Éditions Ailleurs
tạo ra những cuốn sách và những điều kỳ diệu
Chúng tôi bắt đầu công việc của mình vào thời điểm hoàng hôn của sách. Ít nhất thì sách không còn là con đường duy nhất đến văn hóa nữa. Thay vào đó là những màn hình càng lúc càng sát lại, càng lúc càng không thể tách rời. Thay vì khép mình vào một sự chú ý được kéo căng - lao động của tinh thần, người ta phó mặc mình cho những cuộc xao lãng triền miên, những giải trí chớp nhoáng và đờ đẫn. Chỉ một vài năm trước, các bố mẹ vẫn còn có thể than phiền về việc con cái chỉ biết chúi mũi vào điện thoại, nhưng bây giờ, bước vào hầu như bất cứ nhà nào, ta sẽ thấy từ ông già bà cả cho đến trẻ con, ai cũng cùng một động tác, lướt, lướt, lướt, như thể bị ma làm. Tất cả đều được dâng tận miệng - chẳng cần đặt vào bất cứ sự chú tâm nào. Một người không thuộc hẳn vào thế giới của các màn hình hẳn sẽ thấy những hỗn loạn âm thanh, hình ảnh bủa vây của thời chúng ta như một bộ phim kinh dị.
Trong một thế giới như thế, đọc một cuốn sách giống như chui vào một cái quan tài, im lìm suốt nhiều giờ - nhiều ngày (nếu đó là một cuốn sách dài), giống như một nghi lễ.
Nhưng cũng giống như câu chuyện của Kim Dung - cứ nằm mãi trong quan tài thì bỗng phát hiện cánh cửa dẫn ra khỏi Cổ Mộ, khi đọc đủ, người ta sẽ nhận ra rằng có những đường dẫn - tới các cuốn sách khác, đúng thế, nhưng nhất là dẫn vào thế giới của tinh thần, của sự chú tâm, của lòng tin vào những chân trời khác.
Và là vậy bởi vì những cuốn sách là các địa điểm thiêng thu phát tín hiệu. Những cuốn sách đích thực được viết ở trạng thái bên ngoài thời gian, trong cuộc tìm kiếm lối ra khỏi những đờ đẫn bủa vây của một thế giới đã không còn thấy chân trời.
Sau một năm, đã có thể nhận ra một điểm chung ở các độc giả của chúng tôi. Về cơ bản, họ đều thấy mình đang sống trong một thế giới hoàng hôn. Không còn chân trời nữa. Họ đã ảo tưởng và hết ảo tưởng. Các giá trị đều có vẻ là đắp điếm, là những phông bạt căng ra để bịp người khác - nhưng trước hết là để tự bịp mình. Đến cả những câu chuyện cũng trở thành một món hàng ôi thiu phệt hết bàn này sang bàn khác. Ai cũng phải là một ai đó. Ai cũng phải kể một câu chuyện thật hay về mình - câu chuyện mà suy cho cùng, mình không tin và người khác cũng không tin.
Không phải ngẫu nhiên mà chữa lành, đa cấp, mê tín lại nở rộ đến thế trong thời chúng ta. Kể cả khi người ta coi là đương nhiên chuyện làm và không tin vào việc mình làm thì sâu bên trong, tinh thần họ vẫn quẫy đạp đòi tin một điều gì đó. Khi mắt, tai đã mỏi vì những màn hình áp sát, khi miệng đã chán chê những câu ơ hờ không còn nhớ vơ quàng ở những đâu, họ bỗng thấy cần lòng tin.
Đọc là một con đường để nuôi dưỡng lòng tin. Về cơ bản, đó là việc tự nguyện thoát khỏi những xao lãng không ngừng để khép mình vào chú tâm khó nhọc trong vài tiếng đồng hồ - hình dung các cuộc đời khác, ngắm nhìn chúng, suy tư về chúng như một khả thể của chính mình. Chúng không vờ cho ta lời đáp nào, bài thuốc bách bệnh nào. Thay vào đó, chúng ấn lên ta sự thật về nỗi khó ở của mình, về sự thảm hại của đời sống nhờ nhợ, không mãnh liệt, không tin tưởng. Nhìn đi, những cuốn sách nói, nhìn cuộc đời thê thảm của ngươi đi. Nhìn nó thông qua các cuộc đời khác - các tạo tác của suy tư vĩnh cửu về điều kiện con người. Nhìn đi - chẳng có cứu cánh nào, cuộc trốn chạy nào đâu.
