favorites
Shopping Cart
Search
Vitanova
Hạ 2025
Next

Melville: Mardi (kỳ 15)

15/07/2025 23:21

kỳ trước,

 

CHƯƠNG XLVIII

ĐÔI ĐIỀU BÊN DƯỚI BỀ MẶT

 

            Không để bỏ sót một sự kiện đáng lưu ý, chúng tôi cần phải trình bày ở đây đôi điều miêu tả về đoàn tùy tùng lạ kỳ những chú cá đã đuổi kịp chiếc Dê Biển của chúng tôi, một hai ngày sau khi từ biệt chiếc xuồng.

            Một luồng nổi váng và sủi bọt đằng sau thuyền báo hiệu chúng tới. Chẳng mấy chốc chúng tôi đã thấy mình là trung tâm của một quần thể vô số những sinh vật có vây, đa phần vô danh.

            Đầu tiên, đằng xa trước mũi thuyền của chúng tôi, là những chú Cá hồi Đầu bạc cùng bơi, ngay sát bên mạn, theo hàng ngũ đồng nhất, như một đội quân. Rồi đến những chú Cá ngừ Bụng sọc, hai bên sườn xanh loáng. Đoạn, như một trung đoàn phân khu ba, luồn và xoáy xuyên làn nước như trục Archimedes, là những chú Cá Quẫy đuôi run rẩy; phía sau lần lượt theo hạng và theo hàng là những chú Cá Bò da — được gọi như thế vì cái vây ngộ dáng của chúng được gắn trên lưng với một đường cong vui nhộn, như thể súng lên nửa cò. Xa sau đuôi thuyền là vô vàn những tiểu đoàn Cá Lưng vàng xuất hiện, được võ trang ngay trên da.

            Lướt chầm chậm phía trên đầu là những đàn chim; mỗi cánh trên không đối lại mỗi vây dưới nước.

            Nhưng hãy để những loài chim biển bay tiếp: nào ta cùng với cá mà trở lại.

            Số lượng của chúng thật đáng ngạc nhiên; hằng hà sa số như lệ đổ vì kẻ bội tình. Xa xa ở cả hai bên sườn; chúng bơi thành những hàng dài, lớp xếp lớp; làn nước lúc nhúc những vật chủ của chúng. Bọn châu chấu biển, biết đâu chừng, sắp sửa gieo mình bằng một cú tanh bành xuống một vùng tỉnh lị xanh rêu của Hải Thần. Và loài này thì dễ bảo và bạo dạn, như loài cá đầu tiên từng bơi nơi sông Euphrates; khó mà thoát được tay người; đến độ Samoa chẳng cần mồi hoặc thả dây câu cũng bắt được nhiều con.

            Chúng tạo thành một đoàn tùy tùng mẫu mực; chèo dọc theo hai bên mạn thuyền phủ hàu của chúng tôi, như thể chúng đã ở bên chúng tôi ngay từ lúc ban đầu; chẳng sợ thuyền chúng tôi dâng lên trên mặt nước, hay ít ra cũng chẳng mảy may biểu lộ thương cảm khi mất một đồng bạn dưới tay Samoa. Chúng trở lại hàng lối rồi bơi tiếp.

            Thật vô tư làm sao, nhưng trông chúng  cũng thật nhẫn tâm làm sao! Giả như một tấm ván mà có long ra khỏi thuyền, chúng tôi mà có chìm xuống đáy; thì có khi, đoàn tùy tùng ấy hẳn sẽ vui lòng hớn hở mà thi hành những lễ nghi cuối đời cho di hài chúng tôi.

            Nhưng chúng tôi vẫn giữ đàn cá ấy bên cạnh; muốn được thân ái thế nào tùy ý bạn; Samoa tự xoay xở khi chàng nghiêng người qua mạn thuyền, còn Yillah thì vỗ tay với những sinh vật rực rỡ, vì một cú xoay vòng những bụng ánh bạc, làm cho cả một vùng biển rực sáng như một tấm khiên được mài nhẵn.

