favorites
Shopping Cart
Search
Vitanova
Prev
Xuân 2025
Next

Gil-Blas: ba chương

27/04/2025 09:13

Đã thế kỷ 18 (kỳ mới nhất ở kia) thì cũng cần quay lại với LesageGil-Blas. Jonathan Swift,
LesageLaurence Sterne: đó là những người viết ra những câu chuyện đọc rất buồn cười, những "mua vui cũng được một vài trống canh" đúng nghĩa. Trong Tiểu thuyết lịch sử,
Lukács đặt Gil-Blas của Lesage vào truyền thống picaresque mà một trong những khởi phát tinh thần là Cervantes: con người của thế kỷ 16, bắc từ thế giới hiệp sĩ vào hiện đại. Hai thế kỷ sau, Sterne vẫn vẽ cặp anh em trong Tristram Shandy dựa trên cặp thầy trò Đông Ki Sốt.

Nhưng Cervantes không chỉ có Đông Ki Sốt. Thứ đầu tiên làm nên danh tiếng của Cervantes là các “Novelas Ejemplares”: tuy gọi là truyện mẫu mực nhưng rất buồn cười. Tận bây giờ, cách năm thế kỷ, vẫn có thể đọc chúng mà cười ha hả. 

Về tinh thần, Gil-Blas rất gần gũi với những truyện ấy. Một chàng trai lên đường phiêu lưu, nhưng chuyện chẳng có gì chung với, chẳng hạn, Tê-lê-mặc. Chàng ta không phải là một hoàng tử có thần Minerva chỉ lối, không có thù phải báo hay quê hương lạc mất phải tìm về. Chàng chỉ là một tay khôn ngoan cũng lắm mà dại dột càng nhiều, ỷ trí mình có thể lừa người mà vừa ra đường đã bị người lừa trắng bụng. Cứ thế, theo từng bước ngất ngưởng của Gil-Blas, cả một thế giới muôn vàn ngóc ngách hiện ra. Đó là thế giới bắt đầu cuộc đảo ngược, với sự thành hình của một kiểu người mới hẳn, mà Lesage nắm bắt với tiếng cười nhiều cay đắng trong Tục-ca-lệ (chuyện đã nói ở kia).

Dưới đây là ba chương Gil-Blas, Nguyễn Văn Vĩnh dịch. 

 

Lời Gil-Blas nói với người đọc truyện

Hỡi người coi sách, trước khi tôi nói cho anh nghe các nông-nỗi lạ-lùng của tôi, thì tôi hãy xin kể cho anh một truyện cổ-tích này.

Ngày xưa có hai người học-trò cùng đi đường với nhau, từ Bi-na-phiên sang Xa-la-măng. Đương đi nghe trong mình thấy nhọc và khát nước, lại gặp một suối nước trong ở dọc đường, thì đứng lại nghỉ chân. Uống nước xong, ngồi nghỉ, tình-cờ nom thấy ở bên mình có tảng đá sờ-sờ mặt đất. Trên tảng đá có khắc mấy chữ đã nhòa, phần thì tại ngày qua tháng lại đã lâu, phần thì tại trâu bò trẻ dắt đến uống nước nó giẫm đi giẫm lại mãi, cho nên khó đọc. Hai anh em bèn lấy nước mà dội lên để rửa viên đá đi thì đọc được mấy chữ này:

“Có vong-hồn cử-nhân Bi-è Gác-sát đựng ở trong mộ này”.

Người học-trò trẻ tuổi nhứt, tính vừa nóng, nết lại vừa dại, đọc xong mấy chữ ấy thì cười ồ lên mà nói rằng: Đứa nào đề mới láo sao! Vong-hồn lại có vong-hồn đựng được. - Không biết cái thằng nào kỳ-khôi mà lại đề mấy chữ dốt nên cười này. Nói đoạn vùng đứng dậy đi.

Người học-trò kia thì tính trầm-tĩnh, mới nghĩ trong bụng rằng:

- Chắc hẳn có nghĩa bí-hiểm chi đây, ta nên ở lại mà cứu cho tường ra việc này.

Bèn để cho bạn đi trước, rồi lập tức lấy dao đào đất xung quanh tảng đá. Đào mãi sau nhấc được tảng đá lên, thì thấy ở dưới có một cái túi bằng da, vội-vàng mở ra xem, trong túi có một trăm đồng tiền vàng với một cái thiếp, có câu sau này viết bằng chữ La-tinh:

“Anh là người có trí, đã hiểu được nghĩa mấy chữ ta đề, vậy ta để của này cho anh, anh cố dùng tiền của ta một cách khéo hơn ta”[1].

Người học-trò mầng lắm, lại để lại tảng đá nguyên như trước, rồi đi sang Xa-la-măng, trong mình thêm được cái vong-hồn ông cử-nhân.

Vậy thì bác xem sách ơi, dầu bác là ai mặc lòng, bác xem truyện tôi, thì một là bác như người học-trò trẻ dại vội-vàng, hai là bác như người học-trò khôn-ngoan trầm-tĩnh. Nếu bác nghe truyện tôi mà chẳng có ý nghĩ đến nghĩa-lý sâu-xa, thì truyện tôi không có ích gì cho bác. Bằng bác xem có ý-tứ, thì chắc sẽ được vừa vui lại vừa ích-lợi.

