Javier Marías viết các cuộc đời (tiếp nữa)
Laurence Sterne ở đoạn cuối
Mặc dù xuất thân từ một gia đình đủ danh giá, trong dòng họ từng có cả một tổng giám mục, Laurence Sterne lại có số phận chỉ là con trai của một trong những thành viên kém may mắn nhất: Roger, người đã chọn con đường binh nghiệp nhưng suốt đời chỉ dừng ở cấp bậc chuẩn úy mang cờ. Roger Sterne cùng trung đoàn rệu rã của mình di chuyển không ngừng, mang theo vợ và số con cái luôn thay đổi bởi lúc nào cũng có đứa mới sinh ra và đứa khác thì chết đi; Laurence, chào đời ở Ireland, là một trong số ít những đứa trẻ còn sống sót. Người cha ấy, xét cho cùng, gần như không để lại gì cho ông ngoài khiếu hài hước, một phẩm chất mà ông còn giữ cho đến cuối đời. Trong cuộc vây hãm Gibraltar năm 1731, Roger dính vào vụ đấu kiếm với một đồng đội, dường bắt nguồn từ một cuộc cãi vã ngớ ngẩn về một con ngỗng. Trận đấu giữa Đại úy Philips và Roger Sterne diễn ra trong một căn phòng, và Philips đã đâm mạnh đến mức không chỉ xuyên qua người đối thủ mà mũi kiếm còn ghim thẳng vào tường. Tỏ ra vô cùng bình tĩnh, viên chuẩn úy tội nghiệp lịch sự đề nghị người đồng đội vui lòng, trước khi rút kiếm, lau sạch những mảnh vữa còn bám trên mũi kiếm vì ông sẽ rất lấy làm khó chịu nếu chúng bị đưa vào trong cơ thể mình. Ông bố sống thêm vài tháng sau sự việc ấy, đủ lâu để bị điều sang Jamaica, nơi ông qua đời vì một cơn sốt mà thân thể tàn tạ không còn sức chống chịu. Khi đó, Laurence mới mười bảy tuổi.
Với sự giúp đỡ của vài người họ hàng khá giả hơn, ông có thể theo học tại Cambridge và sau đó bước vào con đường giáo hội, không hẳn vì sùng đạo mà chủ yếu vì truyền thống và sự tiện lợi; suốt nhiều năm sau đó, ông sống cuộc đời giản dị và vô danh với tư cách một cha sở tại Yorkshire.
Ông kết hôn với một người phụ nữ khá xấu xí, Elizabeth Lumley, dù vậy ông đã phải theo đuổi bà suốt hai năm. Khi nghe tin (sai sự thật) rằng con trai mình lấy một nữ nhân thừa kế, mẹ ông - vốn cả đời chẳng mấy quan tâm đến ông và sống ở Ireland - đã tìm cách buộc ông phải quan tâm đến bà song suy cho cùng cũng không đạt được hiểu quả. Sự thật là con trai bà có rất ít tiền, nhưng hoàn cảnh ấy không ngăn cản ông tận hưởng cuộc sống, đặc biệt là trong những khoảng thời gian ở Skelton Castle (được khách khứa đặt biệt danh là Crazy Castle), dinh thự của người bạn giàu có và lười biếng John Hall-Stevenson. Bắt chước theo lối tỉnh lẻ các Tu sĩ của Tu viện Medmenham - một nhóm quý tộc miền Nam nước Anh khi ấy nổi tiếng vì những trò trác táng tai tiếng - họ lập ra một hội mang tên Demoniacs. Hội này thậm chí còn vô hại hơn cả nguyên mẫu, có lẽ vì vậy mà nó tồn tại được lâu hơn, trong khi các “tu sĩ” Medmenham nhanh chóng tan rã ngay sau đó, sau khi một thành viên của họ - trong một buổi “thánh lễ đen” - nảy ra ý tưởng chẳng may là thả một con khỉ đầu chó ra. Con vật, khiến cả hội vô cùng hoảng hốt, đã nhảy phốc lên vai người chủ lễ là Lord Sandwich, và lập tức bị cả bọn tưởng nhầm là chính Quỷ dữ, kẻ rốt cuộc - trong nỗi kinh hoàng của tất cả - đã chịu hạ cố đến viếng thăm họ. Còn hội Demoniacs của Sterne và Hall-Stevenson chỉ đơn giản uống rượu vang Burgundy, chơi nhạc (nhạc cụ ưa thích của Sterne là đàn vĩ cầm) và nhảy các điệu sarabande. Tuy nhiên, thú tiêu khiển khoái khẩu nhất của vị cha sở vui tính cùng người bạn ăn không ngồi rồi của ông là đánh xe song mã đến Saltburn và đua xe dọc theo bãi biển dài năm dặm với một bánh xe luôn luôn lăn trong nước biển.
Tác phẩm đầu tiên Sterne viết là một tờ rơi châm biếm, ra đời do bị kích động bởi một vụ ầm ĩ liên quan đến chính trị địa phương với tâm điểm là một mụ lố bịch ở York. Thành công bất ngờ của nó lớn đến mức mãi sau đó ông mới nảy ra cái ý rằng mình có thể viết gì đó để xuất bản, chính là cuốn Tristram Shandy bất hủ của ông. Sự khởi đầu muộn màng ấy lại che khuất một thực tế rằng từ lâu Sterne đã nuôi dưỡng niềm say mê mãnh liệt không chỉ với văn chương (ông đặc biệt yêu thích Cervantes, Rabelais, Lucian, Montaigne và Robert Burton, những tác giả mà ông đôi khi đạo văn một cách trắng trợn và công khai) mà còn với đủ loại sách lạ kỳ. Trong thư viện của ông có cả các luận thuyết về công sự, sách y khoa sản, những khảo cứu nghiêm túc về mũi dài, cùng một trong những cuốn sách ông yêu thích nhất, Le Moyen de parvenir [Cách thăng tiến] của Béroalde de Verville, một giáo sĩ ở Tours.
