favorites
Shopping Cart
Search
Vitanova
Hạ 2025
Next

Melville: Mardi (kỳ 13)

01/07/2025 13:28

Kỳ trước, sau nhiều ngày biển lặng sau bão, họ bắt gặp một chiếc xuồng đôi của người đảo lạ. Trong bộ dạng như những tù trưởng phương Đông, họ thận trọng tiếp cận và trao quà để làm thân, đối diện một toán thanh niên lực lưỡng do ông thầy tế già dẫn đầu. Đằng sau mũi xuồng như bàn thờ là một chiếc lều chứa thiếu nữ bị bắt để hiến tế. Quyết không để máu nàng đổ, "tôi" liều mình lên xuồng đàm phán. Nhưng khi chưa kịp giải cứu, họ bị vây hãm giữa đám trai tráng và bị ép rời xuồng. Trong khoảnh khắc sinh tử, một nhát kiếm chớp nhoáng đã hạ gục ông thầy tế, thổi bùng cơn hỗn loạn. Họ vừa chiến đấu, vừa rút lui, kịp bắt giữ hai người làm con tin, rồi phóng buồm thoát thân, mang theo hy vọng vẫn còn cơ hội cứu cô gái trước khi quá muộn.

 

CHƯƠNG XLII
HỐI TIẾC

 

            Trong trận xô xát, không một khẩu súng hỏa mai nào được khai hỏa. Khẩu đầu tiên mà Jarl chụp lấy thì tịt ngòi, và trước khi ông kịp giật một khẩu khác thì cuộc chiến đã thành giáp lá cà, chẳng còn chỗ cho cử chỉ thừa thãi. Cây lao móc là tất cả với ông. Và quả thực, chẳng có gì sánh bằng đồ thép lúc công kích. Nó đến và đi sẵn sàng, và chẳng khi nào mỏi mệt. Kiếm ta là mạng ta, và với kẻ thù ta cũng thế; giữ được mạng hoặc chấp nhận đấy là chuyện vô tình. Ta được ở gần nhà hơn so với que thông nòng; và dùng thép để đấu nhau là một vở kịch không quãng nghỉ. Ta có những mũi đâm chí mạng hơn cả đầu đạn và những báng súng đầy rẫy những ống tinh vi phát ra một lực còn đáng tin hơn cả thuốc súng.

            Trói các tù nhân của chúng tôi dọc khoang thuyền, chúng tôi chèo đến chỗ chiếc xuồng, ra hiệu hữu nghị.

            Khi ấy, nếu có điều gì thích hợp để rút được một đợt triều dâng trong mạch thì chính là cảnh tượng kẻ thù bị đánh bại, vốn kém khả năng tàn phá hơn ta, nhưng vì một lẽ nào đó buộc ta phải hạ gục hắn. Đâu phải chiến thắng nào cũng là khải hoàn, đâu phải kẻ chinh phục nào cũng là anh hùng.

            Khi chúng tôi tiến gần xuồng thì đã rõ rằng nỗi mất cha đã một lần nữa ập lên những người còn sống. Giơ tay, họ nguyền rủa chúng tôi và thi thoảng phát ra một tiếng than khóc nho nhỏ, the thé, đặc trưng với chủng tộc họ. Như trước đó, những tiếng khóc yếu ớt phát ra từ trong lều. Và nổi lên hạ xuống trên mặt biển suốt lúc ấy là chiếc xuồng xấu số.

            Khi tôi nhìn cảnh tượng ấy, cây chùy sắt nào đã giáng xuống lòng tôi; lời nguyền rủa nào đã nhói vang trong tai tôi! Chính tôi đây là kẻ đã gây ra những tiếng khóc xé lòng mà tôi nghe. Bởi bàn tay này đây mà người chết đã chết. Niềm hối tiếc đã đánh phạt tôi đau; và như chớp tôi tự vấn lòng mình liệu cái chuyện chết người tôi đã gây ra có phát xuất từ một động cơ đạo đức là giải cứu tù nhân khỏi cảnh nô lệ hay dưới cái thói tỏ vẻ, tôi đã sa vào cuộc ẩu đả chí mạng này vì mục đích ích kỷ là được kết bạn với một thiếu nữ đẹp. Nhưng bóp nghẹt ý nghĩ này, tôi quyết sẽ vui vẻ. Chẳng phải tôi đang cứu mạng một thiếu nữ sao? Cứ để cho những kẻ chống lại tôi phải ngã xuống.

