favorites
Shopping Cart
Search
Vitanova
Prev
Xuân 2025
Next

William Morris: Vải

07/05/2025 11:27

Kể từ kiakia, một chủ đề đã chập chờn mở ra: hình thức trong tương quan với vật chất. Ruskin, sử gia của nghệ thuật Gothic, nhìn thấy sức sống của hình thức trong sự bất toàn hào phóng, trong tinh thần tự do phá vỡ những áp đặt giả tạo, và William Morris, nới rộng khung lịch sử ấy, tìm cách đặt một giả thuyết về quan hệ giữa lao động và nghệ thuật như cuộc đấu tranh cho tự do và phẩm giá con người. Nhưng Morris quan trọng nhất ở các khảo sát rất cụ thể, chẳng hạn về các nghệ thuật vải, giống như Ruskin về kiến trúc.  

 

Nghệ thuật và thủ công (1893): Vải

 - William Morris

Có một số cách trang trí một tấm vải dệt: (1) Tapestry, (2) thảm dệt, (3) dệt máy, (4) in hay vẽ, và (5) thêu. Không có cải tiến nào (quả thực, trong các quy trình chính, không có thay đổi) với việc sản xuất hàng hóa trong các nhánh này kể từ thế kỷ mười bốn, về bản chất của các mặt hàng ấy; bất kỳ sự cải tiến nào được giới thiệu đều thuần mang tính thương mại, và chỉ liên quan đến việc giảm chi phí sản xuất; không, còn hơn thế nữa, những cải tiến thương mại về tổng thể đã gây tổn hại rõ rệt lên chất lượng của bản thân các mặt hàng.

Nghệ thuật dệt cao quý nhất là Tapestry, không hề có máy móc tham gia: nó có thể được xem như một bức khảm các mảnh màu được tạo ra từ các sợi nhuộm, và có thể trang trí tường với bất kỳ độ tinh xảo nào trong giới hạn thích hợp của tác phẩm trang trí được suy xét thích đáng.

Giống như mọi vật trang trí tường, điều trước hết cần xem xét ở thiết kế Tapestry là sức mạnh, sự thuần khiết, và thanh nhã của hình các vật được trình bày, không gì mơ hồ hay không xác định được chấp nhận. Nhưng những gì tuyệt diệu có thể được trông đợi từ đó. Độ sâu của tông màu, sự phong phú màu sắc, và sự chuyển đổi tinh tế các sắc độ có thể dễ dàng đạt được với Tapestry; và nó cũng đòi hỏi vẻ đẹp sắc sảo và phong phú các chi tiết vốn là điểm đặc biệt của các nghệ thuật thời Trung cổ đã phát triển hoàn chỉnh. Phong cách vào thời kỳ hoàn thiện nhất của Phục hưng hoàn toàn không phù hợp với Tapestry: bởi vậy chúng ta thấy rằng Tapestry vẫn giữ được tính Gothic của nó lâu hơn bất kỳ nghệ thuật biểu hình nào khác. So sánh một bức màn treo tường trong Đại sảnh Hampton Court với những bức trong phòng riêng hoặc phòng khách sẽ thấy rõ sự vượt trội của thiết kế ban đầu cho mục đích của nó với bất kỳ ai có tri giác nghệ thuật: và sự so sánh này hoàn toàn công bằng, bởi cả màn treo Gothic của phòng riêng và hậu Gothic của đại sảnh đều là những tác phẩm đặc biệt tốt. Không đi sâu vào mô tả quy trình dệt tapestry, việc vô ích khi không có hình minh họa, tôi có thể nói rằng trái ngược với quá trình dệt máy, sợi dọc hoàn toàn bị ẩn đi, và kết quả là màu cũng đậm như màu của tranh vẽ.

Thảm dệt có phần cũng giống Tapestry: hoàn toàn không có máy móc can thiệp, nhưng việc được sử dụng như một tấm thảm trải sàn phần nào làm giảm giá trị của nó, đặc biệt là ở các nước phương bắc hay phương tây, nơi người ta từ những phố lầy lội bước vào phòng mà không cởi giày. Thảm dệt chắc chắn xuất hiện nơi những người có cuộc sống trong lều, và khi ấy thảm là vật trang trí tốt nhất có thể.

