Về Charles Lamb và Elia
Sau khi đã có Thomas De Quincey - lần đầu tiên trong tiếng Việt - sắp tới đây sẽ xuất hiện thêm một nhân vật khác không xa lạ với De Quincey, Charles Lamb, với tập tiểu luận Elia.
Dưới đây là bài viết giới thiệu tác giả và cuốn sách của dịch giả. Trong bài cũng nhắc đến Coleridge, nhà thơ lừng danh, từng rất thân với Thomas De Quincey.
Charles Lamb sinh năm 1775 ở London, là con trai một trợ lý luật sư ở đại văn phòng Inner Temple. Cha ông, nhờ làm việc cho một luật sư có chân trong ban giám hiệu, đã gửi con trai mình đến Christ’s Hospital, một trường nội trú lúc bấy giờ đang tọa lạc ở thủ đô.
Như Lamb tự kể trong một vài tản văn tiểu sử, ở Christ’s ông được hưởng những điều kiện tương đối dễ thở do (1) có trường gần nhà, vì thế cũng gần họ hàng trong phố; và do (2) bố có quan hệ với lãnh đạo nhà trường. Bạn bè ông, nhiều người cô đơn và đói ăn hơn. Nhưng chính ở đây, Lamb đã cắp sách lên lớp với nhiều bạn giỏi, trong đó có thi sĩ nhỏ con nhưng to khẩu khí Coleridge. Khi rời trường, do hoàn cảnh gia đình eo hẹp, Lamb, khác nhiều bạn đồng tràng, không học tiếp ở những trường đại học lớn, mà rẽ luôn vào “thị trường lao động”, nơi trong nhiều năm trời ông sẽ vừa viết phê bình, tản văn, làm thơ, viết review kịch và diễn viên kịch, vừa làm kế toán để nuôi gia đình.
Tập Elia bao gồm gần 30 tản văn của Lamb, tất cả được ký bút hiệu cùng tên. Nếu phải phân loại, nhóm tản văn này có lẽ chia làm hai. Một loại thiên về kể chuyện, bất kể xưa nay; còn loại kia nặng về quan sát hoặc phê bình. Christ’s cách đây 35 năm, Oxford vào kỳ nghỉ hay Nhà Nam Hải thuộc loại đưa chuyện. Qua những lời văn dí dỏm, rất giải trí, chúng ta biết thêm về tiểu sử Lamb và nhiều nhân vật nổi tiếng đương thời với ông. Coleridge đến trường được nhờ học bổng; hễ mượn sách sẽ đem trả, nhưng thường viết bậy vào những cuốn ấy. George Dyer mắt kém, rất trên mây, thích sách, ngại người. Cũng có những bạn học đã khuất được ông nhắc nhở trong những lời lẽ “Trầm Tử Thiêng” ra phết:
“Le G. Em [để phân biệt với Le G. Anh] tính tình nóng nảy, F. quá vội vã bất cần, và cả hai đều không cam sự khinh thường mà các bổng sinh đôi khi phải hứng chịu ở nhà trường trong xã hội ta, cho nên đã bỏ trường vào lính, để rồi đứa bỏ mạng vì lam chướng, đứa chết trận mãi Salamanca.”
Những bậc tiền bối, như thầy giáo và họ hàng, cũng hiện ra khi thì trào phúng, khi thì bi lụy. Có bà cô (của Lamb) đã nuốt vào sĩ diện, mang thức ăn đến tận trường nuôi cháu. Có những cô nuôi - không khác những cô nuôi ngày nay - lộng hành, ăn bớt cơm gạo học sinh. Có những giám thị nanh ác đến ngu xuẩn, tùy hè nóng và đông lạnh mà chọn cách hành hạ trẻ con. Có những thầy giáo nghiệt ngã, thô bạo, điên dại như James Boyer, nhưng lại cũng có Matthew Field ham chơi, dễ ta dễ người mà Lamb xem mình là may mắn đã được theo học. Họ hiện ra cũng sinh động, nhưng như bao người lớn khác, họ dễ rơi vào hai cực, hoặc dịu hiền yêu thương, hoặc tàn độc phi lý; hoặc họ đỡ nâng, hoặc họ can thiệp thô bạo vào những tự do con trẻ. Hậu thế khó lòng trình bày người đi trước qua nhiều sắc màu nết, tật.
