30/03/2025
Tôi quay lại với dịch - tức là đọc - The Nigger of the 'Narcissus'. Vài tháng trước tôi đã gần xong chương 1 rồi bỏ bẵng, hôm nay tôi quay lại, viết lại toàn bộ, và (một lần nữa) cảm thấy việc dịch một tác giả văn chương đúng như tập đàn - hoặc bất cứ luyện tập đúng nghĩa nào. Ban đầu chỉ thấy đẹp vậy thôi, rồi đến nhận ra các ý - thứ ngôn ngữ chung kích thích trí năng, có lẽ là ngôn ngữ bản năng nhất của tôi, và cuối cùng là ngôn ngữ mà chỉ tác giả ấy có thể tạo ra - bao giờ cũng gây rất nhiều khó khăn cho tiếp cận ban đầu (hoặc ngược lại, tạo ra cảm giác dễ dàng nhưng lại là lừa mị). Những cảnh bão của Conrad chẳng hạn - cú lao như muốn vọt khỏi thế giới ấy, khoảng lặng vô tận ngay trước cú rơi ấy: cùng lúc đó là thật và là biểu tượng - cũng như "số phận", "sự thật", thậm chí "tình yêu" là biểu tượng. Tạo ra nó và sống nó - nhờ nó mà có sống: đó là sự trong suốt của ngôn ngữ, chẳng cần giải thích gì thêm.
Tôi nhận ra mình cứ bị hút vào đó - những enigma và miracle.
Trong một thế giới mà mọi khả thể của sống đã không còn, thì việc tạo ra hay đi tìm những gì sống đến thế có phải là lừa dối? Tôi nghĩ chỉ là lừa dối nếu tin rằng có thể ở đó mãi mãi, trong thời gian, nếu khăng khăng rằng có thể có một cuộc dịch thẳng từ đó vào thế giới này, một ảo tưởng làm cho nó "tốt đẹp hơn" chẳng hạn.
Đó là những hiện ra, từ đó văng ra (vì phải văng ra thôi, mỗi lần), tốt hơn hết là không mang theo gì ngoài một ghi nhận về chuyện đã xảy ra, một "once upon a time" mờ mờ nào đó. Một thế giới lý tưởng là khi đọc đúng là nghi lễ, và chỉ là nghi lễ, không gì khác, nhất là không dính đến "hiểu biết" (what's the point?)
Những luyện tập lặp đi lặp lại - ban đầu giống như đứng trước một bức tường hoa cương cao vút và trơn tuột, rồi không biết từ lúc nào bắt đầu hình thành một trí nhớ cơ bắp, một sự gò nắn ấn lên tinh thần nếu không thì sẽ là một thứ không hình dạng. Tinh thần ấy đã bị một ngôn ngữ ấn vào, không còn virgin.
Không phải văn bản nào tôi dịch cũng được thực hiện trong trạng thái này. Có những lúc phải cho xong - lượt thứ nhất, lượt thứ hai cho bớt choáng váng rồi mới định thần lần lại. Cả các tác giả cũng vậy thôi: có những text không thực sự biết là đang làm gì, nhưng cứ phải xong cái đã, rồi nhìn lại - nếu còn sống để mà nhìn.
Tôi thường ước rằng mỗi lần ngồi xuống (nằm thì đúng hơn) với một văn bản, tôi không bao giờ bị lệch khỏi tư thế đúng - tư thế của kẻ muốn bị ấn, bởi một ngôn ngữ transparent. Điều đó rất khó, càng lúc càng khó bởi, khi đến một mức kỹ năng, tôi có thể qua một văn bản tương đối trơn tru mà không hề chạm đến sự muốn ấy. Như thế là cheating. Tất nhiên có những lúc điều đó cũng cần, và tất nhiên có những lúc chính tác giả cũng cần cheating. Nếu muốn mọi thứ tạo ra là hoàn hảo, hoàn chỉnh, đầy đủ và sáng rõ ngay từ đầu thì sẽ không có tạo ra nào hết.
Tôi biết như thế, và tôi vẫn chẳng muốn gì hơn sự muốn ấy. Giống như với mọi sự, đến một thời điểm sẽ có một câu hỏi: có nhận vào không? Câu hỏi rất rõ ràng: có hoặc không. Chẳng có biện minh hay lý lẽ nào. Có hoặc không, chỉ thế.
