Melville: Pudding của người nghèo và mẩu vụn của người giàu
BỨC TRANH THỨ NHẤT
Pudding của người nghèo
“Anh thấy đấy,” thi sĩ Blandmour nói đầy nhiệt thành - như một buổi chiều cách đây chừng bốn mươi năm khi chúng tôi đang đi bộ dọc con đường trong trận tuyết rơi ẩm và mềm cuối tháng Ba - “anh thấy đấy, bạn của tôi, người phát chẩn thần thánh, Tự nhiên, luôn luôn độ lượng; và bên cạnh đó còn rất chu đáo trong công việc từ thiện, giống với bất kỳ nhà hảo tâm kín đáo nào. Như trận tuyết bây giờ, nom trái mùa, thực ra là thứ nông dân nghèo đang cần. Chính thứ tuyết mềm tháng Ba này, rơi ngay trước kỳ gieo hạt, mà người ta vẫn gọi là “Phân bón của người nghèo.” Chưng cất từ thiên đường tốt lành, chúng ngấm dần vào đất, nuôi dưỡng từng hòn đất, luống cày và rãnh cạn. Với nông dân nghèo chúng quý chẳng kém phân chuồng của người giàu. Vả lại người nghèo chẳng phải tốn công rải, trong khi người giàu thì ngược lại.”
“Có lẽ vậy,” tôi đáp, không hào hứng bằng, vừa phủi mấy bông tuyết ẩm rơi trên ngực áo. “Có thể đúng như anh nói, Blandmour thân mến. Nhưng nói tôi nghe, tại sao gió lại cuốn “phân bón của người nghèo” khỏi mảnh đất hai mẫu Anh của Coulter nghèo khốn thế rồi, chất đống chúng trên cánh đồng hai mươi mẫu Anh của tay điền chủ Teamster giàu sụ?”
“À! Ờ nhỉ… phải… thì; cánh đồng nhà Coulter ấy, tôi cho là đủ độ ẩm cần thiết rồi. Đủ dùng còn hơn thừa mứa, anh biết mà.”
“Vâng,” tôi đáp, “nếu là món ăn ẩm ướt kiểu này,” vừa nói vừa phủi thêm một lớp tuyết khỏi người. “Nhưng nói tôi nghe, tuyết mùa xuân ấm áp có thể rất tốt, như anh nói; nhưng còn những trận tuyết lạnh buốt suốt mùa đông dằng dặc thì sao?”
“Ơ, anh không nhớ lời của thi sĩ Thánh vịnh đó sao? - “Chúa ban tuyết như lông chiên;” tức là tuyết không chỉ trắng như len, mà còn ấm như len. Theo tôi hiểu, lý do duy nhất khiến len mang cảm giác dễ chịu là vì không khí bị giữ lại giữa các sợi, nhờ đó mà sinh nhiệt. Cũng vậy, nếu đo nhiệt độ một cánh đồng vào tháng Mười Hai khi nó được phủ lớp lông tuyết ấy, chắc chắn anh sẽ thấy nó cao hơn vài độ so với không khí bên ngoài. Cho nên, anh thấy đấy, tuyết mùa đông tự nó có lợi; dưới vỏ bọc sương giá… như một nhà hảo tâm cộc cằn… nó thực chất làm ấm mặt đất, để sau đó đất được tưới mát bởi những bông tuyết tháng Ba nhẹ nhàng.”
“Tôi khoái nghe anh nói chuyện lắm đấy, Blandmour thân mến ạ; và được trái tim nhân hậu của anh dẫn lối, tôi chỉ có thể cầu chúc cho Coulter nghèo khốn có được thật nhiều “phân bón của người nghèo” mà thôi.”
“Nhưng chưa hết đâu,” Blandmour sốt sắng. “Anh chưa từng nghe đến “nước nhỏ mắt của người nghèo” sao?”
“Chưa từng.”
“Lấy tuyết mềm tháng Ba đem nấu chảy ra rồi đựng trong chai. Nó giữ được độ nguyên chất như rượu. Là thứ tốt nhất trên đời dành cho đôi mắt yếu. Tôi cũng có hẳn một bình đầy ở nhà đấy. Người nghèo nhất, nếu bị đau mắt, cũng có thể thoải mái dùng phương thuốc tuyệt hảo ấy. Anh xem, chu đáo biết bao!”
“Tức là “phân bón của người nghèo” cũng chính là “nước nhỏ mắt của người nghèo”?”
“Chính xác. Còn gì tiết kiệm hơn thế? Một thứ đáp ứng những hai mục đích… lại còn khác nhau hoàn toàn.”
“Khác nhau hoàn toàn, thật.”
“À! Đúng cái kiểu của anh. Biến chuyện nghiêm túc thành trò đùa. Nhưng thôi bỏ đi. Nãy giờ ta nói về tuyết; nhưng nước mưa thông thường… loại rơi quanh năm ấy… thậm chí còn chu đáo hơn nữa. Chưa nói đến công dụng bón phân cho cánh đồng mà ai cũng biết, chỉ cần xét ở một phương diện nhỏ thôi. Anh từng nghe đến “trứng của người nghèo” chưa?”
“Chưa từng. Là cái gì thế?”
“Sao nhỉ, khi chế biến món bằng bột mì hoặc bột ngô, trong công thức thường có trứng; nhưng người ta có thể thay trứng bằng một cốc nước mưa lạnh bởi tác dụng làm nở. Vậy nên, một cốc nước mưa lạnh dùng theo cách ấy được các bà nội trợ gọi là “trứng của người nghèo.” Và ngay cả những người phục vụ ở nhà giàu đôi khi cũng dùng cách đó.”
“Nhưng chắc chỉ khi hết trứng gà thôi, Blandmour thân mến. Nhưng câu chuyện của anh… thành thật mà nói… rất là thú vị. Cứ kể tiếp đi.”