Cuộc đời ông thay đổi kể từ khi hai tập đầu tiên của Tristram Shandy được xuất bản và đạt thành công ngoài mong đợi. Ở tuổi bốn mươi sáu, Sterne bắt đầu sống cuộc đời mà ông yêu thích nhất, một cuộc đời đầy niềm vui và lòng hiếu khách hào phóng. Từ đó trở đi, ông thường xuyên lui tới London, và tại đó, ông nhanh chóng kết thân với một số nhân vật có ảnh hưởng nhất lúc bấy giờ, đặc biệt là ông hoàng của sân khấu David Garrick và họa sĩ Joshua Reynolds, người đã cất công vẽ hình dáng mảnh khảnh của ông đến ba lần, dù bức chân dung cuối cùng vẫn còn dang dở. Sterne trở thành đối tượng của tò mò to lớn, ai cũng muốn gặp ông và Sterne cũng sẵn lòng gặp mọi người, với kết quả đáng kinh ngạc là rất nhiều người khen ngợi ông và tuyệt nhiên chẳng có một lời chê trách. Sterne, xem ra, không chỉ cực kỳ dí dỏm, có thể ứng khẩu đùa cợt hay lan man về bất kỳ chủ đề nào dù có hiểu biết gì về nó hay không, mà còn là một người có bản tính thân thiện và dễ mến. Tuy vậy, điều đó không ngăn ông bực bội mỗi khi những câu châm chọc của mình không được thấu hiểu hay hưởng ứng; và cũng không ngăn ông đối đầu với những kẻ huênh hoang bằng một lối mỉa mai nhẹ nhàng nhưng thấm thía, đến mức rất lâu sau nạn nhân mới nhận ra mình đã bị đâm trúng và nổi giận, song lúc đó thì không còn cơ hội để đáp trả nữa. Thậm chí ông còn được mời dùng bữa với Công tước xứ York, em trai Hoàng xứ Wales [tức thái tử Anh], và có lẽ điều này cũng không quá lạ lùng nếu ta nhớ rằng vài năm sau đó vị công tước ấy đã qua đời tại Pháp vì cảm lạnh và sốt sau một đêm thức trắng để khiêu vũ. Danh tiếng của Sterne lên đến mức một lần ông nhận được bức thư được gửi với dòng địa chỉ ghi đơn giản: “Tristram Shandy, Châu Âu”.
Tuy nhiên, không phải ai cũng yêu thích cuốn tiểu thuyết hay con người Sterne, và một trong số đó là Horace Walpole [tác giả Lâu đài Otranto, cột mốc lớn của tiểu thuyết gôtic], người mà Madame du Deffand hết mực quý mến. Có lẽ cũng chính vì lý do ấy mà trong một chuyến đi Paris, Sterne không đến salon văn chương của bà mà đến chỗ đối thủ của bà là Julie de Lespinasse hay salon nổi tiếng không kém của Nam tước d’Holbach, nơi ông kết thân sâu sắc với Diderot, người mà ông thường xuyên gửi tặng sách tiếng Anh. Lần đầu tiên sang Pháp, ông mô tả chuyến đi ấy như một “cuộc đua với Thần Chết” và ông đã là người chiến thắng. Sức khỏe ông xưa nay vốn không tốt; mắc bệnh lao, ông thường xuyên bị xuất huyết và nhiều lần cận kề cái chết. Có lẽ, giống như nhiều người đồng hương xuất sắc khác, ông cũng đang tìm cách rời xa khỏi nước Anh: Dr. Samuel Johnson [đối tượng cho cuốn tiểu sử nổi tiếng của Boswell], một nhân vật kiệt xuất và đầy quyền lực, đã quay lưng lại với Sterne không chỉ vì những tác phẩm mà Johnson khinh miệt, mà còn vì trong một buổi tụ họp tại nhà Reynolds, Sterne đã cả gan đưa ra một bức vẽ “tục tĩu đến mức ngay cả ở nhà chứa cũng chưa chắc khiến người ta thích thú”. Với tình trạng sức khỏe yếu ớt của Sterne, cũng không có gì lạ khi trong lúc ông đang ở Paris, tin đồn ông đã qua đời lại lan rộng tại London. Người ta thậm chí còn đăng cả cáo phó, và ở làng Coxwold - nơi ông sinh sống khi đi khỏi thủ đô - giáo dân đã làm lễ tưởng niệm cho ông. Vài tuần sau, Sterne chỉ nói rằng tin ấy “đến hơi sớm một chút”. Trái lại, tại châu Âu, ông được Voltaire hết lời khen ngợi, đến xem các buổi diễn của nhà hát Comédie Française (dù ông thấy tẻ nhạt) và dự những buổi thuyết giảng của cha tuyên úy riêng của vua Ba Lan - một linh mục, theo lời kể, còn vượt cả Garrick về tài diễn thuyết. Ông cũng thường đi dạo rất lâu, và thân hình cao lêu nghêu trong bộ đồ đen cùng chiếc mũi dài nổi bật của ông thường khiến người qua đường chú ý. Có lần, đám đông tò mò đi theo ông nhiều đến mức ông đã khiến tất cả cùng quỳ xuống với mình trên cầu Pont-Neuf, trước tượng vua Henry IV.
Ông đã ghi lại những chuyến ngao du trên lục địa châu Âu trong kiệt tác Hành trình tình cảm và gia đình Sterne tỏ ra yêu thích khí hậu cùng lối sống ở những vùng đất ấy đến mức vợ ông, Elizabeth, cùng con gái Lydia đã chuyển hẳn xuống miền Nam nước Pháp sinh sống - một cách gián tiếp hợp thức hóa cuộc ly thân không chính thức giữa hai vợ chồng.
Sau này, một vị hầu tước Pháp, đồng thời là người đang nhắm đến vị trí con rể, viết thư cho ông để bày tỏ ngắn gọn tình yêu của mình dành cho Lydia, rồi đi thẳng vào câu hỏi cốt lõi: “Ngài sẽ cho con gái mình của hồi môn bao nhiêu vào lúc kết hôn và sau khi ngài qua đời?” Sterne đáp: “Thưa ngài, tôi sẽ cho con bé mười ngàn bảng vào ngày cưới. Cách tính của tôi như sau, con bé mới mười tám, ngài đã sáu mươi hai, như vậy mất đi năm ngàn bảng. Thêm vào đó, thưa ngài, ít nhất ngài không cho rằng con bé xấu xí, nó lại có nhiều tài năng, nói được tiếng Ý, tiếng Pháp, chơi đàn guitar, mà tôi e là ngài không chơi được nhạc cụ nào, nên tôi nghĩ ngài sẽ hài lòng khi nhận con bé theo những điều kiện ấy. Bảng kê mười ngàn bảng của tôi đến đó là hết.” Sterne hiếm khi mất bình tĩnh, và ngay cả khi ngôi nhà ở Yorkshire của ông bị cháy rụi, điều khiến ông buồn nhất không phải là mất nhà mà là, theo lời ông, “thái độ kỳ lạ, khó hiểu của cha phó tội nghiệp và bất hạnh của tôi - không phải vì ông ấy đốt nhà, vì tôi không buộc tội ông, Chúa chứng giám, cũng chẳng buộc tội ai cả - mà là vì ông lập tức biến mất ngay sau khi chuyện xảy ra, bỏ chạy như Thánh Phaolô trốn về Tarsus, sợ rằng tôi sẽ truy cứu trách nhiệm.”
