Mario Vargas Llosa: Cá gặp nước (Chương V)
Sau khi đã đầy đủ chương III hồi ký Cá gặp nước của Mario Vargas Llosa thì sang chương V: thời điểm lúc này là năm 1950.
Đoạn đầu của Chương V giúp độc giả của cuốn tiểu thuyết Thành phố và lũ chó (đã có bản dịch tiếng Việt) hiểu thêm nhiều điều về thời kỳ học trường trung học quân sự tại Lima của Vargas Llosa.
Cá gặp nước
- Mario Vargas Llosa
V. Cậu thiếu sinh quân may mắn
Những năm tôi sống cùng bố tôi, cho đến khi vào trường Leoncio Prado, năm 1950, xua tan đi sự trong trắng của tôi, viễn kiến ngây thơ của tôi về thế giới mà mẹ tôi, ông bà tôi và các cậu của tôi đã truyền cho tôi. Ba năm ấy, tôi khám phá sự tàn nhẫn, nỗi sợ, lòng thù hận, cái chiều ngoằn ngoèo và dữ dội, thứ lúc nào cũng ít nhiều cân chỉnh lại với các khía cạnh tốt đẹp của cuộc đời và những từ tâm của số phận. Và nếu không có niềm khinh bỉ của thân sinh tôi đối với văn chương, có thể cược vào việc tôi sẽ không bao giờ bướng bỉnh bíu chặt tới vậy vào cái lúc đó là một trò chơi, nhưng sẽ trở nên cũng ám ảnh y như khẩn thiết: một thiên hướng. Nếu, trong những năm ấy, tôi đã không chịu đau đớn nhiều đến thế bên cạnh ông, và không cảm thấy rằng đó chính là thứ có thể làm ông thất vọng hơn cả, vào giờ này nhiều khả năng tôi không trở thành một nhà văn.
Đưa tôi vào trường quân sự Leoncio Prado, đấy là điều nhảy nhót trong đầu óc bố tôi kể từ ngày ông đưa tôi về sống với ông. Ông nói điều đó với tôi mỗi lần nào mắng tôi và tức tối với đứa bé được nuông chiều mà những người nhà Llosa đã biến tôi thành. Ông có biết trường Leoncio Prado vận hành ra sao không? Tôi cho là không, bởi nếu vậy hẳn ông đã không tự tạo cho mình ngần ấy ảo tưởng. Ý của ông cũng là ý của nhiều ông bố thuộc tầng lớp trung lưu đối với những đứa con trai thiếu nghe lời, nổi loạn, đầy mặc cảm hoặc bị nghi đồng tính của họ: một trường quân sự, với các giáo viên là những sĩ quan nhà nghề, hẳn sẽ biến chúng thành những người đàn ông bé nhỏ có kỷ luật, hăng hái, biết tôn trọng uy quyền cùng sự dữ dằn ở nơi nào cần phải vậy.
Vì vào thời đó tôi chưa hề có chút ý tưởng nào là một ngày kia mình sẽ là nhà văn, trước câu hỏi sau này sẽ làm gì tôi đều đáp: thủy thủ. Tôi thích biển và những cuốn tiểu thuyết phiêu lưu; đối với tôi hải quân dường như hội tụ được hai sở thích ấy. Vào một trường trung học quân sự, mà các học sinh được nhận cấp bậc sĩ quan dự bị, thật là một bước đệm tốt biết bao cho một kẻ mong muốn đến Trường thủy quân!
Do đó, ngay cuối năm thứ hai của tôi ở trường cấp hai, lúc bố tôi ghi tên cho tôi vào một trường trên đại lộ Lampa, ngay trung tâm Lima, để tôi chuẩn bị cho kỳ thi vào Leoncio Prado, tôi hào hứng đón nhận dự định đó. Được học nội trú, mặc quân phục, đi diễu hành vào ngày 28 tháng Bảy bên cạnh các học sinh sĩ quan bên không quân, hải quân và lục quân, sướng biết chừng nào! Và được sống xa khỏi ông, cả tuần, còn gì hơn được đây?
