favorites
Shopping Cart
Search
Vitanova
Prev
Hạ 2024
Next

Tiếng gõ cửa trong Macbeth

26/08/2024 19:53

Trong lúc chờ cuốn sách ở kia,

dưới đây là một tiểu luận của De Quincey, về một cảnh mà chỉ thiên tài Shakespeare tạo ra được. Nghệ thuật không bắt chước thực tại mà tạo ra thực tại, và khi đến được mức ấy, nó là tự nhiên. 

Tiếng gõ cửa trong Macbeth 

- Thomas De Quincey

Từ hồi còn nhỏ tôi đã luôn cảm thấy vô cùng bối rối về một điểm trong Macbeth. Là đây: tiếng gõ cửa, thứ nối tiếp liền sau vụ sát hại Duncan, đã gây một ấn tượng lên cảm xúc của tôi mà không bao giờ tôi có thể giải thích được. Hiệu ứng tạo ra là nó làm phản xạ lại từ vụ giết người ấy một nỗi kinh sợ riêng biệt và một sự trang nghiêm sâu thẳm; tuy nhiên, dù cố gắng hết sức viện đến mọi hiểu biết của mình, trong nhiều năm tôi vẫn không bao giờ có thể biết được tại sao nó lại gây ra hiệu ứng như vậy.