            Trước cảnh tượng thê lương bày ra trước mắt, Jarl - người từ nãy vẫn giương vũ khí đe dọa đám tù binh hòng thị uy với đồng bào họ - Jarl trung thực ấy buông rơi cây lao của mình. Nhưng vung vẩy con dao trong không khí, Samoa vẫn thách thức những người lạ; chúng tôi cũng chẳng thể ngăn được chàng. Máu ngoại giáo của chàng đã nổi lên.

            Đứng ngay đầu thuyền, tôi quả quyết với những người lạ rằng toàn bộ điều chúng tôi tìm nơi họ chính là thiếu nữ trong lều kia. Còn những người bị bắt phía chúng tôi sẽ được trả về, bình yên vô sự. Bằng không, họ phải chết. Với tiếng la lớn, họ khởi sự đứng lên và vung gậy gộc; nhưng thấy cây lao móc của Jarl giần giật ngay tim của những người bị bắt giữ, họ chóng thoái lui, sau cùng ra hiệu đồng ý với yêu cầu của tôi. Nhờ vậy, tôi nhảy lên bục và vạch một đường gần mũi xuồng ngang qua, ra hiệu cho những người Dân Đảo đứng yên ở đấy. Thế rồi tôi kêu từng người nộp vũ khí, rồi họ được cho lên thuyền.

            Chiếc Dê Biển giờ đây đã được đưa vòng về đuôi xuồng; và giao cho Jarl bảo vệ như trước đó, còn anh Upolu thì cùng tôi lên trên bục. Bằng các biện pháp này - các con tin vẫn bị trói trên thuyền - chúng tôi thấy mình được hoàn toàn an toàn.

            Được Samoa canh chừng, tôi đứng trước lều, lúc này thinh lặng như nấm mồ.

 

CHƯƠNG XLIII

VÀO LỀU

 

            Nhờ những khoảng thưa giữa các bện thảm, nơi này thoáng gió nhưng kín đáo. Ở bên hông có một lỗ tròn chỉ vừa đủ rộng để tra tay, nhưng lỗ hổng ấy phần nào đã bị đóng lại từ bên trong. Đằng trước, một tấm thảm dệt tỉ mỉ từ liễu gai phủ lấy đường vào được buộc lắt léo vào phần đứng của lều. Khi tôi rẽ màn thảm bằng thanh đoản kiếm thì bùng lên những tiếng la ó từ phía những người Dân Đảo. Và họ che mặt khi nội thất bày ra trước mắt tôi. 

            Trước mắt tôi là một cô gái đẹp nép mình. Hai tay nàng đang rũ xuống. Và như một vị thánh từ điện thờ, nàng âu sầu nhìn ra từ mái tóc dài sáng màu. Một tiếng rên nhỏ phát ra từ môi nàng, và nàng run như một chiếc ống nghe. Trên má nàng là những giọt nước mắt, và trên ngực một viên học trai hồng.

            Tôi có nằm mơ chăng? Một làn da trắng như tuyết: mắt xanh màu nền trời: những lọn tóc Golconda. Trong một thoáng tôi cứ mê hồn mà đứng, và nàng khẽ động đậy, e dè, và vẫn chăm chăm nhìn tôi, rồi thu sát vào mình tấm áo mỏng như khói sương. Bước một bước vào trong và vén một phần màn lều, tôi đứng như thế, để nhìn thấy và nghe được Samoa đang chờ bên ngoài, trong khi người thiếu nữ, nép mình trong góc xa hơn, hoàn toàn được che chắn khỏi mọi ánh mắt trừ tôi.

