Tổ quốc của những tù binh
Thêm một cuộc đọc của độc giả.
Sự suy đồi của quân đội Phổ hay đã tới thời chiến tranh tổng lực của Ernst Jünger.
Trong Jacket trắng của Melville, nhân vật chính nói đại ý: đi trên một con tàu (nhất là tàu chiến như Neversink) thì cũng tương đương với học đại học Harvard. Nhiều năm sau, khi tàu hơi nước đã dần thay thế tàu buồm, các hải nhân của Joseph Conrad cay đắng nhận ra đời sống trên biển đã không còn dạy nhiều như trước nữa, một gã trai trẻ không còn thể tự giáo dục mình thành đàn ông nhờ thử thách của thần Neptune, “tay quý ông của các cà vạt và que uốn tóc” không còn cơ hội được rèn thành “tay đàn ông sinh ra trong một trận gió dữ”, thuỷ thủ không còn cập bến như những chiến binh.
“Ôi Amphitrite ngọt ngào, sao cho không cục đất ngu độn nào có thể rơi trên quan tài của tôi!” (Jacket Trắng).
Xét cho cùng, Odysseus đã trở về quê như một tên bại binh, cả đoàn quân của chàng chết mất xác, chàng trở về Ithaca dưới lốt một người ăn xin, dù vậy, nàng Penelope tiết hạnh vẫn chờ đợi, những kẻ cầu hôn bị hạ gục bởi võ nghệ (được rèn trong lửa chiến tranh) của chàng, danh tiếng trận mạc giúp chàng tìm được chiến hữu thân tín nơi quê nhà (giúp hạ gục lũ cầu hôn).
Trong thời cổ đại, đi đánh trận cũng tương đương với học đại học Havard. Ở xứ Sparta, cựu binh ngồi dưới gốc cây kể chuyện, như nhân mã Chiron già, vây quanh bởi nhóm anh hùng trẻ tuổi. Họ nhanh hơn, mạnh hơn, vẫn đứng chăm chú đọc trên vết sẹo hay nết nhăn của người lính già, những bài học dạy nghệ thuật kiềm chế dục vọng, nghệ thuật rèn luyện mưu trí và cơ thể.
Dĩ nhiên, tôi không nói đến bọn thị vệ cấm cung, những tên lính lùng giết trẻ con theo lệnh bạo chúa Herod, tôi muốn nói đến những người lính trơn (theo kiểu Alain) - tiếp xúc trực tiếp với chiến tranh, đã bị hái tử thần sượt qua cổ. Phải coi chừng đám lính trấn giữ biên ải, các hoàng đế triều Tống (triều đại Trung Hoa có nền kinh tế được coi là thịnh vượng nhất thế giới đương thời) đều biết, nhìn quá lâu vào cái chết, chúng khinh bỉ sự hèn nhát bẩm sinh của quý tộc, chúng có mầm mống cộng hoà thuộc loại nguy hiểm nhất, như của Stendhal:
“Ông cười nhạo các thứ trịnh trọng, Thần linh của ông là lòng dũng cảm, danh dự, tình yêu, tình bạn.” (Alain, Đoản luận Văn chương)
Nhưng thời kỳ của những “chiến binh” qua lâu rồi, tôi dùng từ này để phân biệt với thời kỳ sau, thời kỳ của những “binh lính”. Theo Lịch sử chiến tranh của John Keegan, có thời kỳ trước khi “lính” trở thành một nghề, và thời kỳ sau khi “lính” trở thành một nghề, như kết quả của phân công lao động. Chiến binh không còn là một đẳng cấp quý tộc, không còn Kị sĩ Bàn Tròn và Dương gia tướng và Mamluk Hồi binh và Samurai, những phường hội rèn luyện nghệ thuật chiến tranh. Ở thời kỳ sau, theo sự phát triển của lịch sử, binh lính đã trở thành một nghề.
Trong Hotel Savoy của Joseph Roth, những tù binh chiến tranh (người Đức) được Nga thả tự do, trở về với tổ quốc Đức, họ ăn cháo cứu tế (gồm đậu và khoai tây, nấu đặc đến mức có thể gói giấy báo mang về) chung với công nhân đình công (tệ hơn thì phải đi ăn xin hoặc đi ăn trộm gà vịt), và sống ở lán trại như người thất nghiệp (may mắn tìm được việc như nhân vật chính thì có thể ở khách sạn, nhưng chỉ đủ để ở những tầng cao nhất, tầng của người nghèo, gái nhảy thoát y, người mất khả năng lao động do mắc bệnh phổi vì bụi công nghiệp - ấy là thời kỳ phát triển công nghiệp nặng ở Châu Âu), và xin việc như người thất học (không nhiều chỗ ở Đức tuyển nghệ thuật chiến tranh). Chính phủ Đức coi họ như bệnh dịch, người thân thì coi họ như xác chết đội mồ (“Vợ anh ta ngủ với một người khác, các con của anh ta không nhận ra người được coi là đã chết nữa - anh ta đã trở thành một người khác, và chỉ con chó biết anh ta, một con chó, một kẻ vô quê hương”, hơi hơi giống nỗi buồn vì chứng PTSD của nhân vật Kiên trong Nỗi buồn chiến tranh, Bảo Ninh).
Họ, những tù binh Đức trở về với tổ quốc, được miêu tả qua hai nhân vật (một chính, một phụ): Gabriel Dan và Zwonimir.
Gabriel Dan, một người trí thức và sâu sắc và nhạy cảm, chìm trong câm lặng của tủi nhục, tâm trạng luôn u uất, mất kết nối với nhân loại. Zwonimir, con nhà nông và năng nổ và nhiệt tình và nhạy cảm, tìm tổ quốc mới của mình ở quốc tế cộng sản, đăng lính cuộc chiến mới nhằm thắng lại tư cách con người.
Trong cuốn sách De la destruction, phần chính gồm bài thuyết trình của Sebald tại Zurich về văn chương Đức chủ đề chiến tranh, luận đề của Sebald là văn chương Đức kể từ 1945 tuyệt đối né tránh chủ đề những trận oanh tạc của Đồng minh lên nước Đức vào cuối chiến tranh. Một tác giả người Mỹ, Kurt Vonnegut (chiến đấu trong Thế chiến 2, bị người Đức bắt sống, rồi trở thành tù binh ở Dresden) khi viết tác phẩm Lò sát sinh số 5, đã sẵn lòng miêu tả rất kỹ vụ đánh bom thành phố Dresden của Đức, “một thành phố mở” và “ken đặc người tị nạn” và “khoảng một trăm ba mươi ngàn người ở Dresden sẽ chết”, Kurt Vonnegut viết.
Có lẽ, mọi tù binh đều thuộc về một tổ quốc riêng của những tù bình, Dreyfus làm tổng thống, tôi nghĩ.
Viên Trường
các bài đọc và cộng tác cho Văn Bản có thể gửi về: formapubli.vitanova@gmail.com
độc giả đọc
Vào thuở nớ vậy, buổi dạ-minh của cuộc phục-hồi