            Nhưng điều gì đã xảy ra với chú Cá ngừ Bụng sọc tội nghiệp ở đuôi thuyền kia, khiến chú phải khó nhọc bơi tới, với những mang cá tím thẫm? Chú có gì ở đấy, đang kéo phía sau? Ấy chính là tảo biển đang bám vào vây chú. Nhưng con vật bị vướng mắc này phải gượng sức để đuổi kịp bạn bè mình. Ấy vậy mà bọn chúng chẳng mảy may quan tâm. Cứ vậy chúng bơi đi; mỗi con tự lo cho mình, bằng không thì Samoa sẽ lo.

            Sau cùng thì chẳng còn thấy chú Cá ngừ Bụng sọc tội nghiệp ấy nữa. Vô vàn những vây cứ bơi tiếp; một vùng hoang vu trơ trọi, nơi kẻ bị bỏ lại phía sau.

            Cá gì mà lạ lùng! Cả ngày dài, chúng đã ở bên chúng tôi; và đến đêm vẫn nán lại và phát sáng; dưới ánh trăng nhạt còn lóng lánh và ánh vảy hơn cả dưới ánh chói vàng của mặt trời.

            Chúng bơi mới đẹp làm sao; trọn đời ánh bạc; lao mình đó đây giữa những hàng những ngũ, và cọ mũi, và bắt chuyện làm quen. Chẳng khóc thương cho chú Cá ngừ Bụng sọc rớt lại đằng xa đuôi thuyền; cũng chẳng khóc thương cho những chú đã bị Samoa tàn nhẫn giết chết. Không đâu, không đâu; hết thảy đều vui, vui niềm vui của cá, và nô đùa hớn hở; nhẹ lòng và nhẹ vây; lưng màu rực rỡ và tinh thần rực rỡ. — Bơi đi, bơi đi! Tất cả những chiếc vây hoan hỉ của ta. Ta hãy rong chơi nơi bão lũ; ta hãy nối đuôi con quái ngư có mạn phủ hàu này; con cá kỳ hình dị tướng, dâng cao thật cao khỏi mặt nước; bơi mà chẳng cần vây. Cá gì thế nhỉ? Tiếng rì rào gì đấy nhỉ? Các cậu có nghe loài quái vật khổng lồ ấy thở chăng? Sao mà, nó lại nhọn ở hai phía; phía nào cũng là đuôi; mắt thì chẳng có, miệng cũng chẳng nốt. Cá gì mà kỳ lạ! Cá gì mà khôi hài! Thế mà còn khôi hài hơn nhiều, mấy sinh vật phía trên ấy, trên tấm lưng lõm của nó, bám vào đấy như loài lươn lượn khúc, loài lươn bám và lướt trên lưng bọn Cá kiếm ấy, kẻ thù của chúng ta. Nhưng mấy con lươn ấy thật lạ lùng! Không biết chúng có nghĩ mình đẹp như chúng ta chăng? Không đâu, không đâu; chắc chắn, chúng chiêm ngưỡng những chiếc vây linh hoạt của chúng ta, những chiếc vảy lốm đốm và xinh xắn của chúng ta. Những kẻ đáng thương bất lực! Dám chắc chúng ao ước được như chúng ta, rong chơi nơi bão lũ, và chỉ cần ước một câu là đã càn quét biển khơi. Bơi đi nào; những chiếc vây hoan hỉ, bơi đi nào! Mặc cho hắn rớt lại phía sau, cái kẻ tật nguyền ấy; dàn làn; tiến vào; và ních đầy. Mặc cho hắn chết chìm, nếu hắn chẳng theo kịp. Với chúng ta chẳng có chuyện rề rà: —

Là cá, là cá, chúng ta vui tươi bơi,

Chẳng màng đấy là bạn hay kẻ thù:

Vây chúng ta khoẻ,

Đuôi chúng ta quẫy,

Vượt biển khơi nào chúng ta bơi.

           

Cá, cá, chúng ta, những cá đỏ mang;

Chẳng ai phiền hà, máu nhiệt độ không:

Chúng ta nổi được là nhờ bọc khí,

Đông thật đông, mỗi chú một anh hùng.

Sự ở đời này, chẳng cần biết là chi,

Bóng không ai hay, mà chúng ta theo:

Được bơi, quả thật thích thú rất mực, —

Vậy nào hãy bơi, cho bọt nổi bọt sùi.

