favorites
Shopping Cart
Search
Vitanova
Prev
Xuân 2025
Next

Melville: Mardi (kỳ 7)

13/05/2025 21:37

 

Mardi, tiểu thuyết của Melville, thứ ba hằng tuần trên Văn Bản 

 

CHƯƠNG XXII

ĐIỀU ĐÃ XẢY RA TRÊN TÀU BRIGANTINE TẠI QUẦN ĐẢO VỎ TRAI NGỌC

 

            Tàu này là tàu Parki, ở Lahina, thuộc một ngôi làng và cập cảng ở vịnh Mowee, một đảo ở quần đảo Hawaii, nơi con tàu được người ta đóng vội cách thảm thương bằng những tấm ván gỗ bản địa và những mảnh xác tàu, ngoài khơi dạt vào bờ. 

            Tên của tàu được đặt để vinh danh vị tù trưởng cấp cao, quý ông cao nhất, có duyên nhất trong toàn bộ Quần Đảo Sandwich. Với hỗn tạp một đoàn thủy thủ những người Châu Âu và bản địa (nhưng cả thảy chỉ có bốn người da trắng, tính cả thuyền trưởng), tàu Parki, vài tháng trước đó, đã giong buồm khỏi cảng trên chuyến hải trình hướng về phía nam, đi tìm ngọc và vỏ trai ngọc, sên biển, và những thứ khác thuộc loại ấy.

            Samoa, một người bản địa thuộc Quần Đảo Navigator, ra biển đã lâu và được ca tụng trong giới thương nghiệp lặn mò vỏ trai và những bí ẩn dưới biển của nó. Những người Lahina bản địa trên tàu ngay lập tức dưới cơ chàng; thuyền trưởng còn mặc cả với Samoa để họ được làm công việc thợ lặn. 

            Người phụ nữ, Annatoo, là một người bản địa từ một đảo vô danh xa xôi về hướng tây: nơi mà, khi còn khá trẻ, nàng được chăm sóc bởi chỉ huy trưởng của một con tàu đi từ Macao đến Valparaiso. Ở Valparaiso người bảo hộ của nàng đưa nàng lên bờ, nhiều khả năng, như sau đó tôi có lý do để nghĩ vậy, vì một sự rầy rà.

            Tình cờ xảy ra chuyện rằng khi nụ hoa xuân của nàng đã tàn, chẳng còn lại gì ngoài một thân hình hảo sắc và một tâm hồn còn hảo sắc hơn, Samoa, người đảo Navigator, đã yêu nàng điên cuồng. Và trong đầu chàng đã có ý với nàng, kẻ cũng dũng cảm như chàng và chắc chắn thích nghi tốt với những chuyển vần của đời sống hôn nhân trên biển, chàng toan tính chuyện tự sát - ý tôi nói, chuyện kết hôn - và cả hai được kết làm một. Và một thời gian sau đó, với vai trò người vợ, Annatoo phu nhân lên con tàu brigantine cùng Samoa tướng công. Hệt như Antony bỏ chạy đến với những cái ôm thừa của Ceasar, Samoa cũng tìm an ủi trong vòng tay bị vứt bỏ của người đẹp. Và kết quả không khác gì nhau. Bởi Cleopatra đã chẳng làm cho cuộc đời người bạn chân thành của tôi, Mark đáng thương, khó khăn hơn so với cách Bà Hoàng Annatoo dẫn dắt tù nhân của cây cung và cây giáo của bà. Nhưng cái gì cũng có thời điểm của nó.

              Họ rời cảng, băng qua Vùng Nhiệt Đới và Đường Xích Đạo, đến sống ở một cụm đảo có vô vàn những vỏ sò. Và ở đây, chẳng hề lạ khi nói rằng ngoài những người bản địa, họ còn gặp một cặp người Cholo hay Tây Ban Nha lai từ đảo Main: một nửa lai Tây Ban Nha, nửa còn lại chia phần tư giữa Ấn hoang dã và quỷ sứ, một dòng giống mà từ Baldivia đến Panama đã khét tiếng vì tính côn đồ bất nhân.

