favorites
Shopping Cart
Search
Vitanova
Prev
Xuân 2025

Melville: Mardi (kỳ 1)

27/03/2025 22:07

Cách đây không lâu, sau khi xuất bản hai thuật truyện về hải trình Thái Bình Dương, nhiều nơi đã đón nhận chúng với lòng hồ nghi, tôi thoáng có ý nghĩ, hay là thử viết hẳn một Polynesia phiêu lưu ký rồi công bố nó như một tác phẩm hư cấu, xem câu chuyện bịa đặt ấy liệu có được tin là thật: một phần là để đảo chiều thử nghiệm trước đây của mình. Ý nghĩ này làm nảy mầm những ý khác, và đơm hoa kết quả nên quyển Mardi.

New York, Tháng Giêng, 1849

 

Mardi

- Melville

Tặng em trai tôi,

Allan Melville

 

CHƯƠNG I

GIƯƠNG BUỒM[1]

 

Chúng ta ra khơi! Các buồm chính và buồm trên đã căng xong: mỏ neo bám đầy san hô đu đưa nơi mũi tàu: và cùng một lượt, cả ba lá buồm ngọn cũng đón lấy làn gió nhẹ, đuổi theo chúng tôi ra biển như tiếng sủa của một con chó săn. Buồm giương - bên dưới, trên cao - căng sào, cả hai bên mạn cùng nhiều buồm phụ; cho đến tựa một con chim ưng cánh sải rộng, chúng tôi rợp bóng buồm mà lướt đi ngả nghiêng trên làn nước mặn, xé sóng lao về phía trước.

Nhưng các bạn từ đâu, và đi đâu, này các thủy thủ?

Chúng tôi khởi hành từ Ravavai, một hải đảo ngoài khơi, về hướng bắc không xa Nam Chí Tuyến, về hướng tây cũng không xa đảo Pitcairn, nơi bọn phản loạn tàu Bounty sinh sống. Tôi đã đặt chân lên Ravavai vài tháng trước đó; còn bây giờ, tôi đang lên đường trên một chuyến săn cá voi – loài sinh vật có bộ não thắp sáng cả thế gian.[2]

Và từ Ravavai chúng tôi đi tàu đến Gallipagos, gọi khác là Quần Đảo Mê Hoặc, bởi những dòng hải lưu và xoáy nước điên cuồng gặp nhau nơi đó.

Lúc bấy giờ, quanh những hòn đảo mà Dampier từng đặt chân lên ấy, nơi những tên cướp biển Tây Ban Nha từng đõ những đồng vàng moidore, Cachalot, hay cá nhà táng, cứ đến mùa lại xuất hiện dày đặc.

Nhưng từ Ravavai đi đến đấy, tàu của bạn hẳn không thể lướt nhanh như mòng biển lướt thẳng về tổ được. Vì gió mậu dịch thường thổi mạnh, nên những con tàu muốn từ Ravavai đi về hướng đông bắc buộc phải đi vòng, độ vài ngàn dặm có khi. Ban đầu, để đuổi theo những ngọn gió biến thiên, chúng hướng về phía nam hết tốc lực; và tại đó, sau cùng cũng góp nhặt được một ngọn gió lang, chúng lấy đấy làm nguồn gió chính: sau đó, quay sang hướng đông, thẳng lái, rồi tuốt xuống duyên hải, hướng về đường Xích Đạo.

Đường vòng này là lộ trình mà tàu Arcturion[3] đã đi qua; và thú thật nó chán rã rời. Cả đời tôi chưa bao giờ gặp cái biển nào đơn điệu đến thế này; đội ơn số phận, chưa bao giờ.