Đến đây tôi phải tạm dừng một lát, để khuyến khích độc giả đừng bao giờ để ý dù chỉ một chút đến hiểu biết của mình khi nó đứng đối lập với bất kỳ khả năng nào khác của trí tuệ anh ta. Hiểu biết đơn thuần, dù hữu ích và không thể thiếu, là năng lực tầm thường nhất trong trí tuệ con người và là năng lực không đáng tin nhất; tuy vậy phần đa người ta chẳng tin vào thứ gì khác; nó có thể hữu dụng trong cuộc sống đời thường nhưng vô ích đối với mục đích triết học. Trong mười nghìn trường hợp có thể nêu ra, tôi sẽ trích lấy một. Hãy yêu cầu bất kỳ ai đó, những người trước đây chưa từng do bị đòi hỏi mà chuẩn bị sẵn sàng một kiến thức về phối cảnh, vẽ ra theo lối thật thô sơ một cảnh rất thường thấy, thứ vốn phụ thuộc vào các quy luật của môn khoa học đó; chẳng hạn, yêu cầu họ thể hiện hiệu ứng hai bức tường đứng vuông góc nhau hoặc cảnh các căn nhà ở hai bên một con phố, từ góc nhìn của người đứng ở một đầu nhìn xuôi theo con phố. Trong mọi trường hợp, trừ phi người đó đã quan sát được trong tranh cách các nghệ sĩ tạo ra những hiệu ứng kia, anh ta sẽ hoàn toàn không đưa ra được kết quả nào có nét tương đồng dù nhỏ nhất. Tại sao thế? Bởi vì anh ta thực sự đã nhìn thấy hiệu ứng đó mỗi ngày trong đời mình. Anh ta để cho hiểu biết lấn át đôi mắt. Hiểu biết của anh ta, không bao gồm kiến thức trực giác về các quy luật thị giác, chẳng thể cung cấp cho anh ta lý do tại sao một đường thẳng được cho biết và có thể chứng minh đúng là một đường nằm ngang, lại không hiện ra như một đường nằm ngang; một đường tạo ra với đường thẳng đứng bất kỳ góc nào nhỏ hơn một góc vuông đối với anh ta dường như chỉ thể hiện rằng các căn nhà đang cùng sụp đổ. Theo đó anh ta vẽ dãy nhà thành một đường nằm ngang và đương nhiên không thể tạo ra hiệu ứng được yêu cầu. Đây là một trong số rất nhiều ví dụ, trong đó hiểu biết không chỉ được cho phép chế ngự con mắt mà còn được tuyệt đối cho phép xóa sạch tất tật những gì con mắt trông thấy, bởi không chỉ người ta khăng khăng tin vào bằng chứng của hiểu biết ở phía đối lập với bằng chứng của những gì con mắt nhìn thấy mà (thật là quái đản!) tên ngốc đó còn không hề biết rằng chính con mắt của hắn đã đưa ra bằng chứng ấy. Anh ta không biết rằng mình đã thấy (và bởi vậy hầu như ý thức của anh ta không thấy) thứ mà anh ta vẫn nhìn thấy mỗi ngày trong đời. Nhưng hãy trở lại với vấn đề, sự hiểu biết của tôi chẳng thể đưa ra lý do tại sao tiếng gõ cửa trong vở Macbeth lại tạo ra một tác động nào đó, trực tiếp hay hồi ứng. Thực ra, hiểu biết của tôi khẳng định chắc chắn rằng nó không thể tạo ra bất kỳ hiệu ứng nào. Nhưng tôi biết hơn thế; tôi cảm thấy thế; tôi chờ đợi và bám chặt vào vấn đề cho đến khi có thêm kiến thức giúp tôi giải quyết nó. Cuối cùng, năm 1812, Mr. Williams đã làm cú début trên sân khấu của Ratcliffe Highway [ở đây De Quincey nhắc đến vụ sát nhân hàng loạt, nhắm vào hai gia đình Marr và Williamson, bắt đầu từ tháng 12 năm 1811 tại Ratcliffe Highway, hung thủ là John Williams, tự sát trước khi ra tòa] và tiến hành những vụ giết người không gì sánh được, mang lại cho hắn một tiếng tăm chói lọi và bất diệt. Về những vụ giết người này, nhân tiện, tôi phải nhận xét rằng ở một khía cạnh nào đó chúng đã gây ra một ảnh hưởng xấu bằng cách khiến cho tay sát nhân thành thạo ấy trở nên kén chọn trong khẩu vị và không bằng lòng với bất cứ thứ gì đã được thực hiện kể từ lúc đó. Tất tật những vụ giết người khác đều có vẻ nhạt nhòa trước màu đỏ thẫm của vụ kia và, như lời một tay nghiệp dư từng bảo tôi với giọng càu nhàu, “Hoàn toàn không còn việc gì để làm kể từ thời của hắn, hoặc chẳng còn gì đáng để bàn.” Nhưng điều này sai, vì thật vô lý khi trông đợi tất cả con người đều trở thành nghệ sĩ lớn và đều được sinh ra với thiên bẩm của Mr. Williams. Giờ hãy nhớ rằng trong những vụ sát nhân đầu tiên, (gia đình Marr) việc tương tự (tiếng gõ cửa ngay sau khi cuộc tàn sát xong xuôi) đã thực sự xảy ra, thứ mà thiên tài của Shakespeare đã phát minh; tất cả các thẩm phán giỏi và tài tử lỗi lạc đều thừa nhận diễn đạt đúng nơi đề xuất của Shakespeare ngay khi nó thực sự được thực hành. Vậy thì đây là bằng chứng mới cho thấy tôi đã đúng khi dựa vào cảm xúc để chống lại hiểu biết của mình, và tôi lại bắt tay vào nghiên cứu vấn đề; cuối cùng tôi đã giải quyết được nó để thỏa lòng bản thân; và giải pháp của tôi là thế này. Một vụ sát nhân thông thường, khi mà toàn bộ lòng thương xót hướng về phía kẻ bị giết, là một cuộc xô xát thô bạo và kinh hoàng một cách thô tục; và bởi lý do ấy, nó hút trọn sự quan tâm vào bản năng tự nhiên nhưng thấp kém gắn chặt chúng ta vào sự sống, một bản năng vốn dĩ là không thể thiếu đối với quy luật tự bảo tồn nguyên thủy, giống nhau về loại (dù khác nhau về mức) trong tất cả các loài sinh vật sống; bản năng này, bởi nó thủ tiêu mọi sự phân biệt và hạ thấp những người vĩ đại nhất xuống mức “con bọ đáng thương mà chúng ta giẫm lên,” bày ra bản tính con người trong tư thế thấp kém và nhục nhã nhất. Một tư thế như vậy sẽ hoàn toàn không phù hợp với các ý hướng của nhà thơ. Vậy thì anh ta phải làm gì? Anh ta dồn sự quan tâm lên kẻ sát nhân. Sự cảm thông của chúng ta phải được dành cho hắn; (đương nhiên tôi muốn nói đến sự cảm thông của thấu hiểu, sự cảm thông cho phép chúng ta đi vào các cảm xúc của hắn và hiểu chúng, không phải sự cảm thông[I] của thương hại hay tán thành.) Bên trong người bị sát hại, tất tật xung động của suy nghĩ, tất tật thủy triều dâng và rút của dục vọng và của ý định bị nghiền nát bởi một cơn hoảng loạn choáng ngợp; nỗi sợ trước cái chết tức thì giáng lên anh ta “bằng cây chùy đá.” Nhưng bên trong kẻ sát nhân, kẻ mà nhà thơ sẽ hạ cố nhìn xuống, chắc hẳn đang hoành hành trận cuồng phong của dục vọng – ghen tuông, tham vọng, trả thù, oán hận, căm ghét – cả một địa ngục bên trong hắn; và chúng ta phải nhìn vào địa ngục ấy.