Đọc tức là khép mình vào tư thế luyện tập, và do đó có thể vô cùng đau đớn - phần lớn là đau đớn. Không phải lúc nào ta cũng giữ yên được sự chú tâm. Không phải lúc nào ta cũng khép được mình vào quan tài để chờ cánh cửa mở ra từ đó. Chẳng gì ghê rợn hơn nỗi chán nản của người đã biết niềm vui của việc đọc, của lao động lặng lẽ và chuyên chú bỗng thấy mình bị cuốn vào những xao lãng triền miên mà không có cách nào bứt ra. Và như vậy chẳng phải là vì những xao lãng ấy bị gắn cái mác giải trí rẻ tiền, mà vì chúng để lại cảm giác trống rỗng, đờ đẫn và lờm lợm nơi cuống lưỡi khi xong - giống như tất cả những gì không nuôi dưỡng tinh thần mà chỉ là ma túy làm hưng phấn trong thoáng chốc. Đó là nỗi khốn khổ của người biết ánh sáng, cả thân mình vươn về phía ánh sáng mà chân cứ bị đóng chặt trong bùn. Nhưng nỗi khốn khổ ấy cũng là hạnh phúc của việc đọc, của luyện tập, của sự chú tâm. Đó là nỗi khốn khổ vinh quang mà những kẻ chưa bao giờ đói khát lòng tin chẳng thể nào biết được.
Đọc - khi ta bỗng tìm thấy điều gì ở đó, khi trong quan tài bỗng mở ra một cánh cửa - là một điều kỳ diệu đích thực. Ta thấy Cái đẹp, ta thấy Ánh sáng, ta thấy Trật tự. Và hơn hết, ta thấy cuối cùng cũng sống được - sống lại, sống tiếp. Đó là câu chuyện của Xuất bản Khác, cả những người làm ra các cuốn sách và những người đọc chúng. Nhiều năm về trước, có một người vừa hoàn thành toàn bộ sự giáo dục trường lớp bỗng bàng hoàng nhận ra rằng mình không biết phải viết thế nào cho đúng. Người đó bỏ nhiều tháng trời quần thảo Thư viện quốc gia, cày xới cả chồng sách ngữ pháp cao lêu đêu mà vẫn hoang mang cho tới khi gặp được một bản dịch đã một trăm năm, giờ hầu như không còn ai biết đến. Bản dịch với những từ như trên trời rơi xuống ấy, ti-dê, bóp-ngóe, ô-rút, lạ lùng thay, lại đem đến cho con người khốn khổ ánh sáng mà bao nhiêu sách ngữ pháp trên đời không thể. Đó là cảm giác về Trật tự - về việc có những từ như sinh ra chỉ để được đặt đúng vào đó, trong văn bản đó. Đó cũng là cảm giác về tồn tại thực, bền bỉ của lao động tinh thần. Sau một trăm năm, bao nhiêu hào nhoáng rộn ràng của thế giới đã mất đi, nhưng những gì đúng là giá trị thì vẫn còn và càng hiện rõ khi có đủ khoảng cách. Chính bằng việc in những cuốn sách Nguyễn Văn Vĩnh - dẫu rất nhiều khó khăn và mạo hiểm - Xuất bản Khác đã bắt đầu.
Niềm ngây ngất bùng cháy khi bắt gặp một từ đúng trong một trang văn chương - đó là một kinh nghiệm khó có thể chia sẻ với nhiều người nhưng xét cho cùng lại cực kỳ phổ quát. Tâm hồn nào mà chưa từng run rẩy trước ánh sáng bất ngờ hiện ra sau bao nhiêu kiếm tìm tuyệt vọng? Sự nâng đỡ và hướng đạo tinh thần là tối cần cho những ai thường trực bị bủa vây bởi cảm giác về một thế giới không còn thấy chân trời, nơi mọi giá trị đều như chỉ là ảo tưởng. Với Xuất bản Khác, làm ra các cuốn sách là chuyện trả món nợ tinh thần: truyền đi, giữ lại ánh sáng từng hiện ra với mình: làm chỉ vì đó là việc đáng làm, cần làm, không cần một biện minh nào khác.
