Joseph Conrad: Tựa
Trước hết, để điểm lại những gì đã và đang trong địa hạt Conrad trong năm tháng (quyển đầu tiên được gửi cho độc giả thuộc 11 quyển kỳ thu, ngày 11/11/2024):
Tên mọi của tàu Narcissus (1897)
Lord Jim (1900)
Cùng sào (1902)
Bão lớn (1902)
Gaspar Ruiz (1906)
Tôn ông Roman (1911)
Giữa đất và nước (1912)
May (1913)
Chủ đồn điền ở Malata (1914)
Chuyện kể (1917)
Cũng giống như với project Henry James (vẫn đang tiếp tục), khi đã có một độ dày nhất định thì mới bắt đầu có thể nhìn thấy một số điều, chẳng hạn các thời điểm cốt yếu. Với Conrad, một chuyển hóa quan trọng để thành được là Tên mọi của tàu Narcissus (1897). Ngay sau đó là Lord Jim - cuốn tiểu thuyết quái đản tràn ra mọi phía, không thể hiểu và gần như không còn được đọc: sự chóng mặt và chịu đựng đến cùng. Chỉ sau đó mới có hai mươi năm tuyệt đẹp với đoạn cuối của Chuyện kể, rất ngắn nhưng tuyệt đối mystical: một điêu khắc thuần.
Narcissus là thời điểm Conrad làm một việc impossible: tạo ra âm nhạc bằng văn chương, thông qua cái chết.
Cũng như nhiều tiểu thuyết khác, ban đầu nó được đăng phơi ơ tông, và khi xuất bản thành sách một năm sau, Conrad đã viết một lời tựa cho nó: lời tựa có thể coi là manifesto không chỉ cho mình mà cho cả một hiện tượng sẽ được gọi là ấn tượng luận văn chương.
Chính ở đây có thể đẩy thêm tương quan James - Conrad. Khi chọn truyện để đưa vào ấn bản New York, James sửa lại từng truyện, đôi khi rất chi tiết và viết những lời tựa rất dài và gây nhiều bối rối. Cùng khối lượng notesbooks đồ sộ, chúng tạo ra một tầng nữa, một extension trong cái viết của James. James là một họa sĩ, vẽ trên toan, nhiều lớp, và một thời gian sau thấy không vừa ý thì sửa, còn Conrad là điêu khắc gia, dùng ciseau rất khó nhọc nhưng đã xong là xong. Người ta không đập một bức tượng ra làm lại. Khi viết Narcissus, chính Conrad cũng hiểu rằng đó là việc chỉ có thể thử một lần trong đời - một lần cho tất cả: "hoặc sống, hoặc chết vì nó."
Tựa
Tên mọi của tàu Narcissus
- Joseph Conrad
Một tác phẩm, dù khiêm nhường đến đâu, nếu khao khát đạt tới trạng thái của nghệ thuật, thì từng dòng đều phải mang sự chính đáng của mình. Còn bản thân nghệ thuật có thể được định nghĩa như một nỗ lực đơn nhất, toàn tâm, nhằm thực hiện công lý cao nhất đối với thế giới hữu hình bằng cách soi tỏ sự thật, vừa muôn mặt vừa duy nhất, ẩn dưới mọi phương diện của nó. Đó là một nỗ lực để tìm ra, trong hình dáng, trong sắc màu, trong ánh sáng, trong bóng tối, trong mọi phương diện vật chất và mọi thực tại đời sống - đâu là cái cốt yếu, cái lâu dài và bản thể - phẩm chất duy nhất nơi mỗi sự vật có thể soi sáng và thuyết phục ta—chính là sự thật trong tồn tại của chúng. Nghệ sĩ, như nhà tư tưởng hay nhà khoa học, là kẻ đi tìm sự thật và cất lên tiếng gọi của mình. Bị mê hoặc bởi bộ mặt của thế giới, nhà tư tưởng dấn mình vào ý, nhà khoa học dấn thân vào sự vị, từ đó, họ trở lại và cất lời kêu gọi đến những phẩm chất trong ta vốn giúp ta ứng phó với cuộc phiêu lưu sống nhiều hung hiểm. Họ cất giọng với thẩm quyền và trọng lượng, nói với lương tri, với trí tuệ, với khát vọng yên ổn hoặc cả khát vọng bất an của ta, không hiếm khi với định kiến của ta, đôi khi với nỗi sợ, và thường xuyên là với lòng vị kỷ của ta, nhưng luôn luôn với lòng cả tin của ta. Và lời họ được lắng nghe với sự kính trọng, vì điều họ bận tâm là những điều trọng yếu: là sự bồi dưỡng tinh thần và sự chăm sóc đúng mực cho thân thể, là việc đạt được hoài bão, là sự hoàn thiện phương tiện và sự vinh danh những mục tiêu thiêng liêng của chúng ta.
