favorites
Shopping Cart
Search
Vitanova
Prev
Xuân 2025
Next

Melville: Jimmy Rose

26/04/2025 23:06

Herman Melville viết "Jimmy Rose" và đăng tạp chí Harper's Magazine vào tháng Mười một năm 1855. Đây là quãng thời gian kéo dài mấy năm của các truyện ngắn ("Tôi và ống khói của tôi" đăng trên tờ Putnam's Monthly tháng Ba năm 1856), sau thất bại của cuốn tiểu thuyết Pierre (1852), cuốn sách thứ bảy của Melville, cột mốc đích thực kết thúc chuỗi sáng tạo dồi dào ban đầu và mở ra những năm im lặng. Cũng trong khoảng này, Melville viết "Bartleby" và "Benito Cereno" (hai truyện thuộc tập The Piazza Tales, đã được FORMApubli in dưới nhan đề Ngắn).

Truyện ngắn của Melville không nhiều đến mức mênh mông như ở Henry James, cũng không phong phú bằng Joseph Conrad, nhưng chúng vô cùng quan trọng, trong đó có các kiệt tác lớn lao. Chính trong lúc như thể thu mình lại và tách đi khỏi thế giới của biển ấy, Melville đạt tới một biểu đạt khác hẳn, cũng kỳ diệu không kém so với loạt tiểu thuyết kể từ Typee cho đến Moby-Dick.

 

Jimmy Rose

- Herman Melville

 

Cách đây một thời gian - chính xác là bao lâu thì chẳng quan trọng mấy - tôi, đã là một ông già, rời vùng nông thôn đến sống ở thành phố, vì được nhận món thừa kế bất ngờ là một ngôi nhà lớn cũ kỹ tại một phố hẹp thuộc một khu thấp của thành phố, xưa kia từng bảnh chọe lắm, đầy những phòng khách râm ran cùng phòng ngủ trang trí đẹp, ngày nay phần lớn đã bị biến thành các nhà kho và văn phòng. Hòm cùng bao đã soán chỗ những sofa; sổ ghi chép buôn bán cùng sổ cái được dùng ở nơi xưa kia người ta từng quết bơ vào những cái bánh mì nướng ngon lành của bữa sáng. Đã hết rồi, đối với các khu phố cũ ấy, những ngày xưa sung sướng của những cái bánh mềm ngọt tỏa hương...

Tuy nhiên, trong cái nhà cũ kỹ của tôi ấy, thoát được khỏi theo lối lạ thường, vẫn còn lại chút lưu hương cho những ngày đã đi mất. Và nó không phải là duy nhất. Nơi những dãy nhà kho cùng cửa hàng, cũng có vài nhà hiếm hoi khác. Sự biến hóa hoàn chỉnh của phố còn chưa xong hoàn toàn. Và hoàn toàn giống những ông thầy tu cùng các nữ tu bên Anh vẫn còn ám thật lâu những đổ nát của các chốn quạnh quẽ mà họ đã bị tước đi, một số gentleman già lạ thường và một số lady già vẫn sống quanh đó, họ không mong, không muốn, hoặc không thể bỏ đi chỗ khác. Và tôi nảy ra cái ý theo đó, vào một ngày mùa xuân, hiện ra từ khu vườn đang nở hoa trắng muốt, mái tóc bạc và cây can có nắm đấm ngà màu trắng của tôi tới tự thêm mình vào đoàn lũ chậm chân của họ, những linh hồn già nua khốn khổ kia đầy điên rồ mà tưởng tượng rằng khu phố của họ đang được hồi sinh, rằng làn sóng của hào nhoáng lại sắp quay về.

Ngồi nhà, trong vòng suốt nhiều năm, đã không được ai trong số các chủ nhân đúng nghĩa của nó tá túc; những người mà theo dòng thời gian nó rơi vào tay đã cho thuê nó, toàn những người ở tạm: các thị dân già nghèo túng, những người ẩn dật bí hiểm, hay những người ngoại quốc khó dò và lén lút.

Mặc cho một số cải tạo thảm hại mà bên ngoài được hưởng - như việc loại bỏ đi một cái cổng cũ tuyệt đẹp hình cái ghế, thứ choàng vương miện cho sáu bậc cầu thang cao, và trên đó một dạng nóc tòa giảng có vành to tướng chòi ra; hay sự thay thế những chớp cửa sổ nặng nề ban đầu (mà mỗi tấm phần phía trên đều được khoét thành hình bán nguyệt, vậy nên làm lọt vào, trong một buổi sáng tháng Bảy nóng nực, nơi các căn phòng vả lại đóng kín, một tia sáng phía Đông nhiều tính cách của trăng) bằng các tấm mành Ý mảnh; tức là, mặc cho dáng vẻ kỳ cục mà mặt tiền trưng ra, mà lẽ ra không cần, mặc cho điều đó, tôi muốn nói - như thể các thêm nếm của sự hiện đại đã không muốn lấn lướt cái gốc cổ xưa - đã chẳng gì, hay gần như vậy, thay đổi. Dưới hầm, khắp nơi có các cốp pha lớn u tối, vồng lên, xây bằng gạch đen, chúng làm người ta nghĩ tới những nấm mộ cổ của các hiệp sĩ dòng đền, bị chế ngự trên trần bởi các thanh xà lộ to tướng, gồ lên và vuông vắn, tất tật đều bằng gỗ sồi đỏ, với tuổi tác đã ngả sang sắc Ấn Độ phong phú. Chúng thật khổng lồ, các thanh xà kia, ken sát vào nhau đến mức nếu đi thơ thẩn tại những cái hầm rộng ấy, người ta tưởng đâu mình đang diễu hành trước các cỗ pháo của một tàu chiến.

