favorites
Shopping Cart
Search
Vitanova
Prev
Đông 2024

Thomas De Quincey gặp thần tượng

31/12/2024 22:53

trước hết, về kỳ sách Sơ Đông

Gentleman cắn thuốc phiện kể câu chuyện về nghiện ngập, nhưng còn hơn thế nhiều: những ai thuộc vào típ bị ám (cả đời bị một điều gì đó ám lấy, không bao giờ thoát được ra - biểu hiện có thể hết sức đơn giản, như cứ nghe đi nghe lại một bản nhạc suốt một thời gian dài) đều tự nhận ra chính mình ở trong đó. Lịch sử của con người có lẽ chủ yếu được làm nên bởi những kẻ bị ám, nhất là những ai bị ám với cường độ rất mạnh. Thomas De Quincey, nhà văn độc đáo vô song, một con người unique (Pietro Citati: De Quincey không chỉ là một nhà văn, đó còn là cả một văn chương), trở thành nguồn (thậm chí có thể nói, nguồn sống) cho một số lượng nhỏ nhưng nhiều ý nghĩa nhà văn và không chỉ nhà văn sau này - văn chương được tạo ra từ những người đã trải qua bài tập về cái nhìn: nhìn vào các nhân vật như De Quincey và những người cùng hội cùng thuyền; điều tương tự cũng xảy ra với một nhân vật tương đối cùng thời với Thomas de Quincey: Giacomo Leopardi.

Thomas de Quincey, khi còn rất trẻ, đặc biệt bị ám ảnh bởi Thomas Chatterton, nhân vật thi sĩ xuất chúng tự sát khi chưa đầy hai mươi tuổi, và cũng bị quyến rũ khủng khiếp về phía Wordsworth cùng các nhân vật Vùng Hồ; bài viết dưới đây khảo sát câu chuyện ấy: những mối quan hệ khó khăn trong văn giới và với chính mình của Thomas De Quincey.

 

Thomas De Quincey gặp thần tượng

- Công Hiện

Cho đến khi bị thúc ép đủ đường bởi nợ nần Thomas De Quincey mới viết cho các tạp chí và hầu như đến cuối đời ông kiếm sống bằng cách ấy, góp phần tạo ra thứ mà Coleridge gọi với không ít phê phán là “văn chương tạp chí”. Các bài báo của De Quincey đem lại cho hình thức essay, vốn không phải lúc nào cũng được nhìn nhận nghiêm túc và mang tính thử nghiệm cao, một phong cách hấp dẫn lạ lùng (tình cờ khi cú debut Gentleman cắn thuốc phiện bắt đầu xuất hiện trên tờ London Magazine cũng là lúc Essays of Elia của Charles Lamb, một trong những văn nhân De Quincey làm quen sớm nhất thông qua Coleridge, đang được đăng rải rác cùng ở đó). Từ năm 1834 De Quincey bắt đầu đăng loạt essay về các nhà thơ Vùng Hồ trên tờ Tait’s Edinburgh Magazine, đối thủ của tờ Blackwood’s Maganize vốn cũng là nơi De Quincey đóng góp rất nhiều, đây là một cái nhìn quan trọng về các nhà thơ lãng mạn mà chính ông đã có một quãng đời sống sát bên cạnh. Khởi nguồn cho mọi sự là năm 1807, năm của những cuộc gặp lớn, có thể xem là vô cùng đặc biệt đối với Thomas De Quincey, nó đánh dấu một mốc trong quá trình khởi phát một chuyển động bền bỉ sẽ tiếp tục tỏa ra, có thể nói, trong suốt sự nghiệp văn chương sau này của De Quincey.

Lùi về trước đó thêm tám năm nữa là thời điểm chàng thiếu niên mười bốn tuổi khám phá tập thơ Lyrical Ballads của Wordsworth và Coleridge, và tự xem đó như sự kiện vĩ đại nhất trong quá trình khai mở tâm trí mình; đó cũng là sự khởi phát đi tìm một biểu đạt mới. Nhìn lại quãng thời gian sống trong thế giới văn chương khi ấy, không ít lần De Quincey kể lại trong những lạc đề của mình với ý mỉa mai. Thường xuyên tác giả của Gentleman cắn thuốc phiện có dịp quan sát cuộc sống của các cộng đồng xã hội, văn chương hay không văn chương, thanh cao hay thấp kém. Những cộng đồng chỉ toàn văn chương, ông nhận xét, không có sự nhận biết rõ rệt hay khả năng suy nghĩ về bản chất sự vật, thay vào đó là sự vờ vịt và kiêu ngạo vì đã tình cờ viết được một cuốn sách hoặc có mối quan hệ nào đó với những người có vai vế trong giới báo chí; và không có xã hội nào lại nhạt nhẽo vô vị như vậy về bản tính tự nhiên, không có xã hội nào lại ảm đạm và cứng nhắc như vậy ở ảnh hưởng của nó với những người xung quanh... ngoài ra còn có những người, vốn ở trong một xã hội như thế, những người bình thường và nhìn chung bị kìm nén, bởi cảm giác mơ hồ về một sự tôn kính đặc biệt hay bởi những danh tiếng mà người ta cố công giữ lấy, không thể thốt ra bất cứ thứ gì phát lộ những mới mẻ của tâm trí họ; trong khi các biểu đạt dưới bất kỳ hình thức nào cũng ít nhất phải được mong đợi từ những bậc thầy văn chương mà danh tiếng lấp đầy bầu không khí bí bách khó chịu, họ vô hiệu hóa người khác, đồng thời bất lực trong việc tìm cách lấp đầy khoảng trống chính họ tạo ra. Những con người chập chững trong giới văn chương, De Quincey ghi nhận, nhờ có dịp quan sát xã hội văn chương địa phương vào năm 1801 khi cùng gia đình đến Liverpool, ngoại trừ những trường hợp được phú cho ngay từ đầu tài năng, sức mạnh và sự can đảm để không khiếp sợ, phần lớn hoặc hư hỏng bởi các thói tật của dè dặt và chú ý thái quá vào bản thân; điều này phát sinh từ những tình cờ hiếm hoi của tài năng, như khi lần đầu tiên đứa trẻ có ý thức rằng nó được chú ý và ngưỡng mộ, những tự do và duyên dáng trong cử chỉ không suy tính trước đó liền mất đi, ngượng ngùng và nỗ lực quá mức che giấu sự ngượng ngùng ấy thường rất gần và là nguyên cớ dẫn ngay đến giả tạo và tự phụ; hoặc, khi điều kia được tránh khỏi bởi tâm trí sáng suốt, họ lại có xu hướng trở nên tầm thường một cách tuyệt vọng, tức là không còn kiếm tìm một chuyển động mới, đã rã rời, và điều này dường là phần phụ trợ hầu như không thể tách rời khỏi quá trình theo đuổi sự nghiệp văn chương. Tổng lại, sự phục tùng do nhút nhát và mù quáng với những biểu đạt hẹp hòi tầm thường nhất, những cách nhìn nhận sáo mòn về mọi thứ đánh dấu phong cách của một xã hội văn chương bấy giờ; ở đó tâm trí được ru ngủ đến nỗi kinh hoàng khi phải liều lao vào những thực tại lớn của cuộc sống. Đối trọng với nó là những nơi tưởng chừng có tập tục xa lạ với văn chương nghệ thuật, ít ra là trong đối sánh với những nơi tập trung quá nhiều các văn nhân; trong một cuộc trò chuyện của thợ thủ công hay những con người lao động chân tay lại có những cuộc trò chuyện thú vị, nhiều thông tin và nhiều chất hùng biện tự nhiên hơn là những nơi tri thức đậm đặc, có lẽ đó là do người ta không bị ám ảnh bởi sách vở và tìm đến nó như một thú vui thuần túy và để cho trí óc hoạt động tự do; nhưng điều đáng lưu ý là sự cởi mở của biểu đạt, De Quincey phân tích, con người ở các thị trấn thương mại không ngại mở miệng để nói những gì mình nghĩ, không cố thể hiện những tình cảm phô trương để hồi ứng lại những quy ước giao tiếp, hoàn toàn khác với những nơi nào người ta kính sợ danh tiếng của chính mình, không một tinh thần tự do, luôn luôn nhường bước, e sợ sự biểu đạt chưa được lên kế hoạch và đẽo gọt đúng cách cho phù hợp với tổng thể chung của danh tiếng nhân tạo.