Nhưng hoan hô! chưa đầy hai tuần, đã có một sự kiện. Ra khỏi lúc xám sương buổi sớm và ngay trước mặt, khi chúng tôi đang lướt, một vật thể tối sẫm hiện ra trên mặt nước; lờ mờ đứng trước chúng tôi, những khối sương mù bện và cuộn ở trên, còn những khối sóng xô bọt kem thì sủi quanh dưới đế của nó. Chúng tôi tránh sang bên, và, dần dà, lúc trời hửng sáng, thì đã đi qua đảo Massafuero. Bằng một chiếc ống nhòm, chúng tôi soi thấy hai ba con dê núi thong thả đi ra biển, trong một hẻm núi và ngay lúc đó thì thấy một tín hiệu: một lá cờ tả tơi trên đỉnh ngoài xa. Song, quá rành chuyện chẳng có ai trên đảo ngoại trừ vài tên tù nhân đào ngũ, mình dắt đầy thòng lọng từ Chili, thuyền trưởng của chúng tôi không có hứng nghe lời mời cập bến của mấy tên này. Dù sao, có lẽ ông đã lầm khi không cho thuyền con ghé lại, để ít nhất gửi danh thiếp chào hỏi.

Vài hôm sau thì chúng tôi gặp “tín phong”. Chúng đến với chúng tôi như ân huệ chiếu cố, giống mọi khi, bằng một trận gió giật; cơn choáng váng chúng mang tới làm bay mất một cái xà buồm của chúng tôi; cả lão bếp béo cũng đứng hết vững, ngã đánh phịch xuống mấy cái lỗ thoát nước ở mạn dưới gió.

Ngay lúc đến được kinh độ mong muốn trên xích đạo, vài lý về hướng tây Gallipagos, chúng tôi dành nhiều tuần đánh chích trắc theo đường Xích Đạo, lượn qua lượn lại, hoài công tìm mồi. Vì có những tay săn tin rằng bọn cá voi, như quặng bạc bên Peru, đi theo mạch xuyên biển. Thành thử từ ngày này qua ngày kia, mỗi ngày; từ tuần này sang tuần nọ, mỗi tuần, chúng tôi cứ bám riết lấy cái giao điểm kinh độ ấy trên đường Xích Đạo; thiếu điều chực thề rằng đã cảm thấy con tàu va đập mỗi lần sống thuyền giao nhau với cái đường tưởng tượng này.

Rốt cuộc, chết điếng với gió xích đạo thổi thẳng mạn sau, chúng tôi cứ dong thẳng đường Xích Đạo. Dong buồm về hướng tây; ngó sang phải, ngó sang trái, nhưng chẳng thấy gì sất.

Ngay lúc mệt mỏi chán chường ấy, tôi kinh qua những cơn đầu tiên của chứng mất kiên nhẫn đắng cay với con tàu đơn điệu, đỉnh điểm là những cuộc phiêu lưu thuật lại từ đây.

Nhưng gượm đã! Tôi không hề có một lời chống lại con tàu già hy hữu và cả thủy thủ đoàn đâu nhé.  Các thủy thủ cũng là anh em với nhau, tính luôn cả nửa trấp người ngoại giáo mà chúng tôi đã cho đáp tàu từ các đảo. Dẫu vậy, chẳng ai trong số họ thực sự hợp ý tôi.  Chẳng có tâm hồn nào thu hút tôi; chẳng có ai để hòa lòng đồng cảm, để gửi gắm bất mãn khi những đợt biển lặng chốc chốc xuất hiện, hoặc hoan nghênh đón mừng mỗi khi gió đến. Nếu được nuôi nấng theo một kiểu khác và có sinh khí hơn, biết đâu mấy gã bồi lem luốc hắc ín đã hình thành những phẩm chất thu hút hơn. Nếu như chúng tôi bị rò nước, bị một con cá voi “đâm”, hoặc được ban cho một gã thuyền trưởng chuyên chế để chống lại, khích động nổi loạn với đầy khí thế, thì các bạn thuyền của tôi hẳn đã tỏ ra là những thanh niên phong nhã và là những người đầy dũng khí. Nhưng như thường lệ, chẳng thể làm bật lên tia lửa nào từ thứ thép ấy của họ.

Đã vậy còn có những chuyện khác, thường khiến phần số của tôi trên tàu không thể chịu đựng nổi. Đúng là cha nội hoa tiêu trưởng rất hào sảng, không hề kiểu cách như bọn quan đốc trên boong[4]; và ông có cái mồm phun tục nhổ tĩu. Ngoài ra, nói đi cũng phải nói lại: ông này cũng gọi là đặc biệt lưu ý đến tôi; ông hay hỏi chuyện, đúng ra, ba hoa chích chòe, mỗi khi tôi có dịp đứng ngay vô lăng lái. Nhưng vậy thì sao? Liệu ông này có nói được chuyện gì sâu sắc hay triết lý chăng? Một chút cũng không. Thư viện của cha nội thì tám nhân tư tấc: Bowditch, và Hamilton Moore.

