Philip Roth và Primo Levi
Năm 1986, Philip Roth đến Torino gặp và nói chuyện với Primo Levi. Kết quả là bài dưới đây, cuộc trò chuyện giữa hai nhà văn Do Thái đặc biệt quan trọng của thế kỷ 20, theo hai cách thức khác nhau, có các kinh nghiệm và ở những nơi khác nhau.
Cái hôm thứ Sáu tháng Chín năm 1986 nơi tôi tới Torino để tiếp tục với Primo Levi một cuộc trò chuyện đã khởi đầu vào một buổi chiều tại London, hồi mùa xuân trước đó, tôi bảo ông dẫn tôi đi thăm nhà máy sơn từng thoạt tiên thuê ông làm công việc nghiên cứu, rồi làm giám đốc, cho đến khi ông về hưu. Hãng gồm tổng cộng năm mươi nhân viên, về cốt yếu là các nhà hóa học làm việc ở những phòng thí nghiệm và các công nhân được kiểm định chất lượng ngay tại xưởng. Những cái máy, dãy bồn chứa, bản thân các phòng thí nghiệm, thành phẩm đựng trong những cái thùng to bằng người, đã sẵn sàng để được chuyển đi, máy tái chế dùng để lọc đề sê, toàn bộ những cái đó nằm trên hai héc-ta, hai héc-ta rưỡi, cách Torino khoảng một chục cây số. Tiếng ồn của máy đang sấy nhựa thông, trộn véc-ni và bơm các chất gây ô nhiễm đi không bao giờ đạt tới một mức đề-xi-ben gây báo động, và mùi hắc ngự trị trong sân - Levi bảo tôi là nó vẫn dính vào quần áo ông hai năm sau khi ông về hưu - không hề đáng kinh tởm; bãi rác dài ba mươi mét, đầy ắp một thứ bùn đen phát xuất từ các thứ cặn của chất chống ô nhiễm, không tạo ra một cảnh tượng không thể chịu đựng. Như vậy thì cũng đồng nghĩa với việc đó không phải là môi trường công nghiệp gớm ghiếc nhất trên đời, nhưng dẫu sao thì người ta cũng ở rất xa những câu ngập tràn trí năng vốn dĩ là nhãn mác sản xuất cho các câu chuyện nhiều tính cách tự truyện của Levi.
Dẫu ở xa khỏi tinh thần văn xuôi của ông đến mức nào, rõ ràng là nhà máy vẫn là một nơi thân thiết với trái tim ông; trong lúc hấp thụ những gì mà tôi có thể hấp thụ từ tiếng ồn, từ mùi hôi thối, từ mớ chằng chịt những ống ti-ô cùng bồn, kho chứa và bảng đo, tôi nhớ đến Faussone, nhân vật chuyên làm các loại khung kim loại trong Mỏ lết, người tâm sự với Levi - ông gọi đó là "alter ego của tôi": "Tôi phải nói với anh là tôi rất thích được ở trong một cái xưởng nhà máy."
Lúc chúng tôi băng ngang sân ngoài để đến chỗ phòng thí nghiệm, tòa nhà nhỏ hai tầng được xây dựng vào hồi ông làm giám đốc nơi đây, ông nói với tôi: "Tôi đã đánh mất toàn bộ tiếp xúc với nhà máy từ mười hai năm nay, việc ta sắp làm đây đối với tôi sẽ là một cuộc phiêu lưu." Gần như tất tật những người ông từng làm việc cùng giờ đây đều đã chết hay về hưu, ông nghĩ vậy, và vài khuôn mặt quen hiếm hoi mà ông bắt gặp thì ông thấy dường là các hồn ma. "Lại thêm một con ma", ông hạ giọng thật thấp bảo tôi sau khi một người đàn ông đi ra từ văn phòng trung tâm, trước đây là văn phòng của ông, để chào hỏi ông. Khi chúng tôi đi về phía cái góc trong phòng thí nghiệm nơi người ta kiểm tra nguyên liệu thô trước khi gửi chúng tới dây chuyền sản xuất, tôi hỏi ông có nhận ra luồng hơi hóa học nhẹ ngự trị trong hành lang hay không; hẳn có thể nói đấy là mùi bệnh viện. Trong giây lát, ông ngẩng đầu lên, nghếch mũi lên trời. Rồi, với một nụ cười, ông đáp là ông nhận ra, và lẽ ra ông đã phải ra sức mà phân tích nó.
Tôi thấy ông dường tỏa rạng một năng lượng bên trong, một thứ thủy ngân, giống một trong các vị thần rừng nhỏ bé mà trí năng tinh xảo nhất của khu rừng làm cho sống động. Levi thấp và nhỏ bé, dẫu không mảnh dẻ như thái độ khiêm nhường của ông khiến ông tỏ ra vào lúc ban đầu. Ông mang lại cảm giác mình vẫn giữ được sự khéo léo tuổi lên mười của mình. Ở người ông, nơi khuôn mặt ông, người ta thấy, điều này rất hiếm đối với một con người, người và mặt của đứa trẻ từng là ông. Sự nhanh nhẹn của ông gần như có thể chạm vào được, sự nhạy cảm của ông thì phập phồng, như một cái bút thử điện.
Các nhà văn, điều này ít đáng ngạc nhiên hơn so với vẻ bề ngoài, có thể được chia, giống phần còn lại của loài người, thành những người lắng nghe và những người không lắng nghe. Levi thì lắng nghe và là bằng cả khuôn mặt mình, một khuôn mặt với sự tạo hình chính xác, nó, cùng chòm râu cằm bạc như râu dê của ông, giữ được ở tuổi sáu mươi bảy toàn bộ sự tươi trẻ của con thú hoang mà không hề chối bỏ sự nghiêm túc con người trường đại học của ông; một khuôn mặt nơi có thể đọc thấy một nỗi hiếu kỳ không thể đè nén, nhưng một khuôn mặt của dottore xuất chúng. Tôi rất muốn tin Faussone khi anh ta nói với Primo Levi, ở đầu Mỏ lết: "Anh là một tay thật kỳ, làm được tôi kể những câu chuyện mà tôi chưa từng kể với một ai!" Không hề đáng kinh ngạc khi người ta lúc nào cũng kể cho ông cả đống thứ và toàn bộ được ghi lại hết sức trung thành trong ký ức ông trước cả khi được viết ra: khi lắng nghe, ông cũng tập trung, bất động như một con sóc đang quan sát một đối tượng chưa biết từ gờ tường đá của nó.