Quãng thời gian kể từ năm 1799, lần đầu biết đến Lyrical Ballads, cho đến 1807, khi thực sự được gặp các thần tượng của mình, là quãng đầy biến động trong đời Thomas De Quincey, phần lớn đã được thuật lại trong Gentleman cắn thuốc phiện. Khi tưởng chừng sẵn sàng vào Oxford do không bị vướng bận bởi thứ chi phối rất nhiều con đường công danh các thanh thiếu niên: tài sản (một khoảng thừa kế của người cha đã mất), De Quincey, khi ấy đang học tại một trường ngữ pháp ở Manchester, lại bị ngăn trở bởi người giám hộ. Ông đi khỏi ngôi trường ấy và sau đó là quãng sống lang thang, qua xứ Wales, London, rồi lại trở về Oxford, nhưng rốt cuộc ông không bao giờ tốt nghiệp. Một chi tiết khác được kể lại sau này, quãng hai mươi tuổi ấy De Quincey say mê siêu hình học Đức, đặc biệt là triết học Kant, người mà sau này ông thường trở lại với lý do là để gợi nhớ thời thanh niên vì ông vốn không thể chịu được triết học quá sáng suốt ấy. Một người đàn ông thường không phải gặp những thất vọng lớn của đời mình khi còn trẻ, nếu có hẳn phải xảy ra ở độ tuổi từ 25 đến 27, độ tuổi hứa hẹn có một tình yêu hoàn hảo với giả định là một cô gái đã trưởng thành về mọi mặt, nhưng quả thật ngay từ thuở hai mươi, De Quincey thú nhận, ông đã bị đẩy ra khỏi triết học Đức, bởi cú sốc quá lớn với tuổi trẻ khi đi sâu vào Kant, và giống như một người háo hức đi tìm ánh sáng để rồi khi nhìn thấy anh ta chỉ có thể rên rỉ. Tính khí ông, vốn hiền lành và dịu dàng nhất từng được tạo ra, ông tự nhận xét, kể từ đó nhuốm sự hoài nghi và ám dư vị ghê tởm đối với con người ở nhiều khía cạnh. Kant - đối với De Quincey - là một người giải trừ bùa mê, làm mất đi sự quyến rũ của thế giới; triết học của Kant, De Quincey bình luận, đem lại sự hủy diệt, sự hủy diệt tuyệt cùng vì không đề xuất bất cứ thứ gì khả dĩ thay thế. Văn chương của De Quincey có không ít vực sâu và tăm tối, không thiếu những ám ảnh cái chết bất thình lình hay máu me giết chóc, nhưng sự ám ảnh còn phát xuất từ những gì quá sáng; một trong những thứ lặp lại thường xuyên hơn cả là ánh sáng mùa hè, khởi nguồn từ cái chết của chị gái thời thơ ấu.

Khi còn trẻ, dù với vô vàn triển vọng, chàng thanh niên đã có một ý tưởng mơ hồ là nghỉ hưu sau vài năm sống ở Oxford và đi đến những cánh rừng ở hạ Canada; mục tiêu là sự cô độc sâu thẳm, điều không thể có tại bất kỳ nơi nào ở Vương quốc Anh; còn khí hậu Canada, vốn mang lợi thế là sự hiện diện cao cả trong vô thức những khu rừng bất tận im lặng, cảm giác sống vĩnh cửu giữa những hình thức cao quý cùng niềm vui gắn với tự nhiên thể hiện mạnh hơn rất nhiều ở Anh, nơi đã quá đông đúc với De Quincey. Với một tâm trí vốn hướng về tự nhiên, ở Anh, ông nhận xét, người ta có thể quên rằng đang sống giữa những tác nhân lớn hơn con người và các thiết chế của con người. Quá nhiều con người là lời than phiền lớn nhất, con người là một loại cỏ dại ở khắp mọi nơi nào quá tệ. Vậy là sau khi đã từ bỏ triết lý Đức, từ trong cái ổ con người giờ đây bắt đầu khó mà chịu đựng nổi, ông đã nới lỏng một chút tinh thần trừu tượng của Đức mà những triết lý kia thúc đẩy, và dù không bao giờ hòa nhập tự do với xã hội, ông bắt đầu nhìn ra bên ngoài.

