Melville: Tôi và ống khói của tôi
"I And My Chimney" là một trong những Herman Melville ngắn hấp dẫn hơn cả. Như ống lò tỏa khói, câu chuyện của Melville (một truyện trên đất liền chứ không phải ngoài biển - không những thế lại chỉ ở yên một chỗ) cũng tỏa ra một làn hơi của sự quyến rũ đầy duyên dáng.
Tôi và ống khói của tôi
- Herman Melville
Tôi và ống khói của tôi, hai tên già đầu muối tiêu nghiện nhả khói, cư ngụ vùng thôn dã. Không ngoa khi nói chúng tôi là dân chính gốc vùng này; mà đặc biệt là cái ống khói của tôi, càng lún xuống đất, nó càng chính gốc hơn.
Dù tôi luôn bảo, Tôi và ống khói của tôi, như Đức Hồng y Wolsey từng nói, “Tôi và Vua của tôi1”, cái thói huênh hoang này của tôi - khi tự đặt mình lên trước ống khói - thực chất chỉ tuyền là xạo sự; bởi ngoài câu chữ ra, ống khói của tôi việc gì cũng đều đứng trên tôi cả.
Cách con đường cỏ mọc um chưa đầy ba mươi foot, ống khói của tôi - một ống khói béo phình to, béo ú cỡ vua Henry Đệ Bát - sừng sững đứng đó trước tôi và đất đai của tôi. Đứng chễm chệ trên một sườn đồi, ống khói của tôi như cái kính thiên văn khổng lồ của Lãnh chúa Rosse chĩa thẳng lên cung trăng, nó chính là thứ đầu tiên đón ánh mắt mặc khách, cũng là thứ cuối cùng được ông mặt trời chào trước khi đi lặn. Ống khói của tôi còn hưởng những đặc sản của mùa trước cả tôi. Tuyết phủ trên đầu cậu trước cả mũ tôi; vào mỗi lần xuân tới, cậu như cái hốc cây dẻ già, gọi những chú chim én mới di cư đến làm tổ bên trong mình.
Nhưng phải bước vào nhà, bạn mới thấy vẻ uy nghi tối thượng của ống khói tôi. Đứng ở phòng khách nơi chái sau để tiếp khách tới (những người tôi nghi tới để thăm ống khói của tôi nhiều hơn tôi), theo đúng nhãn quan, tôi không hề đứng trước mà là đứng sau lưng ống khỏi, bởi thực chất, cậu mới là chủ nhân đúng nghĩa của ngôi nhà2. Tôi không dám ho he đâu. Đứng trước bậc tiền bối, tôi biết giữ phận thủ thường chứ.
Vì ống khói luôn luôn ăn đứt tôi mọi mặt, thiên hạ tặc lưỡi chê tôi là kẻ tụt hậu thảm hại; rằng việc cứ đứng đằng sau cái ống khói cổ lỗ sĩ đã làm tôi đi sau thời đại, đi sau toàn bộ những gì diễn ra trong đời sống. Nhưng thú thật, tôi chưa bao giờ là kẻ thích đi tiên phong, hay như lũ hàng xóm vẫn gọi là đi trước đón đầu ấy. Thực ra, nói là tôi đi sau cũng không phải là sai, tại tôi cũng hay vừa đi vừa chắp tay sau đít thật3. Còn chuyện họ bảo tôi là hậu tập4, thì đúng là lúc nào tôi cũng theo sau ống khói - giờ cậu cũng đang chắn trước mặt tôi đây - cả trong tưởng tượng lẫn thực tế. Tóm lại, ống khói tôi là bậc bề trên của tôi; trên tôi rất rất nhiều bậc là đằng khác; trên tôi ở chỗ dù tôi có khiêm hạ cúi lưng tay cầm xẻng, tay cầm kẹp than chăm sóc cậu; cậu cũng chẳng bao giờ đáp lễ hay ngó ngàng gì tới tôi; trái lại, ngày này qua ngày nọ, nó lại càng sụt về phía bên kia như thể né tôi vậy.
Ống khói của tôi là một đại lãnh chúa của vùng - một vật thể độc tôn, không chỉ thống trị lên toàn giang san mà còn ngự trị trên ngôi nhà; toàn bộ kiến trúc khác của căn nhà, tôi sẽ miêu tả ngay sau đây, không phải được thiết kế để phục vụ nhu cầu của tôi, mà để tiện đường cho ống khói. Cậu được án ngữ ngay trung tâm của gian nhà, còn tôi thì bị đẩy vào ở những chỗ xó xỉnh.
Nhưng tôi và ống khói của tôi cần phải giải thích đôi điều; và vì cả hai đều phục phịch, có lẽ sẽ phải hơi dài dòng một chút.
Ở những ngôi nhà hai cánh chuẩn chỉnh - tức là loại có sảnh nằm ở chính giữa - hai lò sưởi thường được đặt đối diện nhau5; nghĩa là trong khi một thành viên trong gia đình đang sưởi ấm bên thành lò tựa vào tường hướng Bắc, thành viên khác, có thể là anh trai chẳng hạn, lại dang chân choãi vào lò tường hướng Nam. Các bạn thấy như thế có còn ra thể thống gì không? Đem đi hỏi người nào có tình anh em tử tế mà xem. Trông chẳng phải rất là lục đục hay sao? Tay kiến trúc sư nào nghĩ ra được kiểu xây lò sưởi đó chắc phải sống trong một gia đình hay cãi cọ nhau lắm.
Lò sưởi hiện đại thì dường như cái nào cũng có ống dẫn khói riêng - tách biệt từ bệ lò cho tới tận nóc ống. Ít nhất chắc do kiểu ấy được ưa chuộng. Nhưng như thế không phải quá ích kỷ, nhỏ nhen hay sao6? Bấy nhiêu còn chưa đủ tệ, những ống khói riêng ấy cũng không được đấu lại thành một trụ to ở giữa nhà cho oai phong, mà lén lút đục lỗ tổ ong vào tường; khiến tường nhà trở nên rỗng như bánh phồng, nghĩa là khiến nó yếu đi. Dĩ nhiên, lý do cho kiểu thiết kế ấy là để tiết kiệm diện tích. Ở thành thị, giá đất tính theo từng inch, ai dám xây một cái ống khói thật hào phóng ở giữa phòng; hệt như anh nào gầy thường hay cao lêu nghêu, nhà cửa thiếu bề ngang thì phải bù bằng chiều dọc vậy. Ngay cả biệt thự sang trọng nhất của các quý ngài thượng lưu cũng thế cả thôi. Thế mà xưa kia, khi Louis le Grand của nước Pháp xây cung điện cho người vừa là tình nhân, vừa là bạn, Madame de Maintenon, ông chỉ xây mỗi một tầng - kiểu nhà quê bình dị. Ôi chao, thế nhưng cái căn nhà ấy mới thật kỳ lạ, nó được xây theo kiểu vuông vức, trải rộng ra thênh thang - trải ngang mấy mẫu đất, chứ không đội dọc. Đó là điện Trianon bằng đá cẩm thạch Languedoc trong khu vườn thuộc khuôn viên Versailles, đến giờ vẫn sừng sững. Chỉ cần là dân đen thì có thể mua dăm foot vuông đất để dựng cột cờ; nhưng chỉ có bậc vua chúa mới dám xẻ cá mấy mẫu7 đất rộng cho cung điện Trianon mênh mông.
Thời nay thì khác rồi; thứ bắt nguồn từ sự thiếu thốn giờ lại trở thành thứ để khoe mẽ. Ở phố, người ta đua nhau xây nhà chọc trời. Nhà ông này xây bốn tầng, hàng xóm bên cạnh quyết phải xây năm. Thế là ông kia tức tốc gọi thợ đắp thêm cho thành năm, thành sáu chồng chất. Chỉ khi nào ra rón rén ra đường lúc hoàng hôn, ngước nhìn tầng sáu nhà mình đội cao hơn tầng năm nhà hàng xóm - chỉ khi đó, ông ta mới mỉm cười mãn nguyện lên giường đi ngủ.
Những thằng chả có cái tánh ấy, theo tôi, phải dọn tới sống cạnh ngọn núi nào thật cao để giải tỏa cái máu đua đòi chọc trời kia.
Nếu ai đó nghĩ rằng nhà tôi thì rộng thật đấy nhưng chẳng cao ráo gì, và những lời trên nghe như biện hộ, như là tôi chỉ đang tỏ vẻ triết lý chung chung để khéo léo vuốt ve cái tôi cá nhân của mình, tôi sẽ đập tan suy nghĩ sai lầm ấy bằng cách nói ra một điều thẳng thắn như sau: miếng đất cạnh cái đầm có cây trăn của tôi bán có mười đô một mẫu mà người mua còn tưởng mình mua hớ; vậy mới nói, ở cái vùng này, đất để xây nhà rộng đầy cả ra, lại còn rẻ. Thực tế là rất rẻ - rẻ mạt - như cát dưới chân vậy, rẻ tới nỗi cây du chỗ chúng tôi thả rễ ngang nhiên, cành lá xòe ra bạt ngàn chẳng phải kiêng nể gì. Hầu hết hoa màu chúng tôi đều gieo trên một trảng rộng, ngay cả những loại như đậu hòa lan hay củ cải. Nếu có anh nông dân nào đi quanh cánh đồng hai mười mẫu của mình mà liên tục ấn ngón tay xuống chỗ này chỗ kia rồi thả xuống từng hạt mù tạt một, anh ta sẽ được xem là bủn xỉn, đầu óc hẹp hòi. Những cây bồ công anh trên đồng nội hay những bụi lưu ly trên triền núi, bạn sẽ thấy chúng trải ra khắp nơi bời bời, không bị gò vào một khuôn khổ nào sất. Có những mùa, lúa mạch đen của chúng tôi cây nào cây nấy mọc tách biệt khỏi nhau, từng cọng mọc riêng một chỗ như ngọn tháp nhà thờ. Tới chúng còn chẳng thèm chen chúc nơi đất đai thênh thang này. Thế giới bao la thế, thế giới trước mắt ta, lúa mạch đen như nói. Cỏ dại cũng có ngang tàng kinh ngạc, trải đi ngút mắt tận cùng. Không có gì ngăn chúng lại - vài khu thảo nguyên như Alsace của lũ cỏ. Khi mùa xuân tới, cỏ như theo Kossuth nổi dậy thành cái thứ ông ta gọi là quần chúng đứng lên8. Núi non cũng thế, như một buổi tụ họp cắm trại. Cũng vì đất rộng trời cao, những cái bóng của chúng tôi tha hồ diễu hành, tập trận, hệt như đội cận vệ Hoàng gia trên Champs de Mars thuở xưa. Về đồi núi thì quan chức địa phương đã ra thông báo: ai muốn đào đồi đem đi cũng được, không cần phải tốn xu nào, không khác đi hái mâm xôi là mấy. Thậm chí, người lạ nào có chết ở nơi này, chẳng địa chủ rộng rãi nào tiếc cắt sáu foot đồi đá làm nơi chôn cất cho hắn.
Dù đất vùng chúng tôi rẻ mạt và bị giẫm đạp dưới chân, tôi vẫn tự hào về những gì mà nó tạo ra được - đặc biệt là tam đại danh cảnh - Sồi Đại Thụ, Núi Ogg và ống khói của tôi.
Hầu hết nhà cửa ở đây đều chỉ cao một tầng rưỡi, hiếm lắm mới có cái hai tầng. Ngôi nhà tôi và ống khói ở có chiều rộng gấp đôi chiều cao, đo từ móng lên hết mái - điều này giải thích tại sao thứ đồ sộ nhất trong nhà lại là ống khói, đồng thời cho thấy trong ngôi nhà này, cũng như rộng hơn nữa là trong đất nước này, vẫn còn chỗ, thậm chí dư, cho cả hai tụi tôi.
