favorites
Shopping Cart
Search
Vitanova
Prev
Xuân 2025
Next

Melville: Mardi (kỳ 5)

29/04/2025 14:39

tiếp tục Mardi, bộ tiểu thuyết đồ sộ của Melville, kỳ mới nhất ở kia
 

Mardi

- Herman Melville

 

CHƯƠNG XV
MỘT MŨI MAY CHÓNG HƠN CHÍN MŨI VÁ CHẦY

Như hầu hết những người nghiêm nghị ít nói, ông Viking của tôi là một hình mẫu chuyên cần. Cái thời còn ở trên những chiếc thuyền sau khi đuổi theo cá voi, tôi từng thấy ông mang theo một cuộn dây cọ bện để đan thành mũ Và khi con thuyền bất động độ nửa tiếng, chờ cho cuộc săn đuổi nổi lên, các ngón tay ông miệt mài làm việc, như một phụ nữ luống tuổi đan lát. Cũng như một bà vợ già kinh nghiệm, các ngón tay ông đã trở nên quá thành thạo và tỉ mỉ, đến nỗi đôi mắt ông cũng mặc cho chúng yên, ngỡ như chuyện giám sát thị giác là chuyện thừa thãi. Và trong cuộc hành trình của chúng tôi, khi không có gì vướng bận, ông cũng khá bận rộn với các ngón tay của mình như ngày nào: gỡ mối chiếc tất cũ Mũi Sừng, lấy đó mà dùng làm chỉ để mạng lại áo khoác chẽn len; với những miếng vá lớn từ vạt chiếc áo gài chéo xấu số, đệm lại cái bàn tọa của chiếc “quần bông”: nói gọn là phủ vơ-nia những món đồ đã hỏng thành những phục trang thuộc hàng tuyển chọn.

Với sự lo xa đích thực của một thủy thủ già, ông mang bên mình gần như nguyên cả rương đồ. Cái “Túi Kim Chỉ”, gồm những dụng cụ khâu vá, được cẩn thận cất vào góc dưới các bó đồ của ông, vốn đã nhiều như một bà gái già đi du hành. Thực tình, một thủy thủ có thâm niên rất giống một bà gái già, song, nói cho đúng, chẳng hề xứng với cái danh từ chung hay bị nhầm ấy. Thà là một bà gái già, một người phụ nữ kiêm luôn vai người chồng, còn hơn làm vợ của một người chồng ngu; và vua Solomon đã nhiều lần ám chỉ rằng hết thảy đàn ông đều ngu; và ai biết mình ngu mới là kẻ khôn ngoan. 

Trong vai trò nữ thợ may, vị trí ưa thích của Jarl chính là cái bục tam giác nhỏ ở đằng mũi, phần ráo nhất và cao nhất ở trên thuyền, hợp với ý ông nhất. Ở đấy hằng giờ hằng giờ liền, ông thợ may già thật thà cứ ngồi mà mạng với khâu liên tục, chẳng màng biển cả rộng lớn chung quanh, trong khi luôn luôn, cái mũ Guayaquil luộm thuộm của ông cứ nhấp lên nhô xuống  đường chân trời trước mặt chúng tôi.

Đấy là việc lặt vặt nghiêm túc nhất với ông. Lặng lẽ ông gật đầu như pho tượng tĩnh trong vở opera Don Juan. Thực vậy ông chẳng bao giờ nói, trừ phi đưa ra phát ngôn chắc nịch về sự khôn ngoan của việc giữ gìn cái áo cái quần của mình cho tử tế. Nhưng ở điểm này ông Viking của tôi thi thoảng mới nổi cơn sấm truyền. Và biết bao nhiêu giờ qua chúng tôi trôi dọc trên biển, bản thân tôi thì nghiền ngẫm sâu xa ở đằng đuôi thuyền, tay đặt trên lái; đang khi chân bắt chữ ngũ đằng bên kia thuyền, Jarl lại đắp từng vá trên vá, và lâu lâu thì từng huấn thị trên huấn thị; đây dăm câu ngạn ngữ, kia vô vàn mũi khâu.

CHƯƠNG XVI

HỌ VẮNG GIÓ
 

Vào ngày thứ tám có một đợt biển lặng.