            Bấy giờ, mấy gã người lai bỏ tàu đã, tại quần đảo này đã vươn lên hàng quyền cao cấp trọng giữa những người bản địa. Nghe vậy, thuyền trưởng tàu Parki lấy làm vừa lòng lắm; ông, người ngu dốt đáng thương, trước đây chưa từng giao du với kẻ nào thuộc cái dòng phản phé ấy. Và ông hẳn tưởng rằng ảnh hưởng của họ với Dân Đảo sẽ mang lợi thế cho ông. Ông đem quà biếu cho mấy gã Cholo, những người mà, đối lại, cung cấp thêm cho ông những thợ lặn thuộc dân bản địa. Đã vậy, họ còn rất tử tế chỉ cho những chỗ mò trai tốt nhất. Nói ngắn gọn, họ thân thiện quá mức, thường qua lại trên tàu và dùng bữa thân mật với ông thuyền trưởng trong cabin, đặt lọ muối giữa họ và ông.

            Mọi sự đều vui vẻ cho đến một buổi sáng nọ, bọn người lai bảo ông đi với họ, bằng con thuyền săn cá voi của ông, đến một chỗ nông ở phía bên kia đảo, cách một quãng tính từ chỗ đang đậu con tàu brigantine. Họ còn sắp xếp mọi chuyện sao cho chỉ có đám người Lahine dưới quyền Samoa, người mà thuyền trưởng rất mực tín thác, được để lại trông coi tàu Parki; còn ba người da trắng thì cùng nhau chèo vì khi ấy trời chẳng có bao nhiêu gió để mà giong buồm.

            Con tàu hai cột buồm bạc mệnh đang neo ở trong một đầm phá tròn, sâu, lặng, được viền quanh bởi những rặng cây tuyệt đẹp, trừ một phía. Ở một bên là lối ra biển, có khi độ chiều dài một đoạn dây neo tàu hoặc hơn tính từ nơi con tàu đang đậu. Một hai giờ sau khi đảng ấy rời đi và khi con thuyền hoàn toàn đi khỏi, những người bản địa ở các chỗ nông được trông thấy đi ra biển; vài người đi xuồng, vài người bơi. Tốp trước mang mít bột và chuối, rình rang chất đống trên thuyền; tốp sau lôi theo những buồng dừa; với toàn bộ của nả ấy, khi tiến gần đến tàu, họ lớn tiếng đòi đổi chác lấy dao và rìu.

            Từ các hành động này, nghi ngờ có phản bội, Samoa đứng ở cầu thang mạn đuổi mấy người này đi, nói rằng không nhận đổi chác cho đến khi thuyền trưởng trở lại. Nhưng bỗng một kẻ trong bọn man dã lén lút trèo lên từ dưới nước và nhanh chóng nhảy phóc từ dây chằng mũi đến xà mũi tàu, găm một cú lao trúng ngay cột buồm mũi: nó nảy bần bật. Một dấu hiệu đổ máu! Với những tiếng la ó, số còn lại lôi vũ khí - nãy giờ được giấu trong các xuồng hoặc dưới những buồng dừa thả nổi - ra, bật nhảy vào bao lơn thấp của tàu, nhảy qua mạn, và bằng những cây chùy và giáo, đám người tấn công với sự dã man vô cùng. 

            Sau một cuộc tập hợp yếu ớt, những người Lahina giành giật lấy dây neo buồm; nhưng bị một kẻ bắt kịp và giết chết.

            Ngay khi có báo động đầu tiên, Annatoo đã kịp trèo thoát lên xà buồm ngọn, cao hơn so với khả năng leo trèo của nàng và là nơi mà bọn người man dã chẳng dám mạo hiểm. Vì những trái dừa, đám Polynesia này sẽ leo trèo như sóc, nhưng mới nhìn cái cột buồm, họ đã xin kiếu như các nông dân miền Kennebec.

            Vào biểu hiện đầu tiên của cuộc tấn công dữ dội, Samoa, sau khi lao tới cửa thông cabin lấy vũ khí, đã bị hai tên man dã trẻ công kích. Nhưng sau ẩu đả ghê gớm chớp nhoáng, vì nó mà chàng đã mất cánh tay, chàng tìm cách lao xuống dưới và lập tức gài cửa thông đóng chặt trên đầu. Trong cabin, khi tiếng ồn ào giết chóc còn chưa lan tới, chàng lặng lẽ buộc cánh tay rồi đặt ba cây súng hỏa mai của thuyền trưởng lên dầm tàu, kiên trì chờ đột kích.