Thật vậy, khó mà tưởng tượng Sterne lại truy đuổi ai bao giờ. Ông là một người thuần hậu, từng muốn “nhận nuôi” hai đứa trẻ mồ côi do một góa phụ nghèo để lại sau khi qua đời. Cũng chính ông, theo đề nghị của một nô lệ tên Ignatius Sancho, đã dành vài trang trong những tập sau của Tristram Shandy để lên tiếng chống chế độ nô lệ. Nhờ ảnh hưởng của nhân vật chú Toby trong tác phẩm của mình, ông khiến giới thượng lưu đương thời coi việc nhẹ nhàng xua ruồi thay vì giết chúng trở thành một hành vi lịch thiệp. Ông từng có vài mối tình, và trong thư gửi Eliza, người tình cuối cùng và cũng là mối tình được ông lý tưởng hóa nhất, Sterne vẫn giữ được sự hóm hỉnh ngay cả khi cái chết đang cận kề: “Anh sắp đi rồi,” ông viết lời tạm biệt (lúc ấy Eliza đang ở Ấn Độ cùng chồng); nhưng khi ngày trôi qua và thấy tình hình không đến nỗi tệ, ông lại viết thêm: “Anh thấy khá hơn một chút, nên có lẽ chưa cần đi như anh lo.” Một người quen từng mô tả ông như sau: “... với con người hạnh phúc ấy, mọi thứ đều mang sắc hồng; điều gì hiện ra u ám hay buồn bã dưới mắt người khác thì trong mắt ông lại trở thành tươi sáng, thậm chí đáng cười. Ông chỉ đi tìm niềm vui, nhưng không giống như những kẻ khi buồn thì chẳng còn biết sống ra sao, ông vẫn nâng chén đến giọt cuối cùng ngay cả khi nó chẳng đủ để làm dịu cơn khát mãnh liệt của ông.”
Dựa vào những bức thư còn lại, có thể thấy Sterne đã chiến đấu đến cùng trong cuộc đua với Thần Chết, cuộc đua bắt đầu từ lần vượt eo biển năm nào. Trong một bức thư gửi cho một người bạn là phụ nữ, ông viết: “Tôi đang bệnh, rất bệnh, nhưng tôi cảm nhận sự sống trong mình một cách mãnh liệt, và kèm theo đó là một cảm giác như được soi sáng, rằng tôi sẽ không chết, mà sẽ sống. Dẫu vậy, người khác trong hoàn cảnh này chắc đã bắt đầu thu xếp hậu sự rồi.” Ngay trước khi qua đời, ông còn bắt tay vào viết một “cuốn tiểu thuyết hài hước nhất”, và chính điều đó khiến ông thấy nhẹ lòng: “... khi tôi chết, tên tôi sẽ được xếp vào hàng những anh hùng qua đời giữa một trận cười”, đứng đầu là Cervantes, tiếp đến là Scarron và Verville - người ông hết mực yêu quý. Không còn gì sót lại từ cuốn “tiểu thuyết hài hước” ấy, và tại London, vào lúc bốn giờ chiều ngày 18 tháng Ba năm 1768, ở tuổi năm mươi tư, Sterne cuối cùng đã thua.
Những thăng trầm mà thi thể của Sterne phải chịu dường bước ra từ chính hai cuốn tiểu thuyết của ông. Ông được an táng đơn giản tại nghĩa trang của một nhà thờ ở Hanover Square, nhưng chỉ vài ngày sau, thi thể đã bị đánh cắp và bán cho giáo sư giải phẫu tại Đại học Cambridge nơi ông từng theo học. Có vẻ như khi buổi mổ xác gần kết thúc, một trong hai người bạn được mời đến chứng kiến tình cờ lật tấm khăn che mặt người chết và nhận ra đó là Sterne, người mà anh ta từng gặp không lâu trước đó. Người khách ngất lịm, còn vị giáo sư, khi nhận ra mình vừa đưa một người nổi tiếng lên bàn mổ, ít nhất cũng cố gắng giữ lại bộ xương. Nhiều người đã tìm cách xác định hộp sọ của Sterne trong bộ sưu tập hài cốt tại Cambridge nhưng đều thất bại, và đến nay không ai biết thi thể của Laurence Sterne đang ở đâu. Có lẽ ông cũng chẳng bận tâm, bởi khi cái chết cận kề, ông từng nói: “Tôi muốn sống thêm bảy, tám tháng nữa... nhưng cứ để Chúa định đoạt”, và trong Tristram Shandy, ông từng bày tỏ mong muốn được chết không phải tại nhà, mà “ở một quán trọ tử tế nào đó”, để khỏi phiền đến bạn bè. Ông đã toại nguyện ở London, nơi một người chứng kiến kể lại khoảnh khắc cuối cùng: “Nó đến rồi”, Sterne nói, rồi giơ tay lên như thể định chặn một cú đánh.
Rainer Maria Rilke trong sự chờ đợi
Khi còn rất trẻ, Rainer Maria Rilke tới thăm Tolstoy, lúc ấy đã là một ông lão sống tại điền trang của mình ở Yasnaya Polyana. Họ cùng đi dạo ngoài đồng với Lou Andreas-Salomé và Tolstoy hỏi Rilke: “Hiện giờ cậu đang dồn thời gian cho việc gì?” Nhà thơ bẽn lẽn và tự nhiên đáp: “Cho thơ trữ tình.” Hiển nhiên, thay vì một tràng sỉ vả, ông đã nhận được cả một bài đả kích thẳng thừng nhằm vào mọi hình thức thơ trữ tình, như thể đó là thứ chẳng ai nên nghiêm túc dồn thời gian vào.
