Chesterton: Triết lý tham quan
Những khi Chesterton viết ngắn (nhiều lúc rất ngắn) thì sẽ vô cùng hấp dẫn. Dưới đây là một ví dụ.
Triết lý tham quan
- Chesterton
Sẽ rất hấp dẫn nếu biết chính xác tại sao một người trí tuệ, ý tôi là người có bất kỳ loại trí năng nào, lại có thể và thực sự không thích sự tham quan. Tại sao hình ảnh một cỗ xe ngựa chất ních du khách đi xem nơi Nelson được sinh ra hay nơi Simon de Montfort chết đi lại gợi lên một nỗi lãnh đạm kỳ lạ trong tâm hồn người đó? Tôi có thể dễ dàng nói rõ điều gì không phải là nguyên nhân của nỗi ác cảm mơ hồ này - ít nhất là tôi. Dù có bao nhiêu tật xấu khác (dĩ nhiên, chúng đều thuộc loại trầm trọng), tôi có thể đặt tay lên ngực mà thề rằng, nó không xuất phát từ sự khinh rẻ tầm thường dành do di tích, càng không phải từ sự khinh rẻ - thậm chí còn tầm thường hơn - dành cho các vị khách thăm. Nếu quả thật có thứ còn nhỏ nhen và đáng thương hơn sự bất kính đối với quá khứ, thì đó là sự bất kính với hiện tại - hiện tại với dòng chảy cuộc sống đầy sôi động và đa sắc, tính cả những chiếc xe ngựa chở khách trong vô số cỗ xe dập dìu khác. Tôi chẳng biết gì thô thiển hơn thái độ khinh miệt sự tầm thường khi chế giễu những nhân viên trong Lễ Ngân Hàng và dân London nghèo trên bãi biển Margate. Một kẻ chẳng để ý gì đến người nhân viên ngoài chất giọng Cockney của anh ta sẽ chẳng thể thấy gì nơi Simon de Montfort ngoài ngữ điệu Pháp của ngài. Kẻ cười nhạo Jones vì đã phát âm thiếu chữ “h” lắm khi cũng sẽ chế giễu Nelson vì ngài mất một cánh tay. Sự khinh bỉ dễ dàng nảy sinh trong tâm hồn vốn đã thô tục, và thật dễ để chế nhạo Montfort như một kẻ ngoại bang hay Nelson như một kẻ tàn tật, cũng như chế giễu giọng nói ngượng nghịu và thân thể tàn tạ của đám đông vừa hài hước lại vừa bi thảm trong cuộc đời hiện tại này. Nếu có chút lảng tránh chuyện du khách và các lăng tẩm, tôi khẳng định đấy không phải bởi vì tôi bất kính đến mức coi thường chỗ an nghỉ của các bậc tiền nhân hay đám khách tham quan xớn xác. Tôi tôn kính những vĩ nhân đã dám chết; và tôi cũng không kém phần tôn trọng đối với những con người bé nhỏ dám sống này.
Nhưng ngay cả khi đã thừa nhận là như thế, vẫn có thể có một giả thuyết khác. Người ta có thể nói rằng các di tích cổ và đám đông tầm thường quả thật đều là những thứ tốt đẹp cả - như hoa vi-ô-lét và hoa phong lữ - nhưng chúng không đẹp cùng một kiểu. Mũ billycock là một vật đẹp đẽ (có người sẽ nhiệt liệt phản đối đây), nhưng nó không đẹp giống Nhà thờ Ely; nó như một mái vòm nhỏ kiểu rococo Phục hưng chẳng có chút hòa hợp nào với những mái vòm nhọn choãi lên trời như mũi mác. Một chiếc xe ngựa chở khách cũng đáng yêu (theo lập luận này), nếu được đặt lên bệ và tôn thờ vì vẻ đẹp riêng của nó; nhưng nó lại chẳng ăn nhập gì với đường cong và dáng vẻ của con tàu ba boong cũ kỹ nơi Nelson tử trận - vẻ đẹp của hai sự vật trên thuộc hai kiểu hoàn toàn khác biệt. Vì thế (hãy tưởng tượng đây là lập luận của một nhà thông thái của chúng ta), cổ vật và dân chủ nên được tách ra khỏi nhau như những thứ không tương hợp. Có những thứ xung khắc về thời không, nhưng lại hoàn toàn tương đồng về giá trị cốt lõi và ý niệm. Chẳng hạn như Giáo hội Công giáo dùng nước cho trẻ sơ sinh và dùng dầu xức cho người hấp hối - nhưng có bao giờ trộn lẫn dầu và nước đâu.