Nó đến vào ban đêm. Thức giấc lúc rạng đông, khoanh tay gác lên mép mạn, tôi trông thấy một cảnh tượng rất khó diễn đạt. Mặt trời vẫn bên dưới đường chân trời, chừng đâu chưa khuất khỏi tầm của những bình nguyên Paraguay. Nhưng ánh bình minh quá mạnh đối với những vì sao - đã lần lượt tắt đi, như những ngọn đèn yếu dần sau cuộc vũ hội. 

Khi ấy, mặt biển trống trơn như mặt của một tấm gương, chỉ mượn lấy đặc điểm của thứ nó phản chiếu; thế nên trong một đợt biển lặng ở các Vùng Nhiệt Đới, bầu trời không màu trên đầu, còn đại dương, trên bề mặt của nó, hầu như chẳng trình diện một dấu hiệu tồn tại nào. Sắc xanh thẫm đã qua, và phần bóng kính thì trải dài mê man, hầu vô ảnh như không khí. 

Nhưng buổi sáng hôm ấy, nền trời và nền biển xám tựa như sụm vào nhau thành một dấu chấm lửng mơ hồ. Và chiếc thuyền Dê Biển tựa như đang trôi dạt trong không trung cũng như trên biển. Mọi thứ hòa tan vào biển lặng: trời, không khí, nước, tất cả. Một con cá cũng chẳng thấy đâu.  Sự im lặng như ở trong chân không. Chẳng có sức sống nào ẩn trong không khí. Và sự trơ trơ ấy trộn lẫn và phủ lấy muôn vật tựa như hỗn loạn âm u khi thai nghén đất trời.

Đợt biển lặng ấy kéo dài những bốn ngày bốn đêm; lúc bấy giờ chỉ có dăm ba ngọn gió khều buồm đổi thay cảnh sắc. Chúng yếu ớt như hơi thở của người hấp hối.

Đôi lúc sức nóng mãnh liệt. Các tầng trời, vào ban trưa, bừng lên như một mỏ than bắt lửa. Da chúng tôi nhăn nhúm như xơ vải; tầm nhìn trở nên lòa nhòa, đầu óc choáng váng. 

Chúng tôi lấy làm kinh ngạc khi nước trong chiếc thùng tô-nô trở nên âm ấm, mằn mặn và thối, dẫu cho chúng tôi đã đặt chồng quần áo dự phòng trên thùng để che chắn nó khỏi ánh mặt trời. Cuối cùng, Jarl khai thông miệng thùng, cẩn thận đặt nó phơi nắng. Với biện pháp này, chắc hẳn, chúng tôi mang trách nhiệm nhiều hơn mình nghĩ. Khi ấy thiết nghĩ sẽ khôn ngoan khi giảm bớt khẩu phần nước xuống còn một chút nhỏ nhoi cho hợp với việc duy trì sự sống lúc bấy giờ, bóp nghẹt mọi ham muốn hơn nữa.

Chưa hết. Sàn gỗ ván trên cùng của thuyền bắt đầu bị oằn, chỗ này chỗ kia, bị nứt và chỉa ra. Nhưng dù chúng tôi có cấp ẩm cho nó bằng nước biển, một đầu mút trên ván đã bật ra khỏi mấu; cái tiếng xé tai, đột ngột, phá tan sự im lặng cháy xém, khiến cả hai kẻ chúng tôi giật bắn người. Tức thì biển tràn vào; nhưng chúng tôi xoay xở niềng lại tấm ván bạo nghịch bằng một sợi dây, bởi chẳng có đinh; thế rồi chúng tôi tát nước, đã ngót đầy cả nửa thuyền. 

Vào ngày biển lặng thứ nhì, chúng tôi tháo cột buồm, để ngăn nó khỏi bị tuột khỏi mấu do những đợt đại sóng cuộn thi thoảng cuốn lên bắt kịp chúng tôi. Hàng lý và hàng lý cách xa, sau khi nổi cơn hoành hành dữ dội, một cơn bão đâu đó hẳn đang gửi đến chúng tôi những làn sóng sắp tàn cuối cùng của nó. Như một viên sỏi rớt xuống ao tạo gợn đến mép bờ, khắp bốn bề, một cơn gió mạnh cũng hoạt động như thể một tiểu hành tinh rơi xuống biển, làm nên những ngọn núi sóng cồn, khuếch ra đến vô cùng, thay vì những vệt lăn tăn. 