            Khoanh tay trước ngực, bấy giờ tôi chẳng nói năng gì. Số là trong lòng, tôi chẳng thể nối kết cái sinh vật bí ẩn này với những kẻ lạ mặt da ngăm. Nàng dường như thuộc một chủng tộc khác. Ấn tượng ấy mạnh tới độ vô thức, tôi nói với nàng bằng chính ngôn ngữ của mình. Nàng động đậy và rướn người tới, chăm chú nghe, như thể để nghe tiếng vang yếu ớt ban đầu của thứ gì đó mang máng hiện lại trong trí. Tôi lại cất tiếng, trong khi phất tóc ra sau, người thiếu nữ nhìn lên với ánh mắt sắc, hoang mang. Nhưng mắt nàng nhanh chóng cụp xuống, và rướn người tới trước thêm một lần nữa, rồi nàng trở lại tư thế trước đó. Sau cùng nàng chậm rãi ngâm nga mấy giai điệu, khác với những người Dân Đảo; dù tôi chẳng hiểu nghĩa, chúng dường như loáng thoáng quen.

            Nôn nóng muốn biết câu chuyện của nàng, tôi bèn hỏi nàng bằng tiếng Polynesia. Nhưng với nhiều thiết tha, nàng ra hiệu cho tôi nói chuyện với nàng như trước đó. Dần dần, tôi nhận ra rằng nàng không hề hiểu ý nghĩa những lời tôi nói, mà dường như chỉ đơn thuần bị tác động bởi thứ gì đó êm tai, và một lần nữa tôi lại nói với nàng bằng tiếng Polynesia, rằng tôi tha thiết được nghe câu chuyện của nàng.

            Sau nhiều do dự, nàng cũng đồng ý, giật mình vì tiếng báo động từ bên ngoài nhưng suốt khi ấy vẫn nhìn tôi chăm chú.

            Những lời nàng kể lúc đó rời rạc, đứt đoạn, nhưng ở đây tôi trình bày lại theo dạng trọn vẹn hơn.

            Câu chuyện kỳ lạ đến nỗi ban đầu tôi chẳng hiểu chút gì và suýt bị thuyết phục rằng thiếu nữ bất hạnh này chắc là một người đẹp bị điên.

            Nàng tự xưng là không phải người trần thế, mà là một trinh nữ đến từ Oroolia, Đảo Hân Hoan, nằm đâu đó trong quần đảo thiên đường của người Polynesia. Đến đảo này khi vẫn là một đứa trẻ nhờ một quyền năng bí ẩn nào đấy, nàng được thông linh từ Amma, nơi chôn rau cắt rốn của nàng. Tên nàng là Yillah. Và chưa bao lâu sau khi những làn sóng Oroolia rửa sạch làn da ô-liu của nàng cho trắng mịn, nhuộm mái tóc nàng thành ánh vàng rực rỡ, thì trong một lần dạo bước trong rừng, nàng bị cuốn vào những tua dây của một loài dây leo. Kéo nàng vào lùm cây, nó nhẹ nhàng biến nàng thành một bông hoa của nó, để linh hồn có ý thức của nàng cuộn trong những cánh hoa trong suốt.

            Nơi đây Yillah lơ lửng trong trạng thái xuất thần, thế giới bên ngoài tất cả đều nhuốm sắc hồng trong ngục thất của nàng. Sau cùng khi hồn nàng sắp bừng lên nơi nụ hoa đang nở, bông hoa ấy bỗng rụng khỏi cuống; và được làn gió nhẹ đưa ra biển khơi, nơi nó đáp vào mảnh vỏ sò mở mà chẳng bao lâu đã được đưa lên bờ biển Đảo Amma.