Phòng nào, ở các tầng trên, cũng đều vẫn chính xác như chúng từng, chín mươi năm về trước, với những thứ gỗ ốp nặng nề (gối tường cùng tấm chắn) chạm trổ và trát thạch cao, trang trí bằng các mô típ lạ thường và không sao hiểu nổi lấy từ nghề làm vườn và thế giới động vật. Đã nhợt nhạt đi vì tuổi tác, những gì dùng để phủ tường cũng trung thành mang dấu ấn của thời Louis XVI. Trong căn phòng lớn nhất, chẳng hạn (mà các con gái tôi gọi là phòng tiếp tân, tuy tôi không cho điều này là cần thiết, để phân biệt nó với hai phòng khách nhỏ hơn) giấy dán tường thuộc hàng phong cách cao cấp hơn cả. Chúng tôi đã nắm bắt được ngay là nó có xuất xứ Paris - một "Versailles" đích thực - chính xác như thứ giấy dùng để trang trí cho phòng boudoir của Marie-Antoinette. Đấy là các hình thoi lớn dạng kim cương, ngăn cách bởi những tràng hoa hồng to (mới đầu Biddy, bà hầu của chúng tôi, bảo đấy là hành, nhưng vợ tôi vội chấn chỉnh ngay); và trong những hình thoi lớn ấy, cái nào cũng thế, giống các chuồng chim treo cao ở công viên, có cả một chuỗi gây ấn tượng mạnh những minh họa động vật tuyệt vời nhất, lũ chim nhiều tính cách Paris hơn cả: vẹt, vẹt đuôi dài và công; nhất là công. Đúng nghĩa là các prince Esterhazy của loài có cánh: đầy những ruby, kim cương cùng Huy chương Lông Cừu Vàng. Nhưng hỡi ôi! cái phần bày ra về hướng Bắc của căn phòng đó lại có một dáng vẻ kỳ quặc: nửa rêu nửa mốc, một cái gì đó giống những cái cây đang già đi của các khu rừng, mà mặt nhìn về Bắc phủ đầy rêu và qua đó, người ta bảo, chúng khởi sự chết. Nói ngắn gọn, sự rực rỡ nguyên ủy của lũ công đã bị tắt đi một cách đáng buồn, trên bức tường phòng khách ấy, dưới hiệu ứng quỷ quyệt của một cái khe nhỏ nơi ống xối, qua đó mưa đã đầy phản phúc tự tạo cho mình một con đường trong vách, xuống tận tới tầng trệt. Lỗi là của những kẻ thuê nhà bất kính, những kẻ, lúc chuyện vừa mới chỉ bắt đầu, đã không nghĩ đến việc chặn nó lại, hoặc nói đúng hơn đã nghĩ là chẳng đáng để làm vậy, vì bọn họ dùng phòng khách có lũ công để chứa chất đốt và phơi quần áo. Dẫu thế nào, chuyện này tạo ra hệ quả là rất nhiều trong số lũ chim xưa kia từng rạng ngời dường đã dính phải một trận mưa bùn lên bộ cánh hoàng tộc của mình. Phần đuôi quét của chúng thảm thê đáng buồn; nhưng chúng tỏ ra biết bao kiên nhẫn và vui tươi, phải, biết bao lòng can đảm mà chịu đựng sự suy thoái cay đắng; vẫn còn lại biết bao sự thanh lịch đích thực trong tư thái của chúng; và sự mơ mẩn êm dịu, đầy tư lự của chúng ở giữa các tán lá đã lịm tắt dường theo đuổi một suy tưởng rất gợi hứng và thường trực suốt cả ngày, từ đã rất nhiều năm, đến nỗi tôi không thể, mặc cho sự nằn nì của gia đình tôi và đặc biệt là của vợ tôi (tôi e là bà quá trẻ so với tôi), tôi vẫn không sao quyết được cái việc loại bỏ đi toàn bộ cái chuồng gà qué kia, như Biddy hay nói, và phủ lên những bức tường một thứ giấy dán phẳng lì màu kem thật đẹp, tuyệt hảo. Không, mặc cho các cầu nài của họ, tôi không thể chịu thua, dẫu cho sự ngoan ngoãn và sự quy thuận của tôi trong các hoàn cảnh khác có lớn đến đâu.

Nhưng nhất là, phải, nhất là, tôi không thể cho phép có bất kỳ xâm phạm nào vào phòng khách có lũ công, hay căn phòng có những bông hoa hồng (tôi dùng cả hai cái tên) do liên tưởng dài mà nó tạo ra trong tâm trí tôi nối vào một trong những chủ nhân trước đây của ngôi nhà: Jimmy Rose đáng kính.

Jimmy Rose khốn khổ!