Những trận sóng lớn tháng Chín đang phá nền ở Miền Cao Neversink, vượt xa cả những chiếc thuyền hoa tiêu nhanh nhất, mang theo những tin tức từ biển khơi. Và rất thường khi, chính chúng biết bí mật cuối cùng của biết bao con tàu kiên cường, bặt vô âm tín kể từ ngày rời bến. Trong mắt tôi, mỗi con sóng tựa như một linh hồn.

Khi không lái thuyền, Jarl và tôi núp mình khi có thể bên dưới tấm phủ. Và trong hai ngày đầu, từng người một, cách ba hoặc bốn tiếng, ra khỏi thuyền để tắm, bám vào mép mạn; luôn giữ một người canh chừng tinh ý đề phòng cá mập rình mồi. Khoảng một hoặc hai bộ dưới mặt biển, nước mát mẻ và sảng khoái.

Vào ngày thứ ba, có thay đổi với chúng tôi. Chúng tôi thôi không tắm vì ráng sức đã làm chúng tôi căng thẳng quá đỗi. Nhăn nhó, chúng tôi bỏ cuộc quay lưng lại với nhau và mất kiên nhẫn chờ cho người kia bâng quơ đụng lấy mình. Cái cách thể hiện bên ngoài của tôi thế nào, tôi chẳng rõ; song tôi ghét phải nhìn Jarl. Nếu có nhìn thì chỉ là một cái trừng mắt, chứ nào phải một cái liếc. Tôi trở nên lầm lì hơn cả ông. Tôi chẳng thể nói được tôi đang bị cái chứng gì, nhưng tôi ước tôi được ở một mình. Tôi cảm thấy chừng nào biển lặng còn kéo dài, chừng ấy chúng tôi chẳng có lối thoát, rằng người này chẳng thể giúp được gì cho người kia và trên hết, với một người, nước còn chẳng đủ phương chi là với hai. Tôi không thấy hối hận, dù mảy may, vì những suy nghĩ ấy. Nó thuộc về bản năng. Như một tên vô lại hồn đang lìa khỏi xác, tôi hằng mong được hấp hối một mình mà thôi. 

Nguyện xin Chúa nhân lành, xin cất tôi khỏi cảnh bị đắm trôi cùng một người anh em!

Bốn ngày đã qua. Và vào sáng ngày thứ năm, tạ ơn Chúa, có gió thổi tới. Nhảy múa, uốn éo nó đến, chỉ gợn biển lăn tăn, cho đến khi phất những lá buồm của chúng tôi, trước đó đã giương lên ngay từ dấu hiệu nổi gió đầu tiên. Lâu dần trời mát lên chút đỉnh, và chiếc Dê Biển đáng thương tưởng như được sống lại từ cõi chết. 

Vui sướng khôn tả! Lại một lần nữa chúng tôi được nghe tiếng ngâm trầm của biển khơi bên dưới mũi thuyền, khi thuyền chúng tôi, như một chú chim, líu lo tung cánh.

Cảnh quan đổi thay làm sao! Trên đầu, một làn xanh ngọt, chưng ánh mặt trời thành giọt. Và cái thứ được gieo vào sáng tạo khả kiến chính là tấm áo lốm đốm ánh dương, thiên thanh, sột soạt của biển khơi, được phủ lông chồn bằng những đầu sóng, còn lại thì xanh vô tận. Quả là tiếng nhạc nhịp nhàng! Những ngọn sóng đuổi nhau, trêu nhau và sủi lên thứ bọt thích đùa: những con cá vẽ nhọ bôi hề lượn tới, và tức thì có tiếng chim biển vỗ cánh bay qua. 

Hỡi, Biển Cả, những khi mi chọn mỉm cười, trông mi xinh đẹp hơn cả đồng cỏ hay đồng bằng đầy hoa!

