favorites
Shopping Cart
Search
Vitanova
Xuân 2025
Next

Melville: Chiếc bàn gỗ-cây-táo

05/05/2025 10:20

Chiếc bàn gỗ-cây-táo

Hay những linh hiển nguyên sơ

- Herman Melville

 

Lần đầu thấy chiếc bàn, lem luốc, phủ bụi, ở trong góc tận cùng của ngăn gác xép cổ có dáng tựa chiếc phễu, và chung quanh là những lọ và bình tía cổ vỡ ra vụn, cùng một quyển quarto cổ quái, long bìa, tôi đã ngỡ nó như một chiếc bàn gọi hồn cũ nho nhỏ từng thuộc về Friar Bacon.[1] Có hai đặc điểm rõ rệt trên nó, làm dấu hiệu cho các phép đồng cốt và thuật phù – hình tròn và thế ba chân; mặt bàn tròn, chống bằng một trụ nhỏ bện xoắn, thứ, cách chừng một foot khỏi mặt đất, nhoài ra ba cẳng chân vẹo, mỗi cẳng chân thời kết lại bằng một bàn chân có móng toạc ba. Một chiếc bàn cũ nho nhỏ mang cái vẻ kì thực rất đỗi sa-tăng.

Để có một hình dung rõ hơn, cũng nên thuật lại đôi điều về nơi cất giữ nó. Một ngăn gác xép rất cổ trong một ngôi nhà cũng cổ chẳng kém ở một khu phố cổ kính nơi cái trấn nào cổ nhất trên đất Mỹ. Ngăn xép này đã kín cửa hàng nhiều năm. Người ta cho là nó có vong; một tin đồn thôi, tôi phải thú thật, tin ấy, dẫu nhảm nhí (theo ý kiến của tôi), tôi đã chẳng, lúc mua lại, thiết tha bác bỏ gì nó; bởi, biết đâu, nó lại xoay sang chiều hạ giá bất động sản xuống một nơi mà tay tôi với được.

Bởi vậy, chẳng phải tôi sợ lũ yêu tà tiếng tăm trên cao kia, mà, suốt năm năm đầu kể từ khi dọn vào sống, tôi chưa bao bước lên ngăn xép. Cũng chẳng có gì cấp thiết. Phần mái lợp chắc đá phiến, khít kín. Công ty bảo hiểm cũng chẳng màng kiểm tra gác xép; đã vậy, thì, người chủ có điều chi phải bận tâm về nó? - nhất là khi gian nhà bên dưới đã đủ rộng rãi và hắn ta chẳng thiết dùng gì tầng xép. Rồi chìa khóa cửa cầu thang dẫn lên đó thì thất lạc. Ổ khóa đã cổ lỗ lại to kềnh. Muốn mở thì lại phải gọi thợ sắt đến; quá phiền, tôi nghĩ vậy. Rồi nữa, dù tôi đã cố giữ kín chuyện đồn thổi kể trên khỏi hai cô con gái tôi, chúng vẫn cứ, bằng một cách nào đó, loáng thoáng biết được, và rất vui lòng khi thấy lối lên cái chốn quỷ ma đó kín cổng. Có khi nó còn được đóng thêm nhiều năm nữa, nếu tôi chẳng tình cờ phát hiện, trong một góc vườn bậc thang cổ tựa thung trũng, một chiếc chìa khóa to lạ kỳ, rất cổ và gỉ sét, thứ tôi kết luận ngay tức khắc là thuộc về cửa gác xép – một giả thuyết, sau khi đem ra thử, đã được chứng minh đúng. Mà hễ đã nắm được chìa khóa của một thứ gì thì khao khát mở khóa và khám phá liền trỗi lên; và việc ấy xuất phát đơn thuần từ một bản năng thèm muốn sự thỏa mãn, dù chẳng trông mong cho một lợi ích nào.

Vậy, hãy nhìn tôi đây, xoay chiếc chìa khóa gỉ, và bước lên, một mình, ngăn gác xép bị ám. Nó ôm trọn khuôn viên ngôi nhà. Trần nó chính là mái nhà, phơi ra những rầm và ván mà các phiến đá lợp lên. Mái rẽ nước ra bốn mặt từ một đỉnh cao ở chính tâm, thành thử không gian dưới đó trông chẳng khác mấy chiếc lều đại tướng – chỉ có điều giữa chừng bị cắt ngang bởi một mê lộ xà chống, trên đó mạng nhện giăng chằn chịt, thứ, vào một trưa hè nào, ánh lên như sa hay the mỏng mảnh ở thành Bát-đát. Khắp tứ phía là mấy loài côn trùng lạ lùng bay lượn, hoặc chạy vội, hoặc bò, cả trên xà lẫn dưới sàn.

Dưới đỉnh mái có một bậc thang thô, hẹp và ọp ẹp, như kiểu thang giảng tòa Gô-tích, dẫn lên một cái bục tựa giảng tòa, rồi từ đó có một cái thang – giống như cái của Gia-cốp[2] - dẫn lên cao hơn chút nữa tới chỗ cửa trổ mái. Tấm trượt của cửa này độ đâu hai feet vuông, nguyên khối, khoét một khung lớn chỉ để cho một tấm kính nhỏ lắp vào mà trông như một hồng tâm. Ánh sáng trong gác xép đến độc từ nguồn này, lọc qua một tấm màn mạng nhện dẫy dày. Kì thực, toàn bộ từ cầu thang, đến bục, đến chiếc thang đều bị giăng dây, và trải thảm, và lợp tàn với mạng nhện; những thứ, người ta cũng treo đầy ở nơi chồng tang, rũ xuống từ trên trần nhọn tối tăm, khác gì rêu Carolina trong rừng bách cổ. Trong lớp mạng ấy có vô số loài côn trùng ướp xác đu đưa, tựa những hầm mộ giữa không,

Leo từ cầu thang lên bục, dừng chân lại lấy hơi, một cảnh tượng kỳ thú liền hiện ra. Khi ấy mặt trời đã lên được nửa đường. Ánh trời ít ỏi dùi vào, nó thoai thoải đâm một đường hầm cung cung chéo qua sự tối trong ngăn xép. Tại đó, triệu triệu đốm bướm dờn bay. Sát nơi ánh trời thấu qua, với tiếng vo vo tựa cái chập cheng, nghìn con côn trùng tụ thành một đám vàng óng.

Muốn đổ thêm một sự sáng cho rõ hơn, tôi tìm cách kéo tấm trượt khung cửa trổ. Nhưng chẳng thấy có then hay chốt hay chốt nào hiển hiện. Chỉ đến khi đã săm soi kỹ lưỡng, tôi mới thấy một ổ khóa nhỏ, chìm, như một con hàu dưới đáy biển, giữa đám mạng, nhộng và trứng của những loài ăn trùng bện tết um tùm. Quét bọn chúng đi rồi, tôi thấy nó bị khóa. Dùng một cây đinh cong, tôi cố lách chiếc ổ, tức thì từng đoàn kiến và nhặng tí ti, nửa mê nửa tỉnh, bò ra từ ổ khóa, và, cảm được sự ấm mặt trời mà liền nhảy múa quanh tôi. Nhiều con khác cũng có mặt. Giờ đây chúng ngập khắp nơi. Tựa thể nổi giận vì xâm lăng nơi chúng náu, từng đàn ào ạt bay lên từ dưới kia, va đập quanh đầu tôi, cứ như bọn bắp cày. Cuối cùng, với một cú giật thình lình, tôi mở bung cánh cửa trổ. Và ôi! cảnh tượng chuyển khác biết bao. Như một kẻ từ u huyền trong huyệt mộ cùng bao bằng hữu bọ giòi, rốt cục cũng phục sinh mà cất lên cõi xanh tươi và vinh hiển bất diệt, cứ vậy, từ gác xép cổ giăng đầy mạng nhện,[3] tôi thò đầu ra bầu không thơm mát, và thấy mình được ngọn xanh rờn của những đại thụ mọc trong khu vườn nhỏ bên dưới reo hò – những cây, có lá vươn cao hơn cả phiến đá trên đỉnh mái nhà tôi.

Phấn khởi trước cảnh ấy, tôi hướng về lại bên trong mà nhìn ngăn xép, bấy giờ đã sáng lên lạ thường. Toàn những khối đồ cổ lổ chán chường. Một cái bàn viết cổ, có các lỗ chim câu nơi lũ chuột phóng ra, và các ngăn ẩn vẳng lên tiếng chít chít đùng đục, tựa các hốc sóc chuột trong rừng; cùng những chiếc ghế cổ gãy nát, chạm trổ kỳ quái, dường rất hợp để các thầy đồng ngồi trong một buổi mật nghị. Với một chiếc hòm sắt hoen gỉ, không nắp, cùng đống đống những tài liệu ẩm mốc; một trong số ấy, mang dấu mực loang phai ra đo đỏ ở cuối, trông khác gì bản khế ước Đốc-tờ Faust đã ký với Mephistopheles. Và, cuối cùng, trong góc ít được ánh sáng rọi đến nhất, nơi ngập ngụa ngổn ngang những thứ rác cũ kĩ không thể gọi tên – trong đó có một cây kính viễn vọng, và một tinh cầu thủng – là một chiếc bàn cũ nho nhỏ, với một chân toạc móng, như cái của Kẻ Ác, lờ mờ hiện ra từ sau màn mạng nhện. Một lớp bụi dày khủng khiếp, nửa phần như hồ nhão, đã lắng lại trên những lọ và bình; dung dịch thuở nọ đã khô đặc lại biết bao bên trong nó, và kỳ dị làm sao là cuốn sách cổ mốc meo nằm chính giữa – Magnalia của Cotton Mather.[4]

Bàn và sách tôi cho xuống dưới nhà, và đã sửa những chỗ khớp trật của cái này và phần tả tơi của cái kia. Tôi quyết tâm cho gã ẩn-sĩ-cái-bàn nho nhỏ này quây  quần, bởi đã lưu đày bao năm khỏi quyến thuộc êm ấm, với những ảnh hưởng hiền hòa từ bình trà ấm, lửa ấm, với những trái tim ấm, nhưng nào có ngờ rằng chính cái ấm ấy lại nung dưỡng một thứ không tưởng.