Còn về phần tôi - kẻ đang khao khát có ai đó đọc cho nghe một đoạn trích từ Burton về Lũ Quỷ Xanh[5] - thì thú thực có là gì với tôi những chuyện dài dòng ngáp ngắn ngáp dài, hay mấy khúc Susan Mắt Đen tràng giang đại hải do cả dàn hợp xướng ở mũi thuyền cất lên? Hẩm hơn cả bia hẩm.

Ấy, ấy, Arcturion! Ta nói điều này không hề ác ý, nhưng mi buồn tẻ lắm. Nếu chỉ mỗi chuyện đi tàu thì vất vả dẫu rằng, ta còn chịu được; nhưng mà lại còn trong mọi chuyện khác. Ngày ngày trôi qua đều đều, vô tận, không biến cố như những vòng tuần hoàn trôi lơ lửng trong không gian. Thời gian, lại cả thời biểu! Chiếc võng ta nằm đã báo được bao thế kỷ, như quả lắc đồng hồ đu đưa theo con tàu tròng trành chán ngắt, và tích tắc hàng giờ hàng thời. Mãi thiêng liêng thay cái khoang trước tàu Arcturion - than ôi! rêu biển giờ đã bám đầy - và mãi han gỉ những chốt sắt đã giữ chặt tấm đá lót lò, nơi chúng ta thường tựa lưng trò chuyện. Dẫu là như vậy, mi, những giờ đã phí và nặng như chì kia, ta sẽ oán trách mi suốt phần đời còn lại.

Rồi những tuần lễ - tính theo lịch dương - cứ thế trôi qua. Những câu chuyện của Bill Marvel được kể đi kể lại đến mức đầu cuối lắp mộng đuôi én vào nhau, và được hợp nhất đến muôn thuở muôn đời. Những bài ca của Ned Ballad thì được hát đến khi những tiếng vọng phải bay lên các đỉnh cột buồm mà trốn, rồi làm tổ trên các rốn buồm. Sự kiên nhẫn đáng thương của tôi đã bay sạch.

Nhưng, cuối cùng sau một thời gian hướng chính tây dong buồm, chúng tôi cũng dẹp được đường xích đạo với nỗi chán chường ngao ngán; không một bóng cá voi.

Nhưng đi đâu bây giờ? Đến miền duyên hải Papua nóng như thiêu ư? Cái miền của những cơn trúng nắng, những bão tố, và những cuộc rượt đuổi cay đắng theo mấy cá voi không thể bắt được ấy. Không, tệ hơn nhiều. Hóa ra chúng tôi sắp minh họa cho lý thuyết Whiston về những kẻ bị nguyền và sao chổi, bị quăng từ cái nóng thiêu đốt của xích đạo sang băng giá vùng cực. Tóm gọn là, với cái tính hay thay đổi của bộ tộc mình, cha nội hoa tiêu đã không còn nghĩ gì về cá Cachalot nữa. Hết hy vọng, ông đã quyết phải găm cho được con cá voi Đầu Bò[6] ở Duyên Hải Tây Bắc và ở Vịnh Kamschatska.

Những người không rành chuyện săn cá voi hẳn sẽ thấy cảm xúc của tôi là khó hiểu. Nhưng cũng xin để tôi nói: đi săn con cá voi Đầu Bò ở Duyên Hải Tây Bắc, trong cái lạnh và sương mù, mấy con quái vật ủ rũ rề rà kết bè khắp biển tựa khúc củi rừng Hartz trên sông Rhine và lăn ra dưới mũi lao cứ như thể mấy con bò thiến hơi giật mình vì găm dao - cuộc săn cá voi Đầu Bò kinh khủng và bỉ ổi này, tôi bảo, so với cuộc săn đầy khí thế con Cachalot phong nhã ở những vùng biển phía nam và những vùng biển ôn hòa hơn, thì cứ như là đem so trò diệt gấu trắng trên những tảng băng trôi Greenland trống không với cuộc săn ngựa vằn ở Caffraria, nơi con mồi nhảy phóng ra trước mặt bạn xuyên qua những trảng lá dày.

