Nỗi ngứa ngáy những điều xa xôi
Melville là nhà văn đủ sức nhấc chúng ta đi, cho dù nếu đọc - tức là đọc mãi: Melville đủ sức cho phép điều đó - văn chương của Melville, ta sẽ có cảm giác rất mạnh, rằng về cơ bản đó không phải là một con người hoạt bát, thậm chí còn ngược lại, sự ít hoạt động, thậm chí là sự bất động của Melville mới là điều gây ấn tượng mạnh hơn cả: một cái gì đó tương đương với nỗi khiếp hãi giống nỗi khiếp hãi mà Melville nhận thấy (và miêu tả) ở các quãng biển lặng, sự lặng tờ vừa kinh khủng vừa là ân sủng. Nhưng chính biển luôn luôn bất động, chính vì thế ở đấy có mọi sự náo động. Trước Melville (và thậm chí cả sau đó), chưa bao giờ Biển Nam được thăm dò theo cách thức như thế. Không hẳn là ta biết được nhiều điều nhờ đọc văn chương ấy, nhưng vùng biển đó, với Melville, đã nhận dấu ấn của văn chương.
Từ năm 1846 đến năm 1851 là năm năm của một thứ mà ta có thể gọi là "cú bùng nổ của Melville", hay nói đúng hơn, Melville thứ nhất đã hiện ra đầy đủ trong quãng thời gian ấy - sẽ có không chỉ một Melville, vì Melville của Pierre; or, The Ambiguities, của Israel Potter: His Fifty Years of Exil hay The Confidence Man: His Masquerade rất khác (sự khác ấy không chỉ nằm ở nhị nguyên đại dương-đất liền). Ba cuốn tiểu thuyết vừa kể không dễ nhận được sự ngưỡng mộ từ các độc giả của sáu tiểu thuyết trước đó. Melville còn là một nhà thơ, và tất nhiên, một Melville ngắn, mà độc giả của FORMApubli đã biết không ít trong vòng một năm trở lại đây.
Đã có sáu cuốn tiểu thuyết trong vòng năm năm. Sáu tác phẩm ấy đi theo nhịp mà ta có thể gọi là crescendo: nhìn chung, người ta thường chỉ biết bốn cuốn sau và trong số bốn cuốn đó, chủ yếu là Moby-Dick. Nhưng chỉ biết Moby-Dick là một hiểu biết Melville rất không đầy đủ.
Moby-Dick nằm trong một cụm, như thể là một đại tác phẩm gồm bốn yếu tố, một tetralogy, giống tetralogy của Richard Wagner, vả lại Nibelungen trong thế giới âm nhạc của Wagner tìm được tương ứng không kém phần to lớn ở thế giới của Melville: biển và những con tàu, những con người cùng các loài cá bí hiểm. Nếu không có ba yếu tố còn lại, Mardi, Redburn và White-Jacket, thì thế giới vừa nói sẽ thiếu hụt.
Đầu tiên là White-Jacket và cảnh nhung nhúc thủy thủ trên một tàu chiến nhưng không có trường đoạn chiến trận nào. Dẫu có vậy thì đấy vẫn cứ là một trận chiến, với các hình dung về hải chiến - cũng như về luật pháp. Melville dựng sự đánh đấm bằng trí tưởng tượng của mình: chính ở đây ta có thể phần nào hình dung được cơ thế tạo hoạt động từ yếu tố bất động, có lẽ là điều then chốt trong nhìn nhận một người như Melville. White-Jacket đã được FORMApubli in thành sách. Mardi, chuyến thám hiểm một vùng biển (và đảo), cuốn tiểu thuyết đặc biệt dài của Melville, đang được đăng feuilleton trên tạp chí Văn Bản và sẽ được đăng một cách đầy đủ. Redburn cũng sẽ sớm được đăng ở đó. Đây là cuốn sách Melville dùng để thuật lại chuyến đi biển đầu tiên. Một hải nhân tiếp xúc với biển lần đầu tiên, đó luôn luôn là một kinh nghiệm đặc biệt phong phú. Tất nhiên, rất nhiều đối chiếu và so sánh có thể được thực hiện giữa thế giới của Herman Melville và thế giới của Joseph Conrad, hiện giờ cũng đã trở nên phong phú trong tiếng Việt.
Sự liền mạch của bộ bốn tiểu thuyết (liên tiếp in trong vòng chỉ ba năm, từ 1849 đến 1851) ít tạo cảm giác hối hả hơn so với cảm giác về một sự nắm bắt to lớn (và hết sức chuẩn xác: như một cung thủ đại tài, hoặc một kiến trúc sư lớn có cặp mắt đại bàng). Nhưng nếu nhìn tổng thể, ở loạt sáu tác phẩm đầu tiên như thể có một giãn cách, một cái kẽ: năm 1848 đã không có cuốn sách nào.
Mọi chuyện diễn ra như thể, hai tiểu thuyết đầu tiên dẫn tới một khựng lại (của một năm) rồi mới đến cú bùng nổ. Sau đó rồi, văn chương về biển, ở mức độ chung, đã được xác lập xong các quy chuẩn, luật lệ - và nhất là, nó đã có một thứ tuyệt đối cần để tồn tại được: huyền thoại. Huyền thoại ấy không chỉ nằm ở con cá voi trắng.
Typee (1846) và Omoo (1847), debut của Melville (tiền đề cho tetralogy) lấy bối cảnh Đa Đảo, Biển Nam và mở ra sự nghiệp văn chương cho Melville. Đấy là nhà văn khởi đầu ở tuổi 27. Trong đời Melville, đó (nhất là Typee) là thành công duy nhất.