Tôi thích thú khi phát hiện ra rằng chiếc bàn làm chẳng phải từ gỗ dái ngựa thông thường, mà từ gỗ-cây-táo, loại gỗ qua năm tháng hầu đã sẫm thành màu óc chó. Thực là một món rất hợp để đặt vào phòng tiếp khách tuyết tùng của chúng tôi – gọi vậy, là bởi, theo mốt cũ, nó được ốp với loại gỗ ấy. Mặt tròn chiếc bàn, hay mặt cầu, được khéo chế chế tác sao cho dễ đổi từ thế nằm sang dựng đứng; bởi vậy, khi không dùng tới, có thể kê gọn nó vào một góc. Thiết nghĩ nó sẽ là một chiếc bàn nhỏ xinh cho bữa điểm tâm hoặc khi uống trà của vợ chồng tôi cùng hai cô con gái. Mà nó cũng vừa vặn làm bàn chơi whist[5]. Và tôi cũng tự mình thấy vui với cái ý lấy nó làm một chiếc bàn đọc.

Trước những tơ tưởng ấy, vợ tôi, lại chẳng mấy mặn mà. Nàng không ưng cái ý về một kẻ lạ mặt, quê mùa, trông bần cùng như chiếc bàn lại chen chân vào giữa đám đồ nội thất bóng loáng và có phần sang trọng hơn kia. Nhưng, sau chuyến tầm vận ở xưởng mộc, chiếc bàn về nhà, được đánh véc-ni khắp cả, sáng như đồng ghi-nê, không ai lại niềm nở bằng vợ tôi khi đón tiếp nó. Rồi chiếc bàn được đưa vào chỗ danh dự trong phòng tuyết tùng.

Song, riêng con gái Julia tôi, cô bé chẳng bao giờ vượt qua được cảm xúc kỳ lạ vào lần đầu vô tình chạm mặt chiếc bàn. Xui thay, lúc đó tôi đang mang nó xuống từ ngăn gác xép. Tay nắm mặt bàn, tôi bê nó đi trước mình, một bàn chân chẻ móng tơ giăng đã chìa ra, dị vật ấy ngay một khúc rẽ ở cầu thang, đã vô tình chạm con bé, lúc nó đi lên; bị như thế, xoay người lại, và chẳng thấy một tạo vật sống nào – bởi tôi đang khuất sau tấm khiên – kì thực là không thấy thứ gì, ngoài hiện hình của bàn chân Kẻ Ác, dường như vậy, nó thét toáng lên, và không biết chuyện gì sẽ xảy ra nếu tôi không cất tiếng trấn an.

Với thứ ấn tượng được gây nên theo lối áy, cô con gái tội nghiệp của tôi, vốn yếu bóng vía, phải mất rất lâu mới hoàn hồn. Đau buồn theo hướng mê tín trước sự xâm phạm của tôi vào nơi cấm địa cô tịch tầng trên, con bé, trong tâm trí mình, liên tưởng chiếc bàn với bọn yêu tinh tiếng tăm nơi đó. Nó khẩn khoản xin tôi từ bỏ ý tưởng thuần hóa chiếc bàn đi. Và em nó cũng chẳng quên đốc thêm mấy lời. Giữa hai chị em nó có một mối đồng cảm được lập nên. Nhưng cô vợ sống thực tế của tôi giờ đã đứng về phía chiếc bàn. Nàng không thiếu cứng rắn và quả quyết. Với nàng, những định kiến của Julia và Anna chỉ là chuyện trẻ con. Bổn phận làm mẹ của nàng, nàng nghĩ, là phải dẹp tan sự yếu đuối đó. Từ độ ấy, hai cô bé, vào bữa sáng và buổi trà, cũng chịu ngồi vào chiếc bàn cùng chúng tôi. Sự gần gụi chẳng phải là vô ích. Dần dà, các cô cũng tạm ngồi yên ổn, tuy Julia, càng nhiều càng tốt, cố tránh nhìn bàn chân toạc móng, và, mỗi khi tôi cười mỉm trước chuyện đó, con bé sẽ nhìn tôi nghiêm nghị - cứ như muốn nói, A, papa, rồi ba cũng sẽ như con thôi. Con bé tiên đoán rằng, gắn với chiếc bàn, rồi sẽ có gì đó lạ thường xảy đến. Nhưng tôi cũng chỉ cười thêm thôi, trong khi vợ tôi nổi giận rầy la.

Trong khi đó, tôi lấy làm thỏa mãn vô cùng với chiếc bàn của mình, khi dùng nó như bàn đọc đêm. Trong một phiên chợ quý cô, tôi mua cho mình một chiếc đệm đọc sách khéo gia công, và, với khuỷu tay tựa vào đó, bàn tay chắn mắt khỏi ánh đèn, và dành nhiều giờ dài – với không ai bên cạnh, ngoài cuốn sách cổ dị tôi đem từ gác xép xuống.

Mọi thứ đều êm, cho đến khi chuyện sắp được kể đây – một chuyện, xin hãy nhớ, giống như bao chuyện khác trong thiên truyện này, đã xảy ra từ rất lâu, trước cả thời của “Chị em nhà Fox”[6].

Ấy là khuya một đêm thứ Bảy tháng Mười Hai. Trong gian phòng khách tuyết tùng cổ, trước chiếc bàn gỗ-cây-táo cổ nho nhỏ, tôi ngồi đó, như thường lệ, một mình. Tôi đã ráng đứng dậy đi ngủ không dưới một lần; nhưng tôi chẳng thể. Thực thế, tôi như bị một phép mê nào đó cuốn lấy. Cũng không hiểu sao, những ý kiến hữu lý của tôi, dường chẳng còn lý nào như trước nữa. Tôi thấy bồn chồn. Sự thật là, mặc dù, vào những đêm đọc trước, Cotton Mather chỉ làm tôi thấy buồn cười, thì vào cái đêm đặc biệt này, ông lại làm tôi thấy kinh hãi. Tôi đã há miệng cười cả nghìn lần trước những câu chuyện ấy. Toàn chuyện các bà vợ già thêu dệt nên, từng nghĩ thế, song cũng giải trí. Nhưng giờ lại khác biết bao. Chúng bắt đầu khoác lên sắc diện của thực tại. Nay, lần đầu tiên tôi phải ngỡ ngàng khi nhận ra rằng người viết Magnalia chẳng phải một người như bà nữ sĩ lãng mạn Radcliffe[7] nọ; mà là một con người thực tiễn, nghiêm cẩn, chăm chỉ, ngay thẳng, lại còn là một đốc-tờ có học, và là một Ki-tô hữu tốt kiêm một giáo sĩ chính thống. Là một người như vậy, ai lại đi lừa dối? Phong cách ông trơn phẳng và đậm sắc lẽ thật không thơ không thẩn. Theo lối thẳng thắng nhất, ông bày ra trước tôi những tường thuật về các phép phù thủy New England, mỗi tình tiết hệ trọng đều có các dân làng đáng kính chứng thực, và, không ít chuyện ly kỳ, chính ông đã tự mình mục kích. Cotton Mather tự mình làm chứng cho những gì ông đã thấy. Nhưng, chuyện đó có thể sao? Tôi tự vấn. Rồi tôi nhớ lại rằng đến cả Đốc-tờ Johnson, vị soạn giả khô khan của một cuốn từ điển, cũng tin vào ma quỷ, và không ít người danh thơm tiếng tốt khác cũng thế. Chìm vào cơn mê mẩn, tôi đọc mỗi ngày một sâu hơn vào đêm. Cuối cùng, tôi bị giật mình trước một âm thanh vô cùng khẽ, song vẫn mong sao mọi thứ đừng quá im.

Một cốc punch ấm để bên mình, thứ đồ uống, theo một lối điều độ, tôi đã quen thưởng cho mình mỗi đêm thứ Bảy; một thói quen mà, dẫu vậy, cô vợ tốt của tôi luôn khuyên ngăn; đoán rằng, nếu tôi không bỏ, thể nào cũng chết trong cảnh rượu bê chè bết. Quả thực, tôi cũng phải nói them, rằng vào sáng Chủ Nhật sau mỗi tối thứ Bảy ấy, tôi phải e dè cẩn trọng trong cái cách mình tỏ ra bực dọc trước một chuyện vặt nào đó; bởi thể nào sự bực dọc đó cũng sẽ bị lấy mà làm minh chứng cho hậu quả đáng buồn của việc luông tuồng vào đêm trước. Còn riêng vợ tôi, nàng, chẳng bao giờ đụng môi tới punch, thì lại có thể tùy ý muốn càu nhàu bao nhiêu cũng được.