Vậy nên, cái quyết định đột ngột của thuyền trưởng, kéo tôi thẳng lên vòng cực Bắc, chẳng khác gì ngầm vi phạm thỏa thuận giữa chúng tôi. Thỏa thuận ấy không cần phải kể chi ly. Gia nhập thủy thủ đoàn chỉ vì muốn dạo biển, tôi lên tàu của ông ví như người ta một hôm lên ngựa phi theo đám chó săn. Và giờ, Chúa ơi cứu tôi, ông ta lại đưa cái thằng tôi tít đến vùng Cực! Mà lại là vì cái công việc ghê tởm ấy nữa chứ! Có điều gì đó thật hèn hạ trong đó. Với thủy thủ săn cá voi đích thực, thể diện nằm ở chỗ biết để dành ngọn lao để vấy máu con Cachalot. Thánh thần tôi ơi, nó lại động chạm tinh thần nghĩa hiệp thủy thủ cơ. Đầu cá với chả não hương! Không thể chịu đựng được.

“Thuyền trưởng,” một ngày nọ tôi nói, khều cái mũ sầm rê vào ông khi tôi đứng chỗ vô lăng, “Thật là hắc khi mà đưa tôi đi tới cảnh luyện ngục này. Tôi lên tàu có phải để đến đó đâu.”

“Phải, và tôi cũng vậy,” là lời đáp của ông ta. “Nhưng đâu ai muốn chuyện này. Cá nhà táng thì hiếm hoi. Chúng ta đã đi tới nay đã là ba năm rồi, và phải kiếm được thứ gì đó chứ; bởi tàu thì đang đói dầu, còn hầm tàu nhìn vào đã thấy sâu hoắm. Nhưng vui vẻ lên cậu trai! Một khi đến Vịnh Kamschatka, chúng ta sẽ tha hồ muốn gì cũng có, dẫu không là thứ tốt nhất.”

Càng lúc càng tệ! Cái viễn cảnh ngậm dầu được mở rộng thành vùng Macassar mênh mông. “Ông ơi,” tôi nói, “tôi không lên tàu vì điều này; cho tôi lên bờ đâu đó, tôi van ông.” Cha nội trừng mắt, nhưng không một lời chiếu cố; và trong một thoáng tôi nghĩ tôi đã khơi dậy được tinh thần độc đoán nơi lão thuyền trưởng, làm phương hại đến phần tử tế hơn nơi ông.

Nhưng không. Đi ba lượt trên boong, ông đặt tay lên bánh lái, và nói, “Đúng hay sai, chàng trai, thì cậu cũng phải đi với bọn ta. Chuyện cho cậu lên bờ giờ không bàn được. Ta sẽ không cập bến chừng nào con tàu này được chất đầy hết các cửa khoang. Tiếng thế, nhưng cậu được phép rời tàu nếu có thể.” Nói xong thì ông bước vào cabin, như Julius Caesar bước vào lều. 

Có thể ông chẳng có ý gì đâu, nhưng cái câu cuối cùng ấy vang lên trong tai tôi như một lời thách đố. Nó thoáng vẻ của viên cai ngục khen ngợi tù nhân ở Newgate, khi hắn đã dùng hết sức bình sinh.