Lời giải thích này nghe cũng bùi tai; nhưng tôi thấy nó chưa hoàn toàn xác đáng. Phản biện đầu tiên là việc cảm giác bathos vẫn cứ đeo đẳng tâm hồn ta trong mọi chuyến thăm có chủ đích đến những “thắng cảnh”, ngay cả khi khách tham quan là những người sang trọng nhất hay kín kẽ nhất. Riêng việc cố tình ghé thăm Đấu trường [Coliseum] dưới đêm trăng đối với tôi cũng phàm tục chẳng kém gì săm soi nó dưới ánh đèn nhà hát. Một tay triệu phú đứng trên đỉnh Mont Blanc, một tay triệu phú đứng giữa sa mạc bên tượng Nhân sự, một tay triệu phú đứng giữa Stonehenge - tất thảy đều buồn cười hệt như bất kỳ tay triệu phú nào hiện hữu ở nơi khác; và đáng nói là ở chỗ đó. Nhưng ngược lại, nếu một chiếc mũ billycock bỗng dưng xuất hiện thật tự nhiên và kín đạo trong Nhà thờ Ely, chẳng tín đồ say mê sự hài hòa của Gothic nào lại phản đối nó - dĩ nhiên, miễn là đừng có ai đó đội nó vào. Nhưng có một phản biện sâu sắc hơn trên bình diện lý thuyết về sự bất tương xứng giữa cổ vật và đại chúng. Trên thực tế, chính những di tích cổ xưa mới thường thu hút quần chúng, và chính quần chúng ấy là những người bảo vệ kiên cố của chúng. “Già làng” luôn luôn là một lão nông chân quê; chứ tôi chưa từng nghe tới một quý ông nào lại giữ vai trò ấy. Chính những kẻ bần nông quê mùa đã gìn giữ mọi truyền thống ở di tích từng là chiến trường xưa hay chịu trách nhiệm xây dựng nhà thờ. Họ là những người còn nhớ - nếu trên đời còn có ai nhớ - về những lần thoáng thấy thần tiên hay phép lạ của các thánh. Ở những tầng lớp cao hơn, cái siêu nhiên bị sự kiêu ngạo bóp chết. Có một câu Kinh Thánh vừa chân thực, lại vừa mãnh liệt như vầy: “Bất kiến khải tượng, bất tồn dân chúng.” Nhưng trong thực tế, cũng không kém đúng đắn khi ta nói: bất tồn dân chúng, bất tồn khải tượng.
Vậy, ta phải từ bỏ ý nghĩ rằng cảm giác khó chịu mơ hồ trước việc tham quan của đại chúng là xuất phát từ sự bất cân xứng giữa những đền đài linh thiêng và đám đông tầm thường. Trái lại, cái thiêng và sự dân chủ vốn luôn luôn gắn bó trong suốt lịch sử. Các đền đài và công trình chiến tích vẫn thường được dựng lên bởi những con người bình thường. Và những nơi ấy luôn được dựng lên cho những con người bình thường. Dẫu nghệ sĩ hiện đại khó tính có thể áp dụng lý thuyết về tinh hoa thẩm mỹ lên bất cứ thứ gì, họ sẽ thấy khó mà áp dụng nó lên trên thứ nghệ thuật mang tính chất lịch sử và tưởng niệm. Rõ ràng, một công trình công cộng được xây để gây ấn tượng với công chúng. Ngay cả ngôi mộ của một quý tộc thuộc hạng thượng thặng cũng là một ngôi mộ có tính dân chủ, bởi nó tồn tại để được chiêm ngưỡng; thứ duy nhất mang tính chất quý tộc là cái xác chết đang mục ruỗng dưới mấy thước đất kia chứ không phải tấm đá cẩm thạch trường tồn trên mặt. Nếu muốn quý tộc cho toàn vẹn, người ta nên chôn mình trong vườn nhà. Nhà nguyện của giáo phái hẹp hòi nhất cũng mang tính quần chúng một khi nó trưng ra bên ngoài - dù bên trong có hạn chế - các bức tường và cửa sổ của nó trổ ra mọi hướng đón gió và mọi phương trời. Nó có thể chỉ bé mọn như một tư gia, nhưng nó là một tượng đài có tính quần chúng; nếu tín đồ của nó thực sự muốn khép kín, họ nên gặp nhau trong một tư gia. Bất cứ khi nào và ở bất kỳ nơi đâu, một khi người ta dựng lên một tòa thị chính, một cột mốc hay một tượng đài, ấy chính là lúc người ta đang nói chuyện với đám đông như một người diễn thuyết.