Nhưng, vào cái đêm ấy, tôi lại ước gì, thay vì đằm đằm như thường lệ, mình đã pha một ly thật mạnh. Tôi thấy mình cần một thứ gì đó để vực mình dậy. Tôi muốn một thứ gì đó tạo cho mình phấn hứng để chống lại Cotton Mather – cái ông Mather ảo não, ma mị, ghê khiếp ấy. Mỗi lúc tôi lại càng bồn chồn hơn. Chính mê lực đã ngăn tôi rời khỏi căn phòng. Nến đã cháy đến chân, bấc dài, thành nến lớn. Nhưng tôi chẳng dám lấy kéo gắp bấc lên ngang thành. Làm thế sẽ quá ồn. Trớ trêu thay, trước đó, tôi lại muốn có tiếng động. Tôi cứ đọc tiếp. Tóc tôi dần có cảm tri. Mắt tôi căng ra; chúng làm tôi nhức. Tôi ý thức được điều đó. Tôi biết tôi đang làm hại chúng. Tôi biết tôi tôi sẽ phải trả giá vào hôm sau vì hành hạ chúng; nhưng tôi vẫn cứ đọc. Tôi không kiềm lại được. Bàn tay hom hem kia đang đặt lên tôi.

Đột nhiên – nghe kìa!

Tóc tôi dựng như cỏ đâm chồi.

Một tiếng hồ như gõ hay cào khe khẽ ẩn đâu đó – một âm thanh lạ kỳ, không sao giãi bày, thoảng xen với tiếng lóc cóc như gõ kiến mổ gỗ.

Tắc! Tắc!

Phải rồi, tiếng ấy như tiếng đồng hồ tích tắc.

Tôi nhìn lên cây đông hồ Strasbourg đại ở một góc nọ. Chẳng phải. Nó đã ngừng chạy.

Tắc! Tắc!

Quả quýt của mình sao?

Theo thói quen vào đêm của nàng, vợ tôi đã, khi về buồng, mang nó lên và móc vào chiếc đinh như thường lệ.

Tôi dỏng tai nghe chăm chú.

Tắc! Tắc!

Phải chăng tiếng mấy miếng ốp gỗ co mình?

Tôi run rẩy bước quanh phòng, áp tai vào từng miếng ốp gỗ.

Không; không phải từ mấy miếng ốp gỗ.

Tắc! Tắc!

Tôi giũ người. Tự thấy xấu hổ vì cơn hãi hùng của bản thân.

Tắc! Tắc!

Tiếng ấy mỗi lúc một đanh và rõ hơn. Tôi lùi khỏi vách. Dường nó đang tiếng đến đặng gặp tôi.

Tôi xoay đầu nhìn rồi lại xoay, nhưng chẳng thấy thứ gì, ngoài một bàn chân toác móng của cái bàn gỗ-cây-táo nho nhỏ kia.

Trời hỡi, tôi tự nhẩm, bất giác rợn người, hẳn đã khuya lắm rồi; chẳng phải vợ gọi mình sao? Phải, phải; mình phải lên giường thôi. Chắc hẳn cửa nẻo đã kín hết rồi. Chẳng phải tới lui thêm chi.

Cơn mê đã tan, dù nỗi sợ dâng cao nhiều phần. Tay run bần bật, tôi cất ông Cotton Mather khỏi mắt tôi, rồi chóng thấy mình, với cây nến trên tay, ở trong buồng, mang theo một cảm giác rùng rợn đằng sau, như một con chó trốn chủ thường sẽ mang theo mình vậy. Trong hồi vội vã để về buồng thật nhanh, tôi vấp phải một chiếc ghế.

“Anh đi nhẹ một chút đi, anh yêu,” vợ tôi cất tiếng từ trên giường.

“Lại uống punch nhiều rồi chứ gì. Cái thói đó càng lúc càng nặng. A, chẳng ngờ tôi lại thấy ông về buồng giữa đêm lảo đảo như thế này.”

“Vợ ơi,” tôi thì thào khan khản, “có – có – có cái gì đó cứ tắc tắc dưới phòng tuyết tùng.”

“Ông cố ơi – ông lẫn rồi đúng không – tôi biết ngay mà. Lên giường; rồi ngủ quách đi.”

“Vợ, vợ ơi!”

“Lên, lên giường đi. Em tha cho anh đấy. Mai em không càu nhàu gì đâu. Nhưng anh bỏ cái thói uống punch đi, chồng yêu. Nó làm hại anh quá rồi.”

“Đừng có chọc tôi tức nữa,” giờ tôi mới gào lên, thật sự mất kiểm soát; “tôi sẽ bỏ nhà đi!”

“Đừng, đừng! đừng có đi trong bộ dạng như thế. Lên giường nào, anh yêu. Em không nói gì nữa đâu.”

Sáng hôm sau, khi thức dậy, vợ tôi chẳng đá động gì về chuyện tối qua, và, thấy mình xấu hổ chẳng ít, nhất là khi nhớ lại cơn hoảng loạn đó, tôi cũng nín thinh. Thành thử, vợ tôi vẫn sẽ gán hành vi kỳ quặc đó của tôi cho một rối loạn tâm trí, chẳng phải do vong, mà là do ly punch. Phần tôi, trong lúc nằm trên giường nhìn mặt trời mọc qua khung cửa kính, tôi dần nghĩ rằng đọc Cotton Mather nhiều như thế vào nửa đêm thì chẳng tốt gì cho con người ta; nó gây một ảnh hưởng bệnh hoạn lên thần kinh, và triệu lên các ảo giác. Tôi quyết định cất hẳn Cotton Mather đi. Làm thế rồi, tôi chẳng còn sợ tiếng tắc tắc kia trở lại nữa. Thực vậy, tôi bắt đầu cho rằng những tiếng tắc tắc trong phòng ấy chẳng là gì hết, ngoài tiếng vo vo trong tai tôi.

Như lệ thường của nàng, vợ tôi dậy trước, còn tôi thì thong thả sửa soạn cho vừa ý. Biết rằng phần lớn rối loạn nơi tâm trí bắt nguồn từ thể-trạng, tôi mạnh tay dùng bàn chải thân thật mạnh, rồi gột đầu mình với rum New England, một phương thuốc mẹo tôi từng được mách là trị tiếng ong ong trong tai. Choàng mình lại trong chiếc áo ngủ, thắt ca ra vát chỉnh tề, với móng cắt gọn gẽ, tôi dương dương bước xuống ngăn phòng tuyết tùng dùng bữa sáng.

Tôi kinh ngạc vô chừng khi thấy vợ mình quỳ sát xuống, moi móc gì đó dưới tấm thảm gần chỗ chiếc bàn gỗ-cây-táo, với bữa ăn đã dọn lên, trong khi hai cô con gái tôi, Julia và Anna, chạy tứ tung trong phòng.

“Ôi, papa, papa!” Julia thốt lên, chạy vội tới chỗ tôi, “con biết ngay mà. Cái bàn, cái bàn!”

“Vong! Vong!” Anna thốt lên, đứng nép xa khỏi nó, chỉ tay đến.

“Im hết!” vợ tôi la lên. “Làm sao mẹ nghe được, nếu hai đứa cứ gào lên? Im lặng. Đến đây đi, chồng; phải cái tiếng tắc tắc mà anh nói không? Sao đứng sững ra đó vậy? Phải tiếng này không? Đây này, cúi xuống rồi nghe thử xem. Tắc, tắc, tắc! – anh nghe thấy chưa?”

“Anh nghe, anh nghe,” tôi kêu lên, trong khi hai đứa con cứ nài chúng tôi rời khỏi đó.

Tắc, tắc, tắc!

Ngay dưới tấm khăng trắng, và dưới ấm trà đang bốc hơi, và món bánh mì sữa nghi ngút khói, là nơi tiếng tắc tắc ấy vang lên.

“Có một ngọn lửa phòng bên đúng không, Julia,” tôi nói, “ta ăn sáng bên đó đi, em yêu,” quay sang vợ - “ta cứ đi – để cái bàn im đó – bảo Biddy[8] dọn thức ăn sang.”

Nói thế rồi, tôi đang đà bước về phía cửa đầy tự chủ, thì vợ liền ngăn tôi.

“Trước khi ra khỏi cái phòng này, em phải tìm cho ra cái tiếng tắc tắc ấy,” nàng nói đầy quả quyết.

“Chắc chắn ta sẽ tìm ra nó, để tin vậy đã. Em không tin là có vong, nhất là vào giờ ăn sáng. Biddy! Biddy! Đây, mang hết đồ này về bếp,” trao chiếc bình. Rồi, giật tấm khăn đi, chiếc bàn nhỏ ấy hiện hình trơ trụi trước mắt.

“Là chiếc bàn, là chiếc bàn!” Julia kêu lên.

“Xàm xí,” vợ tôi nói, “Bàn nào mà kêu tắc tắc? Nó ở dưới sàn. Biddy! Julia! Anna! dọn hết đồ ra khỏi phòng đi – cả cái bàn và mọi thứ khác. Mấy cái búa đinh đâu hết rồi?”

“Trời ơi, mama – mẹ định lột thảm ra sao?” Julia thét lên.

“Búa đây, thưa bà,” Biddy nói, run rẩy bước tới.

“Vậy thì đưa tao, chứ,” vợ tôi quát; bởi Biddy tội nghiệp đang, ở một quãng như đang ngắm súng, chìa nó tới như thể bà chủ đang mang dịch hạch.

