favorites
Shopping Cart
Search
Vitanova
Xuân 2025
Next

Melville: Cúc-cà-cúc-cu

19/04/2025 20:28

Phơi ơ tông Mardi, tiểu thuyết của Melville, vẫn đang tiếp tục trên Văn Bản, thứ Ba hằng tuần, kỳ mới nhất ở kia

Melville không chỉ viết truyện biển, như có thể thấy ở kia. Có những lúc Melville gần kỳ lạ với một nhân vật cùng thời, Thoreau, dù hai người Mỹ ấy dường như ở hai đầu thế giới. Con gà tú lệ của Melville không khỏi khiến người ta nghĩ tới con cáo của Thoreau, với những với những đường cong đài các in trên tuyết. Đến một đoạn, nhân vật kể mình đang đọc một cuốn sách, chính là Tristram Shandy.   

 

CÚC-CÀ-CÚC-CU[1]

- Herman Melville 

Những phong trào nổi dậy chống thói chuyên quyền vô lại diễn ra đầy nhiệt thành trên khắp thế giới gần đây đã bị chặn đầu; thương vong nhiều không kể xiết, xe lửa hay máy hơi nước đã chặn đầu hàng trăm lữ khách nhiệt tình (trong số đó có một người bạn thân thiết của tôi); công việc tôi đang làm cũng đầy rẫy sự chuyên chế, thương vong và chặn đầu, nên vào một tảng sáng mùa xuân nọ, vì mệt mỏi quá mà không ngủ được, tôi bèn ra ngoài đi dạo lên đồng cỏ trên triền đồi.

Không khí se lạnh, mờ sương, ẩm ướt và khó chịu. Vùng quê như bị bỏ mặc, để cho thứ nước ép non xanh tóe ra khắp nơi. Trong không khí ngột ngạt ấy, tôi kéo thật chặt chiếc áo khoác mỏng đính khuy hai hàng của mình – chiếc áo có tà dài tới nỗi tôi chỉ mặc trong xe ngựa – và tức giận nhét que củi táo cua vào đống bùn, nhoài cơ thể xanh xao của mình về phía trước để leo lên đồi. Tư thế khó nhọc này khiến đầu tôi hơi chúi xuống, bộ tịch như thể đang húc đầu vào đất. Tôi biết điều ấy, nhưng chỉ bật ra một cái cười nhếch miệng.

Bao quanh tôi là những bằng chứng cho một đế chế bị chia cắt. Cỏ non và cỏ già đang vươn lên cùng nhau. Ở những rãnh ngập nước, cây nhô ra một màu xanh tươi tắn; xa xa, nơi những rặng núi, lớp tuyết mỏng hờ hững một cách lạ lùng phủ lên những sườn núi màu đỏ nhạt; còn những đỉnh đồi là bầy bò sữa lốm đốm đương cơn rùng mình đồng loạt. Cả khu rừng lơ thơ những cành cây chết khô, bị thứ gió dữ dội tháng Ba bẻ gãy trong khi ở vùng bìa, màu non vàng bắt đầu lộ ra từ các mầm cây mới nhú.

Tôi nán lại trên một khúc gỗ mục gần đỉnh đồi, lưng xoay về một bụi rậm, mắt phóng ra những rặng núi miên man ôm lấy toàn bộ một vùng quê chung chiêng muôn vẻ. Dưới chân một rặng nọ, có dòng sông nào chậm chạp và đau yếu chảy men theo, bên trên treo một dòng sương nhân từ gieo nước xuống, thả đúng những khúc cua dòng nguồn bên dưới. Thấp hơn, tản ra khắp nơi, hơi nước chăng thành mảng bay lang thang tựa những đất nước hay con tàu bị bỏ rơi, không người coi quản – hoặc những chiếc khăn mặt chờ hong khô trên giàn phơi mắt cáo. Xa hơn nữa, ở một ngôi làng ngút mắt trú trên mé của đồng bằng hình thành bởi những ngọn núi, sương mù vẫn từng mảng rộng lớn che lấp, như buông màn. Đó là thứ khói đặc sệt nhả ra từ các ống khói, quện cùng hơi thở đặc sệt của dân làng đã bị núi chắn không cho thoát ra. Nặng và vô hồn, nó không sao nhấc mình bay lên nổi; thế nên, nó cứ nằm ra nơi đó, giữa làng và trời, chắc chắn giấu giếm bên dưới bao nhiêu là đàn ông mắc bệnh quai bị cùng bao nhiêu là đứa trẻ luôn chực chờ nôn ói.

Mắt tôi lướt qua vùng quê chung chiêng mông mênh, vượt qua những rặng núi, vượt qua ngôi làng, vượt qua những trang trại đây đó, và vượt qua rừng, lùm, suối, đá, đồi – và tôi nhắc mình rằng, rốt cục, dấu vết con người để lại trên trái đất vĩ đại này mới bé mọn làm sao. Nhưng dấu vết trái đất này để lại trên con người ta thì ngược lại. Trên sông Ohio ngày ấy diễn ra một việc rất khủng khiếp, khi một người bạn tốt của tôi cùng ba mươi bằng hữu khác đã ở lại cõi vĩnh hằng bởi một tên kỹ sư đầu óc bã đậu thậm chí chẳng biết một cái van nào trên ống khói. Còn thêm vụ tai nạn đường sắt ngay dãy núi trên kia nữa, khi hai đoàn tàu đang lăn bánh rất hăng thì đâm sầm vào nhau, tàu này bốc hẳn lên đầu tàu kia, mặc sức mà huỷ hoại nhau; người ta tìm thấy đầu máy của tàu này trong tình trạng giống hệt một gà con nằm trong toa khách của tàu kia; tất cả hành khách, gồm gần một chục con người đẹp quý, một cô dâu và một chú rể, một đứa trẻ sơ sinh vô tội, tất cả họ đều thác xuống con thuyền khổng lồ u ám của Charon, kẻ đưa những vị khách không mang hành lý ấy đến miền đất kim khí đầy xỉ sắt nào đó. Nhưng than phiền thì ích gì? Hòa bình sẽ nhân danh công lý nào để hóa giải điều ấy? Vâng, vì điều ấy mà nhũng nhiễu hết cõi thiên đàng thì ích gì? Chẳng phải chính thiêng đàng đã cho phép những sự ấy xảy ra hay sao – nếu không thì làm sao chúng diễn ra được chứ?

Ôi thế gian khổ ải! Nào có ai tốn công mà tích cóp gì trên chốn ấy, khi hắn biết rõ rằng mình sẽ chẳng giữ nó được bao lâu, khi tất thảy đường rày, tàu hơi nước và vô số thứ quan trọng khác trên thế giới đều đã nằm gọn trong tay của vạn kẻ gian trá và khốn nạn. Chúng mà muốn biến tôi trở thành Nhà độc tài Bắc Mỹ dù bất kỳ một giây nào, tôi cùng sẽ xâu dây trói tiệt chúng lại, rồi treo lên giàn mà phanh, mà xé; rồi chiên, quay hay luộc; hầm, nướng và chế biến như mớ chân gà tây – những tên ngốc của phường đốt lò; tôi sẽ bắt chúng đốt lò ở Tartarus – tôi sẽ làm thế đấy!

Ôi những tiến bộ vượt bậc của thời đại! Gì! Dọn đường cho cái chết và giết chóc là tiến bộ đấy ư! Ai mà muốn đi vèo vèo như thế đâu? Ông nội tôi đâu muốn thế, bởi ông có khờ đâu. Nghe kìa! Lại con rồng già đó đấy – con ruồi trâu khổng lồ tay sai của một Moloch[2] nào đó – khò! phì! hét! – hắn băng xuyên qua khu rừng chớm xuân, như bệnh tả châu Á[3] phi nước kiệu trên lưng một con lạc đà. Tránh ra! Hắn tới đấy, tên sát nhân bất khả khép tội! Tên độc quyền sự chết! Thẩm phán kiêm bồi thẩm đoàn kiêm đao phủ, kẻ xử chết không khoan hồng cho tất cả mọi nạn nhân. Trong vòng hai trăm năm mươi dặm trở lại, con quái vật mình sắt ấy xé tan vùng đất, hét lớn “Nữa! Nữa! Nữa!” Giá mà năm mươi ngọn núi tựa lên nhau kia hiệp lực đổ ập xuống nó! Và, sẵn một lượt, đổ ập lên luôn chủ nợ của tôi, tên tiểu quái cứ nhiêng nhiếc bên tai tôi đòi tiền, kẻ khiến tôi khiếp đảm hơn mọi đầu xe lửa nào trên đời – tên ma cô cằm lưỡi cuốc cày trên đường rày đòi nợ tôi cả Chủ nhật, từ nhà ở đến nhà thờ, đến ngồi cùng một băng ghế với tôi và giả vờ lịch sự đưa tôi cuốn kinh được giở đúng trang, rồi thọc tờ giấy nợ đáng ghét của hắn ngay dưới mũi tôi giữa lúc tôi đang cầu nguyện, chắn đường tôi đi đến sự cứu rỗi dành cho mình; bởi ai mà giữ được bình tĩnh trong tình huống như thế?

