Thế kỷ 18: Sterne & Swift
James Joyce, một người Ai-len, từng nhận xét rằng hai đồng hương thế kỷ 18 của mình, Laurence Sterne và Jonathan Swift, đáng lẽ phải đổi tên cho nhau. Bất cứ hai từng đọc Hành trình tình cảm hay Tristram Shandy đều có thể thấy Sterne là một tinh thần rất swift và nồng ấm; ngược lại, ở Swift, cả những thứ như Gulliver Du ký (Nguyễn Văn Vĩnh lại cũng chính là người dịch Gulliver sang tiếng Việt) cũng là những cuộc cười u tối của ghê tởm và điên giận. Về cuối, hoàn toàn có thể hình dung Gulliver phát điên. Bản thân Swift cũng vô cùng gần gũi với sự điên.
André Breton, khi lần lại phả hệ của hài đen, đã coi Swift là ông tổ và chép lại tiểu luận kỳ dị của Swift khuyên người ta ăn thịt trẻ con. Một gentleman khác, Thomas De Quincey, khi viết On murder, cũng phải nhắc ngay đến Swift và Ngợi ca sự điên của Erasmus.
Jonathan Swift
- André Breton
Khi nói đến hài đen, mọi dấu hiệu đều chỉ ra ông là người khởi xướng đích thực. Thật vậy, không thể nào lần ra những dấu mờ nhạt của dạng hài này trước ông—ngay cả nơi Heraclitus, các triết gia hoài nghi hay trong tác phẩm của các nhà viết kịch thời Elizabeth. Sự độc đáo không thể chối cãi của Swift, sự thống nhất hoàn hảo trong toàn bộ sáng tác của ông khi xét từ cảm xúc đặc thù - gần như chưa từng có tiền lệ - mà nó gợi lên, cùng sự vượt trội không thể vượt qua (cũng từ góc độ ấy) trong vô số thành tựu đa dạng của ông, tất cả đều biện minh đầy đủ về mặt lịch sử cho việc ông được xem như nhân vật tiên phong của hài đen. Trái với những gì Voltaire dường từng nhận định, Swift hoàn toàn không phải là một “Rabelais trau chuốt.” Ông gần như không hề chia sẻ khẩu vị đùa vô hại nhưng nặng tay hay sự vui vẻ luôn ngà ngà của Rabelais. Tương tự, ông cũng đối lập hoàn toàn với Voltaire trong phản ứng với cảnh tượng đời sống - điều mà hai mặt nạ tử của họ biểu đạt sinh động: một bên là nụ cười nhếch mép thường trực, khuôn mặt của một con người nắm bắt sự vật bằng lý trí, chưa từng bằng cảm xúc và khép mình trong hoài nghi; bên kia là khuôn mặt lạnh băng, bất động của một con người cảm nhận cuộc đời bằng phương thức hoàn toàn khác, luôn luôn đầy phẫn nộ. Người ta đã nhận xét rằng Swift “khiêu khích tiếng cười, nhưng không chia sẻ nó.” Chính với giá đó, cái hài - hiểu như chúng ta đang hiểu - mới có thể hé lộ yếu tố siêu vượt vốn, theo Freud, là yếu tính của nó, vượt khỏi sự hài hước đơn thuần. Ở khía cạnh này, một lần nữa, Swift hoàn toàn xứng đáng được xem là người phát minh ra loại “hài độc” hay “hài treo cổ.” Cái nhìn đặc dị của ông khơi cảm hứng cho những suy tư hiện đại lạ lùng, như trong The Lady’s Dressing Room hay Meditation Upon a Broom-Stick—chỉ riêng chúng thôi cũng đã đủ để khiến người ta phải công nhận rằng hiếm có một đường hướng sáng tác nào ít bị lỗi thời hơn.
