Tóibín: Nhà ảo thuật
Ngoài The Master viết về Henry James, Colm Tóibín còn viết một tiểu thuyết khác lấy Thomas Mann làm trung tâm của sự chiêm ngưỡng. The Magician (Nhà ảo thuật) khiến người ta liên tưởng tới người mang mặt nạ với tài biến ra các ảo ảnh, chính là cách Tóibín hình dung về bản chất con người và sự nghiệp của nhà văn Đức lừng danh của thế kỷ XX ấy.
Tiểu thuyết dẫn dắt người đọc qua gần trọn cuộc đời Mann – từ tuổi thơ ở thành phố cảng Lübeck cuối thế kỷ 19, thành danh với tiểu thuyết Buddenbrooks [Gia đình Buddenbrook], đến giai đoạn lưu vong tìm nơi trú ẩn khỏi chủ nghĩa Quốc xã tại Hoa Kỳ và những năm tháng cuối đời ở Thụy Sĩ. Thế nhưng không dừng lại ở việc liệt kê các mốc tiểu sử khô cứng, Tóibín thực hiện một màn giải phẫu tinh vi các lớp mặt nạ và đồng thời cho thấy cách chúng được xếp chồng tỉ mỉ qua thời gian từ khi Thomas Mann còn là cậu bé vụng về, cố gom giấu các bản dạng trước cái nhìn sắc bén của anh trai Heinrich Mann. Những contradictions nơi Thomas Mann cũng từng được một nhà văn khác nhận ra, là Javier Marías.
Dưới đây là chương mở đầu của The Magician.
Cho Nan Graham
Nhà ảo thuật
Chương 1: Lübeck, 1891
Mẹ của cậu chờ ở trên gác trong khi gia nhân thu áo khoác, khăn quàng và mũ từ các vị khách. Cho tới lúc mọi người được đưa vào phòng khách, Julia Mann vẫn ở lại trong phòng riêng. Thomas, anh trai Heinrich và hai chị em Lula cùng Carla đứng trên chiếu nghỉ tầng một để quan sát. Họ biết chẳng bao lâu nữa mẹ sẽ xuất hiện. Heinrich phải nhắc Carla giữ im lặng, nếu không họ sẽ bị bắt đi ngủ và bỏ lỡ khoảnh khắc quan trọng ấy. Em út Viktor thì đang ngủ trên gác.
Với mái tóc được cặp gọn ra phía sau và cột bằng một dải nơ màu, Julia bước ra khỏi phòng ngủ. Chiếc váy bà mặc màu trắng, đi đôi giày đen được đặt riêng từ Majorca trông đơn giản như giày của vũ công.
Bà nhập vào đám khách với vẻ miễn cưỡng, tạo ấn tượng rằng chính lúc này đây bà đã, vừa đi khỏi cõi riêng thú vị hơn nhiều so với bữa tiệc đang diễn ra ở Lübeck này.
Khi bước vào phòng khách, sau một cái quét mắt khắp phòng, Julia chọn ra một người giữa các vị khách, thường là đàn ông, mà không ai ngờ tới như: Herr Kellinghusen, chẳng còn trẻ cũng chẳng hẳn già; hoặc Franz Cadovius, với cặp mắt lé di truyền từ mẹ; hay thẩm phán August Leverkühn, có môi mỏng và bộ ria cắt tỉa gọn gàng, và người đàn ông ấy sẽ trở thành tâm điểm chú ý của bà.
Sức hút của Julia đến từ vẻ mong manh và nét xa lạ toát ra một cách đầy quyến rũ.
Thế nhưng trong ánh mắt lấp lánh của bà vẫn ánh lên nét dịu dàng khi bà hỏi vị khách của mình về công việc, gia đình và những dự định cho mùa hè. Và nhân nhắc đến mùa hè, bà sẽ tò mò muốn biết độ tiện nghi tương đối của các khách sạn ở Travemünde, rồi sau đó lại hỏi về những khách sạn sang trọng ở những nơi xa xôi như Trouville, Collioure, hay một khu nghỉ mát nào đó ven biển Adriatic.
Và chẳng bao lâu sau bà sẽ đặt một câu hỏi gây bối rối. Bà hỏi vị khách nghĩ gì về một người phụ nữ hoàn toàn đứng đắn và đáng kính trong nhóm bạn bè chung. Câu hỏi như ngầm khơi ra đời sống riêng tư của người phụ nữ đang là đề tài gây bàn tán và nghi ngờ trong giới thị dân của thị trấn. Có thể là Frau Stavenhitter trẻ tuổi, hay Frau Mackenthun, hoặc Frau Distelmann già. Cũng có khi là một người nào đó kín kẽ và khó đoán hơn. Và khi vị khách lúng túng đáp họ chẳng biết gì ngoài những chuyện tốt đẹp, rằng người phụ nữ kia thực ra hết sức bình thường, thì mẹ của Thomas sẽ bày tỏ ý kiến rằng theo quan sát thấu đáo của mình, bà nhận thấy người phụ nữ kia thật tuyệt vời, thật quyến rũ và Lübeck quả thực may mắn khi có một người như vậy. Bà sẽ nói theo lối tiết lộ một bí mật, một điều gì cần được giữ kín tuyệt đối, một chuyện mà chồng bà - vị thượng nghị sĩ - cũng chưa từng biết.
Sáng hôm sau, tin tức sẽ lan truyền về dáng điệu của mẹ họ cùng người mà bà đã nhắm tới; rồi chẳng mấy chốc cả Heinrich lẫn Thomas sẽ nghe được câu chuyện ấy từ đám bạn học, như thể đó là một vở kịch hiện đại vừa được đem từ Hamburg về biểu diễn.
Vào buổi tối, nếu thượng nghị sĩ bận họp, hoặc vào những lúc Thomas và Heinrich đã luyện đàn xong, ăn tối xong và thay đồ ngủ, thì bà mẹ sẽ kể cho họ nghe về quê hương nơi bà sinh ra, Brazil, một đất nước rộng lớn đến mức theo lời bà, chẳng ai biết được có bao nhiêu người đang sống ở đó, họ như thế nào, hay họ nói những ngôn ngữ gì. Một xứ sở rộng gấp vạn lần nước Đức, nơi không bao giờ có mùa đông, không có sương giá hay cái lạnh thật sự và, ở đó có một con sông tên là Amazon, dài gấp mười lần sông Rhine, rộng cũng gấp mười lần với vô số nhánh sông nhỏ đổ vào nó, len lỏi sâu vào trong rừng, nơi có những cây cao hơn bất kỳ loài cây nào ở bất kỳ chỗ nào trên thế giới cùng những con người mà chưa ai từng hoặc có thể thấy, bởi họ hiểu khu rừng hơn bất cứ ai và họ sẽ lẩn đi nếu có người là xuất hiện.
“Mẹ kể về những ngôi sao đi,” Heinrich sẽ nói.