“Còn có “cao dán của người nghèo” dùng để chữa lành vết thương hay các chứng đau nhức; một loại thuốc giảm đau và chữa trị được bào chế từ những thứ thô mộc; vì vậy mà rất rẻ, người nghèo đến mấy cũng dùng được. Người giàu cũng hay dùng “cao dán của người nghèo” đấy.”
“Nhưng chắc họ không tự ý dùng mà chưa có chỉ định của bác sĩ chứ, Blandmour thân mến.”
“Chắc chắn họ vẫn hỏi ý bác sĩ trước; nhưng rất có thể đó là một sự cẩn thận thừa thãi.”
“Có lẽ vậy. Tôi không phủ nhận. Nói tiếp đi.”
“Thế, anh đã bao giờ ăn “pudding của người nghèo” chưa?”
“Tôi còn chưa từng nghe nói đến.”
“Thật á! Thế thì hôm nay anh sẽ được ăn; và được ăn pudding do chính tay vợ của một người nghèo tự nguyện làm; anh sẽ ăn nó trên bàn ăn của người nghèo, trong nhà của người nghèo. Đi thôi, và nếu sau khi ăn mà anh không thừa nhận rằng “pudding của người nghèo” ngon chẳng kém của người giàu thì tôi sẽ từ bỏ hoàn toàn luận điểm này của tôi, rằng: Nhờ có Tự nhiên độ lượng mà, người nghèo có thể tìm thấy sự an ủi ngay trong chính cảnh nghèo của họ.”
Không kể thêm về những cuộc trò chuyện giữa chúng tôi xoay quanh chủ đề này nữa (vì thật ra chúng tôi đã nói khá nhiều lần – hồi ấy tôi đang nán tại nhà Blandmour ơ quê để dưỡng sức), chỉ cần biết rằng, theo gợi ý của Blandmour, tôi đã tìm đến nhà Coulter vào một buổi trưa thứ Hai ẩm ướt (bởi tuyết đã tan), lấy cớ ngây ngô rằng tôi là kẻ bộ hành đường xa xin được nghỉ chân và dùng chút gì đó trong vòng một đến hai tiếng.
Tôi được tiếp đón, không khỏi ngại ngùng - có lẽ là do cách tôi ăn mặc - nhưng vẫn giữ vẻ chân thành và không kiểu cách. Bà Coulter vừa rời tay khỏi chậu giặt để chuẩn bị bữa trưa lúc một giờ trong khi chờ người chồng tốt bụng sắp trở về từ khu rừng sâu cách đó chừng một dặm giữa những ngọn đồi, nơi ông đang chặt cây thuê theo ngày - bảy mươi lăm xu một ngày không bao ăn uống. Việc giặt giũ được làm bên ngoài căn nhà chính, dưới một mái che cũ kỹ trông như sắp sụp và, bà vợ phải đứng trên một tấm ván mục nát, ướt sũng để giữ đôi chân khỏi cái lạnh ngấm sâu của nền đất trơ trọi; vì thế mà bà trông cóng và xám ngoét. Song cái vẻ ấy còn bắt nguồn từ nguyên do sâu kín khác - sắc diện của người phụ nữ sắp làm mẹ. Một nỗi buồn lặng lẽ, vô đáy cũng ẩn náu bên dưới sắc xanh dịu dàng và cam chịu nơi đôi mắt đàn bà hiền hậu của bà. Dù vậy bà vẫn mỉm cười với tôi - như thể xin lỗi vì sự bề bộn khó tránh của ngày thứ Hai cũng là ngày giặt giũ - rồi đưa tôi vào bếp, mời tôi ngồi xuống một chỗ tốt nhất trong nhà - trên cái ghế kiểu cũ ọp ẹp và xiêu vẹo.
Tôi cảm ơn bà rồi ngồi xuống, vừa xoa hai tay trước ngọn lửa thấp lè tè yếu ớt, vừa kín đáo liếc nhìn quanh gian phòng trong khi người phụ nữ tốt bụng vừa ném thêm củi, vừa nói bà rất tiếc vì căn phòng không ấm hơn được. Bà còn nói thêm điều gì đó - không phải than phiền – về đống củi cũ và ẩm, chúng là những cành khô nhặt được trong khu rừng của ông điền chủ Teamster, nơi chồng bà đang đốn những khúc gỗ tươi để nhóm lửa cho ông chủ. Không cần bà nói tôi cũng biết chất lượng củi rất tệ; một số khúc phủ đầy rêu và nấm mốc, nằm mục dưới lớp lá khô tích tụ suốt nhiều mùa thu. Chúng chỉ phát ra vài tiếng xèo xèo buồn thảm và lách tách vô ích.
“Ông cứ nghỉ ngơi ở đây cho đến bữa chính,” bà chủ nhà nói, “những gì tôi có ông cứ tự nhiên dùng.”
Tôi lại cảm ơn bà và bảo bà cứ coi như tôi không có mặt để tiếp tục các công việc thường ngày.
Tôi bị ấn tượng bởi cảnh trong phòng. Ngôi nhà đã cũ và ẩm thấp từ trong cốt. Bậu cửa sổ đọng những giọt ẩm li ti. Các khung cửa co cụm, rung lên trong ô gỗ lỏng lẻo, còn những tấm kính xanh thì mờ đục bởi đợt tan băng kéo dài. Có việc gì đó khiến bà chủ đi sang buồng bên cạnh, mở hé cửa. Nền căn buồng ấy cũng không có thảm, giống nền phòng bếp. Xung quanh tôi chỉ có những vật dụng tối thiểu mà cũng chẳng phải loại tốt. Trên tường không treo tranh; chỉ có một cuốn sách cũ của Doddridge nằm trên gờ lò sưởi ám khói.
“Chắc ông đi bộ xa lắm nhỉ; nghe ông thở mệt nhọc thế kia mà.”
“Không, tôi dám chắc tôi không mệt bằng bà đâu.”
“Ồ, nhưng tôi quen rồi; còn ông thì chắc chưa,” đôi mắt xanh buồn của bà quét qua quần áo tôi.
