Stevenson: Biện bạch cho người ngồi không
Sau cú nối Stevenson với James ở đây cùng Stevenson tranh luận phơi-ơ-tông về lý thuyết tiểu thuyết ở kia, đã có thể đến với một khía cạnh khác của Stevenson: tiểu luận. Rất khó hình dung một nhân vật như C.S.Lewis - vốn bị gắn chặt với Narnia - lại có cả một xê ri radio hết sức hài hước và thâm trầm về tình yêu, hay Stevenson tác giả Đảo giấu vàng lại viết một apology về sự ngồi không. Các tiểu luận hé lộ ra một tầng khác - phù du hơn nhưng cũng bởi thế mà đậm sử tính hơn. Không thể có văn chương nếu thiếu đi tầng ấy.
Biện bạch cho người ngồi không
- Robert Louis Stevenson
BOSWELL: Ngồi không thì rã người.
JOHNSON: Đó là, thưa ngài, bởi những người khác đang bận rộn mà chúng ta cũng muốn tham gia; nhưng nếu chúng ta biết ngồi không, sẽ chẳng có gì rời rã cả; tất cả chúng ta sẽ giải khuây cho nhau.
Chính lúc này, khi ai cũng bị buộc, bởi một lệnh kết án vắng mặt họ tội nhân phẩm kém, phải có một nghề sinh lợi và phải lao động thật hăng say thì một tiếng kêu vang lên từ phía đối nghịch - phía của những người biết đủ, cùng lúc biết tận hưởng và ngắm nhìn - sẽ có vẻ khoe mẽ và ta đây can đảm. Nhưng chuyện không nên như vậy. Cái gọi là sự ngôi không về cốt yếu không phải là chẳng làm gì mà là làm rất nhiều việc không được công nhận trong các công thức giáo điều của tầng lớp thống trị; nó có quyền chính đáng khẳng định vị trí của mình như một sự chuyên cần. Phải thừa nhận rằng bản thân hiện diện của những người từ chối tham gia cuộc đua nhặt nhạnh từng đồng sáu xu đã là một sự sỉ nhục và chướng mắt cho những kẻ tham gia vào đó. Một người đứng đắn (như chúng ta thấy nhan nhản) là người thể hiện quyết tâm của mình, đứng về phía những đồng sáu xu, và dứt khoát theo kiểu Mỹ, “lao vào” chúng. Và trong khi một người như thế căng thẳng cày cuốc trên đường, không khó để hiểu sự phẫn uất của anh ta khi bắt gặp những khuôn mặt hờ hững nơi đồng cỏ ven đường, nằm đó với chiếc khăn mùi soa phủ ngang tai và cốc rượu đặt bên khuỷu tay. Alexander bị chạm đúng điểm tế nhị bởi sự khinh thường của Diogenes. Còn gì là vinh quang của cuộc chinh phục La Mã khi những kẻ man rợ ầm ĩ ấy tràn vào tòa Thượng viện, chỉ để thấy các Nguyên lão ngồi lặng yên, chẳng chút xao động trước thành công của họ? Thật đau đớn khi phải cày cuốc miệt mài, trày da tróc vảy vượt qua bao đỉnh đồi gian khổ để rồi khi việc đã thành, nhận ra nhân loại hoàn toàn thờ ơ với thành tích của mình. Và thế là các nhà vật lý chỉ trích tất cả những gì phi-vật lý; các nhà tài chính chỉ tỏ một sự khoan dung đãi bôi cho những ai không biết gì về cổ phiếu; các nhà văn khinh miệt đám học thức kém; và những con người của bao nhiêu công cuộc ấy liên minh lại để chê bai kẻ chẳng khởi sự công cuộc nào.