“Nào, ông nhà, nhấc đằng kia tấm thảm lên, còn tôi thì đằng này.” Nói rồi nàng quỳ xuống, tôi cũng làm theo.

Tấm thảm được gỡ ra, và tai thì áp lên sàn nhà trơ trụi, nhưng chẳng có chút tắc hay tích nào còn nghe.

“Cái bàn – chính là cái bàn,” vợ tôi kêu lên. “Biddy, mang nó vào lại đây.”

“Hỡi ôi, xin bà, em chẳng dám đâu, bà ơi,” Biddy nức nở.

“Cái thứ ngu! - Ông nhà, mang vào đây.”

“Em yêu,” tôi nói, “ta có cả ối bàn; thiết gì phải cố chấp đến vậy?”

“Cái bàn đâu?” vợ tôi quát, khinh khỉnh, lờ luôn lời can ngăn mềm mỏng của tôi.

“Trong nhà kho, thưa bà. Em giấu nó sâu lắm, thưa bà,” Biddy nức nở.

“Ông mang nó vào hay lại để tôi đi?” vợ tôi nói với tôi, bộ giận dữ, như gọi thằng ở vậy.

Tôi tức tốc lao ra khỏi cửa, và thấy chiếc bàn gỗ-cây-táo nhỏ kia đang úp mặt xuống, trong ngăn đựng củi chẻ. Tôi vội vã mang nó trở vô, và một lần nữa vợ tôi lại chăm chú soi xét nó. Tắc, tắc, tắc! Phải, chính là chiếc bàn.

“Làm ơn làm phước, thưa bà,” Biddy nói, quay lại phòng, khăn nón chỉnh tề - “làm ơn làm phước, thưa bà, xin bà thanh toán tiền công cho em với?”

“Cởi khăn cởi nón ra ngay,” vợ tôi nói; “bày lại chiếc bàn đi.”

“Bày bàn,” tôi gào lên, tức điên người, “bày bàn, không ta báo cảnh sát ngay đấy.”

“Trời ơi! cao xanh ơi!” hai cô con gái tôi đồng thanh kêu lên. “Rồi chúng ta sẽ ra sao đây! – Vong! Vong!”

“Giờ mày có bày bàn không?” tôi quát lên, tiến đến chỗ Biddy.

“Em có, em có – em bày liền, thưa bà – em bày liền, thưa ông – em bày, em bày. Vong ơi là vong! Mạ Thánh Thần ơi!”

“Giờ nhé, ông nhà,” vợ tôi bảo, “tôi tin chắc là, dù cái thứ tạo ra tiếng tắc tắc ấy có là gì, thì nó và cái bàn cũng chẳng thể lạm hại chúng ta được; bởi ta đều là những Ki-tô hữu tốt, tôi tin thế. Tôi quyết sẽ tìm cho ra thứ tạo nên nó, việc mà thời gian và tính kiên nhẫn sẽ soi sáng. Tôi sẽ không ăn sáng ở bàn nào khác nữa ngoài nó, chừng nào ta còn sống dưới mái nhà này. Thành nên, ngồi xuống đi, mọi thứ đã lại sẵn sàng, và tay chóng ăn sáng đi cho yên. Còn các con,” nàng quay sang Julia và Anna, “về phòng mình đi cho bình tĩnh rồi lại xuống. Mẹ không muốn chứng kiến thêm mấy thứ trẻ con như vậy nữa.”

Có những lúc vợ tôi đúng thực là nữ chủ nhân trong ngôi nhà của nàng.

Suốt bữa ăn, từ cố gắng này đến cố gắng khác nhằm khơi chuyện đều vô ích; vợ tôi đã nhiều lần nói gì đó vui tươi hòng truyền cho người khác chút sinh khí giống nàng, nhưng đều vô ích. Julia và Anna, nhấn đầu xuống thấp sau tách trà, vẫn đang cố lắng nghe tiếng tắc tắc. Tôi phải thú thật rằng, gương bọn nó làm ra đã được tôi noi theo. Nhưng, suốt lúc đó, cũng chẳng có tiếng gì. Hoặc là tiếng tắc tắc đó đã tắt hẳn, hoặc giả, bởi nó vốn khẽ, tiếng gào đang dâng của phố ngoài kia, với tiếng rền thường kêu của ban ngày tương phản vô chừng với im ắng của đêm và sớm mai, dìm đã lấp mất nó đi. Trước vẻ bất an lẩn khuất nơi những người trong nhà, vợ tôi lấy làm giận dữ; lại càng vậy hơn, khi nàng có vẻ đang thấy vinh quang ở sự bình thản nơi bản thân. Khi bữa sáng đã được dọn xuống, nàng cầm lấy quả quýt của tôi, và, đặt nó lên bàn, hướng về những hồn ma bên trong nó với vẻ giễu cợt đầy thách thức mà cất lời:

“Đấy, thử tắc đi, xem ai tắc to hơn nào!”

Cả ngày hôm đó, khi ở ngoài phố, tôi cứ nghĩ hoài về chiếc bàn huyền bí ấy. Phải chăng Cotton Mather nói thật? Có vong thật sao? Và vong thì có ám bàn trà không? Liệu Kẻ Ác có dám chìa cái chân toạc móng của hắn ra trong lòng một gia đình vô tội? Tôi rợn mình khi nghĩ rằng bản thân, đi ngược lại với những lời cảnh báo thành kính của các con, đã cố ý rước cái chân toạc móng ấy vào. Và vâng, đến tận ba cái. Nhưng đến gần trưa, những cảm tưởng này dần tan biến. Va chạm không ngơi ngớt với đông đảo những kẻ thực dụng ngoài phố, đã quét sạch lũ chimera đó khỏi tôi. Tôi chợt nhớ rằng đêm qua mình chẳng giữ được vẻ can đảm và cũng không khá hơn vào buổi sáng. Tôi quyết định lấy lại sự kính trọng vợ dành cho mình.

Để chứng tỏ rõ ràng sự sắt đá của mình, sau buổi trà không nhỡ, và ba ván whist đã chơi, với không một tiếng tắc nào vang lên – việc càng khiến tôi thêm phần vững dạ - tôi liền cầm ống tẩu, và, bảo mọi người rằng giờ đi ngủ đã đến, kéo ghế lại chỗ lò lửa, và, tháo đôi dép ra, gác chân lên tấm chặn than, trông điềm nhiên như già Democritus ngoài nghĩa địa Abdera, vào cái khuya mà lũ nhóc tinh quái trong thành cố dọa vị triết gia sắt đá ấy bằng những con ma giả tạo.[9]

Và tôi thầm nghĩ, rằng ông lão đáng trọng ấy đã để lại một tấm gương khéo sáng cho toàn thể hậu thế sau này qua lối ông xử trí tối hôm đó. Bởi, vào cái giờ tử đó, mê mải với những nghiên cứu của mình, ông nghe thấy tiếng động lạ, ông chẳng màng chút chi dù có là lướt nhẹ mắt khỏi trang sách, chỉ đơn giản nói: “Này, lũ nhóc, về nhà đi thôi. Đây chẳng phải nơi cho các cháu. Các cháu sẽ bị cảm mất.” Triết lý của những lời ấy nằm ở chỗ: chúng chứa sẵn kết luận trong đó, rằng bất kỳ điều tra nào có thể có về bất cứ hiện tượng tâm linh nào có thể xảy ra đều là phi lý; rằng ngay từ tiên diện của những chuyện như thế, tâm trí của một kẻ tỉnh táo đã phải theo bản năng mà thấy rằng đó là một trò bịp, chẳng đáng lưu tâm dù một chút mảy may; nhất là khi những hiện tượng như thế lại xuất hiện ở nơi mồ mả, vốn là chốn của tĩnh lặng, sự thiếu sự sống, và cô tịch; cũng vì những cớ ấy, chưa kể, ông lão, vào cái dịp đó, đã lấy nghĩa địa Abdera làm nơi nghiên cứu.

Giờ tôi còn lại một mình, thảy mọi thứ đều nín thinh. Tôi đặt ống tẩu xuống, chẳng còn thấy đủ thư thái để tận hưởng nó đủ đầy. Nhấc một tờ báo lên, tôi bắt đầu, theo một lối bồn chồn, gấp gáp, đọc dưới ánh ngọn nến đặt trên một trên một cái đôn nhỏ được kéo sát lại chỗ lò lửa. Còn về chiếc bàn gỗ-cây-táo, bởi mới kết luận rằng nó hơi thấp đặng làm bàn đọc, tôi nghĩ tốt nhất là chẳng nên dùng nó vào đêm hôm đó. Song nó vẫn cứ lặng đứng không xa trung tâm căn phòng.

Có cố đến mấy tôi cũng chẳng đọc được. Bằng một cách nào đó tôi như trở thành một cái tai không hơn, chẳng có mắt; một tình trạng của sự chờ đợi căng thẳng thuộc về thính giác. Nhưng chẳng mấy chốc, hồi căng thẳng đó được ngưng.

Tắc! tắc! tắc!

Dẫu chẳng phải lần đầu tôi nghe thấy tiếng ấy; không, dẫu lần này tôi đã có chủ tâm đợi tiếng ấy, vậy mà, khi nó vang lên, tôi vẫn giật mình, cứ như khẩu đại bác vừa vang tiếng nổ qua cửa sổ vậy.

