Nhịp
tiếp tục chủ đề Phơi-ơ-tông: tìm lại các pha kỳ diệu trên báo, trong chuyển động
Nhịp
- Anh Hoa
John Middleton Murry là người định Nhịp, Michael Sadleir cho nó lực khởi phát, nhưng Katherine Mansfield, người giữa chừng bị cuốn vào nó, nhờ nó mà thành hình, mà tìm ra giọng của mình, mới là người khiến cho Nhịp có dáng vẻ của một điều kỳ diệu.
Nhịp ra đời vào một mùa hè. John Middleton Murry hăm hai tuổi, vừa tốt nghiệp Oxford. Michael Sadleir - tuổi cũng suýt soát - là con trai của một Sir: một sử gia và nhà sưu tập nghệ thuật hàng đầu thời ấy (sau này hai cha con sẽ có vai trò rất quan trọng trong việc làm Kandinsky hiện ra ở Anh, không chỉ qua các bức tranh). Murry và Sadleir trẻ tuổi muốn lập một tờ tạp chí của riêng mình, với cảm giác về mission hẳn không khác những người đã dựng ra tờ Athenaeum ở nước Đức cuối thế kỷ mười tám.
Họ không tìm được giọng ngay. Luận đề của Murry trên số đầu của Nhịp, mang tên "Nghệ thuật và triết học," giống như thứ manifesto thời thượng chảy ra từ ngòi bút của một đứa trẻ dằn dỗi và bối rối. Nó không chấp nhận cái phi thực của thế giới này. Nó muốn tạo ra một thế giới khác, một nghệ thuật đặt nền tảng cho một văn hóa khác và đang ngây ngất trong viễn tượng ấy. Nhưng bất kỳ ai đọc cũng thấy đó vẫn là thứ văn học trò, sẽ được điểm cao nhưng chưa bao giờ biết thế nào là chiến đấu - chưa bao giờ biết tuyệt vọng và tủi nhục. Nhưng cũng chính vì thế mà phải có Nhịp, để Murry và những người bạn của mình thực sự được chiến đấu, được form.
Katherine Mansfield, lúc ấy mới hai tư tuổi nhưng đã gom đủ các yếu tố tiểu sử để trở thành một xì-căng-đan, mang cơ hội chiến đấu đến cho Nhịp. Sự xuất hiện của Mansfield trên kỳ Xuân 1912 của Nhịp châm ngòi cho cuộc công kích dai dẳng của Thời Đại Mới, nơi Mansfield từng cộng tác, mở đầu với series sáu tuần buộc tội Mansfield là "promiscuous" - cả trong sáng tác lẫn trong đời sống cá nhân. Cuộc tấn công nhắm vào Mansfield tất nhiên chỉ là cái cớ cho cuộc đối đầu sớm muộn cũng phải đến giữa hai xung lực vừa bùng lên trong đời sống văn hóa - văn chương Anh, cả hai đều đòi phá đổ các hình thức cũ. Thời Đại Mới buộc tội Nhịp là elitist - cổ súy cho thứ giá trị dựa trên đặc quyền trưởng giả, cho nghệ thuật làm dáng và suy đồi. Nhịp chỉ trích đường lối socialist của Thời Đại Mới là cào bằng giá trị, nô lệ đám đông, là cuộc tấn công của thứ dân chủ ngồi lê đôi mách kiểu nhà báo vào văn hóa. Chính trong cuộc bút chiến này, sự viết của Murry mới bắt đầu có hồn vía. Những manifesto viết cùng Mansfield, Nghĩa của Nhịp và Sự nghiêm cẩn trong Nghệ thuật, tạo thành nền tảng lý thuyết thực sự cho chuyển động giờ đã thành hình.
Mansfield không tham gia Nhịp từ đầu, nhưng bìa của Nhịp - người phụ nữ tóc ngắn đã trút bỏ tất cả chỉ trừ những trang sức, bình thản ngồi đó, không đối đầu với thế giới, cũng chẳng quay lưng - giống như là để gọi Mansfield xuất hiện. (Từ Chí Ma, trong lần gặp đầu tiên, cũng là cuối cùng, cũng ấn tượng ngay với kiểu tóc kỳ lạ của Mansfield).