Xà dầm của ngôi nhà cũ được làm bằng gỗ - càng tôn lên vẻ đẹp vững chãi của ống khói bằng gạch. Nhà tôi có những con đinh tán lớn để ghép ván sàn và những viên gạch khổng lồ xây tường ống khỏi giờ đố ai còn kiếm đâu được. Kiến trúc sư đã xây dựng nó hẳn đã lấy kim tự tháp Cheops làm cảm hứng, chỉ có điều biên độ khi về đỉnh nhỏ hơn và đỉnh bị cắt ngang. Ở ngay chính giữa căn nhà, nó đội hầm chui lên, xuyên qua từng tầng, khi chỉ còn bốn foot vuông, nó chọc thủng mái nhà như con cá voi đầu giống cái đe dấn qua ngọn sóng. Thế mà, cũng có người bỉ bai, coi nó như một cái đài quan sát bị khoét ruột.
Nguyên cớ nó trông kỳ dị như thế trên mái nhà là chuyện khó nói. Tôi chỉ có thể kể, nhiều năm trước, mái chóp nhà tôi bị dột khủng khiếp, chủ nhà tạm thời thuê một tốp thợ đem cái cưa khổng lồ tới mà cưa phăng mái nhà. Thế là những tổ chim và cửa sổ mái từ đó cũng đi tong. Họ thay bằng kiểu mái hiện đại, trông giống kho xe lửa hơn nơi ở của một con người đường hoàng chốn thôn dã. Việc hạ ngôi nhà xuống khoảng mười lăm foot khiến ống khói như trơ ra khi thủy triều rút xuống, lộ nguyên phần thân dưới trọc lóc. Để cho hợp, tên chủ cưa phứt luôn mười lăm foot ống khói - chặt ngang đầu ống khói vương giả của tôi - một hành vi đại nghịch, nếu không phải vì một tình tiết giảm nhẹ: trước kia tay chủ cũ kia từng chuyên cắt cổ gia cầm nên đã quen nghề vặn cổ, đáng lý phải đày hắn xuống nằm chung quan tài với Cromwell.
Do ban đầu có hình dạng chóp nón, việc cưa ngang làm đỉnh ống khói bấy giờ phình ra trông rất dị. Dị, đó là tôi dẫn lại lời nói của những kẻ không biết thưởng thức cái đẹp. Tôi cóc thèm, nếu khách qua đường chẳng hề hiểu rằng ống khói của tôi cũng là một công dân tự do của vùng đất tự do này nên hoàn toàn có thể tự mình đứng vững, lại buông lời tọc mạch, phán làm sao cái lò nung gạch, họ ví von thế đấy, lại có thể trụ được trên mấy thanh xà và rầm ấy. Tôi có thể mời bọn họ ly chanh đường giải khát, nhưng giờ chẳng lẽ tôi phải đi ôn tồn giải ngố cho họ nữa? Người nào tinh tế, ắt sẽ thấy nơi căn nhà cũ và ống khói của tôi chẳng khác gì cặp voi-và-đài9 kinh điển.
Những ai có trái tim rung cảm hẳn sẽ hiểu cho tôi trong những lời kể tiếp sau đây. Sau cuộc đại phẫu vừa kể, phần ống khói xưa kia được thiết kế để nằm bên trong nhà nên gạch đắp cũng là dạng thiếu chống chịu thời tiết, giờ oái oăm thay lại phải phơi ra ngoài trời. Dù có thể trạng tốt, hậu quả là nó cũng đổ bệnh vì dãi nắng dầm mưa, bắt đầu xuất hiện những vết loang lổ như bị sởi. Khách qua đường cười cợt: “Nhìn cái mũi sáp đang chảy nhoẹt ra kìa!” Nhưng tại sao tôi phải quan tâm? Miệng nói thế thôi chứ họ cũng chính là cái bọn sẵn sàng vượt biển để ngắm cái tường thành Kenilworth mục nát đấy, bởi một lẽ chính đáng thôi: trong nghệ thuật tạo hình, sự tàn hủy thường khoác lên mình chiếc vòng nguyệt quế - à không, khoác lên mình những dây thường xuân mới đúng10. Thật lòng, tôi hay nghĩ ống khói của tôi hợp với một nước Anh cổ kính phủ đầy thứ dây leo đó hơn chỗ này.
Vợ tôi - ủ một âm mưu sau này sẽ lộ - cứ làm căng, cảnh báo tôi nếu không sửa ngay thì chỗ thủng trên ống khói đoạn tiếp giáp mái nhà có ngày bén lửa, thiêu rụi cả nút. “Bà ơi,” tôi bảo, “thà cháy nhà còn hơn phá ống khói, dù chỉ vài tấc. Người ta bảo nó như cái mũi sáp; được thôi; vậy càng có lý do để tôi không bóp mũi vị tiền bối của mình.” Cuối cùng, gã đang giữ khoản vay thế chấp căn nhà nhắn tin nhắc khéo tôi rằng nếu cứ để ống khói lay lắt, hỏng hóc như thế, hợp đồng bảo hiểm sẽ vô hiệu. Đến nước này thì sao làm ngơ được nữa. Phàm là thế gian, mỹ cảm nào qua được Mỹ kim. Kẻ đi vay thì chẳng quan tâm đâu, nhưng người cho vay thì có.
Thế là, một cuộc đại phẫu nữa lại diễn ra. Cái mũi sáp bị cắt bỏ, thay bằng một cái mũi mới. Xúi quẩy thay - nhờ cả vào tay một tên thợ nề mắt bị lác, đúng lúc khởi sự thì bị chuột rút - cái mũi này hơi lệch sang một bên, đúng hướng lác của mắt thợ.
Dù vậy, có một điều làm tôi tự hào. Độ rộng của cái phần mới này vẫn giữ nguyên như cũ.
Ống khói bệ vệ ngự trên mái nhà, nhưng chẳng thấm vào đâu so với phần chân đế. Ngay tầng hầm, mỗi cạnh của nó dài đúng mười hai foot, tức tổng thể diện tích chiếm lấy là một trăm bốn mười bốn foot vuông. Một cái ống khói mà án ngữ tới tận ngần ấy không gian thì phải gọi là quá mức, đó là chưa kể còn tạo một gánh nặng khổng lồ lên mặt đất. Thực lòng mà nói, gã khiêng đồ lực lưỡng Atlas ngày xưa may là không phải gánh tôi và ống khói của tôi, không thì làm gì có chuyện gã đứng vững được như thế11. Nhưng, có khi nào, như những tảng đá ở Gilgal mà Joshua đã dựng lên để tưởng nhớ việc vượt sông Jordan, phải chăng ống khói của tôi đã luôn luôn tồn tại từ thuở thánh thần tới tận bây giờ12?
Tôi thường xuống hầm, chăm chú ngắm nhìn khối vuông vức khổng lồ ấy. Tôi đứng lâu, trầm tư và thán ngạc. Cu cậu có vẻ gì huyền bí như đá Druid khi nằm sâu trong tầng hầm tối om với những hành lang vòm và những ngõ ngách thâm u, tựa rừng già nguyên thủy mù khơi, ẩm ướt. Ý nghĩ ấy đậu lại trong đầu tôi vững chãi tới nỗi một ngày - giờ nghĩ lại thấy hồi đó mình điên phải biết - tôi ra vườn lấy xẻng, bắt đầu đào xung quanh móng, đặc biệt là các góc, lấp lửng chờ khai quật được một di tích nào từ thuở xa xưa, khi ánh sáng thiên đường lần đầu rọi xuống chỗ tối đen này, đúng hơn là khi những người thợ nề đặt viên đá nền đầu tiên, chắc vào một tháng Tám nắng nỏ hay một tháng Ba bão bùng nào đó. Quần đảo với lưỡi xẻng cùn, tôi bực mình vì tay hàng xóm cứ vô duyên chọc mũi vào chuyện của tôi. Hắn sang tìm tôi vì việc gì đó, nghe nói tôi đang ở dưới hầm, hắn liền bảo không cần lên, hắn sẽ đích thân xuống. Thế là, không một lời báo trước, hắn bắt gặp cái cảnh tôi đang đào đào bới bới dưới hầm.
“Đào kho báu, hỉ?”
“Không,” tôi giật thót, “tôi chỉ... e hèm! Chỉ - tôi chỉ đào quanh gốc ống khói thôi.”
“À, nong ra cho nó có chỗ phát triển. Ông bạn thấy ống khói nhà mình nhỏ quá, cần mở rộng thêm, nhất là phần đỉnh, phỏng?”
“Này ông!” tôi nói, vứt cái xẻng xuống, “ông đừng có cạnh khóe. Tôi và ống khói của tôi...”
“Cạnh khóe?”
“Thưa ông, tôi xem ống khói này không phải là khối gạch vô tri mà là một con người đấy. Nó là vua của ngôi nhà này. Tôi chỉ là một tên dân đen được vua chiếu cố.”
Hết sức thành thực, tôi không cho phép bất kỳ ai chế giễu tôi hay ống khói của tôi; kể từ đó trở đi, vị kia không bao giờ nhắc đến nó trước mặt tôi mà không kèm theo vài lời khen ngợi. Cu cậu xứng đáng được tôn trọng chứ. Cu cậu đứng đó, độc lập và uy nghi - không phải như một bầy mười ống khói, mà như Sa hoàng, kẻ chuyên quyền, đứng trên tất cả.
Ngay cả với tôi, nhiều khi kích thước của nó vẫn thật khó tin. Nó trông không lớn đến thế - không, ngay cả phần dưới hầm. Bằng mắt thường, ta khó lòng nắm bắt được hết vẻ đồ sộ của nó, vì mỗi lần chỉ nhìn được một mặt, mà mỗi mặt chỉ dài có mười hai foot chứ mấy. Nhưng các chiều không thấy khác cũng mười hai foot, tạo thành một hình vuông chuẩn xác, diện tích mười hai nhân mười hai, tức một trăm bốn mươi bốn. Vì thế, để thâu nhiếp vẻ đồ sộ của ống khói này, cần có quá trình nghiền ngẫm toán học hết sức là hàn lâm, tựa cái cách người ta nghiên cứu để tính khoảng cách xa đáng kinh ngạc tới các vì sao vậy.
Khói phải nói, tường nhà tôi hoàn toàn không áp lò sưởi. Tất cả đều tập trung ở giữa - trong cái ống khói trung tâm vĩ đại với bốn mặt đều là bốn cái lò - để khi gia đình và khách khứa sưởi ấm trong các phòng vào đêm lạnh giá, trước khi về chỗ ngủ, dù có thể họ không để ý, tất cả mọi người đều sẽ hướng về nhau, tất cả bàn chân choãi vào một trung tâm; và khi lên giường, họ sẽ tụ quanh quần một ống khói ấm áp, như những người Iroquois trong rừng quây quần bên đống lửa. Và cũng như ngọn lửa của người Iroquois không chỉ giữ ấm mà còn xua đuổi sói và quái vật, ống khói của tôi, với làn khói bốc ra từ đỉnh, sẽ xua đuổi bọn trộm từ thị trấn lẻn xuống làng - bởi có tên trộm nào dám đột nhập vào một ngôi nhà có ống khói nhả nghi ngút - chúng sẽ nhận ra đó là dấu hiệu nếu chủ nhà không thức thì ít nhất lửa vẫn cháy, và khi có biến, nến có thể được thắp sáng ngay, đó là chưa kể tới mấy cây súng thủ sẵn.
