Soi gương
236 trang
13 x 20,5 cm
Tự đi mua hoa
(Sài Gòn Tiếp thị, tháng 3, 2011)
Lại sắp đến cái ngày được mặc định là của hoa và phụ nữ. Vừa lái xe anh vừa nghĩ thơ thẩn, cũng may, hai thứ này chỉ cần thiết phải liên quan đến nhau trong vài ba dịp đặc biệt mỗi năm, chứ nếu không một người đàn ông được coi là thành đạt, hiểu biết và văn minh như anh chắc sẽ phải dằn vặt khó chịu lắm. Một sự dằn vặt nhè nhẹ thôi như cảm giác có một cánh bướm đang chập chờn đâu đó trong dạ dày, nhưng nó sẽ đeo đuổi anh suốt trong vài ngày, trước và sau cái ngày mà anh có trách nhiệm phải tặng hoa (quà nữa nếu muốn nhưng không thể thiếu hoa) cho những người phụ nữ quan trọng của đời anh.
Người được tặng hoa đầu tiên sẽ là mẹ, tất nhiên, đều đặn và không thay đổi từ nhiều năm nay. Dĩ nhiên, đôi lúc đâu đó trong óc anh cũng lẩn quất ý nghĩ: điều này nhiều phần là kết quả của giáo dục, nhưng dẫu có thế nào thì anh cũng chấp nhận đã là con trai thì phải trụ cột, phải bao bọc, che chở cho phụ nữ, rằng phụ nữ là những bông hoa đẹp mà những người đàn ông cần tôn trọng, nâng niu. Anh đã, đang và sẽ làm đúng cái trách nhiệm được xã hội quy định ấy, không ngần ngại và hoài nghi điều gì. Anh thấy hạnh phúc vì sự không nghi ngờ ấy.
Anh cũng cảm thấy niềm hạnh phúc tương tự trong đôi mắt trong veo của cô cháu gái ba tuổi. Nó chẳng hiểu trách nhiệm xã hội là gì, nó cũng không quan tâm đến chuyện tại sao ông chú nó lại mang đến cho nó bó hoa sặc sỡ thế. Nó chỉ biết rằng trong lòng nó là những bông hoa đủ màu đang sáng rực lên trong ánh nắng của một ngày đông hiếm hoi, rất hợp với cái váy nó đang mặc, rất hợp với mái tóc hỉ nhi và làn da hây hây của nó. Nó cười rung rinh, tự đâu đó, rất sâu thẳm, rất mơ hồ, nó biết được nó sẽ còn được nhận nhiều, rất nhiều những bông hoa như thế từ những người đàn ông. Mong sao cô bé cứ cười được như thế mãi với những người đàn ông tặng hoa cho cô trong mười, hai mươi, ba mươi hay nhiều nhiều năm sau nữa.
“Ai biết được hai mươi năm nữa phụ nữ có còn thích được tặng hoa, mà lúc đó, liệu có còn hoa để mà tặng, ơ mà có khi, lúc đó đàn ông biết mua hoa tuyệt chủng rồi cũng nên”, cô bạn lâu năm, người tôn thờ chủ nghĩa độc thân, nheo nheo mắt nói với anh. Cô là người thứ ba được anh tặng hoa. Anh không trả lời vì biết chừng nào anh hoặc cô còn chưa bốc hơi khỏi thế giới này, chừng nào cô vẫn còn là bạn của anh bất kể cô có tin hay không tin rằng ngoài kia đâu đó có một người nào đó “vừa vặn” với cô, chừng nào anh còn biết được phải mua hoa gì, ở đâu, vào lúc nào thì đẹp nhất, thì cô vẫn sẽ là người thứ ba được anh tặng hoa trong cái ngày của phụ nữ và hoa này.