De Quincey vốn luôn quan tâm đến những cuộc viễn chinh hàng hải, và bài thơ về Ancient Mariner của Samuel Taylor Coleridge trong tập thơ viết chung với William Wordsworth cũng nằm trong số đó. Ông kể rằng đã tìm kiếm khắp nơi để nhặt nhạnh tác phẩm của Coleridge, và tác giả sau này của Biographia Literaria đã trở thành thần tượng của chàng thanh niên từ trước mùa hè năm 1807 lạ lùng ấy, khi De Quincey lên đường. Sau một chuyến đi lòng vòng với nhiều điểm dừng, tuy còn xa mới là chuyến đi gian nan nhất trong cuộc đời phiêu lưu của ông, rốt cuộc, trong khi đang chờ đương sự vài ngày bất định tại một ngôi nhà, ông được tin về nơi Coleridge dừng chân và ngay lập tức tìm đến. Điều đầu tiên gây ấn tượng, khi bắt gặp người đàn ông tóc đen da trắng vóc dáng đầy đặn có xu hướng béo phì và đôi mắt to dịu dàng biểu cảm ấy trên đường (De Quincey luôn luôn bị gây ấn tượng và nhớ rất kỹ các chi tiết ngoại hình những người mình gặp, đôi khi có cảm giác đương sự được nhắc đến nếu đọc phải sẽ chẳng hề bằng lòng, dù quả thật người nuôi ác cảm lớn nhất sau khi loạt bài về các nhà thơ vùng Lake được xuất bản, Robert Southey, lại không có nhiều đặc điểm ngoại hình ấn tượng như các văn nhân được nhắc đến khác) là vẻ ngoài mơ màng như một người đang nằm mơ; sau khi được đánh thức, Coleridge giật mình như thể không biết mình đang ở đâu, và tuy không xấu hổ do bị bắt chợt mà chỉ là bối rối đơn thuần nhưng khó khăn thấy rõ trong việc trở lại thực tại. Đó là vì vào thời điểm ấy Coleridge đã chìm vào thuốc phiện, như trong chuyến đi dạo tối hôm đó ông đã thổ lộ với De Quincey khi biết được chàng trai kia cũng tìm đến thứ thuốc ấy để giải quyết cơn đau.

Ngày hôm đó Coleridge đã cho chàng thanh niên ngưỡng mộ mình được thưởng thức tài nói chuyện vô cùng cuốn hút. Nhà thơ, sau khi bị cản trở bởi những đá tảng và ốc đảo, trở lại với giọng hùng biện liên tục không điểm ngừng, tràn đầy những lời lẽ và minh họa mới lạ và đi qua vô vàn lĩnh vực tư tưởng bằng những chuyển tiếp xác đáng. Nhưng đấy chỉ là với lỗ tai của một độc giả thuần thành, người vốn đã ngưỡng mộ và tìm đến để hiểu một văn nhân là như thế nào; lối trò chuyện của Coleridge, De Quincey mô tả, đối với phần đa dường lang thang, hay nói cách khác là một người gây cảm giác lạc đề khủng khiếp, giống như chính Baudelaire đã bình luận về De Quincey sau này. Trên thực tế Coleridge lại kháng cự nhiều nhất khi ông có vẻ đi xa nhất, De Quincey biện minh, bỏ lại hầu hết mọi người cùng trò chuyện, và làm thế theo cách hết sức tự nhiên đến nỗi những người xung quanh vẫn vui vẻ đón nhận phong cách ấy cùng lúc nghiễm nhiên cho là ông đã hoàn toàn đi lạc; nhưng nếu ghi lại được trên giấy thì sự liên tục của lời, thứ mà người nghe vẫn ngưỡng mộ vẻ đẹp riêng biệt của những suy nghĩ lan man kia nhưng đành chiêm ngưỡng chúng như những vụt nở hoa mỹ hơn là một khối thống nhất, lại dễ dàng theo dõi và lần ra các mấu nối kiên kết, đó là một phong cách mà các phương thức suy nghĩ không tách khỏi logic nghiêm khắc. Vẽ những đường vòng, những chuyển động mơ hồ và đi lan man xa nhất có thể, trong khi một chuyển động dần được nhìn rõ như một nguồn động cơ chi phối tất cả cũng là những gì có thể thấy rõ trong phong cách của De Quincey. Sự nhẩn nha đầy ân sủng trong tác phẩm của De Quincey, thứ tưởng chừng quá xa xôi và gây sốt ruột cho độc giả thiếu kiên nhẫn, mang các chi tiết vô cùng hấp dẫn về những quan sát hay phân tích về hiện tượng và luôn hồi ứng nhau, ngay trong một văn bản hay nhiều văn bản xuyên suốt sự viết, tạo nên một bệ đỡ rất thuyết phục cho chủ đề chính và kết quả là một tổng thể liền lạc tuyệt diệu được hình thành; tuy vậy - điều lạ lùng này hiếm thấy nơi những gì được viết với một dự đồ thật sít sao - không đóng kín, tức khép chặt lại, giải quyết trọn vẹn một chủ đề, điều vốn tạo nên sức mạnh nơi hình thức để tác phẩm có thể đứng vững được trong các thể loại chẳng hạn như thơ, truyện ngắn hay kể cả các essay thông thường.

De Quincey sống, rồi viết, thế nghĩa là đi xuôi rồi đi ngược lại. Bản thân cuộc đời một người diễn ra trong thời gian, những sự kiện của nó ít nhiều, tùy theo kích thước và mức độ mà nó được nhận ra, mang một nét tương đồng nào đó, trong bản thân người ấy hay so với những người mà anh ta biết, chúng bị chi phối bởi các xung động nhỏ khó mà gọi tên ngay lập tức, hay các luật của tinh thần, và tuy mơ hồ nhưng phớt lờ chúng là việc vô ích; tất tật diễn ra rải rác trong cuộc đời vốn đã bị chi phối bởi các luật của tự nhiên, của sự tồn tại con người trong xã hội, chẳng hạn trẻ con đến tuổi phải đi học, một thanh niên đến tuổi cảm thấy, theo lối vô thức tập thể của cộng đồng anh ta sống bên trong, cần phải lập gia đình, rồi những cột mốc thành tích anh ta đạt được, và hiển nhiên đến một lúc nào đó anh ta chết. Vậy thì, những sự kiện này khi được thuật lại theo trình tự của biên bản, chúng mất đi sức mạnh của biểu đạt vì có quá nhiều thứ tương tự, và mức độ đáng quan tâm chỉ dừng lại ở mức chi tiết vụn vặt không thiết yếu, phần lớn là do tò mò; và hơn nữa, khi kể lại chúng theo trình tự của các cột mốc rõ ràng ai cũng công nhận, làm cho người ta phát ngấy vì những sự ấy chỉ khác nhau ở chỗ có biết hay không và thường thì chẳng mới, với một nhịp văn xuôi đơn điệu thuần túy liệt kê, người kể muốn thông báo cho ta điều gì? Có thể đó là những hướng dẫn, truyền đạt kinh nghiệm thuần túy, hoặc đơn giản là anh ta đang tuyệt vọng làm nổi bật chính bản thân mình lên giữa những thứ tầm thường lấp đầy mọi chỗ, và trật tự của lời lẽ, vốn không bị thúc đẩy bởi động cơ nào bên ngoài người kể, buộc phải dựa vào trật tự đơn điệu của lịch sử, các cột mốc khô khan, bản thân chúng thuộc về một thứ biên bản của sự tồn tại. Nhưng có một sự viết mà đường nối của những sự kiện ở đó, xuất hiện với vẻ ngoài rời rạc ngẫu nhiên trong quá trình trôi đi của thời gian, được nối với nhau bằng một thứ gì đó khác ngoài các biên bản ghi chép chuyện thường nhật, lại tạo ra một sức mạnh rõ rệt. Đây là sự viết dựa trên những khớp nối tinh thần. De Quincey tạo cho người đọc cảm giác rằng những gì được ông viết ra đều lấy từ một nhà kho và xào xáo chúng; nhưng điều đáng quan tâm hơn, cũng chính là thứ mà tác giả cố gắng trình bày khi không thể gọi tên trực tiếp mà chỉ có thể cung cấp những nét phác mù mờ nhưng hồi ứng nhau bởi chuyển động và liên tục biến đổi hình dáng, được nối với nhau bởi hình thức chúng được hiểu, không phải chỉ một chân lý theo lối kinh nghiệm, tức đầy may rủi, mà qua lối chủ quan, là một viễn kiến.