Cuộc thi vào gồm các bài thể chất và lý thuyết, ba hôm liền, trong vòng bao rộng lớn của trường, nằm ngay cạnh những vách đá của La Perla. Tôi được nhận và vào tháng Ba năm 1950, vài ngày trước khi tròn mười bốn tuổi, tôi tới trình diện tại trường, khá bị phấn khích bởi những gì đang đợi sẵn tôi, tự hỏi chẳng biết có quá nặng nề không khi phải chịu đựng những tháng bị nhốt lại ấy trước kỳ nghỉ phép đầu tiên. (Các "thiếu sinh quân" lớp ba được ra ngoài lần đầu tiên vào ngày lễ của trung đoàn, 7 tháng Sáu, sau khi đã hấp thụ xong phần sơ đẳng của cuộc sống nhà binh.)
Chúng tôi, "lũ chó", học sinh lớp ba thuộc khóa thứ bảy, chúng tôi có tổng cộng khoảng ba trăm người, chia thành mười một hay mười hai phân đội, dựa theo vóc dáng. Vì thuộc vào số những đứa cao nhất, tôi ở phân đội hai. (Sang tới năm lớp bốn, tôi sẽ chuyển sang phân đội một.) Ba phân đội tạo thành một đại đội, dưới quyền chỉ huy của một viên trung úy và một hạ sĩ quan. Trung úy của đại đội chúng tôi tên là Olivera; còn hạ sĩ của chúng tôi, Guardamino.
Trung úy Olivera bắt chúng tôi đứng thành hàng, dẫn chúng tôi về phòng, phân phát cho chúng tôi một cái giường và một cái tủ - đấy là những cái giường tầng và tôi được nhận cái số hai, phía trên, ngay chỗ lối vào - bắt chúng tôi đổi từ quần áo dân sự sang quân phục hằng ngày - sơ mi và quần dài bằng vải coutil màu lục, mũ bê rê cùng bốt da màu cà phê - và, lại xếp thành hàng ở dưới sân, ông dạy chúng tôi phần cơ sở về sự kính trọng, chào hỏi và thái độ cần phải có đối với thượng cấp. Rồi người ta cho tất tật các đại đội của khóa xếp hàng lại để hiệu trưởng, đại tá Marcial Romero Pardo, chào mừng chúng tôi. Tôi chắc chắn là ông nói đến "những giá trị tối cao của tinh thần", chủ đề lúc nào cũng quay trở lại trong các bài diễn văn của ông. Rồi chúng tôi được dẫn đi ăn trưa, tại cái chòi rất rộng ở phía bên kia một bãi đi dạo phủ cỏ nơi có một con lạc đà cừu thơ thẩn và nơi lần đầu tiên chúng tôi nhìn thấy bọn lớn hơn: các thiếu sinh quân lớp bốn và lớp năm. Tất tật chúng tôi tò mò và có chút sợ sệt nhìn đám lớp bốn, vì đấy là bọn sẽ giã chúng tôi. Chúng tôi, lũ chó, chúng tôi biết rõ rằng trò giã học sinh mới là một thử thách đầy cay đắng sẽ phải trải qua. Chừng nào xong xuôi các việc thường lệ, lũ lớp bốn trả thù lên chúng tôi những gì chúng từng phải chịu, vào một ngày giống hôm nay, hồi năm trước.
Ngay khi các sĩ quan và hạ sĩ quan đi khỏi, bọn lớp bốn liền lao vào chúng tôi như lũ quạ. Chúng tôi, đám "da trắng nhỏ bé", chúng tôi là một thiểu số tí xíu trong dại dương to lớn Anh điêng, lai, đen và lai đen, do đó chúng tôi kích thích trí tưởng tượng của lũ tra tấn chúng tôi. Tôi bị một nhóm thiếu sinh quân dẫn đi, cùng lúc với một thằng thuộc một phân đội nhỏ con, vào một phòng của lớp bốn. Chúng tôi phải thi trò "góc vuông". Gập người lại làm đôi, chúng tôi phải lần lượt đá đít nhau; đứa nào chậm hơn sẽ phải lĩnh những cú đá của bọn bắt nạt lên cơn cuồng nộ. Rồi phải cởi khóa quần, thò dương vật ra để thủ dâm: thằng nào xong trước thì được đi còn thằng kia sẽ ở lại trải giường cho bọn đao phủ. Nhưng dẫu có cố thử thì nỗi sợ cũng ngăn cản mọi sự cương cứng, thành thử rốt cuộc, phát mệt với sự thiếu khả năng của chúng tôi, chúng lôi chúng tôi ra sân bóng đá. Tôi bị hỏi biết chơi môn thể thao nào: "Bơi, thưa thiếu sinh quân." "Thế thì! chó, bơi ngửa hết chiều dài sân đi."