Với Typee và Omoo, lần duy nhất trong đời Melville viết series: còn chưa học được cách cho một toàn thể vào vừa trong dung lượng chứa của một cuốn sách, Melville đã cần đến hai volume thì mới kể xong câu chuyện của mình. Với một bước chuyển: Omoo mở đầu bằng việc rời khỏi Marquesas Islands, khung cảnh chính cho Typee. "Tôi" đi cùng người bạn Toby (một cái tên gợi nhớ ngay Tristram Shandy) - thật ra là Richard Greene - và có cuộc phiêu lưu tại thung lũng "Typee", giữa các thổ dân ăn thịt người. Chuyện đã thực sự xảy ra vài năm trước khi cuốn sách được in, năm 1842.
"Tôi" trở thành "Omoo" (cái tên muốn nói một người lang thang trên nhiều hòn đảo) trong Omoo: đó là lúc nhân vật chính thoát được khỏi Typee, được nhận lên một con tàu (Julia), mắc một chứng bệnh tương tự như bị liệt. Khung cảnh dần dà thay đổi: rời khỏi quần đảo Marquesas (Marquises), con tàu và nhân vật sẽ đi đến Tahiti, với vô vàn chuyện xảy ra trên biển.
Về cơ bản, trong đời thực, chuyện đã xảy ra đúng như thế - nhưng không hoàn toàn (sự không hoàn toàn này là địa hạt của văn chương: phải sau khi đã hiểu rõ được điều đó thì Melville mới thực sự viết văn, chứ không còn thuật lại những gì mình từng trải qua nữa; Melville đã nói rất rõ như vậy ở lời thông báo đặt ở đầu Mardi). Typee tạo cảm giác Melville ở địa điểm ấy một thời gian không ngắn, nhưng có vẻ như là tổng thời gian chỉ có vài tuần. Greene, người bạn của Melville, trốn thoát được, không lâu sau đó thì Melville lên được tàu Lucy Ann, một tàu đánh cá voi có cảng neo bám là Sydney, thuyền trưởng là Vinton (hoặc Ventom). Melville đi trên tàu Lucy Ann (trở thành Julia trong Omoo) rồi còn chuyển sang một tàu khác, Charles & Henry, để tới Hawaii.
Kể cả khi chưa nhận ra sự viết đúng nghĩa, câu chuyện của Omoo đã cho thấy năng lực đặc biệt của Melville trong việc miêu tả những gì xảy ra trên một con tàu (Lucy Ann hay Julia), nhất là biết cách trùm lên toàn bộ một cái gì đó tương tự như một tấm màn của huyền thoại: chỉ cần nhớ đến câu chuyện nhà thơ Lemsford trong Jacket Trắng hay nhân vật Long Ghost ở Omoo.
Thời ấy, săn cá voi là một công việc kỳ quặc, thông thường các con tàu không giữ được thủy thủ, vì họ thi nhau bỏ trốn mất. Chính vì vậy cho nên thuyền trưởng của tàu Lucy Ann, khi nghe tin một người bỏ chạy khỏi tàu Acushnet đang bị cầm tù ở Typee, đã phái một cái xuồng đi tìm, với hy vọng kiếm được thêm một nhân lực cho tàu. Bằng cách ấy, Melville đã được cứu thoát. Lên đến tàu, thỏa thuận giữa Melville và viên thuyền trưởng (trong Omoo trở thành thuyền trưởng Guy, một nhân vật vừa không đủ khả năng điều hành con tàu - cho nên nhất thiết cần có Jermin, thuyền phó hung dữ - lại vừa có sức khỏe kém) là Melville gia nhập thủy thủ đoàn nhưng được tự do rời khỏi tàu khi nào muốn.
Acushnet là con tàu săn cá voi trên đó Melville rời khỏi Mỹ, và từ đó trốn đi (để có trường đoạn của Typee, của Omoo, nhưng cũng một phần không nhỏ của Mardi: đó cũng là câu chuyện về thủy thủ trốn khỏi con tàu). Acushnet sẽ trở thành Pequod trong Moby-Dick, giống Lucy Ann trở thành Julia và con tàu chiến trở thành Neversink của Jacket Trắng (để quay về Mỹ Melville đã lên tàu chiến đó làm thủy thủ).
Chỉ cần một lần lên đường là đủ để Melville có được toàn bộ kinh nghiệm cho những cuốn tiểu thuyết về biển của mình. Đó không phải là một hải nhân lâu năm và lão luyện, một sói biển (như Joseph Conrad chẳng hạn). Điều dẫn dắt nhân vật ấy luôn luôn là "nỗi ngứa ngáy những điều xa xôi" (Moby-Dick).
Cao Việt Dũng
Melville
Mardi (1849)
Jacket trắng (1850)
Người 'Gee (1853)
Jimmy Rose (1855)
Ngắn (1855-1856)
Cúc-cà-cúc-cu (1856)
Tôi và ống khói của tôi (1856)
Nước Mỹ ấy
Hawthorne (1804–1864)
Edgar Allan Poe (1809–1849)
Thoreau (1817–1862)
Melville (1819–1891)
William James (1842–1910)
Henry James (1843–1916)
Edith Wharton (1862–1937)
Gertrude Stein (1874–1946)
Ezra Pound (1885–1972)
Philip Roth (1933 –2018)
Marilynne Robinson (1943)