Ông sống cùng Lucia, vợ ông, trong một tòa nhà đồ sộ to lớn xây dựng vài năm trước khi ông sinh - vả lại đó là căn nhà gốc gác của ông bởi vì ở đó ông chiếm căn hộ của bố mẹ ông; nếu không tính cái năm ông ở Auschwitz, cũng như những tháng đầy phiêu lưu tiếp theo sau lúc ông được tự do, cuộc đời ông đã diễn ra trong căn hộ này. Tòa nhà, mà sự vững chắc kiểu bourgeois bắt đầu chịu thua trước các tấn công của thời gian, nằm trên một đại lộ rộng có nhiều tòa nhà giống thế, nó tạo cho tôi cảm giác đấy là một tương đương với West End Avenue, ở Manhattan, nhưng lại ở Bắc Ý. Nó bị xâm chiếm bởi một làn sóng liên tục của những cái xe ô tô và xe bus, cũng như các đoàn tramway chạy trên đường ray của chúng; nhưng một hàng cây dẻ to chạy dọc mấy lối đi phụ hẹp, hai bên đường, và tại ngã tư, người ta trông thấy những ngọn đồi màu lục bo viền thành phố. Các vòm tường lừng danh của khu trung tâm nhộn nhịp buôn bán chỉ nằm cách mười lăm phút đi bộ thẳng tắp, trong cái mà chính Primo Levi từng gọi là "hình học gây ám ảnh của Torino".
Cũng sống trong căn hộ của vợ chồng Levi cũng, như kể từ khi hai người gặp nhau và lấy nhau, là bà mẹ của Primo, đã chín mươi mốt tuổi; mẹ vợ ông, chín mươi lăm tuổi, sống không xa đó lắm; đối diện, trên cùng một thềm, là con trai ông, hăm tám tuổi, một nhà vật lý, và cách đó vài phố, con gái ông, ba mươi tám tuổi, nhà thực vật học. Về phần mình, tôi không biết nhà văn đương đại nào khác sẵn lòng ở lại, từ tất tật những thập kỷ kia, nối vào hết sức thiết thân, và trong tiếp xúc vô cùng tức thì, không ngắt quãng như vậy với gia đình gần gũi của mình, căn nhà gốc gác của mình, vùng của mình, thế giới của tổ tiên mình, và nhất là, thế giới công việc đúng như người ta thấy ở Torino, thủ đô của Fiat, một thế giới công nghiệp xét về cốt yếu. Trong số tất tật các nghệ sĩ được thiên phú về trí năng của thế kỷ này, và Levi là độc nhất ở điểm ông là một nghệ sĩ của hóa học nhiều hơn so với là một nhà văn-nhà hóa học, hẳn ông sẽ có thể là người thích ứng được hơn cả với cuộc sống xung quanh mình, xét trong toàn thể của nó. Có lẽ là với kiệt tác của ông về Auschwitz, cái cuộc sống gồm những dây nối cộng đồng này tạo dựng câu trả lời có tính cách văn minh và sống động một cách sâu sắc mà ông đặt ra trước những ai hùng hục cắt đi các dây buộc lâu dài, và đẩy bắn ông đi, cũng như những người giống ông, khỏi lịch sử.
Ở đầu Bảng tuần hoàn hóa học, trong một đoạn văn miêu tả một trong những quá trình gây nhiều thích thú hơn cả của hóa học, người ta tìm thấy cái câu đơn giản hết mức sau: "Sự chưng cất thật đẹp." Các lời lẽ tiếp theo đây chẳng là gì khác ngoài một sự chưng cất, tức là một sự thu về cái cốt yếu của cuộc trò chuyện đầy sôi động và trùm lên nhiều địa hạt rộng lớn mà chúng tôi đã có bằng tiếng Anh, trong một kỳ cuối tuần phần lớn trải qua đằng sau cánh cửa phòng làm việc yên tĩnh của ông nhìn xuống lối vào căn hộ của ông. Căn phòng ấy rộng, kê đồ đơn giản. Có một cái trường kỷ cũ nhiều họa tiết hoa cùng một cái ghế đẩu dài ngồi rất thích; trên mặt bàn, một máy xử lý văn bản phủ khăn; được xếp rất quy củ sau bàn làm việc, trên một cái giá, những quyển sổ của Levi gồm nhiều màu khác nhau; trên các kệ sách đầy trong phòng, những quyển sách bằng tiếng Ý, tiếng Đức và tiếng Anh. Thứ đồ nhiều sức gợi nhất cũng là một trong những gì nhỏ nhất: một bức họa được kín đáo treo trên tường vẽ một đoạn dây thép gai ít nhiều tơi tả. Có thể nhìn rõ hơn là các tác phẩm rất nghịch làm từ dây điện mà chính Primo Levi đã khéo léo uốn; đấy là loại dây bọc một thứ véc-ni được làm ra chỉ vì mục đích đó tại chính phòng thí nghiệm của ông. Có một con bướm lớn uốn bằng dây, một con cú mèo, một con bọ cánh cứng nhỏ xíu và, tít trên tường cao, sau bàn làm việc, hai trong số tác phẩm lớn nhất: một trong hai trình hiện một chiến binh-chim cầm vũ khí là một cái kim đan, và cái còn lại, như Levi giải thích trước vẻ hoang mang của tôi, "một người đang nghịch cái mũi của mình". "Một người Do Thái à? tôi gợi ý. - Phải, phải, ông cười, đáp, một người Do Thái, tất nhiên rồi."