02/04/2025
Tại sao bất cứ khi nào nhìn vào quá khứ - bất cứ thời điểm nào - tôi cũng chỉ thấy một nhà tù: những nhà tù liên tiếp, gần như chỉ hoàn toàn nhờ may mắn mới thoát được ra - cuộc đọa khủng khiếp tới mức tôi không còn dám cảm thấy gì, thậm chí lần nào cũng thấy vô cùng mãn nguyện. Tôi nhớ lần đầu tiên có cảm giác về điều đó: một mùa hè, ở thư viện, làm một công việc tuyệt đối vô nghĩa và sống ở không đâu. Xét cho cùng mọi thứ cũng đâu có khác, kể cả bây giờ. Đi tới đâu tôi cũng vẫn ở trong căn phòng ấy. Kể cả bây giờ, chỉ cần bước ra khỏi đây và ngoái đầu lại, tôi cũng sẽ chỉ thấy một nhà tù và lại có cảm giác kinh hoàng của người vừa thoát trong gang tấc - không dám nhìn cho đến khi nó một lần nữa hiện lên như chốn duy nhất đáng ước ao, khi một lần nữa tôi lại thấy ngắc ngoải ở bất cứ nơi nào tôi đang ở vào lúc ấy.
Tôi không có những album ký ức, tôi cũng không có một tuổi thơ vĩnh cửu. Sự đọa thuộc về bản thể vượt ngoài mọi biến cố và nguyên nhân cụ thể, dù vui hay buồn. Nhiều lần, thường là trong shower room, tôi tự nhủ rằng mình chạy khỏi một nơi nào đó chỉ là để thực sự inhabit nó: tôi trùm lên nó và nó trùm lên tôi, trong khi, nếu ở đó, tôi sẽ chỉ thấy bị đè ép bởi vật chất không phương hướng.
Tôi cũng hiểu ra một điều nữa: hiện ra tức là hiện về - sự đồng hiện của - hãy nghĩ đến cảm giác một số người may mắn có khi thắp hương bàn thờ. Tôi gọi cảm giác ấy là âm nhạc: lịch sử duy nhất của tôi. Chỉ ở đó tôi mới thoát được cái bóng của ngờ ngợ phi thực lúc nào cũng rập rình vây bủa.
Hiện về không phải là nhớ lại. Hoàn toàn có thể hiện về những gì chưa từng xảy ra với cá nhân tôi. Có phải tôi đang nhớ - hoặc hình dung - một khả thể của mình như chưa bao giờ và sẽ không bao giờ? bởi điều kiện cho nó không còn nữa. Thế giới ấy chỉ hiện ra với tôi trong ánh sáng đầy đủ bởi nó đã biến mất. Với nó tôi có một sự thân thuộc quái đản - gần vô cùng với một cái gì giống như linh hồn của nó, thứ chỉ hiện ra khi thể phách đã bị hủy hoại hoàn toàn - nhưng cũng chính vì thế tôi xa nó vô biên, giống như... giống như ở hai đầu của tấm gương?
Tôi ngày càng tin rằng chẳng bao giờ có lịch sử nếu không có cuộc hiện ra ấy - và vấn đề của lịch sử - cũng giống như nghệ thuật - không phải là what mà là when: khi nào thì có nó, ở điều kiện nào thì có sự hiện ra và tạo thành?
Tôi không tin rằng có một thế giới bất khả lũng đoạn nơi bông hoa được giữ trong nguyên thể, để rồi, hết lần này đến lần khác, nở ra trong tách trà. (Cái khẩu hiệu comical nếu hết yêu thì hãy nhớ lại vì sao đã bắt đầu đúng ra phải là ngược lại: những lúc tình yêu một lần nữa run lên, lại thấy nó rồi, thì sẽ nhớ ra vì sao - và chỉ có thể nhớ ra bằng cách đó.)
Làm gì có thế giới nào khác đằng sau thế giới này. Chỉ có ở đây. Nhưng những lúc thực sự ở đây thì cũng đồng thời ở những nơi khác nữa.
Những cảnh hấp hối đáng nhớ nhất thường diễn ra vào quãng chuyển từ đêm sang ngày - rét đột ngột, người ta đối diện linh hồn mình, tội và phạt. Nhưng quá nhiều nhấn mạnh vào đó thì lại là một mê tín nữa. Đúng là thường có hiện ra thật, nhưng đó chỉ là hiện ra cuối cùng của một cuộc lặp dài, và đâu có gì đảm bảo là quan trọng nhất. Chẳng gì có thể lấy làm chìa khóa cho bí ẩn. Hoặc có thể nói: mỗi kinh nghiệm như thế đều là một chết đi - từ đó quay về không thực sự còn nhớ gì. Chính những kinh nghiệm ấy - mỗi lần là một chuyển hóa - là ranh giới giữa các cuộc đời, chứ không phải bất cứ cái mốc có sẵn nào: đêm/ ngày hay mùa. Từ khi có bóng đèn và máy sưởi/ điều hòa, những phân biệt ấy đâu còn hiệu lực - có lẽ trừ trong một quãng tuổi nhỏ, cái quãng được ấp trong sự bất lực sung sướng của con vật non và con người nguyên thủy (có phải vì thế mà nó trở thành thiêng với nhiều người?) Nhưng kể cả kinh nghiệm ấy cũng dần nhạt. Khả thể của những phân biệt "tự nhiên" làm ranh giới không còn nữa, tuy cái đuôi của nó sẽ vẫn lượt thượt lâu.