Trong Macbeth, để thỏa mãn khả năng sáng tạo khổng lồ và dồi dào của chính mình, Shakespeare đã đưa vào tới hai sát nhân và, như thường thấy dưới tay ông, họ được phân biệt rạch ròi: ở Macbeth sự đấu tranh của tâm lý lớn hơn ở vợ hắn, nỗi khát máu không còn tỉnh táo và cảm xúc của hắn chủ yếu lây từ mụ; song, bởi cả hai rốt cuộc đều mắc vào tội giết người, tâm lý giết chóc tất yếu có trong cả hai. Điều này phải được thể hiện, chính vì bản thân nó, cũng như để khiến cho nó trở thành đối trọng cân xứng hơn của sự vô tội nơi nạn nhân, “Duncan nhân từ” và để giải thích đầy đủ “sự nguyền rủa sâu sắc khi hắn làm xong”: tất cả phải được thể hiện bằng một lực đặc thù. Chúng ta bị buộc phải cảm thấy rằng bản tính người – tức là, bản tính thiêng của tình yêu và tình thương, lan tỏa trong trái tim mọi tạo vật và hiếm khi hoàn toàn rút đi khỏi con người – đã bỏ đi, biến mất, tuyệt diệt, và bản tính ma quỷ đã thế chỗ nó. Hiệu ứng này được thể hiện kỳ diệu trong chính các đối thoạiđộc thoại và được hoàn thành đúng như phải thế; tôi muốn hướng sự chú ý của độc giả vào chính điểm này. Nếu độc giả đã từng chứng kiến một người vợ, con gái, hay em gái lâm vào cơn ngất xỉu, anh ta có thể tình cờ thấy rằng khoảnh khắc xúc động nhất trong một cảnh tượng như vậy là ngay khi một hơi thở và một cú cựa mình báo hiệu sự bắt đầu lại của sự sống bị gián đoạn. Hoặc, nếu độc giả từng có mặt tại một thành thị lớn vào cái ngày một thần tượng nào đó của quốc gia được đưa đến mộ trong tang lễ long trọng và tình cờ bước gần lối lễ rước vừa qua, anh ta sẽ cảm thấy rất mạnh, trong sự tĩnh lặng vắng vẻ của các con phố và trong sự đình trệ của công việc thường ngày, mối bận tâm sâu sắc chiếm trọn trái tim con người lúc ấy; nếu đột ngột anh ta nghe thấy cái tĩnh lặng như chết ấy bị phá vỡ bởi tiếng bánh xe lạch cạch đang rời hiện trường, cho biết rằng ảo cảnh nhất thời vừa tan biến, anh ta sẽ nhận ra rằng không có khoảnh khắc nào mà cảm giác của anh ta về sự đình trệ và tạm ngưng những âu lo thường ngày của con người lại trọn vẹn và gây xúc động bằng khoảnh khắc khi sự gián đoạn ấy chấm dứt và những diễn biến của cuộc sống con người bỗng nhiên được khôi phục. Mọi hành động, theo bất kỳ hướng nào, cũng được diễn giải, đo lường, và hiện rõ nhất nhờ phản ứng. Giờ ta thử áp dụng điều này vào trường hợp Macbeth. Ở đây, như tôi đã nói, sự rút lui của trái tim con người, thay thế bởi trái tim quỷ dữ đã được bày ra theo lối khiến cho người ta phải thấy, phải cảm. Một thế giới khác trùm lên; những kẻ sát nhân bị đẩy khỏi vùng đất của chuyện con người, mục đích con người, ham muốn con người. Chúng biến đổi: Lady Macbeth “mất tính nữ”; Macbeth quên mình được sinh ra từ phụ nữ; cả hai được làm cho tương hợp với hình ảnh của quỷ; và thế giới của quỷ đột ngột hé lộ. Nhưng làm thế nào để điều này được truyền đạt rõ ràng? Để thế giới mới kia bao trùm, thế giới này phải biến đi một lúc. Sát nhân và nạn nhân phải được tách bởi một vực sâu khôn dò khỏi chiều hướng thông thường và những vụ việc con người liên tiếp, bị nhốt và cô lập trong một hốc sâu nào đó; chúng ta phải được làm cho cảm thấy rõ việc thế giới của cuộc sống thông thường bỗng dưng bị dừng lại – ngủ quên – xuất thần – bị kéo vào một cuộc đình chiến ghê sợ: thời gian phải bị thủ tiêu; liên hệ với ngoại giới bị hủy bỏ và tất tật phải tự rút lui vào một cơn bất tỉnh thật sâu, đình chỉ mọi dục vọng trần tục. Bởi vậy, khi hành động đã xong xuôi, khi công việc của bóng tối đã hoàn thành, rồi thế giới tối tăm trôi qua như một cảnh hào nhoáng trên các tầng mây: tiếng gõ cửa được nghe thấy; và nó báo hiệu hết sức rõ ràng rằng chuỗi phản ứng đã bắt đầu: con người lộn ngược lên trên ma quỷ, các mạch của cuộc sống lại đập và các hoạt động của thế giới mà chúng ta đang sống được tái lập, mà hiệu ứng trước tiên là khiến chúng ta cảm nhận sâu sắc dấu ngoặc khủng khiếp vừa làm gián đoạn chúng.