Việc này ít nhiều được trợ giúp bởi khả năng kỳ lạ của thuốc phiện mà De Quincey, và cả tiền bối Coleridge, đã vô tình khám phá, một sự xếp toàn năng khiến những gì đã qua từ lâu ấy thoáng chốc được đặt cạnh nhau và gây ra một hiệu ứng lạ lùng. Vô tình, vì trên hết là nguyên nhân rất quan trọng: tìm đến thuốc phiện để giải quyết cơn đau; với Coleridge chuyện cũng không khác, thoạt đầu là bởi cái đầu gối sưng tấy, sau đó là để chống chọi với trầm cảm và nhiều vấn đề về sức khỏe khác. Khi nhận đề nghị viết về kinh nghiệm sử dụng thuốc phiện, De Quincey cảm thấy nhất thiết phải nhìn về những nguồn cơn sâu xa của nó và rốt cuộc Gentleman... ra đời. Nhìn lại, hay lùi lại thật xa để chọn được khoảng cách đúng, là một tư thế đặc trưng của văn chương De Quincey (một nhân vật của chuyển động lãng mạn khác cũng có cùng tư thế khi quan sát xã hội con người, nhưng với một hình thức khác: Balzac). Nhưng phải nói ngay rằng thuốc phiện chẳng phải thứ duy nhất làm được điều ấy, và thêm nữa, đó là một thứ công cụ, một mồi nhử. Thuốc phiện, vào thời gian đó được sử dụng đại trà để giảm đau và chữa đủ thứ bệnh vặt, theo cách thức hoạt động không mấy khác thuốc an thần, làm hoãn lại một cơn bộc phát nào đó của cảm giác mà tâm trí là nguồn; việc ấy là bất khả nếu chỉ viện đến thể chất con người, thứ vốn nằm trọn trong tự nhiên bởi vậy ở trạng thái ổn định hoàn toàn hoạt động thuần theo quán tính. Một sai lầm ấu trĩ nơi nghệ sĩ nghiệp dư: sử dụng thuốc phiện hay chất kích thích để tìm sự sáng tạo. Sự thật là khi sự sáng tạo được trông chờ như một thứ tách rời hoàn toàn khỏi bản thân như thế, anh ta chẳng còn thấy bất kỳ sự gì khác ngoài huyễn tưởng của chính mình và do đó rơi ngay vào cái hố của vị kỷ. Nói rằng một nghệ sĩ sử dụng thuốc phiện để sáng tạo thì còn xa mới đi đến được kết luận rằng bởi vậy anh ta viết ra được áng văn trác tuyệt, và khẳng định vội vàng điều đó, hoặc cố chứng minh cho bằng được, thì không những sai mà còn để lộ sự ti tiện đểu cáng, như thế người ta đã quy kết cho những sự việc chưa được hiểu ấy một tầm nhìn hạn hẹp vốn chỉ vừa vặn với bản thân nhỏ bé; đó là lối mòn mà phần lớn những người nói về văn chương De Quincey không thoát ra được khi xem sự trác tuyệt là kết quả của thuốc phiện (nhưng các nhà văn lớn thì chịu được sự vu khống, cũng như văn chương Balzac chịu được những cố kết vào với chủ nghĩa hiện thực, nghĩa là chỉ xem xét các chất liệu thay vì nhìn vào chuyển động mà tác giả tạo nên bằng cách sắp xếp chúng).

Và hơn nữa, nếu như chỉ đơn thuần xem tâm trí con người là một nhà kho và thuốc phiện làm công việc của nó khi trích xuất ra trong đó những món đồ đã tích cóp từ lâu và đặt cạnh nhau lối ngẫu nhĩ, rõ ràng điều quan trọng hơn cả là cách những đồ vật kia được thu thập và trình bày. Đi song song với chủ đề trong các tác phẩm của De Quincey luôn là sự hiện diện của người quan sát, chủ cái kho chứa kỳ diệu ấy, hay là bản thân tác giả. Bình luận văn chương của De Quincey tuyệt nhất có lẽ là của chính De Quincey, cụ thể hơn là bình luận của ông về phong cách của Charles Lamb (trong bài tiểu luận dành riêng cho Lamb), đó là khi đối tượng hướng đến của suy nghĩ nhập vào làm một với chủ thể suy nghĩ - hai lực hợp nhất để tạo thành một kết quả; và dù muốn thưởng thức được kết quả ấy hoặc chỉ để hiểu một trong hai thì cả hai đều phải được biết đến. Như vậy là trái ngược với những quyển sách mà tác giả - người quan sát - luôn cố gắng để biến mất khỏi tác phẩm, những tác phẩm không cung cấp gì hơn ngoài mục tiêu hướng đến trực tiếp của nó, tức là tìm kiếm hiểu biết đơn thuần. Nhưng cần phải nói thêm rằng việc trình bày sự hợp nhất ấy không phải chuyện một kẻ thích nói hay một người viết nhiều tham vọng nào cũng có thể làm được, vì việc nói về bản thân hay để bản thân mình xuất hiện trong những gì nói đến là cả một dục vọng. De Quincey đã xếp Charles Lamb, và đương nhiên có thể thấy là chính bản thân ông, vào một nhóm mà sự viết trình bày mối quan hệ giữa tác giả như một tác nhân con người và chủ đề như một tác nhân trí tuệ, khởi phát từ Rabelais và Montaigne, rồi tiếp nối bởi Sir Thomas Browne, La Fontaine, sau đó là Laurence Sterne và Jonathan Swift...