Tôi không sao trả nổi tên khủng khiếp ấy; thế mà người ta cứ bảo chưa bao giờ bạc tiền ê hề như thời nay – như nước ở biển; cứ cho là lỗi tại tôi đi, nhưng tôi có thấy nước nôi gì đâu, dẫu trần đời chưa ai đang phải khát khô khát cháy như tôi hiện tại. Lời ấy tuyền xạo sự; tiền đâu mà ê hề - lục túi quần tôi khắc biết. Cha! Đó là thuốc bột tôi định mang cho đứa bé bị bệnh ở túp lều kia kìa, chỗ ở của tên Ái Nhĩ Lan chuyên nghề đào mương đấy. Thằng bé bị sốt phát ban. Nghe nói vùng này dịch sởi đang hoành hành, cả đậu mùa và thủy đậu nữa, toàn những bệnh không tốt cho trẻ đang mọc răng. Rồi cuối cùng, tôi nghĩ rằng những đứa trẻ tội nghiệp kia sau khi vượt ngàn chông gai sau rốt rồi cũng bị bẻ nát; tức là chúng đã mắc sởi, quai bị, viêm thanh quản, sốt phát ban, thủy đậu, viêm ruột, bệnh vặt về đường tiêu hóa vào mùa hè, và các loại khác, một cách công cốc. Á! Vai phải của tôi bỗng nhói lên bởi chứng thấp khớp. Tôi dính bệnh này vào một đêm nọ trên Sông Bắc, trên một con tàu chật ních người, tôi nhường chỗ cho một bà lão ốm yếu và ra boong đứng cho đến tận sáng trong làn mưa lất phất. Đó là phần thưởng cho người tốt đấy! Này cơn nhói! Tung đòn đi, lũ thấp khớp kia! Lúc đó mà ta không kết thân mà giết quách lão bà kia thì đời nào tụi mi hành hạ ta được thế này. Cả chứng khó tiêu nữa – tôi khổ hết nấc với thứ ấy.

Hê lô! Kìa lũ bê lứa hai tuổi đấy, chúng đang được thả ra đồng cỏ sau sáu tháng ăn cỏ khô trong chuồng trại. Hỡi ôi, nguyên bầy trông đến là thảm hại, chứ sao nữa; xương xẩu bén ngót nhô ra ngoài như khuỷu tay; hết thảy đều dính nhớp thứ gì đó đã khô lại trên mạn sườn như những lớp bánh kếp. Lông cũng bạc màu hết cả, lốm đốm mọi nơi; chỗ nào không dính bánh kếp thì chỗ đó rụng, nom như những mặt bị chà xát quá nhiều trên thân một cái hòm da cũ rích và thô kệch. Bê bò gì chứ, chúng thực sự là sáu cái hòm da cũ rích đáng ghét đang lang thang trong đồng cỏ đấy.

Hầy! Lạy Chúa, gì thế? Nhìn! Những hòm da kia dựng tai lên và đồng loạt ngóng về hướng vùng quê chung chiêng ấy. Hầy à! Trong trẻo quá! Lảnh lót quá! Miên man quá! Hay làm sao bài ca tạ ơn đầy hân hoan của tiếng gà bình minh! “Vinh quang Đức Chúa Trời nơi chí cao!” Nó phát ra từng tiếng đó, rõ ràng hệt như bất cứ con gà trống nào trên đời. Tại sao, tại sao, tôi bắt đầu cảm thấy chút bối rối quay lại. Dù sao thì sương không dày quá. Mặt trời cũng bắt đầu ló dạng; tôi thấy ấm hơn chút.

Nghe kìa! Nữa đấy! Có tiếng gà phúc phần nào như thế từng vang dậy khắp đất này trước kia chưa thế! Trong, đe, vô cùng can đảm, vô cùng nhiệt huyết, vô cùng vui thú, vô cùng hân hoan. Nó như nói ra thật – “Đừng sợ chết!” Bạn hiền ơi, thật phi thường, phải không?

Đột nhiên, tôi nhận ra mình đang nói lời ấy với lũ hai tuổi – lũ bê ấy – một cách vô cùng sôi nổi; điều đó chứng tỏ rằng bản chất của con người sẽ tự bộc lộ ra ngoài theo cách vô thức nhất. Đối với lũ bê hai tuổi ấy, tôi như rơi vào cơn cuồng nhiệt trên đỉnh đồi, trong khi một chú gà trống đứng ở mô đất đó, không lời lẽ lý sự, không bạc tiền trần thế, với cái chết luôn luôn chực chờ ập xuống bởi người chủ đói bụng, giờ ở đó cất cao tiếng gáy như một kẻ chiến thắng đang ăn mừng vinh quang rực rỡ ở vùng New Orleans.

Nghe kìa! Lại nữa đấy! Bạn hiền ơi, đó chắc chắn là một con Thượng Hải[4], không giống gà nội địa nào có giai điệu hân hoan phi phàm như thế. Chính thế đấy, bạn hiền ơi, một con Thượng Hải, Vua Trung Quốc của mọi giống gà.

Nhưng bạn hiền của tôi, những cái hòm da, đã trở nên hoảng sợ bởi âm thanh vinh hiển ồn ã ấy, thế là ngoe nguẩy đuôi chạy đi, chân phi lò dò trông đến là vụng về, nhìn là đủ biết trong sáu tháng qua chúng đã không được tự do nhảy nhót.

Hầy! Nữa rồi! Gà trống ai thế nhỉ? Vùng này lại có người mua nổi con gà Thượng Hải siêu việt như thế sao? Chúa tôi – nó làm máu tôi sôi lên – tôi thấy mình hoang dã. Gì cơ? Giậm lên khúc cây này, đập khuỷu tay và gáy theo ấy hả? Và ngay bây giờ, trong cơn buồn chán ai vãn. Và tất cả những điều ấy chỉ xuất phát từ một tiếng gáy của một gà trống. Con gà diệu kỳ! Nhưng mềm yếu – cu cậu giờ đang gáy hăng lắm; nhưng chỉ mới sáng thôi; cứ chờ xem đến trưa, đến tối muộn xem cu cậu gáy kiểu gì. Cứ nghĩ mà xem, lũ gà trống gáy hăng nhất vào đầu ngày. Nhưng rốt cục, chúng không gan dạ được bao lâu. Đúng, đúng; ngay cả lũ gà trống cũng phải phủ phục trước sự cám dỗ đại đồng của khổ đau; hân hoan những lúc ban đầu, sau rốt xiết mấy muôn phần khổ đau.

“Vào những sáng đẹp trời, Ta

Tựa lũ gà trống đẹp mã hăng say cất tiếng gáy;

Nhưng khi đêm tới, ta không gáy nhiều nữa,

Bởi đó là khi nhụt chí và cơn điên tới.”

Nhà thơ hẳn đã nghĩ đến con Thượng Hải này khi viết ra bài ấy. Nhưng dừng. Rồi tiếng chuông ấy lại cất lên, vang hơn, đầy hơn, dài hơn, hân hoan dữ dằn hơn thập phần trước đó! Thực tế, người ta nên gỡ chuông xuống và đưa con Thượng Hải này lên thế. Con gà sẽ kéo bừng cả London, từ Mile-End (nơi không có điểm cuối) đến Đồi Primrose (nơi chẳng có bông anh thảo nào)[5] và thổi tan sương mù.

Chà, sáng nay tôi lại thấy đói bụng dù cả tuần nay tôi chưa từng màng đến việc dùng điểm tâm. Tôi định bụng chỉ dùng trà và bành mỳ nướng; thôi, tôi sẽ lấy cà phê và mấy trứng vậy – không, thực ra là bia nâu đen và một miếng bít-tết. Tôi muốn ăn thật thịnh soạn. A, tàu lửa đi tuyến tỉnh lị đang tới kìa; những toa tàu màu trắng, vụt qua hàng cây như một tia bạc. Ôi tiếng chiêm chiếp của đầu máy xe lửa thật nhộn nhịp làm sao! Hành khách tươi tắn hết lớn. Những chiếc khăn mùi soa giơ ra vây vẫy – họ đang xuống phố ăn hàu, gặp bạn, tạt qua rạp xiếc. Nhìn lớp sương đằng xa kia kìa; bằng những lọn xoăn và sóng dợn mềm mại, chúng ôm ấp những đồi, và ông mặt trời dệt những tia nắng vào giữa chúng. Nhìn làn khói lam từ ngôi làng kia mà xem, hệt như tấm mùng lam giăng quanh giường cưới. Ở nơi đó, nơi dòng sông chảy qua đồng cỏ, vùng quê tươi rạng biết mấy. Cỏ cũ ngã rạp xuống nhường cho cỏ mới. Chà, chuyến tản bộ này xem bộ khá khẩm hơn rồi đây. Về nhà thôi, về với bít-tết, khui một chai bia nâu đen; và khi đã uống hết – tầm một lít bia – vào lúc đó, ta sẽ thấy khỏe như Samson. Nghĩ lại, gã đòi nợ có thể sẽ đến vòi tôi tiếp cho xem. Tôi sẽ đến bìa rừng và bẻ một nhánh cây. Tôi sẽ lấy cây mà quật hắn, thề có Chúa, nếu hắn nhằm ngày nay mà đến đòi nợ tôi.

Hầy! Lại con Thượng Hải đấy. Thượng Hải bảo, “Bra-vô!” Thượng Hải bảo, “Quật hắn đi!”

Ôi, con gà dũng cảm!

Tôi thấy hồn mình phấn chấn lên hẳn nguyên một buổi sáng. Tên đòi nợ gọi tôi lúc mười một giờ, tôi sai thằng bé Jake gọi hắn tới. Tôi đang đọc Tristam Shandy và không thể xuống dưới trong tình cảnh thế này. Một tên ma cô gầy nhom (kiêm một tên nông dân gầy nhom, nghĩ mà xem) bước vào, tôi thì đang ngồi đó trên ghế bành, chân gác lên bàn, tay cầm chai bia nâu thứ hai, cuốn sách đặt ngay tầm mắt.

“Ngồi đi,” tôi bảo, “tôi đọc nốt chương này đã rồi tiếp anh. Một sáng đẹp trời. Ha! Ha! – này là trò đùa về Chú Toby của tôi và Bà Góa Wadman! Ha! Ha! Ha! Để tôi đọc anh nghe.”

“Tôi không có thời gian; tôi còn phải làm việc trưa.”