Nhưng dẫu điều này là một điểm khó của chủ đề, đó không phải là điểm nan giải nhất. Anh không thể bị bỏ tù vì phát biểu chống lại sự chuyên cần, nhưng anh có thể bị đưa đến Coventry vì nói năng như một thằng ngẫn. Cái khó lớn nhất của hầu hết các chủ đề là làm sao giải quyết chúng cho thật tốt; do đó, xin nhớ rằng đây là một lời biện bạch. Chắc chắn có nhiều lập luận vô cùng sáng suốt để bảo vệ cho sự chuyên cần; chỉ có một lý lẽ có thể chống lại nó, và điều đó, lần này, tôi phải nói. Đưa ra một luận điểm không nhất thiết bắt ta phải phớt lờ những luận điểm khác, và viết sách về cuộc du hý Montenegro không nhất thiết cấm ta đến thăm Richmond.
Chắc chắn người ta thường rất biết ngôi không khi còn trẻ. Dù thi thoảng vẫn có một Lord Macaulay có thể trồi lên từ mọi vinh dự của học hành mà sự sắc sảo vẫn còn nguyên vẹn, hầu hết các chàng tuổi trẻ phải trả giá đắt cho các thành tích của họ đến nỗi cuối cùng họ chẳng còn gì trong két và phải bắt đầu cuộc đời khi đã phá sản hoàn toàn. Điều tương tự cũng đúng suốt thời kỳ một thanh niên tự giáo dục, hoặc cho phép người khác giáo dục mình. Một quý ông già phải ngớ ngẩn lắm thì mới có thể nói với Johnson ở Oxford thế này: “Chàng trai trẻ, hãy chăm chỉ đọc sách từ bây giờ và tích lũy một kho kiến thức thật to; vì khi sau này, khi tuổi đã cao, anh sẽ thấy rằng nghiền ngẫm sách vở là chuyện chán ngắt.” Qúy ông già ấy dường như không biết rằng nhiều thứ khác ngoài việc đọc cũng sẽ thành chán ngắt, và không ít trở thành bất khả khi mà người ta phải đeo kính và không thể đi mà không chống gậy. Sách đủ tốt theo cách riêng của chúng, nhưng chúng là một sự thay thế thiếu máu cho cuộc sống thật. Thật đáng thương hại khi ngồi, như Lady of Shalott, nhìn chằm chằm vào gương, quay lưng lại với tất cả những rộn ràng và say đắm của hiện tại. Và nếu một người đọc quá chăm, như giai thoại kia nhắc nhở chúng ta, anh ta sẽ có rất ít thời gian để nghĩ.
Nếu bạn nhìn lại quá trình giáo dục của chính mình, tôi chắc chắn rằng những giờ trốn học thỏa thích, vui tươi, bổ ích sẽ chẳng làm bạn hối tiếc; bạn muốn xóa đi những quãng lờ đờ giữa thiếp ngủ và choàng dậy trong lớp hơn. Chính tôi cũng đã dự vô khối bài giảng hồi còn đi học. Tôi vẫn nhớ con quay xoay tít là một trường hợp của cân bằng động lực. Tôi vẫn nhớ Emphyteusis không phải là một căn bệnh, cũng như Stillicide chẳng phải là một tội ác. Nhưng dù tôi không sẵn lòng chia tay với những mẩu vụn khoa học ấy, tôi chẳng thể xếp chúng cùng loại với những hiểu biết thu nhặt trên phố khi trốn học. Đây không phải lúc để bàn chi tiết về địa điểm hùng mạnh của giáo dục ấy, vốn là ngôi trường ưa thích của Dickens hay Balzac và năm nào cũng đào tạo ra vô vàn bậc thầy không tên tuổi của Khoa học về các Khía cạnh của Cuộc sống. Chỉ cần nói thế này: nếu một cậu bé không học được ở đường phố thì chỉ là bởi cậu ta không có khả năng học mà thôi. Kẻ trốn học không phải lúc nào cũng ở ngoài phố, vì nếu muốn, anh ta có thể đi qua những khu vườn ngoại ô để đến miền quê. Anh ta có thể ném hàng chùm hoa tử đinh hương vào lửa và hút vô số tẩu thuốc theo điệu nước chảy trên đá. Một con chim sẽ hót trong bụi cây. Và ở đó anh ta có thể buông mình tự nhiên vào trạng thái suy ngẫm và nhìn thấy mọi thứ trong một phối cảnh mới. Nếu đó không phải là giáo dục thì là gì? Chúng ta có thể tượng tượng Bác Vật tiên sinh tiến lại bắt chuyện với anh ta theo cách ấy, và cuộc trò chuyện diễn ra như sau:
"Sao nào anh bạn trẻ, anh làm gì ở đây?”