Ánh mắt của Swift, như được kể lại, có thể đổi từ xanh nhạt sang đen sẫm, từ ngây thơ sang khủng khiếp. Thay đổi ấy hoàn toàn tương hợp với tình cảm của ông: “Tôi đã luôn,” ông viết, “căm ghét mọi quốc gia, ngành nghiệp và cộng đồng, và toàn bộ tình yêu của tôi chỉ dành cho cá nhân... Tôi đặc biệt ghét và khinh bỉ cái sinh vật gọi là con người, dù tôi hết lòng yêu John, Peter, Thomas...” Kẻ căm ghét nhân loại hơn bất kỳ ai ấy cũng đồng thời bị ám bởi một khát khao công lý điên cuồng. Ông lang thang giữa các bộ ngành ở Dublin và căn nhà mục sư nhỏ bé ở Laracor, luôn trăn trở không biết liệu mình có nên tiếp tục chăm sóc hàng liễu và nghe cá hồi đớp mồi hay can thiệp vào quốc sự. Và ông thực sự đã can thiệp, như thể trái với ý chí mình, và không ít lần vô cùng tích cực và hiệu quả. “Người Ireland ấy,” người ta nói, “tự cho mình là kẻ lưu đày trên chính quê hương, vậy mà chưa bao giờ sống ở nơi nào khác; người Ireland ấy, kẻ lúc nào cũng sẵn sàng nói xấu Ireland, lại liều cả gia sản, tự do, và mạng sống vì nàng, và đã cứu nàng, trong gần một thế kỷ, khỏi ách nô lệ mà nước Anh đã đe dọa.” Tương tự, tác giả đầy căm ghét đàn bà của Lá thư gửi một thiếu nữ nhân dịp kết hôn lại chính là kẻ trong đời thực vướng vào những rắc rối tình cảm tồi tệ nhất: ba người phụ nữ - Varina, Stella và Vanessa - giành nhau tình yêu của ông; và nếu ông đã chấm dứt với người đầu tiên bằng một cơn mưa nhục mạ, thì ông cũng bị kết án phải chứng kiến hai người còn lại xâu xé nhau tới chết mà không bao giờ tha thứ cho ông. Linh mục ấy từng được một người viết cho: “Nếu em còn là một kẻ cuồng tín thì anh chính là Thượng Đế mà em sẽ phụng thờ.” Xuyên suốt đời mình, sự ghê tởm con người là khía cạnh duy nhất trong ông không bao giờ thay đổi, và cũng chẳng sự kiện nào làm lung lay được nó. Có lần ông chỉ tay về phía một cái cây bị sét đánh và bảo: “Tôi sẽ giống cái cây đó, chết từ ngọn xuống.” Như thể bởi từng ao ước vươn đến “đỉnh cao hạnh phúc... trạng thái bình yên tuyệt đối của kẻ ngây thơ giữa lũ lưu manh,” mà đến năm 1736, ông đã buông mình vào một sự suy nhược thần kinh mà ông theo dõi từng bước tiến triển suốt mười năm sau đó, với một thứ tỉnh táo khủng khiếp. Trong di chúc, ông để lại mười ngàn bảng Anh để xây dựng một bệnh viện cho người điên.
Một đề xuất khiêm nhường
- Jonathan Swift
Thật buồn thảm với những ai tản bộ trong thành phố lớn này hay du hành khắp miền quê khi phải thấy những con đường, ngõ hẻm và cửa các túp lều đầy rẫy ăn xin là phụ nữ, theo sau là ba, bốn, hay sáu đứa trẻ rách rưới, bám riết từng khách qua đường xin bố thí. Những người mẹ này, thay vì có thể làm việc để mưu sinh lương thiện, lại buộc phải dành toàn bộ thì giờ để lang thang xin ăn, nuôi sống những đứa con bất lực mà khi lớn lên sẽ hoặc thành trộm cắp vì thiếu việc làm, hoặc phải bỏ xứ ra đi để chiến đấu cho những kẻ tiếm danh ở Tây Ban Nha, hoặc bị bán sang Barbadoes.
Tôi cho là tất cả các bên đều đồng tình rằng số lượng trẻ con khổng lồ đang được bế trên tay, địu trên lưng, hay lẽo đẽo theo sau mẹ và không ít lần là theo cả cha trong tình trạng thảm thương hiện tại của vương quốc là một gánh nặng nữa chất vào; bởi vậy, bất kỳ ai tìm ra được một phương cách hợp lý, rẻ tiền và dễ thực hiện để biến những đứa trẻ này thành những thành viên lành mạnh và hữu ích cho cộng đồng đều xứng đáng được công chúng dựng tượng ghi công.