“Quỷ tha ma bắt cái việc của anh đi!” tôi bảo. “Đừng có đánh rơi thứ thuốc lá cũ xì của anh ở đây, không tôi đuổi cổ anh đi đấy.”

“Này, Ngài!”

“Để tôi đọc cho anh nghe đoạn Bà Góa Wadman. Bà Góa Wadman bảo…”

“Giấy nợ tôi, thưa ngài.”

“Tốt lắm. Cất đi, nhé – đang giờ tôi hút thuốc; và châm giùm tôi cục than, chỗ lò sưởi kia kìa!”

“Giấy nợ tôi, thưa ngài!” tên ma cô bảo, mặt tái nhợt vì giận dữ và kinh hoàng bởi thái độ bất thường của tôi (trước kia thì người tái mặt là tôi, bởi phải né tránh hắn luôn), nhưng vẫn rất thận trọng không để lộ ra chút nào từ vẻ ngạc nhiên tột bực của hắn. “Giấy nợ đây, ngài” – và hắn lấy nó dúi mạnh bạo vào tôi.

“Bạn hiền ơi,” tôi bảo, “sáng hôm nay kiều diễm quá đỗi! Quê hương ta có bao giờ đẹp như hôm nay! Kìa, anh có nghe tiếng gà gáy phi phàm ấy sáng hôm nay không? Lấy li rót bia của tôi mà uống.”

“Của anh? Trả nợ cho người ta trước đi rồi hẵng mời mọc bia bọt chứ!”

“Vậy, thành ra anh nghĩ tôi không có bia à,” tôi bảo, đứng bật dậy, “Tôi sẽ cho anh thấy sự thật, tôi sẽ cho anh thấy một loại bia đen thượng hạng cho tới Barclay and Perkins.[6]

Không nói thêm lời nào nữa, tôi tóm vạt áo rộng của tay chủ nợ láo xược ấy – (tên ma mãnh gầy còm nhưng cái bụng phệ phình, áo có rất nhiều vạt để mà tóm lấy) – tôi tóm hắn theo cái lối đó, trói hắn lại bằng nút thủy thủ và nhét tờ giấy nợ vào giữa hai hàm răng hắn, chỉ cho hắn miền quê mênh mông xung quanh nơi tôi ở.

“Jake,” tôi nói, “cậu ra nhà kho tìm giúp tôi một bao khoai tây tím. Mang nó đến đây rồi đưa cho tên vô lại này để hắn đi cho mau; hắn cầu xin tôi từng cắc, trong khi tôi thừa biết hắn có thể làm việc, chỉ là hắn quá lười. Đuổi cổ hắn đi, Jake!”

Ôi Chúa ơi cái tiếng gáy ấy! Thượng Hải cất lên một bài khải hoàn và laudamus không chê đâu được – ôi tiếng kèn chiến thắng vang dội tới nỗi hồn tôi như đã cười khúc khích với tôi. Lũ chủ nợ ư! – tôi chấp cả bầy tụi chúng! Thượng Hải đã nói lên chân lý rằng, lũ chủ nợ sinh ra chỉ đến bị đá, treo, dập, thụi, bóp, quật, đập, dìm, quất!

Trở vào nhà, khi sự phấn khích sau chiến thắng với tay chủ nợ dịu đi một chút, tôi bắt đầu suy tư về cu cậu Thượng Hải đầy bí ẩn kia. Tôi chưa từng biết sẽ nghe thấy tiếng nó gáy gần nhà mình tới thế. Tôi tự hỏi nó gáy từ khoảnh sân trước nhà quý ông nào. Tiếng gáy của nó cũng không lả đi nhanh chóng như tôi nghĩ. Nó gáy ít nhất là đến tận giữa trưa. Nó sẽ gáy suốt cả ngày luôn ư? Tôi quyết tìm cho ra nhẽ. Tôi lại lên đồi lần nữa. Khắp miền quê giờ đây ngập tràn trong ánh năng tươi vui. Cây xanh ấm áp vươn ra quanh tôi. Bầy ngựa ra đồng. Chim chóc mới từ phương Nam trở về ríu rít hót trên không trung. Ngay cả lũ quạ cũng kêu lên âm thanh dịu ngọt và bớt đen một hai tông so với thường lệ.

Nghe kìa! Lại con gà ấy! Tôi phải miêu tả làm sao mới đặng cái tiếng gáy ban trưa của nó! So với lúc này đây, bài ca nó cất lên lúc bình minh chỉ như tiếng thì thầm. Đó là tiếng gáy to nhất, dài nhất và lảnh lót kỳ lạ nhất từng khiến con người phàm tục bất ngờ. Tôi từng nghe rất nhiều tiếng gà gáy, nhiều thuộc hàng thượng – nhưng hỡi ôi cái tiếng kêu này! Thật êm, như có tiếng sáo tiệp trong giọng – trật tự tại trong chính tiếng kêu hân hoan của nó – thật bát ngát, lồng lộng, căng phồng, vun vút, hệt như hét lên từ một cái cổ họng bằng vàng bị ném liệng ra phía sau. Nó không giống tiếng gáy ngớ ngẩn, phù phiếm của những con gà trống độ hai tuổi, kẻ chưa biết thế giới và đang bắt đầu cuộc sống trong tinh thần hân hoan táo bạo bởi sự vô tri khốn đốn trước những gì sắp sửa ập đến. Đó là tiếng kêu của một con gà trống đã sõi với đời; tiếng kêu của con gà đã lĩnh hội điều này điều kia; tiếng kêu của con gà đã chống chọi với đời và khôn ngoan giành thắng lợi để lại cất lên tiếng gáy, dù đất có thể đội lên và trời có thể sập xuống. Đó là tiếng gáy thông tuệ; một tiếng gáy bất khuất; một tiếng gáy đậm đà triết lý; tiếng gáy của mọi tiếng gáy.

Tôi trở về nhà lần nữa, tinh thần phấn chấn và cảm giác bất bại tràn ngập, tôi nghĩ về khoản nợ của mình và những điều rối ren khác, nghĩ tới cả những cuộc nổi dậy xấu số của người nghèo bị áp bức ở ngoại quốc, và nghĩ tới những tai nạn trên đường rày và tàu hơi nước, nghĩ tới tận người bạn thân yêu đã mất của tôi, với nỗi say mê kháng cự đầy bình tĩnh, nhẹ nhàng đến nỗi chính tôi cũng kinh ngạc. Tôi nghĩ mình có thể gặp cả Thần Chết, mời ngài ăn tối và nâng ly mừng ở Catacombs, trong niềm vui tự lập tuôn trào và cảm giác an toàn tuyệt đối.

Tối đó, tôi lại lên đồi để xem liệu con gà tú lệ ấy có giữ lòng gan dạ từ lúc mặt trời ló dạng đến lúc lặn xuống hay không. Ôi tiếng nói của Chiều Hôm và Giới Nghiêm! – tiếng gáy đêm của con vật ấy từ cổ họng thiêng thánh của nó vang dội và ngự lại vùng đất, như Xerxes từ phương Đông kéo tới cùng đạo quân hai cánh tả hữu của mình. Việc ấy thật diệu kì. Chúa ơi, tiếng kêu ấy! Con vật vào đã vào chuồng đi ngủ, trú lại nơi ấy, để lại một ngày ngập tràn chiến thắng và để lại cho đêm hàng vạn vang vọng từ tiếng gáy của mình.

Sau một giấc ngủ ngon lành, sảng khoái khác thường, tôi dậy sớm, thấy mình như nhíp xe ngựa – nhẹ - hình ê-líp – rỗng – nổi như mũi cá tầm – và, như một quả bóng, tôi lăn lên đồi. Nghe kìa! Thượng Hải dậy sớm hơn tôi mất rồi. Con chim dậy sớm bắt được nhiều sâu – gáy tung như chiếc bu-gi chạy bằng động cơ – hăng say, ồn ào, ngập tràn hân hoan. Từ những nông trại đó đây, tiếng gáy từ các con gà khác vang dậy, đối đáp lẫn nhau. Nhưng chúng chẳng khác gì đem tiếng sáo đọ với tiếng kèn trôm-pôn. Thượng Hải đột ngột xen vào, ăn đứt những âm thanh xung quanh bằng tiếng sấm nổ ngoại hạng của mình. Nó dường như chẳng bận tâm đến thứ gì khác. Nó chẳng đáp lại tiếng kêu của con nào khác mà chỉ gáy một mình, vì chính mình, trong sự khinh miệt và độc lập đầy đơn độc.

Ôi con gà tú lệ! - ôi, Thượng Hải tú lệ! – ôi, chính nó, con gà mà Socrates bất khả chiến bại đã dâng lên như bằng chứng cho chiến thắng cuối cùng trong cuộc đời của mình[7].

Nếu đã sống đến cái ngày phước lành này, tôi nghĩ, tôi sẽ đến tìm Thượng Hải, rồi mua nó, dẫu có phải chịu thêm một khoản thế chấp lên mảnh đất của mình.