ROTH: Trong Bảng tuần hoàn hóa học, mà ông đã dùng để viết về "sở thích hùng mạnh và cay đắng" đối với kinh nghiệm nhà hóa học của ông, ông nhắc tới Giulia, nữ đồng nghiệp trẻ tuổi và quyến rũ tại nhà máy hóa học, ở Milano, vào năm 1942. Giulia giải thích "sự cuồng làm việc" của ông bằng sự thể vào lúc khoảng hai mươi tuổi ông vẫn còn rụt rè trước phụ nữ và không có bạn gái. Nhưng cô ấy nhầm, tôi nghĩ thế. Sự cuồng làm việc của ông thuộc về một điều gì đó sâu sắc hơn. Người ta có cảm giác rằng công việc là chủ đề chính yếu của ông và không chỉ trong Mỏ lết, mà cả trong cuốn sách đầu tiên của ông, viết về việc ông bị giam ở Auschwitz.
Arbeit macht frei - Lao động giải phóng (con người) - là những từ được lũ nazi viết trên cánh cổng của Auschwitz, chỉ trừ việc tại Auschwitz, công việc là một trò nhại đáng hoảng sợ, vô tích sự và phi lý - đấy là một thứ làm lụng-trừng phạt chỉ có thể dẫn đến một cái chết tàn khốc. Hẳn người ta sẽ có thể xem toàn bộ tác phẩm văn chương của ông như là được sử dụng nhằm trả lại cho công việc biểu nghĩa con người của nó, để dùng lại cái từ Arbeit bị tịch thu bởi sự vô sỉ nực cười của những kẻ thuê ông tại Auschwitz, những kẻ đã làm lệch lạc nó. Faussone bảo ông: "Mỗi lần nào tôi bắt tay vào một công việc mới, thì điều đó cũng giống một mối tình đầu." Và anh ta thích nói về những gì mình đang làm gần như ngang mức với việc anh ta thích làm nó. Faussone, ấy là Homo faber thực sự được tạo ra cho tự do nhờ các tác phẩm của mình.
LEVI: Tôi không nghĩ là Giulia đã nhầm khi gán sự cuồng nhiệt với công việc của tôi cho sự rụt rè hồi ấy của tôi đối với phụ nữ. Sự rụt rè đó, hay sự tự cấm đoán đó, rất chân thực, nặng nề, rất khó mà gánh - đấy là một thành tố nhiều sức quy định đối với tôi hơn so với ý thức nghề nghiệp của tôi. Công việc tại nhà máy ở Milano, đúng như tôi đã miêu tả trong Bảng tuần hoàn hóa học, là một công việc giả, mà tôi chẳng hề tin. Thảm họa của cuộc ngừng bắn ngày 8 tháng Chín năm 1943 lơ lửng trong không khí, ở Ý, và hẳn phải bị điên thì mới lờ nó đi bằng cách tự chôn mình vào một hoạt động khoa học chẳng có nghĩa lý gì.
Tôi chưa bao giờ từng bị cám dỗ một cách nghiêm túc đi phân tích sự rụt rè mà tôi từng có, nhưng rất rõ rằng các luật chủng tộc của Mussolini đã có phần ở trong đó. Những người bạn Do Thái khác cũng mắc phải nó; những người bạn "aryen" học cùng lớp chế nhạo chúng tôi, nói rằng cắt bao quy đầu chính là thiến và, ít nhất thì cũng theo lối ngoài ý thức, chúng tôi có xu hướng tin điều đó, trong chuyện này được giúp đỡ bởi tay các gia đình rất nhiều tính cách thanh giáo của chúng tôi. Tôi nghiêng về chỗ nghĩ rằng vào thời đó đối với tôi công việc là một bù trừ về tình dục nhiều hơn so với một niềm say mê thật.
Dẫu có vậy, tôi ý thức được rằng kể từ trại tập trung, nghề của tôi, hay nói đúng hơn là hai nghề của tôi, hóa học và viết văn, đã đóng và vẫn đóng một vai trò cốt yếu trong cuộc đời tôi. Tôi tin chắc rằng con người bình thường được hình dung, về mặt sinh học, để lao mình vào một hoạt động hướng về phía một cái đích, và sự ăn không ngồi rồi, hay công việc phi lý (như thứ Arbeit của Auschwitz) là nguồn cho đau đớn và suy yếu. Ở trường hợp của tôi cũng như ở trường hợp alter ego của tôi, Faussone, làm việc đồng nghĩa với giải quyết những vấn đề của mình.
Tại Auschwitz, tôi từng hay quan sát một hiện tượng kỳ lạ: nhu cầu về lavoro ben fatto, công việc thực hiện tốt, mạnh tới nỗi nó thúc đẩy người ta đến chỗ hoàn thành "đúng như phải thế" chính các việc đê hèn hơn cả. Người thợ nề Ý từng cứu sống tôi nhờ lén mang đồ ăn tới cho tôi trong vòng sáu tháng ghét người Đức, thức ăn của bọn họ, ngôn ngữ của bọn họ, cuộc chiến tranh của bọn họ; thế nhưng khi bọn họ bắt anh ta xây các bức tường, thì anh ta đã xây chúng rất thẳng và vững, không phải vì vâng lời, mà vì phẩm giá nghề nghiệp.