            Mục tiêu của những người bản địa hình như chính là đánh đắm con tàu brigantine bằng bãi san hô nhọn ở đầm phá. Và với ý định này, một người trong nhóm họ đã xuống biển, cắt dây neo làm từ sợi gai dầu. Nhưng triều đang xuống, đưa đầu tàu Parki ra biển - về phía cửa đầm; thấy vậy, bọn thổ dân vụng về trèo lên mé buồm trước, kéo căng tấm vải buồm đã được tháo ra từ trước để phơi, nhờ đó mà - theo kiểu của chúng - buồm trước được giương lên.

            Trong khi đó, một thủy lãnh già bạc đầu đã bình tĩnh đứng ở cần lái, toan lái con tàu về phía bờ. Nhưng không xoay xở được vô lăng lái cho đúng, con tàu cướp biển, bấy giờ đang lướt nhanh qua làn nước, chỉ càng hướng về phía cửa đầm. Thấy vậy, mấy tay đầu đảng, sáu hoặc tám người, chạy đến giúp ông già râu bạc ở lái. Nhưng xui cho bọn chúng, trong khi chúng đang điều khiển cần lái, ba cây súng hỏa mai bắn vào chúng từ cửa sổ trần ở cabin. Hai tên trong số bọn man chết ngay tại chỗ. Còn ông già lái tàu, điên cuồng bám lấy vô lăng lái, ngã gục, bị thương chí mạng và trong cơn hoảng loạn điên cuồng khi thấy tù trưởng của chúng bị giết không rõ lý do, đám dân bản địa còn lại cũng nhảy xuống biển và tìm đường về bờ.

            Nghe tiếng tóe nước, Samoa lao lên boong; nhìn thấy buồm mũi đã giương và con tàu cướp biển đang hướng thẳng ra biển, chàng gọi lớn với Annatoo, vẫn ở trên cao, xuống xà buồm trên và nới lỏng tấm buồm ở đó. Lệnh của chàng được thi hành. Annatoo đáng được nhận một huy chương vàng cho việc làm của nàng hôm ấy. Buộc dây neo buồm, sau khi nới lỏng buồm trên, thì nàng chăng các lá buồm cho chặt; trong việc này, nàng được Samoa hướng dẫn - chàng ta đã tranh thủ rời tay khỏi bánh lái trong chốc lát để giúp nàng..

            Buồm mũi và buồm trên lúc này đã khá sẵn sàng; và khi con tàu hướng ra biển, gió càng mạnh. Được vậy thì rất tốt, bởi lẽ khi tĩnh trí khỏi cuộc báo động, mấy người man dã đã lại đuổi theo ráo riết, một số đi xuồng, và một số khác bơi. Chẳng bao lâu, buồm trên cũng được giương đón gió - lúc này đang mạnh dần lên, thổi chếch từ phía sau mạn tàu. Với màn phô buồm đầy dũng mãnh ấy, tàu Parki lao thẳng đến cửa đầm, lướt qua bãi san hô trong tiếng reo vang dội của Samoa và xé đôi những con sóng lừng bên ngoài. Ngược sóng, bọn người man dã không bơi được. Và vào lúc triều đổi hướng ấy, chèo xuồng vượt ra cũng chẳng dễ hơn bao nhiêu. Nhưng những người chạy nạn vẫn chưa được an toàn. Trong tầm mắt giờ lại xuất hiện những thuyền săn cá voi của bọn người Cholo đang đuổi theo hết tốc lực, cùng bốn hoặc năm Dân Đảo. Samoa lập tức không còn nghi ngờ gì nữa: tất cả người da trắng rời tàu từ sáng chắc chắn đã bị sát hại bởi sự phản trắc của lũ lai, và việc chiếm đoạt con tàu cướp biển hẳn đã được mưu tính trước; Samoa khi ấy chẳng có phương sách nào khác ngoài việc chĩa con tàu đi một mạch khỏi vùng đất này.