Tắc! tắc! tắc!

Tôi ngồi bất động một lúc, cố làm chủ, nếu khả thi, cơn hoảng hồn lúc đầu. Đoạn đứng dậy, tôi nhìn về phía chiếc bàn khá đăm đăm; bước thẳng đến nó khá vững vàng; nắm lấy nó khả quả quyết; nhưng cũng buông tay khá nhanh; rồi đi tới đi lui, một đôi ba khắc lại dừng để lắng tai nghe. Trong khi, trong lòng tôi, cuộc vật lộn giữa hoảng loạn và triết lý vẫn chưa phân thắng bại.

Tắc! tắc! tắc!

Tiếng tắc tắc ấy vào buổi khuya hôm mới vang lên rõ ràng đến khủng khiếp.

Mạch tôi đập loạn – tim tôi khua trống. Tôi chẳng biết điều gì có thể xảy ra ngay sau đó, nếu Democritus không đến cứu. Thật xấu hổ, tôi tự nhủ, có một tấm gương triết lý sáng nhường ấy để làm gì, khi không biết noi theo? Tôi liền bắt chước theo tấm gương đó, thậm chí đến cả thái độ và việc mà lão hiền nhân ấy làm.

Tôi về lại với ghế và báo, quay lưng về phía chiếc bàn, tôi cứ như thế một lúc, tựa đang bận nghiên cứu, rồi, khi tiếng tắc tắc ấy vẫn tiếp diễn, tôi nhè giọng, theo lối nào ung dung và bỡn cợt khô nhất có thể; “Thôi, thôi, Tắc với tích, mấy nhóc, tối nay vậy là đủ vui rồi đấy.”

Tắc! tắc! tắc!

Giờ tiếng tắc tắc ấy nghe loáng thoáng như có một nét khiêu khích giễu cợt. Nó dường đắc chí với cái vai vụng về tôi đang thể hiện. Nhưng dù có châm chọc tôi ra sao, nó chỉ khiến tôi kiên định hơn. Tôi quyết không thay đổi chút nào trong lối nói của mình.

“Thôi, thôi, ngươi chỉ mỗi lúc một ồn hơn thôi, Tắc cái gì, mấy nhóc; quá đủ cho độc một trò đùa – đến lúc kết thúc rồi.”

Chỉ vừa dứt câu thì tiếng tắc tắc kia cũng lập tức im bặt. Chưa bao giờ có một sự vâng lời nào đáp lại chính xác đến thế. Dù đã cố hết sức, tôi vẫn không thể không quay đầu lại mà nhìn chiếc bàn, như nhìn một sinh thể biết lý lẽ, và – tôi tin vào giác quan mình được chăng? tôi thấy có cái gì đó động đậy, hay lúc nhúc, hay quằn quại trên mặt bàn. Nó ánh lên như một con đom đóm. Vô thức, tôi chộp lấy cây cời than ngay gần đó. Nhưng nghĩ lại, vô lý biết bao khi lấy cây cời than đi chọc đom đóm, thế là tôi bỏ xuống. Tôi ngồi khư đó như bị thôi miên và nhìn chằm vào nơi đó, với đầu hướng bên này thân hướng bên kia, trong bao lâu, tôi không sao kể xiết; nhưng rồi tôi đứng dậy, cài khuy áo từ trên xuống dưới, rồi đột ngột xoay bước hành quân đầy quả cảm về phía chiếc bàn. Và kìa, gần tâm mặt bàn, xin thề, tôi thấy một cái lỗ nhỏ lạ thường, hay, đúng hơn, một vết nứt ngắn như bị gặm nham nhở, từ nơi đó (như một chú bướm chui ra khỏi kén) vật thể lấp lánh kia, dù có là thứ gì, đang vùng vẫy chui ra. Chuyển động của nó là chuyển động của sự sống. Tôi ngây người. Và, quả thực, vong kìa, tôi nghĩ; và đây là một con trong số chúng sao? Không; chắc là tôi đang mơ. Tôi ngoái lại nhìn về ngọn lửa đỏ nơi lò lửa, rồi lại nhìn lên ánh nhờn nhợt trên chiếc bàn. Thứ tôi trông thấy chẳng phải ảo-thị, mà thực là một kỳ quan. Cơn run tăng lên, thì, một lần nữa, Democritus lại đến sát cánh cùng tôi. Chói lòa siêu nhiên là như thế đấy, nhưng tôi vẫn cứ cố nhìn nó bằng một con mắt thuần khoa học. Nhìn theo lối ấy, vật đó hiện ra là một loài bọ hay bọ cánh cứng nào đó lấp lánh mới lạ, và, tôi nghĩ, hình như còn phát ra chung vo ve nữa.

Tôi vẫn tiếp tục quan sát, và với một sự tự chủ vẫn đang dần tăng. Lấp lánh và ngọ nguậy, nó vẫn cứ tiếp tục giãy giụa. Chỉ trong một khắc nữa thôi là nó sẽ thoát khỏi nhà ngục của mình. Một suy nghĩ vụt đến. Tôi chạy đi lấy một cái cốc, vội chụp lên con côn trùng để kịp giữ lại nó.

Sau khi ngắm nó một đỗi dưới chiếc cốc, tôi để mọi thứ yên như thế, rồi, với lòng dạ êm xuôi, đi nghỉ

Thật lòng mà nói, tôi không tài nào, vào lúc đó, hiểu nổi hiện tượng ấy. Một con bọ sống chui ra từ một cái bàn chết? Một con bọ phát sáng chui ra từ một miếng gỗ bạc màu thời gian, không ai hay biết rằng đã nằm bao lâu trong ngăn gác xép cổ? Có ai từng nghe chuyện gì như thế chưa, hay mơ tới chưa? Làm sao con bọ có thể chui vào đó được? Thây kệ. Tôi nghĩ đến Democritus, và quyết định giữ bình tĩnh. Sau rốt, bí ẩn nằm trong tiếng tắc tắc kia đã tỏ tường. Đó chỉ đơn giản là tiếng gặm và đục, và đập của con bọ, khi lấy miệng mở đường thoát thân. Thực thỏa mãn khi thấy, rằng tiếng tắc tắc ấy lại có ngày chấm dứt vĩnh viễn. Tôi quyết không để dịp này xuôi trôi mà không gặt được chút công lao nào từ nó.

“Vợ này,” tôi nói, sáng hôm sau, “em sẽ chẳng bị tiếng tắc tắc nơi cái bàn ấy làm phiền nữa đâu. Anh đã đặt dấu chấm hết cho chuyện đó rồi.”

“Thật sao, chồng,” nàng nói, coi bộ không tin lắm.

“Phải vậy, vợ à,” tôi đáp, có chiều huênh hoang, “anh đã dập cho tắt ngấm tiếng tắc tắc đó rồi. Tin anh đi, nó chẳng làm em phiền thêm nữa đâu.”

Nàng cố nài tôi giải thích trong vô vọng. Tôi lại chẳng chiều theo; bởi muốn bù đắp cho bất kỳ lo sợ nào trước kia, thứ tôi đã thôi còn thấy, bằng cách để nàng ngờ rằng tôi đã lập được một chiến công nào đó mà dẹp yên cái tiếng tắc kia. Đó là một kiểu đánh lừa vô tội thông qua việc ẩn các ý đi, chẳng gây hại gì, vả lại, tôi thấy, còn có lợi.

Nhưng khi tôi xuống nhà dùng bữa sáng, tôi thấy vợ mình cúi xuống dưới chiếc bàn lần nữa, còn các con thì mười lần sợ hãi hơn hôm trước.

“Sao ông lại bịa ra cái chuyện đó với tôi,” vợ tôi nói, bất bình. “Ông biết chuyện đó dễ lộ ra như thế nào mà. Nhìn chỗ nứt này xem; và tiếng tắc tắc kia thì vang lên, lại còn rõ hơn bao giờ hết.”

“Không thể nào,” tôi phân bua; nhưng khi ghé tai xuống, quả thật vậy, tắc! tắc! tắc! Tiếng tắc tắc ấy vẫn còn đây.

Hồi mình lại cho bình tĩnh, tôi hỏi đến con bọ.

“Bọ á?” Julia thét lên, “trời ơi, papa!”

“Tôi mong là ông không mang bọ hay biếc gì vào nhà này,” vợ tôi nói, giận dữ.

“Con bọ, con bọ!” tôi bật thốt; “con bọ dưới cái cốc ấy.”

“Bọ trong cốc hả!” hai cô con gái la lên; “đừng nói là cốc của tụi con nhé, papa? Ba bắt bọ bỏ vào cốc tụi con sao? Ôi, là sao, mọi chuyện là sao vậy?”

“Các con có thấy cái lỗ, cái khe nứt này không?” tôi nỏi, chỉ ngón tay đến nơi ấy.

“Tôi thấy đấy,” vợ tôi nói, giọng đầy bất mãn. “Rồi sao nó có ở đó? Ông đã làm gì với cái bàn?”

“Mấy đứa có thấy vết nứt này không?” tôi lại hỏi, gắt giọng.

“Có, có,” Julia nói; “đó chính là thứ làm con sợ đến thế này; trông nó như phép thuật của mụ phù thủy vậy.”

“Vong! Vong!” Anna kêu lên.

“Im ngay!” vợ tôi nói. “Kể tiếp đi, ông, kể xem ông biết gì về vết nứt đó.”