Ông từng là một trong những mối quen biết đầu tiên của tôi. Và ông chết mới chưa được nhiều năm; tôi đã cùng hai ông già nhỏ bé bước đi lảo đảo khác dắt dây ngựa, và đó là đoàn rước còm cõi đi cùng ông ra mộ.

Jimmy không sinh ra giàu có. Hồi trẻ ông đẹp một cách ngoại lệ, đầy nam tính và cao lớn, cặp mắt xanh ngời sáng, tóc xoăn, nước da dường thoa son cho đỏ thêm, nhưng ấy là sự sáng ngời tự nhiên được truyền thêm sức bởi niềm vui sống: về bản tính ông là một người mê phụ nữ. Và cũng như phần lớn những người mê thích phái đẹp một cách sâu sắc, ông đã chưa bao giờ làm cho tha hóa tự do của mình trong việc say mê thờ phụng chung, bằng cách thực hiện sự hy sinh chủ ý con người của mình trên ban thờ.

Vốn dĩ làm được cho tài sản của mình tăng lên nhờ một thương mại rộng lớn đúng thật có tính cách hoàng gia - một cái gì đó tương tự lái buôn ở Florence ấy, Cosmo Tuyệt Vời - ông có đủ phương tiện để sống xa hoa. Suốt một thời gian dài các bữa tối của ông, các bữa khuya cùng những vũ hội không đâu sánh nổi tại "thế giới thượng lưu" của New York. Chất lượng hiếm có nơi đồ ăn của ông, vẻ huy hoàng các cuộc tiếp tân của ông, sự xuất sắc của tinh thần ông, những giá nến lung linh của ông, sự trò chuyện được nuôi dưỡng bằng các giai thoại không thể cạn của ông, các món đồ Pháp của ông, sự xa xỉ nơi tiếp đón của ông, trái tim ông cùng bàn ăn của ông, đôi bên đều rộng mở y như nhau, những cung cách lỗi lạc và sự cao quý nơi các loại rượu vang của ông - có gì đáng kinh ngạc đâu khi hàng đoàn hàng lũ chen chúc nhau nhận lấy lòng hiếu khách ở nhà của ông? Đối với các cuộc tiếp tân của "đợt ăn chơi mùa đông", ông xếp đầu bảng. James Rose, Esq. cũng là nhân vật mà người ta gặp tại gần như tất tật các cuộc trao thưởng chính thức: dẫu đó là một cái khay bạc cho những con tàu khải hoàn ở Park, hay một thanh gươm hoặc những khẩu súng danh dự cho những vị tướng chiến thắng. Và thông thường chính ông là người được lựa chọn để trao tặng các món đồ đó, do thiên bẩm tuyệt vời của ông, biết cách nói rất hay những điều hay nhất.

- Thưa ngài, ông nói ở một phòng khách lớn tại Broadway, vừa nói vừa đưa cho tướng G... một cặp súng trang trí những viên ngọc turquoise - thưa ngài (và cử chỉ cũng nhiều tính Castilla như nụ cười bừng nở), hẳn lẽ ra người ta đã có thể khảm vào đây nhiều viên turquoise hơn, nếu số lượng những chiến thắng vinh quang của ngài chiếm ít chỗ hơn.

A! Jimmy. Jimmy! Ông sở hữu nghệ thuật khen ngợi bẩm sinh. Nhưng chẳng phải nó được dệt nên trong chính cấu tạo con người của ông, sự dồi dào về mọi thứ gì khiến người ta thích, đấy ư? Và ai mà lại đi nghĩ tới việc trách cứ ông vì đã bắt chước người nào đó vào dịp ấy, ngay cả khi rành rành đó là đạo văn? Những con người của cái thế giới này, bọn có cứ việc đi đạo văn toàn bộ những gì mà bọn họ muốn, thì cũng thật hiếm những ai thành công nổi.

Thế nhưng thời đại đổi thay. Thời gian, chính nó cũng là kẻ đạo văn của các mùa khác nhau!

Các trắc trở đột nhiên và khủng khiếp trong công việc buôn bán trở nên chết người, do sự phung phí điên rồ của tất tật. Lúc kiểm tra sổ sách của Jimmy, người ta nhận thấy là ông không thể trả hơn mười lăm shilling cho một bảng. Thêm nữa, khoản thâm hụt đó có thể đã được bù đắp trong khoảng thời gian mong muốn - lẽ dĩ nhiên sẽ khiến Jimmy không còn xu dính túi - nếu hai trong số các con tàu chạy tuyến Trung Quốc của ông không bị đắm trong một trận cuồng phong mùa đông, ngoài khơi Sandy Hook: bị đắm khi đã nhìn thấy bến cảng.

Jimmy đã khánh kiệt.

Chuyện cách nay đã nhiều năm rồi. Hồi ấy, tôi vẫn sống ở nông thôn, nhưng lại đang lên thành phố thực hiện một trong những chuyến viếng thăm hằng năm của mình. Bốn hay năm hôm trước đó, Jimmy, ở nhà ông, là tâm điểm cho tất tật các ánh mắt; ông lắng nghe lời nâng cốc vào cuối buổi dạ tiệc của một lady người đầy gấm vóc nói với ông, bằng những lời đáng nhớ sau: "Mừng người chủ nhà tuyệt vời của chúng ta; và cầu cho bông hoa trên cặp má ông bừng nở cũng lâu như bông hoa trong trái tim ông!" Và tất tật, tất tật các lady dịu dàng cùng các gentleman, nâng cốc lên với nhiều hào hứng và trìu mến đến độ Jimmy, như một đứa trẻ, cảm thấy một giọt nước mắt kiêu hãnh và biết ơn ứa ra nơi con mắt người trung thực của ông; và ông đưa ánh mắt thiên thần của mình dõi qua những khuôn mặt lấp lánh cùng những bình rượu cũng lấp lánh chẳng kém và xúc động chẳng kém.