“Ngôi nhà của chúng ta ở Paraty nằm ngay trên mặt nước,” Julia sẽ đáp. “Nó gần như là một phần của mặt nước, giống như một con thuyền vậy. Và khi đêm xuống, khi ta có thể nhìn thấy những vì sao, chúng sáng rực và lơ lửng sát tầm mắt. Ở miền Bắc này những ngôi sao lúc nào cũng thật cao và xa. Còn ở Brazil, chúng hiện ra như mặt trời giữa ban ngày. Bản thân chúng là những mặt trời nhỏ, lấp lánh và gần chúng ta, nhất là với những ai sống gần sông nước. Mẹ của mẹ từng nói rằng có những đêm người ta có thể đọc sách ở phòng trên lầu chỉ nhờ ánh sáng của những ngôi sao phản chiếu trên mặt nước. Và người ta thậm chí còn không ngủ được trừ khi đóng chặt các cửa chớp để ánh sáng không rọi được vào. Khi mẹ còn là một cô bé, trạc tuổi các chị của các con bây giờ, mẹ thật sự tin rằng cả thế giới đều như thế. Điều khiến mẹ choáng váng trong đêm đầu tiên ở Lübeck là không sao nhìn thấy một ngôi sao nào. Chúng bị mây phủ kín hết.”
“Mẹ kể về con tàu đi.”
“Đến giờ ngủ rồi.”
“Mẹ kể chuyện đường đi mà.”
“Tommy, con biết chuyện đường rồi còn gì.”
“Nhưng mẹ kể lại một chút xíu nữa thôi được không?”
“Thì, tất cả kẹo hạnh nhân làm ra ở Lübeck đều dùng đường đến từ Brazil. Cũng như Lübeck nổi tiếng vì kẹo hạnh nhân thì Brazil nổi tiếng vì đường. Vậy nên khi những người dân tốt bụng ở Lübeck cùng con cái họ ăn kẹo hạnh nhân vào đêm Giáng Sinh, họ đâu biết rằng mình đang ăn một phần của Brazil. Họ đang ăn thứ đường vượt biển xa xôi đến đây chỉ để dành riêng cho họ.”
“Tại sao mình không tự làm đường hả mẹ?”
“Câu đó con phải hỏi cha con rồi.”
Nhiều năm sau, Thomas tự hỏi liệu việc cha mình chọn kết hôn với Julia da Silva-Bruhns - người mà theo lời đồn, trong huyết quản có mang dòng máu của thổ dân Nam Mỹ thay vì cưới một cô gái đứng đắn thuộc dòng dõi giàu có lâu đời của giới buôn tàu hay ngân hàng ở Lübeck - phải chăng chính là khởi đầu cho sự suy tàn của dòng họ Mann, là dấu hiệu cho thấy một cơn khát hướng về cái kỳ lạ phong phú đã len vào tinh thần của gia đình vốn xưa nay chỉ biết ham chuộng những gì đứng đắn và chắc chắn sinh lợi.
Ở Lübeck, người ta vẫn nhớ đến Julia như một cô bé nhỏ nhắn, lần đầu xuất hiện cùng chị gái và ba người anh sau khi mẹ họ qua đời. Họ được một người chú nhận nuôi và khi vừa đặt chân tới thành phố này, cả lũ trẻ không nói nổi một từ tiếng Đức. Họ bị quan sát bằng ánh mắt nghi ngại từ những nhân vật như Frau Overbeck, nổi tiếng là người trung thành với lề lối của Giáo hội Cải cách.
“Tôi đã thấy bọn trẻ ấy làm dấu thánh giá một lần khi đi ngang nhà thờ Marienkirche,” bà nói. “Có thể việc buôn bán với Brazil là cần thiết, nhưng tôi chưa từng nghe có tiền lệ nào một thị dân Lübeck lại đi cưới một phụ nữ Brazil cả, tuyệt nhiên không.”
Julia, khi kết hôn mới mười bảy tuổi, hạ sinh năm người con. Chúng mang dáng vẻ trang nghiêm đúng như kỳ vọng dành cho con cái của một vị thượng nghị sĩ, nhưng đồng thời còn có vẻ kiêu hãnh đầy ý thức, một sự phô diễn gần như hữu ý, thứ mà Lübeck chưa từng thấy trước đó và khiến Frau Overbeck cùng nhóm bạn của bà chỉ mong sẽ không trở thành mốt.
Chính vì cuộc hôn nhân khác thường ấy mà vị thượng nghị sĩ - hơn vợ mười một tuổi - bắt đầu được nhìn bằng ánh mắt pha lẫn chút kính nể, như thể ông vừa đầu tư vào tranh Ý hay đồ sứ majolica quý hiếm chỉ để chiều theo một gu thẩm mỹ mà bấy lâu nay ông và dòng tộc vẫn cố gắng giữ gìn trong khuôn phép.
Trước khi rời nhà đi lễ vào sáng Chủ nhật, lũ trẻ nhà Mann phải đứng xếp hàng để người cha xem xét kỹ lưỡng trong khi bà mẹ cố tình trì hoãn bằng cách nán lại trên gác trong phòng thay đồ, thử hết chiếc mũ này đến đôi giày khác. Heinrich và Thomas phải làm gương bằng cách giữ gương mặt thật nghiêm nghị, còn Lula và Carla thì cố gắng đứng yên.
Đến khi Viktor chào đời, Julia đã bớt để tâm hơn đến những quy tắc nghiêm ngặt mà chồng bà đặt ra. Bà thích các cô con gái được đeo nơ sặc sỡ, mang tất màu và cũng không phản đối việc các cậu con trai để tóc dài, cư xử thoải mái hơn.
Julia ăn mặc rất lịch thiệp mỗi khi đi lễ, thường chỉ chọn một tông màu duy nhất - chẳng hạn tông xám hoặc xanh thẫm với tất và giày cùng màu; điểm nhấn duy nhất có chăng là một dải ruy băng đỏ hoặc vàng gắn trên mũ. Chồng bà thì nổi tiếng với những đường cắt chuẩn xác từ thợ may ở Hamburg và vẻ ngoài không tì vết. Vị thượng nghị sĩ thay áo sơ mi mỗi ngày, có khi đến hai lần một ngày, và sở hữu một tủ quần áo rất phong phú. Bộ ria của ông được tỉa theo kiểu Pháp. Trong sự chỉn chu đến cầu kỳ ấy, ông đại diện cho hình ảnh vững chắc của hãng kinh doanh gia đình - cả thế kỷ nề nếp và vị thế trong xã hội; nhưng qua sự xa hoa của tủ áo quần, ông cũng ngầm bày tỏ quan điểm riêng rằng mang họ Mann ở Lübeck không chỉ là chuyện tiền bạc hay buôn bán, mà còn gợi đến một lối sống tiết độ đi cùng với cảm quan thẩm mỹ được cân nhắc kỹ lưỡng.
Điều khiến ông khiếp đảm là trên quãng đường ngắn từ nhà họ Mann ở phố Beckergrube đến nhà thờ Marienkirche, Julia thường tươi cười gọi tên người này người kia, hồ hởi chào hỏi họ một cách hoàn toàn tự nhiên và cởi mở; đó là điều mà trước nay chưa ai từng làm vào buổi sáng Chủ nhật trong lịch sử Lübeck, việc này càng khiến Frau Overbeck và cô con gái già tin chắc rằng, trong thâm tâm, Frau Mann vẫn là một người Công giáo.
“Cô ta màu mè và phù phiếm, mà đó chính là dấu hiệu của người Công giáo,” Frau Overbeck nói. “Và cái dải ruy băng trên mũ thì đúng là trò lố bịch.”
Ngay trong nhà thờ Marienkirche, khi đại gia đình tụ họp, người ta nhận thấy Julia trông thật nhợt nhạt, và chính vẻ nhợt nhạt ấy, cùng mái tóc dày màu hạt dẻ và đôi mắt bí ẩn của bà lại mang đến nét quyến rũ lạ kỳ. Ánh mắt bà dừng lại nơi vị giảng đạo với một vẻ chế giễu nửa như che giấu, nửa như cố ý để lộ - điều vốn hoàn toàn xa lạ với sự nghiêm trang mà gia đình chồng bà hay bạn bè họ dành cho các nghi thức tôn giáo.