Nhưng dù ống khói có lẫm liệt tới đâu - dù nó có là bàn thiêng đồ sộ, cao quý và xứng đáng là chỗ để cử hành thánh lễ trước mặt Giáo hoàng và các hồng y - thì cũng có gì là hoàn hảo trên đời? Giá mà Caius Julius Caesar đừng vĩ đại tới vậy, Brutus, Cassius và Antony đã vào hàng xuất chúng. Ống khói của tôi, giá không vĩ đại thế này, các phòng của tôi cũng sẽ vào hàng to lớn rồi. Vợ tôi hay than phiền so sánh ống khói của tôi như giới quý tộc Anh, hay thích một tay che trời. Bà ấy khẳng định vô số bất tiện phát sinh trong nhà - đặc biệt đều phát xuất từ việc đặt ống khói lớn ở trung tâm. Bà ấy phản đối nhất là việc, cái chỗ trung tâm ngôi nhà đáng lý ra phải là một phòng khách bề thế. Thực tế, nhà tôi không có phòng khách, chỉ có một khoảng vuông khi bước qua cửa vào nhà. Tôi thừa nhận khoảng ấy khá rộng, nhưng nói sao thì cũng không phải phòng khách. Vì cửa trước nắm chính giữa mặt tiền, nó đâm thẳng vào ống khói. Thực tế, bức tường đối diện khoảng trống ấy chính là ống khói; và do ống khói càng lên cao càng thon dần, phần đó có bề dài không tới mười hai foot nữa. Ở bên trên phần này của ống khỏi là cầu thang chính - gồm ba khúc cua gấp và ba chiếu nghỉ hẹp - dẫn lên tầng hai, nơi có một hành lang hẹp chưa đầy mươi hai foot, tẽ ra tả hữu là các phòng. Dĩ nhiên, hành lang này có lan can; và từ đây nhìn lên đó cùng cầu thang gồm các chiếu nghỉ, trông nó chẳng khác gì ban công của nhạc công diễn xướng trong các ngôi nhà cổ thời Elizabeth. Nhưng ngặt một chỗ, tôi nói nhé? Tôi thì quý mến những mạng nhện chăng đầy ở đó lắm, nhiều lần ngăn Biddy dùng chổi quét đi, nên diễn ra nhiều cuộc cãi cọ với vợ và các con gái.
Cái trần nhà trên đầu khi bạn bước vào nhà tôi thực chất là của tầng hai, không phải tầng một. Nghĩa là, hai tầng dùng chung một trần; vì vậy, khi leo cầu thang xoắn này, bạn như đang bước vào một tòa tháp hay ngọn hải đăng. Ở chiếu nghỉ giữa, ngay trên ống khói, có một cánh cửa bí ẩn dẫn đến một cái két bí mật, nơi tôi cất giữ những chai rượu thơm ngon, được ủ ấm bởi hơi nóng dịu dàng tỏa ra từ gạch ống khói. Rượu chỗ này ngon hơn cả rượu vùng Indias; ống khói của tôi tựa như vùng nhiệt đới. Tháng Mười một, đâu có cần tới Cuba đi nghỉ thì người ngợm mới khỏe khoắn, cứ ở nhà ngồi bên ống khói là đủ. Tôi cả quyết rằng, nếu lấy nho sống mà áp vào thành, nó cũng có thể chín được nữa. Hoa phong lữ của vợ tôi cũng đâm chồi ở đó đấy thôi! Giữa tháng Mười hai mà nó vẫn đâm chồi cơ đấy. Trứng của bà ấy cũng thế - đâu dám để gần, sợ nó sẽ nở. Ôi, ống khói của tôi có trái tim ấm áp quá.
Vợ tôi nheo nhéo hoài bên tai về một phòng khách lớn, với ống khói đã bị đập đi, trải từ đầu này sang đầu kia của ngôi nhà, đủ khiến ai tới chơi cũng phải kinh ngạc vì sự rộng rãi. “Nhưng bà à,” tôi nói, “ống khói - hãy nghĩ cho ống khói: nếu phá nền móng, lấy gì đỡ phần trên?” “Thì tầng hai đỡ.” Sự thật là đàn bà thì có hiểu gì về kiến với chả trúc. Dù vậy, vợ tôi vẫn luôn miệng bàn bạc việc xây hành lang và vách ngăn. Bà ấy dành nhiều đêm lên kế hoạch; trong tưởng tượng, bà ấy xây phòng khách xuyên qua ống khói, làm như thể cái ống khói đồ sộ kia chỉ là ngọn cỏ may. Cuối cùng, tôi khẽ khàng nhắc nhở bà rằng, dù bà không ưng lòng đi nữa, ống khói là một thực tế rành rành - một thực tế vững chắc cần được đem vào soi xét trong mọi suy tính. Nhưng điều này chẳng có tác dụng gì mấy.
Tại đây, xin phép bà ấy, tôi phải nói đôi lời về người vợ tiến thủ quá mức này. Dù đã gần bằng tuổi tôi, tinh thần bà cứ trẻ như con ngựa sorrel nhỏ tên Trigger từng hất tôi ngã lăn quay mùa thu năm trước ấy. Điều kỳ lạ là, dù xuất thân trong gia đình có truyền thống bị nhức khớp, bà ấy vẫn thẳng như cây thông, chẳng bao giờ thấy ca cẩm ê buốt gì; chẳng bù cho tôi, cái chứng thần kinh tọa nhiều khi khiến tôi quéo quắt như cây táo già. Còn bà ấy đến đau răng cũng chưa thấy bao giờ. Về thính giác - tôi mới mang đôi giày bụi bặm vào nhà thôi là bà ấy trên gác mái đã nghe ra ngay được rồi. Về thị giác - Biddy, cô giúp việc, kể với bạn bè đồng sự cô ấy rằng bà chủ vẫn có thể nhìn thấy vết bẩn trên tủ dù cho có che bớt bằng bao nhiêu là đĩa thiếc. Độ nhạy của đầu óc cũng chẳng kém tay chân hay các giác quan. Ai chết vì trầm kha thì mặc chứ vợ tôi chớ hề như thế. Vào cái đêm dài nhất trong năm, tôi từng thấy bà ấy thức trắng lên kế hoạch cho hôm sau. Bà có tố chất vạch kế hoạch thiên bẩm. Châm ngôn “Mọi hiện trạng đều đúng” không phải dành cho bà. Phiên bản của bà là “Mọi hiện trạng đều sai; và hơn thế, phải luôn thay đổi chúng đi; hơn thế nữa, phải thay đổi chúng liền.” Châm ngôn ấy thật là kinh khủng cho bà vợ của một kẻ mơ mộng như tôi, kẻ chỉ ngóng tới ngày cuối tuần để nghỉ ngơi vì ghét lao động và sẵn sàng đi xa cả dặm để tránh nhìn người ta làm việc.
Người ta hay bảo vợ chồng cưới được nhau là duyên trời định, nhưng chắc vợ tôi hợp với Peter Đại đế13 hay Peter Piper14 hơn. Bà ấy sẽ có thể tổ chức lại đế chế hỗn độn của người này và dùng sự kiên nhẫn không nhân nhượng nhọc nhằn nhanh nhẹn nhặt nhạnh nhiều ớt nhánh đem đi ngâm ngập.
Nhưng điều kỳ lạ nhất về vợ tôi chính là bà không bao giờ nghĩ về cái chết. Sự hoài nghi đầy tươi trẻ về những gì được nói và những gì thực sự về cái chết dường như không hề giống một tín đồ Cơ đốc. Dù thừa biết đã đứng tuổi, vợ tôi hình như vẫn nghĩ bà sẽ sống mãi, không bao giờ cạn kiệt. Bà không tin vào tuổi già. Trước lời hứa quái lạ ở đồng bằng Mamre, vợ tôi, sẽ không hề cười thầm mà tin ngay, trái hẳn với vợ Abraham15.
Các bạn nghĩ mà xem, đối với một kẻ như tôi, ngồi trong bóng râm dễ chịu của ống khói, hút ống điều dễ chịu, tro dưới chân cũng chẳng tới nỗi khó chịu, cả mớ tro suỵt xộc lên miệng cũng chẳng tới nỗi khó chịu; trong cái trạng thái dễ chịu, xung quanh phủ đầy những lớp tro không đến nỗi khó chịu ấy, tôi chợt nhớ ra cả cuộc đời sôi nổi nhất rồi cũng thành tro bụi; vậy thì các bạn nghĩ mà xem, sức sống vô lý của vợ tôi đập vào tôi thế nào? Đôi khi chỉ là một lời răn dạy đạo đức dễ nghe, nhưng thường thì như một cơn gió xoáy vậy.
Nếu đúng như lời người ta vẫn bảo rằng trong hôn nhân, những người trái ngược nhau thường hút nhau, vậy thì tôi đã bị cuốn vào vợ tôi bằng định mệnh nào chứ! Bà luôn trong tình trạng bất mãn và cay đắng với hiện tại và quá khứ, lúc nào cũng nôn nóng ôm ấp đầy kế hoạch như ly bia gừng tràn bọt ra khỏi vành; cùng quyết tâm dỡ núi lấp non đó, bà dỡ mớ dưa muối và đồ chua xuống và sẵn sàng sống bằng nó tới vô tận; bà luôn đặt đầy đặn kỳ vọng vào thời gian lẫn không gian, không lúc nào thôi săn lùng tin tức và thèm thuồng những câu chuyện. Còn tôi, mãn nguyện với những năm tháng đã qua, chẳng màng ngày mai, cũng chẳng mong đợi điều mới mẻ tới từ bất kỳ ai hay nơi nào, tôi không có lấy một kế hoạch hay hy vọng trần gian nào, ngoài việc chống đỡ trong cái thế vô cùng bất cân sức trước sự át vía quá đà từ vợ mình.
Già rồi, tôi thích những gì cũ kỹ; ấy thế nên, tôi yêu Montaigne cũ, phô mát cũ và rượu cũ; tôi tránh những người trẻ tuổi, bánh mì nóng, sách mới và khoai tây chưa chín và rất quý mến cái ghế tựa bốn chân cũ rích của mình và ông bạn chân vòng kiềng Deacon White, hàng xóm của tôi, và người hàng xóm gần hơn nữa, cây nho già xoắn của tôi, vào mỗi chiều hè chống khuỷu tay lên bệ cửa sổ bầu bạn với tôi, trong khi tôi ở trong nhà, cũng chống khuỷu tay lên bậu cửa sổ để nhìn nó; và trên tất cả, cao hơn tất cả, đó chính là tình yêu tôi dành cho ống khói cao lớn cũ kỹ của mình. Nhưng bà vợ tôi, vì sự trẻ dạ ngây ngô của mình, chỉ ưa thích cái gì mới mẻ; ấy thế nên, bà yêu rượu táo đầu mùa thu, còn vào xuân, như thể là con gái của Nebuchadnezzar16, bà say mê các loại củ quả, rau cải đặc biệt là dưa chuột (dù tạo hóa luôn biết cách phản đối những ham muốn thanh nữ ở một người đàn bà đứng tuổi bằng cách không bao giờ để những thứ đó hợp với bà) và thích những cảnh quan mới khám phá ra (miễn là không có nghĩa trang phía sau) lẫn thuyết Swedenborg và triết lý Spirit Rapping17, cũng những quan điểm rất tân thời khác, cả tự nhiên lẫn siêu nhiên; trong niềm hy vọng không sao vùi lấp, bà cứ hết lần này tới lần khác gieo những luống hoa mới ngay cả ở mặt Bắc của ngôi nhà, nơi gió núi lạnh lẽo thổi vào tới cỏ dại còn khó mọc; và bên đường, bà giâm những cành du non; dù không hy vọng có ngày hưởng bóng mát từ chúng, trừ phi đó là trên tấm bia của chắt gái bà; bà không bao giờ đội mũ, tóc bạc tết luôn; bà mua tạp chí Ladies’ Magazine để xem thời trang; bà luôn mua lịch năm mới trước một tháng; bà dậy lúc rạng đông; bà quay lưng với hoàng hôn ấm áp; bà vẫn tiếp tục học lịch sử, tiếng Pháp và âm nhạc vào những khung giờ rất ngặt nghèo; bà thích giao du với đám trẻ; bà muốn thử cưỡi ngựa non; bà gieo cây con trong vườn; bà ghét những tua nho chống khuỷu tay của tôi, ông hàng xóm chân vòng kiềng, chiếc ghế bốn chân của tôi và trên tất cả, cao hơn tất cả, bà muốn đày đọa cái ống khói cao lớn cũ kỹ của tôi đến chết mới thôi. Bởi thứ ma thuật ngược đời nào, tôi nghĩ hàng nghìn lần không ra, một bà già đã ở cái tuổi xế thu lại có tầm hồn non xuân đến thế? Khi tôi phản đối ý định ấy, bà quay ngoắt sang bảo: “Ôi, đừng có cằn nhằn, lão già (bà luôn gọi tôi là ông già), chính vì tôi trẻ trung như thế mới làm ông bớt rề rà hơn được đấy.” Vâng, chắc là thế. Dẫu sao thì, mọi thứ đều được chu toàn. Vợ tôi, như một người bà con nghèo khổ mà hiền lành của bà từng bóng gió, chính là muối của đất, cũng chính là thứ muối của đại dương tôi, vốn đã có thể thành vùng nước độc hại nếu không có bà18. Bà còn là cả gió mùa nữa, thổi một trận cuồng phong hối hả qua mặt biển ấy, kiên định đập theo một hướng về phía ống khói của tôi.