A, Jimmy khốn khổ, khốn khổ!... Cầu Chúa che chở cho tất tật chúng ta. Jimmy Rose khốn khổ!

Vậy là, bốn hay năm hôm sau tôi nghe thấy tiếng sấm rền, hay nói đúng hơn là sự náo nhiệt của các tin tức tồi tệ. Tôi đang băng ngang Bowling Green dưới một trận bão tuyết, không xa khu Battery nơi có nhà của Jimmy, thì nom thấy một gentleman tiến về phía mình với bước chân nhún nhảy; và tôi nhận ra đấy là một trong những người đã hết sức vội vã nhảy bật lên, nơi bàn ăn của Jimmy Rose, để nâng cốc trước lời chúc của lady xinh đẹp. Hơi nước đọng trên cái cốc đầy tràn ấy không hiển nhiên hơn, vào dịp sung sướng đó, so với thứ nước đọng đang làm ướt đẫm mắt ông.

Vậy là, gentleman tốt tính kia bắt gặp tôi trên Bowling Green, tay đung đưa một cây gậy có tay cầm bằng bạc. Ông ta dừng lại khi nhìn thấy tôi:

"A! anh bạn trẻ, tối hôm trước Jimmy đã phục vụ chúng ta một thứ rượu vang hiếm. Nhưng tôi nghĩ là sẽ không có nó nữa đâu. Anh biết tin chưa? Jimmy phá sản rồi. Sạt nghiệp, tôi đảm bảo với anh đấy. Chúng ta đến quán cà phê đi, tôi sẽ kể cho anh. Và nếu anh đồng ý, hẳn chúng ta sẽ có thể thu xếp một bữa nhỏ, tối nay, ở nhà Cato, quanh một chai rượu ngon. Anh sẽ tới chứ?"

"Cám ơn, tôi đáp, nhưng tôi... tôi bận mất rồi."

Như một mũi tên, tôi chạy đến nhà Jimmy, nơi người trông cửa trả lời tôi rằng chủ anh ta đang không ở nhà. Anh ta không biết ông ở đâu. Ông chủ của anh ta đã không về nhà từ bốn mươi tám tiếng.

Đi ngược Broadway, tôi hỏi nhiều mối quen mà tôi bắt gặp; nhưng dẫu lần nào cái tin cũng được xác nhận, không ai nói được cho tôi là Jimmy đang ở đâu, và dường như chẳng ai lý gì tới điều đó; lúc rốt cuộc tôi cũng gặp được một người thuộc giới thương mại lớn khiến tôi hiểu là có vẻ Jimmy, sau khi cứu được khỏi thảm họa một khoản khá, đã chuồn đi trốn ở đâu đó. Nhân vật mà tôi gặp tiếp theo đó, cũng là một tay tổ, thì chỉ cần nghe thấy tên Jimmy đã sùi cả bọt mép: "Một tên giẻ rách. Một tên giẻ rách đúng nghĩa! Jimmy Rose là như vậy đấy, thưa anh! Nhưng chúng tôi đang nghiêm túc truy đuổi ông ta." Về sau tôi được biết rằng cái ông vô cùng phẫn nộ đó đã gián tiếp mất khoản tiền bảy mươi lăm đô la bảy mươi lăm xen trong vụ phá sản của Jimmy Rose. Và tôi phải nói thêm rằng những bữa tối mà ông ta từng ăn ở nhà Jimmy tốn hơn cái khoản ấy nhiều, bởi ông ta nốc rõ lắm rượu và những thứ rượu vang mà Jimmy nhập khẩu thì rất đắt. Giờ đây khi nghĩ tới chuyện này, tôi nhớ ra là đã nhiều lần mình để ý nhân vật đó và quan sát ông ta, vào cuối bữa, tìm cách nán lại ở bàn, viện cớ có cuộc trò chuyện nghiêm trọng với chủ nhà tốt bụng của ông ta, nhằm tự rót cho mình, trong suốt quãng thời gian ấy, với một sự háu đói cùng một sự vội vã gần như không che giấu, hết cốc này đến cốc khác thứ rượu quý; cứ như thể đấy là giờ khắc của ông ta, trong lúc mặt trời những hào phóng của Jimmy đang ở thiên đỉnh, để rót cho đầy một cách ích kỷ.