“Quả thật, thưa ngài, tôi đang thư giãn.”
“Chẳng phải lúc này đang là giờ học sao? Và chẳng phải là anh nên cố công đọc Sách thật chăm chỉ, để có thể thu thập kiến thức sao?”
“Không, thế này tôi cũng đang Học mà, nếu ngài không phiền.”
“Học, ái chà! Theo lối nào, anh vui lòng cho ta biết được chứ? Toán học à?”
“Không, chắc chắn không phải.”
“Có phải là siêu hình học không?
“Cũng không.”
“Một ngôn ngữ nào đó?”
“Không, không có ngôn ngữ nào.”
“Thế thì học một nghề?”
“Cũng chẳng phải một nghề.”
“Sao cơ, vậy là gì mới được?”
“Thật ra, thưa ngài, vì có thể sẽ sớm đến lúc tôi thực hiện chuyến Hành hương, tôi rất muốn được biết thông thường người ta làm gì trong trường hợp của tôi, và đâu là những Vũng bùn và Bụi rậm xấu xí nhất trên Đường; rồi thì chỗ Trọ nào là tốt nhất. Tôi nằm đây, bên dòng nước này, để học nằm lòng một bài học mà thầy tôi đã dạy gọi là Bình yên, hay Bằng lòng.”
Liền sau đó Bác Vật tiên sinh bị dục vọng bóp nghẹt và rung cây gậy với vẻ mặt hết sức đe dọa, rống lên lời thông thái này: “Học, ái chà!” ông nói; “Ta muốn tất tật đám ma cà bông như thế bị đưa đến Giá treo cổ!”
Thế rồi ông ta bỏ đi, cà vạt méo xệch với một tiếng rạn hồ bột đánh tách, như một con gà tây xù lông.
Quan điểm của Bác Vật tiên sinh là quan điểm phổ biến. Một sự thật không được gọi là sự thật mà chỉ là một mẩu tầm phơ nếu không thể xếp nó vào một trong các phạm trù giáo điều. Mọi nghiên cứu buộc phải lần theo một hướng đã được thừa nhận nào đó, kèm theo một cái tên; nếu không thì anh chẳng nghiên cứu, chẳng tìm kiếm gì, chỉ thơ thẩn rách việc; lúc ấy trại tế bần sẽ là chỗ thích hợp cho anh. Người ta cho rằng mọi kiến thức đều nằm dưới đáy một cái giếng, hay ở cuối cái đầu xa tít của một kính thiên văn. Sainte-Beuve lúc về già đã xem mọi kinh nghiệm như một quyển sách vĩ đại duy nhất để nghiên cứu trong vài năm trước khi chúng ta đi khỏi; và đối với ông, dường như tất tật chỉ là một, dù anh đọc Chương XX, nơi có phép tính vi phân, hay Chương XXXIX, nơi nghe ban nhạc chơi trong vườn. Sự thật là một người thông minh, biết nhìn bằng mắt mình, biết nghe bằng tai mình, mặt lúc nào cũng nở nụ cười, sẽ nhận được sự giáo dục đúng nghĩa hơn tất cả những kẻ thức đêm thức hôm để dùi mài kinh sử. Chắc chắn có một số kiến thức lạnh và khô có thể được tìm thấy trên những đỉnh của khoa học đúng thể thức và đầy nhọc công; nhưng mọi thứ vẫn vần vũ quanh anh, và nếu anh chịu khó tìm, anh sẽ thu được những sự thật ấm nóng run lên của cuộc sống. Trong khi những người khác lấp đầy trí nhớ của họ với một đống từ nặng trịch, một nửa trong số đó sẽ bị quên phắt trước khi hết tuần thì đứa trẻ trốn