“Bây giờ tôi phải quét đống mạt gỗ này đi đã; chồng tôi sáng nay dậy sớm trước lúc mặt trời mọc để đẽo một cán rìu mới, còn tôi thì bận giặt giũ suốt từ sáng tới giờ, chưa kịp dọn dẹp gì cả. Mà đống mạt gỗ này lại vừa khéo dùng nhóm lửa. Dù sao sẽ tốt hơn nếu chúng không xanh thế này.”
Nếu Blandmour có mặt ở đây, tôi nghĩ bụng, hẳn anh ta đã gọi chỗ mạt gỗ xanh kia là “diêm của người nghèo,” hay “bùi nhùi của người nghèo,” hoặc một cái tên thú vị nào đó tương tự.
“Không biết,” người đàn bà tốt bụng quay lại nói với tôi, trong lúc đang khuấy nồi trên bếp lửa ám khói, “không biết ông có thích món pudding của nhà tôi không. Chỉ là cơm, sữa và muối nấu chung thôi.”
“À, thứ mà người ta gọi là “pudding của người nghèo”, bà muốn nói vậy đúng không.”
Một chớp đỏ ửng, nửa bực bội thoáng trên mặt bà vợ.
“Chúng tôi không gọi như thế, thưa ông,” bà đáp, rồi im lặng.
Tôi thầm trách mình vì lỡ lời, và lại nghĩ Blandmour sẽ bình phẩm ra sao nếu nghe thấy câu nói và trông thấy nét ửng đỏ kia.
Cuối cùng, tiếng bước chân nặng nề, chậm rãi vang lên; rồi có tiếng cào cửa và, một giọng đàn ông cất lên: “Này, vợ ơi, mau mau lên… anh còn phải quay lại ngay đấy… nếu em đã nhất quyết bắt anh ăn mọi bữa ở nhà thì nhanh lên, vì ông điền chủ… A ngày tốt lành, thưa ông,” ông ta thốt lên, lần đầu tiên trông thấy tôi khi bước vào phòng. Ông quay sang nhìn vợ, dò hỏi, rồi đứng sững lại, trong khi từng giọt ẩm thấm ra từ đôi ủng vá nhỏ xuống sàn.
“Ông đây ghé nghỉ chân ở đây một lát cho đỡ mệt: ông ấy cũng sẽ ăn cùng chúng ta. Em chuẩn bị xong ngay thôi: anh ngồi xuống chờ chút nhé, chồng à, kiên nhẫn một chút, làm ơn. Ông thấy đấy, thưa ông,” bà tiếp lời, quay sang tôi, “William sáng nào cũng muốn mang theo bữa nguội vào rừng để đỡ phải đi bộ từ quãng đồng này đến quãng đồng khác lúc một giờ trưa. Nhưng tôi không cho. Một bữa ăn nóng còn đáng giá hơn công đi bộ đường xa.”
“Anh không chắc,” William nói, lắc đầu.
“Tôi vẫn hay tự hỏi trong đầu liệu có đáng không. Xét ra cũng chẳng kém cạnh nhau, việc, đi bộ trong mưa sau một ngày làm công vất vả hay ăn một bữa trưa ướt rồi lại đi làm. Nhưng tôi thích chiều theo ý một người vợ tốt như Martha. Mà ông biết đấy, phụ nữ ai mà chẳng có những ý thích riêng của họ.”
“Giá như ai cũng có những ý thích dịu dàng như vợ ông,” tôi nói.
“Ờ thì, tôi cũng nghe nói là không phải người phụ nữ nào cũng dịu ngọt như đường phong đâu; nhưng mà có Martha rồi, tôi chẳng quan tâm nữa.”
“Ông đúng là người biết tìm lẽ khôn ngoan của rừng,” tôi trầm ngâm.
“Anh, nếu chưa mệt quá, thì phụ em kéo cái bàn ra nhé.”
“Thôi,” tôi nói, “cho anh ấy nghỉ, để tôi giúp.”
“Không,” William vừa nói vừa đứng dậy.
“Ông cứ ngồi yên,” bà vợ bảo tôi.
Bàn được dọn xong và, trước mặt mỗi người bày một chiếc đĩa.
“Ông xem đấy, nhà tôi chỉ có vậy thôi,” Coulter nói - “thịt heo muối, bánh mì đen và bánh pudding. Để tôi gắp cho ông. Chỗ thịt này tôi được ông chủ cho; thịt heo từ năm ngoái, ông ấy cho tôi ghi nợ. Không còn ngọt như thịt năm nay nhưng với tôi chỉ cần ăn cho chắc dạ để làm việc là được rồi, đủ lý do để ăn. Miễn sao bệnh thấp khớp hay mấy chứng ốm vặt ập vào người tôi thì tôi chẳng yêu cầu mùi vị hay ơn huệ gì từ ai hết. Mà ông không ăn thử một miếng thịt à!”
“À hiểu rồi,” bà vợ buông một câu với vẻ nghiêm túc, “ông khách chắc phân biệt được thịt heo năm ngoái với năm nay. Nhưng có lẽ ông ấy sẽ thích món bánh.”
Tôi cố gắng giữ vẻ bình tĩnh, gượng cười đồng ý với lời mời về món pudding, cố không để lộ bất kỳ ánh mắt khiến người ta tưởng tôi chê món thịt. Nhưng thú thật, tôi không sao ăn nổi món thịt (không đến mức đói cồn cào, lúc đó tôi chỉ hơi đói). Nó phủ một lớp vỏ vàng nhạt và mùi vị thì, theo tôi, có mùi hoi rất khó nuốt. Tôi cũng để ý thấy bà vợ chẳng động vào miếng nào, dù có để một ít lên đĩa và, giả vờ đang bận rộn với nó mỗi khi Coulter nhìn sang. Nhưng bà vợ có ăn bánh mì đen thế nên tôi cũng ăn.