Nhưng ý của tôi không chỉ giới hạn trong việc chu cấp cho con cái của những người ăn xin chuyên nghiệp: nó có quy mô lớn hơn rất nhiều và sẽ bao gồm toàn bộ trẻ sơ sinh đến một tuổi nhất định, được sinh ra bởi những cha mẹ thực chất chẳng đủ khả năng nuôi dưỡng chúng, không khác gì những kẻ đang van vỉ lòng từ thiện của chúng ta ngoài phố. Sau nhiều năm suy nghĩ về vấn đề hệ trọng này và cân nhắc kỹ lưỡng nhiều đề xuất của các nhà dự phóng, tôi thấy họ đều sai lầm nghiêm trọng trong tính toán. Thực tế, một đứa trẻ mới sinh có thể sống nhờ sữa mẹ trong vòng một năm dương lịch, với rất ít thức bổ sung; tổng cộng giá trị nuôi nó trong năm đầu ấy không vượt quá hai shilling - số tiền mà người mẹ hoàn toàn có thể kiếm được hoặc tương đương bằng những mẩu thức ăn thừa, nhờ vào việc xin ăn hợp pháp. Và thời điểm đứa trẻ tròn một tuổi, tôi xin đề xuất một giải pháp để, thay vì trở thành gánh nặng cho cha mẹ, cho giáo xứ, hay sống thiếu ăn thiếu mặc suốt đời, chúng sẽ góp phần nuôi sống và còn cung cấp quần áo cho hàng ngàn người khác.
Một lợi ích lớn khác trong đề xuất của tôi là nó sẽ ngăn được những vụ phá thai tự nguyện cũng như tập tục ghê rợn của phụ nữ giết chết những đứa con hoang của mình—than ôi, điều này vẫn xảy ra quá thường xuyên trong xã hội chúng ta—hy sinh những sinh linh vô tội, mà tôi e rằng phần nhiều là để tránh tốn kém hơn là để tránh nhục nhã—một cảnh tượng có thể khiến cả những trái tim man rợ và vô nhân nhất cũng phải rơi lệ xót thương.
Dân số của vương quốc này thường được ước lượng chừng một triệu rưởi người. Trong số đó, tôi tính có khoảng hai trăm ngàn cặp vợ chồng mà người vợ đang trong tuổi sinh sản. Từ con số đó, tôi trừ đi ba mươi ngàn cặp có khả năng tự nuôi con mình (dù tôi e rằng trong tình cảnh hiện tại, con số đó cũng khó mà đạt được), thì vẫn còn một trăm bảy mươi ngàn bà mẹ có thể sinh. Tôi lại trừ tiếp năm mươi ngàn - gồm những người bị sẩy thai hoặc có con chết do tai nạn hay bệnh tật trong năm đầu. Như vậy còn lại khoảng một trăm hai mươi ngàn trẻ con ra đời mỗi năm từ những cha mẹ nghèo. Vấn đề đặt ra là làm sao nuôi dạy và chu cấp cho bấy nhiêu đứa trẻ? Và như tôi đã nói, trong hoàn cảnh hiện tại, mọi phương pháp được đề xuất cho tới nay đều hoàn toàn không khả thi. Chúng ta không thể dùng những đứa trẻ ấy trong ngành thủ công hay nông nghiệp; chúng không xây nhà (ý tôi là ở nông thôn), cũng không trồng trọt; thường thì đến tận sáu tuổi chúng mới có thể kiếm sống nhờ trộm cắp, trừ khi chúng đặc biệt sáng dạ - mặc dù tôi thừa nhận chúng học được những điều căn bản khá sớm - và trong khoảng thời gian đó, chúng chỉ có thể được xem là thực tập; như một quý tộc có uy tín ở hạt Cavan từng nói với tôi, ông ta chưa từng thấy có hơn một hoặc hai đứa dưới sáu tuổi mà đã thành thục được, kể cả ở những trường hợp được tiếng là có năng khiếu về môn này.