Loài dị tướng sát bên chúng ta đây,

Chẳng vì yên ổn, quanh nó chúng ta trốn

Bóng nó trải rộng, mỗi thế mà thôi, —

Chỉ mỗi dưới mạn, mà chúng ta bơi

Và còn những lươn đang ngự trên kia, 

Và còn những chim đang bay trên trời,

Chẳng màng đến chúng lẫn đường chúng đi,

Chúng ta hớn hở lướt xa thật xa!

Là cá, là cá, chúng ta vui tươi bơi,

Chẳng màng đấy là bạn hay kẻ thù:

Vây chúng ta khoẻ,

Đuôi chúng ta quẫy,

Vượt biển khơi nào chúng ta bơi.

            Nhưng làm sao bây giờ, các bạn cá của ta! Điều gì đánh động những hàng ngũ kéo dài của các cậu, rồi quẳng tất cả vào cuộc hỗn loạn những vảy và bọt sóng? Mặc kệ cái gã dài ngoằng cầm giáo kia, ngay đằng đuôi. Cất lên tiếng sáo, những chú cá hoan hỉ, hãy đãi chúng ta thêm một hai khổ thơ, hãy lấy đuôi cá ra mà đặt vè, gõ nhịp. Nhưng không đâu, không đâu! lời ca tiếng hát của chúng đã thôi rồi. Cái chết khốc liệt, dưới hình dạng của một Kỵ Mã, đang đuổi theo chúng.

            Coi chúng trở cái giọng khoe khoang kìa! Coi chúng ôm lấy con thuyền bị phỉ báng kìa! Coi chúng ước chi được ở trên thuyền kìa, bọn cá ba hoa! Coi hết thảy bọn chúng sợ hãi kích động kìa!

            Bởi lẽ, lúc ở đây, lúc ở kia, nghe một tiếng ùa kinh hoàng dưới nước, báo hiệu một cuộc mãnh công của loài cá săn mồi dữ tợn, với cây giáo đang để sẵn, phóng vào rìa đàn, bằng vũ khí của mình mà xiên cá, Kỵ Mã nuốt chửng chúng; rồi trở lại tấn công.

            Tuyệt vọng ôm lấy thuyền, những chú cá tội nghiệp chen chúc nhau nổi trên mặt nước, và thì thụp lên nhau, như người bị nhấc bổng trong đám đông. Chúng bám vào chúng tôi như thế, bởi cứ tưởng ở bên chúng tôi thì sẽ được an toàn. Biết vậy, chúng tôi chẳng lấy làm lo lắng, sợ rằng con Kỵ Mã có khi cũng chẳng xem chiếc thuyền của chúng tôi ra gì, ngang ngửa làm mồi cho chú; và đang khi đuổi theo bầy cá, thì đâm thủng chiếc Dê Biển đáng thương bằng một cú thọc. Một chiếc áo khoác, được cuộn lại, sẵn sàng để nhét vào lỗ thủng đầu tiên; trong khi cả ngàn chiếc vây vỗ ra tiếng vào những ván thuyền mỏng của chúng tôi, chúng tôi cảm thấy nao núng; như thể đang giẫm trên lớp băng mỏng, giòn tan.

            Dần dà, trước niềm vui không nhỏ của chúng tôi, kẻ thù đã bơi đi; và một lần nữa ở bên chúng tôi là đoàn tùy tùng hoan hỉ bơi trong nước; gấp mười lần hoan hỉ hơn bao giờ hết.

 

CHƯƠNG XLIX

YILLAH

 

            Trong vài ngày, lúc hướng này, lúc hướng kia, thuyền chúng tôi lướt đi, chung quanh là những chú châu chấu biển khơi ấy, ta tiếp tục chuyện nàng Yillah.

            Tôi còn chưa nói về vẻ đẹp của nàng. Đó là vẻ đẹp của một hồ nước pha lê nơi rừng sâu khôn dò: mọi thứ đều là sáng và tối; đầy những thoáng lộ; lúc âm u sâu lắng; lúc rạng rỡ má lúm; nhưng hết thảy đều lấp lánh và chuyển động, và hòa quyện với nhau.