Rõ ràng, trong trường hợp của Rilke, những lời của bậc đại sư người Nga chẳng thể lọt vào tâm trí ông vì hiếm có nhà thơ nào trong lịch sử thi ca lại dốc lòng, chính là từ ấy, một cách ám ảnh và tuyệt đối, không chỉ cho thơ trữ tình, mà còn cho mọi biến thể của nó. Rilke viết thơ trữ tình nhưng ông cũng viết văn xuôi trữ tình trong nhật ký, thư từ, bài báo, ghi chép du hành, thậm chí cả trong kịch. Mỗi lần cầm bút, dù chỉ để viết lời nhờ, ông cũng viết như thể đang làm thơ, tất nhiên không phải lúc nào cũng là thơ ở mức cao nhất. Thành thực mà nói trong những năm đầu ông khá có xu hướng xu nịnh. Ông không chỉ thể hiện sự quan tâm đặc biệt đến tác phẩm của người khác và hết lời ca ngợi chúng, mà còn hai lần ngỏ ý muốn viết hẳn một cuốn sách về những tác phẩm mình đã khen ngợi. Lời đề nghị ấy được ông thực hiện đối với nhà điêu khắc Rodin - người mà ông từng làm thư ký một thời gian - và (có lẽ là may mắn) đã không thực hiện với họa sĩ người Tây Ban Nha Zuloaga, dù ông đã hình dung rất rõ cuốn sách ấy sẽ ra sao: “Một cuốn sách nồng nhiệt đầy hoa và vũ điệu.” Ai mà biết được, có lẽ sự nhiệt thành của Rilke đã phần nào nguội đi sau một buổi tiệc Tây Ban Nha mà ông tham gia tại nhà Zuloaga ở Paris, nhân dịp rửa tội cho con trai của Zuloaga vào năm 1906, buổi tiệc mà một phóng viên báo Madrid đã mô tả như sau: “Nghệ sĩ guitar Llobet khiến tất cả chúng tôi kinh ngạc với phần trình diễn xuất thần, còn nghệ sĩ Palmero thì, trong phong cách flamenco đích thực, đệm đàn cho vũ nữ duyên dáng và sôi động Carmela khi cô nhảy tango, trong đó có điệu morrongo, khiến abbé Brebain, một trong số người dự khán, không khỏi sửng sốt.” Chúng ta không biết Rilke đã phản ứng thế nào, nhưng sau buổi tiệc, ít nhất ông cũng đã sáng tác một bài trữ tình, một bài thơ với nhan đề dễ đoán The Spanish Dancer.
Chúng ta đều biết, nhờ công trình nghiên cứu của học giả danh tiếng Ferreiro Alemparte, mối liên hệ lâu dài và giữa Rilke với Tây Ban Nha, kết thúc bằng chuyến lưu trú bốn tháng, chủ yếu ở Toledo và Ronda, với vài chuyến đi ngắn tới Córdoba, Seville và Madrid. Ông thấy hai thành phố sau cùng là khó chịu nhất: về thủ phủ vùng Andalusia, ông viết: “ngoài ánh mặt trời, tôi không trông đợi điều gì, và nó cũng chẳng cho tôi điều gì, vậy nên chúng tôi chẳng có lý do gì để phàn nàn”. Tuy nhiên, ông vẫn phàn nàn về nhà thờ chính tòa ở đó: “lạnh lùng, nếu không muốn nói là thù địch”, và bên trong thì “có một cây đàn organ kinh hãi với âm thanh sướt mướt rợn người”. Ông còn nghiêm khắc hơn với thủ đô của Tây Ban Nha, nơi khiến ông khó ở “gần như Trieste” khi đi khỏi, và khi quay lại, ông thậm chí còn thẳng thừng hơn: “... dường như vùng đất buồn thảm này của Madrid chẳng thể dung nạp bất kỳ thành phố nào, và dường như nó cũng chưa bao giờ thực sự muốn được canh tác.” Ông dành phần lớn thời gian ở viện bảo tàng Prado, rồi vội vã đi khỏi; ngay cả Goya, Velázquez và El Greco cũng không đủ làm dịu lòng ông.
Đã có lúc, Rilke mê đắm El Greco chẳng kém gì thời kỳ ông từng ngưỡng mộ Zuloaga, và cũng giống như niềm say mê thơ trữ tình, thứ mà ông sẽ theo đuổi suốt đời, bất kể ở đâu. Thật ra ông hầu như không ở yên một chỗ: từ năm 1910 đến tháng Tám năm 1914, ông đã đi qua gần năm mươi địa điểm khác nhau. Người ta chỉ có thể đoán rằng, trong quãng ấy, đời sống của ông không thực sự diễn ra tại bất kỳ nơi nào trong số đó mà nằm ở chính những chuyển dịch liên tục. Cuộc đời phiêu bạt ấy khởi đầu không lâu sau khi ông đi khỏi quê nhà Prague để đến Munich, rồi Berlin, rồi Venice. Sau đó là chuyến đi đầu tiên đến nước Nga, và một năm sau - như đã nhắc tới ở trên - là chuyến thứ hai.
Paris, Venice, Viareggio, Paris, Worpswede ở Scandinavia, Đức, Paris, Rome, Bắc Phi, Tây Ban Nha (tất nhiên), Duino bên bờ Adriatic, Munich, Vienna, Zurich, Venice, Paris, Geneva - hoàn toàn hỗn độn. Thật khó hình dung ông lấy đâu ra tiền để tài trợ cho chuỗi hành trình bất tận ấy, càng khó hiểu hơn khi nghĩ đến việc ông vẫn, dù trong chừng mực và từ xa, chu cấp cho con gái Ruth của mình - đứa trẻ ra đời từ cuộc hôn nhân ngắn ngủi với nữ điêu khắc Clara Westhoff: họ kết hôn vào mùa xuân năm 1901 và chia tay vào tháng Năm năm 1902, và có lẽ chính vì vậy mà họ vẫn giữ được mối quan hệ tốt đẹp suốt đời. Ngoài đứa con, Rilke còn nợ Clara một điều khác: chính bà là người đã giới thiệu ông với Auguste Rodin - nhờ có Rodin mà Rilke mới có một công việc hiếm hoi mang lại thu nhập, điều vốn không thường xảy ra với ông. Theo ghi chép, ông từng làm việc cho Rodin “hai tiếng mỗi sáng”.
Dựa vào thư từ và nhật ký, có thể thấy Rilke đã dành cả đời mình để “chờ đợi” thi hứng trữ tình và chia sẻ khoảng thời gian chờ đợi ấy với đủ loại phụ nữ, phần lớn là giới quý tộc (ít nhất là trên danh nghĩa và trong cách cư xử), những người sẵn lòng cho ông tá túc tại các lâu đài và dinh thự của họ để ông có thể chờ đợi trong điều kiện dễ chịu hơn.
Ông từng nuôi dưỡng những say mê, hoặc ít nhất là quyến luyến một cách thân tình, với Lou Andreas-Salomé quyến rũ, Eleonora Duse tuyệt vọng, Công nương Marie von Thurn und Taxis, Baladine Klossowska, Nữ Nam tước Sidonie Nádherny de Borutin, Mathilde Vollmöller-Purrmann, Tiểu thư Pia Valmarana, nghệ sĩ piano Magda von Hattingberg, nhà văn Thụy Điển Ellen Key, Bá tước phu nhân Manon zu Solms-Laubach, Eva Cassirer-Solmitz, Nữ Nam tước Alice Fähndrich von Nordeck zur Rabenau, Katharina von Düring Kippenberg, Elisabeth Gundolf-Salomon, Nanny Wunderly-Volkart, Bá tước phu nhân Margot Sizzo-Noris Crouy, một cô Mimi nào đó ở Venice, và tất nhiên, không thể không nhắc đến Bá tước kiêm nữ thi sĩ de Noailles - con gái của prince Bassaraba de Brancovan - cùng Công nương Cantacuzène.