“Nào, bây giờ tới món pudding,” Coulter nói. “Vợ ơi, nhanh; ông điền chủ đang ngồi trong phòng, trông ra cánh đồng từ cửa sổ đấy. Đồng hồ của ông ấy chạy đúng lắm.”
“Ông ta không đến mức theo dõi ông đấy chứ?” tôi nói.
“Ồ, không!... Tôi không có ý đó. Ông ấy cũng là người tốt. Ông ấy cho tôi việc làm. Nhưng ông ấy kỹ tính lắm. Này vợ, giúp ông khách đi. Ông xem, tôi mà mất việc của ông điền chủ thì sẽ thế nào…” và với một ánh nhìn khiến tôi thầm kính phục lòng nhân hậu nơi con người, ông ta kín đáo liếc sang vợ đầy ẩn ý; rồi hơi đổi giọng, lập tức nói tiếp, “...con ngựa tốt mà tôi đang định mua ấy mà.”
“Tôi đoán,” bà vợ nói, bằng một giọng đùa cợt lạ lùng, nhẹ bẫng và có phần gượng gạo, “con ngựa quý mà thỉnh thoảng anh ấy vẫn vui miệng nhắc tới còn lâu mới đi khỏi chuồng của ông điền chủ. Nhưng thỉnh thoảng, người làm của ông ấy có cho tôi cưỡi thử vào Chủ nhật.”
“Cưỡi ngựa vào Chủ nhật à?” tôi lặp lại.
“Ông thấy đấy,” Coulter nói tiếp, “vợ tôi thích đi nhà thờ lắm; nhưng nhà thờ gần nhất cách đây cũng bốn dặm, phải vượt qua mấy ngọn đồi tuyết kia. Cô ấy không thể đi bộ được, mà tôi làm sao bế cô ấy trên tay mãi được, dù trước đây tôi từng bế cô ấy lên gác đấy. Nhưng, như cô ấy nói, thỉnh thoảng người làm của ông điền chủ lại cho cô ấy đi nhờ xe; thế nên tôi mới nhắc đến chuyện có một con ngựa vào ngày nắng đẹp nào đó, tôi nhất định sẽ mua được. Và trước cả khi mua thì tôi đã đặt tên cho nó là “Martha” rồi. Ơ mà tôi đang làm gì thế này? Nhanh nhanh vợ ơi! món bánh pudding! Giúp ông khách đi! Ông điền chủ! Ông điền chủ!.. Hãy nghĩ đến ông điền chủ đi! Mau múc bánh cho mọi người. Đây nhé, anh một… hai… ba miếng là đủ rồi. Chào vợ. Chào ông. Tôi đi đây.”
Vội chộp lấy cái mũ ướt đẫm, người đàn ông nghèo cao quý ấy lao nhanh ra ngoài, vào giữa vùng bùn nhão và ngập nước.
Tôi nghĩ thầm, lúc này hẳn Blandmour sẽ nói đầy thi vị rằng, “Ông ta đang đi dạo theo kiểu của người nghèo.”
“Chồng bà thật quý hoá,” tôi nói với người phụ nữ, khi chỉ còn hai chúng tôi.
“William đến hôm nay vẫn yêu tôi như hồi mới cưới, thưa ông. Thỉnh thoảng hấp tấp nhưng chưa bao giờ nặng lời. Tôi chỉ ước mình khỏe mạnh và sống tốt hơn vì anh ấy. Và, ôi! thưa ông, vì cả cả hai chúng tôi…” (đôi mắt xanh dịu dàng, đẹp đẽ của bà bỗng hoá thành hai dòng nước) “…tôi ước hai đứa William và Martha còn sống… bây giờ thật vắng vẻ. William là tên đặt theo tên anh ấy, còn Martha là theo tên tôi.”
Khi trái tim của người kế bên tự nó vỡ ra, điều tốt nhất ta có thể làm là… không làm gì cả. Tôi nhìn chăm chăm món bánh trước mặt còn chưa nếm được một miếng.
“Ông mà thấy được thằng bé William ấy. Một đứa sáng dạ, nam tính, mới sáu tuổi thôi… giờ thì lạnh, lạnh ngắt!”
Tôi dấn thìa vào bánh, cố đưa một ít vào miệng cho đỡ nghẹn.
“Còn con bé Martha… ôi! thưa ông, con bé xinh lắm! Đắng, đắng ngắt! Nhưng phải chịu thôi.”
Miếng bánh pudding giờ đã chạm đến vòm miệng, tôi cảm thấy vị mốc và mặn chát ngai ngái. Tôi biết, gạo dùng nấu là loại hư nhẹ được bán giá rẻ, còn muối thì lấy từ thùng thịt muối năm ngoái.
Ôi, thưa ông, giá mà những đứa bé sắp chào đời lại chính là những đứa đã buồn bã rời khỏi thế gian này; như những người bạn quay trở về, chứ không phải người lạ… luôn luôn là những người lạ! Thế nhưng người mẹ nào rồi cũng sẽ học cách yêu thương những đứa trẻ ấy thôi; vì chắc chắn, thưa ông, chúng đến từ nơi mà những đứa trẻ đã khuất đang ở. Ông không tin sao, thưa ông? À phải, tôi nghĩ người tốt nào cũng phải tin như vậy. Nhưng mà… nhưng mà… tôi e rằng đó là tội lỗi, là đen tối… nhưng mà, dẫu tôi có cố đến đâu để tự an ủi mình bằng cái ý rằng William và Martha đang ở trên thiên đường, bằng việc đọc sách của ngài Doddridge đặt trên kia thì… nỗi buồn u ám vẫn cứ tràn vào, như nước mưa tràn vào mái nhà chúng tôi vậy. Giờ tôi cô quạnh quá; hết ngày này sang ngày khác, suốt cả ngày, William thân yêu lại không có nhà; và suốt những ngày ẩm ướt nỗi buồn cứ rí rách trong lòng tôi. Nhưng tôi vẫn cầu xin Chúa tha thứ cho tôi; và còn lại thì tôi cố xoay xở chừng nào hay chừng ấy.”