Thời điểm diễn ra cuộc gặp ấy De Quincey mới 22 tuổi, chỉ mới tìm đến thuốc phiện cách đấy không lâu và sử dụng rất điều độ, Coleridge thì đã 35, trải qua nhiều năm cố gắng vô ích cai thuốc phiện, đôi khi chìm đắm trong u ám và không bao giờ ở trong trạng thái vui vẻ hoàn toàn tự nhiên. Nhà thơ, trước con nghiện tiềm năng trẻ tuổi, nhấn mạnh vào nỗi kinh hoàng như một lời cảnh báo; ông dường như đã bị hủy hoại, De Quincey ghi nhận, và có lẽ không còn có thể giải thoát mình khỏi sự ràng buộc khủng khiếp ấy. Sự chao đảo của một tâm trí uy nghiêm như tâm trí của Coleridge là một cảnh tượng gây xúc động ghê gớm đối với chàng thanh niên trẻ tuổi; sau đó không lâu và chỉ mới gặp nhau một lần duy nhất, De Quincey, vào lúc ấy rất giàu vì khoản thừa kế được hưởng trọn vẹn một năm trước, nhờ người đưa đến cho Coleridge khoản tiền 300 bảng nhưng giấu tên, để tìm hiểu xem liệu sự sụp đổ ấy có bị gây ra hay bị thúc ép bởi thiếu thốn tiền bạc hay không, ông giải thích. Nhưng sự từ tâm về mặt tinh thần còn đáng giá hơn thế nhiều. Một điểm sáng suốt lạ thường trong bình luận của De Quincey về Coleridge là lời biện bạch cho tật ăn cắp từ các tác phẩm của người khác. Ngoài những chi tiết vặt vãnh trong khi trò chuyện hay rải rác trong tác phẩm của mình mà Coleridge không thấy cần thiết phải nêu rõ nguồn của chúng, De Quincey phát hiện trong tác phẩm trác tuyệt Biographia Literaria của Coleridge, cụ thể là tiểu luận về khách quan và chủ quan, một số đoạn lấy từ Schelling, dịch nguyên văn từ tiếng Đức chứ không hề cố chiếm đoạt văn bản gốc bằng các phát triển lập luận hay hình ảnh minh họa. Nhưng De Quincey có lẽ nhìn các thần tượng của mình với một sự kiên nhẫn lớn của độc giả, đó là khi nghệ sĩ giống như một đứa trẻ nhặt nhạnh đủ mọi thứ, thậm chí ăn trộm trong cửa hiệu nào đó, nếu đó là cần thiết với chúng hoặc chỉ là chúng thích thế, nhưng không thể không thấy rằng chúng đã bỏ nhiều công sức và có lẽ đã phải đối mặt với cảm giác nguy hiểm và lo lắng không ngớt vì dám mạo hiểm để lấy được và xếp những cái đó vào một tổng thể vô cùng kỳ lạ.

Cuộc gặp của De Quincey với William Wordsworth, thần tượng số một và đồng tác giả của tập Lyrical Ballads, diễn ra không lâu sau khi gặp Coleridge, và không những thiếu vắng hoàn toàn sự cảm thông chóng vánh như trong cuộc gặp trước mà còn ngay lập tức gây thất vọng ghê gớm. Ngay từ rất sớm, vào thời điểm vừa rời khỏi ngôi nhà của ông hiệu trưởng, với tập thơ của thần tượng trong túi áo, De Quincey lên đường đến vùng Lake nhưng sớm rẽ hướng bởi sợ rằng mình không xứng đáng trình diện trước một nhân vật thần thánh như vậy (ngay sau đó là chuyến lang thang xứ Wales). Khi học tại Oxford, năm 1805, một lần nữa quyết đến gặp người anh hùng (giờ đây ông đã mạnh dạn trao đổi thư từ: Wordsworth có hồi đáp), De Quincey lên một chiếc xe chở thư đi về vùng Lake, nhưng chỉ còn cách đích tám dặm ông lại bị túm chặt bởi nỗi sợ, vẫn là với mặc cảm về sự tầm thường của bản thân so với một đấng vượt quá mọi kích thước con người, liền quay trở về. Một năm sau đó ông thử lại lần nữa, và thậm chí đã đến tận hẻm núi, nơi toàn bộ thung lũng Grasmere mở ra trước mắt, phía xa một ngôi nhà nhỏ màu trắng lấp lánh giữa những hàng cây và những con dốc rộng lớn vươn lên cao vô tận... đó là ngôi nhà thôn dã của Wordsworth, nơi sau này chính De Quincey sẽ sống nhiều năm; nhưng vào lúc ấy mới chỉ thoáng nhìn quang cảnh tuyệt đẹp chàng thanh niên đã ngay lập tức rút lui như một tên tội phạm. Và việc chậm trễ ấy không gây suy giảm sự quan tâm mà ngược lại, được nuôi dưỡng bởi chuyển động khởi phát từ tập thơ, lòng kính sợ ngày càng tăng, tỉ lệ thuận với sự suy yếu nỗi vô tâm của thời thiếu niên. Rốt cuộc De Quincey cũng gặp được Wordsworth, nhưng theo lối bất chợt và gây sững sờ; khi tâm trí sao lãng bởi những biến cố và trì hoãn nhỏ nhặt trong một chuyến đi mà De Quincey tình nguyện thực hiện nhằm hộ tống gia đình Coleridge từ Bristol lên phía Bắc, cả đoàn tình cờ rẽ xuống thung lũng Grasmere, và sau một khúc cua chợt hiện ra trước mặt ngôi nhà nhỏ màu trắng như một hồn ma gây choáng váng, De Quincey hiểu rằng chỉ còn một phút nữa mình sẽ gặp Wordsworth và giờ thì chẳng cách nào bỏ chạy. Thoáng chốc De Quincey gặp cả gia đình, trong đó có Dorothy, người phụ nữ thuần khiết mà, cùng với William Wordsworth anh trai cô, De Quincey sẽ gắn bó trong một quãng thời gian quan trọng của cuộc đời mình. Những cuộc gặp đầu tiên đòi hỏi một tinh thần mạnh để kẻ khao khát trông đợi có thể đứng vững trong cuộc tiếp xúc trực tiếp với người mà danh tiếng từ lâu đã đi trước. Anh ta, kẻ ngưỡng mộ, phải vượt qua được cơn chóng mặt mà sự khác biệt tuyệt đối ấy gây ra, vì trí tưởng tượng không ngừng làm công việc đóng khung, theo cách thức mà việc thiếu đi sự hiện diện của chủ thể chỉ có thể bị phóng đi thật xa. Độc giả hẳn còn nhớ sự ngưỡng mộ đặc biệt của cậu bé Marcel trong Tìm thời gian mất đối với nhà văn thần tượng Bergotte, những huyễn tưởng mơ mòng về một con người trác tuyệt được khuôn đúc để sau đó sụp đổ thảm hại ngay trong lần gặp đầu tiên (nhưng cũng phải nói rằng việc ấy diễn ra trên cái nền của vô vàn sự sụp đổ các ý theo cách tương tự trong bộ tiểu thuyết của Marcel Proust). Sự thất vọng của De Quincey trước William Wordsworth cũng tương tự, trong đêm đầu tiên ở lại với gia đình nhà thơ, cả một sự thay đổi diễn ra trong hệ thần kinh. Nỗi thất vọng kéo dài - niềm hy vọng vĩnh viễn bị tiêu diệt - sự bực bội và tự khinh bản thân vì thiếu can đảm đối mặt với người từ rất lâu đã khao khát được nhìn thấy, tất tật dần tụ thành một khối mà nếu không có tinh thần tuổi trẻ hẳn phải hình thành một chứng bệnh thần kinh. Wordsworth thần thánh giờ đây được trông thấy bằng xương bằng thịt lại không thể bạc nhược hơn trong mắt De Quincey, không còn là một sinh vật thiêng liêng nữa mà bị lấp đầy bởi vô vàn những cung cách thế tục.