Những quan sát của Lamb không triết gia, không đồ sộ; ông thích mổ xẻ những cảm xúc lớn nhỏ một cách thông minh và có duyên. Chẳng hạn, ông nhìn ra rằng sở dĩ một loại người nọ cần moi và moi được rất nhiều tiền của kẻ khác, là bởi họ thực sự, họ thành thực khinh tiền. Họ “tiêu phá về không” hết gia tài: ăn, uống, chơi, cho đi. Vì họ tiêu như rác, nên họ, với “cái cổ mới thật hồng hào”, luôn hỏi xin với cùng một vẻ hớn hở và vô ưu như khi đã họ ném thứ rác ấy đi. Chính vì những con người ấy dễ vung đi, chính vì họ xin tiền, không với vẻ hèn mọn mà người đời thường hỏi vay; mà ngược lại, một cách hết sức hiển nhiên và vô cùng quang minh lỗi lạc, cho nên không ai khước từ nổi họ. Rồi ông nói về thời gian vừa đa cảm, vừa đích xác. “Tương lai đồ sộ là tất cả, ấy vậy mà tương lai với ta dường như hư không! Quá khứ là hư không, nhưng chính nhờ hư không mà lại là tất cả!” Ông ghim trúng cảm giác của rất nhiều người về các “nhóm thiểu số”. Ghét Do Thái ư? Không; họ là một “cổ vật bướng bỉnh”, “lâu đời hơn kim tự tháp”, lâu đời hơn xa Stonehenge của dân Anh. Nhưng ông cũng không thích họ nổi; làm sao trong một chốc người ta tẩy khỏi dòng máu mình được cái thù, gây ra bởi một bên là “căm ghét, khi dể, và tự ái tổn thương”, bên kia là “(cũng) căm ghét, ly khai, và trả thù bí mật”? Ông thấy họ cứ ở xa, họ cứ việc họ, “ở Sàn Chứng Khoán, nơi tinh thần thương mãi xóa nhòa mọi ranh giới, cũng như mọi vẻ đẹp mất hút trong bóng tối”, là tốt nhất. Lại nữa, những người da trắng như ông ghét người da đen ư? Cũng không đúng. Ông thấy muốn dịu dàng với nhiều gương mặt của họ, thấy muốn yêu “những gương mặt gỗ mun của Đức Chúa Trời”. Nhưng ông không muốn gần; bởi - đúng, đúng quá rồi - “họ đen”. Đó là những người ta không muốn gần, và không muốn gần chính là để gìn giữ chút suy nghĩ tốt đẹp và xã giao tử tế giữa ta và họ.
Nhiều quan sát cũng nhảm. Tản văn về lợn quay hơi xàm - ngoại trừ phần tả bì lợn, “vàng rộm, được trông nom kỹ, không cháy quá, giòn rụm, theo từ người ta hay nói ... Ôi, chớ gọi đây là mỡ, song hãy gọi thứ này là một cái ngon thơm không bút nào tả xiết đang lớn dần thành mỡ thôi”. Những thổ lộ trong Đêm Giao thừa, cũng như bài thơ lê thê của Cotton được trích (đại ý “năm tới có tệ cũng không tệ hơn năm nay”), dễ bị cho là yếm thế; xét cho cùng cũng không lý thú hơn khai bút trong sổ riêng của người thường. Ứng xử của người đã có vợ chồng là một bài trách móc đanh đá của một bà cô, nhưng chỉ đanh đá chứ không duyên. Tôi biết các anh các chị hạnh phúc rồi; không cần nhắc nhở là tôi không được hưởng hạnh phúc ấy.
Nhưng dẫu thế nào thì tản văn của Lamb luôn luôn nhiều giải trí. Tiêu chí rất Anh này được đặt ra cho cả những bài nghiêm túc hơn, khi ông phê bình sân khấu hoặc đưa ý kiến về việc cầu nguyện trước bữa ăn. Dường như ông quyết tâm không để bạn đọc mất vui, mất thì giờ vì phải đọc thứ ông viết. Câu văn ông có khi hơi dài, nhưng có lẽ do chịu ảnh hưởng văn học Latin nên nó vẫn sáng sủa, dễ theo dõi (mặc dù cũng vì thế nên dịch hơi tốn công). Khi ông bỡn cợt; bắt đầu bỡn cợt hơi nhiều, hơi ác, ông sẽ chuyển qua giọng cảm động, có khi ủy mị. Nhưng rồi ông lại nhấc bạn đọc về một trạng thái cân bằng tỉnh trí. Tôi làm bạn cười ngặt nghẽo, cười cay độc, tôi lại làm bạn rớt lệ - “nhưng bạn đọc ơi, biết đâu tôi lừa bạn đấy”. Lamb sẽ khiến bạn đọc thích thú và khôn ra; và nhờ ông, chúng ta sẽ không cho phép những món nhạt nhẽo làm mất thì giờ của mình nữa.
Nguyễn Công Nam