            Nhưng vẻ đẹp hoang dã của nàng lại là tấm màn cho những điều còn lạ lùng hơn. Như thường lệ nàng sẽ nhìn tha thiết vào đôi mắt tôi, như một linh hồn thuần khiết nào đó nhìn sâu vào tâm hồn tôi, thấy ở nơi ấy những khuôn mặt hếch, giật mình sửng sốt, và hỏi mình đã phải bùa mê nào, mà nàng nhìn tôi như vậy.

            Nàng thường nài tôi lặp đi lặp lại một số âm tiết nhất định trong ngôn ngữ của tôi. Những âm thanh ấy nàng sẽ ngâm nga cho riêng mình, thi thoảng ngừng lại, như thể gắng nghe xem chúng đã mê hoặc ra sao.

            Trong giọng nàng, có điều gì rất khác với những người trên xuồng. Khác thế nào, tôi chẳng biết; nhưng nó cho phép nàng phát âm lưu loát tất cả các từ tôi dạy nàng; thậm chí còn như thể nhớ lại những âm thanh đã quên từ lâu.

            Giả như toàn bộ điều này đã khiến lòng tôi tràn ngập ngạc nhiên, nỗi ngạc nhiên ấy còn dâng lên biết bao, và lại còn bối rối hơn nữa, bởi để ý đến nước da, và những nét trên khuôn mặt nàng.

            Sau nỗ lực theo nhiều cách khác nhau hầu giải thích cho những vấn đề này, tôi đã đến mức tưởng tượng rằng người con gái ấy chắc là một người Bạch Tạng (Tulla) mà đôi khi những người ở Thái Bình Dương thường mắc phải. Những người này có làn da trắng thanh tú quá đỗi, mang một sắc hồng nhạt, như nếp cửa miệng vỏ ốc. Tóc họ thì vàng kim. Nhưng, khác với những người Bạch Tạng ở các vùng khí hậu khác, mắt họ luôn xanh, và không chịu được ánh sáng.

            Vì là một chủng tộc, cho nên các Tulla thường yểu mệnh. Thành thử mới có cái niềm tin, rằng họ thuộc về một thế giới xa xăm nào đấy, và chỉ vì những trái khoáy trong sự quan phòng của thần linh, mà họ mới xuất hiện trên trái đất này: ở nơi mà, hễ thấy lơ là, là họ đã nhanh chóng bị bắt đi mất. Và đa phần trong chuyện này, ở các đảo mà mạng người được dùng làm vật tế thần, thì các Tulla được cho là thích hợp nhất để dâng lên bàn thờ, vốn đã được dành sẵn cho việc này ngay từ khi mới lọt lòng. Chính những suy xét này, liên hệ với những ý khác, đôi lúc tôi đâm nghi ngờ, rằng vì ông thầy tế, mà Yillah bị xem là một người thuộc những thụ tạo ấy. Song, những chi tiết về quá khứ của nàng thật quá bí ẩn, đến độ thường thì tôi chẳng biết phải suy diễn ra sao. Nhưng rõ ràng chúng đã cho thấy rằng nàng không hề có một khái niệm dù nhỏ nhoi nhất về nguồn gốc thực của mình.

            Nhưng những ý nghĩ về một trạng thái tồn tại trước cuộc sống trần gian này có khi bắt nguồn từ một trong những thị kiến thiên giới, được phát hiện rõ rệt trên khuôn mặt một đứa bé đang ngủ say. Rồi bị một người khác khéo léo tạo ra và nhắc lại, đôi khi còn được lặp lại cho nàng nghe với nhiều thêm thắt, những tưởng tượng ấy dần dà cũng phải hình thành trong tâm trí nàng một sắc thái của thực tế, được nâng lên thành một niềm tin bởi vì sự tách biệt mơ mộng của cuộc đời nàng.

            Nhưng lúc này đây, ta hãy để phần tiểu sử tiếp theo và đáng tin cậy hơn được tường thuật, những khi thi thoảng được nàng kể lại.

 

CHƯƠNG L

YILLAH Ở ARDAIR

 

            Ở nơi thung lũng phủ đầy cỏ xanh Ardair, sâu trong nội địa Amma yên tĩnh, được những vách đá cổ kính vây quanh, người thiếu nữ Yillah từng sống ở đây.