Danh sách này thoạt nhìn có vẻ hoang đường, hoặc ít nhất cũng đáng ngờ, nhưng không phải; dẫu vậy, với ít nhất hai quý bà trong số đó, Rilke đã không mấy thành công: Bá tước phu nhân de Noailles thấy ông xấu xí, và câu đầu tiên bà nói với ông, ngay sau khi được giới thiệu, là một câu hỏi kép nặng tính siêu hình: “Thưa ông Rilke,” bà cất lời, “ông nghĩ gì về tình yêu... ông nghĩ gì về cái chết?” Còn với nữ danh kịch Eleonora Duse, người mà Rilke hết mực sùng kính, dù khi họ gặp nhau bà đã già, hoang tưởng và sức khỏe suy sụp, mối thân tình ấy lại kết thúc bởi một con công. Trong buổi dã ngoại đầy thi vị trên một hòn đảo ở Venice, khi hai người đang ngồi uống trà, con công từ đâu tiến đến rồi đột ngột cất tiếng kêu khàn đặc, rợn người ngay sát tai nữ nghệ sĩ. Bà hoảng hốt bỏ chạy, khỏi bữa trà, và khỏi Venice. Một cách lạ lùng và có phần kỳ quặc, Rilke cảm thấy mình bị đồng nhất với con công ấy, từ đó ông mang trong mình một mặc cảm kỳ lạ đến nỗi thao thức suốt đêm không ngủ được.
Mối giao cảm của Rilke với loài vật sẽ không còn xa lạ với bất kỳ ai từng đọc Eight Duino Elegy. Loài chó dường luôn luôn khơi dậy những gì tốt đẹp nhất trong ông. Chỉ cần đọc đoạn ông viết về một con chó cái nhỏ, xấu xí đang mang thai mà ông gặp ở Córdoba và ông chia sẻ với nó một viên đường là đủ, ông viết: “đó, theo một cách nào đó, giống như một buổi lễ ban thánh thể”. Nó đã nhìn thẳng vào mắt ông, và theo Rilke “trong ánh mắt ấy phản chiếu tất tật sự thật vượt lên trên cá thể riêng lẻ và hướng về một nơi tôi không rõ, có thể là tương lai, hoặc một điều gì đó bất khả tri”. Trái lại, ông thấy không thoải mái khi ở gần trẻ con mặc dù chúng hết sức yêu quý ông. Còn đối với các nhà văn khác, có lẽ những mối quan hệ tình cảm phức tạp và rườm rà với các quý bà đã khiến ông chẳng còn mấy thời gian để trò chuyện với họ. Tuy vậy, ông cũng có quen biết xã giao với một vài người, và trong một lần lưu lại Venice, ông từng khá trùng hợp dùng chung một người hầu tên là Dante với Gabriele d’Annunzio. Tuy nhiên bản thân ông thì chưa từng gặp nhà thơ của lạc thú ấy.
Rainer Maria Rilke, người từng gọi mình là René Rilke và được người bạn thân là Công nương Marie von Thurn und Taxis trìu mến gọi là “Tiến sĩ Thần Linh”, suốt cả đời, trong lúc mòn mỏi chờ đợi thi hứng, đã luôn luôn sống cùng những cơn đau cả thể xác lẫn tinh thần. Bạn bè thân thiết hầu như không thể nhớ nổi đã bao giờ thấy ông khỏe mạnh, nhẹ nhõm. Bản thân ông chẳng ngại ngần nói thẳng về những khổ sở ấy trong các bức thư và nhật ký dài bất tận: những “bất hạnh không dứt” khiến ông không thể “làm việc một cách nghiêm túc” dù lúc nào ông cũng tuyên bố sẵn sàng hy sinh cả mạng sống cho công việc (ý ông là thi ca). Chẳng hạn, trong thời gian lưu lại lâu đài lộng lẫy Berg am Irchel thuộc tổng Zurich, chỉ một tiếng cưa điện vang từ phía bên kia công viên cũng đủ khiến ông mất khả năng tập trung và không thể sáng tác. Người ta kể rằng Duniio Elegies đã mất mười năm để hoàn thành mà phần lớn thời gian dành ra là để chờ đợi. Những lúc may mắn, ông nghe thấy tiếng gọi. Như một ngày tháng Giêng nọ, giữa tiếng bão nổi dữ dội, ông bỗng nghe thấy một giọng nói rất gần thì thầm bên tai mình những lời giờ đây đã thành bất hủ: “Ai sẽ lắng nghe tôi, nếu tôi bật khóc, giữa hàng ngũ các thiên thần?” Ông ngồi bất động, lắng nghe tiếng nói của Thượng Đế. Rồi ông lấy ra cuốn sổ tay trữ tình nhỏ luôn luôn mang theo bên mình, viết lại những dòng đầu tiên ấy, rồi tiếp tục viết, như thể các câu thơ tự tìm đến tay ông. Đến tối, First Elegy đã hoàn tất, nhưng chẳng bao lâu sau đó, Thượng Đế lặng im, ngoài trừ vài khoảnh khắc rôm rả và có ích, và Rilke lại rơi vào quãng thời gian câm lặng kéo dài suốt mười năm, sống trong sự chờ đợi giày vò tàn nhẫn. Có lẽ cũng nên đặt câu hỏi: bao nhiêu phần trong “huyền thoại chờ đợi” của nhà thơ Rilke là thật - cái huyền thoại đã khiến không ít nữ quý tộc phải hồi hộp mong ngóng suốt bao năm? Bởi André Gide, tuy không thân với Rilke, nhưng từng quen biết ông vào thời còn chưa quá nhuốm vẻ u sầu nữ tính, đã kể rằng phần lớn thơ của Rilke thực ra xuất hiện rất nhanh và gần như nguyên vẹn, chỉ cần chỉnh sửa ở mức tối thiểu. Rilke từng đưa ông xem cuốn sổ tay trữ tình, trong đó có nhiều bài thơ “được ông ứng tác ngay trên chiếc ghế đá ở vườn Luxembourg”, gần như không có lấy một từ nào bị gạch.