Tôi được các thương nhân đảm bảo rằng một bé trai hay bé gái dưới mười hai tuổi hoàn toàn không thể bán được, và ngay cả khi đến tuổi đó, giá chúng cũng chỉ dao động quanh ba bảng, hoặc ba bảng rưỡi là cao nhất - một mức giá không thể nào bù đắp được cho cha mẹ hay cho đất nước, bởi chi phí nuôi dưỡng và may mặc cho chúng đã gấp ít nhất bốn lần con số ấy.
Bởi vậy, giờ tôi mạo muội đề xuất ý tưởng của mình, hy vọng rằng sẽ không gặp phải bất kỳ phản đối nào, dù là nhỏ nhất.
Một người Mỹ mà tôi quen biết ở London - một người rất hiểu biết - đã cam đoan với tôi rằng một đứa trẻ khỏe mạnh, được nuôi dưỡng tốt, khi đủ tuổi, là món vô cùng ngon miệng, bổ dưỡng và lành mạnh - dù là hầm, nướng, đút lò hay luộc; và tôi tin chắc rằng nó cũng sẽ phù hợp để nấu fricassée hay ragout.
Vì vậy, tôi xin trình bày một cách nghiêm túc để toàn công chúng cùng suy xét. Cách ấy thế này: trong số một trăm hai mươi ngàn trẻ em đã tính ở trên, có thể dành riêng hai mươi ngàn làm giống, trong đó chỉ cần một phần tư là con trai - còn nhiều hơn số lượng chúng ta cho phép với cừu, bò hay lợn - và lý do là bởi những trẻ này hiếm khi là kết quả của hôn nhân, một yếu tố mà dân man rợ chúng ta chẳng mấy quan tâm; do đó, một bé trai là đủ để phục vụ cho bốn bé gái. Còn lại một trăm ngàn đứa trẻ, đến khi tròn một tuổi, có thể được đem bán cho giới quý tộc và những người có của trong khắp vương quốc, với lời khuyên dành cho các bà mẹ là nên cho con bú thật nhiều trong tháng cuối, để thân thể chúng tròn trịa và béo tốt, hợp khẩu vị bàn tiệc. Một đứa trẻ có thể làm thành hai món trong một bữa chiêu đãi bạn bè, và khi nhà chỉ ăn cơm một mình, một phần tư trước hay sau cũng đã là món ăn hợp lý; nêm thêm chút muối tiêu, đem luộc đến ngày thứ tư thì vẫn rất ngon, nhất là vào mùa đông
Tôi đã ước lượng trung bình rằng một trẻ sơ sinh nặng khoảng mười hai pound, và nếu được nuôi dưỡng khá thì trong vòng một năm dương lịch sẽ lên được hai tám pound.
Tôi thừa nhận rằng món này sẽ hơi đắt đỏ và do đó thích hợp với giới địa chủ - vốn đã nuốt chửng phần lớn cha mẹ lũ trẻ ấy nên dường như cũng có quyền chính đáng để hưởng phần con cái họ.
Thịt trẻ sơ sinh sẽ có quanh năm nhưng sẽ dồi dào nhất vào khoảng tháng Ba; một tác giả đáng kính - một bác sĩ người Pháp nổi tiếng - có nói rằng cá là một loại thực phẩm làm tăng khả năng sinh sản, nên ở các nước Công giáo La Mã, trẻ con thường được đẻ vào khoảng chín tháng sau mùa Chay hơn bất kỳ thời điểm nào khác trong năm; vì thế, nếu tính từ sau mùa Chay thì thị trường sẽ thừa mứa hơn bình thường, bởi số trẻ sơ sinh Công giáo ở vương quốc này ít nhất chiếm tỷ lệ ba trên một, và do đó, đề xuất của tôi còn có lợi ích phụ: giúp giảm bớt số tín đồ Công giáo trong dân chúng.