ROTH: Có được là người kết thúc bằng một chương tên là "Câu chuyện về mười ngày", nơi ông miêu tả, dưới hình thức nhật ký, bằng cách nào ông đã trụ được từ ngày 18 đến ngày 27 tháng Giêng năm 1945 ở trạm xá tạm của trại, giữa khu cuối cùng gồm toàn những người ốm và người hấp hối, sau khi bọn nazi đã chạy trốn về phía Tây cùng khoảng hai mươi nghìn tù nhân "sức khỏe tốt". Đọc ông, tôi có cảm giác mình đang đọc câu chuyện về Robinson Crusoé dưới địa ngục, với ông, Primo Levi, ở vai Robinson, giật lấy những thứ đồ ăn sống còn từ các vật trôi dạt hỗn loạn của một hòn đảo nhỏ nơi cái ác thống trị như ông chủ. Điều đã gây ấn tượng mạnh cho tôi ở chương ấy, cũng như trong toàn bộ cuốn sách, đó là chuyện suy nghĩ đã đóng góp tới mức nào cho sự sống sót của ông, suy nghĩ bằng tinh thần khoa học giặm thêm ý thức thực hành và tình người. Sự sống sót của ông, tôi thấy dường như không phải ông có được nó nhờ cả một lực thuộc sinh học thô lẫn một cơ may khó tin. Tôi thấy nói đúng hơn nó nằm ở cái nghề đặc trưng hóa ông, ông, con người của sự chính xác, người giám sát các thí nghiệm, người tìm nguyên lý trật tự và phải đối đầu với sự đảo ngược của tất tật những giá trị của nó. Chắc chắn, ông thuộc vào các bộ phận của một cỗ máy kinh khủng, nhưng ít nhất thì ông cũng là một bộ phận được phú cho tinh thần hệ thống đối với đó sự hiểu là mệnh lệnh. Tại Auschwitz, ông tự nhủ: "Mình nghĩ quá nhiều", cho nên không kháng cự được. "Mình quá văn minh." Nhưng trong mắt tôi, con người văn minh nghĩ quá nhiều không thể tách rời khỏi người sống sót. Ở ông con người khoa học và người sống sót chỉ là một.
LEVI: Hoàn toàn đúng, anh đã nhắm trúng đích. Trong vòng mười ngày đáng nhớ ấy, quả thật tôi tạo cảm giác mình là một Robinson, dẫu vậy thì cũng có một điểm khác, anh ta chỉ tìm cách lo sao để một mình anh ta sống sót, trong khi chúng tôi, hai người bạn Pháp và tôi, với đầy ý thức và đầy hạnh phúc - đấy! - chúng tôi loay hoay hướng về một cái đích công bằng và con người, cái đích cứu lấy mạng sống những người đồng hành bị ốm của chúng tôi.
Về việc biết xem cái gì làm người ta sống sót, thì đấy là một câu hỏi tôi từng nhiều lần tự đặt ra, và người ta cũng đã nhiều lần đặt cho tôi. Tôi cho rằng không có quy tắc chung, nếu không phải cần tới trại với tình trạng tốt và biết tiếng Đức. Ngoài đó ra, ấy là một vấn đề may mắn. Tôi đã thấy sống sót được những người ma lanh cũng như những người đần độn, những người can đảm cũng như những người hèn nhát, các "nhà tư tưởng" cũng như đám điên. Ở trường hợp của tôi đã có nhiều may mắn ít nhất vào hai dịp: cuộc gặp với người thợ nề Ý và sự thể tôi chỉ bị ốm đúng một lần, nhưng vào thời điểm thuận lợi.
Và thế nhưng, điều anh nói rất đúng: đối với tôi suy nghĩ và quan sát đã là những thành tố cho sống sót, ngay cả khi may mắn thuần túy và đơn giản đã đóng vai trò nổi trội. Tôi còn nhớ mình đã qua năm ấy tại Auschwitz với các nguồn năng lượng thuộc loại ngoại lệ. Tôi không biết như vậy là do những gì tôi đã giành được về nghề nghiệp, do một sức mạnh tính cách không được ngờ đến, hay do một bản năng có thể tin cậy. Tôi đã không bao giờ ngừng ghi nhận thế giới và những người ở quanh tôi, tới nỗi từ đó vẫn còn lại với tôi một hình ảnh có độ chính xác khó tin. Tôi đã có một ham muốn hiểu rất mạnh, tôi thường trực bị xâm chiếm bởi một nỗi tò mò mà có người, về sau này, đã đánh giá là hoàn toàn vô sỉ; sự tò mò của nhà tự nhiên học rơi vào một môi trường gớm ghiếc, nhưng mới mẻ đối với anh ta, mới mẻ một cách gớm ghiếc.
Tôi đồng ý với anh, khi tôi nói: "Mình nghĩ quá nhiều... mình quá văn minh", thì như vậy là mâu thuẫn với tình trạng tinh thần mà tôi vừa miêu tả. Nhưng xin hãy để cho tôi quyền được mâu thuẫn: ở trại, trạng thái của chúng tôi thiếu ổn định lắm và, từ giờ này sang giờ khác, người ta chuyển từ niềm hy vọng qua tuyệt vọng. Sự liền lạc mà người ta tìm thấy, tôi nghĩ vậy, trong những cuốn sách của tôi, được xây dựng, đó là một sự lý tính hóa a posteriori.
ROTH: Survival in Auschwitz từng được xuất bản dưới nhan đề Có được là người, tái tạo trung thành nhan đề tiếng Ý của ông, Se questo è un uomo, và vả lại đó là nhan đề mà các editor người Mỹ đầu tiên của ông lẽ ra đã phải khôn ra mà giữ. Những khi ông nhắc đến, những khi ông phân tích các kỷ niệm tàn khốc của ông về "thí nghiệm sinh học và xã hội khổng lồ" mà người Đức đã lao vào, người ta cảm thấy hết sức cụ thể là ông được dẫn lối bởi một mối bận tâm có tính cách lượng hóa về cả nghìn cách thức biến đổi hoặc bẻ gãy con người, tận tới nỗi, như một chất tan ra trong một phản ứng hóa học, anh ta đánh mất đi các thuộc tính đặc trưng của mình. Có được là người được đọc như hồi ký của một lý thuyết gia về đạo đức sinh học, người, dẫu không hề muốn, đóng vai cái chất đặc thù rơi vào sự thí nghiệm trong lab hắc ám nhất. Cái con người bị cầm tù trong phòng thí nghiệm của nhà bác học điên đó trình hiện chính típ nhà bác học lý tính.
