f. vẽ ra một phòng có ba người. A(nh), C(hị), E(m). Chị nhìn thấy em. Anh thì thấy chị. Anh và em không nhìn thấy nhau nhưng nghe thấy nhau.
C: Anh ơi, vì sao quyển thơ lần này mình lại làm giấy mỹ thuật hoàn toàn, cả ruột lẫn bìa? Ý em là, có sợ bội thực không? Em vẫn chưa hình dung được ruột mỹ thuật khác ruột thường như thế nào cho một quyển sách chữ chứ không phải là hình.
A: Chúng ta vẫn hướng đến việc làm một quyển sách cho ra quyển sách mà. Loại giấy gọi tên là "mỹ thuật" thật ra mới đúng là giấy.
C: Vì sao ạ?
A: Em sờ vào nó sẽ thấy. Nó mềm, xốp, không có mùi hương liệu hay chất tẩy (trắng hoặc làm cho ngà độ trắng). Nó ngậm mực tốt, có độ sâu, bền màu và không làm cho quyển sách bị vặn.
C: Tức là nó có phẩm cách của vật chất.
A: Vâng.
Giấy được tinh tẩy công nghiệp quá nhiều, thì nhìn rất đẹp, mịn, nhưng cứng và rất sắc. Khi gia công, tức là gò thành một tập, khâu chỉ, keo gáy và cố định lại với bìa, thành phẩm, nghĩa là khi nó mang hình hài của quyển sách thì nhìn rất thích, vì gọn đẹp mắt. Thế nhưng khi nó thực sự là quyển sách: nghĩa là mở ra, đọc, gập lại, rồi lại mở ra, nó sẽ nhanh chóng xuống cấp.
C: Vì sao hả anh?
A: Mọi thứ trở nên xơ cứng.
C: Nhưng chuyện xuống cấp không phải ở chuyện giữ cho lúc nào cũng mới phải không? Ví dụ bìa kỳ hạ có nhiều người nói (đúng) là sẽ khó bảo quản, cũ nhanh Em công nhận là cũ nhanh, nhưng cũ không phải là xuống cấp. Xuống cấp giống như là trơ ra, không mềm đi được, không tender bởi thời gian được, không trở nên pure được.
E: Em thích cái ý nhanh chóng xuống cấp, vì chẳng có gì là mãi mãi. Chị nhìn vân giấy này.
C: Nhưng tại sao phải có vân nhỉ? Em chụp như thế này chị mới thấy xao xuyến.
E: Để bám vào.
C: Bám vào rồi cũng bay đi mà.
E: Bay đi, nhưng sẽ khác kiểu bay của mực khi in mà không bám vào giấy. Sẽ loang lổ. Sẽ thế này này chị (chỉ). Sẽ trơn như lá khoai ấy. Để em nghĩ xem nào, giống như tưới nước vào đất với lá. Đất thấm còn lá trôi. Sao tự dưng mình thơ thế nhỉ? Tối qua chả ngủ được mấy.
C: Nào, chỉ cho chị tiếp đi nào. (Quay sang) Mực ngấm vào giấy thì có giống đất ngấm vào nước không anh? Nhưng em thấy nó khác ở chỗ in lên giấy này có độ 3D, có cảm giác về vật chất chứ không phải chỉ virtual.
A: Độ sâu (density) mà nó chứa là không thể bắt chước với công nghệ ngày nay.
C: Giống như ảnh film có grain. Ảnh film còn được tạo ra bởi nhiều layer nữa, giống các bậc thầy hội họa tạo ra màu bằng cách chồng nhiều lớp màu lên nhau chứ không chỉ trộn màu trên bảng.
A: Ừ. Màn hình máy tính chẳng hạn, từ khi ra đời làm hỏng không biết bao nhiêu đôi mắt và khả năng nhìn thấy màu và sắc trong tự nhiên. Quyển thơ illo đợt này quan trọng vì nó làm cho nhà in cũng như chúng ta thấy là có thể làm được thật với loại giấy đúng (mà thông thường mọi người sẽ bị chặn lại vì giá).
