoe chiếc nhẫn ngọc lam tinh xảo, ông lão cứ luôn xắn tay chiếc áo chẽn, nhằm phô bày nét điểm trang ấy cho được rõ ràng hơn.
Và Yillah sẽ xoay cánh tay Jarl hết vòng này đến vòng kia, tới chừng Jarl đành phải đứng cho vững, vì sợ quay mòng mòng. Lòng cảm phục tự nhiên như thế hẳn sẽ làm rung động tâm hồn người nghệ sĩ khéo tay biết dường nào!
Cuối cùng, thông qua anh Upolu, nàng mới đề nghị với Ông Giời, rằng nàng muốn có được cái hình của ông lên cánh tay phải của nàng. Trong sự đơn sơ vô cùng, người con gái chẳng hề hay biết, rằng như một quang cảnh trong bức bích họa, hình ảnh ấy chẳng thể nào tháo ra.
Khương Anh dịch
Melville
Billy Budd (1924)
Mardi (1849)
Jacket trắng (1850)
Hawthorne và Rêu của ông (1850)
Người 'Gee (1853)
Người kéo vĩ cầm (1854)
Pudding của người nghèo và mẩu vụn của người giàu (1854)
Jimmy Rose (1855)
Ngắn (1855-1856)
Cúc-cà-cúc-cu (1856)
Tôi và ống khói của tôi (1856)
Nước Mỹ ấy
Hawthorne (1804–1864)
Edgar Allan Poe (1809–1849)
Thoreau (1817–1862)
Melville (1819–1891)
William James (1842–1910)
Henry James (1843–1916)
Edith Wharton (1862–1937)
Gertrude Stein (1874–1946)
Ezra Pound (1885–1972)
Philip Roth (1933 –2018)
Marilynne Robinson (1943)