            Bấy giờ bọn quỷ sứ đang dốc sức chèo. Trong khi ấy, Annatoo vẫn bận rộn ở trên, nới lỏng những lá buồm nhỏ hơn - buồm ngọn và buồm thượng, mà nàng chỉ mới giương được phần nào. 

            Gió mạnh từ đuôi tàu giờ căng đầy những lá buồm giương vụng, chúng căng gió và phần phật trên cao như những khí cầu, còn các cột buồm thì vì sức căng bất ngờ mà rung lên bần bật. Như một con mòng biển hoảng sợ trốn chạy khỏi những con diều hâu biển, tàu Parki nhỏ nhoi lao đi, dũng cảm rẽ làn nước mặn.

            Cánh tay nát quàng vào một sợi dây gai dầu, Samoa đứng ở vô lăng lái, nạp lại cây súng hỏa mai được cắm chặt trước chàng trên la bàn từ. Trong một lúc, con tàu lái rất vất vả, vì rằng các lá buồm giương chưa tốt, lại do sức gió càng làm cho tàu khó điều khiển hơn - đến mức, bất chấp khoảng cách ban đầu, cũng không rõ những kẻ bỏ trốn có tránh khỏi sa vào tay truy binh hay không. Con tàu đi chệch ngả nghiêng, và mấy chiếc xuồng thì càng lúc càng tiến gần. Phát điên vì cảnh tượng ấy và có lẽ còn nghĩ đến việc trả thù chuyện đã qua hơn là lo cho an toàn trong tương lai, Samoa nhường vô lăng lái cho Annatoo, đặt các cây súng hỏa mai của chàng trên mạn tàu, nhắm kỹ và bắn từng kẻ địch tiến đến. 

            Ba tiếng súng được đáp lại bằng những lời chế giễu inh ỏi từ bọn người man dã vung giáo nhạo báng, trong khi hết sức bình sinh bọn người Cholo kéo mạnh các mái chèo.

            Thuyền vẫn đuổi theo con tàu brigantine, các khẩu súng hỏa mai lần nữa lại được nạp đạn. Bắn mạnh cú tiếp theo thì có một quãng ngừng, khi mà, như chớp nhoáng, tên Cholo ngồi đầu xuồng bật khỏi chỗ của hắn, mái chèo trong tay, ngã xuống biển. Một tiếng la dữ dội; một người bản địa trong bọn nhảy phóc xuống nước, tóm lấy mớ tóc dài của cái xác đang chìm, và kẻ chết lẫn người sống được kéo lên xuồng. Được khích lệ nhờ phát súng chí tử này, Samoa lại nổ súng lần nữa nhưng không được kết quả tương tự; chỉ sượt qua tên lai còn lại, kẻ đang nép mình phía sau các đồng bạn của hắn, van xin họ quay đầu thuyền và hướng về bờ. Được báo động về số phận người anh em của mình và dường như ngờ vực về tính thiên vị trong phát súng của Samoa, tên côn đồ nhu nhược nhất định không ló đầu ra ngoài dẫu là mảy may bên mép mạn. 

            Giờ đây, bọn truy đuổi cũng muốn trốn chạy cho xong, nhưng một tai nạn đã cản bước. Khi chiếc xuồng bị nghiêng mạnh và tên Cholo bị trúng đạn nhảy xuống biển, hai mái chèo trượt khỏi mạn xuồng rơi xuống nước; cùng với chiếc thứ ba mà gã lai đang nắm cứng trong tay lúc chết, tất cả giờ đều trôi dạt đi, lúc ẩn lúc hiện, khi lặn xuống những lòng sóng. Hai Dân Đảo bơi đến để giành lại chúng; nhưng khiếp sợ vì tiếng vù vù của phát súng trên đầu, không còn cách nào khác tiếp cận được tàu Parki, họ nhanh chóng đổi ý, vừa kịp nhìn thấy một kẻ trong bọn vồ lấy ngực vì đã lãnh một viên đạn từ Samoa.

            Thấy đã đủ, lao qua con xuồng bạc mệnh, hai kẻ ấy vội vã bơi về đất liền, theo sau là mấy người còn lại; những người lao mình xuống biển bỏ mặc chiếc thuyền cho tên Cholo còn sống - có vẻ chẳng biết bơi, một tên man dã bị thương, và một xác chết.