Tôi còn giữa một kỷ niệm u ám về màn giã học sinh mới đó, thứ nghi lễ man dã và phi lý trí, nó, dưới các vẻ bề ngoài của một trò chơi đầy nam tính, của một nghi thức khai trí để nhập vào những nỗi khắc nghiệt của cuộc sống nhà binh, được dùng để diễn tả, chẳng hề có chút phanh hãm nào, các ác cảm, ghen tị, thù hận và định kiến mà chúng ta mang trong mình, ở một bữa tiệc sadomacho. Ngay từ hôm đầu tiên tôi đã biết, trong vòng những giờ ấy của cuộc giã học sinh mới - còn kéo dài vào những ngày tiếp theo, theo một cách thức đã giảm nhẹ - rằng cuộc phiêu lưu tại Leoncio Prado sẽ không phải là cuộc phiêu lưu mà, do ảnh hưởng của những cuốn tiểu thuyết, tôi từng tưởng tượng ra, mà là một cái gì đó nhỏ mọn hơn, và rằng tôi sẽ ghét việc sống nội trú cùng cuộc sống nhà binh, với tôn ti có tính cách tự động của nó, được dựa trên lịch đại, bạo lực được hợp thức hóa của nó, và tất tật các nghi thức, biểu tượng, cách nói năng cùng nghi lễ cấu tạo nên nó, mà chúng tôi, hẵng còn rất trẻ - từ mười bốn tới mười sáu tuổi - chỉ hiểu được một phần và làm biến dạng đi bằng cách mang đến cho nó một nghĩa nửa hài, nửa tàn nhẫn, thậm chí gớm guốc.
Hai năm ở trường Leoncio Prado khá nặng nhọc và tôi đã trải qua ở đó những ngày khủng khiếp, nhất là các đợt cuối tuần nơi tôi bị ăn công xinh - các giờ thật bất tận, các phút thật vô biên - nhưng, với độ lùi thời gian, tôi nghĩ rằng hai năm ấy làm lợi cho tôi nhiều hơn là gây hại. Mà chẳng có chút liên quan nào với những lý do thúc đẩy bố tôi nhốt tôi vào đó. Ngược lại, từ 1950 đến 1951, sống ru rú đằng sau hàng rào sắt bị sự ẩm ướt gặm nhấm của La Perla, trong nỗi buồn của các ngày và các đêm cùng màu xám xịt của sương mù, tôi đọc và viết như chưa bao giờ trước đó từng làm, tới nỗi bắt đầu trở thành (ngay cả khi tôi còn chưa biết điều này) một nhà văn.
