điên rực rỡ
Các nhà văn viết tiếng Đức có hai đặc điểm rất lớn. Thứ nhất, họ đạt đến những đỉnh cao chói lọi (kiểu đỉnh cao này rất phù hợp với cách miêu tả đỉnh cao của Cioran: phải tưởng tượng là ta đi xuống bầu trời và bước lên đáy vực) ở những nhân vật rất bên lề, chứ không phải “ở trung tâm”. Kafka sống ở Praha, và nhà văn đồng thời (có lẽ là duy nhất) mà Kafka thực sự ngưỡng mộ trong thế giới văn chương tiếng Đức là một người bên lề khác: nhà văn Thụy Sĩ Robert Walser. Walser là một người bị điên, nhiều thời gian sống ở trại điên. Những nhà văn viết bằng tiếng Đức đồng thời bị điên, đó là cả một tập đoàn kỳ quặc. Họ đã điên là rất điên, điên rực rỡ. Thử đọc Robert Walser thì hiểu ngay tại sao Kafka lại ngưỡng mộ Walser; ngày nay Robert Walser gần như không được ai biết đến, chỉ xuất hiện dưới ngòi bút của một số nhà văn khác cũng rất cận kề sự điên, chẳng hạn như Linda Lê.
Thứ hai, các nhà văn Đức có một môn thể thao chung, kéo qua rất nhiều thế hệ, một môn thể thao vô cùng hào hứng, mà nhà văn viết tiếng Đức nào cũng đều cảm thấy một mệnh lệnh tinh thần là phải tham gia, và nỗ lực sao cho đạt đến những kỷ lục chóng mặt nhất. Đó là môn thể thao có mục đích là làm sao để sỉ nhục Goethe vĩ đại theo một cách thức khủng khiếp nhất.
(NL)
Nhưng tại sao?
Bởi vì đã có một mệnh lệnh: cần phải phá bỏ những gì tưởng chừng như tốt đẹp nhất. Kể cả Goethe vĩ đại, nhất là Goethe vĩ đại. Kể cả khi điều đó dẫn đến sự sụp đổ của ý thức và ngôn ngữ.
Series này tập hợp những cú đẩy ngôn ngữ đến giới hạn, và không chỉ của các nhà văn tiếng Đức.
Điên rực rỡ
Bruno Schulz, Những hiệu quế (Xuân Trường dịch)
Baudelaire, Le Spleen de Paris (tái bản) (Cao Việt Dũng dịch)
Thomas Bernhard, Cháu trai Wittgenstein (Phan Nhu dịch)
Maupassant, Đốc tờ Héraclius Gloss (Toàn Anh dịch)
Gertrude Stein, Ba truyện đời (Hoàng Trang dịch)
cùng Robert Walser - Linda Lê - and more
Một món quà rất xứng đáng để đi kèm với nó là booklet "Thư viện bùng cháy" (René Char), rút ra từ tập La Parole en archipel.