            “Nạp đạn đi, và báo thù cho thỏa, người bạn cừ của ta,” Samoa tự nhủ. Nhưng chưa hết. Nhìn thấy cả lũ đã nằm trong tay mình - và bản thân chẳng có lòng thương xót, chàng nhanh chóng buộc buồm chính vào cột buồm mũi, “căng” con tàu brigantine, một lần nữa khai hỏa vào thuyền; mỗi đỉnh sóng nhấp nhô khiến con thuyền mỗi lúc một gần. Mọi nỗ lực trốn thoát coi như xong. Kẻ bị thương chèo điên cuồng, người chết thì bị sóng cuộn từ bên này sang bên kia, còn tên Cholo, chộp lấy một mái chèo, trong cơn bất ý mê loạn của hắn, xoay thuyền vòng vòng; trong khi đó, từng phát súng nối từng phát súng, Samoa khai hỏa nhanh như Annatoo nạp đạn. Rốt cuộc cả hai tên Cholo và kẻ man dã chết cùng các đồng bạn của chúng, làm thuyền nghiêng hẳn một bên, suýt thì chìm, và cứ thế trôi dạt đi.

           

CHƯƠNG XXIII

DONG BUỒM KHỎI ĐẤT LIỀN HỌ CƯỚP PHÁ CABIN

 

            Ở boong mũi có một khẩu đại bác thủy quân nhỏ, được tháo dỡ khỏi xe chở pháo và được buộc chặt vào các bu lông vòng trên boong. Samoa bấy giờ nạp đạn khẩu đại bác này và lấy rìu đánh bật cái núm tròn ở khóa nòng, nhồi thuốc vào tuýp. Thế rồi, đưa khẩu đại bác ra một trong các cửa bên và nhắm kỹ mục tiêu, chàng khai hỏa, đánh chìm thuyền và chôn xác kẻ chết. 

            Trời đã vào cuối chiều; nhất định tránh đất liền, tăng tốc hướng ra biển vô biên, không cần biết ở đâu, Samoa, một lần nữa cho tàu đi trước gió, bỏ mặc hòn đảo đằng sau. Các boong tàu vẫn còn ngổn ngang xác chết của mấy người Lahina, chân bắt lên đầu, chéo nhau như mấy khúc củi, được chất đống lên cửa bật ở buồm chính. Mấy cái xác này, từng xác một được đưa xuống biển; sau đó, họ chùi rửa các boong tàu. 

            Sáng hôm sau, thấy đã khuất tầm khỏi đất liền, gió lại chẳng bao nhiêu, họ dừng tàu và buộc cần lái vào mạn dưới gió để rà lại con tàu kỹ lưỡng hơn, nhất là các hốc trong cabin. Ở đó là các kho chứa của cải để dành đổi chác với Dân Đảo; thêm cả vài túi đô la.

            Quả thật, không gì sánh nổi lòng tham của người Polynesia, một khi - qua sự giao thương phần nào với người da trắng - mắt chàng mở ra trước cảnh trần trụi của chính mình, và chàng nhận ra rằng ở một số phương diện, bọn họ giàu hơn mình nhiều.

            Tủ quần áo của viên hoa tiêu trưởng tội nghiệp được khám phá trước tiên; các rương áo quần được lật úp, và vật chứa bên trong nằm rải rác khắp sàn cabin.

            Rồi họ mặc y phục. Samoa và Annatoo vận thử các áo khoác và quần dài, áo sơ mi và quần đùi, ngắm nghía mìnhtrong tấm gương được đóng pa-nô trên vách ngăn. Tiếp đến là các thùng và các kiện bị nứt, không nắp; các cuộn vải cotton in hoa được kiểm tra và được ngưỡng mộ vô cùng, nhiều đến độ những vật tạp nhạp được tìm thấy trong các rương đồ của thuyền trưởng đã bị khinh bỉ vứt đi; họ quấn lên mình những nếp vải calico, vốn hợp mắt họ hơn. 