Nhận thức được năng lượng vượt trội của mình, vợ tôi hay đề nghị gánh vác những trách nhiệm vốn thuộc về tôi. Trong gia đình này, bà muốn tôi thoái vị; rằng tôi nên như Vua Charles Đệ Ngũ đáng kính, từ bỏ quyền lực và rút vào trong tu viện mà ở ẩn. Nhưng thực ra, ngoại trừ ống khói, tôi cũng đâu còn quyền lực gì mà từ bỏ. Bằng cách áp dụng khéo léo rằng một số việc nên để phụ nữ đảm đương, vợ tôi dần dà tước đoạt mọi đặc quyền của tôi. Trong mơ, tôi đi quanh cánh đồng, như một Lear già lười biếng, vô tích sự. Trong những khoảnh khắc khải ngộ đường đột, tôi mới nhớ ai trên cơ mình; như có một đợt cách đây vài năm, lúc tôi thấy một đống gỗ lạ xuất hiện trong góc vườn, tôi mới nhận ra được sự kỳ lạ đó. “Vợ,” tôi nói, “gỗ là của ai thế? Em biết gì không? Ai đặt ở đó thế? Anh không thích hàng xóm dùng đất của anh mà không nói trước một lời như vậy.”
Bà nhìn tôi, nhoẻn một nụ cười giễu giương:
“Này ông lão, ông không biết tôi sắp xây chuồng bò mới sao? Lý nào ông lại không biết?”
Đấy, chính đấy là người đàn bà già tội nghiệp vừa mới mắng tôi là đồ chuyên chế, áp đặt bà ấy đấy.
Giờ quay lại chuyện ống khói. Sau khi bị thuyết phục rằng ý tưởng xây sảnh lớn là vô ích chừng nào cái ống khói vẫn đứng đó cản đường, vợ tôi tạm thời xoay qua một kế hoạch cải tạo khác. Nhưng tôi không bao giờ hiểu nổi ý tưởng ấy. Theo những gì tôi biết loang loáng, đó là kế hoạch đục đường hầm chữ L xuyên qua ống khói ở đoạn dưới cầu thang, tránh xa các lò sưởi và đặc biệt né cái ống dẫn khói chính, để vị khách ghé chơi nào đủ táo bạo thì sẽ có thể đi từ cửa trước thẳng tới phòng ăn tận phía sau nhà. Tất nhiên, ý tưởng rất là tài tình, như Nero đào kênh xuyên eo Corinth vậy19. Tôi cũng không dám khẳng định, nếu một mai bà hoàn thành dự án, với những ngọn đèn treo khéo léo dọc đường hầm, một Belzoni20 nào đó trong tương lai có thể chui qua khối xây và bước thẳng vào phòng ăn không nữa - mà tới nơi rồi thì chắc chắn sẽ bất nhã nếu không đãi họ một bữa vì một chuyến hành hương đầy kham khổ vừa qua.
Nhưng người vợ tăng động của tôi không chỉ dừng lại ở việc phản đối hay lên kế hoạch cải tạo tầng một. Tham vọng của bà còn leo thang lên tầng hai rồi lên gác xép. Mà chắc bà cũng có lý do chính đáng để bất mãn đến thế. Sự thật là không có lối đi đường hoàng nào trên đó xuống, trừ cái “ban công ban nhạc” tôi đã đề cập. Tất cả đều do ống khói - thứ mà vợ tôi xem chẳng khác gì một kẻ bóc lột trong nhà. Gần như mọi căn phòng đều nép vào ống khói để có lò sưởi. Ống khói không đến với các căn phòng; tự chúng nó phải tìm đến ống khói. Hậu quả là mỗi phòng, cứ như một hệ thống triết học, từ nó trở thành hành lang dẫn qua các phòng khác - một chuỗi các lối đi chằng chịt. Bước vào nhà tôi, bạn sẽ thấy mình luôn trên đường đi đâu đó nhưng lại chẳng tới đâu. Như lạc trong rừng: bạn đi vòng quanh ống khói để rồi cuối cùng lại về chỗ cũ, và cứ tiếp tục lần khần vô định. Thật vậy - dù tôi không có ý chê bai - chưa từng có ngôi nhà nào rối não tới thế. Khách ở lại hàng tuần liền rồi mà thỉnh thoảng vẫn giật mình vì phát hiện ra một ngóc ngách chưa từng biết tới.
Tính rối rắm của ngôi nhà thể hiện rõ nhất ở phòng ăn với tận chín cánh cửa mở ra đủ hướng. Khách lần đầu vào phòng ăn nếu không để ý khi nãy mình đi qua cửa nào, lúc trở ra sẽ rất dở khóc dở cười. Anh ta có thể mở đại một cửa và thấy mình đang lén lút leo cầu thang phụ. Đóng cửa đó lại, mở cửa khác thì hoảng hốt thấy hầm rượu dưới chân. Thử cửa thứ ba, anh ta bắt gặp cô hầu gái đang làm việc. Cuối cùng, đã không còn có thể tự thân vận động nữa, anh ta nhờ người dẫn đường mới may sao thoát ra được. Có tối nọ, một chàng trai bảnh bao - người Anna con gái tôi để ý - tới thăm con bé. Thấy nó ngồi một mình trong phòng ăn may vá, cậu chàng nán lại đến khá khuya. Mũ không tháo, tay vẫn gậy, đôi chim bông ríu rít đủ điều, rồi cậu đứng dậy cáo từ với những cái cúi chào rất ư là nghệ, như triều thần cáo từ hoàng hậu, một tay mở đại một cửa, tay kia để sau lưng, đi thẳng vào trong tủ âm tường rồi tự nhốt mình trong đó, vẫn ngạc nhiên không dứt vì tưởng đó là một cái hành lang không có đèn. Sau vài tiếng động lạ như mèo nghịch bát đĩa, cậu chàng trở lại với vẻ mặt thảm hại, ngượng ngùng nhờ Anna chỉ đường ra ngoài trong số chín cửa. Khi cô con gái tôi tinh nghịch thuật lại, nó bảo thật lạ là chàng trai vẫn tỏ ra vô cùng bình tĩnh sau sự cố. Có lẽ vì đã vô tình nhúng đôi găng trắng vào ngăn đựng đường Havana nên nghĩ, như cái cách người ta hay nói, mình là “một chàng trai ngọt lịm”, và bởi có đường trong ngăn kéo, nên đường ra là ở phía đó.
Một bất tiện khác từ ống khói là khiến khách lạc đường khi tìm phòng ngủ, khi có vô số cửa lạ trên đường đi. Đem biển chỉ dẫn ra mà treo thì hơi kỳ cục; mà cứ gõ cửa từng phòng chờ được mời vào trên đường đi như quốc vương trước Temple-Bar xin vào thành phố thì cũng kỳ21.
Gia đình tôi liên tục phàn nàn về những bất tiện ấy. Cuối cùng, vợ tôi đưa ra đề nghị quyết liệt: dỡ bỏ hoàn toàn ống khói.
“Cái gì?” tôi kêu lên. “Phá ống khói? Bẻ xương sống của bất cứ thứ gì cũng nguy hiểm, bà ạ. Nhổ cột sống khỏi lưng hay ống khói khỏi nhà đâu có dễ như nhổ ống chì đóng băng khỏi mặt đất. Hơn nữa,” tôi thêm “ống khói là thứ duy nhất có khả năng trường tồn trong ngôi nhà này. Nếu không bị những kẻ ưa đổi mới phá hoại, có khi cả ngôi nhà này sụp đổ, nó vẫn sẽ trơ ra đứng đó - như đài tưởng niệm Bunker Hill. Không, không, bà ơi, ta không thể bẻ gãy xương sống mình.”
Lúc đó tôi nói thế. Nhưng có ai đủ vững vàng để bảo vệ chủ kiến của mình đâu, nhất là với một ông già mà vợ con cứ nhiêng nhiếc bên tai, huynh huých bên chỏ? Dần dà, tôi bị thuyết phục phải suy nghĩ lại; ngắn gọn là xem xét vấn đề. Cuối cùng, một thợ nề cả - cũng được coi là kiến trúc sư rồi - tên Scribe được mời đến. Tôi chính thức giới thiệu hắn ta với cái ống khói của tôi, sau khi vợ tôi đã giới thiệu hắn với tôi. Bà đã thuê hắn lên kế hoạch và dự toán cho các đề án cải tạo của mình. Sau khi vợ tôi hứa sẽ để chúng tôi yên mà khảo sát, tôi dẫn ông Scribe xuống tận móng trong tầng hầm. Cầm đèn, tôi bước xuống cái nơi tối như mực dù bên trên đang là giữa trưa.
Chúng tôi như thám hiểm kim tự tháp. Tôi một tay giơ cao đèn, tay kia chỉ vào ống khói đang cắm sừng sững trong bóng tối, trông như một hướng dẫn viên Ả Rập đang chỉ về phía cái lăng đầy mạng nhện của thần Apis vĩ đại.
“Đây quả là công trình đặc biệt,” thợ nề nhận xét sau hồi lâu im lặng, “rất đặc biệt, thưa ông.”
“Vâng,” tôi đắc ý đáp, “ai cũng bảo thế.”
“Nhưng dù ở mái có lớn thật, tôi không ngờ phần móng lại đồ sộ thế này,” hắn vừa bảo, vừa lấy thước mà đo.
“Mỗi bề mười hai foot; diện tích là một trăm bốn mươi bốn foot vuông! Thưa ông, ngôi nhà này in như được xây chỉ để phục vụ ống khói của ông thôi đấy.”
“Đúng, cho ống khói tôi và tôi. Giờ nói thật tôi nghe,” tôi đế vào, “anh có muốn phá bỏ một cái ống khói hiển hách thế này không hửm?”
“Có cho tôi cũng không lấy,” hắn ta đáp. “Trông đâu cũng chỉ thấy thiệt. Ông có biết giữ ống khói này là ông đang mất không chỉ một trăm bốn mươi bốn foot vuông đất tốt mà còn cả khoản lãi từ một số vốn lớn có thể kiếm được từ nó không?”
“Sao cơ?”
“Xem này!” Hắn ta rút phấn đỏ, vạch lên tường trắng, “hai mươi lần tám là rồi là; rồi bốn hai lần ba mươi chín là bằng... phải không? Cộng lại, trừ đi phần này, sẽ được là...,” hắn tiếp tục tính.
Nói ngắn gọn, sau loạt tính, Scribe cho tôi biết ống khói có tổng cộng bao nhiêu ngàn có lẻ những viên gạch giá trị mà tôi không tiện nói ra ở đây.
“Thôi,” tôi sốt hết cả ruột. “Giờ lên trên xem thử nào.”