Bấy giờ, tôi lắng tai nghe kỹ, cố gắng khoanh vùng phương hướng tiếng gáy cất lên. Nhưng tiếng kêu cứ réo rắt và dềnh vào không khí, làm cho nơi nào cũng tràn ngập thứ âm thanh ấy, tới nỗi chẳng thế biết chính xác là nó cất lên từ điểm nào. Tất cả những gì tôi có thể suy ra là: tiếng kêu phát lên từ hướng đông, không phải hướng tây. Đoạn, tôi tính xem vùng nghe được của một tiếng gà kêu rơi vào khoảng nào. Ở miền quê im lặng và quây kín bởi tứ bề núi non, âm thanh nào cũng có thể lan ra xa đáng kể. Thêm vào đó, mặt đất mấp mô và núi non nối liền vào những ngọn đồi và thung lũng bát ngát phía dưới cũng tạo ra những tiếng vọng, vang và dội lạ lùng, kết hợp lại những cộng hưởng tích tụ, rất ngạc nhiên cho một âm thanh, rất khó khăn cho một sự kiến giải. Thượng Hải uy mãnh đang giấu vào nơi nào – con vật của Socrates không chút kháng cự - con gà chọi Hy Lạp đã chết mà không hề nao núng? Nó đang lẩn vào nơi nao? Ôi, con gà tú lệ, mi ở đâu? Gáy lên lần nữa đi, Bantam[8] của ta! Ôi hoàng tử, ôi ông vua Thượng Hải của ta! Ôi Vua gà Trung Hoa của ta! Ôi người huynh đệ mặt trời! Ôi người anh em họ của thần Jove vĩ đại[9]! Mi nơi nao? – Gáy lần nữa xem nào, hãy cho ta biết về mi.

Hầy! Hệt như toàn bộ gà ở khắp vùng quê hợp lại mà ca xướng, bùng lên tiếng gáy dữ dội của mình. Nhưng từ đâu cơ chứ? Tiếng kêu thì đây, nhưng gà đâu? Chỉ biết được nó phát ra vẳng từ hướng đông sang.

Ăn sáng xong, tôi cầm gậy men dọc con đường. Rải rác ở làng kế bên là cơ ngơi của những quý ông xa hoa mà tôi chắc mẩm rằng đã chịu đầu tư cả trăm đô la cho con Thượng Hải thượng thặng được mang tới đây trên tàu Trade Wind, hoặc tàu White Squall, hoặc Sovereign of the Seas; bởi chỉ những con tàu tú lệ với cái tên tú lệ mới có thể may mắn được chuyên chở con gà tú lệ ấy. Tôi quyết tâm đi hết miền quê và tìm cho ra con vật ngoại quốc tú lệ đó; nhưng trước hết, tôi nghĩ chẳng thiệt gì mà cứ ghé tạm vào một trang trại khiêm tốn hết đỗi trên đường để hỏi họ liệu có biết rằng con Thượng Hải mới được nhập từ ngoại quốc về thuộc quyền sở hữu của quý ông thành thị mới về quê định cư nào quanh đây không; bởi rõ ràng, hạng bần cố nông làm sao có được thứ chiến phẩm Đông phương trác tuyệt ấy – một con gà có cả một Quả chuông lớn nhà thờ St. Paul trong cổ họng.

Tôi gặp một người đàn ông lớn tuổi đang cày ruộng trên cánh đồng gần bờ rào bên vệ đường.

“Này bạn, nãy giờ ông có nghe tiếng gà gáy siêu hạng nào không hử?”

“Chậc, chậc,” ông ta chậm rãi. “Tôi không biết nữa – Bà góa Crowfoot có một con gà – Ông địa chủ Squaretoes cũng có một con – và tôi cũng có một, chúng đều gáy cả. Nhưng tôi không biết con nào trong số chúng có tiếng gáy siêu hạng.”

“Thế sáng vui nhé,” tôi nói cộc lốc; “rõ ràng là ông chưa nghe tiếng gáy của con gà trống Vua Trung Hoa đó rồi.”

Tiếp đến, tôi gặp một ông già khác đang sửa bờ rào mới sập. Các song sắt đã gỉ nát hết cả, tay ông này rớ tới đâu chúng nát vụn ra thành đất màu vàng thổ tới đó. Tốt nhất là ông ta để nó yên đấy, hoặc ai đó sắm cho ông một cái mới. Đến đây tôi phải nói ra một sự thật rằng, nguyên nhân sự ngu ngốc biểu lộ rõ rệt ở lũ nông dân hơn hẳn các nhóm khác nằm ở chỗ họ lại đi sửa hàng rào giữa một ngày xuân ấm lành thong thả như thế này. Công việc đến là vô vọng. Sự ấy đến là nhọc nhằn; hành động đó quá là vô ích. Đó là công việc làm con tim vụn vỡ. Những nỗi đau mênh mông bị xài hoang chẳng để làm gì. Bởi làm sao người ta có thể dựng lại một hàng rào đã mục ruỗng bằng những cái chốt cũng mục nát của nó? Thứ thần thông nào sẽ khiến nhựa thông bám vào những chấn song đã trơ gan cùng sáu mươi mùa đông buốt giá và sáu mươi mùa hạ nắng nôi hỗn hào? Thế đấy, cứ khốn khổ nỗ lực sửa lại hàng rào mục ruỗng thì chẳng mấy chốc lũ nông dân như ông ta khéo vào trại tâm thần hết.

Trên gương mặt người đàn ông tôi đang nói tới, sự ngu ngốc nhu nhú hiện ra rất rõ. Bởi, khoảng sáu mươi thanh sắt trước mắt ông ta trải ra thành một trong những hàng rào Virginia thảm thương và tuyệt vọng nhất tôi từng thấy trong đời. Trong khi trên cánh đồng đằng sau, một đàn bê non như bị quỷ ám cứ húc vào trong bờ rào đã sẵn te tua ấy, khiến ông già thi thoảng phải bỏ việc ngang xương và đuổi chúng sang một nơi khác. Ông ta sẽ cầm trên tay một thanh sắt như mũi mác của Goliath nhưng nhẹ như nút bần. Vung lên một cái, nó liền vỡ ra thành bột.

“Này anh bạn,” tôi gọi tên phàm phu đáng thương ấy, “nãy giờ anh có nghe thấy tiếng gà siêu đẳng nào chăng?”

Ông làm y như rằng tôi vừa hỏi ông có nghe tiếng ve chó kêu hay không ấy. Ông nhìn tôi bằng ánh mắt dài dài, lơ ngơ, ủ rũ đến khó tả, rồi chẳng ừ hữ gì, lao đầu vào công việc khố đốn của mình.

Mình khờ ghê, tôi nghĩ, lại đi hỏi cái thứ ủ ê, chán nản này về một con gà trống hân hoan.

Tôi đi tiếp. Giờ tôi đã xuống khỏi vùng đồi quanh khu vực nhà mình, lọt thỏm giữa vùng trũng nên chẳng thể nghe thấy tiếng gáy của chú gà Thượng hải nữa – chắc chắn tiếng nó kêu không vang tới đây nổi. Vả, biết đâu chú gà ấy đang mải mổ ngô và ngũ cốc, hay chợp mắt nghỉ trưa, nên mới tạm dừng những bài ca cao lộng của mình.

Cuối cùng, tôi gặp một vị quý ông bệ vệ - à không, phải nói là phục phịch mới đúng - đang cỡi ngựa dọc đường. Ông ta vừa mua được vài mẫu đất rất thuận, xây cả một dinh thự nguy nga và có cả chuồng gia cầm đàng hoàng, người ta kháo nhau nức khắp vùng đấy thôi.

“Ngài ơi,” tôi bảo, “thứ lỗi cho, tôi là dân vùng này đây, xin cho hỏi ngài có nuôi gà Thượng Hải không ạ?”

“Ồ, có chứ! Tôi có tới mười con.”

“Mười sao!” tôi hô lên, kinh ngạc lắm; “thế chúng nó biết gáy hết phỏng?”

“Gáy hùng hồn luôn, con nào cũng thế! Ai thèm nuôi gà trống mà không biết gáy chứ.”

“Ngài có thể dắt tôi về nhà chiêm ngưỡng đàn gà Thượng Hải ấy không?”

“Rất hân hạnh. Tôi tự hào về chúng lắm. Cả đàn ngốn của tôi cả sáu trăm đô la đấy chứ.”

Vừa đi bên cạnh ngựa ông, tôi vừa tự hỏi liệu có khi nào tiếng gáy siêu hạng mà mình vẫn tưởng phát ra từ một con gà thật ra là tiếng hoà điệu của cả đàn mười con hay không nữa.

“Ngài ơi,” tôi cất tiếng mà hỏi, “có con nào trong đàn gáy mạnh hơn hẳn, giai điệu hùng dũng hơn hẳn, làm lay động người ta hẳn không ạ?”

“Theo tôi thì chúng gáy như nhau cả đấy,” ông lịch sự đáp tôi. “Thật lòng thì tôi chẳng phân biệt được tiếng gáy nào là của con nào nữa.”

Tôi bắt đầu sanh nghi rằng chú gà trống tôi đang tìm chẳng thuộc về vị quý ông giàu có này. Dù vậy, tôi vẫn cùng vào khu chuồng gia cầm để ngắm đàn gà Thượng Hải. Phải nói là trước giờ tôi đâu có dịp được nhìn tận mắt giống gà ngoại nhập này. Tôi nghe đồn chúng có giá cao và kích thước to táp lắm, nên cũng chắc mẩm chúng ắt phải sở hữu vẻ đẹp rỡ ràng sao cho xứng với giá tiền cùng thân hình mình. Thế nên, khỏi phải nói tôi chưng hửng thế nào khi thấy mười con quái thú màu cà rốt, lông lá chẳng toả ra chút hào quang nào. Tôi biết ngay chú gà vương giả tôi hằng đi kiếm không nằm trong chỗ này, mà đám này cũng chẳng thể là gà Thượng Hải được; có lí nào đám gia cầm đáng vô nồi nước sôi[10] này lại thuộc giống gà Thượng Hải được.

Tôi lặn lội cả ngày trời, dừng chân để nghỉ và dùng bữa tại một trang trại nọ, lọ mò đi xem đủ khu chuồng, chất vấn chủ nuôi đủ kiểu, lắng nghe đủ thể loại gáy, nhưng vẫn không thể tìm thấy chú gà trống bí ẩn ấy đâu. Thực tế, tôi đã lang thang đi những chỗ xa và heo hút quá, giờ chẳng nghe tiếng gáy nữa. Tôi bắt đầu nghi ngờ rằng chú gà kia chỉ là một vị khách ghé qua xứ này thăm chơi và đã lên chuyến tàu mười một giờ đi về phương Nam và giờ đang đập cách gáy dồn đâu đó trên dệ cỏ xanh rì của Long Island Sound.