Salamanque, là một tỉnh văn-vật nhứt ở nước Y-pha-nho.

 

 

QUYỂN THỨ NHỨT

HỒI THỨ NHỨT
Gil-Blas con-cái nhà ai, giáo-dục thế nào?

Blas là cha tôi, đeo gươm phò chúa Y-pha-nho được lâu năm rồi về dưỡng-lão tại quê nhà. Lấy mẹ tôi là người nhà thường, bấy giờ cũng đã đứng tuổi, được mười tháng thì đẻ tôi ra. Rồi sau cha mẹ tôi đến ở thành Oviédo (Ô-vi-ê-đô), phải kiếm việc làm ăn; mẹ tôi thì làm môn-hạ một vị phu-nhân, còn cha tôi thì sung-chức giữ-ngựa cho nhà quan. Cha mẹ chỉ trông vào lương tháng mà ăn, cũng may cho tôi lại có một ông cậu tên là Gil Perez (Gin Bê-lê-dư), làm cố-đạo ở thành phố ấy, chứ không thì hẳn việc ăn học cũng chẳng được như thế này. Cậu tôi là anh cả mẹ tôi, lại đỡ đầu cho tôi. Người thấp bé mà béo đẫy, cổ thì ngắn chùn-chùn, đầu như cắm tụt vào giữa hai vai. Đó là tướng-mạo cậu tôi. Vả là người tu-hành, thì chỉ cốt việc ăn ở cho phải đạo, nghĩa là ăn miếng ngon. Nhờ ơn Trời, lợi-lộc cũng đủ mà xài.

Tôi còn nhỏ, cậu tôi đã đem về nuôi, cho ăn dạy-dỗ. Thấy cháu ý-tứ cũng sáng, quyết gây-dựng cho thành người khôn. Cậu mới mua một quyển sách a-b-c mà tự dạy cháu học.

Như thế thì lợi cho cháu mà cũng lại ích cho cậu, vì nhân có dạy cháu học chữ thì cậu mới lại tập đọc, kẻo xưa nay cái đường văn-chương cậu tôi vẫn biếng. Cậu tốn công dạy tôi mãi, sau cậu tôi cũng đọc được xuôi xuôi quyển kinh, tự lai không thông-minh được như thế bao giờ. Cậu cũng muốn dạy được cháu học cả tiếng La-tinh nữa, thì lợi được nhiều, đỡ tốn tiền đi thuê kẻ khác làm văn, nhưng chẳng may cho ông cố Gil Perez, từ thuở bé chưa từng biết đến mẹo La-tinh bao giờ, có dễ (tôi không dám quyết hẳn) trong cả nhà-chung có cậu tôi là một ông-cố dốt nhứt. Bởi thế tôi có nghe thấy người ta nói rằng: Cậu tôi lên được chức cố, không phải nhờ có thông-hiểu kinh-kệ sấm ước, nguyên là tại cậu tôi khéo kín-đáo mà làm mai-mối cho mấy bà mụ, có quyền-thế to, nên các bà nhớ ơn mà lo cho được thụ chức chẳng phải đi thi.

Bởi làm vậy cho nên cậu phải tìm thầy dạy cháu, cho cháu đến học thầy Godinez (Gô-đi-nê) là người có tiếng giảng sách thông thái nhứt trong thành Oviédo. Tôi nhờ ơn thầy khéo dạy, cho nên được năm sáu năm thì đã hơi biết lõm-bõm các sách Hi-lạp, và đã thông kha-khá các thơ La-tinh. Tôi lại hay chuyên học khoa-lý, cho nên biết tán nhiều. Tôi thích nghị-luận lý-sự, đến nỗi nắm người qua đường lại, dù quen, dù lạ mặc lòng, để mà thách đố. Nhiều khi trúng phải những tay nghị-luận người xứ Irlande (Y-lăng), họ thích cãi lý lắm, thì thực là nên xem chúng tôi cãi lý với nhau. Chân tay chỉ-trỏ, mặt mũi nhó-nhăn, mình-mẩy uốn-éo rất là buồn cười. Nghị-luận đến nỗi đỏ mặt tía tai, mép mồm sầu bọt, chắc hẳn thiên-hạ nom thấy vậy thì cho chúng tôi là một lũ ma-làm chứ không phải mấy nhà triết-học.

Thế mà trong thành-phố thì tôi cũng được tiếng là người thông-thái. Cậu tôi thấy vậy cũng thích, vì nghĩ rằng hẳn thế thì không mấy chốc cháu không phải ăn báo cậu nữa.

Một hôm, cậu tôi mới bảo rằng: Cháu ơi! cháu bây giờ cũng đã ra người lớn rồi. Cháu năm nay 17 tuổi mà đã thành con người khôn-khéo, nên phải lo lấy kế lập thân. Cậu nghĩ nên cho cháu ra tập ở Cao-đẳng học-đường thành Salamanque (Xa-la-măng). Tài trí cháu như vậy thì chắc rằng thế nào cháu cũng kiếm được phận hay. Thôi đây cậu cho cháu vài đồng tiền-vàng để ăn đường, với lại con la này cũng đáng mươi, mười hai bích-tôn (tiền Y-pha-nho); Cháu đến Xa-la-măng thì cháu bán nó đi lấy tiền mà nương thân từ nay cho đến ngày nên danh-phận.