“Rời tàu nếu có thể!” Rời con tàu này khi chẳng thấy cả buồm lẫn bờ! Phải rồi, ông thuyền trưởng ơi, chuyện lạ từng xảy ra rồi. Vì từng lên chiếc tàu này, con tàu già Arcturion, có bốn gã lực điền, mà hai năm trước chính thằng cha hoa tiêu trưởng đã đưa lên từ một con thuyền không mui, cách xa bãi cạn xa nhất. Nói cho kỹ, bọn này thêu dệt một chuyện đẩu đâu về việc là những người sống sót duy nhất của một tàu buôn Ấn Độ bị cháy rụi đến mé nước. Nhưng ai làm chứng? Cũng như những người khác, họ là những kẻ mang bí mật trong người: đã nảy ra lòng khinh thường với một con tàu gớm guốc nào đó vẫn còn đang lênh đênh và đẫy hàng, rồi nhót của khỏi tàu, cách trăm sải ngoài khơi. Giữa các thủy thủ ở vùng Thái Bình Dương với nhau, chuyện phiêu lưu như thế này xảy ra không hiếm. Hoặc chúng cũng không được coi là cái gì to tát lắm. Chúng chỉ là các sự cố, không phải sự kiện trong sự nghiệp của các anh em chuyên lang thang biển Nam Dương. Bởi có gì quan trọng, dẫu có hàng trăm dặm cách đất liền, cho bằng một chiếc thuyền săn cá voi tử tế dưới chân, gió Mậu Dịch thổi phía sau và những vùng biển ấm áp êm dịu phía trước? Và chính đây là điểm khác biệt giữa Đại Tây Dương và Thái Bình Dương: rằng một khi đã ở trong những vùng Nhiệt Đới, thủy thủ nào gan dạ nuôi ý định bỏ tàu quanh Cape Horn thì không cần đợi cảng. Anh ta có thể xem cái biển ấy như là một bến cảng to.

Nói thế, chứ công cuộc được bóng gió ấy chẳng phải là chuyện dễ dàng; và tôi quyết cân nhắc các khả năng cho kỹ. Có điều cần phải nói, rằng theo cùng cách, tất cả chúng ta ai cũng đều canh cánh bên mình cái công cuộc mà, đối với người khác, chỉ là chuyện vô tích sự. Suy nghĩ đầu tiên của tôi là đi kiếm thuyền, và chuyện chôm nó trong hoàn cảnh này là đúng hay sai. Nhưng để không sa đà vào chi tiết, xin để tôi nói, rằng nếu một lần nữa có bị đặt vào tình huống tương tự, tôi cũng sẽ làm y như tôi đã. Lão thuyền trưởng biết rõ là lão định giam giữ tôi trái luật: trái với thỏa thuận của chúng tôi; và chính ông là người đã đưa ra lời bóng gió này, mà tôi chỉ đơn thuần làm theo và cảm ơn ông lắm lắm.

Đang trong tâm trạng cố chấp như vậy, một ngày nọ tôi leo lên trên để đứng canh hai tiếng ngay đỉnh cột buồm[7]. Khi ấy đang lúc cuối ngày, trầm lắng và đẹp đẽ. Tôi đứng đấy, tít ở trên cột và xa thật xa, biển cuộn bên dưới đến vô tận. Chỗ của chúng tôi lúc bấy giờ có lẽ là vị trí ít người qua lại nhất và ít người biết đến nhất thuộc các vùng biển này. Tuy vậy, về hướng tây lại trải ra vô số những quần đảo nằm rải rác trên hải đồ và được ban cho hết thảy những nét mê hoặc trong mơ. Nhưng những vùng đất ấy rồi sẽ chóng qua; làn gió xích đạo dịu êm bị thay thế bằng những luồng gió dữ dội, lạnh buốt, cùng tất cả những khiếp hãi của cuộc hành trình phương bắc.

Tôi đưa mắt nhìn xuống những tấm ván nâu của con tàu buồn tẻ, im lìm từ mũi đến đuôi; rồi phóng mắt ra xa.

Từ đằng xa, những cảnh mộng nào trải ra đây! Toàn bộ đường chân trời phía tây chồng đầy những đám mây vàng kim và son tươi; những cung, những vòm, những tháp lộng gió; như thể mặt trời vàng Maroc đang lặn đằng sau pháo đài Alhambra rộng lớn nào. Những diệu cảnh dường như đang đưa đến những thế giới ngoài xa. Tới và lui, và khắp những tòa tháp của thành Nineveh trên trời này là những đoàn chim thả cánh chao liệng. Tôi đang ngắm nghía bọn chúng thì một con lướt qua tầm mắt tôi, lượn qua một vòm mây thấp rồi mất hút. Thần trí tôi lúc ấy hẳn đã bay đi cùng nó bởi ngay lúc ấy, như trong cơn mê sảng, nhịp vỗ những cuộn sóng hiền đang gội trên một bờ cát đầy vỏ sò, những cành cây phấp phới, và giọng các trinh nữ, và những nhịp đập êm ái con tim tan chảy của chính tôi, mọi thứ quyện lại với nhau.

