favorites
Shopping Cart
Search
Vitanova
Prev
Hạ 2024
Next

Henry James: Longstaff

26/09/2024 17:15

Cùng project Joseph Conrad - nhân vật trọng tâm của năm nay (kỳ mới nhất ở kia), project Henry James - bắt đầu từ Xuân 2023 - vẫn tiếp tục. Dưới đây là truyện mới nhất, xử lý bởi dịch giả của Melville ngắn.

 

Đám cưới của Longstaff

- Henry James

Bốn mươi năm trước, vào cái thời mà sự tự do mang tính truyền thống và truyền khẩu của các thiếu nữ Mỹ vốn vẫn làm chị em xứ khác tị hiềm chưa hiển lộ như thời nay, người ta đã xem việc một cô gái xinh đẹp như Diana Belfield lập hội cùng Agatha Gosling, người vừa là chị họ, vừa là bằng hữu, đi vòng quanh Âu châu mà không có bất kỳ sự bảo hộ nào khác chẳng có gì tai tiếng. Theo con mắt Âu châu, nàng có vẻ đẹp đủ khiến chuyến đi ấy rình rập nguy hiểm - vẻ đẹp báo ngay tại danh xưng, cái danh xưng họa nàng ra trong dáng vẻ cao và thanh, với cái đầu ung dung ưu tú, rồi từ đó thả xuống một vòng bím tóc màu nâu vàng, cái nhìn lẹ làng chân thành và những bước chân rảo. Nàng hay dắt theo chú chó lớn, con vật đã quen thói nhảy cẫng lên bên cạnh và cọ đầu mình vào đôi tay dài với ra của nàng; chẳng ngại nắng, nàng hiếm bao giờ bung cái ô dài mà chỉ gác hờ ngang vai, nom chẳng khác gì tư thế súng hỏa mai của một anh lính lúc diễu binh. Với vẻ bề thế ấy, nàng hiện ra chẳng khác gì bức tượng nữ thần săn bắn1 cổ xưa đầy quyến rũ mà chúng ta vẫn thường thấy qua nhiều bản sao trưng ở quá nửa số bảo tàng toàn thế giới. Ta ngờ ngợ về một bàn chân nàng mang xăng đan lộ ra bên dưới áo choàng thụng. Chính với bước chân ráo hoảnh của người đi săn đầy cảnh giác ấy, nàng bước lên con tàu cũ sẽ chở nàng tới những miền ngoại quốc. Đằng sau, người chị họ nhỏ nhắn của nàng đang tay xách nách mang hiện ra với một cung cách khác hẳn. Agatha Josling không đẹp, nhưng cô là người đồng hành sáng suốt và tận tâm nhất hạng. Hai người họ sống chung với nhau kể từ cái chết của mẹ Diana, sau khi người em họ được thừa kế toàn bộ tài sản. Việc đầu tiên nàng làm với khối di sản ấy là chia cho Agatha, người lúc ấy chẳng có một xu; việc thứ hai là mua thư tín dụng2 từ một giám đốc ngân hàng châu Âu. Đôi chị em họ ấy đã thề cùng nhau một mối thâm tình cổ điển - họ quyết giành cho nhau tất cả, như Hai quý cô xứ Llangollen3. Chỉ khác chỗ, dù tình cảm của họ dành cho nhau là độc quyền, xứ Llangollen của họ phải rộng mở. Họ sẽ theo lối vỉa hè của những thành phố cổ kính và dạo qua những băng ghế của các thánh đường gô-tích, cưỡi những con la leng keng qua các hẻm núi và ngồi giữa những kẻ bần nông có đôi mắt tối nhẻm bên bờ hồ xanh biếc. Người đời có thể lấy làm lạ việc một thiếu nữ vừa xinh xắn vừa nắm giữ trong tay một gia tài kếch xù lại bị để mặc cho đi kiếm niềm thỏa mãn cao trào trong một tình bè bạn điểm tô bằng những cuộc du ngoạn; nhưng Diana chưa bao giờ xem thú tiêu dao của mình là một sự thay thế nghèo nàn. Dù nàng chưa bao giờ tự nói, là người biên tiểu sử cho nàng thì có lẽ nên tiết lộ điều này; nói toạc ra, nàng có hàng trăm lời ngỏ ý. Chỉ nói nàng từ chối họ không thôi sẽ chưa đủ; họ còn khiến nàng thấy thực sự khinh thường. Những gã si đều thuộc hàng danh giá và được mến mộ, và thứ khiến nàng khinh thường không phải là họ; mà chính là cái ý về hôn nhân. Nàng không sao chịu được việc ấy; thêm một đặc điểm nữa giải thích tại sao tôi lại ví von nàng với nữ thần trong thần thoại. Nàng độc thân một cách say mê, trinh bạch một cách dữ dội; và trong đôi mắt xám rọi thẳng làm nam giới mến mộ, ẩn chứa một tia sáng màu bạc nào đó cấm đoán họ hy vọng. Diana trong truyền thuyết4 rốt cuộc đã đem lòng yêu một cậu bé chăn cừu đẹp đẽ, nhưng người trong hiện thực vẫn chưa tìm được Endymion của đời mình, dù đang ngủ hay thức.