Bởi tung hê tất cả thì dễ hơn nhiều. Tuyên bố rằng tất cả đều là giá trị ảo và chụp ảnh ngồi cà phê với bộ mặt thảm sầu cay độc thì dễ hơn nhiều. “Thất vọng” và “tiếc” thì dễ hơn nhiều. Nhưng làm và giữ lòng tin vào việc mình làm thì mới khó. Ở thời điểm hoàng hôn, khi mọi ảo tưởng đã sụp đổ thì đó là công việc cần rất nhiều tưởng tượng. Khi mọi chân trời đã đóng, cần tưởng tượng để tin rằng vẫn còn có những chân trời.
Người ta nhận ra rằng việc đọc mở rộng chân trời khi bắt đầu thấy được cánh cửa mở từ một cuốn sách tới những cuốn sách khác. Sau một năm, với 35 đầu sách, độc giả hẳn đã nhận ra đường dẫn giữa các tác giả mà chúng tôi chọn. Vấn đề không nằm ở chỗ đó là văn chương “kinh điển” hay là một tác giả nổi danh. Đọc không phải là chuyện ghé gẩm vào vinh quang có sẵn - không phải là “cọ nhiệt”, “ké fame” - dùng chữ bây giờ. Đọc là xếp - là tìm ra các đường nối, dựng riêng cho mình một bản đồ. Các tác giả - suy cho cùng họ đều chỉ chú tâm tới chừng ấy vấn đề. Họ đọc nhau, ngưỡng mộ nhau, tranh cãi với nhau thông qua các cuốn sách xuyên thời gian và không gian, đúng như chúng ta đang làm những khi nào giữ được thần trí tỉnh táo mà xem xét đời mình và đời người khác trong chỉnh thể. Ta không nhất thiết phải đồng ý với họ và tốt nhất là không nên sợ hãi giọng uy quyền của họ. Nhưng chiêm ngưỡng những tinh thần thao thức ấy miệt mài trong suy tư, lao động, trong phấn hứng và cả tuyệt vọng của hồi ứng tinh thần, chính ta cũng được tiếp thêm can đảm.
Trong cảnh suy sụp của tinh thần chung, có thể hình dung Xuất bản Khác như một ngôi nhà, thậm chí một hầm trú ẩn được dựng trên hai trục. Trục ngang là công việc giáo dục - tự khuôn tạo chính mình. Đó là Alain, là Poe, là Lukacs. Họ dạy cho ta phải đọc thế nào, phải tìm đường ra sao trong mê cung của việc đọc. Họ đặt đọc vào trung tâm của công việc tự khuôn tạo chính mình, bắt đầu từ tư thế khép mình vào sự chú tâm, không chấp nhận để cho tinh thần tản mát. Có thể xem các đường dẫn mà họ chỉ ra - hay trên blog Khác Đọc - là gợi ý, nhưng một độc giả chỉ thực sự đi được giữa các cuốn sách nếu dựng được cho mình một bản đồ riêng, không giống ai. Bản đồ ấy, một khi dựng ra được, sẽ là chứng nhận vinh quang cho một điều: ta đã tìm ra được một thế giới khác, một con đường vô tận để duy trì lòng tin vào các chân trời khác.
“Nhưng Laurence Sterne ở Việt Nam? Hay cả George Eliot? Làm sao các bạn tìm được độc giả cho họ ở thời nay?” Một giáo sư Mỹ đã kinh ngạc thốt lên như thế khi thấy danh mục xuất bản và chạm tay vào những cuốn sách của chúng tôi. Là một người thầy, và ở một khoảng cách đủ xa, ông hiểu rõ rằng vinh quang lớn nhất, ý nghĩa duy nhất của công việc sách không nằm ở chỗ bán được nhiều mà là bắt được độc giả đọc và yêu những cuốn sách họ không bao giờ nghĩ mình sẽ đụng tới. Giáo dục là việc mở rộng cái nhìn - nhất là ở thời điểm hiện tại. Một nhà xuất bản đặt sự tự giáo dục, sự khuôn nắn thẩm mỹ cho độc giả làm tôn chỉ phải có can đảm cưỡng lại thị hiếu chung. Trong công việc chúng tôi làm, chỉ cần tìm thấy thêm một độc giả - một người khám phá ra cho mình con đường vô tận của đọc - thì đã là một niềm vui lớn.