Nhưng sáng hôm sau, tiếng gáy đầy cảm hứng ấy lại vang lên, lại giục giã lòng tôi, kéo tôi vượt lên mọi thống khổ trong cuộc sống và xui tôi tống cổ gã chủ nợ ra khỏi cửa. Nhưng có lẽ bực mình vì thái độ của tôi hôm trước nên nay hắn không tới, chắc dỗi rồi đây. Đúng là đại ngốc, đùa tí làm gì căng. 

Mấy ngày trôi qua, tôi thăm thú đủ chỗ quanh vùng mà vẫn không sao tìm ra chú gà. Dù thế, tiếng nó vẫn tìm đến chỗ tôi ở trên đồi, đôi khi vang vào cả nhà tôi, đôi khi giữa đêm thanh vắng. Có mấy lần tôi đang thất thểu lắm, bỗng nghe tiếng gà kiêu hãnh cất lên, tâm hồn tôi lập tức cũng hoá thành một con gà trống, đập cánh, giương cổ, thách thức cả thế gian khổ đau bằng một tiếng gáy đầy phấn khích.

Cuối cùng, sau vài tuần, tôi buộc phải đặt thêm một khoản thế chấp lên mảnh đất của tôi để trả nợ, trong số đó có một phần của tay chủ nợ kia, kẻ đã đâm đơn kiện tôi. Cách cảnh sát tống đạt giấy xúc phạm không chịu nổi. Tôi đang thư giãn trong tư phòng ở quán rượu trong vùng, nhâm nhi chai bia đen Philadelphia, nhấm nháp chút phô mát Herkimer với bánh mì, sau khi đã báo với chủ quán (bạn tôi) rằng tôi sẽ thanh toán khi khoản tiền tiếp theo được gửi về. Khi tôi bước ra chỗ treo mũ trong quầy rượu để lấy điếu xì gà ngon để dành được thì, chao ôi, tôi thấy tờ giấy triệu tập quấn quanh điếu thuốc. Khi tôi mở điếu thuốc, tôi mở luôn tờ trát, tay cảnh sát đứng cạnh lè nhẹ nói, “Nhớ đấy nhé!” rồi thì thầm đế vào: “Không nhớ thì bỏ vào tẩu hút cho nhớ.”

Tôi quay ngoắt lại nhìn đám người đang có mặt trong quán rượu. Tôi bảo, “Các quý ông hỡi, đây có phải cách đàng hoàng, à không, cách hợp luật để tống đạt trát không hử? Nhìn mà xem!”

Tất cả bọn họ ai nấy cũng đều đồng tình rằng tay cảnh sát đã láo lếu tới mức lợi dụng cái lúc người ta đang ăn pho mát và nhấm bia để nhét giấy mời vào mũ. Quá là nhỏ mọn; quá là độc ác; mới ăn xong đã phải nhận chuyện bàng hoàng ấy, mớ phô mai vừa xơi chắc lộn tùng phèo cả trong bụng, bởi cái thức ấy vẫn khó tiêu có tiếng mà, đâu có như bánh flăng.

Về đến nhà, tôi giở trát ra đọc và cảm thấy buồn buồn tủi tủi. Ôi đời là bể khổ! Đời là bể khổ! Tôi đây, một kẻ tốt bụng chẳng ai bằng – hiếu khách – rộng lượng – hào hiệp tột bực, thế mà đời không cho tôi đủ tiền để ban đời chút ơn. Trong khi bao kẻ giàu nứt đố đổ vách mà vẫn keo kiệt, bủn xỉn, thì tôi đây, lòng dạ rộng rãi quá chừng mà lại bị đòi lên hầu kiện vì nợ nần! Tôi cúi đầu, thấy cô đơn – bất công – bị bạc đãi – hất hủi – tóm lại, khổ hết chỗ nói.

Này! Tiếng kèn đồng! Đúng hơn là tiếng sấm rền – tiếng gà gáy hùng tráng và đầy khinh mạn lại vang lên rồi đấy! Lạy Chúa, nó khiến tôi phải đứng thẳng người lên ngay! Vững trên đôi chân! Không, vững trên đôi cà kheo mới đúng!

Ôi, con gà tú lệ!

Như thể nó cất lên tiếng nói rõ mồn một, rằng: “Mặc kệ thế gian và tất cả tan thành mây khói đi. Cứ vui lên, đừng bao giờ đầu hàng! Thế gian có là gì với mi đâu? Nó là gì chứ, chẳng phải chỉ là một cục đất sét thôi sao? Cứ vui lên đi!”

Ôi, con gà tú lệ!

“Nhưng gà trống thân thương và huy hoàng của ta ơi,” tôi tư lự, “chuyện vứt bỏ cả thế gian này với người ta đâu có dễ dàng; người ta đâu thể cứ vui lên khi trong mũ, hay trong tay, đang có giấy triệu tập.”

Nghe kìa! Tiếng gáy lại dội lên. Mồn một nói: “Mặc kệ giấy triệu tập đi, mặc kệ cái thằng đưa giấy! Nếu mi không có đất đai hay tiền bạc, hãy đánh nó một trận tơi bơi rồi bảo mi sẽ quịt luôn. Cứ vui lên đi!”

Nhờ chính những lời khuyên giục giã của chú gà, tôi đã quyết định đặt thêm khoản thế chấp, gom hết nợ nần vào một đầu. Quẳng được cục lo, giờ tôi lại tiếp tục hành trình tìm kiếm chú gà trống tú lệ. Nhưng công cốc cả, dù ngày nào cũng nghe tiếng nó. Tôi bắt đầu cảm thấy có sự lừa dối nào đó trong cái chuyện kỳ khôi này: một nhà nghệ sỹ nói tiếng bụng tài ba nào đó đang rình rập quanh chuồng, tầng hầm hoặc mái nhà tôi, cố tình đùa cợt tinh quái tôi. Nhưng không đâu – làm gì có ai nói tiếng bụng được cái giọng gáy hùng tráng như từ trên trời gởi xuống như thế chớ?

Rồi, một sáng nọ, có một gã lập dị tới tìm tôi – chính là người thợ tôi đã thuê đốn gỗ cho hồi tháng Ba, thành phẩm được đâu đó ba nhăm cóoc[11], giờ y tới lấy tiền. Tôi bảo y lập dị vì y có cái thân hình lêu nghêu, khuôn mặt dài thườn thượt, rười rượi, trong khi đôi mắt lại ánh lên niềm vui lạ lùng, tạo ra sự tương phản rất khó hiểu. Y toát ra không khí điềm đạm mà không ủ ê. Y bận một chiếc áo khoác dài xám cũ kỹ và đội cái mũ bẹp dúm. Tiền công tôi phải trả dựa theo số cóoc thành phẩm y làm được. Y đứng cưa cả ngày dưới trận bão tuyết mà không buồn chớp một con mắt. Y chẳng bao giờ hé miệng trừ khi được hỏi. Y chỉ cưa. Cưa, cưa, cưa – tuyết, tuyết, tuyết. Lưỡi cưa và bông tuyết hoà quyện vào nhau như hai thứ sinh ra có nhau. Ngày đầu tiên tới làm, y cắp theo đồ ăn trưa và tự nguyện ngồi ăn trên khúc gỗ kê giữa trời tuyết xối. Tôi vừa đọc Giải phẫu học nỗi sầu muộn của Burton, vừa trông ra cửa sổ thì bắt gặp cảnh tượng ấy. Tôi quày quả chạy đầu trần ra: “Trời ơi!” tôi hét lên; “Chú làm gì đấy? Vào nhà đi. Bữa trưa của chú đấy sao!”

Bữa ăn của y có ít bánh mỳ mốc và một lát thịt bò muối gói trong miếng báo ẩm, y vừa nhấm nháp từng chút một cái thức ấy, vừa đớp tuyết ngậm cho tan làm nước uống. Tôi lôi cái gã bừa phứa này vào nhà, đặt y ngồi cạnh lò, đưa cho một đĩa thịt lợn nóng sốt, đậu hầm cùng một bình rượu táo.

“Nghe này,” tôi nói. “đừng có mang mấy cái đồ ăn nhèm nhẹp tới đây nữa. Chú làm tính theo công nhưng tôi cũng sẽ mời chú bữa trưa.”

Y tỏ lòng biết ơn một cách điềm tĩnh, tự trọng nhưng không phải kiểu vô ơn, rồi xơi ngon lành, làm tôi cũng thấy dễ chịu. Tôi thấy vui khi nhận ra y đã nốc sạch bình rượu táo như một người đàn ông thực thụ. Tôi xem trọng y lắm. Mỗi khi trao đổi công việc bên giá đỡ cưa, tôi luôn giữ thái độ nể nang, lề lối. Bị thu hút bởi vẻ ngoài lạ lùng của y, cùng với sự tập trung đáng kinh ngạc khi y cưa gỗ - cái công việc ai cũng thấy nhàm chán, ghét bỏ - tôi hay cố gắng tìm hiểu xem y là ai, cuộc sống thế nào, sinh trưởng ở đâu, kiểu kiểu thế. Nhưng y cứ im như thóc ấy. Đúng kiểu y tới để cưa gỗ và ăn bữa trưa tôi mời – nếu tôi sẵn lòng – chứ không phải tám chuyện. Thoạt đầu, nhiều lúc cái sự im lặng cứng đầu của y làm tôi thấy hơi bực. Nhưng suy nghĩ kỹ rồi, tôi càng thấy kính trọng y hơn. Tôi kết luận rằng người đàn ông này đã trải qua những tháng ngày gian khó; rằng y đã chịu nhiều va vấp trong đời; rằng y có tính tình nghiêm chỉnh, đầu óc như Solomon, sống điềm đạm, đứng đắn, khiêm cung, và dù rất nghèo, vẫn giữ gìn nhân cách đẹp đẽ của mình. Thi thoảng, tôi tự tưởng tượng y thậm chí có thể làm trưởng lão hay phó tế của một nhà thờ nhỏ vùng quê. Tôi còn nghĩ sẽ không tồi nếu bầu người đàn ông tuyệt vời này làm Tổng thống Hoa Kỳ. Y sẽ là một nhà cải cách vĩ đại.