Ôi, thi sĩ vĩ đại! Tác phẩm của ngài không như tác phẩm của những con người khác, đơn giản và thuần túy chỉ là nghệ thuật lớn; tác phẩm của ngài là hiện tượng của tự nhiên, như mặt trời và biển, tinh tú và hoa, như băng và tuyết, mưa và sương, giông bão và sấm rền, chỉ học được khi quy phục hoàn toàn các khả năng của chúng ta cùng lòng tin tuyệt đối rằng trong chúng chẳng hề có quá nhiều hay quá ít, chẳng có gì vô dụng hay trơ lì – đến mức càng dấn sâu khám phá, ta càng thấy thêm bằng chứng về các dự đồ và sắp đặt chủ ý ở nơi mà con mắt bất cẩn chẳng thấy gì ngoài ngẫu nhiên!


[I] Có vẻ thật nực cười khi tôi phải bảo vệ và giải thích cách dùng một từ trong tình huống mà, hết sức tự nhiên, nó tự giải thích được. Nhưng cần thiết phải làm vậy, do việc sử dụng bừa bãi từ cảm thông, hiện nay rất phổ biến: thay vì dùng nó theo đúng nghĩa của nó, tức là hành động tái tạo trong tâm trí chúng ta những cảm xúc của người khác, dù là căm ghét, tức giận, yêu thương, thương hại hay đồng thuận, thì nó lại trở thành chỉ còn đồng nghĩa với từ thương hại và do đó, thay vì nói “cảm thông với người khác,” nhiều nhà văn lại chọn cái man rợ gớm ghiếc của “cảm thông cho người khác.” [chú thích của De Quincey]

 

De Quincey & Baudelaire

Gentleman cắn: niềm vui và nỗi đau

Baudelaire đọc Thomas de Quincey

(Những) thiên đường giả

"Mặt thứ nhất: Căn phòng của Baudelaire"

Phê bình cơ thể 

 

Công Hiện

Conrad

Stevenson

De Quincey

James

favorites
Thêm vào giỏ hàng thành công