            Hết va-li này đến va-li nọ được mở ra và lật nhào, boong cabin thành ra dễ trượt chân vì những chuỗi hạt thủy tinh; cổ của Samoa và Annatoo thì nặng trĩu những chùm của cải đẹp mắt ấy. 

            Trong số những món lộ ra, có cả đồ trang sức bằng đồng thau, Những Đồ Chợ Trời vô giá trị và trang sức lòe loẹt, và chính những món ấy lại được ưa thích nhất; Annatoo tự trang hoàng như một bà hoàng bi kịch: toàn thân chói lẫy những đồ đồng. Thương thay người phụ nữ được điểm trang nhường này mà chẳng có ai để chiêm ngưỡng ngoài Samoa chồng nàng; thế mà chàng khi ấy đang chiêm ngưỡng chính mình, chứ nào phải nàng đâu.

            Và ở đây cần phải thuật lại đôi điều đến giờ vẫn chưa nhắc đến. Vợ chồng này không phải Darby và Joan. Đời sống hôn nhân của họ là một chiến dịch dài hơi, mà các cuộc đình chiến chỉ diễn ra vào ban đêm. Họ hôn hít thủ thỉ với nhau trong vòng tay vợ chồng, rồi sáng mai tươi tỉnh thức dậy chiến đấu, và thường thì Samoa chịu nhiều hơn là một trận mái mổ. Tóm lại, Annatoo là một người Tartar, một người Calmuc điển hình, còn Samoa - Trời phù hộ chàng - là chồng nàng. 

            Tuy vậy, trong lúc này, vì cảm giác nguy hiểm chung và vì còn mải mê lật giở những món châu báu giả, chưa ai kịp nghĩ đến chuyện của ai là của ai, nên họ tạm thời tránh được cãi vã. Nhưng bão táp đã chóng nổi lên. Sau khi lắc kỹ từng kiện lẫn từng va-li, Annatoo, phỏng tính tất cả của nả, hết sức tỉnh bơ khởi sự để riêng cho nàng bất kỳ thứ gì nàng thích. Samoa phản đối, và Annatoo phản đối cái sự phản đối ấy; thế là họ lao vào nhau.

            Chị vợ thề rằng mấy thứ của nả này chẳng là của Samoa hơn là của nàng, nói cho đúng thì còn kém, và rằng hễ muốn thứ gì, nàng sẽ có thứ ấy. Nàng còn tuyên bố rằng nàng chẳng là nô lệ của ai sất.

            Bấy giờ, Samoa, kể ra thật đáng buồn, không kém kinh hãi cô vợ hay kiếm chuyện của mình. Dẫu là một anh hùng trong những khía cạnh khác, dẫu chàng đã ra tay giết đám người man dã và can đảm dẫn dắt con tàu khỏi nanh vuốt của bọn chúng thì, như các thuyền trưởng anh dũng Marlborough và Belisarius, chàng là một kẻ nhát gan trước vợ. Và Annatoo còn ghê gớm hơn cả Sarah hay Antonina.

            Tuy thế, như một vết xước, đa phần chuyện vợ chồng cãi vã nhanh chóng được làm lành; vì nếu không làm lành thì sẽ không bao giờ nổ ra xung đột được nữa - mà ấy vốn là một cái đẹp của hôn nhân. Cho nên cuối cùng họ làm hòa với nhau; nhưng yêu sách hiệp ước của Annatoo quá mức ngang ngược với lợi ích của Samoa. Về mặt hình thức, họ nhất trí rằng họ nên chia đôi sòng phẳng, chị vợ đặc biệt tuyên bố chủ quyền với những đồ giá trị nhất định, nhất là mấy món đồ màu mè. Đổi lại, nàng rộng rãi từ bỏ mọi xưng nhận về dây neo buồm dư dùng, mọi xưng nhận về cột buồm mũi và cột buồm chính, và mọi xưng nhận về vũ khí của thuyền trưởng và đạn dược. Về những thứ của nả ấy, Lệnh Bà Antonina không cần. Giọng nàng là một bãi pháo binh; vuốt nàng là một cuộc lưỡi lê giáp lá cà.