Ngoài ra, nhờ cái đó tôi còn khám phá ra được đất nước nơi tôi sinh ra là gì: một xã hội rất khác so với cái xã hội, nhỏ xíu, bị giới hạn lại bởi những đường biên giới của tầng lớp trung lưu, nơi tôi đã sống cho đến khi ấy. Trường Leoncio Prado thuộc vào số các thiết chế hiếm hoi - có lẽ là thiết chế duy nhất - trình hiện ở một thang bậc nhỏ sự đa dạng về chủng tộc và vùng miền của Peru. Tại đó có những thằng bé từ selva và từ sierra, từ tất tật các tỉnh, tất tật các dòng giống và tầng lớp xã hội. Vì đấy là một trường quốc gia, tiền học phải trả rất thấp; thêm nữa, có một hệ thống học bổng rộng lớn - mỗi năm khoảng một trăm cái - cho phép những đứa con trai của các gia đình nghèo khổ, có nguồn gốc nông dân hoặc từ những khu phố cùng ngôi làng bên lề, vào được. Một phần lớn bạo lực khủng khiếp ngự trị tại đó - điều đối với tôi dường khủng khiếp thì lại, đối với các thiếu sinh quân khác nhà nghèo hơn tôi, là điều kiện tự nhiên của tồn tại - phát xuất từ chính sự hỗn loạn của các dòng giống, vùng và mức kinh tế ấy. Phần lớn chúng tôi mang đến cho không gian đóng kín đó các nỗi ác cảm cùng thù hận, những định kiến và mặc cảm xã hội và chủng tộc mà chúng tôi đã bú lấy trong tuổi thơ và xuất hiện trở lại trong các mối quan hệ cá nhân và chính thức, nơi những nghi thức nhằm giải tỏa kia - giã học sinh mới hay tôn ti quân sự giữa chính các học sinh - thứ hợp thức hóa cho các lạm dụng và nỗi kinh hoàng. Thang bậc các giá trị được dựng lên xung quanh những huyền thoại sơ đẳng về nam tính và về trò macho, ngoài ra, được dùng làm tấm phủ luân lý lên triết lý Darwin vốn dĩ là triết lý của trường. Can đảm, tức là "điên", là cách thức tối cao nhằm tự khẳng định mình là đàn ông, và hèn nhát, cách hèn hạ và xấu xa nhất. Kẻ nào tố cáo với một thượng cấp những ức hiếp mà mình là nạn nhân xứng phải nhận niềm khinh bỉ chung của các thiếu sinh quân và sẽ ăn đòn trả đũa. Điều này được học rất nhanh. Một trong các bạn thuộc cùng phân đội của tôi, tên là Valderrama, trong đợt bị giã của mình, phải trèo lên một cái thang rồi bọn ở dưới rung thang nhằm làm nó bị trượt xuống. Nó ngã rất tệ hại, trúng vào chỏm một cái bồn và bị thang phạt đứt một ngón tay. Valderrama không bao giờ tố cáo lũ thủ phạm, điều này khiến nó được tất tật kính trọng.
Phẩm chất người đàn ông được khẳng định theo nhiều cách khác nhau. Khỏe và gan dạ, biết đánh đấm - "tẩn trước", lối nói tóm tắt hết sức tuyệt vời lý tưởng ấy - là một trong số chúng. Một phẩm chất khác, cả gan thách thức các quy tắc nhờ những sự táo bạo cùng sự kỳ quái, chúng, nếu bị phát hiện, sẽ khiến ta bị đuổi khỏi trường. Việc làm được những điều như thế khiến người ta nhập được hạng mục rất được thèm muốn, điên. "Điên" là một sự ban phước, bởi khi đó về mặt công khai người ta sẽ không bao giờ thuộc vào hạng mục khủng khiếp của đám "nhát chết" hay "vớ vẩn" nữa.