Tên y là Merrymusk. Tôi thường trộm nghĩ, người gì nghiêm nghị mà có cái tên vui nhộn quá chừng. Tôi đã hỏi thăm loanh quanh thử có ai biết gì về Merrymusk không. Thế mà phải một quãng thời gian sau tôi mới biết được kha khá về y. Hoá ra y sinh ở Maryland và có vẻ đã bỏ xứ tới đây sống lâu rồi; một người lang thang; cho tới mười năm trước, y vẫn sống hoang đàng, dù không vướng lao lý gì; một kẻ có thể làm việc cật lực suốt cả tháng trời với sự tỉnh táo đáng kinh ngạc rồi đốt hết tiền công kiếm được trong một đêm chơi bời. Thời trẻ, y từng làm thuỷ thủ nhưng đã bỏ tàu ở Batavia vì dính một trận sốt thập tử nhất sinh. Thế mà y cũng gượng dậy được rồi lên tàu khác mà về nhà, tới nơi thì phát hiện bằng hữu người nào người nấy đều đã chết hết, bèn quyết định đi sâu vào vùng đất liền phương Bắc rồi ở luôn tại đó. Chín năm trước, y lấy vợ, tới giờ có cả thảy bốn đứa con. Vợ y là người tàn phế; một đứa bị nhiễm trùng khớp, đám còn lại thì còi cọc. Y và gia đình sống trong một căn nhà nhỏ trên miếng đất khô cằn gần khu đường rày ôm sát chân núi. Y từng tậu một con bò sữa rất khá để lũ trẻ có sữa uống nhưng con bò chết vì khó đẻ, y khi ấy chẳng còn tiền để mua con khác. Dù thế, gia đình y chưa bao giờ thiếu ăn. Y làm việc rất cật lực để mang thức ăn về cho vợ con.

Như tôi đã kể, giờ cái tay Merrymusk này tới đòi tiền công cho mớ gỗ đã đốn.

“Bạn hỡi,” tôi bảo, “chú có biết quý ông nào quanh đây có một con gà trống siêu đẳng không hử?”

Ánh mắt gã tiều phu rực lên thấy rõ.

“Tôi không biết quý ông nào,” y đáp, “có thứ gì giống như là con gà trống siêu đẳng hết.”

Ồ, tôi nghĩ, cái tay Merrymusk này không phải kiểu người có thể cho mình biết chút gì đó được rồi. E rằng tôi sẽ chẳng bao giờ khám phá ra con gà trống ấy mất.

Không đủ tiền lẻ để trả Merrymusk, tôi đưa y trước một ít và hứa một hai ngày sẽ ghé tận nơi trả nốt. Thế là vào một buổi sáng đẹp trời nọ, tôi lên đường làm nhiệm vụ. Phải vất vả lắm tôi mới tìm được một con đường đi được dẫn tới căn nhà. Dường như hỏi ai, họ cũng không biết nó nằm chính xác chỗ nào. Nó nép mình vào một vùng rất hẻo ở vùng, mé bên này là rừng rậm (tôi hay gọi là Núi Tháng Mười, bởi vào tháng đó sẽ thấy cả ngọn núi rực rỡ như treo cờ), mé bên kia là một đầm lầy bì bõm có đường rày cắt qua. Đường rày thẳng như ruột ngựa cắt qua nó; ngày ngày bỉ bai mái nhà liêu xiêu này bằng cách trưng trổ ra toàn bộ vẻ đẹp, địa vị, sự thời thượng, sức lực, trang sức, bạc vàng, vải vóc thực phẩm, những cặp đôi mới cưới, những cặp đôi hạnh phúc – tất cả lao vút trước song cửa đơn côi này – chẳng bao giờ dừng lại – vụt! Họ tới – rồi đi biến! Mất hình mất dạng – như thể mảnh đất này của thế gian chỉ đáng để bay qua, chứ không đáng để dừng chân. Và đó là tất cả những gì người ta gọi là cuộc sống mà mái nhà này được thấy.

Dù hơi bối rối, tôi vẫn phiên phiến nắm được hướng đi tới chái nhà và cứ thế lần theo. Khi ngày một gần hơn, tôi ngạc nhiên ra trò khi nghe thấy tiếng gà gáy bí ẩn ngày càng rõ thêm. Thật không đây, tôi tự hỏi, quý ông có gà Thượng Hải mà lại sống ở cái chỗ lẻo hẻo, buồn bèo như thế này sao? Tiếng gáy hùng hồn và ngạo mạn ngày càng rõ lên, càng gần hơn. Có khi tôi đã lạc ra khỏi đường dẫn tới nhà gã tiều phu, tôi tự nhủ mình thế, nhưng ơn trời, tôi dường như đang ngày càng gần lại cái con gà siêu đẳng đó. Tôi như chó táp phải ruồi. Thế là tôi cứ đi tiếp; thi thoảng tiếng gà lại vang lên mời mọc, tươi vui và tráng lệ; tiếng sau lại gần hơn tiếng trước. Cuối cùng, khi rẽ bụi cơm cháy bước ra, hiện ra trước mặt tôi một sinh vật rực rỡ nhất mà mắt người từng được chiêm ngưỡng.

Một con gà trống giống đại bàng vàng hơn là gà. Một con gà trống giống nguyên soái giữa trận mạc hơn là gà. Một con gà trống giống Lord Nelson[12] với đang giương tất cả những món vũ khí lấp lánh, đứng trên boong tàu Vanguard chuẩn bị xông vào cuộc chiến hơn là gà. Một con gà trống giống Hoàng đế Charlemagne trong bộ lễ phục tại Aix la Chapelle hơn là gà.

Con gà ấy chính là thế đấy!

Thân hình nó kêu hãnh, đứng trên đôi chân kiêu hãnh. Bộ lông nó có màu đỏ, vàng và trắng. Màu đỏ chỉ tập trung ở mào – chiếc mào vĩ kiệt và cân đối, tựa như chiếc mũ chiến của Hector vẫn thường được khắc trên những tấm khiên cổ. Bộ lông trắng như tuyệt điểm xuyết những nét viền vàng. Nó đi trước túp lều như một quý tộc; mào ngẩng cao, ngực ưỡn ra, khoe bộ lễ phục lộng lẫy dưới nắng. Dáng đi của nó mới là trác tuyệt. Trông nó như một vị hoàng đế phương Đông trong một vở ô-pê-ra mê hồn.

Merrymusk xuất hiện sau cánh cửa.

“Thứ lỗi cho, chính là Ngài Beneventano đấy sao?”

“Ngài sao!”

“Tôi đang nói con gà này đây,”tôi nói, thoáng ngượng ngập. Thành thật mà nói, tôi đã có chút phấn khích hơi quá nên tôi mới lỡ lời thốt ra cái câu ngớ ngẩn ấy. Trước người ít chữ như cái gã tiều phu mà lại thốt ra một ẩn dụ hàn lâm như thế thì đâu có được. Thành thử, khi cảm nhận được điều này qua ánh mắt ngây thơ của y, tôi cảm thấy mình thật là ngốc; nhưng đã nhanh chóng chữa ngay bằng cách khẳng định tôi đang nói đến con gà.

Mùa thu vừa rồi, tôi có dịp lên thành phố và vô tình xem được một màn trình diễn ở Nhà hát Ô-pê-ra Ý. Trong vở diễn ấy, có một vai hoàng tộc, tên là Signor Beneventano – một người đàn ông cao to oai vệ, người vận y phục lộng lẫy như lông vũ và có những bước đi ấn tượng nhất, thần diệu nhất và kiêu kỳ nhất. Signor Beneventano bước đi như thể sắp bật ngửa ra sau vì trịch thượng quá mức. Và lạ thay, tướng phách ngạo mạn của con gà trống kia y hệt những bước đi trên sân khấu của Signor Beneventano.

Trông kìa! Thốt nhiên con gà dừng lại, ngẩng đầu cao hơn nữa, xù lông lên đầy khí thế rồi cất tiếng gáy vang động. Núi Tháng Mười vọng lại, những ngọn núi khác lại tiếp tục dội lại âm thanh ấy; tiếng gáy lan ra khắp vùng quê. Giờ thì tôi đã hiểu vì sao mình có thể nghe thấy âm thanh hân hoan ấy từ tận ngọn đồi phía xa.

“Lạy Chúa! Chú là chủ con gà này ư? Nó là của chú sao?”

“Là gà của tôi sao!” Merrymusk đáp, ánh mắt hóm hỉnh loé lên từ gương mặt dài thòng lạnh tanh.

“Chú kiếm đâu ra nó thế?”

“Nó nở ra từ quả trứng ngay tại đây thôi. Tôi tự tay nuôi nó lớn đấy.”

“Chú sao?”

Nghe kìa! Tiếng gáy lại dậy lên. Âm thanh đó đủ sức đánh thức linh hồn của mọi cây thông, cây độc cần từng bị đốn hạ trong vùng. Con gà thần diệu! Gáy đã rồi, cu cậu lại tiếp tục những bước đi thật kiêu hãnh trước sự ngưỡng mộ của bầy gà mái.