Nhưng Mansfield cũng cần Nhịp để có thể trở thành chính mình. Tập truyện đầu tiên, Ở nhà trọ Đức, vẫn còn rất nhiều dáng vẻ của một drama queen. Đó là một cái nhìn thực sự ngạo ngược và quái đản, có khả năng nắm bắt những chi tiết nhỏ nhưng nói lên nhiều điều về sự khốn cùng của con người: cái chùi mũi lén quệt xuống sofa, những cái răng vuông bé tí hé ra khi cười, một người bỗng nhiên hềnh hệch lên chẳng vì điều gì cả, những quán cà phê bệ rạc thiu mốc nhưng vẫn quay lại hết lần này đến lần khác, chẳng rõ vì sao. Cái nhìn đầy sát thương ấy đạt hiệu quả cao nhất với giọng sắc buốt dửng dưng, mà Mansfield đã rất sớm tìm ra, nhưng cũng rất dễ trở thành một thứ khoái cảm độc ác nhấn chìm người ta xuống đầm lầy. Ở Nhịp, Mansfield phải làm một việc rất khó (đối với thiên tính ấy): làm biên tập, chịu trách nhiệm, kiên nhẫn nối những nhân cách nghệ sĩ rất mạnh và đa dạng đã bị cuốn vào Nhịp để tạo thành chỉnh thể. Nói cách khác: phải rộng ra. Ở chiều ngược lại, công việc biên tập, nhất là chuyện phải định giọng cho Nhịp cũng tạo đà để đẩy sự viết của Mansfield tới những giới hạn chưa từng biết.
Ngay từ đầu, Murry đã hình dung Nhịp là một tờ tạp chí thuộc về thế giới: các bài ở đó không chỉ có tiếng Anh mà còn tiếng Pháp (chiếm khoảng một phần năm). Nhưng chỉ sau khi Mansfield - nữ văn sĩ xuất thân từ môi trường trưởng giả tỉnh New Zealand - xuất hiện thì viễn kiến thế giới của Nhịp mới thành hiện thực. Mansfield không một mình tạo ra điều đó. Khung cảnh cosmopolitan là đóng góp của nhiều người: các minh họa Ba lê Nga của Anne Estelle Rice và Georges Banks, tiểu luận của Yone Noguchi về thơ "Hokku" hay tiểu luận về họa sĩ Ba Lan Stanislaw Wyspianski của Floryan Sobieniowski. Nhưng một hiện diện kỳ quái, đầy sức hút và khơi gợi tưởng tượng như Mansfield có vai trò đẩy các khả thể còn ngủ yên vào chuyển động. Cùng truyện ngắn debut vào kỳ Xuân 1912, Mansfield cũng có một bản dịch - dịch hai bài thơ của Boris Petrovsky, cái tên sẽ còn xuất hiện trên nhiều số của Nhịp về sau. Nhân vật Nga bí ẩn này không ai khác chính là Mansfield, một trong vô số mặt nạ của Mansfield. Kể cả khi đã trở thành chủ âm của một chuyển động như Nhịp thì Mansfield vẫn chỉ thực sự nói được khi bị nhập bởi một giọng khác, được là một danh tính khác, chỉ thực sự sống được trong thể động bộc phát, trong sự phá bỏ chính cái khung bản thể để làm hiện ra một chân trời mới trong mình. Luôn luôn ở đó nhưng chẳng bao giờ ở đây, chỉ là mình trong sự không-mình và hết sức nghi ngờ một khuôn mặt nghệ sĩ quá thống nhất (một "thương hiệu cá nhân", dùng từ thời chúng ta), vậy nhưng lại rất biết cách tạo ra ảo giác về nghệ sĩ tính: xung động bục trào của Mansfield cứ thế cuốn người khác theo mà chẳng phải cố công. Truyện ngắn ra mắt của Mansfield, về một vụ giết người trong cảnh hoang vu New Zealand, đã khiến Murry phải thốt lên: đây rồi - chính đây là mẫu mà Nhịp tìm kiếm. Truyện ấy, cùng một số truyện về sau, dựng ra một phong cảnh vừa brutal vừa exotic: chúng rất cần cho sự định vị thương hiệu của Nhịp giữa một rừng "little magazine" chảy ra từ các hốc nghệ sĩ túm tụm với nhau thời ấy. Sau này, Mansfield sẽ không bao giờ viết những truyện exotic như thế (hay nhiều melodrama như Ở nhà trọ Đức nữa), nhưng cần có những pha quá đà như vậy để đạt đến nghệ thuật tiết chế và thuần khiết trong Tiệc vườn, tập truyện cuối cùng.