Trong Mỏ lết - hẳn chính nó cũng có thể mang nhan đề Có được là người - ông nói với Faussone, Sheherazad vận đồ bảo hộ của ông, rằng việc là nhà hóa học trong mắt thế giới và cảm thấy trong tĩnh mạch của mình một thứ máu của nhà văn mang lại cho ông cảm giác mình có hai tâm hồn trong cùng một cơ thể, điều này khiến một tâm hồn bị thừa ra. Nhưng tôi thấy bị cám dỗ nói rằng ông chỉ có một tâm hồn, mà hẳn người ta có thể ghen tị về khả năng cùng sự nhất thể không mối nối; người sống sót và con người khoa học, vốn dĩ không thể tách khỏi nhau, chia sẻ nó, nhưng cũng cả nhà văn và con người khoa học nữa.
LEVI: Đây là một chẩn đoán thì đúng hơn một câu hỏi, và tôi chấp nhận nó với sự biết ơn. Tôi đã trải qua cuộc đời trong trại của mình theo cách thức lý tính hết sức có thể và tôi đã viết Có được là người trong lúc cố công giải thích với những người khác, giải thích với chính tôi các sự kiện trong đó tôi bị mắc míu vào, nhưng điều này không có ý định văn chương xác định rõ. Mẫu của tôi, hay nếu anh thích hơn, phong cách của tôi, là "báo cáo hằng tuần" được dùng phổ biến ở các nhà máy: nó phải cụ thể, ngắn gọn, được viết bằng một thứ ngôn ngữ mà tất tật các bậc của tôn ti công nghiệp đều hiểu được, và chắc chắn không được viết bằng biệt ngữ khoa học; cũng xin nói qua, tôi không phải là một con người khoa học và chưa từng bao giờ là như vậy. Quả là tôi từng muốn thành như vậy, nhưng chiến tranh và trại tập trung đã ngăn cản tôi làm điều đó. Tôi đã phải hài lòng với việc là một kỹ thuật viên suốt cuộc đời lao động của mình.
Tôi đồng ý với anh, tôi chỉ có một tâm hồn, không mối nối, và tôi xin nhắc lại rằng tôi biết ơn anh vì câu nói. Khi tôi bảo hai cái khiến một cái bị thừa ra, thì một phần là tôi nói đùa, nhưng cùng lúc tôi cũng có những điều nghiêm túc ở trong óc; tôi từng làm việc tại nhà máy gần ba mươi năm và tôi phải công nhận là không có bất tương thích giữa việc là một nhà hóa học và việc là một nhà văn; ngược lại, hai nghề ấy củng cố lẫn nhau. Nhưng cuộc sống ở nhà máy, nhất là ở vị trí giám đốc, hàm ý rất nhiều bận tâm khác, xa khỏi hóa học: cần phải thuê và sa thải nhân viên, xử lý các xung đột với ông chủ, khách hàng, nhà cung ứng; đối mặt với những vụ tai nạn; bị gọi điện thoại đến, ngay cả vào ban đêm hoặc lúc đang đi làm khách ở nhà người khác; có việc phải làm với hành chính quan liêu - và đủ thứ công việc khác đủ sức giết chết tâm hồn. Toàn bộ những cái đó bất tương thích theo lối tàn bạo với sự viết, thứ đòi một mức độ khá cao về yên bình tâm trí. Chính vì thế tôi đã cảm thấy vô cùng nhẹ nhõm vào lúc đến tuổi về hưu, vì đã có thể rời vị trí của mình, và qua đó, chối bỏ tâm hồn thứ nhất của tôi.
ROTH: Đoạn sau mà ông đã viết cho Có được là người, cái đoạn sau mà một trong những editor người Mỹ đầu tiên của ông, thật không may, đã đặt một nhan đề mới, The Reawakening, trong tiếng Ý tên là La Tregua. Trong đó ông kể chuyến trở về Ý của mình sau Auschwitz. Có một chiều huyền thoại nơi chuyến đi ngoằn nghèo ấy, nhất là ở câu chuyện về trường đoạn dài ngưng lại ở Liên Xô, nơi ông đợi được về nước. Điều gây ngạc nhiên ở La Tregua, về nó hẳn người ta sẽ hiểu được rằng nó được đánh dấu bởi một bầu không khí tang tóc và tuyệt vọng không thể an ủi, ấy là, ngược lại, vẻ phơi phới của nó. Sự hòa giải của ông với cuộc đời diễn ra tại một thế giới đôi khi gây cho ông hiệu ứng về sự hỗn độn đầu tiên và thế rồi ở đó người ta thấy ông bị quyến rũ bởi tất tật những ai vây quanh ông, bị lãng trí mạnh mẽ cũng ngang mức với được khuyến thiện, đến độ tôi tự hỏi có phải là mặc cho cái đói, cái lạnh, nỗi sợ, và thậm chí mặc cho ký ức, ông đã thực sự biết tới một thời kỳ sung sướng hơn so với những tháng kia, "quãng nghỉ ngơi không giới hạn, quà tặng của số phận trời ban, thứ hẳn sẽ không được tái tạo", theo cách nói của ông.
Ông hiện ra như một người cần, hơn hết mọi điều, sự bắt rễ, vào nghề của mình, dòng giống của mình, vùng của mình, ngôn ngữ của mình, và khi ông chỉ có một mình và bị bật rễ ở mức người ta có thể, ông coi trạng thái đó như một món quà từ trên trời.
LEVI: Một người bạn tôi, bác sĩ rất giỏi, cách đây nhiều năm từng bảo tôi: "Những kỷ niệm của anh trước và sau Auschwitz có màu đen trắng; các kỷ niệm về trại và chuyến quay trở về, thì Technicolor." Anh ấy nói đúng. Gia đình, đất nước, nhà máy tự thân rất tuyệt, nhưng chúng đã tước mất khỏi tôi một điều vẫn tiếp tục gây thiếu vắng: phiêu lưu. Phần số đã quyết định rằng tôi sẽ tìm được phiêu lưu trong đổ nát ghê gớm của một châu Âu bị chiến tranh quét qua.