“Chú lấy bao nhiêu cho con Signor Beneventano này?”

“Ngài nói gì?”

“Con gà kỳ diệu ấy – chú bán bao nhiêu?”

“Tôi không có bán.”

“Tôi trả năm mươi đô!”

“Xoàng!”

“Một trăm!”

“Chê!”

“Năm trăm!”

“Chà!”

“Trong khi chú chỉ là một kẻ nghèo khó.”

“Không, chẳng phải con gà này là của tôi sao? Và tôi vừa từ chối năm trăm đô la để giữ lại nó?”

“Đúng thế,” tôi tần ngần; “thật là thế mà. Mà chú vẫn không bán phỏng?”

“Không.”

“Vậy chú cho không phỏng?”

“Không.”

“Vậy chú giữ lại đi!” Tôi bực quá, quát ầm lên.

“Thì tất nhiên.”

Tôi lặng người một lúc, vừa ngưỡng mộ con gà, vừa kinh ngạc trước người đàn ông trước mắt. Cuối cùng, vì lòng kính phục của tôi cho cả hai bọn họ nên tôi nhân giá gấp bội.

“Ngài không vào nhà hẳn?” Merrymusk nói.

“Nhưng ta đem gà vào chung với, được không?” Tôi hỏi lại.

“Được chứ. Trumpet! Lại đây nào, con trai! Lại đây!”

Con gà quay đầu, tiến những bước oai vệ về phía Merrymusk.

“Lại đây!”


Con gà theo chúng tôi vào nhà.

“Gáy!”

Mái ngói như sắp bật tung.

Ôi, con gà tú lệ!

Tôi khe khẽ quay sang gia chủ. Y ngồi trên một cái hòm cũ sứt mẻ, một cái áo choàng xám rách tươm, có hai miếng chỗ chấm gối và khuỷu tay, cái mũ bẹp dúm đến là thảm hại. Mắt tôi lướt một lượt gian nhà. Những thanh xà gác trần trụi trên đầu, nhưng được cái có những tảng thịt bò treo lủng lẳng. Nền đất, nhưng được cái có một đống khoai tây chất một góc và một bao bột ngô góc khác. Tấm chăn cũ giăng ra để làm thành một cái phòng ở đằng xa, từ đó vang lên tiếng lí nhí của phụ nữ và trẻ con nghe có vẻ ốm yếu lắm. Nhưng kỳ lạ thay, trong những tiếng nói ốm yếu ấy lại chẳng có chút gì gọi là than vãn.

“Mợ Merrymusk và các cháu đấy à?”

“Vâng.”

Tôi nhìn con gà trống. Nó đứng sừng sững giữa gian như một quý tộc Tây Ban Nha dính mưa và phải đứng trú nhờ dưới mái của người bần cố nông. Trông cái cảnh ấy tương phản đến phi thực. Nó tỏa sáng khắp nhà; nó khiến sự nghèo khó nơi này thấm đẫm huy hoàng. Nó khiến cái hòm sứ mẻ huy hoàng, nó khiến cái áo choàng rách rưới huy hoàng, cả cái mũ bẹp dúm nữa. Nó thậm chí còn khiến những giọng nói yếu ớt từ đằng sau tấm màn vẳng ra huy hoàng.

“Ôi, cha,” một giọng trẻ con ốm yếu cất lên, “làm Trumpet gáy nữa đi mà.”

“Gáy,” Merrymusk ra lệnh.

Con gà vào tư thế. Mái ngói như sắp bật tung.

“Tiếng kêu chẳng làm ồn mợ Merrymusk và các cháu đang ốm sao?”

“Gáy nữa, Trumpet.”

Mái ngói như sắp bật tung.

“Vậy là họ không thấy ồn, hẳn?”

“Ngài chẳng nghe họ còn giục tôi nữa sao?”

“Sao gia đình chú ốm cả mà lại thích nghe tiếng gáy này?” Tôi hỏi. “Con gà thật là huy hoàng, giọng gáy cũng rất huy hoàng, nhưng nó đâu hẳn là thứ phù hợp cho chỗ người ta dưỡng bệnh, ai cũng nghĩ thế thôi. Họ thật sự thích sao?”

“Chứ ngài không thích à? Nó chẳng làm ngài thấy khỏe khoắn lên sao? Nó không giục giã à? Không tiếp thêm sức mạnh chống lại nỗi tuyệt vọng sao?”

“Thì tất cả đều có,” tôi vẫn còn chút ái ngại, “nhưng tiếng gáy lớn và vang rền như thế, tôi nghĩ không tốt cho người đang bệnh, đó là chưa kể nó còn làm họ lâu bớt hơn nữa.”

“Gáy hết cỡ đi, Trumpet!”

Tôi nhổm dậy khỏi ghế. Con gà làm tôi khiếp đảm, nó hệt như một thiên thần bất khả chiến bại trong Sách Khải Huyền. Nó như đang gáy vì sự sụp đổ của thành Babylon tội lỗi, hay gáy mừng chiến thắng của Joshua công chính tại thung Askelon. Khi tôi lấy lại được chút bình tĩnh, một ý nghĩ hiếu kỳ nảy ra. Tôi quyết định nghe theo tiếng lòng.

“Merrymusk ơi, chú giới thiệu tôi với vợ và các con của chú với?”

“Được rồi. Mình ơi, có khách muốn vào thăm.”

“Rất hoan nghênh,” một giọng nói yếu ớt đáp lại.

Thấp thoáng sau tấm màn, tôi thấy một khuôn mặt gầy gò, nhưng lạ thay lại rất vui tươi; và gần như chỉ có thể thấy bấy nhiêu đó; cơ thể bị che bởi tấm khăn trải giường và tấm áo khoác cũ, dường quá teo tóp để lộ ra quá nhiều sau những vật chắn như thế. Bên giường là một cô bé xanh xao đang ngồi chăm mẹ. Trên một chiếc giường khác, ba đứa trẻ nằm xếp cá mòi; lại thêm ba khuôn mặt xanh xao nữa.

“Ôi cha, chúng con không ghét khách đâu, nhưng hãy để chúng con thấy Trumpet nữa.”

Nghe lời, con gà trống bước sang sau tấm màn và đậu lên giường của lũ trẻ. Tất cả những mắt nhìn đau yếu ấy đều tập trung vào cả nơi con vật trong niềm vui sướng lạ lùng. Cứ như chúng đang tắm táp trong ánh hào quang tỏa ra từ bộ lông chú gà.

“Làm gì có thầy thuốc nào tốt bằng, phỏng?” Merrymusk nói. “Đây chính là Thần Y Gà.”

Chúng tôi rời khỏi chỗ phòng bệnh, và tôi lại ngồi xuống, đầu cứ nghĩ hoài về gia đình kỳ cục này.

“Dường chú đã có cuộc sống sung túc và huy hoàng quá rồi,” tôi nói.

“Và tôi thì không nghĩ ngài là kẻ ngốc, chưa bao giờ. Thưa ngài, ngài là một con người tuyệt vời.”

“Mợ nhà có tí hy vọng hồi phục nào không?” tôi nói, nhũn nhặn chuyển sang chủ đề khác.

“Không có tí nào.”

“Mấy đứa nhỏ thì sao?”

“Rất ít.”

“Vậy cuộc sống của nhà chú mới thật đau buồn. Sự cô độc nơi hoang vu này – căn nhà xập xệ này – công việc nhọc nhằn – giai đoạn này thứ gì cũng khó khăn.”

“Chẳng phải tôi có Trumpet rồi sao? Nó tiếp thêm niềm vui. Nó gáy xuyên qua tất cả; gáy trong lúc tối tăm nhất: Vinh quang Đức Chúa Trời nơi chí cao! Nó cứ gáy lên mãi như thế.”

“Đó cũng chính là thứ tôi đã nghĩ khi nghe tiếng nó gáy lần đầu tiên, Merrymusk, khi tôi đứng trên ngọn đồi nhà mình. Tôi cứ chắc mẩm con Thượng Hải đắt tiền ấy ắt hẳn phải thuộc về một tay thổ hào nào đó; không ngờ một người nghèo như chú lại có được con gà trống khỏe khoắn thuộc dòng gà ấy.”

“Người nghèo như tôi? Sao lại gọi tôi nghèo? Chẳng phải con gà của tôi đã khiến vùng đất cằn cỗi, trơ trốc này huy hoàng lên hay sao? Chẳng phải con gà của tôi đã tiếp thêm sức mạnh của ngài hay sao? Và tôi cho đi tất cả những phước báu nên không tính lấy một hào. Tôi là một nhà hảo tâm vĩ đại. Tôi là một người giàu có, rất giàu có và rất hạnh phúc. Gáy đi, Trumpet.”

Mái ngói như sắp bật tung.

Tôi đi về mà đầu cứ lần khần mãi. Tôi không chắc mình yên tâm về thế giới quan của Merrymusk, dù thật tình rất ngưỡng mộ. Toi đang đứng trước cửa nhà mình suy tư chuyện ấy thì bỗng nghe tiếng gà gáy lần nữa. Đủ rồi. Merrymusk đã đúng.

Ôi, chú gà tú lệ! Ôi, con người tú lệ!

Sau bận ấy, mấy tuần liền tôi chẳng thấy tăm hơi Merrymusk; nhưng tiếng gáy vui mừng rộn rã lại làm tôi yên chí rằng y vẫn bình thường. Tâm trí tôi vẫn tràn ngập niềm vui. Còn gà vẫn làm cảm hứng trong tôi dâng tràn. Tôi đặt thêm một khoản thế chấp nữa lên đồn điền của mình; nhưng chỉ lấy để mua thêm một tá bia đen và một tá bia đen thường và mười hai tá bia đen Philadelphia. Họ hàng tôi có vài người từ trần; tôi không mặc tang phục nhưng ba ngày liền tôi chủ ý uống loại thường vì nó có màu tối hơn loại còn lại. Lúc tin buồn tới, tôi nghe tiếng con gà gáy rền.