học của anh có thể học được một nghệ thuật hữu ích nào đó: chơi một trò bịp, thử một điếu xì gà tốt, hay biết cách nói năng phải độ với mọi loại người. Nhiều người cố công “dùi mài kinh sử” và biết tất cả những gì cần biết về nhánh này hay nhánh kia của tri thức, để rồi bước ra khỏi cuộc nghiên cứu với một cái nhìn cổ lỗ và giống như con cú, họ khô khan, trì độn, không tiêu hóa nổi những khía cạnh tốt đẹp và tươi sáng hơn của sống. Nhiều người tích được một gia tài lớn, nhưng đến cùng vẫn kém cỏi và ngu xuẩn một cách thảm hại. Và kìa trong khi đó kẻ ngồi không - sống cạnh họ, cùng họ - vẽ lên một bức tranh khác hẳn. Anh ta có thời gian để tự chăm sóc sức khỏe và tinh thần; anh ta dành nhiều thời gian ngoài trời, điều này hết sức bổ ích cho thể xác và trí óc; và nếu anh ta không bao giờ giở đến những trang vô cùng bí hiểm của Quyển Sách vĩ đại thì ít nhất anh ta đã thực sự đắm mình vào đó và lướt qua nó với sự chú tâm tuyệt vời. Liệu kẻ mọt sách có thể bỏ ra vài gốc từ Hebrew và doanh nhân bỏ ra số tiền của anh ta để có được hiểu biết của người ngồi không về cuộc sống nói chung cùng Nghệ thuật Sống? Không thể. Thêm nữa, người ngồi không còn có một phẩm chất khác, còn quan trọng hơn: sự khôn ngoan. Anh ta, vốn đã nhìn ngắm kỹ sự thỏa mãn đầy trẻ con của kẻ khác nơi sở thích của họ, sẽ hướng vào mình một cái nhìn chiều chuộng đầy châm biếm. Anh ta sẽ không được lắng nghe giữa những kẻ giáo điều. Anh ta sẽ hoàn toàn và hờ hững tán thành mọi loại người và mọi loại ý kiến. Nếu không tìm thấy những sự thật khác với lẽ thường thì ít nhất anh ta cũng sẽ không gắn mình vào những dối trá quá thớ lợ. Lối đi của anh ta men theo một con đường nhỏ, không quá nhiều người lui tới, nhưng rất bằng phẳng và êm ái, được gọi là Lối đi Chung, và dẫn đến Chòi canh của Hiểu biết chung. Thế rồi anh ta sẽ làm chủ một viễn cảnh dễ chịu, nếu không phải là cao quý; và trong khi những người khác nhìn ngắm phương Đông và phương Tây, Quỷ dữ và Cảnh bình minh, anh ta sẽ bằng lòng tri nhận về một giờ buổi sáng bao trùm mọi thứ trên đời, với một đội quân những cái bóng ráo riết chạy theo vô vàn hướng khác nhau tiến vào ánh sáng vĩ đại của Vĩnh Cửu. Những cái bóng và những thế hệ, những học giả nheo nhéo điếc tai và những cuộc chiến khốc liệt dần chìm vào lặng im và trống rỗng vô tận; nhưng bên dưới tất tật những thứ ấy, một người có thể thấy, từ cửa sổ Chòi canh, quang cảnh rất đỗi xanh tươi và thanh bình, những khách thính sáng bừng, những người tốt cười đùa, ăn uống và yêu đúng như đã yêu trước Đại hồng thủy hay Cách mạng Pháp; và người chăn cừu già kể câu chuyện của lão dưới bụi táo gai.