“Này vợ và các con,” tôi nói, nghiêm nghị, “chui ra từ vết nứt, hay cái lỗ đó, trong lúc ba đang ngồi một mình tối qua, một –”

Đến đây, bất giác, tôi dừng lại, bị hút hồn bởi vẻ hồi hộp và ánh mắt trợn tròn của Julia và Anna.

“Cái gì thế, cái gì thế?” Anna kêu lên.

“Một con bọ, Julia à.”

“Bọ á?” vợ tôi kêu lên. “Một con bọ chui ra từ cái bàn này? Rồi anh làm gì với nó?”

“Úp nó dưới một cái cốc.”

“Biddy! Biddy!” vợ tôi kêu lên, đi ra cửa. “Mày có thấy cái ly úp trên bàn này khi mày quét phòng không?”

“Thấy chứ, thưa bà, còn có một bọ gớm ghê nằm trong đó nữa.”

“Rồi cô làm gì với nó?” tôi hỏi.

“Thảy nó vào lửa rồi, thưa ông, rồi súc cái cốc kỹ hơn bao giờ hết, mấy bận liền, thưa bà.”

“Cái cốc đó đâu rồi?” Anna kêu lên. “Tôi mong là cô cào trầy nó – hay đánh dấu gì đó. Tôi chẳng dám uống gì bằng cái cốc đó đâu; đừng bao giờ đặt cái cốc đó trước mặt tôi, Biddy. Một con bọ - một con bọ! Ôi, Julia! Ôi, mama! Con thấy nó đang bò đầy người con này. Ôi cái bàn vong ám!”

“Vong! vong!” Julia kêu lên.

“Này mấy con,” mẹ bọn trẻ nói, với cặp mắt uy quyền, “về buồng ngay đi cho đến khi mấy con cư xử đàng hoàng hơn. Một con bọ đấy – chỉ một con bọ thôi, mà mấy đứa vứt hết chút thần trí cỏn con mà mấy đứa có sao? Ra khỏi phòng ngay. Mẹ thật sững sờ, thật buồn vì hành vi mấy đứa trẻ con nhường ấy.”

“Giờ nói em nghe,” nàng nói, quay sang tôi, ngay sau khi chúng rút khỏi, “nói thật em nghe, thực có một con bọ chui ra từ vết nứt này à?”

“Vợ à, quả thật là như thế.”

“Anh thấy nó chui ra sao?”

“Anh thấy.”

Nàng nhìn chăm chú vào vết nứt, cúi sát mình lại.

“Anh chắc chứ?” nàng hỏi, ngước mắt lên, nhưng vẫn còn đang cúi người.

“Chắc, chắc chắn.”

Nàng im lặng. Tôi bắt đầu nghĩ rằng bí ẩn ấy cũng bắt đầu nàng rối trí. Phải, tôi thầm nghĩ, một chốc nữa thôi là mình sẽ thấy nàng run rẩy và rung mình, và, biết đâu, gọi đến một ông linh mục già đặng làm lễ trừ tà cho chiếc bàn, và trục vong hồn đang ngụ trong đó ra.

“Để em nói anh nghe ta nên làm gì,” nàng chợt nói, và với không ít hào hứng.

“Là gì thế, vợ?” tôi nói, đầy hăm hở, trông đợi một đề xuất huyền bí nào đó; “là gì?”

“Ta sẽ xát chiếc bàn khắp cùng với với cái ‘thuốc gián’ nổi tiếng em từng nghe nói.”

“Lạy trời! Tức, em không cho đó là vong sao?”

“Vong á?”

Âm nhấn vang lên đầy khinh bỉ và không có chút gì là tin đó thực xứng với Democritus lắm thay.

“Nhưng còn tiếng tắc tắc – cái tiếng tắc tắc ấy?” tôi nói.

“Em sẽ quét sạch nó khỏi chiếc bàn.”

“Thôi, thôi, vợ à,” tôi nói, “giờ em lại đi quá xa về hướng ngược lại rồi đấy. Chẳn thuốc diệt gián hay quét tước gì trị được chiếc bàn đâu. Nó là một chiếc bàn lạ đời, vợ à; chuyện đó chẳng có gì phải kinh ngạc cả.”

“Sao đi nữa, em vẫn phải chà nó,” nàng đáp, “chà kỹ nữa là;” và ới gọi Biddy, bảo cô mang sáp và bàn chải, đến chà cho chiếc bàn thật mạnh tay. Đoạn chuyện ấy xong xuôi, khăn lại được trải, và chúng tôi ngồi xuống dùng bữa sáng; nhưng hai cô con gái tôi chẳng xuống. Julia và Anna bỏ bữa sáng hôm ấy.

Khi dọn chiếc khăn đi, theo một lối gấp rút, vợ tôi bắt tay vào việc với một loại xi măng tối màu, trám kín cái lỗ nhỏ trên mặt bàn.

Hai cô con gái tôi trông nhợt nhạt, tôi quyết định đưa chúng đi dạo sáng hôm đó, và giữa cuộc dạo, chúng tôi có đoạn nói chuyện như sau:

“Linh cảm xấu nhất của con về chiếc bàn đã thành sự thật rồi, papa,” Julia nói; “không phải khi không mà cái chân toạc móng báo hiệu cho con khi chạm vào vai.”

“Vớ vẩn,” tôi nói. “Ta đến tiệm Bà Brown thôi, rồi dùng kem ở đó.”

Tinh thần Democritus lúc bấy giờ mới trở mạnh trong tôi. Bằng một sự trùng hợp lạ kỳ, nó được củng cố với uy lực của ánh dương.

“Nhưng chẳng phải thật huyền nhiệm sao,” Anna nói, “việc có con bọ chui ra từ chiếc bàn?”

“Không hề, con gái à. Bọ chui ra từ gỗ là một việc hết sức bình thường. Chính con cũng từng thấy chúng chui ra khỏi củi trong lò lửa rồi còn gì.”

“À, nhưng đó là gỗ vừa mang từ rừng về. Còn cái bàn này ít gì cũng đã trăm năm rồi.”

“Thì sao nào?” tôi nói, vui tươi. “Chẳng phải cóc sống từng được phát hiện trong lòng đá chết, tự buổi sáng thế sao?”

“Sao cũng được, papa à, con vẫn thấy đó là vong,” Julia nói. “Ba ơi, ba yêu ơi, làm ơn mang cái bàn vong ám đó ra khỏi nhà đi.”

“Vớ vẩn,” tôi nói.

Lại một sự trùng hợp kỳ lạ nữa, rằng bọn trẻ càng thấy sợ, tôi chỉ càng thêm gan dạ.

Tối đến.

“Tiếng tắc tắc ấy,” vợ tôi nói; “anh nghĩ liệu có con bọ nào sẽ xuất hiện nữa từ cái tiếng tắc tắc tiếp diễn này không?”

Lạ thay, khi ý đó chẳng nảy đến tôi bao giờ. Tôi chưa từng nghĩ đến việc có đôi bọ cùng sinh. Nhưng giờ thì, ai mà biết được; nhỡ đâu sinh ba.

Tôi quyết tiên liệu trước vài thứ, và, nếu có một con bọ thứ hai, chắc chắn phải bắt cho bằng được. Suốt buổi tối, tiếng tắc tắc ấy lại vang lên. Độ mười giờ tôi úp cái cốc lên đúng nơi mà tôi đánh giá thấy qua tai mình. Rồi cả nhà đi ngủ, khóa cửa phòng khách tuyết tùng, tôi cho chìa khóa vào túi mình.

Đến sáng hôm sau, chẳng có gì khác lạ, nhưng tiếng tắc tắc vẫn còn kêu. Cơn hoảng loạn của hai cô con gái lại nổi lên. Chúng muốn gọi hàng xóm đến giúp. Nhưng trước việc ấy, vợ tôi phản đối kịch liệt. Nhà chúng tôi dễ hay lại thành trò cho trấn này cười mất. Thế là phải xuôi lòng với chuyện bịt kín mọi thứ. Biddy nhận lấy những dặn dò nghiêm ngặt; và, để cho chắc, cấm cô ta đi xưng tội vào tuần đó, nhỡ cô ta lại xưng cho ông linh mục.

Tôi ở nhà suốt cả ngày hôm đó; mỗi một hai tiếng lại cúi mình xuống chiếc bàn, giương cả mắt lẫn tai. Lối chiều, tôi thấy tiếng tắc tắc dường đang rõ hơn, và dường chỉ cách tai một lớp gỗ mỗi lúc một mỏng hơn. Tôi còn thấy, rằng có vẻ mình nhận ra một chút nhấp nhô, hoặc phồng lên từ trong mặt gỗ, ở nơi tôi úp cái cốc xuống. Để kết thúc hồi chờ đợi này, vợ tôi đề xuất lấy dao và rạch luôn lớp gỗ ra xem; nhưng tôi có một kế hoạch ít nôn nóng hơn; đó là, nàng và tôi sẽ thức suốt đêm đó cùng chiếc bàn, bởi lẽ, từ các dấu hiệu hiện tại, con bọ hẳn sẽ xuất hiện trước lúc rạng sáng. Phần tôi, tôi tò mò muốn chứng kiến phút đầu đời của con vật – ánh sáng đầu của con gà con khi nó mổ vỏ trứng chui ra.