            Trong một giấc mơ, các sự kiện ấy được mặc khải cho thầy tế Aleema, người mà bằng một câu thần chú đã mở khóa chiếc hộp ngọc trai, lấy nụ hoa - mà lúc này đã cho thấy các dấu hiệu khai mở trong làn thinh không thức tỉnh, và mang những biểu hiện lờ mờ yếu ớt, như bình minh khuất sau những đám mây màu son tươi. Bỗng mở ra, đoá hoa toả hương thơm, lơ lửng trong không khí một làn sương hồng. Sau cùng đọng lại, xuất hiện từ màn sương ấy nàng Yillah trẻ trung như trước đây; các lọn tóc của nàng đều ướt, và một viên ngọc trai hồng trên ngực. Được tôn thờ như một nữ thần, đứa trẻ thần kỳ ấy bây giờ được ngự trong đền thánh của thần Apo, ẩn sâu trong một thung lũng; không đôi mắt phàm nhân nào từng được chiêm ngưỡng trừ đôi mắt của Aleema.

            Hết kỳ trăng này đến kỳ trăng kia qua đi, và rồi, chỉ bốn ngày trôi qua, Aleema đến với nàng trong một giấc mơ, nói rằng các linh hồn ở Oroolia đã gọi nàng về nhà bằng đường đến Tedaidee, bên hải ngạn ấy có một dòng suối mê hoặc chảy róc rách; suối ấy xuôi dòng trên làn biển mặn, giữa hai bờ nước xanh và, cuốn vào một xoáy nước, xoay vòng xoay vòng, xuống độ sâu khôn dò. Trong một chiếc xuồng độc mộc, Yillah phải xuống nơi xoáy ấy, để rồi sau cùng trồi lên từ một suối ngầm trong nội địa Oroolia.

 

CHƯƠNG XLIV

ĐI!

 

            Dẫu được diễn đạt bằng ngôn ngữ của tôi, nội dung câu chuyện của người thiếu nữ về cơ bản cũng tương tự như lời nàng kể. Song những điều ấy không được thuật lại với tư cách là các sự kiện trong quá khứ mà như là các ấn tượng của tuổi thơ và số phận chưa hoàn tất của nàng. Và dù câu chuyện ấy rõ ràng mang màu sắc huyền bí, hiểu biết của tôi về nghệ thuật kỳ lạ trong vấn đề tế tụng hải đảo, và các tưởng vọng mê hoặc được các nạn nhân của nó sung sướng đắm mình vào, đã bị tước đi phần lớn tác động mà đáng lẽ nó đã có thể tạo ra.

            Vì những mục đích kín đáo có liên hệ đến uy thế giáo chức, các thầy tế ở những miền khí hậu này thường giấu trẻ em trong các ngôi đền của họ và lấy làm ghen ghét mà tách biệt chúng khỏi mọi giao thiệp với thế giới bên ngoài, xảo quyệt gieo vào chúng, khi chúng lớn lên, thứ cuồng tưởng điên rồ nhất.

            Được dạy dỗ như vậy, các học trò của họ hầu như để mất nhân tính vào sự phóng túng không dứt của những tưởng tượng thần tiên. Trong nhiều trường hợp, họ còn được linh hứng thành các lời sấm truyền và đôi lúc bị các tín đồ lui tới nhờ vả, tuy vậy lại luôn tránh khỏi mọi ánh nhìn, sống ở những ngóc ngách trong đền. Nhưng trong mọi trường hợp, cái chết của họ là tất nhiên. Bị lừa gạt bằng một câu chuyện thần tiên nào đó về việc trở lại ghé thăm các hòn đảo Thiên Đường, họ bị đưa đến lễ hiến tế bí mật rồi bỏ mạng mà người thân họ hàng không hề hay biết.

            Phải chi lúc ấy tôi không biết gì về điều đó. Vì Yillah xinh đẹp đến mức có thể khiến người ta tin thật rằng nàng là thần nữ, và hẳn tôi đã có thể bị làm cho mê hoặc mà tin vào những truyền thuyết bí ẩn của nàng.

            Nhưng ôi, biết bao hân hoan và kiêu hãnh khi tôi nhận ra mình chính là người đã giải cứu nàng thiếu nữ tuyệt sắc kia - người, chẳng hề biết gì, vẫn đắm chìm trong một giấc mơ, đáng lẽ sẽ phải chịu số phận của nàng trên bờ biển Tedaidee. Giờ đây, tôi không chút áy náy vì cái chết của Aleema, kẻ từng giữ nàng. Tôi vui mừng khi đã gửi ông xuống với các vị thần của ông, rằng thay vì để cho rong rêu mọc khắp thân nàng Yillah yêu dấu chìm sâu dưới biển, thì chính ông thầy tế đê tiện đã đắm xuống tận đáy.