Sự bận rộn cùng cực, dù ở trung học hay đại học, nhà thờ hay chợ, là triệu chứng của kém sinh khí; và khả năng ngồi không chứa trong đó một lòng khát khao Công giáo và một ý thức mạnh về căn tính cá nhân. Có một loại tồn tại không sức sống, nhan nhản khắp nơi, những người hầu như không ý thức được sự sống trừ phi phải thi hành một công việc quy ước nào đó. Đưa những anh chàng này về miền quê, hoặc đưa họ lên tàu, anh sẽ thấy họ mong mỏi đến héo mòn cái bàn làm việc hay giờ học của họ. Họ không biết tò mò; họ không thể buông mình vào những xúi giục ngẫu nhiên; họ không thích thú việc tập luyện cho các năng lực của mình vì lợi ích của chính chúng; và trừ phi bị sự Cấp thiết dùng gậy đánh vào người, họ mãi mãi ỳ ra. Chẳng thích thú gì khi phải nói chuyện với những người như thế: họ không thể ngồi không, bản tính của họ không đủ hào phóng; và họ trải qua những giờ ấy như kẻ hôn mê - trạng thái bị cấm cho những cuộc tìm kho báu chuyên chú và mãnh liệt. Khi họ không cần phải đến chỗ làm, khi họ không đói và không khát, toàn bộ thế giới đang thở chỉ là hư vô đối với họ. Nếu họ phải đợi tàu chừng một giờ, họ sẽ rơi thẳng vào hôn mê đờ đẫn với hai mắt mở to. Nếu bắt gặp họ, bạn sẽ thấy ngay là chẳng có gì để nhìn và chẳng có ai để chuyện cùng; bạn sẽ tưởng họ bị liệt hay bị bệnh thần kinh; tuy vậy rất có thể họ lại là những người lao động cần cù theo cách riêng của họ, và có nhãn quan rất chuẩn để phát hiện sai sót trong một cử chỉ hay một cú chuyển hướng trên thị trường. Họ đã kinh qua trung học và đại học, nhưng toàn bộ thời gian ấy họ bận hau háu vào tấm huy chương; họ đã đi khắp thế giới và hòa lẫn vào với những người thông minh, nhưng lúc nào họ cũng nghĩ đến những sự vụ riêng của mình. Như thể tâm hồn một con người ngay từ đầu chưa đủ nhỏ, họ làm cho còi cọc và chật thêm tâm hồn của họ bằng một cuộc sống toàn là công việc mà chẳng có một giây vui thú; để rồi khi đến tuổi tứ tuần, với sự thiếu chú tâm bất di bất dịch, với một cái đầu trống vắng mọi chất liệu của niềm vui, họ mải miết chờ tàu - và chẳng một ý nghĩ nào có thể vọt lên trong trạng thái ấy. Trước khi được mặc tã, rất có thể con người ấy đã đủ tò mò mà biết nghịch với những thứ quanh mình; năm hai mươi, anh ta hẳn từng biết ngắm các cô nương lướt qua; nhưng giờ đây tẩu thuốc đã cạn, hộp thuốc trống trơn, và gentleman của tôi ngồi cắm chốt, lưng rất thẳng, trên một băng ghế, với ánh mắt sao mà thảm. Tôi chẳng thể thấy viễn cảnh ấy có gì hấp dẫn với tư cách là Thành công trong Cuộc sống.