Tôi đã tính rằng chi phí để nuôi một đứa con của người ăn xin (mà trong danh sách ấy tôi tính luôn cả dân làm thuê, tá điền và bốn phần năm nông dân) vào khoảng hai shilling một năm, bao gồm cả quần áo rách; và tôi tin rằng không quý ông nào sẽ tiếc khi bỏ ra mười shilling để mua xác một đứa trẻ béo tốt, như tôi đã nói, có thể chế biến thành bốn món ăn dinh dưỡng, dùng khi tiếp một người bạn thân thiết hoặc trong bữa cơm gia đình. Như vậy, các địa chủ sẽ học được cách tử tế với tá điền của mình và sẽ được lòng họ còn người mẹ thì lãi tám shilling, lại sẵn sàng quay lại làm việc cho đến khi sinh đứa con kế tiếp.
Những người tiết kiệm hơn (và tôi xin thừa nhận rằng thời buổi hiện nay rất cần tiết kiệm) có thể lột da, và da này, nếu được xử lý khéo léo, sẽ cho ra những găng tay tuyệt vời cho các quý bà và ủng mùa hè cho các quý ông lịch lãm.
Đối với thành phố Dublin của chúng ta, có thể chỉ định các khu giết mổ chuyên biệt ở những nơi thuận tiện nhất, và tôi tin rằng sẽ không thiếu người làm nghề mổ; tuy nhiên, tôi vẫn nghiêng về việc mua lũ trẻ khi còn sống và chế biến chúng nóng hổi bằng dao, như cách chúng ta xử lý lợn sữa quay.
Một người rất đáng kính, một người yêu nước chân chính mà tôi vô cùng trân trọng, khi thảo luận vấn đề này đã đề xuất một cải tiến cho kế hoạch của tôi. Ông cho rằng nhiều quý tộc trong vương quốc hiện nay đã giết hết hươu nai trong khu đất của mình nên thiếu thịt, và ông nghĩ rằng sự thiếu hụt kia hoàn toàn có thể được bù đắp bằng các thiếu niên nam nữ không quá mười bốn tuổi và không dưới mười hai tuổi; bởi hiện có quá nhiều trẻ em cả trai lẫn gái ở mọi hạt đang sắp chết đói vì không có việc làm hay chỗ ở; chúng có thể được bán bởi cha mẹ nếu còn sống hoặc bởi thân nhân gần nhất nếu cha mẹ đã mất. Tuy nhiên, với tất cả lòng tôn trọng dành cho một người bạn tuyệt vời và một nhà ái quốc xuất sắc, tôi không thể hoàn toàn đồng tình với quan điểm của ông; theo lời bạn người Mỹ của tôi, dựa trên kinh nghiệm thực tế, thịt con trai thường dai và nạc do vận động quá nhiều, giống như học sinh trường nội trú, và hương vị không mấy dễ chịu, mà nếu muốn vỗ béo thì chi phí lại không xứng với lợi ích. Còn về phần con gái, tôi cho rằng nói khiêm nhường thì đó sẽ là một tổn thất cho toàn thể cộng đồng bởi các em rồi sẽ trở thành những người sinh sản; hơn nữa cũng không loại trừ khả năng một số người khó tính sẽ lên án cách làm ấy (dù thật ra là rất bất công), vì có phần tàn nhẫn - mà thú thực, đây cũng luôn luôn là lý do phản đối mạnh mẽ nhất của tôi đối với bất kỳ đề án nào, dù thiện chí đến đâu.
Tuy nhiên, để biện hộ cho người bạn của tôi, ông ta thú nhận rằng ý tưởng kia vốn được gợi lên từ ngài Psalmanaazor lừng danh, một người bản xứ đảo Formosa đã đến London hơn hai mươi năm trước và trong một cuộc trò chuyện từng kể với bạn tôi rằng: ở nước ông, khi có một thanh niên bị hành hình, đao phủ sẽ bán thi thể cho giới quý tộc như một món cao lương mỹ vị và trong thời của ông, xác một cô gái mười lăm tuổi béo tốt, bị đóng đinh vì mưu đầu độc Hoàng đế, đã được bán cho vị đại thần thân cận nhất cùng các đại quan khác trong triều, từng phần cắt thẳng từ thập giá, với giá bốn trăm đồng crown. Thật ra, tôi cũng không thể chối rằng nếu cách tương tự được áp dụng với một vài cô gái phố thị béo tốt - những kẻ không có đến một xu dính túi mà lại không thể ra đường nếu không ngồi kiệu, và xuất hiện ở nhà hát hay các buổi hội hè trong những bộ cánh ngoại quốc mà họ sẽ không bao giờ trả nổi - thì đất nước này chắc chắn cũng chẳng thiệt thòi gì.