Thomas nhận ra rằng cha mình không thích nghe vợ nhắc đến thời thơ ấu ở Brazil, nhất là khi các cô con gái có mặt. Nhưng ông lại rất vui mỗi khi Thomas ngỏ ý muốn ông kể về nước Đức xưa, về thành Lübeck thuở ban đầu và giải thích quá trình hãng buôn gia đình phát triển từ những khởi điểm khiêm tốn ở Rostock. Cha cậu có vẻ đặc biệt hài lòng mỗi lần Thomas ghé qua văn phòng trên đường đi học về, ngồi xuống lắng nghe ông nói về tàu thuyền, nhà kho, đối tác ngân hàng và các khoản bảo hiểm rồi sau đó còn nhớ được những điều đã được nghe kể.
Ngay cả những người anh em họ xa cũng tin rằng, trong khi Heinrich mơ mộng và bất cần như mẹ, suốt ngày vùi đầu vào sách vở, thì Thomas, lúc nào cũng tỉnh táo và nghiêm nghị, mới chính là người sẽ đưa hãng buôn gia đình bước sang thế kỷ tiếp theo.
Khi các cô bé lớn dần, mỗi khi cha vắng nhà - đến câu lạc bộ hay đi họp ở đâu đó - lũ trẻ lại tụ tại phòng thay đồ của mẹ và Julia sẽ tiếp tục kể những câu chuyện về Brazil. Bà kể về màu trắng tinh của quần áo người ta mặc ở đó, về việc giặt giũ nhiều đến mức ai cũng trông đặc biệt và xinh đẹp - cả đàn ông lẫn phụ nữ, cả người da đen lẫn người da trắng.
“Họ cười vì chuyện gì buồn cười ạ?” Heinrich hỏi.
“Chỉ cười thôi. Họ vẫn thế mà.”
“Nhưng cười vì cái gì mới được ạ?”
“Con yêu, mẹ cũng không biết. Nhưng họ cười, thế thôi. Đôi khi vào ban đêm mẹ vẫn nghe thấy tiếng cười đó. Nó đến theo cơn gió.”
“Mình có thể đến Brazil không mẹ?” Lula hỏi.
“Mẹ không nghĩ cha con muốn mấy đứa sang Brazil đâu,” Julia đáp.
“Nhưng khi bọn con lớn thì sao ạ?” Heinrich hỏi.
“Chúng ta không bao giờ biết được điều gì sẽ xảy ra khi lớn lên,” bà nói. “Biết đâu lúc đó các con có thể đi bất cứ đâu. Bất cứ đâu!”
“Con thì muốn ở lại Lübeck,” Thomas nói.
“Cha con mà nghe vậy sẽ mừng lắm,” Julia đáp.
Thomas sống trong thế giới mộng tưởng của riêng mình nhiều hơn cả anh trai Heinrich, mẹ hay các chị em gái. Những cuộc trò chuyện với cha về nhà kho mới chỉ là một phần của thế giới tưởng tượng nơi cậu đôi khi hình dung mình là một vị thần Hy Lạp, hay nhân vật trong một bài đồng dao, hoặc một người phụ nữ trong bức tranh sơn dầu treo ở cầu thang mà cha cậu đã chọn với gương mặt ánh lên vẻ khắc khoải, nồng nàn, chờ đợi. Thỉnh thoảng cậu không chắc rằng mình có thực sự già dặn và mạnh mẽ hơn Heinrich hay không, hoặc rằng mỗi ngày cậu có thật sự cùng cha đến văn phòng như một người ngang hàng, hoặc rằng cậu không phải là Matilde - người hầu gái của mẹ, người trông coi phòng thay đồ, luôn luôn đảm bảo giày dép của mẹ luôn có đôi, những chai nước hoa không bao giờ cạn, và những món riêng tư của mẹ đều nằm đúng ngăn kéo, khuất khỏi tầm mắt tò mò của cậu.
Mỗi lần nghe người ta bảo cậu mới là người sẽ toả sáng trong giới thương trường, mỗi lần khiến khách khứa ấn tượng vì biết rõ những lô hàng sắp cập bến, tên tàu và những hải cảng xa xôi, Thomas gần như rùng mình khi nghĩ rằng nếu họ biết cậu thực sự là ai, hẳn họ sẽ nhìn cậu bằng con mắt rất khác. Nếu họ có thể bước vào trong đầu cậu, thấy được đêm đêm, thậm chí cả ban ngày, cậu vẫn cho phép mình hóa thân thành người phụ nữ trong bức tranh treo ở cầu thang với bao khát khao rạo rực; hoặc thành một kẻ lãng du mang theo thanh kiếm hay một khúc hát, thì họ hẳn sẽ chỉ lắc đầu kinh ngạc vì cậu đã lỡm họ quá khéo, giành được sự tín nhiệm của cha một cách tài tình mà rốt cuộc chỉ là một kẻ mạo danh, một tay lừa lọc không đáng tin.
Heinrich, dĩ nhiên, hiểu rất rõ mình là ai, và cũng đủ nhạy cảm để nhận ra đời sống mộng tưởng của cậu em trai không chỉ rộng lớn mà còn mãnh liệt hơn mình rất nhiều. Chính vì thế, cậu từng cảnh báo rằng người em rằng càng che giấu giỏi bao nhiêu, Thomas càng dễ bị phát hiện bấy nhiêu. Khác với em trai, Heinrich không giấu giếm bất cứ thứ gì trong gia đình. Niềm say mê của cậu, khi bước vào tuổi thiếu niên dành cho Heine, Goethe, Bourget hay Maupassant biểu lộ rõ ràng không khác nào sự thờ ơ đối với tàu thuyền và nhà kho. Cậu thấy những thứ đó thật ngu xuẩn, và dù người cha có răn đe đến đâu cũng không khiến cậu có chút mảy may với công việc kinh doanh của gia đình.
“Lúc ăn trưa anh thấy em đóng vai ông doanh nhân nhỏ rất đạt,” Heinrich nói với Thomas. “Ai cũng bị em qua mặt, trừ anh. Bao giờ em mới nói cho họ biết là em chỉ đang đóng kịch?”
“Em không hề đóng kịch.”
“Chẳng có một từ nào em nói là thật lòng.”
Heinrich đã dần hình thành một lối sống tách biệt hoàn toàn khỏi những mối bận tâm chính của gia đình, đến mức cha cậu cũng quen với việc để mặc cậu một mình, thay vào đó dồn sức chỉnh đốn những lỗi nhỏ trong cung cách và dáng điệu của cậu con trai thứ cùng hai cô con gái. Julia từng cố gắng gợi cho Heinrich hứng thú với âm nhạc nhưng cậu không còn muốn chơi đàn piano hay violin nữa.
Thomas nghĩ rằng, nếu không vì tình cảm sâu đậm dành cho cô em gái Carla, có lẽ Heinrich đã hoàn toàn tách mình khỏi gia đình. Hai người cách nhau đến mười tuổi nên tình cảm của Heinrich dành cho Carla giống một người cha hơn là một người anh. Từ khi cô bé còn bế ngửa cậu đã bồng bế nó quanh nhà. Về sau, cậu dạy cô bé chơi bài rồi cùng chơi trò trốn tìm chỉ có hai người.