Giờ đây, toàn bộ chuyện này, nói trắng ra, chỉ là một trong số nhiều cảnh mộng xuất hiện khi người ta ở trên cao. Nhưng đến với tôi vào lúc ấy, nó tác động mạnh đến mức từ ấy trở đi, niềm khát khao rời bỏ Arcturion trở nên chẳng khác gì mê loạn vậy.

 

CHƯƠNG II

MỘT ĐỢT BIỂN LẶNG
 

Ngày hôm sau xảy ra một đợt biển lặng làm tăng không ít nỗi mất kiên nhẫn với con tàu. Và còn những kết hợp không tên nào đấy đã làm sống lại trong tôi những ấn tượng xưa cũ về lần đầu tiên, với tư cách là cư dân đất liền, được chứng kiến hiện tượng trên biển ấy. Những ấn tượng ấy có lẽ xứng đáng được dành riêng một trang.
Đối với một cư dân đất liền thì một đợt biển lặng không phải chuyện chơi. Nó không những làm đảo lộn dạ dày mà lại còn làm lung lay tâm trí người ta nữa, xui khiến hắn từ bỏ niềm tin vào sự phải lẽ vĩnh cữu của vạn vật; nói gọn là gần như biến anh ta thành một kẻ vô thần.

Ban đầu anh bị bất ngờ, vì chưa bao giờ tưởng tượng nổi một trạng thái tồn tại mà chính sự tồn tại tựa như ngưng lại. Anh lắc lư trong chiếc áo choàng, để xem mình có thật hiện diện hay không.  Anh nhắm mắt, để kiểm chứng thực tại của cái quãng mênh mông vô hồn. Anh hít một hơi dài, như một phép thử, và để xem hiệu ứng thế nào. Nếu là một độc giả hay xem sách, anh sẽ nghĩ đến Luận thuyết về tất yếu của Priestley và sẽ tin Sir Anthony Absolute đến tận chương cuối. Lòng tin vào Malte Brun của anh, tuy vậy, lại bắt đầu yếu đi; vì địa lý học, mà anh đã vững lòng vững dạ tin vào từ thời niên thiếu, luôn đoan chắc cho anh rằng dẫu biển có đi dông đi dài khắp địa cầu, nó vẫn bị đất liền giới hạn. Rằng phía đối diện châu Mỹ, chẳng hạn, là châu Á. Nhưng đây là một đợt biển lặng, cho nên anh đâm ra hoài nghi đến phát điên.

Với tưởng tượng đầy hoảng hốt của anh, các vĩ tuyến và kinh tuyến trở nên đúng như cái tên người ta quy cho chúng: những đường tưởng tượng vẽ quanh bề mặt trái đất.

Nhật ký hải trình thì đoan chắc với anh rằng con tàu đang ở một tọa độ xác định; nhưng nhật ký là kẻ nói dối; vì chẳng có nơi nào, chẳng có vật thể nào mang hình khối địa lý rõ ràng  xuất hiện trong cõi nước bao la ấy cả.

Lâu dần những nghi ngờ đáng sợ về năng lực định hướng con tàu của lão thuyền trưởng tóm lấy anh. Cái kẻ dốt nát ấy hẳn đã lạc đường, trôi dạt vào rìa ngoài của cõi tạo hóa, miền của cơn lặng vĩnh cửu, khúc dạo đầu của một khoảng không tuyệt đối.

Các suy tư về vĩnh cữu càng dày thêm. Anh bắt đầu thấy lo lắng về linh hồn mình.

Cái tĩnh của biển lặng thật sự ghê gớm. Giọng của anh trở nên xa lạ và báo điềm. Anh cảm thấy nó bên trong mình như thứ gì đó quá lớn để thực quản nuốt được. Nó phát ra một thứ vo ve không chủ ý trong anh, như một con bọ sống. Hộp sọ của anh là một cái vòm đầy những tiếng vang. Phần rỗng bên trong xương của anh thì như những hành lang đang thì thầm. Anh không dám nói lớn, để khỏi bị choáng; giống như người bị nhốt trong một cái trống đại.