“Pudding của người nghèo” đắng và mốc quá, tôi tự rên rỉ, chỉ nuốt một miếng nhỏ thôi cũng thấy nghẹn.
Tôi không thể nán lại thêm nữa để nghe những buồn phiền mà dù có chân thành đồng cảm đến đâu cũng chẳng thể xoa dịu thoả đáng; cũng như niềm tin thiết tha mà chẳng thể có thêm minh chứng nào ngoài những điều người ta đã có - lại là một niềm tin càng nói ra thì càng dễ hư hại; hay những lời tự trách vô cớ mà mọi lời khuyên nhủ đều khó xua tan. Tôi không trả tiền để đền đáp lòng hiếu khách vốn hào phóng và trang trọng chẳng khác nào của một bậc vương giả. Tôi hiểu lời đề nghị như vậy không chỉ bị từ chối; lòng tốt ấy còn bị oán giận.
Người Mỹ bản địa nghèo chưa bao giờ đánh mất sự tế nhị hay lòng kiêu hãnh của mình; bởi vậy, tuy họ không rơi vào tình trạng suy sụp thể chất như người nghèo ở châu Âu, nhưng lại chịu đựng nỗi đau khổ về mặt tinh thần nhiều hơn bất kỳ người nghèo khổ ở bất kỳ dân tộc nào trên thế giới. Những mẫn cảm xã hội đặc biệt đó được nuôi dưỡng bởi nguyên tắc chính trị đặc thù của chúng ta, trong khi nâng cao phẩm giá chân chính của người Mỹ thành đạt, chúng lại làm gia tăng nỗi bất hạnh của những người bất hạnh; thứ nhất, bằng cách khiến họ không thể chấp nhận chút bố thí nào của lòng từ thiện; thứ hai, bằng cách khiến họ nhận thức một cách đau đớn và sâu sắc khoảng cách giữa lý tưởng bình đẳng phổ quát mà họ hằng tin tưởng với kinh nghiệm thực tế cay nghiệt, nhục nhã của cảnh nghèo - một nỗi khốn khổ và ô nhục vốn đã, đang và sẽ luôn luôn giống hệt nhau ở Ấn Độ, Anh và Mỹ.
Viện cớ rằng tôi cần phải lập tức lên đường, tôi chào từ biệt bà chủ; bắt lấy bàn tay lạnh ngắt; nhìn lần cuối vào đôi mắt xanh, cam chịu của bà, rồi bước ra ngoài trời mưa. Nhưng dù ngoài kia có ảm đạm, ẩm, ẩm và ẩm đến đâu - bầu không khí nặng nề chứa đủ mầm mống bệnh tật - tôi vẫn nhận ra, bởi sự tương phản hết sức đột ngột, rằng không khí trong ngôi nhà mà tôi vừa đi khỏi còn nặng nề hơn bởi một thứ độc tính đặc biệt, thứ - với một số người thật không thể chịu nổi - dễ tìm thấy trong một khu nhà tế bần.
Việc các căn phòng của người nghèo vào mùa đông luôn bí bức - điều được duy trì ngoan cố - thường bị lên án như một sự cẩu thả đáng xấu hổ khi họ phớt lờ cả những cách đơn giản nhất để giữ gìn sức khỏe. Nhưng bản năng của người nghèo khôn ngoan hơn ta tưởng. Không khí lưu thông cũng là không khí làm lạnh. Và với một kẻ đang run rẩy, hơi ấm trong gian phòng bí bức còn tốt hơn cái lạnh lẽo trong căn phòng thoáng. Trong vô vàn giả định phi lý của nhân loại áp lên nhân loại, khó có điều gì nực cười hơn phần lớn những lời chỉ trích nhắm vào thói quen của người nghèo được thốt ra bởi những kẻ sống trong nhà cao cửa rộng, đủ ăn đủ mặc.
* * *
“Blandmour,” tối hôm đó tôi nói, sau bữa trà, khi đang ngồi trên chiếc ghế sofa êm ái trước lò sưởi bập bùng, với một trong hai đứa con hồng hào của anh ta ngồi lên lòng tôi, “anh chưa thể gọi là giàu; anh sống đủ, không hơn. Có phải vậy không? Vậy thì, không nhằm cả anh, tôi xin nói rằng, nếu có một người giàu lại cất lời cao đạo về người nghèo với tôi, thì tôi sẽ xem như là… tôi không muốn thốt ra cái từ ấy.”
BỨC TRANH THỨ HAI
Mẩu vụn của người giàu
Vào năm 1814, mùa hè ngay sau lần đầu tiên tôi được nêm món “pudding của người nghèo,” bác sĩ khuyên tôi nên làm một chuyến đi biển. Trận Waterloo đã khép lại vở kịch dài hơi về các cuộc chiến của Napoleon, và có rất nhiều du khách đến thăm châu Âu. Tôi đến London đúng vào thời điểm các vị hoàng thân chiến thắng đang tề tựu và cùng tận hưởng những cuộc tiếp đãi xa hoa như trong truyện Nghìn Lẻ Một Đêm từ giới quý tộc lộng lẫy, và từ người lịch lãm nhất trong số các quý ông và bậc quân vương - George, Nhiếp chính vương.
Tôi đã từ chối tất cả các lá thư ngoại trừ một lá thư gửi cho chủ ngân hàng của tôi. Tôi lang thang đây đó để tìm kiếm sự tiếp đón tốt nhất mà một kẻ lữ hành ưa phiêu lưu có thể nhận được - ý tôi là, kiểu tiếp đón do những cơ duyên bất ngờ và vô tình ném vào con đường phiêu lưu của anh ta.