Ý tưởng ấy không khiến vợ tôi phản đối. Nàng còn cả quyết rằng Julia lẫn Anna phải cùng tham gia để, bằng trực tiếp các giác quan, thấy rõ mọi chuyện mà dẹp tan ngộ nhận trong cái tâm trí toàn những điều dớ dẩn con nít của chúng. Vì việc các linh hồn kêu tắc tắc, hay các linh hồn nhập vào hình thức của bọ, đối với vợ tôi, là điều ngu nhất trong mọi thứ ngu của trí tưởng tượng. Phải, nàng không thể giải thích được hiện tượng này; nhưng nàng cầm trịch trong lòng rằng chuyện sẽ, hoặc rồi cũng sẽ, có cách giải thích, và cách ấy sẽ làm thỏa nàng đủ đầy. Vợ tôi chẳng biết đâu, nhưng nàng chính là một Democritus nữ. Phần mình, những cảm xúc hiện tại của tôi đang khá lộn xộn. Theo một lối lạ thường và không hề khó chịu, tôi nhẹ nhàng đung đưa giữa Democritus và Cotton Mather. Nhưng với vợ tôi và hai cô con gái, tôi cho tằng mình là một Democritus thuần – một người chế giễu tất thảy mọi loại vong với linh chung quanh bàn trà.

Cứ thế, chuẩn bị sẵn ngay tay một lượng nến cây và bánh quy, cả bốn chúng tôi thức cùng chiếc bàn, đồng thời ngồi quanh nó. Vợ và tôi trò chuyện khá sôi nổi trong một quãng. Nhưng hai cô bé chỉ im. Rồi vợ và tôi định chơi một ván whist, nhưng hai cô bé chẳng chịu tham gia. Thế là chúng tôi chơi whist với hai con bù nhìn theo đúng nghĩa đen; vợ tôi thắng ván bài và, oải người vì thắng, cất bộ bài đi.

Đã mười một giờ đêm. Vẫn chẳng có dấu hiệu gì của con bọ. Các ngọn nến đã dần cháy yếu. Đương khi vợ tôi toan cắt bấc chúng, đột nhiên một âm thanh dữ dội, rỗng, vang, ầm ập, thùm thụp nổi lên.

Julia và Anna bật dậy.

“Yên bình cả!” một giọng nói cất lên từ ngoài phố. Đó là người gác đêm, đầu tiên ông nện dùi cui xuống vỉa hè, rồi hô lời thông báo êm bụng kia.

“Yên bình cả! Mấy con nghe thấy chưa?” tôi nói, bộ vui vẻ.

Ngỡ ngàng thay, tôi thấy mình gan dạ như Bruce khi ở cạnh ba người nữ, và hai người trong số đó thì hồn phách gần như đã xiêu đã lạc.

Tôi đứng dậy lấy tẩu, và rít một hơi đầy vẻ triết gia.

Democritus muôn năm, tôi thầm nghĩ.

Giữa hồi tịch mịch, tôi đang ngồi hút thuốc, thì kìa! – bụp! bụp! bụp! – ngay dưới gầm bàn, một loạt tiếng nổ cất lên.

Lần này cả bốn người tôi đồng loạt ngồi dậy, và chiếc tẩu của tôi gãy làm đôi.

“Lạy trời! cái gì thế?”

“Vong! vong!” Julia hét lên.

“Ôi, ôi, ôi!” Anna gào theo.

“Bị dở à!” vợ tôi nói, “là mấy chai cider mới, cất dưới hầm, nổ đấy. Tôi bảo Biddy phải thắt dây giữ nút chia hôm nay rồi mà nhỉ.”

Ở đây tôi sẽ chép lại bản ghi chú đã viết trong đêm đó.

“Một giờ sáng. Không thấy dấu hiệu gì của con bọ. Tiếng tắc tắc vẫn còn. Vợ bắt đầu buồn ngủ.

“Hai giờ sáng. Không thấy dấu hiệu gì của con bọ.  Tiếng tắc tắc khi có khi không. Vợ ngủ say.

“Ba giờ sáng. Không thấy dấu hiệu gì của con bọ. Tiếng tắc tắc kêu khá đều. Julia và Anna bắt đầu buồn ngủ.

“Bốn giờ sáng. Không thấy dấu hiệu gì của con bọ. Tiếng tắc tắc kêu đều, nhưng không mạnh. Vợ, Julia cùng Anna, mỗi người đều ngủ gục trên ghế của mình.

“Năm giờ sáng. Không thấy dấu hiệu gì của con bọ. Tiếng tắc tắc yếu đi. Mình bắt đầu buồn ngủ. Ba người kia vẫn đang ngủ say.”

Đó là những dòng ghi chép.

- Cốc! cốc! cốc!

Một loạt tiếng gõ kinh hoàng, báo gở vang lên ở cửa.

Bừng mình khỏi giấc mơ, chúng tôi bật dậy.

Cốc! cốc! cốc

Julia và Anna ré lên.

Tôi co rúm trong góc.

“Đồ ngốc!” vợ tôi kêu lên, “đó là ông thợ bánh mang bánh mì đến.”

Sáu giờ sáng.

Nàng đến mở then cửa chớp, nhưng trước khi kịp làm thế, Julia đã hét lên. Kìa, nửa trong nửa ngoài vết nứt, một con bọ đang quằn quại chui ra, ánh lên trong ánh tờ mờ của căn phòng, như một viên opal lửa.

Giả con bọ này mang một thanh kiến tí hon bên mình – một thanh Damascus – và một chiếc vòng quanh cổ – một chiếc vòng kim cương – cùng một khẩu súng tí hon nơi chân – súng đồng – ngậm một tờ thủ bản trên miệng – tờ thủ bản Chaldee – thì Julia và Anna cũng chẳng thể kinh ngạc nhiều hơn.

Quả thực, đó là một con bọ tuyệt đẹp – một con bọ của thợ kim hoàn Do Thái – một con bọ tựa một ánh lóe của ánh huy hoàng tà tây.

Julia và Anna chưa bao giờ mơ tưởng đến một con bọ nào như thế. Với chúng, “bọ” là một từ đồng nghĩa với kinh tởm. Nhưng đây là một con thuộc dòng dõi sê-ra-phim; hay đúng hơn, tất cả những dây bầu rễ bí nó có với loài bọ nằm độc ở mỗi chữ B, bởi nó đẹp như một con bướm.

Julia và Anna cứ ngắm rồi lại nhìn. Chúng chẳng còn sợ sệt nữa. Chúng vui.

“Nhưng làm thế nào mà tạo vật lạ kỳ, xinh đẹp này chui vào chiếc bàn được?” Julia cất tiếng hỏi.

“Vong có thể chui vào bất cứ đâu,” Anna đáp.

“Xừ!” vợ tôi kêu lên.

“Còn nghe thấy tiếng tắc tắc đó không?” tôi hỏi.

Mọi người cùng áp tai, nhưng chẳng nghe thấy gì.

“Đã thế, thì, vợ cùng các con này, giờ mọi chuyện đã êm xuôi, buổi sáng trọng đại này ta hãy đi và tìm hiểu cho ra lẽ.”

“Ôi, papa ơi, hãy,” Julia kêu lên, “hãy đến thỉnh ý Madame Pazzi, bà đồng ấy đi.”

“Tốt hơn là đi thỉnh ý Giáo sư Johnson, nhà tự nhiên học,” vợ tôi nói.

“Hoan hô, Bà Democritus!” tôi cất tiếng. “Giáo sư Johnson là người ta cần.”

May mắn thay, tôi đến lúc vị giáo sư đang ở nhà. Sau khi kể sơ lược sự việc, ông biểu hiện một niềm hứng thú điềm tĩnh, chín chắn, rồi nghiêm túc theo tôi về nhà mình. Chiếc bàn được mang ra, hai vết mở được chỉ cho thấy, con bọ được trưng ra, và toàn bộ chi tiết của sự vụ được thuật lại; vợ tôi cùng hai con gái đều có mặt.

“Vậy giờ, thưa Giáo sư,” tôi hỏi, “ngài thấy sao về việc này?”

Đeo cặp kính lên, vị giáo sư uyên bác nhìn đăm đăm chiếc bàn, rồi nhẹ nhàng dùng con dao nhỏ cạo lỗ thủng, nhưng chẳng nói gì.

“Đây có phải một chuyện hiếm gặp không ạ?” Anna thấp thỏm hỏi.

“Rất hiếm, thưa Cô.”

Julia và Anna liền trao nhau ánh mắt đầy ẩn ý trước câu trả lời ấy.

“Nhưng đây chẳng phải là một điều kỳ diệu, vô cùng kỳ diệu sao?” Julia hỏi tiếp

“Rất kỳ diệu, thưa Cô.”

Hai cô con gái của tôi lại trao thêm một ánh càng nhiều ẩn ý hơn, và Julia, lấy can đảm, hỏi tiếp.

“Và phải chăng ngài vừa thừa nhận, rằng, đây là tác phẩm của-của-của m-?”

“Vong ư? Không,” ông cộc lốc đáp lời.

“Các con ạ,” tôi nói, dịu dàng, “các con nên nhớ rằng đây chẳng phải Madame Pazzi, bà đồng, để mà con hỏi câu đó đâu, mà đây là nhà tự nhiên học ưu tú, Giáo sư Johnson. Và giờ thì, thưa Giáo sư,” tôi chêm thêm, “mong ngài vui lòng giải thích. Khai sáng cho sự vô tri của chúng tôi.”