Rốt cuộc tôi gặp được một người vốn dĩ có danh tiếng biết tất tật các bí mật cũng những điều bị che giấu của lịch sử các nhân vật lừng danh. Khi tôi hỏi ông ta Jimmy Rose ở đâu, ông ta liền kéo tôi sát vào hàng rào sắt của Trinity Church, thoát ra khỏi cuộc xô đẩy, và thì thào với tôi rằng tối hôm trước Jimmy đã lui vào một ngôi nhà cũ mà ông sở hữu, trên phố C...; một ngôi nhà từ khá lâu không có ai ở. Như vậy người ta có thể nghĩ rằng Jimmy trốn tại đó. Ghi lại địa chỉ cụ thể, tôi đi tới đó để rồi rốt cuộc dừng lại trước ngôi nhà có phòng khách hoa hồng. Các chớp cửa sổ đóng kín, và những mạng nhện chăng đầy ở các khoảng bán nguyệt của chúng. Cả cái nhà mang dáng vẻ u ám và hoang vắng. Tuyết, dồn đống lại một cách nặng nề ở chỗ cổng, không có dấu chân nào. Dẫu người đang ở trong đó có là ai, thì đấy cũng là một người cô độc và, chắc chắn, một người bị bỏ rơi. Ngoài phố chẳng có ai, hoặc gần như chẳng có ai: đấy đã là sau quãng thời gian khu phố rất mốt, và trước quãng thời gian thương mại xâm chiếm mảnh đất bị đối thủ của nó bỏ lại. Sau khi liếc nhìn sang hai phía trên vỉa hè, tôi nhẹ tay gõ cửa. Không có ai đáp. Tôi lại gõ, mạnh hơn. Không ai ra mở cửa. Tôi đập và kéo cả chuông cửa. Vẫn chẳng được gì. Tuyệt vọng, tôi đã định rời khỏi chỗ đó thì, nhằm kết thúc, tôi gọi lần cuối, bằng tất tật các sức lực của mình, với cái búa nặng treo ở cửa; rồi tôi đợi. Nhiều cửa sổ cũ lạ thường mở ra suốt dọc phố, trong lúc đó, và nhiều cái đầu già nua lạ thường ngó ra, ngạc nhiên trước hiện diện của một kẻ lạ mặt ồn ào nhường ấy. Và như thể phát kinh hoảng vì sự im lặng của chính mình, một giọng nói âm u và khàn đặc hướng vào tôi qua lỗ khóa:

"Anh là ai?"

"Một người bạn."

"Thế thì anh sẽ không vào," cái giọng đáp lại, còn âm u hơn nữa.

"Trời ơi, đây không phải là Jimmy Rose, tôi nhảy dựng lên mà tự nhủ. Không đúng nhà rồi. Địa chỉ không chính xác." Nhưng để khỏi nghi ngờ về bất cứ điều gì, tôi lại nói:

"Jimmy Rose có ở đây không?"

Không có câu trả lời.

Thêm một lần nữa:

"Tôi là William Ford, tôi nói. Để tôi vào đi."

"Ôi! không thể nào. Không được đâu. Tôi sợ tất cả mọi người."

Đó là Jimmy Rose!

"Để tôi vào, Rose! Ông cần phải tin một ai đó... Tôi!

"Rời khỏi đây đi, không thì..."

Tới đó tôi nghe thấy tiếng kim loại lạo xạo trong ổ khóa to tướng; nhưng không phải là tiếng chìa khóa xoay: một cái gì đó như là nhét một cái tuýp rỗng nhỏ vào lỗ. Hoảng quá, tôi vắt chân lên cổ bỏ chạy thật lực

Hồi ấy tôi còn trẻ, và Jimmy còn chưa quá tứ tuần bao nhiêu. Hai mươi lăm năm trôi qua tôi mới gặp lại ông. Và thay đổi mới lớn làm sao! Ông, người mà tôi trông đợi sẽ thấy - nếu mà thấy lại - khô héo, khẳng khiu, gầy guộc, dáng vẻ hung dữ và giống xác chết dưới hiệu ứng cộng dồn của bần cùng và sự ghét người... sửng sốt chưa! những bông hoa hồng Ba Tư cũ vẫn nở trên cặp má ông. Và ông nghèo như một con chuột; nghèo ở tầng mức cao nhất của sự nghèo; thảm hại dưới mức nghèo khổ và các trại tế bần: một người nghèo đi lại trong một bộ quần áo mỏng, sờn xơ hết cả, nhưng được chăm sóc kỹ lưỡng; một người nghèo với toàn bộ sự xa xỉ của những từ thanh lịch và thiệp liệp; một gentleman lịch sự, tươi cười, và run lẩy bẩy vì lạnh.

A, Jimmy khốn khổ, khốn khổ!... Cầu Chúa che chở cho tất tật chúng ta. Jimmy Rose khốn khổ!

Tuy rằng ở khởi đầu thảm họa của ông, các chủ nợ, xưa kia vốn là những người bạn thân, đã truy đuổi ông như một kẻ phải bị xử giảo đúng nghĩa; tuy rằng ông đã bị dồn tới chỗ, nhằm thoát khỏi tầm tay của họ cũng như tầm của mọi con mắt người, phải lẩn trốn và ẩn nấp trong cái nhà cũ; và tuy ở đó, trong cô độc, ông đã có phần phát điên - nhưng thời gian và thủy triều (vốn dĩ là những thứ chẳng chờ một ai) đã mang lại cho ông sự dịu lòng cùng sự quay trở lại của sức khỏe. Có lẽ xét sâu xa, Jimmy ở nền tảng nhiều từ tâm và tốt lành đến mức chẳng một nguyên nhân nào có thể biến ông thành một kẻ ghét người. Dẫu thế nào thì cho đến cuối cùng cũng không phải nghi ngờ gì, đối với ông việc chạy trốn loài người là một điều báng bổ.