Nhưng tôi xin gác mọi chi tiết khác để kể lại một giờ may mắn khi tôi được dẫn đường bởi một người đàn ông rất thân thiện mà tôi tình cờ quen trên phố Cheapside. Anh ta mặc đồng phục, là một dạng nhân viên hành chính của thành phố nào đó, tôi không còn nhớ rõ. Hôm ấy anh ta được nghỉ. Câu chuyện của anh ta phần lớn xoay quanh những tổ chức từ thiện cao quý ở London. Anh ta dẫn tôi đến thăm hai ba nơi và còn hết lời ca ngợi thêm nhiều tổ chức khác.
“Nhưng,” anh ta nói khi chúng tôi quay lại phố Cheapside, “nếu ông hứng thú với mấy chuyện như vậy, thì hãy để tôi… miễn còn kịp giờ… dẫn ông đến một trong những nơi thú vị nhất… Quỹ Từ thiện của Thị trưởng, thưa ông, mà đúng hơn, tôi có thể nói thật lòng, là quỹ từ thiện của các hoàng đế, các nhiếp chính và các quốc vương nữa kia. Ông còn nhớ sự kiện hôm qua chứ?”
“Ý anh là vụ cháy thương tâm ở ven sông, khiến bao người nghèo mất nhà à?”
“Không. Là bữa đại yến ở Guildhall dành cho các hoàng thân. Ai mà quên được? Thưa ông, bữa tiệc được phục vụ toàn bộ trên đĩa bạc và vàng nguyên khối, trị giá ít nhất cũng tầm 200.000 bảng… tức là một triệu đô-la của các ông; còn riêng chi phí thịt, rượu, phục vụ và trang trí,... thì không thể nào dưới 25.000 bảng… tức là 125.000 đô tiền mặt sòng phẳng của các ông.”
“Khoan đã, anh bạn thân mến, anh không thể nào gọi đó là từ thiện chứ… việc cho vua chúa ăn uống theo cách đó ấy?”
“Không. Yến tiệc diễn ra trước… hôm qua; còn buổi từ thiện diễn ra sau… hôm nay. Liên quan tới các vị hoàng thân thì sao mà đảo thứ tự được? Tôi nghĩ ta vẫn còn kịp… đi thôi; chúng ta đến phố King kia rồi, dưới kia là Guildhall. Ông muốn đi không?”
“Rất sẵn lòng, anh bạn quý mến. Anh dẫn tôi đi đâu cũng được. Tôi chỉ đến để lang thang và quan sát thôi.”
Tránh cổng chính của tòa nhà, nơi đã bị chặn, anh ta đưa tôi đi theo một lối riêng và chúng tôi bước ra một khoảng sân phía sau có tường bao kín mít, lộ thiên. Tôi kinh ngạc nhìn quanh. Nơi đó nhơ nhuốc chẳng khác gì một cái sân sau ở khu Five Points. Chật kín những sinh vật gầy guộc, đói khát, dữ tợn đang vật lộn và tranh nhau thứ tự khó hiểu nào đó, ai nấy đều cầm trong tay một tấm vé xanh nhàu nát.
“Hết cách rồi,” người dẫn đường nói; “chỉ có thể chen vào đám đông kia thôi. Ông muốn thử không? Ông đang không mặc đồ tiếp khách đấy chứ? Thế nào? Rất đáng xem đấy. Hoạt động từ thiện hoành tráng thế này không có thường xuyên đâu. Buổi phát quà sau tiệc Thị trưởng hằng năm… nghe thì vẻ vang đấy… cũng chẳng đọ nổi với thứ ông sắp thấy hôm nay. Đúng không, hửm?”
Anh ta vừa dứt lời, một cánh cửa tầng hầm phía xa bật mở và, đám đông lầm lụi lập tức ùa vào khoảng tối mù phía trong.
Tôi gật đầu với người dẫn đường, rồi lách vào đám đông. Chẳng mấy chốc chúng tôi thấy lối rút đã bị đám người tru tréo phía sau chặn mất và, tôi không khỏi mừng thầm bởi mình có một người dẫn đường vừa là công chức lại vừa lịch duyệt, anh ta mặc đồng phục nên trông rất có uy.
Như thể tôi đang bị một đám ăn thịt người dồn ép trên bãi biển ngoại giáo. Những sinh vật xung quanh gào thét vì đói. Bởi ở London hùng mạnh này, nghèo đói chỉ gieo điên loạn. Ở quê thì dễ chịu hơn. Khi tôi nhìn bầy người gầy guộc, bừng bừng sát khí ấy, tôi chợt nghĩ đến đôi mắt xanh nơi bà vợ hiền của Coulter nghèo khổ. Một vật bằng thép cong, sáng (không phải kiếm; tôi cũng chẳng rõ là gì), lúc trước còn giắt trong thắt lưng người dẫn đường, bây giờ đã được anh ta vung lên quá đầu nhằm dọa đám đông cấm được làm hại người khách.
Chúng tôi len lỏi, chậm như nêm, tiến vào tầng hầm tối tăm, tiếng gào của đám đông vang dội. Tôi dường đang bị đun sôi giữa Vực Thẳm cùng những linh hồn lạc lối. Cứ thế, nhích lên trong bóng tối và ẩm thấp, rồi leo lên cầu thang đá dẫn tới cổng vòm lớn; nơi đám đông tràn vào ánh sáng ban ngày giữa những bức tường sơn và dưới một mái vòm cũng được sơn cầu kỳ. Tôi không khỏi nghĩ đến cảnh hỗn loạn ở Versailles.
Chỉ một lúc sau, tôi thấy mình đứng ngơ ngác giữa đám ăn mày trong Tòa Guildhall lừng danh.
Nơi tôi đang đứng - nơi đám đông lúc nhúc đang đứng - chỉ mới mười hai tiếng trước còn là chỗ ngồi của Hoàng đế Alexander nước Nga; Quốc vương Frederic William của Phổ; Nhiếp chính vương George của nước Anh; và Đức công tước lừng danh Wellington; cùng một đám đông quyền quý gồm những thống chế thắng trận, bá tước, bá tước và vô số quý tộc nổi danh khác.