            Thung lũng ấy vừa quá nhỏ bé và quá heo hút, vừa được những dốc đứng bao quanh tư bề, lại vừa quá rực xanh cây cỏ, và những bóng tối dối lừa ở đấy chơi đùa; đến độ, nhìn từ trên cao, trông nó như một hồ nước mát, một làn gió ngát, hơn là một thung lũng: các vùng rừng và vùng cỏ của nó hết thảy đều anh ánh mờ mờ, như những lùm cây biển và rêu biển dưới mặt nước lặng.

            Ở đây, chẳng ai lui tới ngoài thầy tế Aleema, người mà thi thoảng vắng mặt suốt nhiều ngày liền. Nhưng vào những mùa nhất định, một đám đông vô hình cùng những tiếng hát vang lừng bật lên trên mé những vách đá gần đó, và xuyên qua những vùng đồng hoang rợp bóng, chầm chậm tháo lui; những tiếng ấy nhỏ dần nhỏ dần, khi chúng vãng qua những khu rừng xa xôi hơn.

            Vào những dịp khác, khi Yillah bị giam trong đền thần Apo, một tốp đàn ông tiến vào thung lũng, vây quanh nơi trú ẩn của nàng, nhảy múa ở đấy đến khi tối trời. Trong lúc ấy, có những chồng trái cây, những vòng hoa, và những giỏ cá, được đặt trên bàn thờ bên ngoài, nơi Aleema đứng, mặc áo vải tappa trắng, và lẩm nhẩm, trong khi các lễ vật được đặt dưới chân ông.

            Lúc Aleema đi khỏi, Yillah trở vào thung, lang thang giữa các cây, và nghỉ ngơi bên bờ suối. Và khi nàng tản bộ, đưa mắt nhìn xuống nàng là những vách đá già nghiêm khốc, rậm rì rê rêu.

            Hướng về cuối thung, những bức tường cao ngất nâng và nhô nền của chúng lên, gần như lơ lửng giữa không trung. Một tảng đá lớn, được quẳng từ một bề cao gần kề, rơi xuống chắn lại, mãi ở đấy không dời. Những hàng cây trên không mọc lên khỏi mặt đất; những chú chim làm tổ nơi các khe đá; và những cây thân leo kỳ lạ quấn khắp nơi, lan kín các ngọn cây, nằm ở đó thành cuộn và thành dợn, tựa mãng xà phơi mình dưới nắng. Dưới tảng đá ấy, là một bức tường những hòn đá nặng cao ngất. Giữa các kẽ đá, ghé mắt nhìn sẽ thấy một vòm dài và rợp lá, vỗ nhẹ phía đằng xa đến nơi có biển cuộn dưới ánh mặt trời. Dưới thấp, những kẽ đá ấy đưa lối cho nước suối chảy ra, mà, dưới một thác nước đổ dài, trút lên những mỏm đá dốc xanh gần chân tường, vào một hồ nước sâu rợp bóng; nơi các mặt gồ ghề, vì dòng nước xoáy không ngừng, đã bị mòn thành một hình thù quái dị tựa như một đám người khổng lồ, với đầu ngập trong nước, lười nhác nghiêng về phía trũng lòng.

            Trong hồ nước này là nơi Yillah sẽ tắm. Có một lần, khi vừa ra khỏi, nàng nghe thấy những hồi thanh của một giọng nói, và lớn tiếng gọi. Nhưng tiếng đáp duy nhất, là tiếng cành cây xào xạc, như thể có ai, vô hình, bỏ trốn từ thung lũng phía trên. Không lâu sau, một hòn đá lăn xuống, và Aleema thầy tế đứng trước nàng, nói rằng cái tiếng mà nàng nghe được là của ông. Nhưng đấy nào có phải.

            Sau cùng những ngày mỏi mệt cứ càng lúc càng dài thêm, và người thiếu nữ ao ước có người bầu bạn. Khi gió ngừng thổi, ngủ ở các hang trong núi, và mọi lá trên cây đứng bất động như lệ trong mắt, Yillah buồn rầu, và gọi những linh hồn trong lòng nàng thức giấc. Nàng hát những làn điệu trầm, nàng nghĩ mình từng được nghe ở Oroolia; bỗng giật mình hoảng sợ, như từ thâm sơn cùng cốc, đáp lại với nàng những khúc nhạc còn hoang dã hơn những khúc nhạc của nàng. Và luôn luôn, khi buồn, Aleema sẽ tìm cách cổ vũ tâm hồn nàng, bằng cách gợi lên những quang cảnh tươi sáng ở Oroolia Diễm Phúc, cái nơi mà, ông khẳng định, rằng nàng sẽ sớm được trở về, không bao giờ rời đi nữa.