Tình cảm mà cậu dành cho Carla khiến người khác nhìn thấy ở cậu sự dịu dàng và chu đáo. Mặc dù vẫn có bạn bè và những thú vui đàn ông khác, Heinrich luôn luôn dịu dàng mỗi khi Carla cần đến. Nếu Lula tỏ ra ghen tị vì em gái vì được quan tâm hơn, Heinrich cũng cố gắng giúp cô nhập cuộc. Nhưng Lula thường chóng chán vì cô em gái và người anh lớn dường tồn tại một thứ ngôn ngữ riêng mà cách đùa giỡn chỉ hai người họ mới hiểu.
“Heinrich rất tốt bụng,” một người chị họ nhận xét. “Chỉ tiếc là cậu ấy không thực tế. Giá mà có thêm chút đầu óc làm ăn thì tương lai của cả nhà đã được bảo đảm rồi.”
“Còn có Tommy mà,” cô Elisabeth nói, quay sang Thomas. “Tommy sẽ đưa công ty bước vào thế kỷ hai mươi. Đó chẳng phải là kế hoạch của cháu sao?”
Thomas gượng cười, dù vẫn kịp nhận ra chút mỉa mai lấp lửng trong giọng bà cô.
Dù ai cũng cho rằng bản tính ngang ngạnh của Heinrich là do thừa hưởng từ mẹ, càng lớn cậu lại càng tỏ ra chán ngấy những câu chuyện của bà, cậu cũng chẳng có vẻ gì thừa hưởng sự mong manh tinh thần, hay niềm say mê với cái hiếm lạ, cái tinh tế mà bà có. Kỳ lạ thay, dù suốt ngày nói về thơ ca, nghệ thuật và những chuyến đi, Heinrich, với vẻ thẳng thắn và quyết liệt, lại đang, một cách vô thức, trở thành một người nhà Mann chính hiệu. Quả thật, mỗi lần nhìn thấy cậu đi ngang qua các con phố ở Lübeck, cô Elisabeth lại thích thú nhận xét rằng trông cậu giống hệt ông nội Johann Siegmund Mann, từ dáng đi nặng nề mà bà luôn luôn gắn với hình ảnh Lübeck xưa cũ, cho đến cái giọng chậm rãi, đĩnh đạc mang dấu ấn của dòng họ bên nội. Chỉ tiếc là cậu chẳng hề hứng thú với chuyện buôn bán.
Thomas hiểu rất rõ rằng công việc kinh doanh sẽ được giao lại cho cậu thay vì anh trai, rằng ngôi nhà từng thuộc về ông bà nội rồi sẽ trở thành lãnh địa của riêng cậu. Cậu tưởng tượng mình sẽ lấp đầy nó bằng sách. Cậu hình dung việc cải tạo lại các phòng tầng trên, chuyển văn phòng sang một tòa nhà khác. Cậu sẽ đặt sách từ Hamburg, giống như cha cậu đặt may quần áo, rồi từ những nơi xa hơn nữa, có thể là từ Pháp nếu cậu học được tiếng Pháp, hoặc từ London, khi tiếng Anh của cậu trôi chảy hơn. Cậu sẽ sống ở Lübeck theo cách chưa ai từng sống, điều hành một công việc kinh doanh đủ vững chỉ để nuôi dưỡng những mối bận tâm khác của cậu. Cậu nghĩ mình muốn cưới một cô vợ người Pháp. Cô ấy sẽ mang lại ánh hào quang cho cuộc đời họ.
Cậu hình dung một ngày mẹ mình sẽ đến thăm ngôi nhà trên phố Mengstrasse, khi cậu và vợ đã bài trí lại mọi thứ, và bà sẽ trầm trồ trước những gì họ đã làm, cây đàn piano mới mua, những bức tranh mang về từ Paris, những món đồ nội thất kiểu Pháp.
Càng lớn, Heinrich càng không ngần ngại nhắc cho Thomas biết rằng tất cả những cố gắng của cậu em để hành xử như một người mang họ Mann chỉ là giả tạo và điều đó ngày càng lộ rõ, nhất là khi Thomas bắt đầu đọc thơ nhiều hơn, không giấu nổi sự ham mê dành cho nghệ thuật và thỉnh thoảng còn để mẹ đệm đàn Bechstein cho mình chơi violin trong phòng khách.
Thời gian trôi qua và những nỗ lực giả vờ hứng thú với tàu bè, buôn bán của Thomas dần sụp đổ. Trong khi Heinrich ngày càng kiên quyết khẳng định tham vọng riêng, Thomas vẫn ngập ngừng và lẩn tránh, nhưng cậu cũng không thể che giấu việc mình đã thay đổi.
“Sao con không ghé văn phòng của cha nữa?” mẹ cậu hỏi. “Ông ấy đã nhắc mấy lần rồi đấy.”
“Ngày mai con sẽ qua,” Thomas đáp.
Nhưng trên đường từ trường về nhà, cậu lại chỉ nghĩ đến cảm giác yên bình trong chính ngôi nhà của mình, khi tìm được một chỗ khuất, lặng lẽ đọc sách hay buông mình cho những giấc mơ. Cậu tự nhủ sẽ đến văn phòng cha vào cuối tuần.
Thomas vẫn nhớ một buổi chiều trong ngôi nhà ở Lübeck, khi mẹ cậu đang ngồi bên cây đàn piano còn cậu thì chơi violin, đột nhiên Heinrich xuất hiện ở khung cửa không báo trước và lặng nhìn hai mẹ con. Thomas vẫn tiếp tục chơi, song cậu hoàn toàn nhận biết được sự hiện diện của anh trai. Hai người từng ngủ chung phòng nhiều năm nhưng bây giờ thì không.
Heinrich hơn cậu bốn tuổi, da trắng hơn và giờ đã trở thành một người đàn ông điển trai. Đó là điều Thomas để ý.
Heinrich, khi ấy mười tám tuổi, rõ ràng nhận ra mình đang bị cậu em trai quan sát. Trong một hay hai giây, có lẽ cậu cũng đã nhận thấy nơi ánh nhìn đó một thứ khao khát mơ hồ. Thomas nhớ bản nhạc hôm ấy chậm rãi, dễ chơi, có thể là một khúc đầu đời của Schubert viết cho piano và violin, hoặc cũng có thể là bản chuyển soạn từ một bài hát. Mẹ cậu đang chăm chú nhìn bản nhạc, không để ý tới ánh mắt hai người con trai nhìn nhau. Thomas cũng không chắc bà có nhận ra sự hiện diện của Heinrich hay không. Và rồi, khi mặt nóng bừng vì ngượng ngùng trước điều anh trai có thể đã nhận ra nơi mình, Thomas quay đi.
Khi anh trai đã đi khỏi, Thomas cố gắng tuyệt vọng để tiếp tục chơi violin cùng mẹ như thể chẳng có chuyện gì xảy ra. Nhưng rồi cuối cùng họ buộc phải dừng lại, cậu mắc quá nhiều lỗi khiến họ không thể tiếp tục.