Nhờ tia mắt phòng vệ này mà nguy hiểm trên chuyến đi của đôi khuê tú chưa vội hé lộ; cũng không thể bỏ qua sự hỗ trợ đắc lực theo cung cách đầy mực thước của người bạn đồng hành. Agatha Josling có sự trong trắng và tấm lòng nhân hậu ngang ngửa một tín đồ Quây-cơ; để làm vệ sĩ thì một con rồng hầm hố cũng cấm đọ nổi con chim câu ngực xám bóng lưỡng này. Tiền là một sự bảo hộ khác, và Diana có đủ tiền để mua lấy sự an ổn. Nàng đi khắp nơi và nhìn ngắm tất thảy những thánh đường và phong cảnh, những lâu đài và những chái nhà đã được hai người bạn biên danh mục suốt những cuộc tán gẫu khuya khoắt ở quê nhà, cạnh hai khối đèn sáp. Vào những đêm như thế, họ đã ngâm nga cho nhau những dòng thơ Corinne5Childe Harold6, và họ viết chung một nhật ký, không gian để họ “đồng tác,” như những kịch giả người Pháp, lồng đủ thứ trích dẫn từ các tác gia tôi vừa nhắc tới. Chuyện trú đời vào cỗ ngựa ấm cúng thì thú thật đấy, nhưng cứ ngắm mãi hàng dặm phong cảnh ngoài kia thì lưng nào cũng phải tê dại. Tậu những món lưu niệm hay nữ trang rẻ tiền dưới những lối vòm ngoại quốc thì hấp dẫn đấy; nhưng tệ xá nào cũng thông thốc gió lùa, và phải dùng những lọ nước nóng mà chườm chân thì thật không mấy dễ chịu. Vì những lý do đó, đôi khuê tú của chúng ta quyết định trú lại một nơi vào mùa đông, và họ chọn thị trấn Nice quyến rũ nhưng ít tiếng. Đó chỉ là một trong hàng trăm thôn dã ở Riviera - nơi có những lớp sóng xanh vỗ vào một bãi bờ gần như hoang vắng và những cây ô-liu nảy mầm trước cửa những tệ xá. Vào thời đó, Nice còn thuộc nước Ý, và “Promenade des Anglais”7 còn đang thành hình. Nhưng thực tế, nó thực sự đã tồn tại, và người ta đã thấy một hạn hữu bệnh nhân người Anh hưởng nắng tháng Giêng dưới những mái ô Luân Đôn trước biển lóng lánh. Hai người Mỹ của chúng ta lặng lẽ điền vào một chỗ trong xã hội vô hại này. Họ đánh xe dọc bờ biển, ngang qua những làng chài lộn xộn, tối đen và kỳ cục, và họ cưỡi lừa quanh những đồi cây trùng điệp. Họ vẽ màu nước và thuê một cỗ dương cầm; họ đăng ký mượn sách từ thư viện luân chuyển8, họ cắp sách đến học tiếng mẹ đẻ của Silvio Pellico9 từ một bà lão có đôi mắt đẹp cực kỳ, người cài một cây trâm khổng lồ nứt nẻ bằng ma-la-sít và tự nhận mình là vợ của một vong nhân La Mã.