 

CHƯƠNG XVII

KHẤP KHỞI, HỌ TIẾN VỀ MIỀN ĐẤT LẠ

 

Lúc bấy giờ đã có mười bốn khấc trên cán chèo của Ông Giời: Đã quá nhiều ngày từ khi chúng tôi đẩy thuyền khỏi bao lơn mũi của tàu Arcturion. Nhưng tới nay, không một nhánh cây trôi, không một con nhàn trắng, không một con nhàn xám hay chim nhiệt đới, để cho thấy chúng tôi đang ở gần đất liền. Trong đợt biển lặng lâu ngày ấy, những dòng hải lưu đã đưa chúng tôi tới đâu?

Chính xác ở đâu, chúng tôi chẳng hay; nhưng theo tính toán của mình, ước lượng phóng chừng theo dặm biển mỗi giờ, chúng tôi chắc phải đi thuyền về hướng tây hơn một trăm năm chục lý một chút, đa phần chỉ bắt gặp những cơn gió nhẹ, và những đợt biển lặng gián đoạn thường xảy ra, ngoài đợt biển lặng kéo dài đã nói. Nhưng mặc cho những đợt biển lặng và hải lưu trước đây, đất liền ắt phải ở hướng tây. Mặt trời, la bàn, lòng dũng cảm và những làn gió ổn định, đưa hướng mũi thuyền chúng tôi về đấy. Can đảm quá! Ông Viking của tôi ơi, không được đuối đấy nhé!

Vào lúc ấy, lòng chúng tôi thấy nhẹ nhõm hơn khi phát hiện thấy nước của chúng tôi có vị ngon hơn. Dường như lại diễn ra một kiểu lên men, hoặc sự hoạt động, giống như hiện tượng đôi khi xảy ra với nước trữ trên tàu ngay sau khi được tiếp tế. Thường thì trong một khoảng thời gian, nước có mùi vị khó chịu, nhưng rồi nó lại trở nên khá trong lành.

Nhưng vì nước của chúng tôi đã được ngon hơn, chúng tôi đâm ra càng lúc càng hà tiện với thứ vô giá ấy.

Và ở đây cũng nên nhắc đến một chi tiết nhỏ khác, tuy không lấy gì làm ủy mị. Là một thủy thủ lành nghề, ông Viking của tôi là một người tiêu thụ quá mức thứ cần sa Ấn Độ. Từ thuyền Arcturion, ông đã mang theo bên mình nửa két nhỏ, được lèn chặt bên dưới một lớp dày thuốc lá Negrohead, mang dấu hóa thạch như địa tầng sơ cấp của các nhà địa chất học. Đó là lớp cuối cùng trong nguồn cung phong phú dành cho cuộc hải trình săn cá voi dài mà ông đã cho lên tàu từ hơn ba năm trước. Giữa biển lặng, và trong vài ngày sau đó, têm thuốc lệ thường của Jarl tội nghiệp đã không còn là người bạn dễ chịu nữa. Ta có lộng ngữ: he eschewed his chew(1).Tôi hỏi ông lý do gì. Ông đáp rằng nó làm se miệng ông, trên hết là gây khát, và chẳng biết sao đã thành ra chẳng còn ngon. Tôi lấy làm tiếc; vì sự vắng mặt của món thuốc luôn hiện diện trước đây đã làm sút kém cái đầy đặn nhỏ nhoi từng có trên má ông; tuy vậy, thú thật tôi không còn dám bảo ông chuyển khối thuốc khổng lồ ấy qua mạn phải hay mạn trái để giữ thăng bằng cho con thuyền nữa.

Đợt biển lặng ấy đã qua, một lần nữa ông thợ may biển cả của tôi lại được chập nếp cây kim đường chỉ hoặc hóa thành nữ thợ giặt, đem phơi áo quần của chúng tôi cho khô trên những mái chèo xếp chéo ở cọc chèo. Những thứ ấy là những cờ đuôi nheo tả tơi, gió thổi phía đuôi thuyền, giúp chúng tôi vui vẻ lên đường; vui tươi như hai kẻ khốn cùng cùng mấy miếng giẻ rách bay trong gió, sung sướng dong buồm qua đời, lòng hân hoan dù nghèo xác nghèo xơ!