"Nhát chết" hay "vớ vẩn" là những gì cho thấy sự hèn nhát: không có gan để húc đầu hay đấm kẻ chơi xấu ta hoặc đánh ta, không biết đánh đấm, không có sự táo tợn, do rụt rè hoặc do thiếu trí tưởng tượng, để trèo tường trốn sau giờ cấm trại mà đi xem phim hay đi dự tiệc, cũng không dám hút thuốc lén hay chơi xúc xắc tại ki-ốt hoặc bể bơi vắng người thay vì vào lớp. Những đứa thuộc vào hạng mục này là các nạn nhân sẵn đó, bọn mà lũ "điên" hành hạ bằng lời nói và cử chỉ cho sướng thân mình và mua vui cho bọn khác, đái lên người chúng trong khi chúng đang ngủ, giật những điếu thuốc lá của chúng, làm lộn xộn giường của chúng và tất tật các dạng làm nhục. Phần lớn những chiến công ấy là các trò trẻ ranh quen thuộc của tuổi thiếu niên, nhưng những đặc trưng của ngôi trường - sự bị nhốt, cấu tạo sặc sỡ của các học sinh, triết lý nhà binh - đẩy các trò tinh quái đó đến những giới hạn của một sự tàn nhẫn cực điểm. Tôi còn nhớ một bạn học bị đặt biệt danh là Hai Đứa Con Gái Mồ Côi. Cậu ta gầy, nhợt nhạt, rất rụt rè, và vẫn ở quãng đầu năm học, thì một hôm Bolognesi khủng khiếp - cậu này thì từng là bạn cùng trường với tôi ở La Salle và, tới Leoncio Prado, thoắt trở nên rất "điên" - dùng mấy trò đùa cợt của mình để hành hạ, và cậu ta khóc. Ngay lúc đó cậu ta trở thành chỗ trút đau thương cho đại đội, mà bất cứ đứa nào cũng có thể sỉ vả hay làm nhục để chứng tỏ cho thế giới và cho bản thân mình là ta nhiều nam tính đến thế nào. Hai Đứa Con Gái Mồ Côi trở nên lãnh đạm, không chút phấn khởi nào, câm lặng, gần như không sống, tới nỗi một hôm phải lĩnh vào mặt cú nhổ nước bọt của một thằng điên, chỉ lấy khăn mùi soa lau rồi đi tiếp. Về cậu ta người ta bảo, cũng như về tất tật đám "nhát chết", là cậu ta đã "mất tinh thần".
Để không mất tinh thần, hay mất mặt, cần phải làm những điều táo bạo, có khả năng kiếm về cho mình sự thân thiện cùng lòng tôn trọng của bọn khác. Đấy là điều tôi đã làm ngay từ đầu, kể từ cuộc thi thủ dâm - phải phọt được đầu tiên và xa hơn cả - cho đến các bỏ trốn lừng danh vào ban đêm, sau giờ cấm túc. Trèo tường là sự táo bạo cực điểm, bởi nếu bị bắt quả tang thì sẽ bị tống khứ ngay lập tức khỏi trường. Có những nơi tường thấp hơn và người ta có thể trèo qua mà không mắc phải nguy cơ nào: qua ngả sân vận động, qua ngả La Perlita - một cái quán bán rượu mà ông chủ, một tay từ sierra, bán thuốc lá cho chúng tôi - và qua khu nhà bỏ không. Trước khi vọt cần phải nhất trí được với đội gác phòng để được tuyên bố là có mặt. Chuyện này phải trả bằng những điếu thuốc lá. Sau tiếng kèn và sau khi đèn tắt, trườn đi, ép sát người vào tường như một cái bóng, cần phải băng ngang mấy cái sân cùng bãi cỏ, bò bốn chân hoặc trườn, cho tới bức tường đã chọn. Sau khi trèo, thì chạy đi xa khỏi theo các cánh đồng cùng khu đất hoang hồi đó vây quanh trường. Chúng tôi leo tường để đến rạp Bellavista, đến một trong những gian phòng của El Callao, đến vũ hội bình dân nào đó, tại những khu phố của tầng lớp trung lưu cấp thấp, của những gia đình đã nghèo đi xưa kia từng là bourgeois và đã gần như trở thành vô sản, nơi việc là học sinh của trường Leoncio Prado mang tới cho ta một thanh thế nhất định (ngược lại, sẽ không như vậy ở San Isidro hay ở Miraflores, nơi người ta coi nó là một cái trường cho đám cholo); đôi khi chúng tôi cũng ra, dẫu vậy thì hiếm hơn do quá xa, để đi lảng vảng quanh những nhà thổ của bến cảng. Nhưng thường xuyên hơn cả chúng tôi leo tường vì việc này nhiều nguy cơ và gây xúc động, và vì cảm thấy thật tuyệt, vào lúc quay về, khi không bị tóm.