Giống như bất kỳ nhà thơ đích thực nào, Rilke dành rất nhiều thời gian để giao cảm không chỉ với loài vật, mà còn với các vì sao, với đất, cây cối, thần linh, tượng đài, hội họa, các anh hùng, khoáng chất, và cả người chết (đặc biệt là những phụ nữ chết trẻ khi đang yêu). Riêng với đồng loại còn sống thì ông giao tiếp ít hơn đáng kể. Việc một con người nhạy cảm đến thế, sống gần như chỉ để giao cảm như thế, lại trở thành nhà thơ vĩ đại nhất thế kỷ 20 (điều này hầu như không gây tranh cãi) đã để lại hậu quả không nhỏ cho các nhà thơ trữ tình hậu thế, những người vẫn tiếp tục say sưa giao cảm với mọi thứ mình gặp, nhưng kết quả thì kém xa, và phải nói thẳng, điều đó đã gây tổn hại nghiêm trọng đến phẩm cách của họ.
Rilke thấp người, trông xanh xao yếu ớt, thoạt nhìn khá xấu trai (dù nhìn lâu sẽ quen hơn), với cái đầu dài và nhọn, mũi to, đôi môi mềm mại uốn lượn làm lộ rõ cái cằm yếu và đường hõm sâu ở giữa. Ông có đôi mắt rất to và đẹp, đôi mắt của một người đàn bà thoáng vẻ nghịch ngợm trẻ con theo lời miêu tả của Công nương Taxis. Rõ ràng ông là một người rất dễ chịu khi trò chuyện, ít nhất là với đúng kiểu phụ nữ thuộc tầng lớp được ông ưu ái. Rilke gặp nhiều khó khăn về tài chính, nhưng điều đó không ngăn ông kén chọn, thậm chí còn rất khó tính trong chuyện ăn uống: ông theo chế độ ăn chay và ghét cá, tuyệt đối không bao giờ đụng đến. Người ta không rõ ông thực sự thích gì, trong ẩm thực và cả những khía cạnh khác, ngoài chữ “y” mà ông viết bất cứ khi nào có thể, cùng với hai niềm ham mê không thể thiếu: du lịch và đàn bà. Ông từng thú nhận rằng mình chỉ có thể trò chuyện với phụ nữ, chỉ hiểu phụ nữ, và chỉ cảm thấy thoải mái khi ở bên họ. Nhưng cũng chỉ trong một thời gian ngắn. “Cô còn mong đợi gì?” - lời người bạn của ông, Kassner, từng nói khi cố lý giải Rilke cho Công nương Taxis sau khi ông lại một lần nữa bỏ đi - “rốt cuộc thì tất tật những người đàn bà đó đều khiến ông ấy chán ngán”.
Rainer Maria Rilke qua đời vì bệnh bạch cầu, sau một thời gian dài đau đớn và kiệt sức, tại một bệnh viện ở Valmont, Thụy Sĩ, vào ngày 29 tháng Mười hai năm 1926, hưởng thọ năm mươi mốt tuổi. Bốn ngày sau, ông được an táng tại Raron, dưới tấm bia mộ khắc chính dòng điếu văn mà ông tự viết và lựa chọn từ trước:
“Hoa hồng, ôi nghịch lý thuần khiết, niềm vui
được làm giấc ngủ của Không Ai dưới muôn vàn
mi mắt.”
Ngay cả bia mộ cũng là một khúc trữ tình. Có lẽ chính ba dòng ấy là điều mà ông đã mòn mỏi chờ đợi suốt cả đời.
Arthur Rimbaud chống lại nghệ thuật
Hầu như không còn bức chân dung nào của Rimbaud, và những tấm hiếm hoi còn sót lại đều mờ nhòe như bóng ma, ghi lại hình ảnh khi ông đã trưởng thành, một con người không còn liên hệ gì với văn chương, sống ở bờ biển Somalia và làm đủ nghề khác nhau, phần lớn là công việc nặng nhọc với đồng lương rẻ mạt. Có lẽ chính vì vậy mà đến nay ta vẫn luôn luôn nghĩ về ông chủ yếu như một thiếu niên nổi loạn, dữ dội, trong những năm ngắn ngủi ở Paris và vài tháng ở London. Việc ông từ bỏ thơ ca ở một độ tuổi không rõ ràng (ta cứ tạm cho là vào khoảng hai mươi) từ lâu đã khuấy động trí tưởng tượng dè dặt của mọi nhà văn trưởng thành sớm, khiến họ không ít lần muốn làm điều tương tự, dẫu thường thì, hélas, họ chỉ thực hiện được điều ấy khi tuổi đã xế chiều. So với Rimbaud, thì mọi thiên tài sớm nở khác cũng đều trở thành kẻ nở muộn.
Lý do khiến Arthur Rimbaud hằn sâu vào ký ức văn chương như một thần đồng kỳ quái chính là việc ông từ bỏ thơ ca cùng sự bí ẩn bao quanh quyết định ấy. Dĩ nhiên, đây không phải là bước ngoặt triệt để đầu tiên trong đời ông. Có cảm giác rằng cứ vài năm Rimbaud lại chán ghét cái việc phải là chính mình, một ý được ông đẩy đến tột cùng trong câu nói nổi tiếng: “Je est un autre”, câu trích dẫn đã vang dội khắp thế giới văn chương. Từ một đứa trẻ chăm học, học sinh xuất sắc, ông trở thành một kẻ bất cần và ngổ ngáo, không dễ chung sống. Những người viết tiểu sử thường than phiền rằng giới văn chương Paris (dù là dân bohemian hay không) đã không hiểu ông, nhưng thực ra, cũng chẳng khó để hiểu tại sao những người đáng lẽ có thể là đồng nghiệp hay bạn bè văn nghệ lại tránh xa ông như tránh dịch rồi vài năm sau lại sẵn sàng đọc thơ ông một cách say mê. Đó cũng là điều mà hậu thế vẫn làm (hậu thế luôn có cái lợi là được thưởng thức tác phẩm mà không cần phải chịu đựng chính tác giả).