Chuyện như thế không bao giờ lặp lại nữa. Heinrich chỉ cần cho em trai biết rằng mình đã nhìn thấu tâm hồn cậu. Chỉ vậy thôi. Nhưng ký ức thì vẫn còn nguyên: căn phòng, ánh sáng hắt qua khung cửa sổ dài, mẹ ngồi bên piano, còn cậu đứng bên cạnh, lặng lẽ cố gắng chơi đàn, và âm nhạc, những âm thanh dịu nhẹ họ tạo ra. Và mọi thứ trở lại bình thường, hoặc ít nhất là trông có vẻ bình thường nếu khi ấy có ai bước vào phòng.
Heinrich vui vẻ rời trường để đi làm ở một hiệu sách tại Dresden. Vắng anh trai, Thomas lại càng mộng mơ hơn. Cậu gần như không thể tập trung học hành hay lắng nghe thầy cô giảng dạy. Ở phía sau tâm trí, như một tiếng ì ầm không dứt, là ý đáng ngại rằng đến khi phải cư xử như một người trưởng thành, cậu sẽ trở thành kẻ vô dụng đối với bất kỳ ai.
Thay vào đó, cậu sẽ là hiện thân của sự suy tàn. Sự suy tàn sẽ hiện ra ngay trong âm thanh của những nốt nhạc cậu chơi mỗi khi tập violin, trong chính từng từ cậu đọc khi cầm một cuốn sách.
Cậu biết rằng mình đang bị để ý, không chỉ trong gia đình, mà cả ở trường, ở nhà thờ. Cậu thích lắng nghe mẹ chơi piano, thích đi theo bà vào phòng riêng. Nhưng cậu cũng thích được người ta chỉ trỏ khi đi ngoài phố, được kính nể như một người con nghiêm chỉnh của ngài thượng nghị sĩ. Cậu đã thấm nhuần nét tự phụ nơi cha, nhưng đồng thời cũng mang trong mình nét nghệ sĩ, bản tính thất thường của mẹ.
Một số người ở Lübeck cho rằng hai anh em nhà họ không chỉ là hiện thân cho sự suy tàn ngay trong chính gia đình, mà còn là điềm báo cho một thời kỳ suy nhược đang đến với cả thế giới, nhất là ở miền Bắc nước Đức, nơi khí chất nam nhi từng được coi là biểu hiện của lòng kiêu hãnh.
Thế là bao kỳ vọng được đặt cả vào cậu em út, Viktor, chào đời khi Heinrich đã mười chín và Thomas gần mười lăm.
“Vì hai cậu con trai đầu đã quá ham mê thơ phú,” cô Elisabeth nói, “chúng ta chỉ còn biết hy vọng rằng đứa bé này sẽ đem lòng yêu sổ sách và sổ cái.”
Vào mùa hè, trong một lần cả nhà tới Travemünde để nghỉ mát bốn tuần bên bờ biển, mọi ý nghĩ về trường lớp, thầy cô, ngữ pháp, phân số và cả những buổi thể dục khiếp hãi đều bị gạt bỏ.
Tại khách sạn ven biển, một nhà nghỉ kiểu Thụy Sĩ, Thomas, khi ấy mười lăm tuổi, tỉnh dậy trong căn phòng nhỏ ngăn nắp bày nội thất cổ điển với âm thanh của người làm vườn đang cào sỏi dưới bầu trời mùa hè sáng sủa của vùng Baltic.
Cùng mẹ và Ida Buchwald - người bạn đồng hành của bà, cậu dùng bữa sáng trên ban công phòng ăn hoặc dưới gốc cây dẻ cao lớn bên ngoài. Phía xa là bãi cỏ ngắn rồi đến lớp thực vật ven bờ cao hơn rồi cuối cùng là bãi cát trải dài.
Cha cậu dường lấy làm thích thú trước những thiếu sót vụn vặt của khách sạn. Ông cho rằng khăn trải bàn được giặt quá vội vàng còn khăn giấy thật tầm thường; loại bánh mì lạ lùng và những chiếc cốc đựng trứng bằng kim loại thì không thể chấp nhận được. Và rồi, sau khi nghe ông than phiền, Julia chỉ lặng lẽ nhún vai.
“Mọi thứ sẽ lại tươm tất khi chúng ta về nhà.”
Khi Lula hỏi mẹ vì sao cha họ hiếm khi cùng ra biển bà chỉ mỉm cười:
“Ông ấy thích ở khách sạn và không muốn ra biển. Vậy thì sao chúng ta phải ép ông ấy?”
Thomas cùng các chị em theo mẹ và Ida ra biển, cuộn mình trên những chiếc ghế do nhân viên khách sạn bày sẵn. Tiếng trò chuyện rì rầm giữa hai người phụ nữ chỉ ngưng lại khi có ai đó xuất hiện và lúc ấy cả hai sẽ ngồi thẳng dậy để xem đó là ai. Thế rồi khi sự tò mò được thỏa mãn, câu chuyện lại tiếp tục bằng một giọng thì thầm uể oải. Chẳng bao lâu sau, theo lời giục giã của họ, Thomas trong bộ đồ bơi tiến về phía sóng, rón rén từng bước, lúc đầu còn sợ lạnh, nhảy dựng lên mỗi khi một con sóng ập tới, rồi dần dần để mặc cho làn nước ôm lấy mình.
Trong những buổi chiều lê thê, có những giờ ngồi bên dàn nhạc, hoặc những lúc Ida đọc sách cho cậu nghe dưới hàng cây sau khách sạn, trước khi cả hai ra ngồi ở cuối con đê lúc chạng vạng, vẫy khăn tay chào những con tàu lướt qua. Rồi đến giờ ăn tối, và sau đó, Thomas thường ghé qua phòng mẹ để ngắm bà sửa soạn cho bữa tối ở hành lang kính của khách sạn, nơi bà dùng bữa với chồng giữa những gia đình không chỉ đến từ Hamburg mà còn từ Anh và cả nước Nga, trong khi cậu chuẩn bị lên giường đi ngủ.
Vào những ngày mưa, khi gió tây thổi dạt biển ra xa, cậu sẽ ở trước cây đàn piano đứng đặt trong sảnh khách sạn. Các phím đã mòn bởi bao bản valse từng chơi trên đó và cậu không thể tạo ra những âm thanh tròn trịa, ngân vang như chiếc đại dương cầm ở nhà, nhưng nó lại có một chất âm lạ lẫm, trầm khẽ như tiếng nước róc rách mà cậu biết mình sẽ nhớ khi kỳ nghỉ kết thúc.
Cha cậu, vào mùa hè năm đó, trở về Lübeck chỉ sau vài ngày, lấy cớ là có công việc khẩn cấp cần giải quyết. Nhưng khi quay lại ông không ăn sáng cùng mọi người, và dù trời có đẹp đến đâu, ông vẫn ngồi đọc sách trong phòng khách với một tấm chăn phủ trên người như tàn tật. Bởi ông không tham gia bất kỳ chuyến đi chơi nào cùng gia đình nên họ cư xử như ông vẫn chưa quay lại.
Chỉ đến một buổi tối, khi Thomas đi tìm mẹ và cuối cùng thấy bà đang ở trong phòng cha, cậu mới buộc phải để ý đến ông, người đang nằm trên giường, mắt nhìn trân trân lên trần nhà, miệng há hốc.
“Khổ thân ông ấy,” mẹ cậu nói, “làm việc đến kiệt sức. Kỳ nghỉ này sẽ giúp ông ấy hồi phục.”
Hôm sau, mẹ cậu và Ida vẫn theo lịch trình thường lệ, không hề nhắc gì đến việc họ đã để vị thượng nghị sĩ nằm lại trong phòng. Khi Thomas hỏi mẹ liệu cha cậu có bị ốm không, bà chỉ nhẹ nhàng nhắc lại việc ông từng trải qua một ca tiểu phẫu ở bàng quang vài tháng trước.