Cậu tôi bàn như thế thì trần đời tôi nghĩ không được điều gì sướng hơn nữa. Tôi đương ao-ước được đi cho biết đó biết đây. Mầng thì mầng, nhưng tôi cũng cố gan mà không để lộ cái mầng ra mặt. Khi lên đường đi, thì tôi chỉ ra mặt buồn-rầu vì phải xa-cách một ông cậu thuơng cháu làm vậy mà thôi, tôi giả-dạng ra thế thì cậu tôi lấy làm động lòng, cho vô số tiền. Giả-sử dòm được vào ruột cháu thì chắc hẳn không rộng-rãi như vậy. Trước khi đi, tôi có tạt lại từ-biệt cha tôi với mẹ tôi, thôi thì ân-cần dặn bảo biết bao nhiêu điều phải lẽ hay:

- Luôn luôn cầu Chúa cho cậu mày, nhé con nhé! Ăn-ở cho thảo ngay, con nhé! Việc gì xấu không nên nhúng tay vào, con nhé! Việc gì cũng phải ở cho thực-thà, chớ tham-lam của người, nhé con nhé!

Cha mẹ tôi dặn-dò hồi lâu rồi, ban cho tôi phép chúc[2], Vả tôi cũng chỉ dám mong của cha mẹ tôi được ân ấy mà thôi[3], Đoạn rồi tôi lên mình lừa mà đi ra khỏi thành Oviédo.

 

HỒI THỨ II

Cha chả là sướng! thế là ra khỏi thành-phố nhà rồi. Thênh-thang ở giữa đường cái đi Pégnaflor (Bê-nha-pho), hai bên đồng không mông-quạnh, tự chủ việc cử-động chân tay, lại có một con la tồi với 40 đồng tiền vàng, lại có lẻ được mấy xu-nhỏ thó được của cậu nữa. Cách cử-động thứ nhứt của tôi là thả cương cho mặc sức con la nó chạy, nghĩa là cũng không được nhanh lắm. Dây cương thả xuống cổ la, còn hai tay thì móc túi lấy tiền vàng ra đếm, đếm đi đếm lại, bỏ lẻng-xẻng vào cái mũ. Cổ-lai tôi chưa được thấy bấy nhiêu của bao giờ, cho nên nhìn không chán mắt, đếm chẳng mỏi tay. Bấy giờ dễ tôi đếm đi đếm lại được đến hai mươi lần rồi, tự dưng thấy con la cất đầu lắng tai, đứng sững lại giữa đường. Bụng tôi mới nghĩ rằng tất nó sợ-hãi cái gì đây: tôi mới nhìn ra xem thì thấy ở dưới đất có một cái mũ ngả ra, trong có một xâu tràng-hạt những hạt to-tướng, rồi nghe thấy tiếng rền-rĩ thảm-thiết kêu rằng: Lạy ông đi qua đường! thương lấy thằng què khổ-sở, đi lính trở về, gẫy chân đói-khát, ông cho thằng què, vứt vài xu nhỏ vào trong mũ này, trời sẽ đền ơn cho ông về sau. Tôi nhìn vào xem ai kêu làm vậy, thì thấy ở trong bụi rậm, cách tôi chừng vài ba mươi bước, có một người hình như người lính, tay cầm khẩu súng cũ, dài tầy ngọn giáo, kê lên hai cái cọc cắm chéo nhau, mà chõ vào tôi. Tôi thấy vậy thì run lên cầm-cập, mà lo cho tiền của nhà-chung. Tôi mới đứng sững lại; vội vàng giấu tiền vàng đi, chỉ lấy ra hai đồng xu nhỏ rồi đến gần cái mũ ngả ra để lấy tiền làm phúc của có đạo sợ-hãi ấy, tôi bỏ vào mũ rành-rọt hai lần cho tên lính ấy biết rằng tôi cho rộng.

Tên lính thấy vậy được như-ý, và cám ơn chúc mầng tôi một thôi, thì cứ mỗi câu chúc của nó, gót giầy tôi lại thúc vào sườn con la một cái, để giục nó đi cho rảo bước. Chẳng may la thổ-tả, thúc lắm mỏi chân, nó cũng chẳng đi nhanh thêm được chút nào. Vốn là xưa nay nó quen mang cậu tôi đi bước một mãi, cho nên quên mất nước-đại rồi.

Tôi lấy việc ấy làm một cái điềm chẳng hay lắm cho việc đi đường của tôi. Bụng mới nghĩ rằng: mình đi còn xơi mới đến Salamanque, có lẽ còn gặp việc chẳng ra gì nữa. Lại trách cậu tôi sao mà bất-cẩn, chẳng giao cháu cho một anh lái-la nào. Đáng lẽ cậu làm như thế thì phải, nhưng ý hẳn lại nghĩ rằng: cho con la mà cưỡi, thì đi nó đỡ tốn-kém hơn. Thế ra cậu tôi suy-hơn quản-thiệt đồng tiền, hơn là cái tính-mệnh của cháu ở dọc đường. Bởi vậy tôi định sửa lại cái lỗi của cậu tôi. Nếu trời thuơng mà đến được Pégnaflor thì tôi định bán phăng con la đi, để theo anh lái-la nào sang Astorga (Át-tô-ga), rồi từ Astorga cũng cứ đi xe la mà đi cho tới Salamanque. Tuy rằng từ thuở bé tôi chưa hề ra khỏi Oviédo bao giờ, song trước khi đi thì tôi đã học cho nhớ lấy tên các nơi phải đi qua.