 

CHƯƠNG XVIII

CÁ MẬP CHÚA VÀ CÁC GIA ĐỒNG CỦA NGÀI


Có một loài cá ở biển mà luôn luôn, cứ như một vị chúa tể cau có, chỉ ra ngoài mỗi khi có đoàn tùy tùng chầu chực. Đó chính là Cá Mập Mũi Nhọn. Một con quái vật lờ phờ vụng về, dị dạng như tên gọi của nó và thoạt nhìn, người ta sẽ nghĩ đó là loài cuối cùng trên đời xứng đáng được hầu hạ long trọng như vậy. Đoàn tùy tùng của ngài cá mập gồm các sinh vật nhỏ nhắn khảnh ăn mà các thủy thủ gọi là Cá Thuyền. Nhưng về đêm, bầu đoàn này thường tăng lên nhờ góp mặt của dăm con cá dạ quang nho nhỏ, bơi đằng trước, vẫy qua vẫy lại những ngọn đuốc của chúng như những đứa trẻ vác đèn soi đường quái vật đi. Tiếc thay chẳng có chú cá đuối nào đi sau, như hậu vệ, đưa đoàn rước đuôi cho ngài. 

Mối liên hệ đang có giữa Cá Thuyền được nói ở trên và vị chúa tể khổng lồ lóng ngóng của chúng dường như là một trong những điều khó hiểu nhất trong tự nhiên. Dù sao đi nữa, tôi cũng ở trong cái thế khó mà lãnh hội được. Chuyện một con quái vật dữ tợn như thế lại chịu năm sáu cậu dài vỏn vẹn mười bốn inch nô giỡn quanh tấm thân dễ sợ một cách hoàn toàn tự do, tự thân điều đó đã là chuyện lạ. Nhưng càng lạ hơn nữa khi xét đến việc, theo một sự hiểu ngầm lẫn nhau, Cá Thuyền tựa như đóng vai trò làm trinh sát cho con cá mập, đánh động nguy hiểm, báo cho biết con mồi đang ở gần, trường hợp con cá mập bị giết thì bày tỏ đau đớn thông qua những khích động khó thể giải thích theo cách nào khác: toàn bộ sự việc trở nên một bí ẩn khôn dò. Quả thực, điều kỳ diệu đầy khắp chung quanh. Người ta chẳng cần kẻ chết sống lại mới đủ sức thuyết phục. Ngay cả ông Viking của tôi đây cũng đầy tràn diệu kỳ như những con Cá Thuyền, tựa như ông đầy tràn Thần Khí vào ngày Lễ Hạ Trần.

Nhưng có lẽ một sự việc nhỏ xảy ra vào khoảng thời gian này sẽ minh hoạ rõ nhất cho tình thế trên.

Chúng tôi đang lênh đênh trên biển, độ ba dặm biển một giờ, thì đồng bạn của tôi, đang lơ mơ ngủ trên mép mạn, thình lình đứng dậy và chỉ vào một con Cá Mập Mũi Nhọn, cách một khoảng chưa tới chiều dài một chiếc thuyền và độ nửa sải bên dưới mặt nước. Một cây xiên đã được liền tay chộp lấy; và trung thành với tiếng gọi của mình, Jarl đã sắp sửa găm nó vào con cá, trong khi, thích thú vì thấy những trinh sát nhỏ rực rỡ của nó, tôi van ông thôi đừng. 

Có một chú cá ở ngay bên dưới con cá mập, đang rỉa lấy phần vây bụng; một chú khác ở bên trên, lởn vởn quanh phần lưng; mỗi chú ở mỗi bên sườn; và chú thứ năm đang nhảy cỡn giở trò chơi khăm ở mũi, ra vẻ có điều để nói về chuyện thiên nhiên tuyệt mật. Chúng có màu xanh thép rực rỡ, xen kẽ những sọc đen nhánh; cùng những bụng trắng bạc lấp lánh. Bám chặt lấy phần lưng của con cá mập là bốn hoặc năm chú Cá Ép hoặc cá giác mút; những động vật ký sinh trông như rắn, không thể gỡ chúng khỏi bất kỳ thứ gì chúng bám chặt vào mà không giết hại chúng. Loài Cá Ép chẳng có sức bơi là bao, thế nên vận động duy nhất của nó là ở trên lưng của những con cá lớn hơn. Y như đỉa, nó dính chặt hơn thứ anh em giả hình trong lúc thịnh vượng, dính chặt hơn kẻ ăn mày với người làm ơn, dính chặt hơn Webster với Hiến Pháp. Nó ăn nhờ ở đậu vào thứ nó bám vào; các xúc tua của nó có đường thông trực tiếp với thực quản.