Thần tượng cao vời, con người đặc biệt chuyên quyền về các nhìn nhận của bản thân, chẳng hạn không muốn nghe ai nói về màu sắc hay hình dạng của thiên nhiên, lại bị rọi vào một cái nhìn khó chịu như vậy từ chân tơ kẽ tóc. Khi ấy, William Wordsworth 37 tuổi nhưng thường, chính nhà thơ kể lại, bị xem như đã ngoài năm mươi, De Quincey cho rằng không có thay đổi nào về mặt ngoại hình lại có thể đáng tiếc như vậy. Wordsworth mang, theo những ghi nhận của De Quincey, những đặc điểm mạnh của một con người sống trong sự nhào nặn của tự nhiên do liên tục tiếp xúc với gió và thời tiết, chẳng hạn như làn da có nét mạnh mẽ dẻo dai của động vật; đôi chân, tuy không có sự biến dạng tuyệt đối nào xảy ra và chắc chắn là đôi chân hữu ích nhất vượt xa tiêu chuẩn trung bình của con người ở các chặng đường dài mà chúng vượt qua, xấu lạ lùng; và dáng vẻ khuôn mặt với cặp mắt không đặc biệt sắc sảo nhưng có nét trang trọng thiêng liêng nhất ẩn chứa ánh sáng chưa từng có trên đất liền hay biển, sự sưng phồng và nhô ra của các bộ phận phía trên và xung quanh miệng, cùng với cái mũi được coi là biểu hiện rõ ràng cho sự thèm khát của thú vật... Những đặc điểm ấy, nếu như chúng thể hiện sự thật đơn giản rằng những say mê về mặt trí tuệ của Wordsworth vô cùng mạnh, dựa trên cơ sở sự nhạy cảm siêu nhiên của động vật lan tỏa qua tất tật mọi dục vọng của ông, hiệu ứng tổng thể nơi Wordsworth tạo ra lại nổi bật theo lối kỳ quặc khi chuyển động; nhà thơ trông thật thô kệch với sự bất cân xứng rõ ràng, với tứ chi phát triển mạnh trong khi khuôn ngực đặc biệt hẹp và hai vai chảy xuôi, khi ở cạnh một người cân đối và nhã nhặn như Robert Southey, cũng là hàng xóm của ông; còn khi bất ngờ trên đường bị vượt qua trên lối đi dạo bởi một người có vóc dáng đồ sộ hơn nhà thơ lại gây một cảm giác về sự hèn hạ tuyệt đối khiến chính em gái ông phải bực dọc kêu lên.

Wordsworth cũng như Coleridge đều là những người trò chuyện vô cùng hấp dẫn, tuy vậy họ hoàn toàn khác nhau. Coleridge (dù thời điểm gặp De Quincey ông đã rơi xuống con dốc thuốc phiện), hết sức phô trương và liên tiếp gây kinh ngạc cho người trò chuyện, De Quincey nhận xét rằng Coleridge khi nói dường tưởng tượng ra cả một đoàn thính giả đứng trước mặt. Trong khi đó Wordsworth trang trọng, uy nghiêm, và một điều quan trọng được De Quincey chỉ ra, thứ dường theo những tiếp xúc thường xuyên được thể hiện rõ, bất chấp lối sống đạm bạc và sự tiếp đãi thân tình dành cho chàng thanh niên, đó là Wordsworth, như một lực của tự nhiên, tuyệt đối đáng ghét với những người gặp ông. Việc kém được vinh danh và không được nhận ra gây hại rất nhiều cho đa số nhà thơ ở chỗ nó nuôi dưỡng sự vị kỷ và căm ghét xã hội, nhưng đó chẳng hề là vấn đề của Wordsworth, De Quincey khẳng định, đơn giản là nhà thơ không bị những thứ ấy chạm đến. Và khi nói về các nhà thơ sống ở vùng Lake, tức Wordsworth, Coleridge và Southey, các văn nhân, cả những người đương thời, đều giả định một tập hợp nhỏ ưu việt của thơ ca và một cộng đồng thính giả ngưỡng mộ vây quanh họ, nhưng điều này không đúng. Sự thật là, De Quincey tuyên bố, không có vị thiên sứ nào bị căm ghét và khinh miệt ở đất nước của mình hơn Wordsworth, những người biết đến tên ông và rồi gặp ông thì chỉ có thể khinh bỉ và xem thường, và đặc biệt không nơi nào sự khinh miệt với nhà thơ lại dữ dội hơn so với ở những người có lý do tò mò về người đàn ông này tại địa phương. Nhưng sự ghét bỏ ấy không phải chỉ là hiệu ứng gây ra bởi hình dáng gây kinh ngạc mà còn bởi đó là một bản tính xa lạ với con người. Thậm chí bản thân De Quincey đành phải thừa nhận sau rất nhiều năm nhìn lại, Wordsworth còn không có khả năng có một tình bạn bình đẳng, dù chàng trai trẻ là người bạn tận tụy nhất của gia đình. Wordsworth bày tỏ sự khinh thường tuyệt đối với những phát biểu của người xung quanh về vấn đề mà ông tự nắm độc quyền, và không chấp nhận, thậm chí dành cho đối phương sự miệt thị cao nhất nếu dám phát biểu ý kiến. Đó là một người xa lạ với các tình cảm đồng loại từ khi còn bé, không hòa đồng, không hào phóng, và không biết tự phủ nhận... và kể cả đối với phụ nữ cũng không khác; tóm lại, không thể là, theo bất kỳ nghĩa nhiệt thành nào của từ này, một người yêu. Sự xa cách ấy chắn nhà thơ với thời đại của ông, tuy không phải là ông không dễ mắc phải những lỗi lầm con người ở một số điểm, thậm chí còn ở mức độ lớn và còn yếu đuối hơn hầu hết đồng loại, có lẽ là tiền chuộc cho những gì phi thường trong bản thân ông. Những tiếp xúc gần gũi ít nhiều đã vén bức màn bấy lâu duy trì sự sùng bái thần tượng, để lại một sinh vật hỗn hợp được tạo nên từ sự yếu đuối đặc biệt và sức mạnh phi thường.