Nhưng không chỉ bản thân anh ta phải chịu đựng thói quen bận rộn ấy. Vợ con, bạn bè, người thân của anh ta cũng vậy, và cả những người ngồi cùng anh ta trong khoang tàu hay trên xe buýt nữa. Sự tận tụy vĩnh viễn đối với những gì mà một người gọi là công việc của mình chỉ được duy trì bằng cách vĩnh viễn bỏ qua nhiều thứ khác. Và chẳng điều gì khẳng định rằng công việc của một người là thứ quan trọng nhất mà anh ta phải làm. Đánh giá một cách khách quan, dường như ta có thể thấy rõ rằng những phần khôn ngoan nhất, đức hạnh nhất, và có ích nhất được bày ra trên Sân khấu của Cuộc sống đều được chu toàn bởi những màn trình diễn không nguyên cớ và hiện ra, nơi thế gian nói chung, như những quãng ngồi không. Vì Sân khấu ấy không chỉ có gentleman bước đi, không chỉ có chị hầu phòng hát líu lo và người chơi vĩ cầm làm việc chăm chỉ trong dàn nhạc, mà cả những ai xem và vỗ tay nơi băng ghế của họ cũng thực sự góp phần và hoàn tất những nhiệm vụ quan trọng hướng về kết quả chung. Không thể phủ nhận rằng ta phụ thuộc rất nhiều vào sự chu đáo của luật sư và tay môi giới chứng khoán, của cảnh binh và những người dẫn đường giúp ta nhanh chóng di chuyển từ điểm này sang điểm khác, cùng các cảnh sát rảo bước trên đường vì sự an nguy của ta; nhưng chẳng nhẽ không hề có trong tim anh một ý nghĩ biết ơn đối với một vài ân nhân khác sao - những người khiến anh mỉm cười khi họ đột ngột hiện ra trên đường đi của anh, những người khiến bữa tối đậm đà hơn bởi hiện diện đầy hứng khởi của họ? Colonel Newcome làm cho bạn mình mất tiền; Fred Bayham có thói mượn sơ-mi, vậy nhưng ở cạnh họ thích hơn nhiều so với Barnes tiên sinh cau có. Và dù Falstaff không tỉnh táo cũng không thật thà lắm, tôi nghĩ tôi có thể gọi tên ít nhất hai Barabbas mặt lúc nào cũng dài như cái bơm - mà nếu không có họ, thế giới hẳn sẽ vui hơn nhiều. Hazlitt bảo rằng ông biết ơn Northcote, người chưa bao giờ làm giúp ông việc gì cụ thể, hơn là toàn bộ nhóm bạn phô trương của mình; vì ông cho rằng một người cho ta sự bầu bạn hứng khởi, đầy niềm vui dứt khoát là ân nhân lớn nhất. Tôi biết trong đời có những người không thể cảm thấy biết ơn trừ khi ân huệ được ban cho họ phải trả giá bằng đau đớn và khó nhọc. Nhưng đây là một thái độ hẹp hòi. Một người có thể gửi cho anh bức thư viết kín sáu trang giấy đầy tin tức thú vị, hoặc anh có thể có được nửa giờ thật dễ chịu, có lẽ còn bổ ích, với bài báo của anh ta; anh có nghĩ rằng sự phục ấy sẽ còn tuyệt hơn nếu anh ta viết bằng máu từ tim, như một thỏa thuận với quỷ? Anh có thực sự nghĩ rằng anh sẽ chịu ơn người thư từ với anh, nếu họ phải nguyền rủa sự quấy rầy của anh? Niềm vui có lợi hơn các nghĩa vụ bởi vì, giống như lòng thương xót, chúng không căng cứng và chúng được ban phúc gấp đôi. Luôn phải