Theo những ghi chép đương thời, Rimbaud không bao giờ thay quần áo nên người lúc nào cũng bốc mùi kinh khủng; cái giường nào ông nằm qua cũng đầy rận, còn bản thân ông thì suốt ngày say xỉn, nhất là rượu absinthe. Những người quen biết ông thường chỉ nhận lại được sự hỗn láo và lăng nhục. Ông từng xúc phạm nặng nề một người tên Lepelletier khi gọi ông ta là un salueur de morts [kẻ chuyên đi “chào xác chết”] chỉ vì bắt gặp người kia đi bên đoàn tang lễ, điều này lại càng cay nghiệt hơn khi biết rằng Lepelletier vừa mất mẹ. Một lần khác, một người đàn ông tên Attal vì thiện ý đã đưa Rimbaud xem vài bài thơ do mình sáng tác. Rimbaud liếc qua vài dòng, rồi thẳng thừng nhổ nước bọt vào những khổ thơ được trau chuốt nhịp, vần điệu và chép tay cẩn thận ấy. Còn với nhà thơ Mérat, người từng được Rimbaud ngưỡng mộ từ quê nhà Charleville, khi ông xuất bản một chuỗi sonnet ca ngợi vẻ đẹp hình thể của người phụ nữ, Rimbaud liền cùng Verlaine đáp lại bằng một bài sonnet tục tĩu mang tên Le Sonnet du Trou de Cul [Sonnet về cái hậu môn]. Trong một bữa tối văn chương quy tụ các văn sĩ lớn nhất thời bấy giờ, Rimbaud khăng khăng ngắt lời mọi người bằng cách hét lên “Merde!” sau từng câu được đọc. Carjat, nhiếp ảnh gia nổi tiếng, cuối cùng không chịu nổi nữa, đã túm lấy ông, lay mạnh và dọa đánh. Nhưng cậu thần đồng gầy guộc không hề nao núng, ông rút ngay thanh gậy-kiếm của Verlaine và suýt chút nữa đã đâm thủng người nhà nhiếp ảnh tiên phong của một bộ môn nghệ thuật khi ấy còn chưa được công nhận.
Đó, tất nhiên, không phải là lần duy nhất Rimbaud dính vào những vụ ẩu đả, dù phần lớn các sự cố đều có Verlaine góp mặt, khiến người ta dễ nghĩ rằng chính người bạn, đồng thời là người tình hơn ông mười tuổi mới là kẻ có máu bạo lực. Hai bà mẹ thì mỗi người đều đổ lỗi cho “đứa kia” đã làm con mình hư hỏng, nhưng trong trường hợp của Verlaine, gia đình ông có lý do chính đáng hơn để oán trách, ông không chỉ có mẹ già mà còn có vợ, con nhỏ và cả bố mẹ vợ phải lo. Danh xưng thiên tài tỉnh lẻ mà Verlaine dành cho Rimbaud có lẽ cũng không khiến gia đình ông kỳ vọng nhiều, nhưng họ chắc chắn không lường nổi mình sẽ phải tiếp đón thứ gì: một cậu trai quê mùa, đang trong giai đoạn phát triển vừa thô kệch vừa ngang ngược, mặt đỏ bừng vì nắng, mặc quần áo chật căng, đầu tóc rối bù như chưa chải và thay cho cà vạt là một đoạn dây bẩn buộc qua cổ áo. Cậu ta đến tay không, không hành lý, không bàn chải đánh răng, chẳng lấy một món đồ để thay. Sự xuất hiện đột ngột của một người như thế trong gia đình nề nếp, khuôn phép như nhà Mauté de Fleurville lập tức bị xem là điềm gở, và thực sự quả là không sai.
Không phải Verlaine từng sống một cuộc đời yên ổn, có trách nhiệm trước khi bước vào cuộc hôn nhân mang tính hình thức này, cả trước lẫn sau này: ông đã buông mình hoàn toàn vào hai thói quen bị gia đình xem là tệ nạn: nghiện rượu và quan hệ đồng giới. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, với một người vợ còn chưa qua tuổi thiếu niên (Mathilde mới mười bảy), và đứa con sắp chào đời, Verlaine đang cố gắng sống đúng mực. Không điều gì có thể phá hỏng nỗ lực ấy nhanh hơn sự xuất hiện của cậu trai hoang dã kia, người công khai theo đuổi lý tưởng nổi tiếng không kém: “dérèglement de tous les sens” [phá vỡ quy tắc của mọi giác quan]. Khi đứa trẻ ra đời, Verlaine đã cố tỏ ra là một người chồng, người cha gương mẫu khi suốt ba ngày liền về nhà ăn tối rồi dành cả buổi tối ở bên vợ. Thế nhưng, đến ngày thứ tư, ông trở về nhà lúc hai giờ sáng, say xỉn và hung hãn; ông nằm ngủ trên giường của người vợ mới sinh, chân gác lên gối mà không tháo giày, khiến Mathilde phải nằm đó trân mắt nhìn những vệt bùn dính trên đó suốt hàng tiếng.
Mối quan hệ giữa Rimbaud và Verlaine là một chuỗi những biến cố, với Mathilde ở giữa hoặc, thường xuyên hơn, bị đẩy ra ngoài lề. Verlaine cần cả hai người và không thể hoàn toàn thiếu một trong hai, bất chấp sự hung bạo (với vợ) và sự ủy mị (dành cho người tình) - một sự kết hợp không thể chịu đựng nổi. Ví dụ cho điều đầu tiên là: mỗi khi Verlaine say xỉn trở về, ý nghĩ ám ảnh ông luôn luôn là tìm cách châm lửa đốt cái tủ nơi cha vợ cất đạn săn, nằm trong căn phòng sát bên Mathilde, ngay sát bức tường kê cái giường của cô. Có lần, mối đe dọa ngay gần kề cô: “Tôi sẽ đốt tóc cô!” ông nói, tay cầm que diêm đang cháy. Hình như cuối cùng ông chỉ kịp làm sém vài sợi tóc lòa xòa trước khi lửa tắt. Một lần khác ông gí dao vào cổ cô, lần khác nữa thì rạch tay và cổ tay cô. Rimbaud cũng có chung sở thích với những nhát cắt, chỉ khác là lần này Verlaine trở thành nạn nhân: một đêm, tại quán Café du Rat Mort, ông nói: “Đặt hai tay lên bàn; tôi muốn thử một thí nghiệm.” Verlaine ngoan ngoãn làm theo. Rimbaud liền rút dao ra và lia nhiều nhát vào tay ông. Verlaine giận dữ bỏ ra khỏi quán nhưng Rimbaud lập tức bám theo ra phố và lại đâm thêm một nhát nữa. Cũng như Verlaine từng làm tổn thương và lăng mạ Mathilde, Rimbaud cũng lăng mạ và gây thương tích cho Verlaine, song không ai trong số họ từng đủ sức dứt bỏ người còn lại. Bạo lực lên đến đỉnh điểm với ba phát súng lừng danh của Verlaine ở Brussels. Hai phát trượt, nhưng phát thứ ba trúng cổ tay Rimbaud. Chuyện lẽ ra đã kết thúc, nhưng chỉ vài giờ sau, trên đường ra ga - nơi Rimbaud định lên tàu một mình về Paris - Verlaine lại nổi cơn điên, rút súng ra vung vẩy trước mặt mẹ mình, người không hiểu vì sao lại đi theo họ, và thật khó tin là đến lúc ấy vẫn chưa ai tước lấy khẩu súng khỏi tay ông. Lo sợ lần này Verlaine sẽ không bắn trượt, Rimbaud gọi cảnh sát, và hành động tự vệ có phần hèn nhát ấy đã khiến chàng rể nhà Mauté de Fleurville bị kết án hai năm lao động khổ sai, dù sau đó Rimbaud cố rút lại lời buộc tội. Họ chỉ kịp giảm tội danh từ “mưu sát” xuống còn “cố ý gây thương tích”. Trớ trêu thay, không lâu trước vụ việc, chính Rimbaud đã viết cho Verlaine: “Chỉ khi ở bên tôi anh mới thực sự tự do.”