Thảm tạo thành một bức khảm những ô vuông nhỏ bằng len, hoặc lông, hoặc tơ sợi, buộc vào một tấm vải thô, được tạo ra trong quá trình làm việc. Do sản phẩm tương đối thô, các thiết kế luôn phải có hình thức rất cơ bản và chỉ thuần gợi lên hình dạng lá, hoa, thú và chim…. Các màu chuyển đổi mềm mại vốn thích hợp với Tapestry lại không phù hợp với thảm dệt; vẻ đẹp và sự đa dạng của màu phải đạt được bằng cách kết hợp hài hòa các sắc độ, được giới hạn bằng các đường viền được chọn cách thận trọng; và họa tiết phải hoàn toàn nằm phẳng trên mặt đất. Nhìn chung, trong thiết kế thảm phương pháp tương phản được sử dụng tốt nhất, màu xanh lam và đỏ, cùng các diềm trắng hay sáng màu trên một nền sẫm, hoặc màu đen và một vài màu rất sẫm trên một nền sáng, là những màu chính mà người thiết kế cần dựa vào.

Khi đưa ra những nhận xét này tôi chỉ nghĩ đến những loại thảm sợi tự nhiên hoặc làm thủ công. Những tấm thảm dệt máy ngày nay thấy rõ là làm tạm bợ vì mục đích rẻ tiền. Trong số này, nhung sợi và vải Brussel chỉ đơn giản là nhung len thô được dệt trên dây thép giống các loại nhung khác, và cắt, trong trường hợp nhung sợi; và thảm Kidderminster là loại vải dày, trong đó có rất nhiều sợi dọc (mỗi sợi dọc ứng với một sợi ngang) được sử dụng để chống sờn và rách. Thảm nhung cần có cùng kiểu thiết kế về màu sắc và chất lượng giống như thảm sợi tự nhiên; chỉ có số lượng màu nhất thiết phải được giới hạn, và mẫu lặp lại theo những khoảng nhất định, nên thiết kế nên đơn giản và nhỏ hơn so với thảm sợi tự nhiên. Một tấm thảm Kidderminster yêu cầu một thiết kế kích thước nhỏ với các tấm khác nhau, hay các lớp, như cách chúng ta gọi, được lồng vào nhau cho khéo.

Việc dệt bằng máy phải lặp lại các mẫu trên mặt vải trong phạm vi tương đối hẹp; số lượng màu cũng bị giới hạn trong hầu hết các trường hợp ở bốn hoặc năm màu. Bởi vậy, trong hầu hết các loại vải được dệt như thế, phương án tốt nhất có vẻ như là chọn lấy một màu nền dễ chịu và đặt lên một họa tiết chính mang sắc nhạt hơn của màu nền, hoặc một màu tương phản không quá mạnh với nền; và sau đó, nếu bạn đang sử dụng nhiều màu, làm sáng lên sự sắp xếp tổng quát này với một đường diềm mạnh hơn, hoặc những điểm màu đậm hơn bố trí cẩn thận. Thường thì sắc sáng trên nền tối là đủ, và hầu như chẳng cần bất cứ gì khác: một số loại vải rất đẹp thuần là vải hoa damask, trong đó sợi dọc và sợi ngang có cùng màu, nhưng một tông khác được tạo ra bằng cách dệt hình và nền với các sợi chồng lên dài hay ngắn: vải tabby có các sợi dọc thường xuyên bị chặn ngang, vải satin thì ít hơn nhiều. Trong mọi trường hợp, các mẫu họa tiết được tạo ra bằng cách dệt máy, nếu hoa văn gây được hiệu ứng và đáng để thực hiện, đòi hỏi cùng độ dứt khoát và rõ ràng của chi tiết kiểu Gothic: cấu trúc hình học của hình, điều nhất thiết với mọi mẫu lặp lại, nên được nhấn mạnh cách táo bạo, để thu hút mắt nhìn khỏi những hình ngẫu nhiên, vốn được tạo ra bởi sự lặp lại các mẫu hoa văn.