            Khi ấy, trên đầu thung lũng Ardair, trên một đỉnh cao, tối, ở chóp hiện ra một nét mặt người nghiêm khốc; bóng của nó, cứ mỗi khi chiều tà, lại trườn xuống sườn núi xanh: một bóng ma câm lặng, choáng khắp lòng thung lũng.

            Thi thoảng, khi cái bóng ma ấy đến gần, Aleema sẽ đưa Yillah tới, và chờ nó tiến lại, đặt nàng nằm xuống bên cái bóng, xếp hai tay nàng theo lối âu yếm; mà rằng, “Hỡi thần Apo! ngài có nhận lấy nàng dâu của ngài?” Và sau cùng, khi cái bóng trườn quá nơi ông đứng, và vùi cả thung lũng trong bóng tối; thì Aleema nói, “Này Yillah trỗi dậy; thần Apo đã vươn mình ngủ ở Ardair. Con hãy đi, ngủ ở đâu tùy nghi mặc lòng; bởi lẽ con sẽ được ngủ trong vòng tay của thần Apo.”

Và thế là, cứ mỗi tối, người thiếu nữ đều được ngủ trong vòng tay của Apo nghiêm khốc.

            Có một ngày, khi một thứ mà ngày nào cũng chuyển động trước mắt nàng, ở nơi mọi sự đều bất động như chết, Yillah bắt đầu yêu cái bóng hoang dã ấy; nàng một mình bước tới để nhìn nó, lúc nó khẽ trượt xuống từ đỉnh thung. Bỗng, khi mặt nó chỉ vừa mới chạm đến một kẽ nứt, khiến nó trông như thể đang hé môi, thì người con gái nghe một tiếng nói lớn, tưởng rằng Apo đang gọi mình “Yillah! Yillah!” Thế nhưng lúc bấy giờ tiếng ấy lại có vẻ như tiếng mà nàng từng nghe lúc đang tắm ở hồ. Nhìn lên trên, nàng thấy một thanh niên đẹp mở rộng vòng tay, đang nhìn xuống nàng từ một vách đá khó tiếp cận. Nhưng hiện giờ, có một tiếng xào xạc nơi những lùm cây đằng sau, và nhanh như chớp, thứ gì đó lao vút trong không khí. Người thanh niên tiến tới. Yillah rộng tay đón chàng; nhưng chàng đã rơi xuống vách đá, và chẳng còn thấy nữa. Vừa hoảng, vừa khóc, nàng chạy khỏi cảnh tượng ấy, có ai khuất dạng chạy trước nàng xuyên rừng.

            Khi kể lại cuộc phiêu lưu này cho Aleema, ông mới bảo, rằng cái điều mà nàng đã thấy, chắc hẳn là một linh hồn dữ đến để quấy phá nàng, và rằng Apo đã giết chết nó.

            Hình ảnh người thanh niên này, đã đong đầy trong Yillah những niềm mong mỏi điên cuồng để được thoát khỏi cái chỗ trú mình cô độc này; chỉ vì một thoáng được thấy ai đó ngoài ông thầy tế và cái bóng ma, thế mà đã gợi nên những suy nghĩ mơ hồ về thế giới của các thụ tạo xinh đẹp, ở những vùng đất bên ngoài Ardair. Nhưng Aleema ra sức dẹp bỏ những tưởng nghĩ ấy; nói rằng ít lâu nữa thôi nàng sẽ được du hành đến Oroolia, nơi sẽ được gặp lại những linh hồn mà nàng chỉ nhớ mang máng.

            Ngay sau đó, ông đến mang cho nàng một vỏ ốc — một chiếc vỏ thuộc loại luôn văng vẳng tiếng đại dương — và áp nó vào tai nàng, bảo nàng hòa mình vào thứ sinh vật bên trong, mà cái vỏ ốc nhỏ ấy đã đưa từ Oroolia đến để hộ tống nàng ở Amma.

