Cháu trai Wittgenstein
124 trang
11,5 x 18 cm
Hai người bạn hoặc người quen gặp nhau tại một “khu vườn” giữa hai “Pavilion” ở nơi dường như là một bệnh viện tâm thần: đây là bối cảnh, như chúng ta biết, cho cuộc gặp gỡ kỳ lạ giữa Sam và nhân vật chính trong Chương III thuộc cuốn tiểu thuyết Watt của Beckett. Trong một cuốn tiểu thuyết khác (hoặc có thể là hồi ký tự truyện?) được viết khoảng bốn mươi năm sau đó bởi nhà văn Áo Thomas Bernhard, mô hình này lại xuất hiện. Người kể chuyện là một bệnh nhân thuộc Pavilion Hermann - nơi dành cho bệnh nhân phổi; phía bên kia, một phần khác thuộc khu phức hợp bệnh viện trên Wilhelminenberg của ngoại ô thành phố Wien, là Pavilion Ludwig dành cho bệnh nhân tâm thần, nơi bạn của người kể chuyện là Paul Wittgenstein, cháu trai của triết gia, đang điều trị.
Cháu trai Wittgenstein (1982) là câu chuyện về mối quan hệ giữa Thomas Bernhard và Paul Wittgenstein, giữa những bệnh nhân phổi và những bệnh nhân tâm thần, giữa “Pavilion Hermann” và “Pavilion Ludwig”, cả hai đều trở thành một phần của cùng một xã hội bệnh tật, theo tự vị của Bernhard, đó là Wien hậu Thế chiến thứ hai.
Cháu trai Wittgenstein, tác phẩm cuối cùng trong loạt tác phẩm mà chúng ta có thể gọi là hư cấu liên quan tới Wittgenstein của Bernhard, mang đến một cái nhìn tuyệt vọng hơn nhiều về ngôn ngữ so với các tác phẩm hư cấu của Beckett hay [Gertrude] Stein. Nhận định nổi tiếng: “Giới hạn ngôn ngữ của tôi là giới hạn thế giới của tôi” (“Die Grenzen meiner Sprache bedeuten die Grenzen meiner Welt”) được Bernhard (cũng như Ingeborg Bachmann, người đã trích dẫn nó nhiều lần với thái độ ngưỡng mộ) hiểu, không phải, theo cách thông thường, như là khẳng định rằng một người không thể xâm nhập thế giới độc lập với ngôn ngữ của mình, mà hơn thế (và có phần lập dị), như là tuyên bố về giới hạn của con người, những giới hạn đó (Grenzen), cuối cùng dẫn tới sự không thể nói - sự im lặng. Việc chuyển hướng này không đáng ngạc nhiên khi ta nhớ rằng những người Áo thời hậu chiến như Bernhard và Bachmann có lý do chính đáng để nhạy cảm với Die Grenzen, bởi những biển cảnh báo mang dòng chữ *Grenze *là cảnh tượng thường nhật, phân định ranh giới giữa bên trong và bên ngoài, giữa nước Áo an toàn và ấm áp, nơi ta cảm thấy như nhà của mình, và Đông Âu khiếp sợ và xa lạ chỉ cách đó khoảng trăm dặm về phía Bắc (Tiệp Khắc), phía Đông (Hungary) và Đông Nam (Nam Tư). Việc bị bao vây bởi đế chế Xô Viết cũng là một lời nhắc nhở về nỗi hổ thẹn của nước Áo trong thời kỳ Hitler, sự hưởng ứng nhiệt tình của họ với việc Đức Quốc xã sáp nhập vào tháng Ba năm 1938. Trong bối cảnh đó, “giới hạn ngôn ngữ” dễ dàng được hiểu là giới hạn của ngôn ngữ Đức, cụ thể là ngôn ngữ của những tác phẩm trữ tình vĩ đại viết bằng tiếng Đức tính từ Goethe và Hölderlin cho đến Rilke và Trakl.
Là một tự truyện, cũng là một phê bình sắc bén về thế giới kịch Wien, Cháu trai Wittgenstein là một phần workshop đọc (formaTION) dài của chúng tôi: Phê bình cũng có lịch sử?
Sách cũng nằm trong series Giới hạn của ngôn ngữ, tập hợp các tác phẩm có vai trò tiên phong trong việc cách tân các hình thức văn chương truyền thống:
Bruno Schulz, Những hiệu quế(Xuân Trường dịch)
Baudelaire, Le Spleen de Paris (tái bản) (Cao Việt Dũng dịch)
Thomas Bernhard, Cháu trai Wittgenstein (Phan Nhu dịch)
Bruno Schulz, Dưỡng đường đồng hồ cát (Xuân Trường dịch)
Maupassant, Đốc tờ Héraclius Gloss (Toàn Anh dịch)
Gertrude Stein, Ba truyện đời (Hoàng Trang dịch)
Có thể đặt cả bộ sách cùng bản mềm các tác phẩm cùng series đăng trên tạp chí Văn Bản tại đây. Có một món quà đi cùng: booklet "Thư viện bùng cháy" (René Char, Cao Việt Dũng dịch - hiện chỉ còn 25 cuốn).