Chúng tôi tiếp tục khảo sát hai tầng trên rồi đứng ở chân cầu thang gần cửa trước, tay tôi nắm chốt cửa, Scribe cầm mũ.
“Vâng,” hắn lúng túng mở lời, tay vần chiếc mũ. “Tôi nghĩ việc này là khả thi.”
“Scribe ơi, việc gì khả thi cơ?”
“Ống khói của ông đó; có thể phá dỡ nó mà không tổn hại gì nhiều.”
“Tôi cũng nghĩ,” tôi vừa nói vừa xoay chốt cửa, mời hắn ra ngoài, “chuyện đó cần xem xét kỹ lại. Cảm ơn anh. Chúc ngày mới tốt lành, Scribe.”
“Thế là xong rồi nhé!” vợ tôi reo lên, từ phòng gần nhất bước ra.
“Khi nào họ làm?” con gái Julia của tôi hỏi.
“Mai hả?” Anna nhao nhao.
“Bình tĩnh nào các con,” tôi nói. “Ống khói lớn thế này ai mà phá hủy ngày một ngày hai được.
Sáng hôm sau, chuyện lại tiếp diễn.
“Ông còn nhớ gì tới cái ống khói không thế?” vợ tôi hỏi.
“Bà ơi,” tôi đáp. “Có bao giờ tôi ngừng nhớ về nó đâu.”
“Thế bao giờ bác Scribe tới phá?” Anna hỏi.
“Không phải hôm nay,” tôi đáp.
“Thế chừng nào?” Julia sốt ruột hỏi.
Giờ đây, nếu ống khói của tôi là một tháp chuông đồ sộ về kích cỡ, luôn réo rắt kéo tôi về phía nó, thì vợ và các con gái tôi chính là những quả chuông, lúc hòa âm cùng nhau, khi thì nối đuôi giai điệu của nhau theo từng hồi ngắt quãng, với vợ tôi là âm trưởng điều phối tất cả. Tôi thừa nhận đó là những tiếng ngân nga, luyến láy, hòa âm rất êm tai; nhưng rồi, ngay cả cái chuông bạc có tiếng thánh thót nhất không phải lúc nào cũng vui tươi, nhiều khi cũng có thể ngân lên những hồi dài buồn thảm. Chuyện giờ đây đã thành ra thế đấy. Khi nhận thấy sự phản đối kỳ lạ nổi lên trong tôi, vợ và các con bắt đầu ngân lên những hồi oán hờn, thảm thê.
Cuối cùng, vợ tôi nổi đóa, chỉ thẳng mặt tôi mà tuyên bố rằng chừng nào cái ống khói còn đứng đó, bà sẽ coi nó như tượng đài của cái mà bà gọi là lời hứa tan vỡ của tôi. Nhưng nhận ra bấy nhiêu vẫn chưa thấm vào đâu, bà cho tôi biết giữa bà và ống khói, một người phải ra khỏi nhà.
Thấy sự tình đã tới mức này, tôi ngậm điếu tẩu ngồi suy ngẫm một hồi và cuối cùng đi đến kết luận rằng, dù trái tim của tôi và ống khói tôi không hề ưng thuận chuyện này, nhưng vì hạnh phúc gia đình, tôi đành viết giấy an tử cho ống khói của tôi và nhân tiện, viết luôn một lá thư đòi Scribe tới làm.
Nói đi cũng phải nói lại, thực tế rằng ống khói, điếu tẩu và tôi đã gắn bó với tôi quá lâu đến mức chẳng khác gì ba đứa bạn thân thiết đã khiến cái việc điếu tẩu dễ dàng chấp thuận một kế hoạch xử trảm cho người bạn to lớn nhất trong nhóm, hay đúng hơn là kế hoạch mà tôi và điếu tẩu âm thầm mưu toan với nhau, như thể để chống lại ông bạn già không chút hồ nghi kia, nom quá là kỳ cục, nếu không muốn nói là nó gợi rằng chúng tôi là những kẻ tệ bạc. Chúng tôi chẳng bao giờ muốn phản bội bạn bè đâu. Bản tính chúng tôi vốn ưa hòa bình. Nhưng chính tình yêu hòa bình đó đã khiến chúng tôi trở mặt với người bạn chung ngay trong lúc ông bạn ấy cần được bảo vệ, biện minh. Nhưng tôi vui mừng thông báo, những suy nghĩ tốt đẹp và lòng can đảm đã sớm quay lại với tôi, xin theo dõi tiếp.
Sau khi thư được gửi, Scribe đáp sẽ đến tận nơi trả lời.
Chúng tôi lại khảo sát, lần này để dự chi.
“Năm trăm đô la thì tôi làm,” cuối cùng, Scribe nói, lại cầm mũ lên tay.
“Tốt lắm, Scribe, tôi sẽ suy nghĩ,” tôi trả lời, lại cúi chào tiễn hắn ra khỏi cửa.
Không hài lòng với câu trả lời bất ngờ tập hai này, hắn rút lui, vợ cùng con gái tôi lại bùng lên những lời than phiền hệt như cũ.
Sự thật là, dù có quyết tâm tới mức nào đi chăng nữa, đến phút cuối, tôi và ống khói của tôi không thể bị chia lìa.
“Vậy ra Holofernes22 sẽ được toại nguyện, bất chấp trái tim ai tan vỡ,” vợ tôi nói vào sáng hôm sau khi đang dùng bữa sáng, với cái giọng nửa dạy đời, nửa rách móc khó chịu hơn cả những đợt tấn công mạnh mẽ nhất bà từng nhằm vào tôi. Holofernes với bà là biệt danh cho bất kỳ kẻ độc tài trong gia đình nào. Vì thế, bất cứ khi nào tôi đứng dậy khởi nghĩa, dù chẳng khi nào đủ kiên định để tới cùng, trước các tham vọng của bà - những thứ đi ngược hoàn toàn với tính cách của tôi - như trong trường hợp hiện tại, tôi sẽ bị bà gọi là Holofernes, và mười lần thì hết chín sẽ tranh thủ cơ hội đầu tiên để đọc to vào buổi tối, với giọng nhấn nhá đầy kìm nén, đoạn dẫn trên báo về một tay thợ đụng tính tình độc đoán nọ, sau nhiều năm làm bạo chúa Caligula23 trong gia đình, cuối cùng đã đánh người vợ từ lâu cam nhẫn cho tới chết, rồi tháo bản lề cánh cửa, ném những đứa con vô tội của hắn qua cửa sổ, trước khi quay vào bức tường nứt nẻ ghi đầy hóa đơn hàng thịt và hàng bánh mì, lao đầu vào đó để chết một cái chết thảm khốc.
Tuy nhiên, trong vài ngày sau đó, tôi ngạc nhiên không ít khi không nghe lời càu nhàu gì nữa. Một sự điềm nhiên kỳ lạ bao trùm lên vợ tôi, nhưng vẻ bề ngoài ấy, cũng giống hệt mặt biển, ai biết sâu bên dưới ngọn sóng nào đang cuồn cuộn. Bà thường xuyên ra ngoài và đi theo một hướng mà tôi cho là hoàn toàn có chủ ý: hướng về New Petra, một ngôi nhà kỳ lạ có hình sư tử đầu chim làm bằng gỗ và vữa với phong cách nghệ thuật trang trí thượng hạng, được tô điểm bởi bốn ống khói hình con rồng đứng nhả khói từ lỗ mũi; đây là nơi ở vừa hiện đại, vừa thanh lịch của Scribe, được xây lên như một quảng cáo sống động, không chỉ về gu thẩm mỹ về kiến trúc mà còn cho uy tín về cái nghề thợ nề của hắn.
Cuối cùng, vào sáng nọ, khi đang hút tẩu, tôi nghe tiếng gõ cửa, đó là vợ tôi, vẻ mặt bình thản rất khác thường, đưa cho tôi một bức thư. Vì tôi không biên thư qua lại với ai ngoài Solomon, người được một cái là có quan điểm hoàn toàn tương đồng với tôi, lá thư vợ tôi đưa làm tôi hơi ngạc nhiên, càng ngạc nhiên hơn khi đọc mấy dòng sau:
NEW PETRA, mồng Một tháng Tư.
Kính gửi Ngài,
Trong lần khảo sát gần nhất cái ống khói nhà ngài, hẳn ngài có nhận thấy tôi thường xuyên áp thước đo vào nó một cách có vẻ không cần thiết. Cũng có thể ngài đã thoáng thấy vẻ bối rối nào đó nơi tôi, dù tôi đã kìm nén không thốt lên thành lời.
Giờ đây, tôi thấy cần phải thông báo điều mà lúc ấy tôi còn chỉ hồ nghi mơ màng, khi ấy mà nói ra thì sẽ không khôn ngoan, nhưng giờ đây, sau nhiều tính toán sâu xa hơn cùng ít nhiều có lý lẽ và tính khả thi, tôi thấy cần phải thông báo để ngài biết rõ sự tình, không để ngài trong bóng tối nữa.
Bổn phận nghiêm túc của tôi là cảnh báo ngài rằng, về mặt kiến trúc, hoàn toàn có cơ sở để nghi ngờ rằng đâu đó trong ống khói nhà Ngài có một khoảng không gian kín, được đóng kín hoàn toàn, ngắn gọn là một căn buồng bí mật, hay đúng hơn là một hệ tủ ngầm giấu. Nó đã tồn tại bao nhiêu lâu rồi thì tôi không dám chắc. Nó chứa gì bên trong đó vẫn là việc chìm trong bóng tối cùng với lai lịch của chính nó. Nhưng chuyện xây tủ ngầm đi kèm theo những lý do bất thường gì, để giấu kho báu hay mục đích gì khác, xin nhường cho những ai hiểu lịch sử ngôi nhà mà đoán định.
Nhưng thôi đủ rồi: khi tiết lộ điều này, lương tâm tôi nhẹ nhõm. Dù ngài chọn hành động thế nào, việc ấy cố nhiên là chuyện của ngài; dù tôi thú nhận, về tính chất của cái tủ kia, tôi không thể không dấy lên một nỗi nghi ngờ cố hữu. Mong rằng ngài sẽ được dẫn dắt tới sự đúng đắn khi quyết định liệu rằng mình có xứng danh nghĩa một Cơ đốc nhân khi biết mà vẫn cố ý sống trong một ngôi nhà có giấu tủ ngầm hay không.
Kính thư,
Với sự kính trọng sâu sắc,
Kẻ hèn này,
Hiram Scribe.”