Nghệ sĩ thì khác.
Đối diện cùng một cảnh tượng bí ẩn ấy, người nghệ sĩ đi xuống vào trong chính mình, và tại miền cô độc của căng thẳng và xung đột ấy, nếu xứng đáng và may mắn, hắn sẽ tìm được những điều kiện cho lời kêu của mình. Lời kêu gọi của hắn hướng đến những khả năng ít hiển lộ hơn trong ta: phần bản chất của con người mà, vì điều kiện sinh tồn luôn mang tính chiến đấu, buộc phải bị che giấu dưới những phẩm chất rắn rỏi và kháng cự hơn - giống như thân thể dễ tổn thương giấu bên trong lớp giáp sắt. Lời kêu gọi ấy không lớn tiếng mà sâu thẳm, không rõ ràng nhưng lay động - và cũng dễ bị lãng quên hơn. Nhưng hiệu lực của nó thì tồn tại mãi. Sự khôn ngoan thay đổi theo từng thế hệ sẽ vứt bỏ các ý, chất vấn các sự vị, phá hủy các lý thuyết. Nhưng nghệ sĩ hướng đến phần con người nơi ta vốn không phụ thuộc vào trí khôn, đến cái gì trong ta là ân sủng chứ không phải thứ ta đạt được - và chính vì vậy mà lâu dài hơn. Hắn cất tiếng với khả năng cảm nhận niềm vui và sự kỳ diệu trong ta, với cảm tri về những bí ẩn bao quanh sự sống, với lòng trắc ẩn, với cái đẹp, với nỗi đau, với cảm tri tiềm tàng về tình bằng hữu với muôn loài và với xác tín tinh tế nhưng không thể lay chuyển về tình liên đới nối kết những cô đơn vô số của con người, tình liên đới trong giấc mơ, trong vui sướng, trong buồn đau, trong khát vọng, trong ảo ảnh, trong hy vọng, trong sợ hãi - thứ buộc con người với nhau và buộc chặt toàn nhân loại - buộc người chết với kẻ sống và kẻ đang sống với kẻ còn chưa ra đời.
Chỉ một chuỗi suy tưởng như vậy - hay đúng hơn là cảm tri như vậy mới phần nào có thể lý giải cho nỗ lực trong câu chuyện sau đây: cố gắng khắc họa một khoảnh khắc xao động trong đời sống mờ mịt của vài cá nhân nhỏ bé giữa muôn vàn kẻ bị lãng quên - những con người hoang mang, đơn sơ và không có tiếng nói. Bởi nếu trong niềm tin được thú nhận bên trên có chút nào là sự thật, thì rõ ràng không có nơi nào - dù là chốn huy hoàng hay một góc tối tăm của địa cầu - mà lại không xứng đáng được dành cho dù chỉ một ánh nhìn thoáng qua của xót thương và kinh ngạc. Vậy thì, động cơ ấy có thể được xem là đã biện minh cho nội dung của tác phẩm; nhưng lời tựa này - vốn chỉ là một sự thú nhận về nỗ lực - không thể dừng lại tại đây, bởi sự thú ấy vẫn chưa trọn vẹn. Văn chương hư cấu - nếu thật sự mong vươn tới nghệ thuật - phải cất tiếng gọi đến tính khí. Và thực ra, nó phải là - như hội họa, như âm nhạc, như mọi nghệ thuật - một lời kêu gọi từ một tính khí đến vô vàn những tính khí khác, mà quyền năng tinh tế và không thể cưỡng ấy ban cho mọi biến cố thoáng qua ý nghĩa thật sự của chúng, và tạo nên bầu khí đạo đức, cảm xúc cho nơi chốn và thời gian. Một lời kêu gọi như vậy, để có hiệu quả, phải là một ấn tượng được truyền qua cảm quan; và thực ra, nó không thể được thực hiện theo cách nào khác, vì tính khí - dù là của cá nhân hay của tập thể - không chịu sự thuyết phục bằng lý trí. Do đó, mọi nghệ thuật, trước hết và trên hết, đều hướng đến cảm quan, và mục tiêu nghệ thuật khi thể hiện qua lời viết cũng phải cất lời bằng chính con đường cảm giác, nếu khát vọng cao nhất của nó là chạm được đến mạch ngầm bí mật của những rung động có thể hồi đáp. Nó phải nỗ lực không ngơi nghỉ để vươn tới tính tạo hình của điêu khắc, sắc màu của hội họa, và sự gợi cảm kỳ diệu của âm nhạc - nghệ thuật của mọi nghệ thuật. Và chỉ thông qua sự tận hiến trọn vẹn, không ngập ngừng cho sự hòa quyện hoàn hảo giữa hình thức và chất liệu; chỉ qua sự chăm chút không mỏi mệt, không nao núng cho dáng hình và âm hưởng của câu văn thì mới có thể tiệm cận được với tạo hình, với sắc màu, và khiến cho ánh sáng của sự gợi cảm ma thuật có thể thoáng lướt qua bề mặt tầm thường của ngôn từ, của những từ cũ kỹ, mòn mỏi, bị làm lem luốc qua bao thế kỷ bị dụng cẩu thả.