Anh ở trong nghề này, anh biết chuyện diễn ra như thế nào. La Tregua được viết mười bốn năm sau Có được là người; đó là một cuốn sách "suy tư" hơn nhiều, có phương pháp hơn, văn chương hơn, với ngôn ngữ được trau chuốt hơn. Ở trong đó tôi nói sự thật, nhưng là một sự thật đã qua bộ lọc; nó đã được đi trước bởi vô số kể phiên bản miệng, hiểu theo nghĩa tôi từng kể mỗi cuộc phiêu lưu nhiều lần, cho những người có trình độ văn hóa rất khác nhau (nhất là bạn bè, cũng như học sinh trung học, cả trai lẫn gái), và trên đường tôi đã chuốt lại nó nhằm khơi lên các phản ứng thuận lợi hơn cả của họ. Khi Có được là người bắt đầu biết đến một thành công nhất định, và tôi thoáng thấy một tương lai cho những gì mình viết, tôi đã bắt tay vào viết ra những cuộc phiêu lưu đó. Tôi muốn khiến mình sung sướng bằng cách viết và mua vui cho các độc giả tương lai. Do vậy, tôi đã nhấn mạnh vào những trường đoạn dị thường, kỳ lạ, vui tươi - về cốt yếu là về những người Nga, được nhìn thật gần - và tôi đã đẩy ra những trang đầu cùng những trang cuối bầu không khí của "tang tóc và tuyệt vọng không thể an ủi" như anh nói.
Tôi xin nhắc với anh rằng cuốn sách đã được viết vào khoảng 1961; đấy là những năm Khruschev, những năm Kennedy, những năm John XXIII, những năm của đợt tan băng đầu tiên và của các niềm hy vọng lớn. Tại Ý, lần đầu tiên người ta đã có thể nhắc đến Liên Xô bằng lời lẽ khách quan mà không bị quy kết là ủng hộ Liên Xô bởi cánh hữu hay phá hoại phản động bởi PCI [Đảng Cộng sản Ý] hùng mạnh.
Về chuyện bắt rễ, quả đúng là tôi có những rễ sâu và tôi đã có cơ may không đánh mất chúng. Gần như cả gia đình tôi đã thoát khỏi cuộc thảm sát nazi. Cái bàn làm việc tôi dùng để viết, vẫn nằm, nếu tin lời truyền thuyết gia đình, ở đúng cái nơi của nó vào lúc tôi chào đời. Khi tôi "bị bật rễ đến hết mức có thể", chắc chắn tôi đã đau đớn, nhưng nỗi đau ấy đã được còn hơn là đền bù ở đoạn sau đó bởi vẻ quyến rũ của phiêu lưu, các cuộc gặp con người, những êm dịu của "kỳ khỏi bệnh" sau dịch hạch Auschwitz. Trong thực tại lịch sử của nó, "kỳ ngưng lại" Nga của tôi đã chỉ lộ ra như một "món quà từ trên trời" nhiều năm sau đó, sau khi tôi đã thanh tẩy nó bằng cách suy nghĩ lại về nó và biến nó thành chủ đề của cuốn sách.
ROTH: Ông mở đầu Bảng tuần hoàn hóa học bằng việc nhắc đến các tổ tiên Do Thái của ông, đến Piedmonte từ Tây Ban Nha qua ngả Provence vào năm 1500. Ông miêu tả gốc rễ gia đình của mình tại Piedmonte và tại Torino nếu không phải là đáng kể thì ít nhất cũng "sâu sắc, tỏa rộng, và đan kết ở mức khó tin". Ông đề xuất một bảng từ ngắn gọn cho biệt ngữ mà những người Do Thái đó đã tự mình đặt ra như là một ngôn ngữ bí mật loại bỏ đi các Gentil, một thứ tiếng lóng được cấu tạo từ các từ có gốc Hebrew với những vĩ tố kiểu Piedmonte. Nhìn từ bên ngoài, sự bắt rễ của ông vào thế giới tổ tiên ông không chỉ và về nền tảng được nối vào sự bắt rễ của ông trong chính vùng này, mà nó còn trùng hợp với điều đó. Thế nhưng, vào năm 1938, khi các luật chủng tộc được ban nhằm hạn chế các tự do của người Do Thái Ý, ông đã đi đến chỗ coi sự thể là người Do Thái như một "sự thiếu thuần khiết", ngay cả khi, như ông nói trong Bảng tuần hoàn hóa học, ông đã bắt đầu "cảm thấy tự hào vì thiếu thuần khiết".
Độ căng giữa "sự bắt rễ" của ông và "sự thiếu thuần khiết" của ông khiến tôi nghĩ tới những gì giáo sư Arnaldo Momigliano mới viết gần đây về người Do Thái ở Ý, tức là "họ ít thuộc vào cuộc sống của Ý hơn so với họ tưởng". Chính ông nghĩ mình thuộc về nó tới mức nào? Ông có vẫn là một sự thiếu thuần khiết, "một hạt muối hoặc hạt mù tạt", hay cảm giác về khác biệt ấy đã biến mất?
LEVI: Đối với tôi, không có mâu thuẫn giữa sự bắt rễ và sự thể là hay cảm thấy mình là "một hạt mù tạt". Để cảm thấy mình là lực thúc đẩy, sự kích thích môi trường văn hóa của mình, một cái gì đó hoặc ai đó mang lại sở thích và nghĩa cho cuộc đời, thì không cần các luật chủng tộc, cũng như thói bài Do Thái hay sự phân biệt chủng tộc nói chung; nhưng việc thuộc về một thiểu số, không nhất thiết có tính cách chủng tộc, thêm nữa, là một thành tố không thể lờ đi. Nói cách khác, có thể rất hữu dụng nếu không thuần khiết. Nếu anh cho phép, tôi sẽ dùng câu hỏi cho chính anh: Thế còn anh, Philip Roth, chẳng phải là anh cảm thấy vừa "bắt rễ" ở đất nước mình và cùng lúc lại vừa là "một hạt mù tạt" à? Tôi ngửi thấy trong những cuốn sách của anh vị mù tạt mạnh lắm...