có hai người cho một nụ hôn, và phải có nhiều người thì mới có một cuộc vui rộn ràng, nhưng bất kỳ đâu có dù chỉ một chút hy sinh, ân huệ luôn được ban trong đau đớn, và, giữa những người hào phóng, được nhận trong bối rối. Chẳng có nhiệm vụ nào bị chúng ta đánh giá thấp như nhiệm vụ phải vui. Bằng cách vui, chúng ta gieo những ích lợi không tên cho thế giới, mà chính chúng ta cũng chẳng biết, hoặc khi chúng được hé lộ, không làm ai ngạc nhiên ngoài kẻ làm ơn. Hôm nọ, một cậu bé chân trần, rách rưới chạy bổ xuống đường đuổi theo một viên bi, vui đến mức gây cho những ai chứng kiến cậu vụt qua một niềm hào hứng lớn; một trong những người ấy, được giải thoát khỏi những suy nghĩ đen tối của ngày hôm đó, đã ngăn cậu lại và đưa cho cậu ít tiền cùng nhận xét này: “Cháu thấy vẻ hân hoan mang đến những gì rồi đó.” Nếu như trước đó cậu bé vui thì giờ cậu vừa vui vừa kinh ngạc. Về phần mình, tôi cho là đúng việc khuyến khích trẻ con cười thay vì khóc; tôi không muốn phải trả tiền cho nước mắt ở bất cứ đâu ngoài sân khấu; nhưng tôi sẵn sàng trả thật nhiều cho mặt hàng đối nghịch kia. Tìm kiếm một đàn ông hay một phụ nữ biết vui thì thích hơn và hay hơn cuộc đi tìm một đồng năm bảng. Anh ta hay cô ta là tâm điểm hướng đến của thiện chí tỏa ra; và sự xuất hiện của họ trong một căn phòng giống như thêm một cây nến được thắp. Chúng ta không cần quan tâm liệu họ có thể chứng minh được dự luật bốn mươi bảy hay không; họ làm điều còn tốt đẹp hơn thế, họ chứng minh được bằng thực tiễn Định lý về sự Đáng sống. Bởi vậy, nếu một người chỉ có thể vui nếu ngồi không, thì nên ngồi không. Đó là một tuyên ngôn cách mạng; nhưng nhờ cái đói và trại tế bần, người ta sẽ không dễ lạm dụng nó, và trong các giới hạn thực tiễn, nó là một trong những sự thật vững chắc nhất trong phạm trù Đạo đức. Hãy ngắm cho kỹ một người bạn cực siêng của anh một lúc, tôi van anh. Anh ta gieo sự vội vàng và gặt sự khó tiêu; anh ta rộn lên từ sáng đến đêm chỉ để đổi lấy vô số rối loạn thần kinh. Hoặc là anh ta hoàn toàn vắng mặt khỏi mọi mối quan hệ bạn bè, sống ẩn dật trong một căn gác xép, với dép lê trên thảm và một lọ mực xám xịt; hoặc anh ta đến với mọi người hớt ha hớt hải và lúc nào cũng cau có, trong sự co lại của toàn bộ hệ thần kinh để xả bớt cơn tức trước khi quay lại làm việc. Tôi không quan tâm anh ta làm tốt hay làm nhiều đến thế nào, anh chàng này là một nét ác hại trong cuộc sống của người khác. Họ sẽ hạnh phúc hơi nếu anh ta qua đời. Họ có thể xoay xở mà không có sự phục vụ của anh ta trong Văn phòng Lòng vòng quanh co, còn hơn là phải chịu đựng sự cáu kỉnh kinh niên của anh ta. Anh ta thả độc vào cuộc sống từ miệng giếng. Thà bị một đứa cháu xỏ lá chìa tay ra xin ăn còn hơn là ngày ngày bị ám quẻ bởi một ông chú cáu cẳn.