Một số người tinh thần bi quan đang rất lo lắng về số lượng lớn người nghèo già yếu, bệnh tật hoặc tàn tật; và tôi từng được yêu cầu suy nghĩ về những biện pháp có thể giúp đất nước bớt đi gánh nặng khủng khiếp này. Nhưng tôi chẳng phiền muộn gì về chuyện đó, bởi ai cũng biết rõ rằng những người ấy đang chết dần chết mòn vì rét mướt, đói khát, dơ bẩn và côn trùng - với tốc độ hoàn toàn hợp lý. Về đám lao động trẻ tuổi, tình hình của họ cũng chẳng sáng sủa hơn bao nhiêu. Họ không tìm được việc làm nên cứ héo mòn vì thiếu ăn, đến mức có khi may mắn được thuê làm việc tay chân thì lại không đủ sức hoàn thành; và như vậy, đất nước cũng như bản thân họ đều được giải thoát khỏi những tai họa sắp đến.
Tôi đã lan man quá lâu, giờ xin quay lại với vấn đề chính. Tôi cho rằng những lợi ích mà đề xuất của tôi mang lại là rõ ràng và vô cùng thiết thực, cũng như có tầm quan trọng hàng đầu.
Thứ nhất, như tôi đã chỉ ra, nó sẽ giúp giảm đáng kể số lượng người Công giáo, vốn đang tràn ngập đất nước chúng ta, là thành phần sinh sản nhiều nhất, lại cũng là kẻ thù nguy hiểm nhất; họ ở lại quê nhà với âm mưu trao đất nước cho tên tiếm vương, mong lợi dụng sự vắng mặt của những tín đồ Tin Lành tốt bụng - những người thà rời bỏ quê hương còn hơn ở lại để nộp thuế mười phần trăm trái với lương tâm cho giáo sĩ của giáo hội.
Thứ hai, những tá điền nghèo sẽ lần đầu tiên có được một tài sản có giá trị thuộc sở hữu hợp pháp, có thể dùng để thế nợ, hỗ trợ trả tiền thuê đất cho địa chủ - khi thóc lúa và gia súc của họ đã bị tịch thu và tiền mặt là thứ gần như không tồn tại.
Thứ ba, chi phí nuôi dưỡng một trăm ngàn đứa trẻ từ hai tuổi trở lên không thể thấp hơn mười shilling mỗi đứa mỗi năm; nếu dứt được gánh nặng ấy, quốc gia sẽ tiết kiệm được năm mươi ngàn bảng mỗi năm, chưa kể lợi nhuận từ món ăn mới sẽ xuất hiện trên bàn tiệc của mọi quý ông giàu có - những người biết trân trọng sự tinh tế trong ẩm thực. Và khoản tiền đó sẽ lưu chuyển trong nội bộ chúng ta, bởi sản phẩm hoàn toàn do đất nước ta nuôi trồng và chế biến.
Thứ tư, những phụ nữ sinh con đều đặn, ngoài khoản lãi tám shilling mỗi năm từ việc bán con, còn được giải thoát khỏi gánh nặng nuôi nấng chúng sau năm đầu tiên.
Thứ năm, món ăn này sẽ giúp các quán rượu đông hơn - các chủ quán chắc chắn sẽ khôn ngoan tìm mua được những công thức nấu nướng hoàn hảo nhất; các quý ông sành ăn sẽ thường xuyên lui tới; còn đầu bếp giỏi, nếu biết chiều lòng thực khách, sẽ tìm cách chế biến sao cho món ăn tốn kém đúng như khẩu vị của họ.