Theo tôi, đấy là nghĩa nơi những lời của Arnaldo Momigliano mà anh vừa trích. Người Do Thái Ý, nhưng hẳn người ta cũng sẽ có thể nói như vậy về người Do Thái của nhiều nước, đã đóng góp rất nhiều cho cuộc sống văn hóa và chính trị của tổ quốc họ mà không chối bỏ căn cước của mình, và thậm chí trong lúc vẫn giữ lòng tin vào truyền thống văn hóa của họ. Việc sở hữu hai truyền thống, như ở trường hợp những người Do Thái, nhưng không phải chỉ họ, là một sự giàu có; đối với các nhà văn, nhưng cũng không chỉ đối với họ.
Tôi cảm thấy chút khó ở khi phải trả lời câu hỏi hiển ngôn của anh. Đúng, tất nhiên, tôi thuộc vào cuộc sống ở Ý. Nhiều trong số những cuốn sách của tôi được đọc và được thảo luận tại các trường trung học. Tôi nhận được hàng đống thư, đầy trí tuệ, ngu ngốc, vớ vẩn, những bức thư ca ngợi, và hiếm hơn là những bức thư biểu lộ sự không nhất trí và tìm cách cãi cọ với tôi. Tôi nhận được các bản thảo không thể dùng được từ những nhà văn xoàng xĩnh. "Khác biệt" của tôi đã thay đổi bản tính. Tôi không còn cảm thấy mình bị đẩy ra ngoài lề, bị ghetto hóa, bị đặt khỏi vòng pháp luật, bởi vì tại Ý không thực sự có thói bài Do Thái, và ngược lại ở đây Do Thái tính được nhìn nhận với nhiều quan tâm, và thường xuyên nhất với đầy thiện cảm, dẫu các tình cảm về phía Israel thì rất hỗn tạp.
Theo cách thức riêng của mình, tôi vẫn cứ là một sự thiếu thuần khiết, một bất thường, nhưng không còn vì cùng những lý do nữa: không đặc biệt ở tư cách Do Thái, mà nói đúng hơn ở tư cách người sống sót khỏi Auschwitz, và là nhà văn thuộc dạng du kích, không thoát thai từ thế giới văn chương hay trường đại học, mà từ thế giới công nghiệp.
ROTH: Lúc này hoặc không bao giờ không giống với bất kỳ cuốn sách nào khác của ông mà tôi từng đọc được bằng tiếng Anh; dẫu được đặt trên các sự kiện lịch sử cụ thể, nó tự bày ra như một câu chuyện phiêu lưu picaresque ở độ thứ nhất, nó dàn dựng cảnh một băng ba ti dăng Do Thái gốc Nga và Ba Lan tấn công người Đức phía sau các mặt trận phía Đông. Những cuốn sách khác của ông có lẽ đã đòi hỏi ít trí tưởng tượng hơn do chủ đề của chúng, nhưng tôi thấy chúng có nhiều tính cách tưởng tượng hơn trên bình diện kỹ thuật. Động cơ đã xui khiến Lúc này hoặc không bao giờ đối với tôi có vẻ được hướng lối một cách chặt chẽ hơn, và do đó ít tính cách giải phóng đối với nhà văn hơn so với xung động nằm ngầm dưới những tác phẩm tự truyện.
Tôi tự hỏi ông có đồng ý với đề xuất sau đây không: có phải, khi viết về lòng can đảm của những người Do Thái đã biết cách phản công, nhìn chung ông có cảm giác mình đang thực hiện nghĩa vụ? Có phải ông đã cảm thấy các trách nhiệm luân lý và chính trị không nhất thiết can thiệp ở những chỗ khác, ngay cả những lúc nào chủ đề là số phận Do Thái đặc thù của chính ông?
LEVI: Lúc này hoặc không bao giờ đã đi theo một con đường không được dự liệu. Các động cơ của tôi trong việc viết nó thì có vô số; chúng đây, xếp theo thứ tự tầm quan trọng.
Tôi đã tự thách thức chính mình, theo cách nào đó: sau ngần ấy tự truyện được tuyên bố hay ngụy trang, tôi tự nhủ, mi có trở thành nhà văn trọn vẹn hay không, kẻ có khả năng xây dựng một cuốn tiểu thuyết, tạo ra một nhân vật, miêu tả các phong cảnh mà mi chưa bao giờ nhìn thấy? Thử xem sao đi!
Tôi tự đề xuất với mình việc giải trí bằng cách viết một "western" đặt trong một phong cảnh ít quen thuộc ở Ý. Tôi muốn mua vui cho độc giả bằng cách kể cho họ một câu chuyện lạc quan về cốt yếu, một câu chuyện đầy ắp hy vọng, thậm chí đôi khi còn vui tươi, cho dù nó diễn ra trên cái nền là cuộc thảm sát.
Tôi muốn phá dỡ một sáo ngữ hẵng còn thống trị tại Ý, và nó biến người Do Thái thành một nhân vật hiền dịu, một nhà thông thái (ở địa hạt tôn giáo hoặc phàm tục), chẳng mấy có khiếu chiến trận, một kẻ bị làm nhục, đã dung thứ cho nhiều thế kỷ bị hành hạ mà không bao giờ cầm vũ khí đáp trả. Tôi đã nghĩ mình có nghĩa vụ vinh danh những người Do Thái ấy, trong các điều kiện tuyệt vọng, họ đã tìm được can đảm và sự khéo léo để kháng cự.