Lúc này, người thiếu nữ thường áp nó lên tai, nhắm mắt, lắng nghe và lắng nghe những tiếng thở nhẹ bên trong, đến khi các hình ảnh được sinh ra từ âm thanh, và hồn nàng cứ lắng đọng hàng giờ liền trong ngây ngất.

            Rồi ông thầy tế lại đến, và mang cho nàng một con chim trắng sữa, mỏ nó đen nhánh, và mắt nó như những ngôi sao. “Ẩn trong này là linh hồn của một người thiếu nữ; nó đã bay từ Oroolia đến để gửi người lời chào.” Người lạ mặt mềm mại ấy sẵn lòng nép mình vào ngực nàng; hướng đôi mắt sáng của nó lên nàng, và khẽ hót.

            Nhiều ngày trôi qua; Yillah, con chim, và vỏ ốc đã trở nên không thể tách rời. Con chim dần quen hơi; mổ hạt từ miệng nàng; đậu trên vai nàng, và hót vào tai nàng; đêm về, thì xếp cánh vào lòng nàng, và, như một con chim biển, khẽ đi vào giấc ngủ: phập phồng trên trái tim của người thiếu nữ. Và mỗi sáng nó lại bay khỏi tổ, và vỗ cánh và kêu chiêm chiếp; và bay lượn tới lui; và vui vẻ líu lo; và dụi vào má Yillah đến khi nàng thức giấc. Rồi đến bên tay nàng: còn Yillah, thiết tha nhìn vào đôi mắt nó, thấy những khuôn mặt lạ ở đấy; và tự nhủ mình khi nàng chăm chú nhìn — “Có những hai linh hồn, chẳng phải một.”

            Nhưng rồi cuối cùng, đang khi bước vào rừng với con chim, bỗng nó bay khỏi vai nàng, và đậu trên một cành cây; và hất cái cổ họng trắng tơ của nó, từ đó bắn khỏi mỏ nó một tia nước trong, như một đài phun nước trong không khí. Bấy giờ, bài ca đã ngừng; thật cao và thật xa hướng về phía đỉnh thung, con chim bay mất. “Lil ơi! Lil ơi! trở lại, đừng bỏ ta, hỡi những linh hồn phúc lành của các thiếu nữ.” Nhưng con chim cứ bay mãi, tít trên một hẻm núi, vỗ cánh bay đến khi chỉ còn là một chấm nhỏ.

            Không lâu sau chuyện này, và vào buổi tối một ngày huyên náo những âm thanh chinh chiến bên ngoài bức tường thấp của thung lũng; Aleema đến bên Yillah hoảng hốt, mà rằng — “Yillah, đã đến giờ đi theo con chim của con; nào ta đi, trở về nhà con ở Oroolia.” Và ông cho nàng biết nàng sẽ du hành đến đó ra sao: qua một xoáy nước ở vịnh Tedaidee. Ngay đêm ấy, khi được che mạng và đặt vào lều, người thiếu nữ được đưa ra ngoài bờ biển, nơi có chiếc xuồng đang đợi sẵn. Nhanh chóng dong buồm, để đến sáng hôm sau thì đảo Amma đã khuất khỏi tầm mắt.

            Và đấy là cuộc du hành, mà hồi sau của nó đã được thuật lại.

 

Khương Anh dịch

 

Melville

Billy Budd (1924)
Mardi (1849)
Jacket trắng (1850)
Hawthorne và Rêu của ông (1850)
Người 'Gee (1853)
Người kéo vĩ cầm (1854)
Pudding của người nghèo và mẩu vụn của người giàu (1854)
Jimmy Rose (1855)
Ngắn (1855-1856)
Cúc-cà-cúc-cu (1856)
Tôi và ống khói của tôi (1856)


Nước Mỹ ấy

Hawthorne (1804–1864)
Edgar Allan Poe (1809–1849)
Thoreau (1817–1862)
Melville (1819–1891)
William James (1842–1910)
Henry James (1843–1916)
Edith Wharton (1862–1937)
Gertrude Stein (1874–1946)
Ezra Pound (1885–1972)
Philip Roth (1933 –2018)
Marilynne Robinson (1943)

 

favorites
Thêm vào giỏ hàng thành công