Tục-ca-lệ
146 trang
11,5 x 18 cm
Hài-kịch của LESAGE tiên-sinh
(là người làm truyện Gil-Blas de Santillane)
soạn ra
NGUYỄN-VĂN-VĨNH
diễn quốc-âm
~~~~~~~~~
1929
ÉDITIONS DU TRUNG-BẮC-T N-VĂN
68, Rue Jules-Ferry
HANOI
TỰA
Lịch-truyện Le Sage tiên-sinh thì đã kể ở đầu truyện Gin Ba-la rồi. Các ngài đọc sách, hẳn ai cũng biết cái văn nhạo đời của tiên-sinh ở trong bộ Gin Ba-la. Nay tôi lại lục ra một bài diễn-kịch này của tiên-sinh. Lối văn bỉ-báng đời ấy mới lại là độc-địa; độc-địa đến nỗi khi tiên-sinh sắp đem ra diễn trên sân khấu, có nhiều kẻ chạm nọc phải đến van-lạy xin chịu nhiều tiền cho tiên-sinh, để tiên-sinh đừng cho diễn.
Số là tiên-sinh thời ấy gặp phải buổi phong-tục bại-hoại, nhân-tâm nham-hiểm, những kẻ đê-tiện làm nên giàu-có, hay ỷ của mà làm nhiều điều thất-đức, thế-tục ấy dẫu nước nào cũng đã trải qua. Tiên-sinh khinh ghét đời mà làm ra bài hài-kịch này, để tả nhân-tình thế-thái một thời. Có kẻ hẹp suy thì bảo rằng không nên dịch, nhưng dịch-giả nghĩ chín, thì tưởng cũng là một truyện răn đời. Trong xã hội ta đương lúc này rất nên có những thứ văn ấy.
Nghĩa-lý cả bài tuồng này, tóm lại ở một câu nói của thằng Phòng-tinh, là đứa ở nhà vũ-sĩ, khi nó nói với chủ nó rằng: “Thầy trò nhà ta xâu-xé một mụ điếm-đàng, mụ điếm-đàng lại bóp cổ mổ họng một gã nhà buôn, gã nhà buôn ấy lại cướp của nhà buôn khác. Thành ra một cuộc gian-dối quanh nhau rất nực cười.” Mụ điếm-đàng nói chuyện đó là một vị nam-tước phu-nhân, lai-lịch không ai được rõ lắm, người đâu trơ-tráo lạ đời, một mình khéo đãi hai người cùng say! Hai người say mê gái ấy, một là chàng Tục-ca-lệ, thật tình đắm-đuối, nhà lại có của, bao nhiêu tiền cũng chịu mất; hai là chàng vũ-sĩ kia, là chỗ bạn tri-kỷ của má-hồng này, cũng một đời đàn ông mạt kiếp, giả yêu đương người ta mà bòn lấy trăm nghìn. Vả mụ cũng là một gái khôn-ngoan, chiều cả hai thì chiều, mà lòng cũng đã quyết cuộc trăm năm chưa phải nơi định được bên nào cả. Trong ba vai tuồng ấy thì người đáng ghét ít nhứt, có lẽ lại là gã Tục. Gã vốn là người tàn-nhẫn, làm nên giàu-có, bóp cổ mổ họng người ta, cho vay một vốn bốn lãi nên có tư-bản; vậy mà trời xui ở ác gặp ác, lại đi làm quen ngay với bọn này, bụng-dạ nó nham-hiểm không kém gì mình, mà nó lại khôn hơn mình một chút, say mê nó, để nó lừa, nó dối, nó kéo, nó lôi, nó vặt lông, nó bóp cổ, trăm vành trăm vẻ, khiến cho người xem truyện ai cũng phải khinh phải ghét, mà khinh ghét nhưng cũng lại thương tình.
Ba người ấy là ba vai chính. Còn có mấy vai nữa, tác-giả tả cũng thần-tình, như vai Vơ-vét, là người tin-cẩn của lão Tục-ca-lệ, chủ bảo sao, thì làm vậy, thật là một vị hung-thần của vị hung-thần. Như vai mụ Gia-cộp, là chị của Tục lang, làm nghề bán vải bán áo, lại kiêm-quản chức bà mai; vai mụ Tục-ca-lệ, là chính-thất của Tục lang, phụ-nữ thường tình, ghen-tuông là thói, nay đi bắt, mai lại đi bắt anh chàng, làm ra lắm trò ngược mắt. Sau nữa đến vai thằng Phòng-tinh, là thằng ở của vũ-sĩ, là một cái tiêu-biểu kẻ vũ-phu, đê-mạt mà làm nên, làm cho người thiển-kiến nhiều khi phải than rằng câu ác giả ác báo là câu nói dối đời. Kết cục duy có nó là được hưởng cả những sự ngông dại của lũ gian-ác kia. Cho nên câu kết bài hài-kịch này là câu của nó: “Thôi, nay thời-vận Tục công đã là hết. Thời-vận của ta khởi từ nay”.
Bài tuồng này rất vui mà vui cay-đắng, tác-giả thật là một nhà có lịch-duyệt, tài riêng một lối tả chân, đã khéo vẽ trong văn-tự cái chân-tướng một thời rất suy-đồi bên nước Đại-pháp, là hồi năm 1709.
Trong nghề diễn-kịch, bài này là bài thứ nhứt tả rõ cái oai đồng tiền, và những tính-tình của kẻ có tiền mà không có đức.
In lại bản dịch đầu tiên thực hiện bởi dịch giả Nguyễn Văn Vĩnh cách đây một thế kỷ, Tục-ca-lệ thuộc bộ sách Quốc-ngữ gồm chín quyển:
Moliere, Bệnh tưởng
Moliere, Người biển lận
Moliere, Trưởng giả học làm sang
Lesage, Tục ca lệ
Fénelon, Tê-lê-mặc phiêu lưu ký
Balzac, Miếng da lừa
Alexander Dumas, Ba người ngự lâm pháo thủ
Lesage, Truyện Gil-Blas (hai tập)
Có thể đặt cả bộ Quốc-ngữ tại đây. Quà tặng đi cùng bộ sách này là quyển Đoản luận giáo dục của triết gia Alain, một độc giả lớn của các tác giả thuộc bộ sách trên, nhất là Fénelon và Balzac.