Con cá mập lờ đờ bơi, chẳng tạo một vết gợn, nhưng chốc chốc lại lúc lắc mớ tóc Medusa, sống đời thê thảm những oằn oại và xoắn cuộn. Thi thoảng, những chú Cá Thuyền nhanh nhẹn phóng khỏi cạnh sườn nó — đằng này đằng kia — thường là hướng về phía thuyền chúng tôi, nhưng trước khi bắt đầu một khởi đầu mới lại quay về với chúa thượng của chúng để báo cáo tình hình.

Một ý nghĩ chợt đến với tôi. Tôi buộc một mẩu thịt bò muối — gần như đã vô dụng — vào đầu dây thừng, rồi thả cho nó kéo lê trong nước. Tức thì chú cá trinh thám đầu tiên đã bơi đến, do dự ngập ngừng nhưng sau cùng cũng tiến lên, nhanh nhẹn đánh hơi ở đằng dây câu và rỉa nhí một mẩu nhỏ, rút về chỗ con cá mập. Chỉ một khoảnh khắc sau, hoàng đế Thiếp Mộc Nhi nặng nề quay lại, chỉa cái mũi đen như súng thần công của ngài thẳng vào cạnh thuyền. Trong khi đó, những chú Cá Thuyền nhỏ nhắn chỗ này chỗ kia lao tới, gây nên một cảnh nhốn nháo chẳng khác nào những kẻ đầu óc hẹp hòi khi bấn loạn vì lo âu.

Ngay sau đó, hoàng đế Thiếp Mộc Nhi bơi càng lúc càng gần, sau một hồi lười nhác đưa mắt nhìn Dê Biển, như lợn rừng rình một chú dê con. Thình lình vội vàng tiến tới, dưới lớp bọt nó trốn thoát cùng miếng mồi câu. Nhưng chốc sau, cây xiên được nâng lên đã găm mạnh vào sọ nó; và trong lúc quẫy đuôi mạnh mẽ như đánh nhịp cho khúc cầu hồn của chính mình, nó chậm chạp chìm xuống, qua vũng máu của mình, khuất dạng. Xuôi xuống cùng nó là những chú Cá Thuyền khiếp hãi; nhưng chẳng bao lâu sau, ba chú trong bọn đã theo sát chiếc thuyền, lướt dọc theo một nhịp đồng đều; mỗi con mỗi bên, và một con đằng trước; như lúc chúng đã từng theo hầu chúa tể. Chắc hẳn còn một con ở bên dưới sống thuyền của chúng tôi. 

“Một điềm may,” Jarl nói; “chẳng có xui xẻo nào sẽ xảy đến với chúng ta chừng nào chúng còn ở đây.” 

Nhưng dù cho đó có là gì thì chúng cũng đã theo cùng chúng tôi trong nhiều ngày sau đó, đến khi một sự kiện xảy ra buộc chúng phải rút đi.

Khương Anh dịch

1. Đã hết nhóp nhép.

 

Melville

Mardi (1849)
Jacket trắng (1850)
Người 'Gee (1853)
Người kéo vĩ cầm (1854)
Jimmy Rose (1855)
Ngắn (1855-1856)
Cúc-cà-cúc-cu (1856)
Tôi và ống khói của tôi (1856)
 

Nước Mỹ ấy

Hawthorne (1804–1864)
Edgar Allan Poe (1809–1849)
Thoreau (1817–1862)
Melville (1819–1891)
William James (1842–1910)
Henry James (1843–1916)
Edith Wharton (1862–1937)
Gertrude Stein (1874–1946)
Ezra Pound (1885–1972)
Philip Roth (1933 –2018)
Marilynne Robinson (1943)

favorites
Thêm vào giỏ hàng thành công