C: Làm được thật tức là thế nào ạ? Ý em là, tức là có phải nó cho thấy vấn đề không nằm ở giá, mà là ở đôi mắt không? Đôi mắt không có khả năng phân biệt nên dẫn đến những cái tên sai, như “đặc biệt” hay “mỹ thuật.” Nhưng làm gì có "đặc biệt." Chí có có phẩm cách hay không có phẩm cách, và ở mức nào. Còn "mỹ thuật" thì phải hiểu giống như Hệ thống mỹ thuật của Alain: đẹp tức là đúng.
A: Có vô số ví dụ như thế về vật liệu: những cái tên nhập nhằng. Ví dụ, khi có một vật liệu đúng là nó, người ta sẽ gọi là "xịn" - như thể nó khác thường. Mica chẳng hạn, mica thường mà em thấy ở ngoài kia được gọi là mica (bất kể là hàng ở đâu), riêng mica Nhật thì được gọi là mica Nhật. Đó là vì mica mà họ đang sử dụng là nhựa, còn mica 'Nhật' thì đúng là mica. Nó là một loại khoáng sản, rất cứng và trong hơn kính.
C: Thế thì giống như lụa. Lụa cũng bị gọi lung tung như thế.
A: Em hiểu rồi đó. Cứ như thể có một cơ chế khiến cho mọi thứ lệch đi, rồi trở thành bình thường.
C: Nhưng vấn đề có phải nằm ở chuyện truy về nguồn: vật liệu tự nhiên/ organic vs nhân tạo không? Em vẫn thấy nhị nguyên ấy là một sự đánh tráo khái niệm.
A: Không hề. Cái gì cũng nhân tạo theo nghĩa có bàn tay con người cả. Có lẽ là yếu tố lợi ích.
C: Cái đó thì quá rõ. Nhưng nếu vậy, phẩm cách của vật liệu nằm ở đâu, nếu không nằm ở nhị nguyên tự nhiên - nhân tạo? Em nghĩ nằm ở chuyện authentic. Thật vs rởm - nhưng không hề giống như chuyện hàng hiệu thật vs rởm. Chẳng giống một chút nào. Thật quái đản những trò environmentalist với minimalist kiểu chủ nghĩa tiêu dùng: vứt hết đồ trong nhà đi rồi sắm cùng tông của một brand. Hôm nay sống xanh ngày mai sống tím ngày kia sống hồng.
Nhưng anh nhìn này. Tự Nguyên gửi. Đẹp hơn màu thiết kế trên màn hình.
A: Tất nhiên. Giấy đúng là giấy sẽ ra màu như thế.
C: Tức là đẹp hơn virtual ạ? Nhưng tại sao lại đẹp hơn?
A: Con mắt người công nghệ thời nay mới nhìn thì chối, nhưng càng nhìn lại càng thấy quyến rũ mà không lý giải nổi tại sao.
C: A em biết rồi, vì nó có nền, có các tầng. Nó không trôi nổi.
A: Digital có một điểm dở, là nó chói. Nó nhất định phải có 'đèn'. Em hiểu chứ, đèn chiếu phía sau. Cái 'đẹp' của digital mình không ngắm lâu được.
C: Không contemplate được. Không dwell trong nó được, em cũng không biết giải thích thế nào, nhưng đúng là thế. Nhìn được, react được nhưng không ngắm được. Đúng cái từ ấy anh ạ: không đằm. Một bề mặt đằm thì để mình lún xuống, bọc lấy mình. Giống cái chăn lông ngỗng.
E: Nghe chị tả em buồn ngủ thế. Hôm nay người em cứ nặng trịch.
C: Nặng hết đi cho nổi lên.
(còn nữa)
Huỳnh Bất Thức ghi