Sự ra đời của Nhịp nhằm đúng một thời điểm bước ngoặt - mà những người thực hiện nó lúc ấy chưa hoàn toàn ý thức được: đó là thời điểm của một thế hệ nghệ sĩ trẻ kiên quyết đòi phá các hình thức cũ, tung mình vô độ vào thí nghiệm cả trong nghệ thuật và đời sống để tìm ra dấu ấn riêng. Nhưng đó cũng là lứa nghệ sĩ rất biết cách nuôi nấng huyễn tưởng của công chúng về mình, nhóm họp quanh các salon (mà salon quan trọng bậc nhất là của Gertrude Stein), để nâng đỡ tinh thần nhau cũng không kém để đôn thêm hào quang chung, với ý thức sắc bén, đôi khi không khỏi chua chát và cay độc về cơ chế của sự tự quảng cáo. Hình thức của Nhịp phản ánh trạng thái chuyển tiếp ấy, trong toàn bộ mâu thuẫn và cường độ của nó. Một mặt, nó tuyên bố về tinh thần quý tộc, về việc phải giữ sự nghiêm cẩn nghệ thuật trước sự dễ dãi trong thẩm mỹ của đám đông. Mặt khác, nó không ngại thử nghiệm với các hình thức cho tới lúc đó vẫn bị coi là đại chúng, thấp kém. Nhịp là tạp chí nghệ thuật tiên phong cho phép quảng cáo (dù quảng cáo cũng rất chọn lọc), chứ không dựa vào network bảo trợ - lúc ấy vẫn đang còn tương đối hùng mạnh và là hình thức chủ yếu của các tạp chí nghệ thuật cao cấp. Nó muốn giữ một chuẩn giá trị cao vời duy trì bởi correspondence của các Rhythmist (người theo nhịp), nhưng giá trị ấy không thể chỉ hướng đến một nhóm nhỏ đặc quyền, dù là những người được khai tâm, mà phải tạo được hồi ứng tinh thần rộng rãi. Việc dám đặt ra và sống đúng với mục tiêu kép ấy là chỉ dấu cho lý tưởng của Nhịp, cũng là điều phân biệt nó với các tạp chí cùng thời, đặt nó trong cùng phả hệ với những công trình như tờ Athenaeum của nước Đức thế kỷ mười tám.
Giống Athenaeum, Nhịp không sống lâu. Nó chết sau hai năm, không phải bởi bất đồng không thể tránh giữa các nhân cách nghệ sĩ quá mạnh, mà bởi cạn tiền. Mặc cho mọi xoay xở của Murry và Mansfield, lượng subscriber của Nhịp không bao giờ vượt quá con số 250. Sau Nhịp, The Blue Review ra đời năm 1913, nhưng cũng chỉ được ba số. Mansfield và Murry khánh kiệt và bốn năm sau, "đôi hổ" cũng chia tay.
Nhưng khi một điều kỳ diệu đã hiện ra, không gì còn có thể như trước nữa. Sự xuất hiện của một quả bom như Nhịp khiến các tạp chí lớn phải thực sự thay đổi hình thức. Những nhân vật trẻ tuổi bị hút vào chuyển động của nó sẽ trở thành nhân tố định hình khuôn mặt mới của thế hệ. Ở nhiều khía cạnh, tồn tại của Nhịp báp-têm cho Blast, tờ tạp chí còn ngạo ngược hơn, táo bạo hơn, ngắn ngủi hơn với chỉ một số duy nhất - ngay sau đó thì chiến tranh. Nhưng Nhịp, rồi Blast, và chiến tranh: cứ như thể có một chuyển động đẩy mọi thứ đến vực thẳm. Katherine Mansfield sẽ viết về điều đó trong một truyện ngắn của Tiệc vườn: "lên, lên mãi, lao vào ánh sáng và hơi nóng, ầm ào, ríu rít, hổn hển, như bị đẩy đi bởi một cái gì [...] bị hút vào một quầng chói lọi - ở tận đâu?" Đó là lúc văn chương Mansfield đạt đến độ thuần khiết nhất: tái tạo được, ngay trước cái chết của mình, cả một thế giới đã mất trong những hình ảnh không thể tầm thường hơn. Đó là hồi ức về cả một thế hệ bị hút vào chuyển động vực thẳm: người anh trai yêu quý tử nạn trong chiến tranh, những người bạn và đối thủ xoay quanh Nhịp. Chẳng có gì ngoài hủy hoại và thất bại, nhưng đó là chuyện không thể khác. Chỉ điều đó mới xứng đáng với những tồn tại kỳ diệu như vậy.
Correspondence của Mansfield và Murry vẫn tiếp tục, cho đến cả sau khi Mansfield đã qua đời. Khi Murry trở thành tổng biên tập của tờ tạp chí danh giá The Athenaeum, Mansfield sẽ viết chừng một trăm bài điểm sách cho nó, cùng Murry nhìn nhận những hiện tượng cần nhìn nhận trong văn chương (chẳng hạn Virginia Woolf). Chín năm sau khi bị cuốn vào Nhịp, Mansfield viết được tập truyện thứ hai, Ngợp, không lâu sau đó là Tiệc vườn. Đến đây thì việc đã xong. Murry, kẻ bị bỏ lại, sẽ bị ám cả đời bởi cái bóng của Mansfield - người hiện diện khi đã chết còn hơn khi đang sống.
Phơi-ơ-tông
Nga cuối thế kỷ mười chín