Nếu như trục ngang của Xuất bản Khác là tự giáo dục, tự khuôn tạo chính mình thì trục dọc của ngôi nhà là lịch sử. Công việc chúng tôi đang làm là sự lặp của những pha kỳ diệu trong lịch sử sách và văn chương Việt Nam. Sự tự khuôn tạo của một con người không thể thành hình cho đến khi họ đứng trước vực thẳm của mình, trước một công việc về cơ bản là bất khả. Cũng vậy, không thể có lịch sử nếu không có những pha kỳ diệu, những sự phi lý và bất khả phá tan mọi trật tự cũ, dẫu rằng chúng luôn khuất lấp trong một hình dung về lịch sử như một tiếp diễn tuần tự. Phải đến khi có một pha kỳ diệu tiếp theo, chuỗi những pha kỳ diệu trước mới hiện hình. Và là vậy bởi vì mọi công việc như thế trước tiên đều là việc trả món nợ tinh thần. Một thế hệ mới đi tìm khuôn mặt, giọng nói của mình trước tiên phải đặt được mình vào phả hệ những tinh thần thao thức đã từng bùng nổ và để lại dấu hiệu ở xứ sở của mình - như một sự nâng đỡ nhưng cũng là lời thách thức với thế hệ tiếp theo.
Đó chính là lý do chúng tôi bắt đầu với Nguyễn Văn Vĩnh - sự kỳ diệu khởi phát của văn chương Việt Nam hiện đại. Đó là một người dịch nhưng trước tiên là một người đọc, người thấy trong việc đọc con đường vô tận của sự tự giáo dục, tự khuôn định mình, người dạy cho nhiều thế hệ Việt Nam cách vẽ các bản đồ và tưởng tượng các chân trời trong cuốn sách. Nền móng mà Nguyễn Văn Vĩnh xây lên ở xứ sở này đã được tiếp nối. Nhờ đà của sự đọc khác, sự viết khác, nghĩ khác đã bật lên, mà Khái Hưng, Thanh Tâm Tuyền hay Trần Dần là những cái pha kỳ diệu có thể kể ra. Những pha kỳ diệu là chứng nhận của sức sống tinh thần của xứ sở này, một nơi về cơ bản chỉ tôn sùng sự trung bình và chăm chăm vùi dập những tinh thần cao quý, quật cường nhất.
Nhưng chúng tôi đã vào việc - và công việc chính là lời hiệu triệu lớn nhất. Đã có những dấu hiệu hồi ứng - chính từ những chốn hoàn toàn bất ngờ. Các dịch giả và tác giả của chúng tôi đại đa số rất trẻ và chưa từng in sách, thậm chí không hề làm công việc liên quan đến sách vở và chẳng bao giờ nghĩ sẽ làm cho đến khi chúng tôi xuất hiện. Có lẽ họ sẽ mãi mãi giấu kín mình như thế - trong một sự khắc kỷ vô nhiễm, chẳng thể chia sẻ việc đọc của mình cho ai ngoài những người thân cận, chẳng quan tâm đến việc để lại dấu vết nào. Nhưng họ đã hiện ra - giống như những mầm cây kiên nhẫn đợi ánh sáng thực sự để vươn lên mặt đất. Việc của chúng tôi là giữ cho ngôi nhà này sống được và kiên nhẫn chờ những hồi ứng tiếp theo, những cuộc gặp tiếp theo của tinh thần.
Một điều khiến pha kỳ diệu này khác hẳn các pha kỳ diệu trước của xuất bản Việt Nam nằm ở chỗ ngôi nhà chúng tôi dựng lên đã, hoàn toàn không ngờ, mở ra con đường trở về cho những tinh thần đã xa lìa xứ sở. Ở Đức, Ý, Mỹ, Ba Lan và nhiều nơi khác, chúng tôi thấy cùng một câu chuyện: những người đã bỏ đi và tưởng sẽ chẳng bao giờ về nữa vì không tìm thấy gì ở đây, chẳng một điều gì có thể nuôi dưỡng tinh thần. Cuộc bỏ đi của họ - ở một thời điểm nào đó trong tuổi trẻ - là một cuộc trốn chạy để sống, bằng mọi giá phải bứt khỏi bầu không khí tù đọng của thế giới không chân trời, bứt khỏi mọi sự tương thuộc dù thiết thân đến đâu. Họ bứt đi, dẫu biết sẽ chẳng có thiên đường nào đợi mình ở bến bờ xa. Họ đã chấp nhận làm con thuyền lênh đênh không bao giờ neo được vào đâu, còn hơn là chết mòn trong sự thân thuộc càng lúc càng ngạt thở.
Cuộc bỏ đi nào cũng đau đớn. Nó khoét một cái lỗ trống hoác ngay giữa bản sinh.
(không còn nữa)