Rimbaud là một người có thiên phú phi thường nhưng chưa bao giờ tận dụng trọn vẹn tài năng của mình. Nhờ trí tuệ sắc bén, ông nhanh chóng học được nhiều thứ không mấy thiết thực, trong đó có hàng loạt ngôn ngữ như tiếng Đức, Ả Rập, Hindustani và Nga, rồi sau này là các thứ tiếng bản địa hữu dụng hơn, gắn liền với cuộc sống lưu vong của ông. Ông cũng học chơi piano trong thời gian ngắn, dù ban đầu phải luyện hàng tháng trời trên một cây đàn tưởng tượng vì mẹ không chịu thuê nhạc cụ, Rimbaud tự cắt bàn phím lên mặt bàn ăn và miệt mài tập dù không phát ra một âm thanh nào. Câu chuyện này có vẻ là thật, hoặc ít nhất đáng tin hơn nhiều giai thoại khác đã góp phần xây dựng nên huyền thoại Rimbaud: người ta kể (dù có lý do để ngờ rằng chính ông đã dựng chuyện) rằng ngay khi vừa chào đời, bà đỡ đặt ông lên một chiếc gối để đi lấy tã nhưng khi quay lại bà thấy đứa bé đã biến mất, đang bò về phía cửa, bắt đầu luôn cuộc đời phiêu bạt của mình.
Từ khi cuốn tiểu sử xuất sắc của Enid Starkie ra đời, ta đã biết khá nhiều về cuộc sống gần như du mục của Rimbaud sau khi từ bỏ văn chương: từng là người buôn cà phê, đốc công, thực dân, nhà thám hiểm, thành viên các đoàn viễn chinh, buôn vũ khí và có thể cả nô lệ. Nhiều lá thư ông viết trong những năm sống ở Abyssinia còn lưu lại, cho thấy ông, lần thứ hai hoặc ba, lại chán làm chính mình. Ngoại hình thay đổi - người to bè, râu ria - chỉ đôi mắt xanh là không đổi, thứ khiến ông, dù bề ngoài có thô kệch đến đâu, vẫn giữ được dáng dấp thi sĩ, điều không thể thiếu với những người từng làm thơ thời trẻ. Ông muốn làm giàu nhanh chóng, rồi dần giảm tham vọng, chỉ mong có đủ tiền để yên ổn sống tại Abyssinia. Ông muốn lập gia đình, sinh con, nhưng chẳng bao giờ chọn được ai. Trong thư gửi mẹ, ông hỏi: “Con có thể về nhà lấy vợ vào mùa xuân sang năm được không?” mong muốn ấy là thật, nhưng vẫn mơ hồ, vì ông viết thêm: “Mẹ nghĩ có ai chịu theo con sang đây không?” Không lâu trước đó, lúc ba mươi ba tuổi, ông viết cho gia đình: “Tóc con bạc gần hết. Cảm giác như cả cuộc đời mình đang mục rữa… Con kiệt sức. Không có việc làm, và sợ đến phát hoảng sẽ mất nốt chút tiền ít ỏi còn lại.” Ông sống khắc khổ, thanh đạm, và mọi dự định đều thất bại. Lúc thì tằn tiện từng đồng như một nông dân, khi lại dốc sạch vào một thương vụ liều lĩnh đòi hỏi sức lực khủng khiếp; có khi bị lừa, hoặc thương hại chính kẻ sắp lừa mình, để rồi mất trắng, lại quay về vạch từng kế hoạch chậm chạp trong cảnh thắt lưng buộc bụng. Chẳng có chuyện gì suôn sẻ với ông.
Trong khi đó, danh tiếng và uy tín của ông ngày càng lớn dần ở Paris, nơi Rimbaud đang dần trở thành một huyền thoại mà ai cũng mặc nhiên cho là đã chết. Một ngày nọ, đầu gối ông sưng tấy dữ dội, khởi đầu của căn bệnh lôi ông xuống mồ, căn bệnh ung thư hành hạ ông đến mức người ta phải khiêng ông qua sa mạc châu Phi trong cơn đau dữ dội và từ đó chuyển đến một bệnh viện ở Marseille.
Ông bị cắt một chân và chỉ có thể chống nạng mà đi, nuôi hy vọng sẽ được lắp chân giả. Nhưng căn bệnh tiếp tục tệ đi, dần dần khiến cả tay chân bất động, “nằm bất động trong thân xác như những cành khô còn bám trên thân cây chưa kịp chết hẳn”, theo hình ảnh ví von sinh động của nhà tiểu sử Enid Starkie. Ông uống trà thuốc phiện để giảm đau và kể cho hàng xóm nghe những chuyện xa xôi của một thời quá vãng. Ngày cuối cùng trước khi mất, trong tình trạng nửa tỉnh nửa mê, ông đọc cho em gái Isabelle chép một bức thư gửi hãng tàu hơi nước: “Tôi bị liệt hoàn toàn nên mong được lên tàu sớm. Xin cho biết tôi sẽ được đưa lên lúc nào.”
Ngày 10 tháng Mười một năm 1891, ông qua đời khi chưa tròn ba mươi bảy tuổi. Ông được chôn cất ở Charleville, quê hương mà ông căm ghét, không một lời điếu. Lúc bệnh đã nặng, khi có người hỏi ông về thơ và văn chương, Rimbaud chỉ đáp lại bằng một cái nhìn chán chường: “Giờ thì mấy cái đó còn nghĩa lý gì? Mẹ kiếp thơ ca!” Ý ấy không phải mới xuất hiện, cũng chẳng phải sản phẩm của đau đớn thể xác. Nhiều năm trước, trong bản thảo A Season in Hell [Une saison en enfer, Một mùa ở địa ngục], ông đã từng viết: “Giờ thì tôi có thể nói nghệ thuật là chuyện vô nghĩa.” Có lẽ đó mới là lý do thật khiến ông ngừng viết.
Thanh Nghi dịch