“Ông ấy vẫn đang hồi sức,” mẹ cậu nói. “Chẳng bao lâu nữa ông ấy sẽ lại chạy ùa ra biển thôi.”
Thật kỳ lạ, Thomas nghĩ, cậu hầu như không nhớ được lần nào cha mình từng bơi hay nằm trên bãi biển trong những kỳ nghỉ trước. Thay vào đó, cậu nhớ ông thường ngồi đọc báo trên ghế xếp ngoài hiên, bên cạnh là hộp thuốc lá Nga, hoặc đứng chờ bên ngoài phòng mẹ khi Julia còn mải mơ màng trong đó trước bữa tối.
Một ngày nọ khi họ đang đi bộ từ bãi biển trở về, mẹ cậu bảo cậu vào phòng thăm cha, nếu ông có yêu cầu thì có thể đọc sách cho ông nghe. Khi Thomas ngập ngừng, nói rằng cậu muốn nghe ban nhạc chơi, mẹ cậu vẫn khăng khăng bảo rằng cha đang trông mong cậu.
Trong phòng, cha cậu đang ngồi tựa trên giường, một tấm ga trắng tinh được vắt quanh cổ trong khi thợ cạo của khách sạn đang cạo râu cho ông. Ông gật đầu với Thomas và ra hiệu cho cậu ngồi xuống chiếc ghế gần cửa sổ nhất. Thomas thấy một cuốn sách đang mở úp mặt xuống và bắt đầu giở qua. Đây là kiểu sách mà Heinrich có thể đọc, cậu nghĩ. Cậu chỉ mong cha mình không yêu cầu cậu đọc cuốn sách này. Khi đã cạo xong một nửa khuôn mặt, người thợ lùi lại để ngắm nghía thành quả rồi tiếp tục tỉa những sợi lông quanh mũi và trên môi bằng một chiếc kéo nhỏ. Cha cậu nhìn thẳng về phía trước.
Rồi người thợ cạo lại tiếp tục công việc, cạo nốt phần bọt xà phòng còn lại. Khi đã xong, ông lấy ra một chai nước hoa, và trong lúc cha cậu nhăn mặt vì xót, ông xức nó thật hào phóng rồi vỗ tay hài lòng.
“Thế này thì các thợ cạo ở Lübeck chỉ có bỏ nghề,” ông nói, tháo tấm khăn trắng ra và gấp lại. “Rồi người ta sẽ đổ xô đến Travemünde chỉ để được cạo râu.”
Cha của Thomas nằm trên giường. Bộ đồ ngủ kẻ sọc của ông được ủi phẳng phiu. Thomas để ý thấy móng chân của cha được cắt tỉa gọn gàng trừ ngón út bên chân trái có móng quặp lại quanh ngón. Cậu ước gì có một chiếc kéo để thử cắt cho ngay ngắn. Rồi cậu chợt nhận ra đó là một ý ngớ ngẩn. Cha cậu đâu đời nào để cậu cắt móng chân cho ông.
Cậu vẫn đang cầm cuốn sách. Nếu không đặt nó sang một bên ngay, cha cậu có thể sẽ nhìn thấy và bảo cậu đọc một đoạn, hoặc tệ hơn, hỏi cậu điều gì đó liên quan đến nó.
Cha cậu nhanh chóng nhắm mắt lại như thể đã ngủ, nhưng chẳng bao lâu sau lại mở mắt ra rồi nhìn trân trân vào bức tường đối diện. Thomas tự hỏi liệu đây có phải là thời điểm thích hợp để hỏi cha về tàu thuyền - tàu nào sắp cập cảng, tàu nào sắp rời bến. Và biết đâu, nếu cha trở nên cởi mở, cậu còn có thể hỏi thêm về biến động của giá ngũ cốc. Hoặc cậu có thể nhắc đến nước Phổ để cha có dịp than phiền về lối ứng xử khó ưa và thói ăn uống thô lỗ của đám quan chức Phổ, kể cả những kẻ tự xưng mình xuất thân từ gia đình danh giá.
Cậu liếc nhìn cha lần nữa và thấy ông đã ngủ say. Chỉ một lúc sau ông bắt đầu ngáy. Thomas nghĩ giờ có lẽ mình có thể đặt cuốn sách lên bàn đầu giường. Cậu đứng dậy, tiến lại gần. Việc cạo râu khiến gương mặt cha cậu trông vừa nhẵn nhụi lại vừa nhợt nhạt.
Cậu không biết mình được trông đợi ở lại đây bao lâu. Cậu ước gì có ai đó từ khách sạn mang nước sạch hay khăn tắm mới đến, nhưng rồi lại nghĩ chắc mọi thứ cần thiết đã được chuẩn bị sẵn. Cậu cũng không trông đợi mẹ sẽ tới. Cậu biết chính mẹ đã sai cậu lên phòng để bà có thể nghỉ ngơi trong khu vườn khách sạn hoặc quay lại bãi biển cùng Ida và em gái, hoặc với Viktor và cô hầu. Nếu cậu bước chân ra khỏi căn phòng này, cậu tin chắc mẹ sẽ biết ngay.
Cậu đi quanh phòng, khẽ chạm tay vào những tấm ga giường mới giặt, nhưng rồi, sợ làm phiền cha, cậu liền lùi lại.
Khi cha cậu bật lên một tiếng kêu, âm thanh lạ đến mức Thomas thoáng tưởng trong phòng có ai khác. Nhưng rồi cha cậu bắt đầu gào lên những tiếng khó hiểu, và Thomas nhận ra đó vẫn là giọng quen thuộc, dù những lời ông nói hoàn toàn vô nghĩa. Ông ngồi bật dậy, ôm lấy bụng. Sau một hồi gắng sức, ông đứng dậy được nhưng lập tức đổ vật trở lại giường.
Phản xạ đầu tiên của Thomas là hoảng sợ lùi lại, nhưng khi thấy cha rên rỉ, mắt nhắm nghiền, hai tay vẫn ôm bụng, cậu liền tiến lại gần và hỏi ông có cần đi tìm mẹ không.
“Không cần,” cha cậu nói.
“Sao ạ? Con không nên đi gọi mẹ ạ?”
“Không cần,” ông lặp lại. Rồi ông mở mắt nhìn Thomas, vẻ mặt nhăn nhó.
“Con không hiểu đâu,” ông nói.
Thomas lao ra khỏi phòng. Xuống đến cầu thang, phát hiện mình đi quá một tầng, cậu vội vã chạy ngược lên sảnh và tìm thấy người trực lễ tân và người này liền gọi quản lý khách sạn. Khi Thomas đang luống cuống kể lại mọi chuyện thì mẹ cậu và Ida cũng vừa xuất hiện.
Cậu đi theo mọi người trở lại phòng, chỉ để thấy cha mình đang ngủ yên bình trên giường.
Mẹ cậu thở dài và nhẹ nhàng xin lỗi vì đã làm rối lên. Thomas biết rằng mọi nỗ lực giải thích cho bà điều mình đã chứng kiến đều sẽ vô ích.
Cha cậu tiếp tục yếu đi khi họ trở về Lübeck, nhưng ông vẫn sống đến tháng Mười.