            Nhưng dù ông đã chìm xuống biển sâu, linh hồn ông đâu có chìm dưới làn nước sâu nơi tâm hồn tôi. Dù niềm hân hoan trên bề mặt có sủi lên thế nào, nỗi hối hận cũng đã ấp ủ nơi đáy lòng. Xem xét kỹ lưỡng, các động cơ của sự việc này không biện minh cho hành động điên rồ mà, trong lúc nóng giận, tôi đã phạm, tuy rằng các động cơ ấy được bảo hộ với một sự ra vẻ hào hiệp, che giấu bản thân tôi khỏi chính tôi. Nhưng tôi đã nén lại cái suy nghĩ ấy.

            Khi kể lại câu chuyện của mình, người thiếu nữ thường ngắt ngang với những câu hỏi liên quan đến tôi: Tôi đến từ đâu: da trắng, từ Oroolia? Tôi đang đi đâu: đến Amma? Và điều gì đã xảy ra với Aleema? Vì nàng đã hoảng sợ khi nghe cuộc giao tranh, dù không hiểu gì, và nàng đã nghe thấy người ta gọi tên ông thầy tế trong ai oán. Những câu hỏi này khi ấy tôi cố tình lảng đi; nó chỉ khiến cho nàng tưởng tôi là một á thần dịu dàng nào đó, đã vượt biển từ Oroolia huyền hoặc của nàng. Và toàn bộ điều này nàng hẳn phải lấy làm tin tưởng lắm. Có ai, như tôi, mà trước đây nàng đã được thấy? Đôi mắt nàng vẫn gắn chặt vào tôi, nhìn tôi theo cách lạ kỳ, và chú tâm vào âm sắc trong giọng tôi.

            Khi cảnh ấy đang diễn ra, bọn người lạ bắt đầu tỏ vẻ sốt ruột, và một giọng nói từ chiếc Dê Biển liên hồi réo gọi chúng tôi nhanh tay nhanh chân lên.

            Tôi nhanh chóng quyết định được hướng đi của mình. Rào cản duy nhất phải đối mặt đó là nguy cơ Yillah phát hoảng vì bất ngờ được mang lên thuyền. Tôi bèn cố gắng chuẩn bị tinh thần cho nàng. Tôi báo cho nàng biết rằng Aleema đã được sai đi làm một sứ mệnh dài ngày đến Oroolia; và rằng, trong thời gian ấy, việc trông coi nàng, nàng Yillah diễm lệ, đã được giao lại cho tôi; do đó, cần phải đưa lều của nàng sang chiếc xuồng đang chờ sẵn.

            Nàng nhận thông tin này với mối lo lắng tột bậc; và chẳng biết nỗi rối bời của nàng có thể dẫn đến đâu, tôi thấy nên đưa nàng - trong khi vẫn còn choáng ngợp vì lời thông báo về ý đồ của tôi - lên chiếc Dê Biển.

            Khi rời nơi ẩn náu của nàng, tôi báo cho Jarl biết kế hoạch của mình, và thế là không trì hoãn nữa!

            Bên dưới, chiếc lều được gắn vào một khung tre nhẹ; và từ các góc trên của nó, bốn sợi thừng, như loại dùng dựng rạp, giữ chắc nó vào bục. Các sợi này đã sớm bị dao của Samoa cắt đứt, và rồi chúng tôi nâng lều lên, nhẹ như không, chuyển nó sang chiếc Dê Biển; từ phía các Dân Đảo phát ra một tiếng hét điên cuồng, át cả tiếng kêu yếu ớt của người thiếu nữ. Nhưng chúng tôi không quan tâm đến om sòm. Quẳng vào chùm trái cây đang treo trên mũi bàn thờ! Việc đã xong; chúng tôi kéo buồm và lướt đi - chiếc Dê Biển, lều, các con tin, hết thảy. Lao tới đuôi xuồng lúc này đã bỏ trống, các Dân Đảo một lần nữa lại giơ tay và lên giọng nguyền rủa.