Bức tượng tạc mọi chính khách cũng ứng cử mình cho cuộc bầu cử chẳng khác gì chính người đó. Mọi dòng bia mộ trong nhà thờ, chẳng khác gì một tấm áp phích vận động tranh cử, đều được dựng lên cho đám đông. Và cứ đi theo mạch suy nghĩ này, tôi tin rằng, rốt cuộc ta sẽ tìm ra lý do đích thực tại sao việc tham quan thời nay lại làm ta thấy khó chịu - một cảm giác hoàn toàn không phải khinh miệt bỉ bôi dành cho các phần mộ người đã khuất, cũng không phải sự bỉ bôi khinh miệt dành cho đám đông tầm thường. Dù sao thì, đâu thiếu những nghĩa trang chôn đầy những kẻ tầm thường đã khuất; nhưng điều đó không ngăn những nghĩa trang đó kém phần linh thiêng hay thiểu não.
Lời giải thích đúng, theo tôi là vầy: những nhà thờ lớn và cột khải hoàn này không được xây cho những người văn minh và tự ý thức quá mức vai trò một khách du lịch thời hiện đại, chúng được xây cho những con người thô mộc và tự nhiên hơn nhiều. Những khối đá nhảy múa như thác nước đóng băng ấy được đặt và cân chỉnh để đập vào mắt những kẻ bình thường đang trong lúc bôn ba tất tả với công việc thường nhật của họ; và một khi đã được thoáng thấy như thế, chúng sẽ không bao giờ bị lãng quên. Cách đúng để khơi dậy phép mầu của những nhà thờ lớn và lăng mộ lịch sử không phải là điều mà Ruskin luôn khuyên đâu. Tuyệt nhiên ta không cần phải cẩn trọng hơn với những tòa nhà cổ. Không, ta cần phải bất cẩn hơn với chúng. Hãy mua một chiếc xe đạp ở Maidstone để thăm dì ở Dover, và bạn sẽ thấy Nhà thờ Canterbury đúng cái cách như nó đã được xây lên để được chiêm ngưỡng. Hãy đi qua London bằng lối tắt từ Croydon đến Hampstead, và Cột Nelson (lần đầu tiên trong đời bạn) sẽ khiến bạn nhớ đến Nelson. Bạn sẽ thần phục Nhà thờ Hereford nếu đến đó vì rượu táo chứ không phải kiến trúc của nó. Bạn sẽ thực sự thấy Quảng trường Vendôme nếu đến đó để hoàn thành công việc, không phải vì nghệ thuật. Vì những kỳ quan ấy được những bậc tiền nhân của ta dựng lên cho những thế hệ giản dị và chăm chỉ kế đến - những con người thực dụng, tất bật với hàng trăm ngàn thứ. Quả thật là còn có một yếu tố nữa, chẳng phải là không quan trọng: sự thể dân chúng hay tới nhà thờ để cầu nguyện. Nhưng khi tranh cãi về những người yêu nhà thờ nghệ thuật hiện đại, chúng ta không cần nhìn nhận điều đó.
Bùi Gia Bin dịch
đảo
Shakespeare (1546 –1616)
Robert Burton (1577–1640)
John Milton (1608–1674)
Laurence Sterne (1713–1768)
Charles Lamb (1775–1834)
Thomas De Quincey (1785–1859)
Coleridge (1772–1834)
George Eliot (1819–1880)
Robert Louis Stevenson (1850–1894)
Joseph Conrad (1857–1924)
Arnold Bennett (1867–1931)
Bertrand Russell (1872–1970)
Ford Madox Ford (1873–1939)
G. K. Chesterton (1874–1936)
E. M. Forster (1879–1970)
Katherine Mansfield (1888–1923)
Jean Rhys (1890–1979)
F. R. Leavis (1895–1978)
C. S. Lewis (1898–1963)
Graham Greene (1904–1991)
William Empson (1906–1984)
Edna O’Brien (b. 1930)
V. S. Naipaul (1932–2018)