Không cần phải lặp lại toàn bộ lời của vị học giả - vì, thực vậy, dù rõ ràng, ông có phần hơi dài dòng – nên hãy để tôi tóm tắt lại gọn gàng lời giảng giải của ông như sau.

Chuyện này không hoàn toàn vô tiền khoáng hậu. Gỗ làm bàn là gỗ-cây-táo, một loại cây được nhiều loài côn trùng ưa thích. Bọn bọ đã nở ra từ những quả trứng được đẻ bên trong lớp vỏ khi cây còn nằm trong vườn. Qua việc kiểm tra kỹ vị trí của cái lỗ nơi con bọ cuối chui ra, so với các lớp vỏ cây của mặt bàn, rồi tính đến khoảng cách một inch rưỡi theo dọc thớ gỗ mà con bọ đã gặm để chui ra, và sau đó tính toán tổng số lớp vỏ của mặt bàn, cộng với một giả định hợp lý về số lớp đã bị xẻ bỏ, thì có thể suy ra quả trứng kia đã được đẻ vào cây đâu đó khoảng chín mươi năm, trước khi cây bị đón. Còn từ lúc đốn xuống đến nay, đã bao lâu? Chiếc bàn thực rất cổ. Cứ cho rằng chiếc bàn đã tám mươi năm tuổi, vậy con bọ đã nằm trong trứng được khoảng một trăm năm mươi năm. Đó, ít nhiều gì, là tính toán của Giáo sư Johnson.

“Giờ thì, Julia,” tôi nói, “sau phần trình bày khoa học về chuyện này (dù, thú thật, là ba cũng không hiểu hết) thì vong linh của con đâu rồi? Tự thân chuyện này đã rất kỳ diệu rồi, nhưng vong linh của con đâu?”

“Thật, đâu rồi ấy nhỉ?” vợ tôi chêm vào.

“Chà, giờ chẳng lẽ cô nàng thực sự đem hiện tượng thuần tự nhiên này mà liên đới tới một giả thuyết thuộc linh thô sơ nào đó hay sao?” vị giáo sư uyên bác nhận xét, với một chút khinh khỉnh.

“Sao cũng được,” Julia nói, giơ lên, trong chiếc ly đậy kín, viên opal sống huy hoàng, rực rỡ, long lanh, “mọi người nói sao cũng được, vì giả tạo vật xinh đẹp này chẳng phải là một vong linh, thì ít gì nó cũng đã dạy cho ta một bài học về linh hồn. Bởi nếu, sau một trăm năm mươi năm bị chôn, chỉ một con côn trùng tầm thường thôi mà cuối cùng lại bước ra ánh sáng, rồi lại tự mình tỏa ánh chói lòa, chẳng lẽ không có một sự phục sinh nào vinh quang cho linh hồn con người hay sao? Linh hồn! linh hồn!” cô bé thốt lên, sung sướng[10], “giờ con tin vào chúng với niềm vui, trong khi trước kia con toàn nghĩ đến với nỗi hãi hùng.”

Con côn trùng huyền bí kia không sống lâu để hưởng cuộc đời chói sáng của nó; nó chết vào ngày hôm sau. Nhưng hai cô con gái vẫn cất giữ nó. Ướp trong một hộp lưu hương bằng bạc, được đặt trên chiếc bàn gỗ-cây-táo nhỏ ở một góc trụ trong phòng khách tuyết tùng.

Và nếu có quý bà nào nghi ngờ câu chuyện này, các con tôi sẽ rất vui lòng cho bà ấy xem cả con bọ lẫn chiếc bàn, và chỉ ra, trên mặt bàn đã sửa, hai giọt sáp đánh dấu chính xác nơi hai cái lỗ hai con bọ từng đục ra, giống cách người ta đánh dấu nơi đạn đại bác từng bắn vào nhà thờ Brattle Street[11].

Gia Hải dịch


[1] Friar Bacon (hay Roger Bacon, 1219? – 1292), một tu sĩ và là một học giả người Anh, nổi tiếng vì những nghiên cứu trong các lĩnh vực khoa học tự nhiên, triết học và thần học. Trong văn hóa dân gian hậu trung đại, ông thường được huyền thoại hóa như một nhà giả kim và pháp sư, và được cho là đã thực hành necromancy, những truyền thuyết này, phóng đại từ sự am tường của ông về khoa học tự nhiên và các công nghệ khó hiểu với lớp bình dân thời đó.

[2] Chuyện Gia-cốp nằm mộng thấy mình nằm ngủ tại chỗ có chiếc thang bắt đến cửa trời ở Sáng-thế Ký 28:10 – 19.

[3] Ở đây có ý chỉ đến Rapture, hay còn gọi là “sự cất lên”, một niềm tin phổ biến trong nhiều nhánh Tin Lành hiện đại, đặc biệt là trong trào lưu tiền-thiên niên kỷ (premillennialism), cho rằng các tín hữu trung tín sẽ được Chúa cho cất lên trời, cả người sống lẫn những người chết đã chôn, để tránh khỏi những khổ nạn sẽ giáng xuống đất vào ngày Phán xét.

[4] Tên đầy đủ: Magnalia Christi Americana (tạm dịch: “Những công việc vĩ đại của Đấng Ki-tô tại châu Mỹ”) là tác phẩm đồ sộ của Cotton Mather, một mục sư Thanh giáo người Mỹ, được xuất bản lần dầu năm 1702. Cuốn sách gồm bảy phần, ghi chép lịch sử tôn giáo và xã hội của các thuộc địa New England, từ các cuộc di cư ban đầu đến các tiểu sử của mục sư, trường học, đặc biệt là các phiên tòa phù thủy Salem và các hiện tượng thuộc linh thời đó.

[5] Whist là một trò chơi bài Tây phổ biến ở châu Âu từ thế kỷ 18 đến đầu thế kỷ 20. Sau này whist có cải biên và biến thành lối mà nay ta hay gọi là bridge.

[6] Tức chỉ đến Kate Fox và Maggie Fox, hai chị em người Mỹ sống vào giữa thế kỷ 19, được biết đến như hai nhân vật khởi sinh phong trào Thông linh (Spiritualism) tại Mỹ. Năm 1848, tại làng Hydesville, bang New York, họ tuyên bố đã giao tiếp được với linh hồn người chết thông qua những tiếng gõ (rappings) phát ra từ bàn hoặc tường - một hiện tượng sau này trở thành dấu ấn đặc trưng của các buổi gọi hồn (séance).

[7] Ann Radcliffe (1764–1823), một nữ tiểu thuyết gia người Anh, nổi bật trong thể loại tiểu thuyết kinh dị Gô-tích vào cuối thế kỷ 18.

[8] “Biddy” là cách gọi tắt phổ biến của tên Bridget, một tên thông dụng trong cộng đồng người Ireland. Vào thế kỷ 19, đặc biệt tại Anh và Mỹ, “Biddy” thường được dùng để chỉ các phụ nữ nhập cư gốc Ireland làm nghề giúp việc, hầu gái hoặc đầu bếp trong các gia đình trung lưu. Cách gọi này phản ánh một phần định kiến xã hội đối với người lao động nhập cư Ireland thời kỳ hậu nạn đói lớn (1845–1852) tại nước này.

[9] Democritus (460? – 370 TCN), triết gia Hy Lạp cổ đại, nổi tiếng với thuyết nguyên tử. Ông sinh ra tại Abdera, một thành bang ở Thrace. Theo truyền thuyết, Democritus năng lui tới và những khu mộ để suy tưởng và nghiên cứu, bởi cho rằng nơi chốn của sự chết là môi trường thích hợp nhất cho việc chiêm nghiệm. Pierre Bayle kể rằng, có lần Democritus nhốt mình trong một ngôi mộ nằm ngoài thành, nơi ông dành trọn ngày đêm để nghiên cứu và viết. Một số đứa trẻ toan dọa ông; chúng hóa trang như xác chết, đeo những chiếc mặt nạ ghê rợn nhất mà chúng có thể kiếm được, rồi nhảy nhót, múa may xung quanh ông. Ông chẳng buồn nhìn đến, chỉ vừa viết vừa nói: “Leave off playing the Fools.” Lời người kể chuyện là một trong nhiều dị bản của giai thoại này.

[10] Nguyên văn: rapture. Từ này đã được chú thích rằng mang nghĩa “sự cất lên.” Ở đây tác giả chơi chữ, vừa chỉ đến việc Julia vui sướng, còn để chỉ đến sự đốn ngộ, hay “sự cất lên” trong tinh thần của cô bé.

[11] Nhà thờ Brattle Street ở Boston, Massachusetts, từng tồn tại từ năm 1698 đến 1876. Trong thời kỳ Cách mạng Mỹ, nhà thờ này đã bị quân đội Anh chiếm đóng và sử dụng làm doanh trại. Trong quá trình đó, một số khu vực của nhà thờ đã bị hư hại, bao gồm cả việc xuất hiện các vết đạn bắn. Hiện nay nhà thờ này đã không còn.

 

Melville

Mardi (1849)
Jacket trắng (1850)
Người 'Gee (1853)
Người kéo vĩ cầm (1854)
Jimmy Rose (1855)
Ngắn (1855-1856)
Cúc-cà-cúc-cu (1856)
Tôi và ống khói của tôi (1856)
Chiếc bàn gỗ-cây-táo (1856)

 

Tổ quốc của những tù binh
Melville và James
Nỗi ngứa ngáy những điều xa xôi

 

 

 

favorites
Thêm vào giỏ hàng thành công