Le Spleen de Paris
180 trang
13,5 x 20 cm
Sold out
Le Spleen de Paris (Paris Spleen/Petits Poèmes en prose) tập hợp năm mươi bài thơ văn xuôi (prose poem) của Baudelaire, năm mươi "ngụ ngôn về cuộc sống hiện đại" đưa ta vào những chuyến tham quan do một flâneur, kẻ lang thang ẩn danh, dẫn dắt. Ngày và đêm, trong những quán cà phê lấp lánh và những con phố nhỏ bẩn thỉu, Baudelaire trầm ngâm về cái kỳ quái trong cái tầm thường, cái cao cả trong cái trần tục. Kẻ ngoại cuộc giàu xúc cảm ấy dâng một cái nhìn độc đáo về Paris những năm 1850, một Paris đầy mâu thuẫn, đáng kinh ngạc và khó lường như chính người hướng dẫn của chúng ta.
Có thể (và rất nên) đọc Spleen cùng một ghi chép khác của Baudelaire, Họa sĩ của cuộc sống hiện đại. Thực tế, đó là một cặp, với hai phong cách không thể đối lập hơn, nhưng chính vì thế mà là một cặp.
Baudelaire, người gom các mảnh và mẩu, cũng là một bậc thầy trong bộ môn giải phẫu học nỗi sầu muộn - cơn mơ mẩn bất tận về ailleurs - chốn của "bất cứ đâu ngoài đây." Có thể bắt đầu bộ môn ấy ở đây. Đi kèm với nó là một món quà: một booklet của sầu muộn kết tinh, những mảnh lấp lánh của một nhà thơ Đức (nhưng lại viết bằng tiếng Pháp). Đó là một con phượng hoàng đích thực, với vô số lần phục sinh từ tro tàn.
[image: pending]
Một mảnh từ đó bắn ra
I
Chỉ cần trên ban công
hay trong khung cửa sổ
một phụ nữ ngần ngừ…, là
đã đủ trở thành
người mà ta đánh mất
ngay lúc thấy hiện ra.
Và khi tay nàng chỉ
đưa lên trên mái đầu
kết tóc mềm thành lọ, thì
còn đáng nữa đâu
mất mát, rồi bất hạnh
một ánh chớp rực sâu
Một vài mảnh khác
X
Vào lúc một giờ sáng
Rốt cuộc! một mình! Chỉ còn nghe tiếng bánh lăn vài xe ngựa thuê bị muộn màng và bị hối thúc. Được vài tiếng nữa, chúng ta sẽ được sở hữu sự im lặng, nếu không phải là ngơi nghỉ. Rốt cuộc! ách bạo chúa của khuôn mặt con người đã biến đi, và tôi sẽ chỉ còn chỉ phải chịu đau đớn bởi chính tôi.
Rốt cuộc! vậy là tôi đã được phép thoải người vào một cuộc tắm bóng tối! Trước hết, khóa cửa hai vòng cho chặt đã. Cứ như thể vòng xoay chìa khóa ấy sẽ làm tăng thêm cho tôi niềm cô độc và củng cố các chiến lũy giờ đây ngăn cách tôi với thế giới.
Cuộc sống khiếp hãi! Thành phố khiếp hãi! Ta hãy tóm tắt lại ngày: đã gặp nhiều văn nhân, trong đó một người hỏi tôi có thể nào đi đến nước Nga bằng đường bộ hay không (chắc hẳn anh ta nghĩ nước Nga là một hòn đảo); đã cãi nhau tơi bời với một giám đốc tạp chí, người đáp lại mọi lời phản đối như sau: “- Ở đây chỉ toàn là người trung thực”, điều này hàm ý tất cả những tờ báo khác đều do bọn khốn viết; đã chào chừng hai chục người, trong số đó mười lăm tôi không quen; đã phân phát những cú bắt tay ở cùng mức, và làm việc ấy mà không đề phòng từ trước, là mua găng tay; đã, nhằm giết thời gian, trong khi trời đổ mưa lớn, lên nhà một cô thợ nhảy, cô nhờ tôi vẽ cho cô một bộ trang phục Vénustre; đã tán tỉnh một giám đốc nhà hát, khi tiễn tôi về ông nói: “- Có lẽ sẽ rất tốt nếu ông nói chuyện với Z…; đó là người ngu nhất, xuẩn nhất và nổi tiếng nhất trong số tất tật tác giả của tôi, có lẽ với ông ấy ông sẽ đi đến được điều gì đó. Gặp ông ấy đi, và rồi chúng ta sẽ gặp”, đã tự tán dương (tại sao?) về nhiều hành động xấu xa mà tôi chưa từng bao giờ làm, và đã hèn nhát chối vài việc xấu khác mà tôi đã thực hiện với niềm vui, tội thùng rỗng kêu to, lỗi tôn trọng con người; đã từ chối một người bạn một việc rất dễ, và đồng ý viết lời tiến cử cho một thằng rồ chính hiệu; chậc! đã hết chưa?