“Chúc sức khỏe chú gà tú lệ bằng cốc bia đen này!”

Tôi nghĩ tới chuyện ghé thăm Merrymusk lần nữa vì bao lâu rồi anh ta đã bặt hình lẫn tiếng. Khi tới lại chốn ấy, tôi chẳng thấy quanh quất ngôi nhà xiêu vẹo còn chút dấu hiệu gì của sự sống. Tự nhiên tôi thấy lo lắng quá. Nhưng rồi con gà từ trong nhà gáy vọng ra, nỗi lo tan biết mất. Tôi gõ cửa. Một giọng thều thào mời tôi vào. Tấm màn không giăng ra nữa; cả ngôi nhà giờ như cái trạm xá. Merrymusk nằm lên một mớ quần áo cũ; vợ con nằm hết trên giường. Con gà trống đậu trên cái đai ràng thùng rượu thả từ trần xuống, lơ lửng giữa gian.

“Chú đau đấy à, Merrymusk?” Tôi buồn bã hỏi.

“Không, khỏe mà,” y đáp tôi rất yếu ớt.

“Gáy đi, Trumpet.”

Người tôi rúm hết cả lại. Chí khí anh hùng quá đỗi phát ra từ cơ thể rũ riệt kia làm tôi thấy khiếp.

Nhưng con gà vẫn gáy.

Mái ngói như sắp bật tung.

“Mợ Merrymusk thì sao?”

“Khỏe.”

“Sắp nhỏ?”

“Khỏe. Khỏe tất.”

Hai chữ cuối cùng y thốt lên trong vẻ thắng lợi ngất ngay trước bệnh tật. Điều đó dường như quá sức với y. Y hẫng ngược đầu ra sau. Một chiếc khăn trắng rũ xuống mặt y như khăn liệm. Merrymusk chết.

Sự kinh đảm nào choán trọn lấy tôi.

Nhưng con gà vẫn gáy.

Con gà giũ mình, mỗi cọng lông như một lá cờ hiệu. Con gà đậu lơ lửng giữa căn nhà xập xệ như những lá cờ chiến tích trên nóc vòm nhà thơ St. Paul[13]. Con gà làm tôi khiếp đảm với vẻ kỳ diệu vô biên của mình.

Tôi bước đến bên giường người đàn bà và lũ trẻ. Họ đọc được đằng sau ánh mắt run rẩy của tôi; họ biết đã xảy ra chuyện gì.

“Chồng tôi vừa đi rồi phải không?” người phụ nữ phờ phạc hỏi. “Xin đừng giấu.”

“Đi rồi,” tôi đáp.

Con gà vẫn gáy.

Chị ngã lại xuống giường, chẳng lọt ra một hơi thở cuối cùng, lặng lẽ ra đi trong nghĩa tình trọn trặn.

Con gà vẫn gáy.

Con gà giũ ra những lấp lánh từ bộ lông vàng óng. Con gà như đang mê mẩn trong niềm vui đầy nhân từ. Nhảy xuống khỏi cái lòng, cu cậu oai vệ bước đến đống quần áo cũ nơi người tiều phu quá cố nằm và đứng sững sừng bên cạnh thi hài chủ như linh vật đỡ lấy phù hiệu. Rồi nó cất lên một tiếng gáy dài thật du dương, thật khải hoàn và vĩnh quyết, cần cổ nghển cao lên trời như muốn âm thanh ấy tiễn linh hồn chủ nhân tới tận tầng mây thứ bảy. Sau đó, nó bước đi oai vệ như một ông chúa tới cạnh giường người phụ nữ. Một tiếng gáy lại vang lên, quyện hòa với tiếng trước.

Vẻ nhợt nhạt của lũ trẻ đã đổi sang rạng ngời. Xuyên qua vẻ dơ dáy bụi bặm, gương mặt chúng tỏa ra thứ ánh sáng thiên thần. Chúng như những đứa con hoàng tộc đang giả trang. Con gà nhảy lên giường chúng, rũ lông, gáy, gáy nữa, rồi lại gáy tiếp. Nó như quyết tâm gáy sao cho linh hồn đám nhỏ thoát ra được khỏi xác phàm tụy tiều. Nó như muốn ngay lập tức đi theo gót gia đình này lên chốn thiên đường. Lũ trẻ như hiệp sức với nỗ lực của nó. Những khát khao được giải thoát sâu thẳm và mãnh liệt đến mức biến chúng thành những linh hồn ngay trước đôi mắt của tôi. Tôi đã thấy thiên thần ngự ở nơi chúng nằm.

Chúng đã chết.

Con gà đứng trên chúng mà giũ lông. Con gà vẫn gáy. Giờ đây, tiếng gáy như tiếng “Hoan hô!”, như tiếng “Ba lần ba! Híp! Híp!” Nó bước khỏi căn nhà tồi tàn. Tôi đi theo. Nó bay lên nóc nhà, sải rộng đôi cánh, cất lên một nốt nhạc tối thượng rồi rơi xuống chân tôi.

Con gà đã chết.

Nếu họa hoằn bạn có dịp đến thăm vùng đồi núi ấy và nhìn cạnh đường rày xe lửa, ngay dưới chân Núi Tháng Mười, bên kia đầm lầy – chính ở đó, bạn sẽ thấy một tấm bia, không tạc đầu lâu xương chéo mà tạc tinh xảo một chú gà trống trong tư thế đang gáy, cùng một dòng chữ đề ngay bên dưới:

Hỡi sự chết, nọc độc của mi đâu?

Hỡi nấm mồ, thắng lợi ở nơi nào?[14]

Đó là nơi an nghỉ của người tiều phu và gia đình, cùng với Signor Beneventano; tôi chôn cất họ, dựng cho họ cái bia được đặt hàng riêng; kể từ đó, tôi không bao giờ cảm thấy trong lòng mình một nỗi buồn thê lương nữa, thay vào đó, dù bất kỳ hoàn cảnh nào, dù sớm dù muộn, tôi cũng nghe một tiếng gáy bền bỉ lâu dài.

Cúc-cà-cúc-cu-u-u-u-u!

Bùi Gia Bin dịch

                                                                                


[1] Truyện còn có tên gọi khác là “Tiếng Gáy của Con Gà Trống Tú Lệ Beneventano.”

[2] Moloch, vị thần ngoại đạo gắn liền với các nghi lễ hiến tế trẻ con để đạt được điều ước nguyện, bị cấm thờ. Ruồi trâu là bẩn thỉu, tai ương. Melville sử dụng hai hình ảnh để chỉ đoàn tàu như thứ gì ngoại đạo, tai ương mà con người hiến sinh mạng sống của mình để tôn thờ, nhân danh “tiến tới điều ước nguyện.”

[3] Sở dĩ bệnh tả ban đầu có cái tên như thế bởi các đợt bùng phát sớm nhất là ở tiểu lục địa Ấn Độ, nơi có điều kiện sống thiếu vệ sinh.

[4] Hay còn gọi là lân kê ở Trung Quốc và gà Brahma ở Mỹ. Sở dĩ chúng có cái tên như thế bởi bấy giờ, Mỹ đa phần nhập khẩu giống gà này từ cảng Thượng Hải. Giống gà này được mệnh danh là vua của các loại gà bởi cặp chân khỏe, tướng lớn và màu trắng xen đen bắt mắt.

[5] Melville chơi chữ trên hai địa danh này: Mile-End dịch ra là Dặm Cuối, còn Primrose Hill dịch ra là Đồi Anh Thảo.

[6] Đúng hơn phải là Barclay & Perkins, nhà máy bia sản xuất các dòng bia đen công nghiệp, rẻ tiền, có mùi đậm và gắt mà giới thủy thủ thường ưa chuộng.

[7] Trong đàm thoại “Plaedo” của Plato, có kể lại rằng trước giờ bị ban thuốc độc, Socrates đã nói với một trong các môn đệ của mình rằng: “Crito, chúng ta nên dâng cho Asclepius một con gà. Hãy làm thế, đừng quên.” Asclepius là vị thần thuốc thang và chữa bệnh. Gà là con vật tương trưng của thần.

[8] Tên một giống gà nhỏ.

[9] Tức anh em họ của Zeus, ý ngoa dụ con gà là dòng dõi thánh thần.

[10] Melville đã chơi chữ khi dùng từ ‘gallow-bird’ (những kẻ đáng bị chém) để miêu tả mớ gà xấu xí này. Trong đó, có yếu tố ‘bird’, chỉ động vật có lông vũ như chim, gà,…

[11] Đơn vị chuyên dụng để đo thể tích gỗ, củi thu được. Khi bó chặt lại, 1 cóoc = 3,63 m3.

[12] (1758 – 1805) Trung tướng hải quân Hoàng gia Anh.

[13] Nhà thờ này vốn gắn liền với biểu tượng hoàng gia Anh và sự hùng mạnh của đế quốc. Những lá cờ tước đoạt được từ tay kẻ thù sau những lần chiến thắng sẽ được cắm lên nóc nhà thờ.

[14] Corinthians 15:55

Nước Mỹ ấy

Hawthorne (1804–1864)
Edgar Allan Poe (1809–1849)
Thoreau (1817–1862)
Melville (1819–1891)
William James (1842–1910)
Henry James (1843–1916)
Edith Wharton (1862–1937)
Gertrude Stein (1874–1946)
Ezra Pound (1885–1972)
Philip Roth (1933 –2018)
Marilynne Robinson (1943)

favorites
Thêm vào giỏ hàng thành công