Nhưng De Quincey không rời bỏ con người tự cho mình được giải thoát khỏi những nghĩa vụ về sự công bằng mà nhân loại xa cách vốn tuân theo ấy. Sự xa cách với thế hệ của mình, cả về mặt con người xã hội cũng như các tác phẩm đương thời, dường là đặc trưng cho các nhà thơ vùng Lake. Ở giữa họ, những người tiên phong của thơ lãng mạn, De Quincey nhìn thấy những gì mà chuyển động mãnh liệt ấy tạo ra, trong đó không thiếu những hỏng hóc, chẳng hạn những sai lầm của họ về chủ đề kinh tế chính trị. Đó là khi một chuyển động lớn bị đặt sai chỗ và trở nên dị hợm trong một bối cảnh nhỏ hơn. De Quincey lưu ý rằng họ không chỉ sai lầm, mà còn sai lầm theo lối hết sức tự phụ về các vấn đề này bởi tuyệt đối cố chấp; tất tật họ đều quá kiêu ngạo để thừa nhận bất kỳ ai hiểu biết hơn họ. Trong số đó Wordsworth ít bị vấy bẩn bởi sai lầm về kinh tế chính trị hơn cả vì ông hiếm khi áp dụng suy nghĩ của mình vào bất kỳ câu hỏi nghiêm túc nào thuộc chủ đề ấy, và quả thật ông vốn coi thường mọi nghiên cứu về khía cạnh đạo đức hoặc chính trị, trừ phi nó mang chất liệu từ những tiết lộ về chân lý đưa đến bởi triết lý nguyên thủy của bản chất người được chứng kiến bằng con mắt một nhà thơ. Coleridge, khác với Wordsworth, không xem chính trị như một tập hợp những điều hiển nhiên ngu xuẩn, là người mà bản tính và các nghiên cứu đa dạng có đủ điều kiện nhất để đi đúng hướng về chủ đề này, nhưng ông cũng bị loại khỏi khả năng hiểu vì sự kiêu ngạo và thói quen coi thường mọi nghiên cứu phân tích của người đương thời - một thói quen mà Coleridge phần nào cũng có lý do chính đáng bởi sự yếu kém đặc biệt của triết học Anh lúc ấy ở mọi chủ đề, đặc biệt là các thảo luận về tôn giáo. Một buổi sáng, De Quincey ngồi trong thư viện của Southey, nghe chủ nhà cùng Wordsworth bàn luận chính trị; vốn nhút nhát do làm khách và nhìn nhận nhiều vấn đề chủ yếu với tình cảm tuổi trẻ, giống như một Fabrice del Dongo đi đầu quân cho Napoléon và gặp phải những ngỡ ngàng đầu tiên nơi chiến trường, De Quincey không khỏi bàng hoàng khi nghe thấy những ý kiến công khai thù địch nhất với hoàng gia, với hình thức chính phủ quân chủ. Cũng như Balzac, một nhà quan sát xã hội lớn và cũng không hoàn toàn nằm trọn trong chuyển động lãng mạn, từ sớm De Quincey đã có cảm tình thiên về cánh hữu. Về phần Robert Southey, De Quincey cho biết, ông phủ nhận việc thường bị xem là chung một trường phái với những người hàng xóm vùng Lake, và cũng công khai xem lý thuyết về các nguyên tắc lựa chọn chủ đề và những gì cấu thành nên một cách xử lý thơ của Wordsworth đều dựa trên sai lầm. De Quincey đưa ra rất nhiều bình luận phong cách của Southey gây ngạc nhiên cho người đương thời nhưng rõ ràng làm xa cách thêm mối quan hệ vốn không mấy thân thiết với nhà thơ, tuy rằng so với mọi mối quan hệ khác trong giới văn chương lúc bấy giờ của De Quincey thì như thế đã có thể xem là một người bạn. Bản thân ông cũng thường xuyên được nhìn nhận như một Lakist nhỏ bên cạnh những cây cổ thụ, những người mà chuyển động đã tạo nên một cuộc đảo lộn lớn cả một thời. Nhưng trước hết, là một độc giả đích thực, De Quincey ở đó quan sát chuyển động của họ chứ không bị cuốn theo; và cái nhìn của ông, dù đó là một cái nhìn của thiên tài văn chương, lúc ấy vẫn chưa viết, hay là một cái nhìn xuất phát từ tình cảm chân thành mà chỉ thứ gì đã gạt bỏ hết vẻ bề ngoài lệch lạc, do dục vọng hay do nhầm lẫn, mới chạm đến được tâm hồn, hoàn toàn sáng suốt.

Sau khi gia đình Wordsworth chuyển đi De Quincey đến tiếp quản Dove Cottage, và năm 1812 xảy ra cái chết của Catherine Wordsworth, cô con gái nhỏ của nhà thơ mà De Quincey rất mực quyến luyến, đây cũng là sự việc gây tác động lớn trong cuộc đời ông khi sau đó là giai đoạn cắn thuốc cường độ cao do cơn đau thể chất nhân dịp nỗi đau tinh thần bùng phát đã quay trở lại. Những năm sau đó De Quincey đã ở rất xa, không còn Wordsworth (lúc này đã chuyển đi hẳn khỏi vùng Lake), đã ngừng nhìn thấy và nghe thấy cả Southey cũng như Coleridge, tách biệt với toàn thể thế giới bên ngoài, như thể đã cô độc ở giữa những khu rừng Canada mà ông mơ tưởng đến khi xưa.