Những sọc và đốm vô nghĩa và những dày vò khác của việc dệt chéo đơn giản trên tấm vải, vốn rất phổ biến trong hàng dệt trang trí của thế kỷ mười tám và thời chúng ta, nên được cẩn thận tránh đi: tất cả những thứ ấy là cách xoay sở của một phát minh nhàm chán và sự xem thường vẻ đẹp thuần khiết giản dị xuất phát từ các gợi ý gây đồng cảm nơi hình thức của tự nhiên: nếu mẫu được vẽ mạnh và chắc với một cảm nhận đúng về vẻ đẹp của đường và hình, sự tương phản sáng tối trên bề mặt chất liệu vải chéo sẽ mang lại tất cả những sự đa dạng cần thiết. Hãy thực hiện một phép so sánh khác: đến bảo tàng South Kensington và nghiên cứu những mảnh vải vô giá của thế kỷ mười ba và mười bốn do người Syria và Sicilia sản xuất, hoặc những tấm vải dệt Ba Tư được thiết kế tuyệt đẹp như nhau, có niên đại muộn hơn, nhưng mang bản năng và cảm giác phương Đông thuần khiết nhất; cũng có thể lưu ý đến những tấm vải diễm lệ chủ yếu tạo ra ở Ý vào cuối thời Trung cổ, vô song về độ phong phú và hiệu ứng thiết kế, và khi đã có ấn tượng với sản phẩm của trường phái lớn của lịch sử này, hãy đặt cạnh chúng sản phẩm của thời kỳ Pompadou đê tiện, đã trôi qua vào đầu thế kỷ mười bảy như là thời chuyển tiếp sang tha hóa. Sau đó ta sẽ (nếu có nhận thức thực sự về nghệ thuật) thấy ngay sự khác biệt giữa kết quả của trí tưởng tượng không bị ngăn cản và tình yêu cái đẹp, ở bên này, so với bên kia, sự vô hồn đầy bồn chồn và mệt mỏi của tâm trí, bị buộc phải làm gì đó với bề mặt vô tội của tấm vải để phân biệt nó trên thị trường với các loại vải khác; giữa công việc thủ công của người thợ tự do thực hiện công việc theo ý muốn của anh ta, và công việc khổ sai của công nhân được giao nhiệm vụ bởi những nhà buôn đang cạnh tranh để giành lấy khách hàng trong một công chúng phù phiếm, những người vốn đã quên rằng có một thứ gọi là nghệ thuật.

Phương pháp tiếp theo là vẽ hay in lên vải bằng thuốc nhuộm. Về việc vẽ lên vải bằng thuốc nhuộm thủ công, vốn là một nghệ thuật rất cũ và thực hành rộng rãi, giờ nó đã hoàn toàn biến mất (xã hội hiện đại không đủ giàu để trả mức giá cần thiết cho một công việc như vậy), và thay thế nó bằng việc in bằng máy dập khối hay máy trục. Những nhận xét về thiết kế cho vải dệt máy khá phù hợp với loại hàng in này: chỉ khác ở chỗ, trước hết, có thể có nhiều màu tinh tế và đẹp hơn, và cũng có lượng màu đa dạng hơn; và thứ hai, có thể sử dụng nhiều hơn các đường gạch chéo và chấm, rõ ràng là phù hợp với phương pháp dập khối. Trong các loại vải in nhiều màu, một lần nữa màu đỏ và xanh lam rõ ràng là chủ đạo trong việc sắp xếp màu sắc; những màu này, được làm mềm bởi các sắc nhạt hơn của màu đỏ, phác ra bằng màu đen và làm dịu đi bằng cách thêm vào một ít màu vàng, chủ yếu cho ra một phần của màu lục tươi, tạo nên màu sắc cho những tấm vải in Ba Tư cổ, vốn đã đưa nghệ thuật này tiến xa nhất có thể.

Phải nói thêm rằng không có thứ đồ dệt trang trí nào chịu thiệt hại nhiều hơn so với vải in bởi những phát minh thương mại. Một trăm năm trước quy trình in vải không khác mấy so với quy trình mà người Ấn Độ hay Ba Tư sử dụng; và thậm chí cho đến tận bốn mươi năm trước, họ vẫn tạo ra những màu sắc tự bản thân nó đã rất tốt, bất kể chúng có được sử dụng thiếu thẩm mỹ thế nào. Rồi thì xuất hiện một trong những phát minh tuyệt vời nhất và vô dụng nhất của ngành Hóa học hiện đại, đó là thuốc nhuộm làm từ nhựa than đá, tạo ra một loạt các màu kinh tởm, rợ và xám ngoét – và rẻ tiền – mà bất kỳ người có thẩm mỹ nào cũng ghét, nhưng không thể thoát khỏi chúng cho đến khi chúng ta có thể đấu tranh thành công chống lại sự đọa đày của những thứ rẻ mạt và tệ hại đang ập lên chúng ta.