Tôi ôm ấp tham vọng trở thành người đầu tiên và có lẽ là nhà văn Ý duy nhất miêu tả thế giới Yiddish. Tôi muốn tận dụng sự nổi tiếng của mình tại đất nước tôi để áp đặt lên độc giả của tôi một cuốn tiểu thuyết tập trung vào văn minh, lịch sử, ngôn ngữ, tâm tính Ashkenazi, những chủ đề không được ngờ đến hoặc gần như vậy ở Ý, nếu không phải là bởi một giới độc giả tinh hoa biết tới Joseph Roth, Bellow, Singer, Malamud, Potok, và chính anh nữa, tất nhiên.
Về phần mình, tôi hài lòng với cuốn tiểu thuyết đó, nhất là vì tôi đã hết sức sung sướng với việc chuẩn bị nó và viết nó. Lần đầu tiên, và cũng là lần duy nhất, trong cuộc đời nhà văn của mình, tôi có cảm giác - đấy gần như là một huyễn tưởng - rằng các nhân vật của tôi đang sống xung quanh tôi, sau lưng tôi, và họ gợi ý theo lối bộc phát những tài khéo của mình cùng những đối thoại của mình. Cái năm tôi dành để viết nó là một năm thật sung sướng, thành thử, dẫu kết quả có là như thế nào đi nữa, cuốn sách ấy vẫn có ý nghĩa giải phóng.
ROTH: Để kết thúc, chúng ta hãy quay trở lại với nhà máy sơn. Vào thời của chúng ta, người ta hay thấy các nhà văn từng là giáo sư hoặc nhà báo, và phần lớn những ai hơn năm mươi tuổi, dẫu ở phía Đông hay phía Tây, đều từng, cho dù chỉ trong một quãng thời gian ngắn, đi lính trong một quân đội. Danh sách các nhà văn cùng lúc cũng đã hành nghề y hoặc các vị trí tăng lữ rất ấn tượng. T. S. Eliot từng là editor, và như người ta biết, Wallace Stevens và Kafka từng làm việc cho những hãng bảo hiểm lớn. Theo hiểu biết của tôi, chỉ có hai nhà văn quan trọng từng điều hành nhà máy sơn, ông ở Ý, tại Torino, và Sherwood Anderson tại Elyria, bang Ohio. Nhưng Anderson đã phải rời nhà máy của mình (và gia đình của mình) để trở thành nhà văn, trong khi ông mang lại cảm giác đã trở thành nhà văn như ngày hôm nay bằng cách ở lại đó, và tạo lập sự nghiệp ở đó. Tôi tự hỏi không biết ông có coi mình may mắn hơn - thậm chí viết được hay hơn - so với những người trong số chúng tôi không có nhà máy sơn cùng toàn bộ những gì gắn bó vào đó mà nó hàm ý.
LEVI: Tôi đã nói, vì tình cờ mà tôi bước vào ngành sơn, nhưng tôi chưa từng bao giờ có gì nhiều nhặn chung với lĩnh vực cốt yếu của các loại sơn, véc-ni và sơn mài. Hãng của chúng tôi đã ngay lập tức chuyên môn hóa vào việc sản xuất vỏ bọc dây, lớp bao cách điện cho dây đồng. Ở đỉnh cao sự nghiệp của mình, tôi từng thuộc vào số ba mươi hay bốn mươi chuyên gia toàn cầu trong nhánh này. Những con thú mà anh nhìn thấy trên tường được làm ra bằng các mẩu dây điện đã bọc.
Để trung thực hết mức, tôi chưa bao giờ nghe nói đến Sherwood Anderson cho tới khi anh nói tên ông ấy. Về việc rời khỏi gia đình và nhà máy của tôi để viết văn toàn thời gian, như ông ấy đã làm, không, cái đó hẳn sẽ không bao giờ nảy ra trong óc tôi. Hẳn tôi sẽ thấy sợ cú nhảy vào cái không biết đó, và rồi hẳn tôi sẽ đánh mất lương hưu.
Về phần mình, danh sách nhà văn-nhà sản xuất sơn của anh, tôi muốn thêm vào cái tên Italo Svevo, một người Do Thái cải đạo tại Trieste, tác giả Ý thức của Zeno, đã sống từ năm 1861 đến năm 1928. Svevo từng làm giám đốc thương mại rất lâu cho một hãng sản xuất sơn ở Trieste, Società Venziani, thuộc sở hữu của bố vợ ông và đã giải thể cách đây vài năm. Cho tới năm 1918, Trieste từng thuộc về Áo, và hãng đó nổi tiếng vì nó cung cấp cho hải quân Áo một chất bảo vệ tuyệt hảo, dùng để ngăn cản lũ sò bám vào vỏ tàu. Khi Trieste trở thành của Ý vào năm 1918, hãng đã bán sơn cho Ý và cho Anh. Để có thể làm ăn với Hải quân Hoàng gia, Svevo đã học tiếng Anh với James Joyce, hồi ấy là thầy giáo tại Trieste. Họ trở nên thân thiết với nhau và Joyce đã giúp Svevo tìm được một editor. Tên loại chất bảo vệ ấy là Moravia, và không phải ngẫu nhiên khi Alberto Moravia chọn bút danh đó: hoàn toàn giống nhà kinh doanh ở Trieste, ông ấy đã mượn nó từ một người họ hàng chung bên ngoại, vốn dĩ mang họ đó. Xin thứ lỗi cho tôi vì câu chuyện có chút phù phiếm này.
Không, như tôi đã muốn nói, tôi không hối tiếc. Tôi không nghĩ mình đã mất thời gian khi điều hành một nhà máy. Militanza của tôi, kỳ quân dịch bắt buộc và đáng kính mà tôi đã hoàn thành tại đó, đã cho phép tôi có tiếp xúc trực tiếp với cái thực.
Huỳnh Bất Thức dịch
James, Conrad, và Stevenson
Elsa Morante và Alberto Moravia
Henry James và Edith Wharton
Nguyễn Văn Vĩnh và Benjamin Franklin
James và Stevenson
Melville và James
James và Turgenev
Wittgenstein, Bernhard và Bachmann
Hoffmann, Kleist và La Motte-Fouqué
Lukács và Sainte-Beuve