Cậu nghe cô Elisabeth than phiền rằng khi vị thượng nghị sĩ nằm trên giường lúc hấp hối, ông đã ngắt lời mục sư đang đọc những lời thiêng liêng bằng một tiếng “Amen” dứt khoát.
“Ông ấy xưa nay vốn chẳng giỏi lắng nghe,” bà nói, “nhưng cô cứ đinh ninh ít nhất ông ấy cũng chịu nghe lời mục sư.”
Trong những ngày cuối đời của cha họ, Heinrich dường biết cách ở bên mẹ trong khi Thomas lại không biết nên nói gì với bà. Khi bà ôm cậu, bà ghì cậu quá chặt; và cậu tin rằng chính sự vùng vẫy cố thoát ra của mình đã làm bà tổn thương.
Khi nghe cô Elisabeth thì thầm với một người em họ về di chúc của cha mình, Thomas tỏ vẻ thờ ơ bước ra chỗ khác rồi lén quay lại gần chỗ đủ để nghe thấy bà nói rằng không thể giao cho Julia quá nhiều phận sự.
“Còn hai đứa con trai nữa!” bà nói. “Hai đứa nó! Thế là hết, gia đình này tiêu rồi. Chắc người ta sẽ cười vào mặt chị ngoài phố, những kẻ trước giờ vẫn cúi chào chị ấy!”
Khi bà nói tiếp, người em họ nhận ra Thomas đang lắng nghe và liền huých bà.
“Thomas, lên xem mấy đứa em gái của cháu chỉnh trang đến đâu rồi,” cô Elisabeth nói. “Cô thấy Carla mang đôi giày không phù hợp đâu.”
Tại lễ tang, Julia Mann mỉm cười nhợt nhạt với những ai đến chia buồn nhưng không khích lệ họ nói thêm gì. Bà thu mình vào thế giới riêng, giữ các con gái ở gần, để các con trai thay mặt gia đình, nếu cần, tiếp chuyện những người tới viếng.
“Con có thể giúp mẹ tránh mặt họ không?” bà hỏi. “Nếu họ hỏi có thể giúp gì, con làm ơn bảo họ đừng nhìn mẹ bằng ánh mắt thương hại ấy được không?”
Thomas chưa bao giờ thấy mẹ mình vừa xa lạ lại vừa bí ẩn đến thế.
Một ngày sau đám tang, khi đang ở trong phòng khách cùng năm đứa con, Julia nhận ra rằng em chồng mình là Elisabeth, với sự giúp sức của Heinrich, đang chuyển chiếc ghế sofa và một trong những chiếc ghế bành.
“Elisabeth, đừng động vào đồ đạc,” Julia nói. “Heinrich, đặt lại ghế sofa vào chỗ cũ đi.”
“Julia, em nghĩ nên kê ghế sofa vào sát tường. Xung quanh chỗ cũ đặt nhiều bàn quá. Chị lúc nào cũng bày nhiều đổ. Mẹ vẫn thường bảo…”
“Đừng động vào đồ!” Julia cắt lời.
Elisabeth bước tới trước lò sưởi, ngẩng đầu đầy kiêu hãnh như một nhân vật trên sân khấu vừa bị mạo phạm.
Khi thấy Heinrich chuẩn bị đi cùng mẹ tới tòa án nơi đọc di chúc, Thomas tự hỏi tại sao mình không được đi theo. Tuy vậy, vì mẹ có vẻ quá bận rộn nên cậu quyết định không phàn nàn.
“Mẹ vẫn luôn ghét phải phô bày trước bàn dân thiên hạ như thế này. Thật dã man khi họ đọc di chúc một cách công khai! Cả thành phố Lübeck sẽ biết hết tỏng chuyện nhà mình. Và, Heinrich, nếu con có thể ngăn cô Elisabeth đừng khoác tay mẹ khi ra khỏi tòa thì mẹ sẽ rất biết ơn đấy. Còn nếu sau buổi đọc di chúc họ muốn thiêu sống mẹ giữa quảng trường thì cứ báo họ là ba giờ chiều mẹ rảnh.”
Thomas tự hỏi bây giờ ai sẽ tiếp quản việc kinh doanh. Cậu hình dung cha mình hẳn đã chỉ định vài người đàn ông có uy tín để giám sát một hoặc hai thư ký sẽ tạm thời trông coi mọi việc cho đến khi gia đình quyết định sẽ làm gì tiếp theo. Trong đám tang, cậu có cảm giác mình đang bị mọi người theo dõi, bị chỉ trỏ như người con trai mà từ đây gánh nặng phận sự sẽ đổ dồn lên vai.
Cậu bước vào phòng mẹ và nhìn mình trong tấm gương soi toàn thân. Nếu đứng nghiêm nghị, cậu có thể dễ dàng mường tượng ra cảnh mình bước vào văn phòng buổi sáng, ra lệnh cho cấp dưới. Nhưng khi nghe tiếng một trong những người em gái gọi vọng từ dưới nhà, cậu liền bước khỏi gương và lập tức thấy mình nhỏ bé trở lại.
Cậu đứng trên cầu thang lắng nghe khi Heinrich và mẹ trở về.
“Ông ấy sửa lại di chúc chỉ để cho thiên hạ biết ông nghĩ gì về chúng ta,” Julia nói. “Và tất tật bọn họ cũng có mặt, những người lương thiện của Lübeck. Vì không được thiêu phù thủy nữa nên họ mang các góa phụ ra làm nhục.”
Thomas bước xuống sảnh; cậu thấy Heinrich mặt tái xanh. Khi bắt gặp ánh mắt của anh trai, cậu nhận ra có chuyện gì đó tồi tệ nằm ngoài dự đoán đã xảy ra.
“Dẫn Tommy vào phòng khách và đóng cửa lại,” Julia nói, “rồi kể cho nó biết chuyện đã xảy ra với chúng ta. Mẹ muốn chơi piano ngay bây giờ, nếu không hàng xóm sẽ lại buôn chuyện. Mẹ sẽ lên phòng. Từ giờ trở đi, mẹ không muốn nghe nhắc đến bản di chúc đó nữa. Nếu cô Elisabeth tới đây, bảo với cô ấy là mẹ đột ngột lên cơn đau đầu dữ dội.”
Sau khi đã đóng cửa lại, Heinrich và Thomas bắt đầu đọc bản sao di chúc mà Heinrich mang về từ tòa.
Thomas thấy rằng di chúc được lập cách đó ba tháng. Mở đầu là việc chỉ định một người giám hộ nhằm định hướng tương lai cho các con nhà Mann. Ngay sau đó, vị thượng nghị sĩ bày tỏ rõ ràng thái độ đánh giá thấp toàn bộ lũ trẻ.
“Cần phải ngăn cản xu hướng văn chương của con trai trưởng tôi trong khả năng có thể,” ông viết. “Theo ý tôi, nó không có đủ nền tảng giáo dục và tri thức cần thiết. Cái gọi là xu hướng đó bắt nguồn từ trí tưởng tượng viển vông, sự thiếu kỷ luật và việc nó không quan tâm đến người khác, có lẽ là do vô tâm.”
Heinrich đọc đoạn đó hai lần, cười lớn.
“Và đoạn này nữa,” Heinrich tiếp tục. “Đây là nói về em: ‘Con trai thứ hai của tôi có bản tính tốt và sẽ thích nghi với một nghề thực tiễn. Tôi có thể trông mong rằng nó sẽ là chỗ dựa cho mẹ nó.’ Vậy là chỉ có em và mẹ của em. Và em sẽ ‘thích nghi’! Ai từng nghĩ em là người có bản tính tốt chứ? Chỉ là một trong những lớp mặt nạ của em thôi.”