Nỗ lực chân thành nhằm hoàn tất công việc sáng tạo đó - đi xa nhất có thể trên con đường ấy bằng sức lực mình có, không chùn bước bởi do dự, mỏi mệt hay lời khiển trách - là lẽ biện minh duy nhất chính đáng cho người làm văn xuôi. Và nếu lương tâm anh ta trong sáng, thì câu trả lời của anh cho những ai, nhân danh một thứ khôn ngoan đầy đủ nhưng chỉ tìm kiếm lợi ích tức thời, đòi hỏi phải được giáo huấn, an ủi, giải trí; đòi hỏi phải được cải hóa ngay, được khích lệ, hù dọa, làm cho kinh ngạc hay say mê, phải là như sau: Công việc tôi đang cố gắng thực hiện là, bằng sức mạnh của chữ viết, khiến bạn lắng nghe, khiến bạn cảm nhận - trước hết và trên hết, là khiến bạn nhìn. Chỉ vậy - không gì hơn, nhưng cũng là tất cả. Nếu tôi thành công, bạn sẽ tìm thấy ở đó, theo mức xứng đáng của mình: khích lệ, an ủi, nỗi sợ, niềm mê hoặc - mọi điều bạn mong - và có lẽ cả tia sự thật mà bạn đã quên không đòi hỏi. Giật lấy, trong một khoảnh khắc can đảm, một lát cắt đời sống thoáng qua từ thời gian cuồn cuộn không thương xót - ấy mới chỉ là khởi đầu công việc. Công việc ấy, nếu được tiếp cận bằng sự dịu dàng và lòng tin, là nâng phần mảnh cứu vớt ấy lên trước mọi cặp mắt con người, không phán xét, không chọn lựa, không sợ hãi - dưới ánh sáng của một tâm trạng chân thành. Là để hé lộ nhịp rung của nó, màu của nó, hình của nó; và qua chuyển động, hình ấy, màu ấy làm hiện ra bản thể chân thực của nó, bộc lộ cái bí mật truyền cảm: sự căng thẳng và dục vọng nằm trong lõi của từng khoảnh khắc thuyết phục. Trong một nỗ lực nhất tâm như thế, nếu xứng đáng và may mắn, có lẽ người ta sẽ đạt đến một độ trong sáng của sự chân thành, đến mức viễn kiến được trình bày - dù tiếc nuối hay xót thương, dù kinh hoàng hay hân hoan - có thể đánh thức trong lòng người đọc cảm tri về một sự liên đới không thể khác: liên đới trong cội nguồn bí ẩn, trong lao động, trong niềm vui, trong hy vọng, trong số phận bất định, thứ buộc con người với nhau và buộc toàn nhân loại vào thế giới hữu hình. Hiển nhiên là kẻ nào - dù đúng hay sai - đã trung thành với những xác tín nói trên, thì không thể trung thành với bất cứ công thức tạm thời nào của nghề mình. Phần trường tồn trong chúng - sự thật mà mỗi công thức ấy chỉ che phủ một cách bất toàn - nên ở lại với hắn như báu vật quý giá nhất mà hắn có, trong khi tất cả: Chủ nghĩa Hiện thực, Lãng mạn, Tự nhiên, thậm chí cả thứ Chủ nghĩa tình cảm không chính thức (giống như cái nghèo, cực kỳ khó tống khứ), tất cả những vị thần ấy rồi cũng sẽ, sau một thời gian đồng hành ngắn ngủi, bỏ rơi hắn - có khi ngay ở ngưỡng cửa ngôi đền, để mặc hắn với những ngập ngừng của lương tâm và ý thức gào thét trước muôn vàn khó nhọc của công việc. Trong nỗi cô độc bất an ấy, tiếng kêu tối cao “nghệ thuật vị nghệ thuật” đánh mất âm vang kích thích vốn đến từ vẻ vô luân của nó. Nó nghe xa vắng. Nó không còn là tiếng kêu nữa, mà chỉ là một lời thì thầm - thường khó hiểu - nhưng đôi lúc vẫn mờ mờ khích lệ.