Thỉnh thoảng, ý thức dễ mến về các nghĩa vụ có thể khiến một ai đó biết đến một kết cục hết sức chua cay. Bởi không gì cay đắng hơn so với bị nhìn thấy trong nỗi khốn cùng xấu xa nhất bởi những kẻ từng thấy ta giàu có ở giữa những người giàu có và tuyệt vời giữa những người tuyệt vời - tôi nói gì cơ! phải hèn mọn mà trườn đi trước mặt bọn họ, và được dung thứ như một tên già kỳ quái lang thang trong các phòng khách của bọn họ? Thế nhưng, đó là điều Jimmy làm. Dẫu không ném ông xuống thấp tới vậy bằng chỉ một cú đánh, phần số đã dẫn ông đến đó theo lối khó nhận ra, dần dà hạ ông xuống tận mức thấp hơn cả. Từ một nguồn không ai biết, ông nhận được một món lợi tức xấp xỉ bảy mươi đô la. Ông không bao giờ động vào món tiền gốc nhưng, nhờ nhiều sự xoay xở, ông tự thu xếp được để sống chỉ bằng tiền lãi. Ông ở trong một căn phòng áp mái, nơi ông cũng ăn uống luôn. Mỗi ngày ông chỉ ăn một bữa, bột mì và sữa, không gì khác - chỉ trừ những gì mà ông bòn được từ bàn ăn của những người khác. Rất thường, vào giờ uống trà, ông tới nhà một mối quen cũ, vận cái áo rơ đanh gốt cũ rích, dẫu trông vẫn còn tươm, có thứ nhung cũ viền hai ống tay, cũng như nơi gấu cái quần của ông, nhờ một thủ thuật tương tự, giấu đi dáng vẻ bị chuột gặm của nó. Chủ nhật, ông nhất quyết lúc nào cũng dùng bữa tối ở một nhà danh giá, ở đây ở kia.

Hẳn chẳng ai có thể sống theo lối như thế mà không bị làm sao, điều này là hiển nhiên, trừ phi người ta không coi kẻ ấy đã bị, vốn dĩ không có các thói tật, vận mệnh đẩy xuống thấp tới nỗi chỉ thứ chì của lòng thương hại mới đạt được đến. Và công trạng những người chủ nhà của Jimmy chẳng lớn mấy, khi không từ chối gentleman đói khát đó món bố thí là một cái bánh mì nướng hay một tách trà. Hẳn chắc chắn nó đã lớn hơn, dẫu không tốn kém là mấy, nếu bọn họ kết hợp lại với nhau nhằm kiếm cho ông một khoản thu nhập đủ cho những gì thật cần thiết, điều đó hẳn sẽ tránh cho ông mắc vào nỗi xấu hổ thường nhật phải đi xin lòng từ bi - thứ từ bi vả lại người ta không làm cho ông một cách bộc phát, mà ông phải xin và nài nỉ nơi cửa nhà bọn họ.

Nhưng điều gây nhiều xúc động hơn cả là những bông hoa hồng nơi cặp má ông: những bông hồng tươi tắn nơi mùa đông tàn nhẫn của ông. Làm thế nào mà chúng nở được - hoặc bột mì và sữa, cùng trà và những miếng bánh mì nướng, làm chúng bừng nở; hoặc giờ đây chính ông vẽ chúng - bằng ma thuật lạ thường nào mà chúng hiện ra như vậy, bừng nở, chẳng một đứa con nào của loài người nói nổi. Nhưng chúng nở. Và bên dưới những bông hồng của mình, Jimmy rất dồi dào các nụ cười. Lúc nào ông cũng mỉm cười. Cái cổng kiểu lãnh chúa đón tiếp ông, đi đến các bữa tiệc trà bố thí của mình, không biết đến người khách nào tươi cười hơn Jimmy. Và nếu, vào những ngày thịnh vượng trong đời Jimmy, nụ cười của ông từng lừng danh bởi sự rộng rãi cùng sự hào phóng của nó, thì giờ đây hẳn nó phải lừng danh gấp ba!

Dẫu nơi ông đến dùng trà có là đâu đi chẳng nữa, thì ông cũng có tất tật tin tức của thành phố để kể. Vốn dĩ cần cù lui tới các phòng đọc sách, nơi ông được nhận vào nhờ đặc quyền dành cho bản tính vô hại của ông, ông theo dõi sát sao những sự vụ bên châu Âu và văn chương mới mẻ nhất, cả trong nước lẫn quốc tế. Và về chủ đề ấy, chỉ cần người ta khuyến khích ông, ông có khả năng diễn thuyết vô tận. Nhưng không phải lúc nào người ta cũng khuyến khích ông làm vậy. Tại một số nhà, không phải chỉ một ít, Jimmy xuất hiện mười phút trước khi trà được dọn, và rút lui cũng mười phút sau, biết rất rõ rằng hiện diện của ông bên ngoài khoảng đó là không nhất thiết đối với sự thỏa mãn hay sung sướng của chủ nhà.