Tôi đến Pégnaflor được mọi sự bình-yên. Tới trước cửa một nhà-trọ, nom hình-dạng cũng kha khá, thì tôi đứng lại. Tôi chưa kịp xuống đất thì chủ-quán ra tiếp tôi một cách rất lịch-sự. Tay cởi lấy cái va-lít của tôi vác lên vai rồi đưa tôi vào một cái phòng. Trong khi ấy thì một tên đứa-ở dắt la tôi vào chuồng.

Tên chủ-quán ấy tôi tưởng là người liến-thoắng nhứt ở xứ Asturies (Át-tu-ri), tự-dưng y đem chuyện riêng y ra kể cho người ta nghe nhanh-nhẩu bao nhiêu, thì y cũng mải nghe chuyện người bấy nhiêu. Tên ấy mới kể cho tôi biết rằng tên y là André Corcuélo (Ang-đơ-rê Cô-qui-ê-lô); rằng nguyên xưa đã đeo gươm phò-chúa, lên được đến chức suất-đội; rằng thôi việc quan đã được 15 tháng, để lấy một người con gái xứ Castropol (Cát-tô-bôn). Rằng mụ đó tuy da hơi ram-rám, nhưng có mụ thì cũng nổi cái cửa hàng lên một chút. Y lại còn kể cho tôi nghe không biết bao nhiêu là chuyện, toàn là những chuyện tôi nhịn nghe được cả. Tên ấy trần-tình với tôi như thế rồi, thì tưởng như là y có quyền hỏi tôi điều gì tôi cũng phải nói. Y mới hỏi tôi ở đâu mà đến, tôi đi đâu, tôi là ai. Tôi thế chẳng đừng được, phải đáp đủ ngần ấy câu, vì mỗi câu hỏi y lại gật đầu từ-tốn, xin lỗi một cách rất lễ-phép. Thành ra tôi nói chuyện lâu với y, nói hết điều nọ sang điều kia, rồi nói đến bụng định bán con la, tại cớ gì mà muốn bán đi, để đi theo với lái-la. Điều ấy tên chủ-quán chịu là phải, mà y chịu một cách dài-dòng văn-tự sao! vì nhân một điều ấy, y kể cho tôi nghe hết những nỗi dọc đường; nói bao nhiêu những chuyện hành-khách nguy-hiểm, nghĩ đến mà kinh. Tôi đã lo chẳng biết bao giờ y mới nói xong. Thế mà rồi y cũng tổng-kết mà nói rằng, nếu tôi muốn bán la thì y quen một anh lái tử-tế lắm. Tôi mới bảo giả-sử y cho đi gọi được người lái ấy đến thì hay. Y lập tức thân-hành đi.

Được một lát thì y về, đem đến trình diện cho tôi một người, khen tấm-tắc là người thực-thà. Cả ba người cùng ra sân, rồi sai người dắt con la ra, dắt đi qua đi lại cho người lái coi, ngắm-nghía từ chân lên đến đầu. Rồi chê lấy chê để. Tôi xin thú-nhận rằng con la của tôi thì cũng không thể khen được lắm.

Nhưng giá có phải là la của Đức Giáo-hoàng, thì nó cũng chê được. Tên lái quyết rằng bao nhiêu tật, la tôi có cả, chẳng tin cứ hỏi ông chủ-quán. Chủ-quán tất cũng có lẽ nên cho lời lái là phải, cho nên cũng chịu rằng con la tôi xấu đủ mọi đường. Sau cùng tên lái mới lạt-lẽo mà hỏi rằng:

- Thế con la tồi này thì ông định bán bao nhiêu?

La tôi thì đã thấy y chê như thế, và ông Cô-qui-ê-lô tôi vẫn tin là người thực-thà sành-sỏi, cũng chê, thì giả-sử y muốn lấy không, tôi cũng bằng lòng. Bởi vậy tôi mới nói rằng tùy ở bụng chân-thật bác lái, cứ phải mà đánh giá, bao nhiêu tôi cũng bán.

Tên lái, thấy tôi nói thế, thì làm ra bộ người quân-tử đây, mà trách rằng rõ tôi khéo nói chính-mom, làm cho y phải vì-nể. Nể là trả cho ba ducats. Tôi cũng bằng lòng mà cầm lấy như người mới bán đồ được tiền.

Chủ-quán giúp tôi bán xong được con la lợi như vậy rồi, mới dẫn tôi đến nhà một người lái-la sáng hôm sau có chuyến la đi Astorga. Người lái ấy nói rằng sớm mai đi từ tang-tảng sáng, lại hứa sẽ đến đánh thức tôi. Mà-cả giá la và tiền ăn-đường đâu đấy rồi, tôi lại cùng với ông Cô-qui-ê-lô về nhà trọ. Đi đường chủ-trọ lại kể cho tôi biết hết các chuyện người ta nói ở trong thành-phố về anh lái-la ấy. Tôi nghe chuyện đã thấy mỏi tai, may đâu có một người tráng-kiện đến từ-tốn lễ-phép vô cùng mà hỏi y. Tôi để hai người với nhau, rồi tôi lủi-thủi đi trước, không ngờ đâu họ có nói chuyện chi đến mình.