Phẫn với tất cả và phẫn với tôi, tôi những muốn cứu chuộc mình và hửng lên một chút trong im lặng và niềm cô độc của đêm. Tâm hồn của những ai tôi từng yêu, tâm hồn của những ai tôi từng ngợi ca, hãy tiếp sức cho tôi, nâng đỡ tôi, đẩy xa khỏi tôi lời dối trá và những mây khói băng hoại của thế giới, và Người, thưa Đức Chúa! hãy trao tôi ân huệ tạo ra được vài câu thơ hay, chúng sẽ chứng tỏ cho bản thân tôi rằng tôi không phải kẻ hèn kém nhất trong con người, rằng tôi không thấp hạ hơn những kẻ mà tôi khinh bỉ!
XII
Đám đông
Chẳng phải bất kỳ ai cũng được tắm trong sự đông: hưởng thụ đám đông là một nghệ thuật; và chỉ người đó mới có thể, thây kệ cái loài người, ngất ngưởng thưởng chất sống, kẻ ấy được một bà tiên truyền cho, khi còn nằm trong nôi, sở thích đóng giả và đeo mặt nạ, nỗi căm ghét nhà và ham mê đi xa.
Nhiều, cô đơn: hai vế bằng nhau và hoán đổi được cho nhau đối với nhà thơ tích cực và dồi dào. Kẻ nào không biết phủ đầy cư dân vào nỗi cô độc của hắn, thì cũng sẽ không biết một mình giữa đám đông nhộn nhàng.
Nhà thơ được hưởng ưu tiên không gì sánh nổi, tùy ý mình mà anh ta là chính anh ta hoặc người khác. Giống các linh hồn phiêu bạt tìm một cơ thể, anh ta bước vào, những khi muốn, bất kỳ nhân vật nào. Đối với riêng mình anh ta, mọi thứ đều trống; và nếu một số chỗ như thể đóng lại trước anh ta, thì đó là bởi trong mắt anh ta chúng không đáng được ghé thăm.
Người dạo chơi đơn độc và tư lự lấy được một sự say đặc biệt từ cuộc hội họp phổ quát ấy. Kẻ dễ dàng cưới lấy đám đông biết tới những hân hưởng bừng sốt, thứ sẽ vĩnh viễn vuột mất khỏi tay kẻ ích kỷ, đóng kín như một cái hòm, và kẻ lười, bị nhốt lại như một động vật nhuyễn thể. Anh ta chọn lấy tất tật mọi thứ nghề làm nghề riêng, rồi thì mọi niềm vui và nỗi khốn cùng mà hoàn cảnh bày ra.
Thứ mà con người gọi là tình yêu thì nhỏ mọn, hẹp hòi và yếu làm sao, nếu so với trận truy hoan không thể nói ra lời kia, với cuộc làm điếm thánh thiện của tâm hồn dâng đi toàn bộ, thơ và thương, cho cái bất ngờ hiện ra, cho cái không biết đi ngang.
Rất tốt nếu đôi khi dạy cho đám người hạnh phúc trên đời này, dẫu chỉ nhằm làm nhục trong phút giây niềm kiêu hãnh ngu độn của chúng, rằng có những hạnh phúc cao hơn hạnh phúc của chúng, rộng lớn hơn và tinh ròng hơn. Những ai đi lập ra các thuộc địa, các mục sư trong dân chúng, những giáo sĩ thừa sai ở chốn lưu đày nơi tận cùng thế giới, chắc hẳn biết điều gì đó về những cơn say bí hiểm ấy; và, ở trong cái gia đình rộng lớn mà thiên tài của họ tự lập ra, chắc đôi khi họ cười những kẻ thương cho họ vì số mệnh quá mức sóng gió, vì cuộc đời quá mức trong ngần của họ.
bắt chước hoa hồng