Thật thảm làm sao khi thấy ông, với sự háu đói lớn lao, uống hết tách này đến tách khác thứ trà ngon, và ngốn ngấu thứ bánh mì quết bơ ngon lành hết khoanh này đến khoanh khác, trong khi chẳng ai khác ngoài ông, do một bữa ăn muộn hoặc quá nhiều, chạm vào những cái bánh nhỏ và nếm hơn một tách Tiểu Chủng! Vốn biết rõ điều này, Jimmy khốn khổ tìm cách che giấu nỗi háu của mình - nhưng cũng cả tìm cách thỏa mãn nó nữa - nặng nề cố công theo đuổi một cuộc trò chuyện vui vẻ với bà chủ nhà của mình, vừa làm vậy vừa nuốt đến phát nghẹn nhưng lại tỏ ra chẳng để ý mấy, như thể ông đang ăn vì lịch sự thì nhiều hơn là vì đói.

A, Jimmy khốn khổ, khốn khổ!... Cầu Chúa che chở cho tất tật chúng ta. Jimmy Rose khốn khổ!

Ông cũng không bao giờ ngừng tỏ ra ga lăng. Các quý bà mà ông gặp nơi bàn ăn, dẫu đó có là ở đâu, đều chắc chắn mình sẽ được nhận một lời tế nhị; nhưng vào quãng cuối đời ông, các lady trẻ tuổi thấy ở những khen ngợi của ông một mùi mốc meo rõ nặng: chúng bốc mùi mũ hai mũi và quần cộc theo kiểu Pháp, hay còn đúng hơn, dải trang sức và dây lưng tại nhà một lão già cho vay nặng lãi. Bởi lúc nào người ta cũng tìm thấy trong những lời khen của Jimmy một dáng vẻ nhà binh và nhiều tính cách chinh phục nhất định. Ông từng là tướng trong ngạch dân quân, ngoài những điều khác, vào cái hồi sung sướng. Có một cái gì như một định mệnh đè lên các viên tướng bất hạnh ấy, hỡi ôi! và tôi biết mình từng thấy hơn một người như thế nơi một kẻ ăn mày. Tôi e sợ việc khám phá ra lý do cho điều đó. Có phải xu hướng quân sự ấy nơi một con người không có trái tim hiếu chiến, mà đầy hòa bình và dễ mến, là chỉ dấu cho một sở thích đối với vênh vang và phù phiếm. Chúng ta hãy đánh cược mười ăn một rằng không phải thế. Dẫu thế nào thì cũng thật thô lậu, nếu không muốn nói là ít tính cách Ki-tô, khi những kẻ sung sướng của thế giới này nói đạo lý quá nhiều về những ai không được sung sướng.

Số lượng các ngôi nhà nơi Jimmy viếng thăm lớn đến mức, và chính ông hết sức để ý sao cho gây được tại đó một dạng đón chào, nơi một số phòng khách, gần như ông chỉ xuất hiện một lần mỗi năm. Và hằng năm, lại ở trước Miss Frances, hay Miss Arabella trong sự rực rỡ của họ, ông cúi gập người xuống thật thấp, trong bộ trang phục cũ thảm hại của mình, và đầy vẻ ga lăng cầm lấy tay cô ta trong hai bàn tay trắng mềm mại của mình, bảo cô ta:

"A! Miss Arabella, những thứ trang sức kia bừng sáng ở các ngón tay cô, nhưng hẳn chúng sẽ lấp lánh hơn nhiều nếu không bị che mờ bởi tỏa rạng kim cương từ cặp mắt của cô!"

Dẫu rằng, trong sự thiếu thốn của mình, hẳn ông chẳng có lấy một xu teng để cho người nghèo, Jimmy, ông phát của bố thí cho đám giàu đấy. Bởi người ăn mày lầm bầm nơi góc phố đợi thứ bánh mì của mình ít hau háu hơn trái tim phù phiếm đợi được ngợi khen. Sự háu đói của đám giàu ở sự thỏa mãn, và sự háu đói của những kẻ nghèo trong nhu cầu, hai cái đó là một. Và chính đây, tôi nghĩ, là điều hẳn Jimmy Rose tự nhủ.

Nhưng phụ nữ không phải chỉ là sự phù phiếm, và nếu đôi khi họ hơi nghiêng về phía đó, thì họ còn làm hơn được cả việc chuộc lại nhờ lòng tốt của mình. Như là, cô thiếu nữ dịu dàng đã vuốt mắt cho Jimmy khốn khổ. Vốn là con gái độc nhất của một ông quan tòa giàu có, và biết rõ Jimmy, cô đã chăm sóc ông vào quãng cuối cùng. Trong suốt đợt ông mang căn bệnh cuối của mình, cô đích thân mang tới cho ông những thứ bánh kẹo và kem, đến pha trà cho ông ở phòng áp mái của ông, và dém chăn cho gentleman già khốn khổ trên giường. Và thật đúng đắn, Jimmy, khi ông nhận được những chăm sóc của giai nhân trẻ tuổi đó; ông xứng với cái đó lắm, việc cặp mắt già nua của ông được vuốt cho khép lại bởi những ngón tay nàng tiên của một lady trẻ - ông, vốn dĩ, trong sự giàu sang cũng như trong sự nghèo khổ, từng luôn luôn vẫn là người chăm lo cho và kẻ ngưỡng vọng phụ nữ.