Chính quãng thời gian này De Quincey bắt đầu viết. Khi ấy, đọc tác phẩm về kinh tế chính trị của Ricardo, sự viết của ông tìm thấy một chủ thể để bám vào. Viết được giống như nói ra suy nghĩ của mình là mối quan tâm lớn của De Quincey, và từ hồi còn trẻ nỗi ham muốn làm sáng tỏ những suy tư hay cảm giác mơ hồ luôn luôn đi kèm với sự bất lực của ngôn ngữ gây nỗi bức bối lớn khi đứng trước một vấn đề ông quan tâm. Sự ngại ngần ấy đôi khi vẫn bắt gặp nơi các nhà văn nhún nhường trước những hình thức hiện thời, những hình thức mà anh ta cảm thấy quả thật vĩ đại và không thể làm gì khác ngoài chiêm ngưỡng. Văn chương De Quincey, bên cạnh mê cung vô tình vẽ ra với những đường quành và rẽ hướng liên tục, tạo cảm giác về một giọng nhỏ vốn dĩ khiêm nhường và tự nó cảm thấy đứng được khi đã tiêu hóa vô vàn thứ khác (quả khó mà khác được đối với một người có thể ở bên cạnh Wordsworth lâu đến thế, thậm chí De Quincey còn nói rằng phải thường xuyên kìm lại một lời cảm thán khi đi cạnh Wordsworth để không bị bẽ mặt). Các nhà thơ vùng Lake, đặc biệt Wordsworth, là cả một món nợ lớn với De Quincey. Cùng với Milton và Shakespeare, De Quincey trích dẫn Wordsworth trong các văn bản của mình; ông đã hoàn toàn tiêu hóa tác phẩm của họ trước hết vì có cùng độ nhạy cảm và sau đó bám vào như một thứ xương sống. Việc viết các essay cho tạp chí đối với De Quincey luôn có vẻ là một hình thức văn chương thứ yếu. Trong các bài viết của mình De Quincey không chỉ trình bày một lượng kiến ​​thức sâu rộng về đủ mọi chủ đề, mà còn, quan trọng hơn hết, làm cho chúng chuyển động. Và bởi việc tiêu hóa toàn vô vàn nhiều thứ mà ông tìm thấy một giọng; các tác phẩm của ông được nâng đỡ bằng vô vàn trích dẫn và ám chỉ đến các tác giả từ mọi thời đại của mọi lĩnh vực, chúng ở giữa một vùng không xác định, không trọn vẹn và không ngừng nối vào nhau, không có giới hạn và không thể định nghĩa. Nhưng điều này ngay từ đầu đã đặt mầm mống cho việc nhà văn luôn ở bên cạnh ngưỡng bị hụt đi, chực rơi xuống vực, và tệ hơn nữa là sự tiêu hóa ấy cũng giống như nuốt vào một loại thuốc độc, hoặc một căn bệnh có thể lây nhiễm những suy nghĩ riêng tư nhất. Rốt cuộc ngay cả những con đường thân quen của Wordsworth cũng không đưa ông đi đến đâu ngoài nhà tù của sự bồn chồn, và còn sót lại một bản năng di cư nào đó buồn bã nhưng không thể cưỡng lại; những chuyến lang thang vô định của De Quincey, kể cả khi sử dụng thuốc phiện hay trên các trang viết, khác với việc đi bộ của Wordsworth vốn để định vị mọi thứ kể cả bản thể của nhà thơ. Sự sắp đặt của tâm trí khi nó ở trong trạng thái suy nhược lại gây những ám ảnh khiếp hãi tột cùng mà ông thường xuyên nhắc đến trong các giấc mơ, và ở ngoài đến ngay cả với bản thân mình là ác mộng tồi tệ nhất. De Quincey, vốn dĩ đã cách xa thời đại của mình như một người quan sát, chính xác là một Nowhere man trôi nổi trong thực tại; ông ngoái nhìn lại thế giới Hy Lạp đã ở rất xa để tìm lấy một nơi bấu vào. Vì mọi thứ đều trong trạng thái thay đổi, De Quincey viết, những chuyển động bừng nở đương thời đang sống và tận hưởng, hẳn sẽ biến mất như một hạt bụi nhỏ, chỉ có thể xác định bằng một viễn cảnh thiên đường; và thực tại, duy nhất con người mới sở hữu, thực sự hẹp hòi đến mức không thể đo lường và chỉ cung cấp một chỗ bám vô cùng mỏng manh, và nó hầu như không đáng một phần trăm những gì sẽ tồn tại. Ông thường xuyên cảm thấy rằng mình đang đứng trên một eo đất nhỏ nơi nối liền hai thế giới vĩ đại, quá khứ và tương lai, ở đó, trong mối quan hệ bình đẳng với cả hai, văn chương của ông như trình bày lời thỉnh cầu được vào một trong hai nơi ấy.

Văn chương hoàn toàn vô ích nếu như người ta chỉ xem nó như một thứ gì chắn giữa thực tại và tương lai phía trước và bằng mọi cách buộc phải tiêu hóa nó để tiến lên, vì nó không nói gì về bản thân anh ta, vốn dĩ bị túm chặt trong thời gian và những nỗi lo ít nhiều thuộc về thể chất của anh ta trong cuộc chống chọi với tự nhiên, dù dễ dàng hay đầy rẫy những khó khăn thúc ép, và dục vọng, động cơ vĩnh cửu của cuộc sống, không tha cho kẻ nào dự phần vào sự liên tục của sống. Trong sự giả định về ích lợi của văn chương như thế người ta trông chờ tác phẩm của nhà văn phải nói lên thứ gì có để nắm lấy như một vật khiến anh ta mạnh hơn lên trong cuộc chiến (nhưng độc giả, khi đã viện lấy sự ngắn ngủi của cuộc đời để dành chỗ cho những gì có ích, đành phải chấp nhận, nếu đó là một độc giả suy nghĩ thông suốt và không căm thù logic, rằng chính vì nhỏ bé và ngắn ngủi như vậy mà con người luôn lặp đi lặp lại, quá nhiều người, rằng sự quan trọng của một tồn tại hau háu nhắm tới đích khải hoàn ấy chỉ là ảo tưởng, và con người khi đó được nhìn một tương quan với tổng thể không khác một con côn trùng với tổng số lượng cá thể trong loài của chúng). Nhưng vô vàn những sự biết được thu thập theo lối kinh nghiệm cũng chỉ đưa độc giả đến với thật nhiều thứ ngẫu nhiên; và sự khó ở còn lớn hơn nữa khi cố sức để gọi tên một vật, một thứ gì đó đúng, người ta, nếu như thành thực, không ngừng có cảm giác nó tuột đi, và kể cả khi tưởng chừng thứ mơ hồ ấy đã bị nắm chặt, bị gọi tên dứt khoát bằng một từ, một câu, ngay lập tức ta cảm thấy nó không còn đúng nữa. Bởi vì sự vật luôn luôn tuột ra khỏi mọi cái khuôn. Vậy thì, De Quincey cung cấp một cách thức đi vào tâm hồn sự vật: quan sát chuyển động; văn chương của ông chỉ ra những bù loong ốc vít dây nhợ của động cơ đằng sau bề mặt. Và một tư thế, thứ gợi lên những gì đã lướt qua và cái đích hướng tới, đáng giá hơn rất nhiều dáng vẻ bề ngoài. Đọc De Quincey, người ta có cảm giác về một chuyển động tự do nào đó thực sự hiếm, vẽ ra bởi những đường vòng của ngôn ngữ, của một sự bừng nở trong tâm hồn khi cảm thấy mọi thứ đã biết đều mới lạ.

 

the essayist

Văn chương Bruno Schulz

Baudelaire đọc Thomas de Quincey

Chuyển động của Isabel

favorites
Thêm vào giỏ hàng thành công