Heinrich đọc cho Thomas nghe lời cha họ cảnh báo về bản tính quá nồng nhiệt của Lula và nhận định rằng Carla - sau Thomas - sẽ là nhân tố mang lại sự điềm tĩnh trong gia đình. Về cậu út Viktor, vị thượng nghị sĩ viết: “Những đứa trẻ sinh muộn thường phát triển rất tốt. Thằng bé có đôi mắt sáng.”
“Còn tệ hơn nữa đây. Nghe này!”
Heinrich đọc to lên, giọng cố nhại theo lối huênh hoang:
“‘Đối với các con, vợ tôi nên giữ thái độ cứng rắn và khiến tất tật phải phụ thuộc cô ấy. Nếu cô ấy có lúc do sự, thì nên đọc King Lear.’”
“Anh biết cha là người nhỏ nhen,” Heinrich nói, “nhưng anh đâu nghĩ ông ấy cay độc đến vậy.”
Heinrich bèn dùng giọng nghiêm nghị, đầy quan cách để đọc cho em trai nghe các điều khoản trong di chúc của cha họ. Vị thượng nghị sĩ đã để lại chỉ thị rằng công ty gia đình phải được bán ngay lập tức, cả những ngôi nhà. Tất tật tài sản để lại cho Julia thừa kế, nhưng hai người đàn ông quyền chức bậc nhất trong đời sống công cộng ở Lübeck, những người mà bà xưa nay vẫn coi là không đáng để mình bận tâm, lại được chỉ định làm người quản lý tài chính thay cho bà. Hai người giám hộ cũng được chỉ định để giám sát việc nuôi dạy bọn trẻ. Và di chúc quy định rằng Julia phải báo cáo với Thẩm phán August Leverkühn, người có đôi môi mỏng như dao khía, bốn lần mỗi năm về tình hình tiến bộ của các con.
Khi Elisabeth đến thăm lần tiếp theo, bà không được mời ngồi.
“Em có biết gì về di chúc của chồng chị không?” Julia hỏi.
“Em không được hỏi ý kiến,” Elisabeth đáp.
“Đó không phải điều chị muốn hỏi. Em có biết gì về nó không?”
“Julia, đừng nói trước mặt bọn trẻ!”
“Có một điều tôi luôn muốn nói,” Julia nói, “và giờ tôi có thể nói vì tôi đã được tự do. Tôi sẽ nói ngay trước mặt bọn trẻ. Tôi chưa bao giờ ưa cô cả. Và thật tiếc là mẹ cô không còn sống vì tôi cũng sẽ nói điều y chang với bà ta.”
Heinrich định ngăn lại, nhưng Julia gạt tay cậu ra.
“Ông ấy lập cái di chúc đó là để làm nhục tôi.”
“Chị thì làm sao mà tự mình điều hành công việc được chứ,” Elisabeth nói.
“Tôi hoàn toàn có thể quyết định. Tôi và các con tôi có thể cùng quyết định.”
Đối với người dân Lübeck, những người từng bị Julia trêu chọc hay buông lời nhẹ dạ trong các buổi tiệc tổ chức tại nhà chồng bà như Herr Kellinghusen hay Herr Cadovius, Frau Stavenhitter trẻ hay Frau Mackenthun, hoặc những người phụ nữ luôn theo dõi bà một cách khắt khe rồi không ngừng dè bỉu, như Frau Overbeck cùng con gái, thì quyết định của Julia - được công bố ngay sau khi bản di chúc được đọc - chuyển đến Munich cùng ba đứa con út và xây nhà mới tại đó trong khi để Thomas ở lại hoàn tất năm học cuối cùng và trọ tại nhà bác sĩ Timpe, đồng thời khuyến khích Heinrich đi đây đi đó để mở rộng cơ hội bước chân vào giới văn chương quả là ngược ngạo hết sức.
Nếu góa phụ của Thượng nghị sĩ Mann chọn chuyển đến Lüneburg hay Hamburg, những người đứng đắn ở Lübeck có lẽ chỉ xem đó như một biểu hiện khác cho thói thất thường cố hữu của bà; nhưng vào thời điểm ấy Thomas biết rõ, với tầng lớp thị dân Hanseatic, Munich đại diện cho phương Nam, và họ không ưa hay cũng chẳng tin cậy phương Nam. Thành phố ấy theo Công giáo, sống lối sống lang bạt. Chẳng có đức hạnh nào vững vàng. Chẳng ai trong số họ từng ở đó lâu hơn mức cần thiết.
Cả thành Lübeck đều dồn sự chú ý vào mẹ cậu, nhất là sau khi cô Elisabeth lén kể với nhiều người rằng Julia đã thô lỗ với bà ra sao và đã làm ô uế ký ức về mẹ bà như thế nào.
Trong một thời gian, thế giới của họ chỉ xoay quanh những lời bàn tán về sự thiếu điềm tĩnh của góa phụ nhà thượng nghị sĩ và những dự định nông nổi của bà. Không ai, ngay cả Heinrich, nhận ra Thomas đã tổn thương đến mức nào khi công ty gia đình không được để lại cho cậu, dù chỉ là dưới sự giám sát của người khác cho đến khi cậu đủ tuổi trưởng thành.
Thomas sống trong cú sốc khi biết rằng điều mà cậu từng tin tưởng sẽ thuộc về mình, ít nhất là trong một vài giấc mơ, lại bị tước mất. Cậu hiểu rằng việc điều hành công ty gia đình chỉ là một trong nhiều viễn cảnh mà cậu từng hình dung cho tương lai, nhưng cậu vẫn giận cha mình vì sự độc đoán trong quyết định ấy. Cậu không thể chấp nhận việc cha đã nhìn thấu những ảo vọng của cậu mà lại không hề nhận ra chúng từng có lúc thực đến mức nào đối với cậu. Cậu ước mình có cơ hội chứng minh đủ để cha đổi ý và để lại một bản di chúc rộng lượng hơn.
Thay vào đó, cha cậu đã cắt đứt mọi neo buộc của gia đình. Vì không thể tiếp tục sống, ông đã tìm cách làm mờ đi cuộc đời của những người còn lại. Thomas mang trong mình nỗi buồn dai dẳng và day dứt khi nghĩ rằng tất tật nỗ lực của nhà Mann ở Lübeck rồi cũng sẽ trở thành vô nghĩa. Thời của gia đình cậu đã hết rồi.
Dù họ có đi đến đâu trong thế giới thì gia đình Mann ở Lübeck cũng sẽ không bao giờ còn được biết đến như cái thời khi ngài thượng nghị sĩ còn sống. Điều đó dường chẳng khiến Heinrich, các chị em của cậu, hay thậm chí cả mẹ cậu bận tâm; họ còn những mối lo thực tế hơn phải nghĩ đến.
Cậu biết cô Elisabeth cho rằng địa vị của gia đình đã bị hủy hoại một cách không thể cứu vãn, nhưng cậu khó lòng đem chuyện ấy ra bàn với bà. Thay vào đó, cậu chỉ cô độc ôm những suy nghĩ ấy. Gia đình giờ đây sẽ bị nhổ bật rễ khỏi Lübeck. Dù cậu có đi đâu, cậu cũng sẽ không bao giờ còn là người quan trọng nữa.
Thanh Nghi dịch