Hành trình tình cảm
236 trang
13,5 x 20 cm
Một người ở đảo đi vào lục địa và ghi chép lại hành trình ấy: đây là cả một truyền thống; trong truyền thống ấy, Laurence Sterne giữ một vị trí rực sáng, với Hành trình tình cảm, một du ký thuộc dạng người ta không còn biết viết nữa, sau này. Bản thân từ “tình cảm” trong nhan đề cũng đã trở thành cả một thành ngữ.
Một cuốn sách như thế tất nhiên gây chấn động lâu dài. Lukács có một chương (trong Tâm hồn & Hình thức) dành riêng cho Sterne. (Nếu muốn một ví dụ nữa: ở đoạn đầu Miếng da lừa Balzac cũng nhắc tới Sterne).
Cần phải làm cho Sterne hiện ra ở đây, vì nếu thiếu một nhân vật như thế thì rất nhiều thứ không make sense nổi. Tương tự, không thể tưởng tượng một thế giới sách đúng nghĩa thiếu mất Cervantes, và không chỉ là Đông Ki Sốt (chính Cervantes cũng gây được những hồi ứng tinh thần lớn, mà Hoffmann chỉ là một trong các trường hợp).
Đó là những gì còn lại, sau khi rất nhiều thứ đã mất đi.
Những văn chương như Sterne hay Cervantes làm được như vậy bởi chúng tạo ra được một thế giới đầy đủ, đạt đến mức vét cạn. Khi nhân vật "tôi" trong Hành trình tình cảm nói, "Ở bên Pháp người ta thu xếp cái vấn đề này hợp lẽ hơn" và bị thằng hầu hỏi vặn là đã đi Pháp chưa, "tôi" bèn đi Pháp luôn. Để khiến câu nói với thằng hầu không phải một lời trên mây chẳng hề có trọng lượng nào của kinh nghiệm, "tôi" đi tận nơi, vội đến mức không cả nghĩ tới việc cần phải có một thằng hầu. "Cái vấn đề này" trong câu nói của Yorick trở thành chủ đề mổ xẻ cho nhiều thế hệ chuyên gia văn học, còn độc giả biết rằng mình đang chạm vào một tường thuật chuyến đi từ một người có tính khí rất hấp dẫn.
Laurence Sterne cũng tạo ra một văn chương khiến độc giả vô cùng sung sướng, vì nó làm người ta cười. Rất khó, chuyện viết văn mà lại làm người ta cười. Ít người làm được như vậy: phải là Shakespeare thì mới có hình ảnh một Cassandra cười, thậm chí cười ngặt nghẽo. Hành trình của Laurence hoàn toàn không u ám như một récit de voyage khác, của một người Anh sang Pháp ở thời điểm quanh Cách mạng 1789, một nhân vật mang họ Young. Sterne cũng tấn công vào thái độ cau có của một lữ khách Anh nổi tiếng khác, Tobias Smollett. Các lữ khách khác, Sterne nói, tạo cảm giác họ cắm đầu cắm cổ đi một mạch cho đến nơi, không hề nhìn ngang nhìn ngửa bao giờ.
Những người như thế không thể có kinh nghiệm giống tác giả Hành trình tình cảm, tại Paris hỏi đường một cô bán găng tay, và cầm tay cô để bắt mạch, đúng lúc đấy thì người chồng từ đằng sau cửa tiệm đi ra - épisode tạo biết bao cảm hứng cho nhiều họa sĩ chuyên về minh họa.
Những khi ấy, các illustrateur được làm đúng việc của mình: illustrer cho một nhân vật illustre.
Hành trình tình cảm thuộc chuỗi Một chuyến đi: những quyển sách về sự trôi dạt để đi tìm trật tự.
Laurence Sterne, Hành trình tình cảm (Nguyễn Hoài dịch)
Melville, Jacket trắng (Hữu Phi dịch)
Baudelaire, Le Spleen de Paris (Cao Việt Dũng dịch)
Henry James, Những người châu Âu (Phan Lương dịch)
Katherine Mansfield, Ở nhà trọ Đức (Chi Quân dịch)
Romain Gary, Giáo dục châu Âu (Cao Việt Dũng dịch)
François Fénelon, Tê-lê-mặc phiêu lưu ký (Nguyễn Văn Vĩnh diễn quốc-âm)
Tử Yên Nguyễn Thu Thủy, Một chuyến đi
Cao Việt Dũng, Tiện bút 1
Món quà đi cùng tuyển sách này là quyển Một câu chuyện từ những đụn cát (Andersen), cũng là một chuyến đi, nhưng không quay lại nữa.