Thứ sáu, điều này sẽ là động lực tuyệt vời để khuyến khích hôn nhân - điều mà mọi quốc gia khôn ngoan đều hoặc khen thưởng hoặc bắt buộc bằng pháp luật và hình phạt. Nó sẽ khiến các bà mẹ chăm sóc con cái cẩn thận và trìu mến hơn vì họ biết chắc rằng những đứa trẻ đáng thương kia sẽ có được một chỗ đứng trong cuộc đời, do nhà nước chu cấp một phần và mang lại lợi nhuận hằng năm thay vì tiêu hao phí tổn. Chúng ta sẽ sớm chứng kiến một cuộc thi đua thành thật giữa các bà mẹ, xem ai có thể đưa ra chợ đứa trẻ mập mạp nhất. Đàn ông sẽ yêu chiều vợ khi đang mang thai, như họ hiện đang yêu quýngựa, bò chửa hay lợn nái sắp đẻ; và sẽ không còn chuyện đánh đập, đá vào bụng vợ (một thói quá phổ biến) nữa.
Còn rất nhiều lợi ích khác có thể liệt kê, chẳng hạn như bổ sung vài nghìn xác trẻ vào mặt hàng thịt bò muối xuất khẩu hay gia tăng sản lượng thịt lợn và cải tiến nghệ thuật làm thịt xông khói - một mặt hàng đang vô cùng thiếu do số lượng lợn bị ăn thịt quá nhiều, quá thường xuyên; mà thịt lợn thì không thể nào sánh được về hương vị hay sự sang trọng với trẻ con một tuổi béo tròn, được quay nguyên con - chắc chắn sẽ trở thành điểm nhấn ngoạn mục tại tiệc của ngài Thị trưởng hoặc bất kỳ yến tiệc công cộng nào khác. Nhưng những điểm này và nhiều điều nữa, tôi xin được bỏ qua để giữ sự ngắn gọn.
Giả sử một nghìn gia đình tại thành phố này trở thành khách hàng thường xuyên của món thịt trẻ sơ sinh, chưa kể những người khác sẽ dùng món ấy trong các dịp hội hè vui vẻ - đặc biệt là đám cưới và lễ rửa tội - tôi ước tính Dublin sẽ tiêu thụ khoảng hai mươi ngàn xác mỗi năm; và phần còn lại của vương quốc (nơi giá có thể rẻ hơn đôi chút), sẽ tiêu thụ tám mươi ngàn còn lại.
Tôi không thể nghĩ ra bất cứ phản đối nào mà người ta có thể dấy lên đối với đề xuất này, trừ phi có ai đó cự rằng điều này sẽ làm giảm đáng kể dân số của vương quốc. Điều ấy, tôi xin thẳng thắn thừa nhận, chính là một trong những mục đích chủ yếu khi tôi trình bày đề xuất này trước công chúng.
Tôi mong người đọc lưu ý rằng giải pháp của tôi được tính riêng cho Vương quốc Ireland và không dành cho bất kỳ quốc gia nào khác từng, đang, hay sẽ tồn tại trên Trái Đất. Bởi thế, xin đừng ai nói với tôi về những biện pháp khác, như đánh thuế những kẻ bỏ xứ ở mức năm shilling mỗi bảng Anh gửi đi, hay chỉ dùng quần áo, đồ đạc do chính ta làm ra, hay từ bỏ mọi vật dụng và công cụ phục vụ xa hoa ngoại lai, hay chữa bệnh hoang phí, kiêu hãnh, nhàn rỗi và mê cờ bạc ở phụ nữ, hay gieo tinh thần tiết kiệm, khôn ngoan và điều độ, hay học cách yêu quê hương mình - điều mà dân Laplanders và Topinamboo cũng làm được mà ta thì không, hay từ bỏ những hận thù bè phái và không còn cư xử như người Do Thái xưa kia, tàn sát nhau ngay lúc thành phố của họ đang bị chiếm đóng, hay ít ra cũng nên dè chừng để khỏi bán rẻ đất nước và lương tâm vì chẳng được gì, hay dạy các địa chủ một chút lòng thương với tá điền của họ. Và cuối cùng, hãy truyền tinh thần trung thực, siêng năng và tay nghề cho giới thương nhân của chúng ta - những người, nếu bây giờ quyết chỉ mua hàng nội địa, sẽ lập tức liên minh để lừa đảo chúng ta bằng các chiêu thức về giá cả, đo lường và chất lượng, và chưa bao giờ đưa ra được một đề xuất buôn bán công bằng nào, dù đã được tha thiết kêu gọi rất nhiều lần.