Ý nghĩ đầu tiên nảy ra trong tôi khi đọc lá thư này không phải là về cái vẻ bí ẩn mà nó phô ra ngay lúc đầu, bởi tôi chẳng hề thấy điều gì như thế ở ông thợ nề trong những lần hắn khảo sát - mà là về người bà con quá cố của tôi, Thuyền trưởng Julian Dacres, một nhà buôn và thuyền trưởng lâu năm trên hải trình Ấn Độ Dương, người đã qua đời cách đây ba mươi năm ở tuổi chín mươi, sống độc thân và chết trong chính ngôi nhà này, chính cái ngôi nhà mà ông đã xây nên. Người ta bảo ông về đây nghỉ hưu với một khối gia tài kếch sù. Nhưng thật bất ngờ, sau khi bỏ ra một khoản tiền khổng lồ để xây dinh thự này, ông vẫn sống những năm cuối đời trong tĩnh lặng, khép kín và dè sẻn tới mức hàng xóm nghĩ rằng ông sống như thế chỉ để cần kiệm cho những người thừa kế của ông. Nhưng chao ôi! Khi mở di chúc ra, tài sản của ông chỉ bao gồm ngôi nhà cùng mảnh đất, cùng mười ngàn đô la cổ phiếu; còn căn nhà thì bị thế chấp gần hết rồi cuối cùng bị bán đi. Thiên hạ đàm tiếu một thời gian rồi thôi, để cỏ mọc yên ả trên mộ vị thuyền trưởng, nơi ông yên nghỉ trong sự riêng tư tuyệt đối, như thể những con sóng của Ấn Độ Dương chứ không phải những rệ cỏ xanh rì trong đất liền đang vỗ về giấc ngủ ông. Tuy nhiên, tôi nhớ lâu lắm rồi từng có tin đồn kỳ lạ mà chòm xóm hay to nhỏ với nhau xung quanh di chúc của ông, rồi đá nhẹ qua chính bản thân ông; cả về bản tính lúc sinh thời và tài sản. Nhưng những kẻ có thể (thực ra là chắc chắn) đã lan truyền rằng Thuyền trưởng Julian Dacres từng là cướp biển ở Borneo chắc chắn không đáng tin khi chỉ dựa vào những suy già đoán non của họ. Thật kỳ lạ, các tin đồn hoang đường cứ mọc lên như nấm xung quanh bất kỳ người lạ mặt lập dị nào khi quyết định sống một cuộc đời khép kín giữa chốn thôn dã yên ắng. Với một số người, sự vô hại của họ đôi khi lại làm người khác khó chịu. Nhưng điều khiến tôi bác bỏ tin đồn này, đặc biệt là về kho báu đang ẩn giấu trong ngôi nhà, là bởi tay chủ nhà lạ mặt (chính kẻ đã cắt phăng mái nhà và chóp ống khói) tiếp quản bất động sản sau cái chết của người bà con tôi, hắn là kiểu người mà nếu có chút cơ sở nào cho những lời đồn đoán ấy, thì hắn đã xắn tay kiểm chứng ngay bằng cách đập tường lục soát từ lâu rồi.
Dù là thế, lá thư của Scribe bằng cách nào đó lại gợi ra ký ức về người bà con ấy trong tôi, rất tự nhiên hòa cùng những bí ẩn, hoặc ít nhất là những điều chưa thể giải thích được, về ông ấy; những ánh lấp lánh mơ hồ của thỏi vàng trong tâm trí tôi hòa quyện với các tia sáng mờ ảo của hộp sọ. Nhưng suy nghĩ tỉnh táo đầu tiên nhanh chóng xua tan những ảo tưởng đó; và với nụ cười bình thản, tôi quay sang vợ, người đang ngồi ngay gần đó, hẳn là đang sốt ruột muốn biết ai lại rảnh rỗi tới mức nghĩ tới chuyện viết thư cho tôi.
“Này ông già,” bà ấy nói, “thư của ai, về điều gì đấy?”
“Bà đọc đi,” tôi nói, rồi chìa thư ra.
Bà ấy đọc, và rồi - như bom nổ! Tôi sẽ không cố gắng miêu tả cảm xúc của bà ấy hay lặp lại những lời bà thốt ra. Đủ hiểu rằng các con gái tôi được gọi vào lẹ làng như thế nào để chia sẻ sự phấn khích trong bà. Mặc dù trước đây họ chưa hề mơ tới một điều giống như tiết lộ của Scribe; nhưng ngay từ gợi ý đầu tiên, bản năng của họ đã nhìn thấy sự hợp lý cực độ trong lời nói ấy. Để củng cố, vợ và các con tôi trước hết viện dẫn tới người bà con của tôi, sau đó là cái ống khói của tôi; khẳng định rằng sự bí ẩn cùng cực bao trùm lên người trước và kỹ thuật xây dựng kỳ lạ không kém cùng cực của cái sau, dù đều là những sự thật đã được thừa nhận, hai thứ đó sẽ quá vô lý nếu cái giả thuyết về tủ ngầm kia không phải sự thật.
Nhưng suốt lúc ấy, tôi lẳng lặng nghĩ: Lẽ nào vợ con tôi nghĩ sẽ lừa được tôi tin vào cái bẫy tủ ngầm buồng ngầm mà họ đã giăng ra cho tôi sao? Lẽ nào họ nghĩ tôi không biết, để tiếp cận cái tủ thì không có cách nào khác là phải phá ống khói - mà dù sau khi phá xong và không thấy có gì đi nữa, họ cũng đã đạt được ý đồ phá được cái ống khói? Rõ như ban ngày rằng vợ tôi muốn xử trảm cái ống khói, còn tay Scribe dù giả vờ cái vẻ khách quan trung dung nhưng chắc chắn không dễ gì nhả ra khỏi thương vụ năm trăm đô la tiền công này. Tôi chưa dám khẳng định bà nhà toa rập với hắn. Nhưng khi nghĩ về sự căm ghét ống khói của bà, cùng cái cách bà luôn kiên trì đủ mọi tâm cơ để triệt hạ nó, nhất là sau khi đã bị thất bại một lần, bà có đi tới con đường đó thật, hay tới bất kỳ con đường kinh khủng nào khác, tôi cũng không mấy bất ngờ.
Nhưng có một điều tôi đã quyết tới cùng, tôi và ống khói sẽ không lùi bước.
Mọi phản đối đều vô ích. Sáng hôm sau, tôi ra đường, để ý một con ngỗng già có vẻ quái gở, nhờ chiến công hiển hách trong công cuộc đào bới bậy bạ những chỗ hiểm hóc, nó được chủ mình thưởng cho một món trang sức kỳ dị bằng gỗ có bốn chấu, trông như huân chương Garotte24. Tôi nhằm cọng lông cứng nhất của nó mà nhổ, mang về làm bút, biên một lá thư sắt đá như sau:
BÊN CẠNH ỐNG KHÓI, mồng Hai tháng Tư
Kính gửi Scribe,
Rất biết ơn sự suy đoán của anh. Tôi và ống khói của tôi khẳng định, chúng tôi sẽ vẫn giữ yên hiện trạng.
Trân trọng,
Rất chân thành,
TÔI VÀ ỐNG KHÓI CỦA TÔI.
Cố nhiên, vì lá thư ấy mà tôi và ống khói chịu không ít mắng mỏ. Nhưng sau khi tôi khẳng định chắc nịch rằng lá thư của Scribe sẽ không thể lay chuyển được quyết tâm của tôi dù chỉ là một chút, vợ tôi, giữa nhiều lý lẽ, đã lựa chọn cách làm tôi nao núng bằng việc bảo rằng, nếu nhớ không lầm, có một đạo luật nào đó xem việc giữ tủ bí mật trong nhà riêng là bất hợp pháp, tội tương tự như tích trữ thuốc súng. Nhưng điều ấy có ăn thua gì tôi đâu.
Vài hôm sau, bà nhà tôi thay đổi chiến thuật.
Gần nửa đêm, khi mọi người ai nấy đã đều lên giường, căn nhà chỉ còn hai vợ chồng tôi mỗi người chia một góc lò sưởi; vợ, cặp que móc trên tay, cặm cụi đan vớ; chồng, tẩu bập trên miệng, lười biếng dệt khói thuốc.
Đó là một trong những đêm đầu thu thời tiết se lạnh. Lửa trong lò cháy lay lắt. Không khí ngoài lò trở nên ngột ngạt. Do sơ sẩy, chúng tôi lỡ lấy phải loại củi ẩm.
“Ông nhìn ống khói đi,” bà mở lời, “không thấy có gì đó kỳ lạ hửm?”
“Có chứ, bà xã. Đúng là có khói trong ống khói, như thư Scribe nói.”
“Khói? Thì đúng là khói, nó còn bay vào cả mắt tôi đây này. Hai thằng già mắc dịch này nhả gói ghê quá - cái ống khói già rách và ông!”
“Bà xã ơi,” tôi nói, “tôi và ống khói của tôi thích hút thuốc trong yên lặng thật, nhưng đừng có gọi chúng tôi là này là nọ.”
“Này ông chồng già quý hóa,” bà dịu giọng, khéo léo chuyển đề tài, “khi ông nghĩ về người bà con kia, đáng lý ông phải ngộ ra là có cái tủ bí mật trong ống khói này chứ?”
“Là hố tro bí mật thì có, vợ tôi ạ. Ống khói nào chẳng có hố tro - chứ không thì mấy đống tro chúng ta đổ xuống cái lỗ kỳ quặc kia đi đâu được?”
“Tôi biết chúng đi đâu chứ. Tôi vào đó thường xuyên chẳng kém mấy con mèo là bao đâu.”
“Quỷ ma nào xui khiến bà chui vào hố tro thế hửm? Bà không biết con quỷ của Thánh Dunstan25 từng chui từ hố tro lên à? Coi chừng có ngày bà mất mạng vì cái trò thám hiểm đó đấy nhé. Nhưng giả sử có tủ bí mật thật, thì sao nào?”
“Còn thì sao nào? Trong tủ bí mật thì có gì ngoài...”
“Xương khô, thưa vợ tôi,” tôi ngắt lời, phà khói, ống khói thân thiện cũng phà theo một hơi nối vào.
“Nữa! Cái ống khói già mắc dịch này phì khói ghê chết đi được,” bà vừa nói, vừa lấy khăn lau mắt. “Tôi cam đoan nó phì khói nhiều như thế là do ống khói đã bị cái tủ bí mật chắn mất. Ông coi này, hai trụ này cứ sụt dần, từ cửa đến lò sưởi cứ nghiêng triền cả đi. Các ông khói kinh tởm này sẽ sập xuống đầu chúng ta bất cứ lúc nào đấy, ông già ạ.”
“Ừ, bà xã, tôi cũng nghĩ thế. Tôi hoàn toàn tin tưởng vào ống khói của mình. Còn chuyện nó sụt, thế tôi càng thích. Tôi cũng đang sụt dần theo tuổi tác xuống đấy thôi. Tôi và ống khói của tôi cùng nhau sụt xuống, cứ thế mà sụt xuống cho tới khi chúng tôi như trên một chiếc giường lông vũ êm ái, rồi chúng tôi chìm khỏi mắt tất cả. Nhưng cái lò bí mật; à quên, ý tôi là cái tủ bí mật của bà ấy, bà nghĩ nó ở chỗ nào trong ống khói?”
“Đó là việc của Scribe.”
“Nhưng nếu chính hắn cũng không xác định được thì bà tính thế nào?”
“Thì ít nhất hắn cũng chứng minh được nó phải nằm đâu đó trong cái ống khói cổ lỗ sĩ này chứ.”
“Còn nếu hắn không chứng minh được thì sao?”
“Thì, ông già ạ,” bà ta nói với vẻ cao ngạo, “tôi sẽ không nhắc tới chuyện này nữa.”
“Chốt thế nhé,” tôi vừa nói vừa gõ tẩu vào trụ lò, “ngày mai tôi gọi Scribe tới lần thứ ba. Bà xã ơi, bệnh đau thần kinh tọa của tôi lại tái rồi, bà cất giùm cái tẩu lên giá lò sưởi tôi với.”
“Ông đưa cho tôi cái thang thì tôi mới với lên được. Cái già lò sưởi của cái ống khói cằn cỗi đáng ghét này cao quá, không sao với tới nổi.”
Bà ấy không từ một cơ hội nào, dù là nhỏ nhặt nhất, để công kích cái ống khói tội nghiệp của tôi.
Tiện đây tôi kể luôn, phải nói là ngoài việc bị những lò sưởi vây quanh, ống khói của tôi còn bị đục khoét hết sức tùy tiện trên mỗi tầng để tạo ra đủ thứ tủ chạn kỳ quặc, đủ hình dạng và kích cỡ, cứ gá lên nó chỗ này chỗ kia như những cái tổ chim đậu trên các chạc một cây sồi già. Ở tầng hai, mấy cái tủ này lại càng bất nhất và nhiều vô kể. Nhưng về lý thuyết, điều này là không thể, bởi ống khói càng lên cao càng nhỏ dần lại theo dáng kim tự tháp. Phần chóp cụt trên mái nhà thì rõ rồi, và người ta cứ ngỡ rằng sự thu hẹp ấy phải được tính toán rất kỹ lưỡng từ dưới lên trên.