Nhưng trên hết là ý thức về nỗi bất lực hoàn toàn của anh. Không có giúp đỡ hay thương cảm gì cả. Hối hận vì đã lên tàu cũng chẳng ích lợi gì. Ngay cả khoái cảm tuyệt vọng đến tận cùng cũng chẳng mang lại thích thú cho anh. Hão huyền thay cái ý giết thời gian ở ngay lúc biển lặng này. Anh ngủ được thì cứ ngủ, hoặc cố lừa mình sa vào một tưởng vọng điên rồ, rằng anh chỉ đang thư nhàn đấy thôi. Những chuyện này anh có thể thử, nhưng anh không thể thảnh thơi buông lỏng; vì buông lỏng tức là rỗi rãi, và rỗi rãi hàm ý chẳng có việc gì để làm; trong khi đang có một đợt biển lặng để chịu đựng: mà chỉ riêng việc đó thôi cũng đã là một công việc đủ đầy, có Chúa biết.

Thân thể vật lý của anh, rõ ràng là dành cho việc vận động, lại trở thành một thứ bất động; vì biển lặng đặt anh ở đâu thì anh ở nguyên tại đấy. Ngay cả những quyền bất khả xâm phạm của anh, gồm có quyền tự do ý chí hiển hách, cũng thành ra như không. Để làm gì chứ? Anh muốn đi: đi khỏi đợt biển lặng này: tránh như tránh ôn dịch trên bờ. Nhưng anh không thể; và thật ngu ngốc làm sao khi cứ toan tính những mưu mô chước kế. Nó còn vô vọng hơn cả một cuộc hôn nhân không hạnh phúc ở cái đất chẳng có lấy bóng một ông Đốc Dân. Anh đã nhận con tàu làm vợ, khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi biển lặng cũng như lúc bão táp; và nàng chẳng phải là để bị phủi tay. Xà buồm chống nạnh, nàng khinh biệt nói với anh, như mụ phù thủy già với chú lùn: “Tự lo lấy mình đi.”

Và toàn bộ việc này, và hơn cả việc này - là một cơn biển lặng.


Khương Anh dịch

 


[1] Nguyên văn foot in stirrup, stirrup là một đoạn dây (chăng dọc) có mắt để xỏ dây kê chân foot-rope (chăng ngang), giúp cho thao tác các dây buồm trên xà buồm dễ dàng hơn.

[2] Chất não hương của cá voi được dùng làm sáp nến.

[3] Tàu này được đặt tên theo Arcturus, là ngôi sao sáng trong chòm Boötes, luôn quay quanh Pole Star.

[4] Boong lái là boong của những người thuộc vị trí cấp cao trên tàu.

[5] Ý nói Anatomy of Melancholia của Robert Burton; với gốc từ Hy Lạp melano- nghĩa là đen và khole nghĩa là mật: một chứng bệnh mượn hình ảnh mật tiết ra chất màu xanh đen

[6] Nguyên văn Right whale một loài cá voi dễ săn bắt.

[7] Các phiên canh thường dài bốn tiếng đồng hồ, ngoại trừ các phiên “canh sói” là phiên dài hai tiếng.

 

Melville

Melville: Mái hiên (1849)
Melville và James (1850)
Jacket trắng (1850)
Ngắn (1853-1856)
Melville: Người 'Gee (1856)
Melville: Mardi (kỳ 1) (1856)

 

Nước Mỹ ấy

Hawthorne (1804–1864)
Edgar Allan Poe (1809–1849)
Thoreau (1817–1862)
Melville (1819–1891)
William James (1842–1910)
Henry James (1843–1916)
Edith Wharton (1862–1937)
Gertrude Stein (1874–1946)
Ezra Pound (1885–1972)
Philip Roth (1933 –2018)
Marilynne Robinson (1943)

 

phơi ơ tông


Đức cuối thế kỷ mười tám
Mỹ đầu thế kỷ mười chín 
Pháp giữa thế kỷ mười chín
Nga cuối thế kỷ mười chín
Anh đầu thế kỷ hai mươi
Mỹ giữa thế kỷ hai mươi
Việt Nam giữa thế kỷ hai mươi

 

favorites
Thêm vào giỏ hàng thành công