Tôi nhắc lại: xin đừng nói với tôi về những biện pháp như thế, cho đến khi có một tia hy vọng thực sự rằng sẽ có ai đó dốc lòng và chân thành thực hiện chúng.
Còn về phần tôi, sau nhiều năm kiệt sức vì phải đề xuất những suy nghĩ viển vông, vô ích và thiếu thực tế và cuối cùng hoàn toàn tuyệt vọng trước mọi khả năng thành công, tôi may mắn tìm ra giải pháp này - một đề xuất hoàn toàn mới, thiết thực, không tốn kém và rất ít phiền toái, hoàn toàn nằm trong kiểm soát của chúng ta và không gây nguy hiểm gì cho quan hệ với nước Anh, vì loại hàng hóa này không thể xuất khẩu và thịt lại quá mềm để có thể bảo quản lâu bằng muối - mặc dù tôi có thể chỉ tên một quốc gia rất sẵn lòng ăn sống nuốt tươi cả dân tộc chúng ta mà không cần muối.
Sau tất cả, tôi cũng không đến mức cố chấp mù quáng với ý kiến của chính mình đến nỗi từ chối bất kỳ đề xuất nào do những người khôn ngoan đưa ra, nếu nó được chứng minh là vô hại, rẻ tiền, dễ thực hiện và hiệu quả tương đương. Nhưng trước khi ai đó đưa ra một ý tưởng như thế để phản bác kế hoạch của tôi và đề xuất một phương án tốt hơn, tôi mong tác giả hay các tác giả ấy hãy chín chắn suy xét hai điều sau.
Thứ nhất, trong tình hình hiện nay, làm cách nào họ có thể kiếm ra đủ lương thực và quần áo cho một trăm ngàn cái miệng và cái lưng vô dụng?
Thứ hai, xét rằng vương quốc hiện có khoảng một triệu sinh vật mang hình dáng con người, mà nếu dồn toàn bộ phương tiện sinh sống của họ vào một quỹ chung thì họ vẫn sẽ nợ đến hai triệu bảng Anh - bao gồm cả những kẻ hành nghề ăn xin, cộng với đại đa số nông dân, tá điền và người lao động, cùng vợ con họ, những người trên thực tế chẳng khác nào ăn xin, tôi mong những nhà chính trị nào không hài lòng với đề xuất của tôi và có thể lên tiếng phản hồi trước hết hãy hỏi chính cha mẹ của những sinh linh ấy xem liệu họ có cho rằng, vào thời điểm này, được bán đi làm đồ ăn từ khi một tuổi, theo đúng phương thức tôi nêu, có thể nào chẳng phải là vận may trời cho không - vì như thế chúng sẽ tránh được một chuỗi dài bất hạnh buộc phải trải qua dưới ách bóc lột của địa chủ, giữa cảnh không thể trả nổi tiền thuê, sống thiếu ăn thiếu mặc, không nhà cửa, không áo che thân trước những khắc nghiệt của thời tiết, với một viễn cảnh không thể khác là sẽ truyền lại những khốn khổ bằng hoặc thậm chí tồi tệ hơn cho thế hệ kế tiếp.
Tôi xin thề bằng tất cả sự chân thành rằng tôi không có chút quyền lợi cá nhân nào trong việc cổ vũ cho công trình cần thiết này. Động lực duy nhất của tôi là lợi ích chung của đất nước: phát triển thương mại, chăm lo cho trẻ nhỏ, cứu giúp người nghèo và mang lại đôi chút khoái lạc cho người giàu. Tôi không có đứa con nào ở vào trường hợp có thể giúp tôi thu được một xu lợi lộc; đứa nhỏ nhất của tôi đã lên chín, còn vợ tôi thì quá tuổi sinh nở rồi.
Huỳnh Bất Thức dịch
thế kỷ 18 ấy
Jonathan Swift (1667–1745)
Lesage (1668–1747)
Saint-Simon (1675–1755)
Voltaire (1694–1778)
Jean-Jacques Rousseau (1712–1778)
Lichtenberg (1742–1799)
Chateaubriand (1768–1848)
tức là, đã có một sự trượt chân khỏi grande siècle