Ở đây tôi do dự không biết có nên thuật lại một sự cố nhỏ liên quan đến các săn sóc mà con người trẻ tuổi đó trao cho Jimmy, và cách thức ông nhận chúng. Nhưng vì việc này hẳn sẽ chẳng còn có thể gây hại cho bất kỳ ai nữa, tôi có thể kể.

Vì tình cờ đang ở thành phố, và biết tin Jimmy bị ốm, tôi đến thăm ông. Và trên đó, trong căn phòng áp mái của mình, tôi gặp nữ y tá khả ái của ông. Khi có mặt người khách mới, cô rút lui và để tôi lại một mình với Jimmy. Cô đã mang tới cho ông một số thứ nhỏ nhặt, và cả vài quyển sách nữa, thuộc loại đặc biệt mà những con người từ tâm có ý chí tốt hay đặt ở đầu giường người ốm, ở các ca nghiêm trọng. Chắc hẳn kinh tởm trước việc người ta nghĩ ông đã ở ngưỡng cửa của cái chết, hoặc có lẽ vì hiệu ứng của tâm trạng tồi tệ mà sự bần cùng thường trực nuôi dưỡng, sự thể là Jimmy, sau khi cô thiếu nữ đi khỏi, dồn chút sức lực còn lại của mình để ném mấy quyển sách vào góc phòng xa nhất.

"Tại sao cô ta lại mang đến cho tôi mấy quyển sách cũ hắc ám này? ông thì thầm. Cô ta coi tôi là một kẻ khố rách áo ôm à? Cô ta nghĩ là bôi được thuốc vào trái tim của một gentleman già với Poor Man's Plaster này à?

A, Jimmy khốn khổ, khốn khổ!... Cầu Chúa che chở cho tất tật chúng ta. Jimmy Rose khốn khổ!

Được rồi! được rồi! Tôi là một ông già, và những giọt nước mắt mà tôi tuôn là thành quả từ trò ngồi lê đôi mách của tôi. Nhưng sáng danh Chúa! Jimmy không còn cần chút thương hại con người nào nữa rồi.

Jimmy Rose đã chết.

Tuy nhiên, tôi đang ngồi trong phòng khách có lũ công: căn phòng từ đó giọng nói âm u của ông đã phát ra, trước khi ông dùng khẩu súng của mình đe dọa tôi. Và tôi đây, đang suy tưởng về trường hợp dị thường của ông và lấy làm kinh ngạc trước kỳ quan ấy: việc ông đã có thể, sau cơn cuồng và sự rạng ngời sự nghiệp nhà quyền quý của mình, hài lòng với việc trườn mình cả cuộc đời và nài xin trước những thứ đá hoa cương và gỗ gụ một tách trà và những miếng bánh mì nướng nhơ nhớp, trong khi mà xưa kia, như một Warwick đúng nghĩa, ông từng đãi rượu Bourgogne cùng thịt thú rừng cho cả một thế giới đòi có ông.

Và mỗi lần nào đưa mắt nhìn sự rực rỡ đã úa tàn của bọn chim cao quý trên thảm, tôi lại nghĩ đến sự phai nhạt của lòng kiêu hãnh, xưa kia thật rạng rỡ, của Jimmy. Nhưng nữa, mỗi lần nào ngắm những tràng hoa hồng miên viễn kia, ở giữa đó lũ công đậu, tôi cũng nghĩ đến những bông hồng vĩnh cửu, lúc nào cũng bừng nở trên cặp má của Jimmy lụn bại bất hạnh.

Đã được bứng đi trồng tại một mảnh đất mới - và đã quên đi toàn bộ quá khứ bẩn thỉu - cầu cho Chúa để những bông hoa hồng của Jimmy sống mãi!

Huỳnh Bất Thức dịch

 

Huỳnh Bất Thức

Mario Vargas Llosa
Cá gặp nước
Văn chương và cuộc đời
Mario Vargas Llosa về Elias Canetti

Natalia Ginzburg
 hai texts
Chân dung một người bạn
Giày thủng

Philip Roth và Primo Levi
Philip Roth: The Dying Animal
Primo Levi: Lilith

Elsa Morante: Về sự phong tình trong văn chương
Hòn đảo của Arturo (Chương 2)
Praga Magica (I,II,III,IV,V)
Naipaul đọc Conrad

Colm Tóibín về Henry James

Annie Ernaux: Sự viết thì như một con dao

Melville: Jimmy Rose

Ingeborg Bachmann: Malina

Patrick Modiano: Nữ vũ công

Edgar Allan Poe: Triết học về nội thất


Melville
Mardi (1849)
Người 'Gee (1853)
Cúc-cà-cúc-cu (1856)
Mái hiên (1856)
Tôi và ống khói của tôi (1856)

 

Nước Mỹ ấy

Hawthorne (1804–1864)
Edgar Allan Poe (1809–1849)
Thoreau (1817–1862)
Melville (1819–1891)
William James (1842–1910)
Henry James (1843–1916)
Edith Wharton (1862–1937)
Gertrude Stein (1874–1946)
Ezra Pound (1885–1972)
Philip Roth (1933 –2018)
Marilynne Robinson (1943)

favorites
Thêm vào giỏ hàng thành công