Đôi khi, chúng ta nằm duỗi chân thư thái dưới bóng râm một gốc cây ven đường, quan sát cử động của một người đang lao động nơi cánh đồng xa và, sau một lúc, bắt đầu uể oải tự hỏi anh ta đang làm gì vậy nhỉ. Ta theo dõi cử động thân người anh ta, cánh tay vung lên, thấy anh ta cúi xuống, đứng dậy, ngập ngừng, rồi lại bắt đầu. Biết được mục đích của những nỗ lực kia có thể làm tăng thêm đôi chút thi vị cho một giờ nhàn rỗi. Nếu ta biết rằng anh đang cố nhấc một hòn đá, đào một rãnh nước, hay nhổ bật một gốc cây, ta sẽ nhìn những cố gắng ấy với sự quan tâm thật hơn; ta dễ cảm thông với sự náo động mà hành động của anh mang đến giữa khung cảnh tĩnh lặng;và thậm chí, nếu đang trong một tâm trạng huynh đệ, ta còn có thể tự mình tha thứ cho sự thất bại của anh.Ta đã hiểu mục đích của anh ta, và rốt cuộc, người này đã cố gắng - có thể anh thiếu sức, mà cũng có thể anh thiếu hiểu biết.Ta tha thứ, bước tiếp con đường mình - và quên đi.
Với người lao động nghệ thuật cũng vậy. Nghệ thuật thì dài mà đời thì ngắn, và thành công thì xa tít. Và vì ngờ vực liệu mình có đủ sức đi hết con đường ấy hay không, chúng ta thường nói đôi chút về mục đích - mục đích của nghệ thuật - thứ, hệt như sự sống, vừa khơi hứng khởi vừa vô vàn khó khăn - bị sương mù che khuất; nó không nằm trong logic sáng rỡ của một kết luận đắc thắng; nó không phải là sự phơi bày của những bí mật không tâm hồn được gọi là Luật Tự nhiên. Nó không kém lớn lao, nhưng khó khăn hơn.
Làm ngừng lại, trong một khoảnh khắc một hơi thở, đôi tay đang bận rộn với công việc trần gian và khiến những con người đang mê mải dõi theo những mục tiêu xa xăm phải nhìn xung quanh - một viễn tượng hình và màu, ánh sáng và bóng tối; khiến họ dừng lại một nhịp, để nhìn, để thở dài, để mỉm cười - ấy chính là mục đích - mong manh và khó nhọc - chỉ dành cho rất ít người. Nhưng đôi khi, bởi những ai xứng đáng và may mắn, ngay cả nhiệm vụ ấy cũng được hoàn thành.Và khi điều đó thành hình - kìa! - toàn bộ sự thật của sự sống hiện ra ở đó: một khoảnh khắc hiện ra, một tiếng thở dài, một nụ cười - và rồi sự trở về với vĩnh hằng yên nghỉ.
Anh Hoa dịch
nhốt trong lồng
Edgar Allan Poe (1809–1849)
Melville (1819–1891)
Henry James (1843–1916)
Robert Louis Stevenson (1850–1894)
Joseph Conrad (1857–1924)
Ford Madox Ford (1873–1939)