Phương pháp trang trí vải cuối cùng là Thêu: về thiết kế, phải nói rằng một trong những mục đích của nó là thể hiện chất liệu đẹp. Hơn nữa, không đáng để làm trừ phi nó rất đẹp và phong phú, hoặc rất tinh tế – hoặc cả hai. Đối với một nghệ thuật như vậy không nên làm bất cứ thứ gì chắp vá hoặc lộn xộn, hoặc nửa vời: không có lý do để làm ra bất cứ thứ gì mà không đẹp cách ấn tượng; và đặc biệt hơn là vẻ đẹp lộng lẫy các tác phẩm phương Đông và châu Âu thời Trung cổ, thậm chí là thời Phục hung, đang ở ngay trước mắt để khiển trách chúng ta. Có lẽ nên cảnh báo những người làm nghề Thêu về những bản sao yếu ớt từ nghệ thuật Nhật Bản vốn rất phổ biến hiện nay. Người Nhật là những nhà tự nhiên học đáng ngưỡng mộ, những người phác thảo rất khéo, giỏi hơn hẳn bất kỳ ai khác trong việc thực hiện bất cứ gì họ nắm trong tay; và cũng là những bậc thầy lớn về phong cách trong một số giới hạn nhất định. Nhưng cũng bởi vậy, một bản thiết kế của Nhật thì hoàn toàn vô dụng nếu không được thực hiện với kỹ năng Nhật. Trên thực tế, với tất cả những phẩm chất tuyệt vời như những thợ thủ công, người Nhật lại không có bản năng kiến trúc, và bởi vậy không có bản năng trang trí. Các tác phẩm nghệ thuật của họ bị cô lập và hoàn toàn mang tính cá biệt, và bởi vậy, trừ phi chúng trội lên, như đôi khi vẫn thế, đến mức trở thành gợi ý cho một bức tranh (luôn thiếu sự quan tâm của con người), chúng chỉ là những món đồ chơi đẹp, những thứ nằm ngoài phạm vi tiến triển của nghệ thuật, thứ không thể tồn tại nếu không có cảm tri kiến trúc vốn kết nối nghệ thuật với lịch sử nhân loại.

Ta hãy kết thúc với một số nhận xét chung về việc thiết kế cho vải dệt: mục tiêu là kết hợp sự rõ ràng về hình thức và sự chắc chắn về cấu trúc với sự bí ẩn đến từ sự phong phú và đa dạng chi tiết; và điều này dễ đạt được hơn trong hàng dệt so với đồ trang trí bằng sơn trên mặt phẳng hay giấy dán; bởi trong hàng dệt các chất liệu thường treo thành nếp và các mẫu họa tiết ít nhiều bị làm méo, trong khi với trường hợp sau chúng được trải phẳng trên tường. Không đưa vào bất kỳ đường nét hoặc hình nào không thể giải thích bằng cấu trúc các mẫu; chỉ với sự liên tục của hình, sự phát triển này trông như thể, trong hoàn cảnh ấy, không khác đi được, ngăn không cho con mắt mệt nhoài bởi sự lặp lại các mẫu.

Không bao giờ đưa vào bất kỳ bóng mờ nào với mục đích làm cho một hình có vẻ tròn; bất kỳ bóng mờ nào bạn sử dụng chỉ nên dùng để giải thích, để trình bày điều bạn muốn với một mẩu được vẽ; và kể cả như vậy tốt hơn hết là nên tiết kiệm.

Đừng e ngại những mẫu họa tiết lớn; nếu được thiết kế hợp lý chúng sẽ giúp con mắt thư giãn hơn là những họa tiết nhỏ: về tổng thể, một mẫu có cấu trúc lớn và các chi tiết bị phá vỡ nhiều chỗ là hợp lý nhất. Những mẫu lớn không nhất thiết phải gây sửng sốt; điều này xuất phát từ sự nổi bật rõ rệt của hình trên nền, hoặc màu sắc không hài hòa: hình đẹp và hợp lý được giải thoát khỏi nền bằng sự tương phản hoặc chuyển màu được kiểm soát tốt, và trải lên nền, sẽ không bao giờ làm mỏi mắt. Những căn phòng rất nhỏ, cũng như những phòng rất lớn, luôn đẹp nhất khi được trang trí bằng những họa tiết lớn, bất kể bạn làm gì với những phòng cỡ trung bình.

Và cuối cùng: đừng bao giờ quên chất liệu bạn sử dụng, và cố sử dụng nó với những gì nó thể hiện tốt nhất: nếu bạn cảm thấy mình bị cản trở bởi chất liệu ấy, thay vì được nó trợ giúp, thì tức là bạn vẫn chưa thành thạo, giống như một nhà thơ phàn nàn về sự khó khan khi bị bó buộc bởi vần và nhịp. Những hạn chế đặc biệt của chất liệu phải là niềm vui với bạn, không được là trở ngại: một nhà thiết kế, bởi vậy, luôn hiểu rõ các quy trình sản xuất đặc biệt liên quan đến công việc của anh ta, nếu không kết quả chỉ thuần là một tour de force. Mặt khác, chính niềm vui khi hiểu được khả năng của một chất liệu đặc biệt, và sử dụng chúng để gợi ý (không phải để mô phỏng) vẻ đẹp và sự ngẫu nhiên của tự nhiên, tạo nên lý do tồn tại của nghệ thuật trang trí.

Công Hiện dịch 

chữ

giấy

 

favorites
Thêm vào giỏ hàng thành công