“Scribe này,” hôm sau, khi tay này đến, tôi bảo, “mục đích tôi gọi anh tới đây không phải để bàn việc phá ống khói, cũng chẳng phải để trao đổi gì thêm về nó, mà tôi chỉ gọi anh đến để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho anh để anh có thể xác minh, nếu anh đủ khả năng, cái phỏng đoán anh đã ghi trong thư.”
Dù có lẽ thầm thất vọng không ít trước thái độ lạnh nhạt của tôi, khác xa với điều hắn đang mong đợi, hắn vẫn tỏ ra rất sốt sắng khi bắt đầu cuộc khảo sát. Hắn mở toang các tủ chạn ở tầng một, rồi thò đầu vào mấy hộc tường trên tầng hai; đo đạc bên trong, rồi so sánh với kích thước ở bên ngoài. Gỡ tấm chắn lò sưởi, hắn ngước lên nhìn ống khói. Dẫu có thế, dấu vết của cái tủ bí mật vẫn chưa thấy đâu cả.
Phải nói rằng các phòng ở tầng hai cực kỳ rối rắm. Chúng bắt khớp với nhau bằng cơ chế mộng đuôi én. Chúng có đủ mọi loại hình dạng, không có bất kỳ một căn phòng vuông vức chuẩn tắc nào, một đặc điểm mà các tay thợ nề lão luyện không thể không để ý. Với vẻ mặt đầy hàm ý, thậm chí dữ tợn, hắn đi vòng quanh ống khói, đo diện tích từng phòng xung quanh; rồi hắn xuống tầng dưới, ra ngoài sân, đo tổng diện tích mặt bằng; sau đó, so sánh tổng diện tích tất tật các phòng ở tầng hai với diện tích mặt đất; rồi quay lại gặp tôi với vẻ cực kỳ phần kích, tuyên bố rằng có giữa hai phép đo có sự chênh lệch tới gần hai trăm foot vuông, đủ chỗ, ôi trời ạ, cho một cái tủ bí mật.
“Nhưng, Scribe này,” tôi nói, tay vuốt cằm, “anh đã trừ hao phần tường chính lẫn tường ngăn chưa? Chúng cũng chiếm diện tích mà.”
“À, tôi quên mất,” hắn gõ trán, “nhưng,” vừa lẩm nhẩm tính trên giấy, “có là thế thì phần chênh lệch cũng quá nhiều.”
“Nhưng Scribe này, anh đã trừ hao các hốc lò sưởi trên mỗi tầng chưa, rồi tường lò, ống dẫn, ngắn gọn là, anh đã bao quát hết toàn bộ hệ ống khói chưa - anh trừ hao cái khoảng một trăm bốn mươi bốn foot vuông chưa, Scribe?”
“Thật khó hiểu. Tôi lại quên béng đi điều đó.”
“Thật luôn, Scribe?”
Hắn lúng búng một chặp, rồi bật lại: “Nhưng giờ ta phải trừ đi một trăm bốn mươi bốn foot vuông cho toàn bộ hệ ống khói. Kết luận của tôi là, trong khoảng dôi ra kia vẫn đủ chủ cho một cánh tủ bí mật.”
Tôi lặng lẽ nhìn hắn một lát, rồi lên tiếng:
“Anh khảo sát đã đời rồi, Scribe; giờ xin anh đặt một ngón tay vào chính xác cái chỗ nào trên tường ống khói mà anh cho là có chứa đựng tủ bí mật, hay anh cần dũng đũa phép, thưa anh Scribe?”
“Không, thưa ông, cho tôi cây xà beng thì được,” hắn gắt lên.
Á à, giờ thì chuột đã lòi đuôi rồi, tôi thầm nghĩ. Tôi nhìn hắn với ánh mắt điềm tĩnh, làm hắn có vẻ hơi bối rối. Giờ đây, tôi càng chắc mẩm đây là một âm mưu. Tôi giờ mới hiểu tại sao vợ tôi cứ nhất quyết tuân theo kế hoạch của Scribe. Bằng vẻ mặt thản nhiên, tôi quyết đạp đổ cái kế hoạch đó.
“Thưa anh,” tôi nói, “thật lòng, tôi rất biết ơn vì đã cất công tới nhà tôi khảo sát. Có anh khảo sát rồi thì tôi yên tâm lắm. Và chắc hẳn anh, anh Scribe ạ, chính anh cũng thấy nhẹ nhõm. Thưa anh,” tôi đế vào, “anh đã đến khảo sát ống khói của tôi tới tận ba lần. Với một người làm ăn như anh mà nói, thời gian là tiền bạc. Tôi xin gửi anh năm mươi đô la, Scribe ạ. Cứ nhận lấy. Anh xứng đáng được nhận mà. Ý kiến của anh rất là đáng giá. À mà này...” - hắn ngượng ngùng nhận lấy số tiền - “anh có phiền không nếu tôi nhờ viết giúp một... một... tờ giấy chứng nhận nho nhỏ - đại loại như kiểu giấy chứng nhận tàu hơi nước ấy, xác nhận rằng anh, một nhà khảo sát có thẩm quyền, đã kiểm tra ống khói nhà tôi và không tìm thấy bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy nó hoàn toàn minh bạch - nói ngắn gọn, không có... không có bất kỳ cái tủ bí mật gì trong đó cả. Anh giúp tôi nhé, Scribe?”
“Nhưng... nhưng thưa ông...” hắn ấp úng với vẻ do dự đầy chân thực.
“Đây, có giấy có bút đủ đây,” tôi nói, tuyệt đối đắc thắng.
Thế là xong.
Tối hôm đó, tôi mượn người đóng khung tờ chứng nhận và treo lên trên lò sưởi phòng ăn, hy vọng rằng ngày nào cũng nhìn thấy nó sẽ đập tan mọi mơ mộng và toan tính của gia đình tôi về việc phá hủy ống khói.
Nhưng không. Tới tận lúc này rồi, kiên quyết muốn triệt hạ cái ống khói cao quý ấy vẫn khiến vợ tôi cầm cái búa địa chất của con gái Anna gõ khắp tường rồi áp tai vào nghe, y như mấy bác sĩ bảo hiểm nhân thọ gõ vào ngực một người rồi ghé tai vào nghe tiếng vọng26. Đôi khi, giữa đêm khuya thanh vắng, bà đi quanh ngôi nhà với nhiệm vụ ma quái này, đuổi theo tiếng vọng âm u của ống khói, quanh đi quẩn lại, như thể lần theo tiếng động ấy có thể dẫn bà đến chỗ cái tủ bí mật vậy.
“Nghe rỗng quá!” bà sẽ kêu lên với giọng trống trải. “Đúng vậy, tôi chắc cú,” vừa nói, vừa gọi mạnh, “có một cái tủ bí mật ở đây. Ngay chỗ này. Nghe đi! Rỗng quá đi chứ!”
“Thôi nào, vợ! Đương nhiên là rỗng. Ai lại đi làm ống khói đặc bao giờ?” Nhưng lời nói chẳng ăn thua gì. Và mấy cô con gái của tôi thì lại chẳng bao giờ theo tôi, chỉ sớn sác theo mẹ chúng.
Đôi khi, cả ba mẹ con từ bỏ thuyết âm mưu về cái tủ bí mật và quay về với lý do công kích chính đáng hơn - vẻ xấu xí của một khối gạch đồ sộ, cùng những lời bình về diện tích phòng có thể được mở rộng tới mức nào nếu phá nó đi, vẻ hoành tráng của cái đại sảnh dự kiến và sự tiện lợi khi có thể chia ngăn phòng theo đủ hướng. Tàn nhẫn không thua Ba Đế quốc chia cắt Ba Lan27, vợ và các con gái tôi cũng hồ hởi chia cắt ống khói của tôi hệt thế.
Nhưng thấy tôi và ống khói của tôi vẫn ung dung hút tẩu bất chấp mọi thứ, vợ tôi lại quay về khai thác mọi luận điểm về cái tủ bí mật, thao thao bất tuyệt về những kỳ quan có thể được giấu bên trong, và sẽ thật là tiếc nếu không tìm hiểu và khám phá nó.
“Bà ơi,” một lần tôi đành nói, “sao cứ nhắc hoài chuyện cái tủ bí mật ấy làm gì, khi ngay trước mắt bà đang treo chứng nhận bác bỏ từ một tay thợ nề lão luyện do đích thân bà chọn để phân xử? Hơn nữa, dù có tủ bí mật thật đi chăng nữa, nó cũng nên mãi là bí mật và sẽ mãi là bí mật. Vâng, bà ơi, lần này tôi xin nói thẳng. Biết bao tai họa khôn lường đã ập tới với những kẻ mạo muội xâm phạm những chốn thâm sâu. Dù đứng giữa nhà ta, dù bao lâu nay ta vẫn quây quần bên nó mà chẳng nghi ngờ có điều gì mờ ám, nhưng ống khói này có hay không cái tủ bí mật cũng được. Nếu có, đó cũng chính là người bà còn tôi. Đập bức tường ấy có khác gì mổ ngực ông ấy. Cái ý muốn đục tường kiểu Momus kia, đối với tôi chẳng khác gì là của một kẻ dễ nhẹ dạ bị dụ nên mới muốn chăm hăm đục khoét nhà thờ. Đúng vậy, bà ơi, Momus28 chẳng qua chỉ là một tên nghe lén đê tiện mà thôi.”
“Moses? Quai bị! Thôi cái trò Moses cùng quai bị của ông đi nhé29!”
Sự thật là, vợ tôi, như bao kẻ khác trên đời, chẳng bao giờ thèm đoái hoài gì tới mớ triết lý lải nhải của tôi. Trong cơn thèm khát có ai đó bầu bạn, chỉ còn mình tôi và ống khói của tôi cùng nhau vừa hút tẩu vừa suy nghĩ. Thức khuya như thế, khói từ hai triết gia già khọm này bay khắp nhà, mịt mùng cả.
Nhưng vợ tôi, vừa ghét khói thuốc lá vừa ghét khói bồ hóng, quyết mở cuộc tái tấn công vào cả hai chúng tôi. Tôi sống trong nỗi lo lắng thường rực rằng, cái ống khói của tôi sẽ như chiếc bát vàng mà bị đập tan nát30. Chẳng có cách nào ngăn được dự định điên rồ của vợ tôi. Đúng hơn, không thể nào ngăn được bà ấy đừng đưa ra giải pháp nữa, đừng vây lấy tôi bằng cái hăng say cải tạo đáng sợ, cái tên mỹ miều của sự hủy diệt, ấy nữa. Hầu như ngày nào tôi cũng thấy bà ấy cầm thước dây đo đạc cho cái sảnh tương lai, trong khi Anna giữ một đầu thước, Julia đứng bên đầu kia gật gù tán thành. Tờ báo địa phương bỗng dưng đăng những lời ám chỉ đầy bí ẩn, người viết ký tên “Claude”, bi bô rằng một kiến trúc trên ngọn đồi nào đó đang làm dơ dáy khung cảnh thơ mộng. Những bức thư nặc danh được gửi đến, đe dọa đủ điều hòng khiến tôi dẹp ống khói. Liệu có phải vợ tôi, hay ai đó, đã xúi giục hàng xóm gây gổ với tôi vì chuyện ấy, kháo nhau tin đồn rằng ống khói của tôi như một cây du khổng lồ hút hết sinh khí của cây cối? Ban đêm, vợ tôi còn giật mình tỉnh giấc, khăng khăng vừa nghe thấy tiếng động ma quái phát ra từ cái tủ bí mật. Y như bị phục kích từ tứ phía, tôi và ống khói của tôi không lúc nào là được yên thân.
Nếu có thể mang cậu bạn của tôi đi, chúng tôi đã sắp xếp đồ đạc rời khỏi vùng quê này lâu rồi.