Vậy thì, nhân danh Chúa, tất tật những người này nhặng xị lên vì cái gì? Vì lý do nào mà họ lại làm cho đắng ngắt cuộc đời của chính họ và của người khác? Một người nên xuất bản ba hay ba mươi bài báo một năm, hay nên hoàn thành hay không bức tranh phúng dụ lớn của mình - thế giới quan tâm quái gì đến những sự ấy? Những việc như thế, không người này làm thì có người khác làm. Khi họ bảo Joan of Arc rằng bà nên ở nhà, tập trung vào việc đàn bà, bà liền đáp rằng đã có đủ người làm việc giặt giũ rồi. Và chuyện không hề khác, cả với những tài năng hiếm nhất! Khi mà tự nhiên “quá hờ hững với từng cuộc đời đơn lẻ" [Lord Tennyson] thì tại sao chúng ta lại tự vuốt ve mình với ảo tưởng rằng mình đặc biệt quan trọng? Giả sử Shakespeare bị táng cho một cú vào đầu trong một đêm tối mịt nào đó trong khu bảo tồn của Sir Thomas Lucy, thế giới vẫn sẽ tốt hơn hoặc tệ hơn, bình nước đến chỗ miệng giếng, lưỡi hái đến chỗ nhành ngô, và học trò đến chỗ quyển sách [...]. Hiện tại không có nhiều tác phẩm giá trị bằng một pound thuốc lá đối với một người đang kẹt tiền. Sự thật ấy có thể làm cả những người tự phụ nhất về những phù phiếm trần tục của chúng ta phải tỉnh ra. Ngay cả một người bán thuốc lá cũng có thể, sau khi suy nghĩ kỹ, không tìm thấy lý do chính đáng nào để tự phụ trong sự thật ấy, vì mặc dù thuốc lá là một loại thuốc an thần được yêu mến, phẩm chất của nó không hiếm cũng không quý giá tự thân. Than ôi, than ôi! Anh muốn biện minh thế nào cũng được, nhưng phải chấp nhận điều này: không sự tận tụy cá nhân nào là không thể thay thế. Atlas chỉ là một gentleman phải chịu cơn ác mộng kéo dài! Vậy nhưng anh vẫn thấy những thương gia lao lực không kể ngày đêm, tích cho mình một khối tài sản khổng lồ để rồi chẳng bao lâu lại ra trước tòa án phá sản, những tay bồi bút không ngừng nguệch ngoạc hết mẩu này đến mẩu khác để rồi trở thành một khối cáu cẳn với tất cả những người xung quanh [...], những chàng trẻ tuổi đầy tiềm năng đốt mình đến độ suy tàn, chờ đến ngày được đưa đi trên một chiếc xe tang với chùm lông trắng. Anh có cho rằng những người này đã được người Chủ Tế thì thầm vào tai lời hứa hẹn về một số phận hiển hách? [...] Nhưng có phải vậy đâu. Những mục tiêu mà vì chúng họ quẳng đi tuổi trẻ vô giá hoàn toàn có thể chỉ là ảo tưởng hoặc khốn khổ; vinh quang và giàu sang mà họ trông đợi có thể sẽ chẳng bao giờ tới, hoặc đến khi chúng tới thì họ đã nguội lòng rồi; và họ cũng như thế giới mà họ sống quá nhỏ nhoi, đến mức tinh thần tê buốt trước ý nghĩ ấy.
Công Hiện dịch
Stevenson là một người Scotland dành nhiều năm đời mình ở Samoa, tách hẳn khỏi thế giới văn nhân Âu - Mỹ (mà Stevenson rất biết và nhiều lần bình luận với không ít châm biếm). Stevenson viết về "sự bận rộn cùng cực" dễ khiến liên tưởng đến một típ nhân vật quen thuộc trong văn chương Henry James - những người Mỹ động lực cao, chí hướng lớn, lúc nào cũng chộn rộn và quai hàm luôn căng cứng - những Mr. Goodwood và Miss Stackpole trong Vẽ một phụ nữ, đối lập chằn chặn với Ralph Touchett (tuy mẫu lớn của típ này phải là Mr. Christopher Newman trong Một người Mỹ). Còn khi nhắc đến sự tích lũy kiến thức khô kiệt bởi một ảo tưởng về tầm quan trọng của chính mình thì có thể nghĩ ngay tới Casaubon của Middlemarch, trong đối lập với Ladislaw - một điển hình của sự ngồi không. Chủ đề này cũng được triển khai trong văn chương của chính Stevenson - dù tiền cảnh của văn chương ấy bao giờ cũng là những chộn rộn và lao lực miệt mài, cùng tông với, chẳng hạn, Jacket trắng của Melville - nhân vật cũng góp công vào việc biến Biển Nam trở thành một thế giới văn chương thực sự.