Thoạt về tới quán thì tôi bảo dọn cơm ra ăn. Hôm ấy là ngày ăn-chay, nhà hàng cho tôi ăn trứng[4]. Trong khi làm trứng ở dưới bếp, thì tôi được tiếp chuyện với bà chủ-quán, bấy giờ tôi mới gặp mặt là một. Người nom cũng xinh; đi đứng thật nhanh-nhẩu, giá chồng chị ta không nói trước mất rồi, thì tôi cũng đoán rằng hàng y phải đông khách. Khi trứng tráng xong, thì tôi ngồi ra một mình một cái bàn mà ăn. Chưa ăn được miếng nào, thì chủ-quán về đến nhà, dắt cả người lịch-sự khi nãy về nữa. Người ấy trạc độ ba-mươi tuổi, đeo một thanh gươm trường. Sốt-sắn lại gần tôi mà hỏi rằng:

- Thưa ngài, tôi vừa mới được biết ngài là Gil-Blas de Santillane (Gin Ba-la đơ Xăng-ti-dan), là một ngôi sao sáng của thành Oviédo, là một ngọn đuốc của nhà triết-học. Ai dám ngờ bậc thượng-đẳng danh-sĩ ấy chính là đây, ai dám tưởng đây chính là người hay chữ tiếng-tăm lừng-lẫy ở đất này!

Nói với tôi như thế rồi lại gọi hai vợ chồng chủ-quán mà bảo rằng:

- Anh chị có quí-nhân trong nhà đó. Ông thế-gia đây chính là việc lạ thứ tám[5]  trong thế-giới đó.

Nói đoạn quay lại tôi, quàng hai tay lên cổ mà nói rằng:

- Xin ngài tha lỗi cho thế này là không phải, nhưng mà tôi nghe tiếng lớn của ngài đã lâu, mà nay được gặp mặt đây, thì mầng này giữ sao trong lòng cho được. Xin phép ngài cho như thế, để nó hả lòng hâm-mộ.

Anh ta ôm lấy tôi chặt quá, thở chẳng được, cho nên tôi không đáp ngay được. Khi tôi thoát được cái cùm quí-báu ấy rồi tôi đáp lại rằng:

- Thưa ngài, tôi không ngờ rằng ở Pégnaflor có người biết đến tên tôi.

Anh ta lại cứ làm bộ hớn-hở như thế mà nói rằng:

- Thế nào lại chẳng biết. Phàm xung-quanh miền này 20 dặm, có ai là người danh-tiếng, ở đây có sổ ghi tên, chứ! Đây ai cũng cho ông là một bậc kỳ-tài. Tôi quyết hẳn một ngày kia, nước Y-pha-nho sẽ khoe-khoang kiêu-ngạo với thiên-hạ vì đã sinh ra ông, cũng như là Hi-lạp ngày xưa vẻ-vang vì có mấy bậc đại-hiền đẻ ra trong đất mình.

Vừa nói xong lại ôm lấy tôi hôn lấy hôn để lần nữa. Tôi tưởng chết ngạt, cũng phải gắng mà chịu.

Ví thử tôi có khôn-ngoan lịch-duyệt một chút, thì đâu đến nỗi bị lừa những cách hàng-chợ và những lời nịnh ấy; thì nghe thấy những câu nịnh quá ấy tất đã biết ngay rằng đó là một đồ đi ăn kẹ, nơi thành-thị nào cũng có, động có người lạ đâu đến, thì luồn-lỏi mà đến gần để ăn cho thích khẩu rồi để người ta trả tiền. Chẳng may khi ấy tôi vừa trẻ tuổi lại vừa hợm, cho nên không biết gì cả, thấy nó khen nó nịnh, thì cho nó là một người hay mà mời ngay nó ăn cơm với mình. Vừa mở mồm mời thì thằng ấy nó nhanh miệng mà đáp rằng:

- Dạ, xin vâng. Cái Phúc-tinh của tôi nó làm cho tôi gặp ông danh-sĩ Gil-Blas de Santillane ở đây, thì tôi mầng là dường nào! Vậy thì tôi đâu lại chẳng muốn được ngồi hưởng cái dung-nhan ngài cho lâu. Tôi thì không đói, song tôi cũng xin ngồi hầu ngài cho vui, và cũng cố ăn một vài miếng để lấy lòng ngài mà thôi.

Nói thế rồi kéo ghế ngồi ngay trước mặt tôi. Nhà-hàng mới đem thêm đĩa ra. Trước hết anh ta vồ lấy đĩa trứng tráng, ăn vội-vàng như kẻ đã nhịn cơm ba ngày rồi. Thấy mặt mũi tỉnh-tao, cố gắng lấy lòng tôi như thế, thì tôi biết rằng anh ta ăn phải hết cả đĩa. Tôi mới bảo nhà-hàng tráng một đĩa nữa. Đâu mà làm chóng thế! đĩa trứng trước vừa thoạt ăn xong, thì đĩa sau đã ra. Thế mà anh ta lại ăn, vẫn nhanh-nhẩu như đĩa trước, mà sao khéo quá; răng anh ta chẳng phải nghỉ chút nào mà miệng anh ta vẫn cứ khen lấy khen để tôi được mãi. Tôi nghe thấy anh ta khen mãi như thế thì tôi lấy làm thích chí cái thân-danh nhỏ tuổi tôi quá. Anh ta vừa ăn, vừa uống, lúc thì uống cốc rượu chúc cho tôi mạnh khỏe, lúc thì chúc cho ông đẻ tôi, bà đẻ tôi, mầng tấm-tắc cho hai cụ có đại hồng-phúc sinh ra được quí-tử như tôi.