CHƯƠNG XXIV

DÀNH TẶNG HỌC VIỆN CÁC Y SĨ VÀ PHẪU THUẬT GIA

 

            Vào lúc ấy, cánh tay bị thương của Samoa đang ở trong tình trạng mà việc phẫu thuật cắt bỏ trở nên thật cần thiết. Với người man dã, những thương tích cá nhân nghiêm trọng đa phần, được xem như chỉ là những chuyện cỏn con. Trong khi một người Châu Âu sẽ tuyệt vọng mà lên bàn mổ, thì một kẻ man dã sẽ coi thường mà nằm xuống

            Thêm nữa. Ở Polynesia, mỗi người đàn ông là một thợ cạo kiêm phẫu thuật gia của mình - cắt râu hoặc cắt tay, nếu hoàn cảnh bắt buộc. Bởi lẽ, chẳng có gì bất thường khi các chiến binh của Varvoo cưa bỏ các chi của mình, lúc bị thương đến khốn cùng nơi chiến trận. Nhưng do cách sử dụng dụng cụ lại không được khéo léo - một vỏ sò cứng như đá lửa, có mép răng cưa, người ta cho hay phẫu thuật ấy kéo dài đến cả vài ngày. Họ sẽ không để bất kỳ người bạn nào giúp họ; xác nhận rằng nếu vấn đề chỉ liên quan đến một chiến binh thì tốt nhất nên để người ấy tự lo thì hơn. Thành thử có thể nói rằng họ cắt bỏ bộ phận của mình những lúc thảnh thơi, và cất công cụ của mình khi đã mỏi mệt. Nhưng dẫu không hề chịu ơn ai có liên quan đến thực hành phẫu thuật, họ chẳng bao giờ tự cắt đầu mình, như tôi được nghe kể - một kiểu cắt bỏ mà, nói theo lẽ siêu hình, kiểu người muốn độc lập ở các vùng đất văn minh rất khoái.

            Cuộc phẫu thuật của Samoa làm rất qua loa. Một ngọn lửa được châm trong một cái bếp boong hoặc bếp ngoài trời, như vậy để tạo được nhiều khói. Sau đó chàng đặt cánh tay của mình lên một trong những cọc tời (một cọc gỗ dựng thẳng đứng, cao ngang ngực) và chộp lấy chiếc rìu bếp cùn để giáng đòn; nhưng vì một lẽ nào đó không tin tưởng độ chính xác của cánh tay mình nên Annatoo đã được giao công việc. Ba cú giáng, và cái tay, ngay trên cùi chỏ, bây giờ không còn là của Samoa nữa; chàng được nhìn thấy xương của chính mình, thứ mà nhiều người sống trăm tuổi còn chưa từng thấy bao giờ. Sự cồng kềnh của cuộc phẫu thuật lại an toàn với đối tượng. Khối lượng và độ cùn của công cụ làm dịu cơn đau và giúp cầm máu. Vết thương lúc này được đốt khô và hơ khói, đến khi mọi dấu hiệu của máu không còn nữa. Từ hôm ấy trở đi thì nó đã lành và chỉ gây phiền toái cho Samoa chút ít.

            Nhưng ta có nên kể phần tiếp theo? Rằng, do mê tín mà chàng ghê sợ việc chôn xuống biển một phần cơ thể còn sống - Samoa cho rằng nếu làm thế, chẳng bao lâu nữa chàng cũng sẽ chết chìm và đi theo nó luôn; và rằng, cũng sợ hãi chẳng dám giữ nó bên mình, rốt cuộc chàng treo nó tít trên cao ngay dây chằng đỉnh cột buồm nơi nó sắp được mắc vào, quấn tới quấn lui bằng vải liệm. Cái bàn tay ắt đã từng siết chặt bao nhiêu người trong cái ôm thân thiện hoặc đập tan kẻ thù, cái bàn tay, Samoa nghĩ, chẳng phải là thức ăn cho lũ chim trời hay cá biển.

            Vậy thì, phần nào mới là Samoa? Cánh tay lìa đu đưa trên cao như Haman(1)? Hay phần thân bên dưới? Là cánh tay đã tách khỏi cơ thể, hay cơ thể đã tách khỏi cánh tay? Phần thịt rời của Samoa vẫn còn sống, thành thử ta gọi nó là chàng. Vậy thì cái phần oằn oại nào của một con giun bị tách thành mười phần mới chính là con giun?