Những bức tường rung lắc như tán cây trong rừng, phủ đầy huy hiệu của những đạo quân chiến thắng. Không gì bên ngoài đại sảnh có thể nhìn thấy. Không có lấy một ô cửa sổ trong vòng hai mươi bốn feet. Bị tách khỏi mọi cảnh vật bên ngoài, tôi bị bao vây bởi khung cảnh lộng lẫy - lộng lẫy, ý tôi là, ở khắp mọi nơi… trừ khi ánh mắt nhìn xuống sàn nhà. Chỗ đó thì dơ dáy chẳng nào cái lều tàn - hay chuồng chó. Những tấm ván trơ trụi vương vãi đầy những mẩu vụn nhỏ và thừa từ bữa tiệc đêm qua, trong khi hai dãy bàn thông nhau chạy dọc chiều dài sảnh - bây giờ trơ trụi, bẩn thỉu, bằng gỗ thông rẻ tiền - chất đầy những tàn tích ít bị giẫm đạp hơn. Những lá cờ nhuộm màu sặc sỡ kia xứng với những ông vua đêm trước; còn sàn nhà này thì hợp với đám ăn mày hôm nay. Cờ phấp phới trên cao như ông nhà giàu Dives nhìn xuống gã hành khất Lazarus từ ban công. Một hàng người vận đồng phục cầm gậy ngăn không cho đám đông nóng nảy chen tràn vào, nếu không, Charity [buổi phát quà từ thiện] sẽ lập tức biến thành Pillage [cuộc cướp phá]. Một nhóm quan chức khác mặc áo choàng và đeo trang sức dát vàng phân phát thịt vụn - đồ ăn thừa và những mẩu vụn của các bậc vương giả. Từng người ăn xin lần lượt giơ cao chiếc vé xanh nhàu nát và được phát cho một mảnh xác chim trĩ thừa, hoặc vành vỏ của một chiếc bánh nướng nhân thịt - trông như cái vành cũ của chiếc vương miện - mà phần nhân đã bị moi sạch.
“Quả là hoạt động từ thiện cao quý!” người dẫn đường tấm tắc. “Nhìn cái bánh nướng kia kìa, cô bé xanh xao kia vừa giành được đấy; tôi dám chắc Hoàng đế Nga từng ăn nó tối qua.”
“Rất có thể,” tôi lẩm bẩm, “có vẻ một vị Hoàng đế phàm ăn nào đó đã chạm tay vào chiếc bánh ấy.”
“Nhìn con chim trĩ kia nữa… đó… con đó, thằng bé áo rách đang cầm đấy! Rất có thể ngài Nhiếp chính đã từng ăn nó.”
Hai bên lườn thịt đã bị móc ra một cách tàn bạo, để lộ phần xương trơ ra, chỉ còn đôi cánh và chân chưa bị đụng tới.
“Vâng, ai biết được!” người dẫn đường nói, “rất có thể Đức ngài Nhiếp chính George đã ăn con chim trĩ kia.”
“Tôi không nghi ngờ,” tôi lẩm bẩm, “ngài ấy nổi tiếng mê phần lườn mà. Nhưng đầu của Napoleon cũng được đặt trên mâm bạc phải không? Tôi đồ rằng đấy mới là món chính.”
“Ông vui tính quá. Thưa ông, ngay cả quân Cô-dắc cũng làm từ thiện trong Guildhall này mà. Nhìn kìa! Platoff lừng danh, chính Ngài Hetman… cũng có mặt tối qua cùng các vị kia… chắc hẳn đã đâm một nhát giáo vào cái bánh nhân thịt mỡ kia rồi. Nhìn đi! ông già cởi trần đó đang xí phần ấy đấy. Xem ông ta liếm mép kìa, trông vẻ chẳng nghĩ ngợi hay tỏ lòng biết ơn người Cô-dắc tốt bụng đã để phần cho ông ta gì cả! Ối! Có một gã khác… béo hơn… giật mất rồi. Ôi thôi rơi tong!... cái đĩa giờ sạch bách… còn mỗi một mẩu vỏ bị xắn tơi tả thôi.”
“Người Cô-dắc, bạn tôi ơi, người ta bảo họ rất mê đồ béo,” tôi nhận xét. “Vậy nên ngài Hetman chắc chẳng từ thiện nhiều như anh nghĩ đâu.”
“Một hoạt động từ thiện cao quý, dù sao thì, nhìn chung là vậy. Kìa, ngay cả tượng Gog và Magog ở đầu kia đại sảnh cũng như đang bật cười vui sướng trước xen này kìa.”
“Nhưng anh không thử nghĩ xem,” tôi ám chỉ, “rằng nhà điêu khắc, bất kể là ai, đã quá tay khắc điệu cười đó đâm ra điệu cười toe toét sao… một kiểu mỉa mai thì đúng hơn.”
“Ồ, còn tùy cảm nhận, thưa ông. Nhưng nhìn kìa… tôi dám cá một đồng guinea là phu nhân ngài Thị trưởng đã từng dùng chiếc thìa vàng của mình để xúc lớp thạch màu vàng kia. Kìa, lão già mắt long lanh kia vừa tống trọn nó vào họng trong một cú nuốt cơ đấy.”
“Cầu cho miếng thạch được yên nghỉ!” tôi thở dài.
“Thật là một hoạt động từ thiện hào phóng, cao cả, vĩ đại! Chẳng đâu ngoài nước Anh có kiểu ban phát thạch vàng óng cho tận những kẻ ăn xin.”
“Nhưng không phải là ba bữa mỗi ngày, anh bạn ạ. Và anh có thực sự nghĩ rằng thạch là hình thức cứu trợ tốt nhất mà người nghèo cần? Một phần thịt bò và bánh mì kèm với việc làm có trả công, chẳng tốt hơn sao?”
“Nhưng ở đây chẳng ai ăn bánh mì với thịt bò cả. Các hoàng đế, nhiếp chính, vương gia và thống chế đâu thường dùng mấy món đó. Nên đồ thừa cũng phải theo lối ăn uống của họ. Nói tôi nghe xem ông có mong mẩu vụn của vua chúa lại giống như mẩu vụn của lũ sóc không?”