Còn người thứ tư, sẽ là “nàng”, anh nhủ thầm, năm nay “nàng” sẽ là ai đây và cảm giác cánh bướm chấp chới lại trỗi dậy. Đã có vài người con gái đứng ở vị trí “nàng” trong nhiều năm qua, họ là những người anh yêu, là những người mà trong lúc lựa chọn những bông hoa đẹp nhất anh đã từng nghĩ, từng hy vọng anh sẽ mua hoa cho họ vào bất cứ lúc nào, bất cứ ngày nào trong năm, mỗi khi anh cảm thấy rằng anh cần họ cũng như cuộc đời cần những người biết trân trọng giá trị của những bông hoa đẹp. Và hình như càng lớn tuổi, càng trưởng thành, càng nhiều kinh nghiệm, người ta càng dễ thất vọng. Anh không còn là chàng trai mới lớn mặt đỏ bừng miệng ấp úng giấu bó hồng còn rỏ nước tong tỏng sau lưng chào hỏi thưa gửi các bậc phụ huynh. Anh qua rồi thời rồ dại nửa đêm vác một thùng phuy hồng nhung đứng trước cửa nhà hòng làm mềm trái tim người đẹp. Anh cũng đủ bản lĩnh để cười vào mũi những tay trọc phú tay đeo vàng xuyến miệng líu lô chở người đẹp chân dài trên những con xe hai cửa quăng tiền vào hàng hoa khệnh khạng: “Đem bó nào to nhất đắt nhất ra đây”.
Anh thất vọng vì dạo này khắp nơi mọc lên nhan nhản các cửa hiệu hoa với cái tên “hoa nghệ thuật”, hoa được tỉa tót, nhuộm màu và gói ghém vào với nhau một cách khiên cưỡng theo thẩm mỹ và quan điểm nghệ thuật của những cô thợ gói hoa móng tay đỏ lòm, môi đỏ chót, quần cạp trễ hở cả quần lót mỗi khi đứng lên ngồi xuống tất bật vì đông khách. Anh thất vọng vì bây giờ người ta thích ngắm những giấy nylon xanh đỏ tím vàng tầng tầng diêm dúa, những hột nhựa, nơ tím nơ hồng quấn xung quanh bó “hoa nghệ thuật” hơn là bản thân những bông hoa. Và điều anh thất vọng nhất, là từ lâu lắm rồi, anh không còn nhìn thấy những ánh mắt hân hoan của những cô gái khi được anh tặng hoa nữa. Giá như nàng đừng vội nói ra những câu vô duyên quá ngay khi nhận những bông hoa (hay tại càng ngày anh càng khó tính, anh thấy xúc phạm cho những bông hoa anh đã chọn). Giá như nàng đừng lộ vẻ thất vọng quá sớm kiểu “có mỗi hoa không thôi à”. Giá như nàng biết cười rung rinh như cái cách con bé cháu ba tuổi đã cười, hay ít ra là nói một câu gì đó bớt “nylon xanh” bớt “hột nhựa” bớt “nơ tím” như cái cách cô bạn thân của anh đã nói.
Vì thế cho nên, nhiều năm nay, anh cứ ngập ngừng, nấn ná mãi ở hàng hoa khi đi chọn bó hoa thứ tư. Anh quen thuộc với những bông hoa và cả các hàng hoa, biết nói chuyện với những cô gái bán hoa để bó hoa kia được gói mềm mại hơn, nút thắt của sợi dây tinh tế hơn. Năm nay, bên cạnh anh là một cô gái chọn hoa đúng như anh vẫn chọn, thậm chí anh từng mong người mình yêu biết chọn hoa như vậy. Ai biết chọn hoa thì biết thế nào là cái đẹp, anh vẫn đinh ninh thế. Rồi anh mơ hồ tự nhủ: một bên thì muốn có người để tặng hoa, một bên thì tự mua hoa cho mình vào ngày hôm nay, cái ngày phụ nữ chỉ cần ngồi nhà chờ hoa, cả xấu lẫn đẹp, sự kết hợp này thật là chuẩn xác và vừa vặn.
Nếu là anh của vài ba năm trước, một câu làm quen duyên dáng hẳn đã nhẹ nhàng bay khỏi miệng và rồi biết đâu cả một câu chuyện ngọt ngào sẽ bắt đầu từ đây, những bông hoa sẽ giống như một lời chúc phúc thơm ngát nhất mà người ta có thể tưởng tượng ra cho một mối quan hệ nồng thắm. Anh đã chực làm thế, nhưng rồi một ý nghĩ thấm đẫm mùi vị tuổi tác hiện ra trong óc: người tự đi mua hoa cho mình với dáng điệu thoải mái nhường kia phải là người biết một mình hưởng thụ cái đẹp, biết đặt mình ra bên ngoài vòng kết hợp xét cho cùng là phi lý của phụ nữ và hoa vào một ngày định sẵn.
Cái đẹp là không định trước, không sắp đặt. Và, anh cũng chợt hiểu ra, rằng anh cũng đang tự đi mua hoa cho chính mình.
EM