Vừa rót rượu vào cốc tôi, anh ta lại vừa hùn cho tôi phải uống. Tôi đối-đáp kể cũng khá, cốc tạc cốc thù mãi, thêm vào những điều tưng-phỉnh của anh ta, thì dần dần làm cho tôi được vui mặt vô cùng. Khi tôi thấy đĩa trứng thứ hai cũng hết đến nửa rồi, tôi lại hỏi nhà hàng có cá không. Tên chủ-quán, ý hẳn đồng-tình với thằng ăn kẹ ấy, mới thưa rằng:

- Có con cá thoan ngon lắm, nhưng mà ai ăn thì mất nhiều tiền. Tôi e miếng ấy khí ngon quá cho ông.

Người khách của tôi nghe nói vậy, liền quắc mắt nhìn tên chủ-quán, mà mắng rằng: Thế nào là ngon quá? Anh này sao mà vô ý! Anh há lại không biết rằng ông Gil-Blas de Santillane đây là một bậc phải đãi như đãi ông Hoàng mới đáng.

Tôi thấy anh ta mắng tên chủ-quán như vậy thì tôi lấy làm thích-chí, vả giá anh ta không mắng thì tôi cũng định mắng nó rồi. Nó nói thế chẳng hóa ra bỉ tôi lắm sao? Tôi mới lên giọng kiêu-hãnh mà bảo nó rằng:

- Anh cứ đem cá thoan anh ra đây, còn gì nữa anh chẳng phải lo chi đến.

Tên chủ-quán vốn chỉ cốt thế, liền làm cá mà đem ra. Người khách của tôi nom thấy món đồ ăn mới ấy thì mắt sáng như gương, rồi anh ta lại lấy lòng tôi nhanh-nhẩu cũng bằng lấy lòng hai đĩa trứng trước. Nhưng cũng chịu không ăn hết được, sợ bội-thực, vì bấy giờ coi chừng đã no đến cổ rồi.

Khi ăn no uống say rồi, tên ấy muốn hát nốt hồi sau cùng cái vở kịch ấy, bèn đứng dậy mà bảo tôi rằng:

- Thưa ông Gil-Blas de Santillane, ông cho tôi ăn một bữa ngon như thế thì tôi bằng lòng quá, vậy trước khi từ-giã ông tôi muốn dâng ông một lời khuyên, tưởng ông đương cần phải nghe. Từ rầy trở đi, ông chớ nên nghe những lời khen-ngợi, khi ông gặp những kẻ ông không quen thì ông nên nghi mà giữ mình. Có lẽ rồi ông còn gặp những đứa như tôi, nó thấy ông thực-thà mà xỏ ông chăng, có khi nó lại xỏ tệ nữa, thì ông chớ mắc lận mà nghe lời nó nịnh, tưởng mình là việc lạ thứ tám trong thế-giới.

Nói đoạn, tên ấy cười phì vào mặt tôi rồi đi mất.

Cái việc bẽ-bàng ấy thấm vào lòng tôi cũng bằng những nông nỗi chật-vật về sau. Tôi bị lừa như vậy lấy làm tức-tối không thể khuây được. Nói cho phải thì tức chẳng phải là tức mình dại, thực là tức cái sĩ-diện mình bị nó bỉ-báng. Bực mình quá, tôi mới phàn-nàn một mình rằng:

- Ờ! thế ra nó xỏ mình? thế khi nãy nó nói với thằng chủ-quán là để hỏi dò chuyện mình. Mà thực thì ra hai thằng này đồng-tình với nhau. Cha! Chả! thuơng hại thay Gil-Blas! nên xấu-hổ chết đi, con ạ! thực đã để cho mấy thằng xỏ-lá nó cười cho, mà nó cười cho là phải. Chắc rằng việc này rồi chúng nó sẽ đặt thành một câu chuyện hay mà kể với nhau, có lẽ chuyện đồ sang đến Oviédo thì thực là đẹp mặt. Gil-Blas ơi! là Gil-Blas ơi! khi rứa cha ta mẹ ta mới hối lại cái lỗi con ngu mà lại cứ khen quá. Rõ hại cho ta là cha mẹ ta, giả-sử đừng dặn con chớ có lường-gạt ai, mà dạy con chớ có để cho ai lường-gạt, thì đâu đến nỗi thế này.

Trong lòng tôi khắc-khoải vì những điều nghĩ ấy, tức-giận thâm ruột tím gan, tôi mới vào phòng đóng cửa lại. Lên giường nằm mà không sao ngủ được. Còn đương băn-khoăn chưa nhắm được mắt, thì tên lái-la đến gọi tôi bảo rằng chỉ còn đợi có tôi nữa thì đi thôi.

Tôi tất-tả trở dậy. Trong khi tôi mặc quần áo, thì tên chủ-quán đem đơn tiền hàng lại, mà trong đơn nó không quên con cá thoan. Chẳng những nó tính thế nào tôi cũng phải trả rồi, nó lại còn ra dạng nói-gáy đến chuyện hôm trước nữa.