“Anh kia! Tôi nói anh đấy! Tránh sang một bên, hoặc nhận phần rồi đi ngay! Đây, cầm lấy cái bánh này, hãy biết ơn vì anh vừa được nếm cùng một món với Đức bà Công tước xứ Devonshire đi! Tên lang thang vô ơn, rõ chưa?”
Những lời đó được một viên chức khoác áo choàng đỏ đứng gần bàn phát chẩn gào lên với tôi xuyên thủng tiếng ồn ào.
“Chắc ông ta không nói tôi đâu,” tôi quay sang người dẫn đường, “ông ta không thể nhầm tôi với đám kia chứ.”
“Người ta được nhận diện qua đám đông họ đi cùng,” người dẫn đường cười nhẹ. “Nhìn xem! Không chỉ cái mũ ông đội siêu vẹo và dúm dó trên đầu, mà áo khoác ông cũng bẩn và rách. Không,” anh ta hét về phía người áo đỏ, “đây là một người không may, chỉ là khán giả thôi, tôi cam đoan.”
“À! thì ra là anh à, ông bạn?” người áo đỏ đáp lại, giọng thân mật. “Thôi đưa bạn anh ra ngoài ngay đi. Coi chừng vụ hỗn loạn sắp tới đấy. Thế nhé! Mau đưa ông ta ra ngoài ngay!”
Quá muộn rồi. Món ăn cuối cùng đã bị giành mất. Đám đông vẫn còn đói gào lên dữ dội, làm những lá cờ phấp phới như gặp cuồng phong, khiến không khí nồng nặc mùi như từ cống rãnh bốc lên. Họ xô bàn, phá rào chắn và tràn ngập đại sảnh - những cánh tay trần giơ loạn xạ như những chiếc xương sườn bị đập vỡ từ một vụ đắm tàu. Với tôi, một cơn thịnh nộ bất lực bất ngờ của sự đố kỵ dường chiếm hữu họ. Chỉ nửa giờ quan sát những tàn tích từ bữa Tiệc vinh quang của các vị Vua: những miếng bánh rỗng ruột vô hồn, những con chim trĩ bị vặt sạch và những lớp thạch nửa vời bị bốc vã, càng khiến họ nhận ra bản chất đáng khinh của cái gọi là bố thí. Trong tâm trạng đột ngột ấy, hay bất cứ lực bí ẩn nào vừa xâm chiếm họ, đám Lazarus như thể sẵn sàng nôn ra những mẩu vụn của Dives bởi sự khinh miệt ăn năn.
“Lối này! Lối này! Bám chặt vào tôi như con ong nhé!” người dẫn đường gấp gáp. “Bạn tôi đã nghe hiệu và mở sẵn cửa phía bên kia cho chúng ta rồi. Lách… lách vào… nhanh! Kìa, cái mũ siêu vẹo của ông rơi rồi… bỏ đi… mặc kệ cái vạt áo… đánh thằng kia… hạ nó! Giữ chặt! Chen! Bây giờ! Bây giờ! Vặn người thoát ra! Ha! thở được rồi; tạ ơn Chúa! Ông lả rồi à. Hô!”
“Không sao. Không khí trong lành này làm tôi tỉnh người.”
Tôi hít thêm vài hơi nữa và cảm thấy mình đã sẵn sàng để tiếp tục.
“Giờ thì anh bạn tốt của tôi, làm ơn đưa tôi ra phố Cheapside bằng lối phía trước nhé. Tôi phải về nhà.”
“Không đi bộ trên vỉa hè được đâu. Nhìn bộ dạng của ông đi. Tôi phải gọi xe ngựa cho ông.”
“Phải, chắc là vậy,” tôi nói, mắt nhìn ngán ngẩm bộ đồ rách rưới của mình, rồi liếc sang chiếc áo bó sát và mũ phẳng của người dẫn đường đầy ghen tị, chúng thách thức mọi sự chen lấn hay rách rưới.
“Xong rồi đấy, thưa ông,” người tốt bụng nói khi đỡ tôi lên xe ngựa rồi cẩn thận đắp cho tôi cùng đống áo quần tả tơi, “khi ông trở về quê nhà, ông có thể nói rằng mình đã chứng kiến hoạt động từ thiện vĩ đại nhất của nước Anh. Dĩ nhiên, ông cũng nên rộng lượng bỏ qua cho cái cảnh chen chúc không thể tránh khỏi. Tạm biệt. Này, Jehu” - anh ta gọi với lên người đánh xe - “ông đây là một quý ông đấy. Vừa từ buổi từ thiện ở Guildhall ra nên trông mới như vậy. Đi đi. Quán London Tavern, phố Fleet, nhớ đấy.”
* * *
“Giờ thì, Lạy Trời cứu con khỏi những hoạt động từ thiện cao quý của London,” tôi thở dài, khi đêm đó nằm trên giường, mình mẩy bầm dập rã rời; “và cũng xin cứu con luôn khỏi cái “pudding của người nghèo” lẫn “mẩu vụn của người giàu”.”
Thanh Nghi dịch
Melville
Mardi (1849)
Jacket trắng (1850)
Người 'Gee (1853)
Người kéo vĩ cầm (1854)
Pudding của người nghèo và mẩu vụn của người giàu (1854)
Jimmy Rose (1855)
Ngắn (1855-1856)
Cúc-cà-cúc-cu (1856)
Tôi và ống khói của tôi (1856)
Nước Mỹ ấy
Hawthorne (1804–1864)
Edgar Allan Poe (1809–1849)
Thoreau (1817–1862)
Melville (1819–1891)
William James (1842–1910)
Henry James (1843–1916)
Edith Wharton (1862–1937)
Gertrude Stein (1874–1946)
Ezra Pound (1885–1972)
Philip Roth (1933 –2018)
Marilynne Robinson (1943)