            Đối với tôi, tôi luôn xem Samoa chỉ là một mảnh lớn rời rạc hình người chứ không phải một con người trọn vẹn. Vì chẳng phải toàn bộ chàng rút ra từ một cái chi ư? Mà sau trận đánh ở Teneriffe, ngay cả đại Nelson lẫy lừng - xét về mặt sinh lý - cũng chỉ còn là ba phần tư con người. Và khi khói trận Waterloo tan đi, thì Anglesea còn lại là gì ngoài một thân thể tương tự? Sau Saratoga, Arnold nào? Chưa kể Mutius Scaevola mất một bàn tay, Tướng Knox một ngón tay, và Hannibal một con mắt; và rằng lính ném lựu đạn Roma xưa ấy, Dentatus, chẳng hơn gì một cái thân cây bầm dập, khó đốn ngã và khó đẽo nhỏ, dẫu tính đối xứng đã bị hư hại nhiều do những nhát rìu chiến. A! thế mà những chiến binh ấy, như những cái đe, sẽ đứng vững dưới một cú nện búa khắc nghiệt. Nhất là vào thời hiệp khách. Vì trong trận Brevieux ở Flanders, tổ tiên huy hoàng hay tán gẫu của tôi, Froissart, đã cho tôi hay rằng mười hiệp sĩ tài giỏi bỗng ngã ngựa, cứng đờ và bất lực ngã xuống đồng bằng, bị áo giáp của họ đè đến chết. Nhân đó, bọn nông dân đào bới bất lương, kẻ thù của họ, khởi sự lật giở những tấm che mặt của họ như kẻ trộm cạy khóa, như người cạy vỏ hàu, để tìm cách giết họ. Nhưng hết thảy đều chẳng được kết quả gì. Và cuối cùng họ đành phải mời thợ rèn giúp cho; và mãi tới lúc ấy, các tù nhân của bộ áo giáp mới được giải phóng. Người ta từng cho rằng, việc vị tù nhân bí ẩn của nước Pháp bị giam trong chiếc mặt nạ sắt là điều vô cùng tàn nhẫn; thế mà các hiệp khách này đã tự nguyện bị tống giam trong ngục Bastille sắt của chính mình; và một mình chịu chết trong đó. Cái thời hiệp sĩ ấy, thuở những nghĩa sĩ gan dạ chết những cái chết nghĩa sĩ!

            Và đấy là thời đại sử thi, cuộc khởi hành mà người bạn hùng biện lẫn tiên tri và tâm giao quá cố của tôi, Edmund Burke, từng cảm động khóc vì. Phải, đấy là những thời huy hoàng. Nhưng không một người đàn ông biết điều nào, được ban cho những vui thích gia đình, lại muốn mang sự ấm no nơi lò sưởi và bánh nướng đi đổi một trại lộ thiên anh hùng trong một khu rừng sồi hoang, vào một buổi sáng giông bão rét căm bên Normandy, nơi mỗi hiệp sĩ hà hơi vào những ngón tay bọc sắt, và ra sức vô ích pha cà phê lạnh trong chiếc mũ sắt của mình. 

 

Khương Anh dịch

 

  1.  Quan Haman bị vua xử treo cổ trong sách Esther 7, 8 – 10

 

Melville

Mardi (1849)
(kỳ 1)
(kỳ 2)
(kỳ 3)
(kỳ 4)
(kỳ 5)
(kỳ 6)
Jacket trắng (1850)
Người 'Gee (1853)
Người kéo vĩ cầm (1854)
Jimmy Rose (1855)
Ngắn (1855-1856)
Cúc-cà-cúc-cu (1856)
Tôi và ống khói của tôi (1856)


Nước Mỹ ấy

Hawthorne (1804–1864)
Edgar Allan Poe (1809–1849)
Thoreau (1817–1862)
Melville (1819–1891)
William James (1842–1910)
Henry James (1843–1916)
Edith Wharton (1862–1937)
Gertrude Stein (1874–1946)
Ezra Pound (1885–1972)
Philip Roth (1933 –2018)
Marilynne Robinson (1943)

favorites
Thêm vào giỏ hàng thành công