Tôi trả xong tiền cái bữa cơm, tiêu một cách đau-đớn ấy, rồi tôi xách va-lít sang nhà lái-la, vừa đi vừa rủa thầm thằng xỏ-lá ăn kẹ, thằng chủ-quán ba-que, và cái nhà trọ ấy.

 

HỒI THỨ III

Cùng đi đường với tôi, trong bọn theo tên lái-la, lại có hai người con nhà tử-tế ở Pégnaflor, một người hát kinh ở nhà-thờ Mondognedo (Mông-đô-nhê-đô) đi du-lịch, với một người phú-hộ trẻ tuổi ở Astorga mới cưới được một người vợ ở Verco (Vê-cô) đem vợ về nhà. Chẳng mấy lâu bấy nhiêu người bạn đi đường cùng quen nhau, cùng nói cho nhau biết ai ở đâu mà đến, ai đi đâu. Cô dâu mới về nhà chồng, thì tuy rằng thanh-niên, nhưng mà đen thủi đen thui, duyên lại không có, tôi chẳng thích nhìn chút nào.

Song người cô ta trẻ-trung mà lại mập-mạp, cho nên tên lái-la lấy làm ngon mắt, cố chí lập mưu để mà nọ kia. Cả ngày anh ta tính mưu nghĩ kế mà đồ cho xong việc đó, định rằng đến tối hôm nào gần đến nơi thì sửa, nghĩa là đến thôi đường Cacabelos (Ca-ca-bê-lô-sơ). Vừa tới xứ ấy, thì tên lái-la đưa cả chúng tôi vào trọ một cái quán ở ngay cửa-ô. Quán ấy thì ở về ngoài châu-thành, nguyên nó quen tên chủ-quán, và vẫn biết là một người kín-đáo mà lại bảo được. Tên lái có ý đưa chúng tôi vào một cái phòng biệt-tịch, rồi để cho chúng tôi ngồi yên mà ăn cơm với nhau. Khi ăn sắp xong, thì tự-dưng thấy tên lái-la làm mặt dữ-dội mà vào kêu rằng:

- Chết chưa! ai ăn trộm của tôi. Tôi để ở trong cái túi da này một trăm bích-tôn. Đứa nào lấy của tôi, tôi phải tìm cho ra tôi mới nghe. Tôi đi trình quan-án sở-tại đây, lên quan-án không phải nói bỡn đâu, ngài sẽ đem chúng bay tấn hết, kỳ bao giờ chúng bay thú tội hay là trả tiền thì mới thôi.

Tên lái nói dựng đứng như thế rồi đi ra. Chúng tôi thì ai nấy ngơ-ngẩn cả người.

Thế mà ngần ấy người không ai nghĩ đến rằng có lẽ tên lái phao-vu, vì bấy nhiêu người không ai quen ai cho lắm, mà dám chắc tin được lòng nhau. Chẳng những vậy, tôi thì nghi cho thằng nhỏ hát-kinh, mà nó thì dễ thuờng nó cũng ngờ cho tôi. Vả cả bọn chúng tôi cùng là một đồ ngốc. Không anh nào biết luật-phép, tưởng dễ quan đem mình ra tấn ngay thực. Thành ra kinh-hãi cả lũ, ồ nhau chạy ra ngoài; đứa thì ra đường cái, đứa thì trốn ra vườn; anh chàng rể mới thì cũng kinh phải tấn, bỏ cả vợ mà chạy.

Về sau tôi nghe chuyện ra, thì tên lái, nguyên là một thằng dâm hơn la, thấy mưu mình kiến-hiệu, liền chạy vào buồng khoe trí tài với cô-dâu, định muốn nhân vắng cả mà gạ. Không ngờ rằng người tiết-phụ ấy, lòng đã trinh-thành, mà lại thấy mặt tên lái-la xấu-xí, thì hình như thêm sức khỏe mà cưỡng lại với đứa cường-gian. Cô ta mới kêu long trời lở đất.

Giữa lúc ấy có toán lính đi tuần, may sao lại đi qua xóm ấy. Nguyên quân-quan vẫn biết nhà-trọ ấy là nơi nên canh-giữ, toán lính bèn vào quán mà hỏi cớ gì có người kêu.

Tên chủ-quán thì ngồi hát bi-bô ở trong bếp, tảng-lờ như không nghe thấy gì, quan bắt nó chỉ-dẫn vào phòng có người kêu, tên ấy bất-đắc-dĩ phải đưa vào.

May quá! cô ta cưỡng mãi đã thấy dại tay.

Ông quan coi lính, tính vốn cục súc, dữ tợn, thấy việc như vậy, liền cầm cán giáo mà đánh cho tên lái-la máu-dê, năm sáu cái, và chửi-rủa một cách thô-tục, chẳng kém gì việc thô-tục của tên lái-la.

Chẳng những thế, lại còn bắt tên phạm tội và dẫn cả người đàn-bà suýt bị hiếp đến dinh quan-án. Cô kia thì tuy xống-áo tả-tơi, nhưng cũng nhứt định muốn thân-hành đến cửa quan mà xin quan xử cho việc hà-hiếp ấy.

Quan-án lắng tai nghe và nhìn kỹ chị nguyên-đơn rồi, xử rằng tên phạm-tội không thể dung-thứ được, liền thét lính lột ra mà đánh ngay cho một chập trước công-đường; và lại truyền rằng: Hễ sáng hôm sau mà chồng người đàn-bà không đến nhận vợ, thì sẽ sai hai tên cung-thủ đưa người đàn-bà đến tận Astorga, phí-tổn bao nhiêu, bên bị phải chịu.

