Không gì dai dẳng, sâu sắc và gây nhiều bứt rứt hơn so với ham muốn về chuyển hóa. Biến một bề mặt thành bức tranh, một khối đá thành pho tượng, mấy cái dây hay vài cái phím thành một bản nhạc, etc. Sự biến hình (hay biến hóa) đã là chủ đề của các nhân vật La Mã, Ovid hay Apuleius. Văn chương thế kỷ 20, quãng thời gian rất thảm thương ấy, hết sức nhiều ý nghĩa, gắn chặt - ngay từ đầu - với cùng điều ấy: những nhân vật lớn nhất, Kafka và Pessoa, đều là hiện thân cho sự biến hóa, về phương diện cơ thể hay có khi ở những cái tên khác. André Malraux, nhất là trong địa hạt phê bình nghệ thuật, không làm gì khác ngoài xoay quanh transformation. Hoặc nữa, chính Romain Gary là nhân vật tiếp nối xuất chúng trong một truyền thống văn chương liên tục xảy ra các hóa thân.
Ở tổng thể, văn chương không thể trở thành chính nó nếu thiếu đi xung lực về chuyển ấy. Chuyển dịch, chuyển chỗ và chuyển hóa. Nhưng muốn như vậy, thì cần có các hình thức.
Hình thức, cái đó hoàn toàn có thể là sự đủ. Một đầy đủ tạo ra một hình thức, có thể gọi là hình thức chuẩn. Chính vì vậy, Bruno Schulz hay Katherine Mansfield cần phải đủ. Sự đủ này chưa bao giờ được coi trọng trong lịch sử dịch thuật Việt Nam. Hai tập truyện ngắn của Schulz, ba tập truyện ngắn của Mansfield là một trình hiện về sự đủ. Đấy là sự đủ tối thiểu, vì kể cả với những nhà văn viết không nhiều, để thực sự đầy đủ còn cần nhìn vào nhiều điều khác nữa; sự đủ, nếu nhìn nhận như vậy, lại chính là sự vô tận. Nhưng vẫn cứ cần phải đủ đã. Đầy đủ về mặt hiểu biết mở đường cho những đầy đủ khác.
Và cũng cần các hình thức khác: văn chương không chỉ gồm các thể loại, thơ, kịch, tiểu thuyết, truyện ngắn, etc. Một nhà văn viết thư, đó là một hình thức, thậm chí còn là hình thức cốt tử đối với con người của nhà văn ấy, mà nếu thiếu con người đó không thể thực hiện được các thông giao nhất thiết phải có. Nếu nhìn vào truyền thống correspondence, ta sẽ nhận ra vô tận chuyển hóa nằm trong practice giờ đây đã không còn đó: chính khi không còn nữa, các bức thư lại càng trở nên quý giá.
FORMApubli đi qua các hình thức: chúng tạo nên một nền tảng, đồng thời gây ra chuyển hóa. Một tập tiểu luận nhiều khi hết sức quan trọng, như ta có thể thấy với Tâm hồn và Hình thức, Các khía cạnh của tiểu thuyết hay Bốn tình yêu. Một nhật ký thực sự đầy đủ như Nghề sống là sự xuất hiện đầu tiên trong tiếng Việt một hình thức quan yếu như vậy. Hoặc nữa, Nghĩ (một tương đương từng có: Le Spleen de Paris) bày ra một hình thức gần như chưa bao giờ từng tồn tại ở Việt Nam, hình thức của sự ngắn, của thơ văn xuôi kèm với aphorism (châm ngôn).
Sự đọc, như thế, có thêm một chiều hoàn toàn mới: không còn chỉ là theo trục các tác giả, trục lịch đại, trục địa dư, mà còn có thêm trục của các hình thức. Đã đủ cho các chuyển hóa: mỗi cuộc đọc đều là một chuyển hóa mãnh liệt, nếu có đủ các điều kiện.
F.
như vậy là đã