            Khi đến được một khoảng phù hợp, chúng tôi dừng lại để vứt khỏi thuyền những vũ khí đã lấy được; và Jarl khởi sự giải thoát các con tin.

            Trong khi đó, tôi vào lều, và bằng nhiều cách, tôi ra sức làm cho người thiếu nữ đỡ hoảng sợ. Khi được thoả thuận như vậy thì nghe thấy những tiếng lao mình dữ dội: các tù nhân của chúng tôi lao xuống biển để trở lại chiếc xuồng của họ. Người nào cũng ướt sũng, họ được các anh em mình đón nhận với những âu yếm tận tình.

            Những người bị bắt giữ lúc này nói một điều gì đó, bỗng có vẻ đã khuyến khích được những người còn lại dấy lên hy vọng trả thù - một lần nữa lại điên cuồng vung những giáo mác, ngay trước lúc được vớt lên từ dưới biển. Với nhiều quát tháo và rối loạn, họ nhanh chóng dong buồm, và thay vì đi xuồng về phía nam đến Tedaihee hoặc phía bắc đến Amma về nhà, thì họ lao thẳng theo chúng tôi, ngay phía sau.

            Đứng ngay đầu đằng mũi là ba người; những cây lao đã sẵn sàng thế phóng; từng hồi, họ lại gào lên những tiếng thét hoang dại.

            Họ thực sự truy đuổi tôi sao? Họ tiến thẳng phía sau tôi, như lũ chó săn sủa vang trên đường đuổi mồi. Yillah run rẩy vì tiếng la hét của họ. Tim tôi đập mạnh với nỗi khiếp đảm không thể diễn đạt. Xác Aleema dường như đang nổi lên phía trước: những kẻ phục thù của nó đang nổi cơn thịnh nộ đằng sau.

            Nhưng những bóng ma ấy chóng biến mất. Vì chẳng bao lâu, có vẻ như những kẻ tà giáo nhận thấy mình đã theo vô ích. So với kỹ nghệ của họ, chiếc Dê Biển nhanh nhẹn của chúng tôi đã vượt trội hơn. Và xa dần ở đằng đuôi thuyền, chiếc xuồng hung triệu đành bỏ cuộc, đến khi cuối cùng chỉ còn là một dấu chấm, để rồi khi một cơn sóng lớn dâng lên trước nó, thì chẳng còn thấy nó đâu nữa. Samoa thề rằng chắc hẳn nó bị ngập nước và chìm xuống. Nhưng dù nó có ra sao thì lòng tôi cũng chóng nhẹ bớt. Tôi chẳng thấy ai ngoài chúng tôi trên biển: tôi nhớ rằng sống thuyền của chúng tôi chẳng để dấu vết nào khi nó lướt đi.

            Cứ để thổ dân Oregon lần theo dấu kẻ thù xuyên qua rừng rậm, gai góc, đồi sâu thung hiểm; nhưng nếu hắn đến mép nước, thì chỉ còn biết hít hơi trong vô vọng.

 

Melville

Billy Budd (1924)
Mardi (1849)
Jacket trắng (1850)
Hawthorne và Rêu của ông (1850)
Người 'Gee (1853)
Người kéo vĩ cầm (1854)
Pudding của người nghèo và mẩu vụn của người giàu (1854)
Jimmy Rose (1855)
Ngắn (1855-1856)
Cúc-cà-cúc-cu (1856)
Tôi và ống khói của tôi (1856)


Nước Mỹ ấy

Hawthorne (1804–1864)
Edgar Allan Poe (1809–1849)
Thoreau (1817–1862)
Melville (1819–1891)
William James (1842–1910)
Henry James (1843–1916)
Edith Wharton (1862–1937)
Gertrude Stein (1874–1946)
Ezra Pound (1885–1972)
Philip Roth (1933 –2018)
Marilynne Robinson (1943)

favorites
Thêm vào giỏ hàng thành công