Còn tôi thì dễ khiếp-sợ hơn cả trong bọn khách đi đường, tôi mới chạy thẳng về vùng nhà-quê; trải qua không biết bao nhiêu cánh đồng, bao nhiêu rừng rậm, gặp hào-rãnh ngòi-lạch nào tôi cũng nhảy qua, về sau đến gần một cái rừng.

Tôi vừa định núp vào trong bụi rậm, thì gặp hai người cưỡi ngựa đứng chắn ngay trước lối đi, mà thét hỏi: Đứa nào kia? Thốt-nhiên, tôi chưa kịp đáp, thì hai người đến chõ súng vào cổ tôi mà hỏi tôi là ai, định vào rừng làm gì, phải xưng cho thực. Cách hỏi ấy tôi lấy làm chẳng kém chi cách khảo của quan-án mà tên lái-la đe khi nãy, tôi mới trả lời rằng tôi là một người niên-thiếu ở thành Oviédo, đi Salamanque; tôi lại ôn lại cả chuyện ngầy-ngà mới rồi và thú-thực rằng vì tôi sợ phải quan tấn cho nên chạy đi trốn. Hai người cưỡi ngựa nghe chuyện ấy biết tôi là đứa thực-thà mới bật cười lên, và một người bảo tôi rằng:

- Thế thì, em đừng sợ gì cả, cứ vững tâm mà đi theo chúng ta, chúng ta sẽ kiếm cho một nơi kín-đáo mà ẩn.

Nói đoạn, bảo tôi ngồi lên khấu ngựa, rồi cùng đi cả vào rừng.

Sự ra như vậy, khi ấy tôi cũng chưa biết là hay dở thế nào, song cũng không nghĩ có việc gì là phải kinh-hãi. Bụng tôi nghĩ rằng: Nếu những người này là kẻ gian thì họ đã lột mình, mà có dễ họ đã giết mình rồi. Vậy thì chắc đây là những người dòng-sang ở xứ này đây, các ngài thấy ta run-sợ mà có lòng thương, đem về nhà làm phúc đây. Tôi không phải nghĩ-ngợi chi lâu lắm, họ đi loanh-quanh một vài vòng, trong khi đi không ai nói một câu nào, rồi đến chân một cái núi đất thì xuống ngựa. Một người mới bảo tôi rằng:

- Nhà chúng ta ở đây.

Tôi nhìn trước nhìn sau chẳng thấy hơi có nhà cửa chi hết. Lúc ấy thì hai người mới nhấc một cái nắp bằng ván lấp ở dưới bụi rậm, mở nắp ra thì trong có một lối đi ngầm dốc xuống, hai con ngựa liền nhảy ngay vào như là lối đã quen. Hai người mới bảo tôi cùng vào, rồi kéo dây đóng cửa hang lại. Thế là cháu cậu tôi bị bắt như chuột phải cạm vậy.

Nguyễn Văn Vĩnh dịch

___________________

[1] Salamanque, là một tỉnh văn-vật nhứt ở nước Y-pha-nho.

[2] Phép chúc là một phép của bên đạo, như ta nói “Trời thuơng thánh độ cho con nhé”.

[3] Lối văn-chương An-nam thì chỗ này nên bỏ.

[4] Ăn-chay, theo tục bên đạo, không phải chỉ ăn đồ rau quả như bên Thích-ca giáo. Bên đạo nói là ăn gầy, nghĩa là đừng ăn đồ béo mà thôi. Trứng gà, cá, thịt chim, các loài thủy điểu ăn cũng được.

[5] Cổ-giả bên Âu-châu gọi bảy việc lạ (Les sept merveilles du monde) là bảy việc công-trình thứ nhứt về nghề dựng lâu-các: 1. Một cái lăng vua Mausole ở Halicarnasse; 2. Mấy cái mộ xây cao như núi ở Ai-cập; 3. Cột đèn biển ở Alexandrie; 4. Cái tượng đồng to ở Rhodes; 5. Vườn treo ở Sémiramis, thành Babylone; 6. Tượng thần Jupiter ở Hi-lạp; 7. Đền thờ nữ thần Diane ở Ephèse.

 

thế kỷ 18 ấy 

Jonathan Swift (1667–1745)
Lesage (1668–1747)
Saint-Simon (1675–1755)
Voltaire (1694–1778)
Jean-Jacques Rousseau (1712–1778)
Laurence Sterne (1713–1768)
Lichtenberg (1742–1799)
Chateaubriand (1768–1848)

Nguyễn Văn Vĩnh diễn quốc-âm
Hài-kịch của Molière
Bệnh tưởng
Trưởng-giả học làm sang
Người biển-lận
Tê-lê-mặc phiêu lưu ký (François Fénelon)
Truyện Gil-Blas (Alain-René Lesage)
Ba người Ngự-lâm pháo-thủ (Alexandre Dumas)
Miếng da lừa (Honoré de Balzac)
Tục-ca-lệ (Alain-René Lesage)

lưu trữ

La Vita

Nguyễn Văn Vĩnh và Benjamin Franklin
Nguyễn Văn Vĩnh ở giữa Molière và Balzac

favorites
Thêm vào giỏ hàng thành công