Có những lần tai họa suýt soát ập tới. Dạo nọ, tôi phát hiện trong ngăn kéo cả một xấp bản vẽ và dự toán. Lần khác, sau một ngày đi vắng, tôi thấy vợ đứng trước ống khói mải mê trò chuyện với một kẻ tôi nhận ra ngay, gã cải cách kiến trúc đâm bang, kẻ chẳng thể xây dựng thứ gì ra hồn nên chỉ chăm chăm phá hủy; gã đi khắp nơi dụ dỗ những kẻ ngốc nghếch phá hủy nhà cổ của họ, đặc biệt là ống khói.
Nhưng tệ nhất là phải kể đến một lần, tôi bất ngờ từ thành phố về sớm hơn dự định, vừa đến cổng thì ba viên gạch thay nào rơi xuống, suýt phập vào chân tôi. Ngước lên, tôi bàng hoàng thấy ba tên man rợ mặc áo yếm xanh đang chuẩn bị khai hỏa cuộc tấn công đã mon men đe dọa từ lâu. Phải, nghĩ lại ba viên gạch ấy, tôi và ống khói của tôi không thể không thở phào vì đã thoát chết trong gang tấc.
Đã bảy năm rồi tôi chưa rời khỏi nhà. Bạn bè ở thành phố thắc mắc sao tôi không tới thăm họ như xưa nữa. Họ cho là tính tình tôi đã trở nên gắt gỏng và sống khép kín đi nhiều. Vài người bảo tôi đã biến thành một lão già ẩn dật đóng rêu phong, nhưng thực tế, người đóng rêu phong là cái ống khói của tôi, và tôi chỉ đang canh gác cho nó; bởi tôi và cậu đã thề nguyền: chúng tôi sẽ không bao giờ đầu hàng.
Bùi Gia Bin dịch
1 Trong vở All Is True của William Shakespeare, Wolsey là một nhân vật quyền lực, từng làm tới chức quân sư thân cận với vua Henry Đệ Bát. Sau khi nhà vua, mặc cho Wolsey tìm cách ngăn cản, cưới Anne Boleyn, mối quan hệ giữa họ rơi vào tuyệt vọng, Wolsey thì bị buộc tội phản quốc. Câu nói trên thể hiện sự gắn bó sâu sắc của Wolsey với nhà vua, xem mình như một thể thống nhất, tuyệt đối tuân theo ‘quân thần nhất thể’, nhưng chính sự lại có những lựa chọn khác, cá nhân chỉ là một quân bài và có thể bị vứt bỏ bất cứ khi nào. Một diễn giải bổ sung (cách diễn giải Melville đang chọn) là Wolsey tự đặt mình lên trước nhà vua (‘tôi’ đứng trước, rồi mới tới ‘vua của tôi’ đứng sau) là thể hiện quyền lực ngầm và bản ngã lớn. Wolsey đứng sau nhiều quyết định quan trọng của Henry VIII, tự cho mình là kiến trúc sư đích thực của vương quốc. Bên cạnh ý trung thành, còn thể hiện sự tham vọng, cho mình cao hơn cả quốc vương.
2 Chỗ này độc giả cần hình dung một chút: bởi ống khói thường được đặt ở vị trí giữa nhà, khi khách ghé tới, họ sẽ thấy ống khói trước người chủ nhà, vốn thường ở đằng sau. Melville ví ông khói mới là người chủ thật, còn mình chỉ là người hầu theo sau.
3 Melville chơi chữ: từ behindhanded (lạc hậu) được cấu thành từ behind (đằng sau) và hand (tay).
4 Tốp được có nhiệm vụ sau lưng đội quân để tránh bị tấn công hay đánh lén từ đằng sau, đặc biệt vào lúc rút quân.
5 Đây là kiểu nhà khá phổ biến ở thế kỷ 18, 19 ở Anh và Mỹ. Cái sảnh lớn chia căn nhà thành hai nửa (nên trong bản gốc, nhà này gọi là nhà đôi - double house), ở hai đầu mỗi nửa có một lò sưởi riêng. Hiểu được không gian này, ta sẽ hiểu được liên tưởng ở câu văn liền sau.
6 Thật vậy, ống khói truyền thống được xây theo kiểu cộng sinh tập thể, tức tất cả lò tỏa khói (lò bếp, lò sưởi phòng khách, lò thư phòng,...) đấu chung vào một cái ống to như cái cột đình ở giữa nhà. Còn thời hiện đại, mỗi lò có mỗi ống riêng, được thiết kế giấu trong vách.
7 Xin hiểu là mẫu Anh. 1 mẫu = 4047 mét vuông.
8 Lajos Kossuth (1802-1894): Nhà cách mạng người Hungary, lãnh đạo phong trào đấu tranh giành độc lập 1848.
9 Biểu tượng kiến trúc có từ thời Trung cổ.
10 Melville chơi chữ. Bản gốc: “Decay wears the palm – I would say, the ivy”, Trong đó, ‘wears the palm’ được dùng với nghĩa bóng, là ‘chiến thắng’. Trong khi ‘[wear] the ivy’ ở câu sau lại dùng theo nghĩa đen (‘mọc um thường xuân’), tạo thế đối ứng với cái nghĩa đen thứ yếu đi ở cụm trước.
11 Atlas bị Titan trừng phạt phải đỡ cả bầu trời trên vai (giống những người khiêng đồ gồng gồng gánh gánh đủ thứ trên lưng).
12 Trong sách Joshua có kể khi dân Do Thái vượt sông Jordan, Joshua cho dựng 12 tảng đá ở Gilgal làm vật ghi.
13 (1672-1725) Vị Sa hoàng Nga nổi tiếng với những cải cách quyết liệt để hiện đại hóa nước Nga thời bấy giờ. Những cải cách này phần vì mới, phần vì có chiều cưỡng bức, gây ảnh hưởng và không được lòng quần chúng.
14 Thằng bé trong bài đồng dao líu lưỡi, bản gốc là: ‘picked the peck of pickled peppers’. Ở đây, ý nói bà vợ tất tả, tay chân không ngớt, làm gì cũng dồn dập (hệt như nhịp điệu gieo vần ‘p’ đầy gấp gáp của bài đồng dao).
15 Sáng Thế Ký 18:1-15 kể chuyện Chúa và ba thiên sứ hiện ra với Abraham ở Mamre, hứa rằng vợ ngài là Sarah, bấy giờ đã 90 tuổi, sắp sinh con trai (Isaac). Bà nghe thế, mỉm cười không tin. Ở đây, ý muốn nói bà vợ luôn tin rằng mình vẫn trẻ trung, dù điều đó có là phi lý theo lẽ thường tình.
16 Trong Kinh Thánh, Nebuchadnezzar II (605-562 TCN) bị Chúa trừng phạt, phải sống như thú vật và ăn cỏ như bò trong 7 năm. Ở đây, ý nói là ăn rau xanh tới mức ám ảnh.
17 Giáo phái và phong trào khá mới ở thời điểm đó. Thuyết Swedenborg tin có thể giao tiếp người sống và linh hồn, chuyên giải thích các biểu tượng trong Kinh Thánh theo nghĩa u linh. Triết lý Spirit Rapping tin rằng linh hồn có thể gõ bàn (rapping) để trò chuyện với người sống và những trò cầu cơ. Ở đây, ý nói bà dễ bị dắt mũi theo những tư tưởng mới, không rõ đúng sai (hệt như đám trẻ vậy!).
18 Trong Matthew 5:13, Chúa Giê-su gọi các môn đồ là ‘muối của đất’ - ý nói họ chính là những người giữ gìn, bảo quản, ngăn thối rữa cũng như tăng hương vị, dẫn dắt đạo đức cho thế gian.
19 Hoàng đế La Mã Nero từng muốn đào kênh xuyên eo đất Corinth (Hy Lạp) để phô trương quyền lực. Đây là một dự án tốn kém, bất khả thi và bị cho là ngông cuồng.
20 (1778-1823) Nhà khảo cổ nổi tiếng có công lớn trong việc khám phá kim tự tháp Ai Cập.
21 Temple Bar là cổng đá phân chia giữa London (thành phố thương mại bán tự trị) và Westminster (khu vực hoàng gia) vào thế kỷ 17-18. Nên hiểu rằng, London thời Trung cổ không phải là một thành phố duy nhất như hiện tại mà là một tập hợp của các khu vực bán độc lập và có quyền lực tài chính, pháp lý gần như là một nhà nước - nhà nước trong nhà nước. Bởi các vị vua trong lịch sử đã ban quyền tự trị cho vùng này để đổi lấy lòng trung thành và tiền bạc, khi vua muốn qua, ngài phải được Thị trưởng Thành phố London thực hiện kiếm lễ. Nhà vua phải gõ cửa hoặc chờ cho đến khi được cho qua - một nghi thức thể hiện tính ‘phép vua thua lệ làng’ vậy!
22 Trong Sách Judith, có câu chuyện về Holofernes, một vị tướng người Assyria hùng mạnh, bấy giờ chỉ huy quân vây hãm thành Bethulia. Một đêm nọ, Judith, một góa phụ, đã trà trộn vào đám binh lính, nhân lúc chúng say khướt, lấy thanh gươm của chính hắn chặt đứt đầu hắn.
23 (12 - 41) Vị hoàng đế nổi tiếng tàn nhẫn, điên rồ trong lịch sử La Mã.
24 Melville chơi chữ. Trong nguyên bản, ông dí dỏm gọi vòng cổ người chủ bắt con ngỗng phá phách này đeo là “Order of Garotte,” nhại lại cụm “Order of Garter” (Huân chương Garter). Trong đó, Garotte để chỉ sợi dây siết cổ hành hình phạm nhân ngày xưa. Ở đây, ý tác giả muốn nói ngược: thưởng thực ra là phạt, là tra tấn đấy mà!
25 Dunstan là thánh bảo trợ của thợ rèn. Một trong các câu chuyện nổi tiếng kể lại rằng, khi quỷ dữ từ hố tro ống khói chui ra, Ngài đã dùng kìm nung đỏ kẹp vào mũi con quỷ.
26 Vào thời điểm truyện được viết, các công ty bảo hiểm nhân thọ thường yêu cầu thẩm định sức khỏe kỹ lưỡng trước khi ký hợp đồng. Bác sĩ sẽ dùng ống nghe để kiểm tra phổi, tim - những cơ quan dễ mắc lao, viêm phổi (nguyên nhân tử vong hàng đầu thời đó).
27 Ba Lan bị chia cắt 3 lần (số lần Scribe tới ‘khảo sát’) bởi liên minh ba nước Nga-Phổ-Áo, khiến nước này biến mất khỏi bản đồ trong vòng hơn 120 năm.
28 Thần châm biếm, chuyên châm chọc, chỉ trích các vị thần khác. Ở đây, ý muốn so sánh bà vợ mình với một người luôn muốn đập phá, thay đổi những thứ đã tốt rồi.
29 Momus-Moses-Mumps (bệnh quai bị) có cách đọc hơi giống nhau. Bà vợ cố ý nghe nhầm để diễn giải sai ý chồng hoặc lờ đi.
30 Truyền Đạo 12:6 viết: “Hãy nhớ Đấng Tạo Hóa ngươi trước khi dây bạc đứt, bát vàng vỡ, bình nát bên suối, bánh xe gãy bên giếng.” Ý nói ở đây là những gì chắc chắn, quý giá và được nâng niu cũng có thể có ngày tan vỡ.
Melville
Mardi (1849)
Người 'Gee (1853)
Cúc-cà-cúc-cu (1856)
Mái hiên (1856)
Nước Mỹ ấy
Hawthorne (1804–1864)
Edgar Allan Poe (1809–1849)
Thoreau (1817–1862)
Melville (1819–1891)
William James (1842–1910)
Henry James (1843–1916)
Edith Wharton (1862–1937)
Gertrude Stein (1874–1946)
Ezra Pound (1885–1972)
Philip Roth (1933 –2018)
Marilynne Robinson (1943)