Đấy là chuyện hết sức nguy hiểm. Chúng tôi có thể gặp trúng các tay lính đi tuần quanh trường, hoặc nhận ra, vào lúc đã leo tường, rằng viên sĩ quan phụ trách tuần đã phát hiện được là có bọn leo tường - do những viên gạch hay phiến gỗ mà chúng tôi kê lên để trèo - và đợi sẵn, nép mình trong bóng tối, cuộc trở về của lũ trốn nhằm chĩa cái đèn của mình và ra lệnh: "Dừng lại, thiếu sinh quân!" Trong chuyến quay về, tim đập rất mạnh và bất kỳ tiếng động nhỏ nhất nào hay bất kỳ cái bóng nào, cho đến khoảnh khắc đã chui tọt được vào trong phòng, cũng đều làm ta dựng tóc gáy.
Leo tường đảm bảo một thanh thế lớn và những cú táo bạo hơn cả được bình luận và được hưởng một vầng hào quang truyền thuyết. Có những kẻ bỏ trốn lừng danh, thuộc lòng hàng trăm mét những bức tường của trường, và trốn đi cùng chúng thì thật tiện lợi.
Một hoạt động quan trọng khác là ăn cắp quần áo. Mỗi tuần chúng tôi có một cuộc kiểm tra kỹ lưỡng, thông thường vào thứ Sáu, hôm trước ngày được ra ngoài, và nếu sĩ quan tìm được trong một cái tủ những điếu thuốc lá, hay nhận ra là bị thiếu mất một thứ gì đó thuộc nội quy - cà vạt, áo sơ mi, quần, mũ bê rê, bốt hoặc cái áo va rơi to bằng dạ mà chúng tôi mặc vào mùa đông - thì thiếu sinh quân sẽ ăn công xinh kỳ cuối tuần. Mất đi một món đồ thuộc trang phục là mất tự do. Nếu bị ăn cắp một món, thì ta phải ăn cắp một món khác hoặc trả tiền cho một trong đám "điên" để chúng làm việc này thay cho. Có các chuyên gia trong lĩnh vực ấy, với đống chìa khóa vạn năng trong túi, có thể mở được mọi cái tủ.
Một cách khác cho thấy mình là đàn ông, một người đàn ông chân chính, ấy là phải tỏ ra rất chì, tự tán dương mình là một "dương vật cứng" từng xử lý cả loạt phụ nữ và ngoài ra lại còn có thể "bắn ba phát liền". Sex là một chủ đề nhiều ám ảnh, một đối tượng cho các đùa cợt và những trò thô thiển, các tâm sự cùng những giấc mơ hay ác mộng của đám thiếu sinh quân. Tại Leoncio Prado, đối với tôi dương vật và tình dục đánh mất đi khía cạnh đáng tởm, gớm ghiếc kia, mà chúng từng có từ cái ngày tôi biết làm thế nào mà bọn trẻ con sơ sinh chào đời được; chính ở đó tôi bắt đầu nghĩ đến phụ nữ và tự huyễn mà chẳng hề cảm thấy bối rối hay tội lỗi; cảm thấy xấu hổ vì mình đã mười bốn tuổi rồi mà còn chưa làm tình bao giờ. Điều này thì chắc chắn tôi không nói với các bạn, trong mắt chúng tôi cũng được coi là một dương vật cứng.
Một thằng bạn cùng trường, Víctor Flores, với nó tôi có thói quen vào thứ Bảy, sau các ma nớp, đấm bốc một lúc gần bể bơi, một hôm thú nhận với tôi là còn chưa bao giờ ngủ với phụ nữ, và tôi cũng thú nhận với nó cùng một điều. Do đó chúng tôi quyết định là sẽ tới, vào hôm đầu tiên được ra ngoài, Huatica. Và đấy là việc mà chúng tôi làm, vào một thứ Bảy tháng Sáu hoặc tháng Bảy năm 1950.
Huỳnh Bất Thức dịch
Mario Vargas Llosa
Cá gặp nước
Chương I
Chương III
Chương V
Mario Vargas Llosa về Elias Canetti
diary & correspondence
Sau một mùa hè
Sức mạnh của sự vắng
Vui
Paul Celan và Ingeborg Bachmann
Dostoievski: Nhật ký
Nhịp
Quy Nhơn
Lukács về Kierkegaard
Annie Ernaux: Bị chiếm
Nhật ký tình đầu
Thư và nhật ký chiến tranh