Họ từng tới ngồi ở biển, mỗi người cuốn sách mượn từ thư viện luân chuyển; nhưng họ không đọc mấy. Giấy bắt nắng cứ lóa lên, và những con người thả bộ ngược xuôi thú vị hơn nhiều những quý bà quý ông hư cấu. Họ không dứt ánh nhìn đằng sau ô khỏi hai cô gái; họ muốn biết các cô bằng đôi mắt chính mình. Nhiều trong số đó là bệnh nhân - những bệnh nhân lao phổi cục mịch và chậm chạp. Nhưng phụ nữ vốn ưa chuộng trò thương hại, và tôi phải nói là cảnh tượng bộ khách xanh xao thật khiến lòng buồn bã. Tuy nhiên, đối với một vài trong số họ, hai cô bạn của chúng ta lại có một sự thích thú riêng; ngày nào hai cô cũng để ý họ; hai cô chú ý đến sự thay đổi trong thần sắc của họ, biết ai đang khỏe lên còn ai đang yếu xuống. Dầu thế, hai cô hiếm khi kết thân với ai - một phần bởi những người hư phổi thường không quảng giao, phần nữa bởi tính tình Diana vốn xa cách như thế. Nàng bảo bạn rằng mình không tới châu Âu để kết giao; họ đã bỏ những chiếc mũ bô-nét và ví đựng danh thiếp đẹp nhất ở nhà. Nguồn gốc sâu kín của sự dè dặt ấy là nỗi sợ rằng người khác sẽ bị “mê”; nghe có vẻ ngốc nghếch, nhưng đó chỉ đơn giản là một cách đảm bảo để khỏi vướng vào tình thế khó xử. Lần đầu trong đời, nàng đã thấy ở châu Âu những người đàn ông rất tởm - những nhà thám hiểm phông bạt với ngoại hình gớm ghiếc và đầu óc tham lam; và nàng có một nỗi sợ to lớn rằng một trong số các quý ông đó sẽ có ngày tiếp cận mình qua những khe hở ngẫu nhĩ trong sự dè dặt. Agatha Josling, người đã và sẽ không bao giờ có những nguyên nhân tương tự để giấu mình sau tấm lưng kiều diễm, thì hăng hái mở rộng vòng xã giao, thậm chí sẵn sàng mang chiếc mũ bô-nét đẹp nhất của mình để phục vụ mục đích ấy. Nhưng cô cũng phải bằng lòng với những tiếng xì xầm thảng hoặc từ cuộc gẫu trên băng ghế cạnh biển của hai hay ba cô gái người Anh trong nhóm nghiên cứu thực vật; những bà thím chưa chồng nhỏ người xởi lởi với đôi bốt nặng trịch, găng tay tới chỏ, thuộc “phường xấu xí”, đang kiếm tìm những vệ đường hoa hoét. Còn lại thì Agatha tìm vui trong những giả thuyết xoay tròn về những người cô chưa từng nói chuyện. Cô vẽ ra hàng loạt câu chuyện phiếm tự huyễn, nghĩ ra những giả định và lý giải - nhìn chung đều dưới cái nhìn bác ái. Người bạn đường của cô không tham gia vào những trò tưởng vô thưởng vô phạt ấy, ngoại trừ việc lắng nghe với một nụ cười biếng nhác. Nàng hiếm khi hạ cố tìm cách biện minh cho đồng loại của mình, và nếu họ muốn nàng chịu ghé mắt đọc câu chuyện đời mình thì phải dùng cỡ chữ thật to để chép nó ra giấy may ra.

Ở Nice có một nhân vật mà nếu chuyện đời của người này trải ra trước mắt nàng theo đúng hình thức này, có lẽ nàng sẽ lưu tâm đôi chút. Người để ý nhân vật này đầu tiên là Agatha; hoặc chí ít, Agatha là người nói chuyện với hắn trước. Hắn trẻ trung và có vẻ thú vị; Agatha dành rất nhiều thời gian nghĩ ngợi xem không biết hắn có thuộc phường bệnh tật kia không. Cô thích tin rằng một trong hai lá phổi của hắn bị “ảnh hưởng”; điều đó dĩ nhiên khiến hắn có vẻ lý thú hơn. Hắn từng đi dạo một mình và ngồi lâu dưới nắng, với một cuốn sách chuồi ra từ túi áo. Cuốn sách đó hắn chưa hề mở; lúc nào hắn cũng nhìn biển đăm đăm. Tôi nói lúc nào cũng, nhưng chính đây tôi xin phép sửa ngay câu từ; hắn nhìn biển những lúc không nhìn Diana Belfield. Hắn cao, người thẳng, mảnh khảnh, và theo lời Agatha Josling, có vẻ quý tộc. Hắn ăn vận lịch thiệp một cách hờ hững, và việc đó cứ khiến Agatha nghĩ đến một bức họa; có lần, cô đã liên tưởng hắn với một chàng hoàng tử mị tình. Sau này, cô mới nghe được từ một bà thím ở nhóm thực vật học rằng hắn không phải hoàng tử mà chỉ đơn thuần là một quý ông người Anh, mít-tơ Reginald Longstaff. Vậy câu hỏi còn lại là hắn có mị tình không; nhưng trong hoàn cảnh bấy giờ thì giả định này khó mà xác minh được. Dù vậy, người buôn tin với Agatha quả quyết rằng nhà Longstaff, những người đến từ một vùng mà ả từng đến thăm và có nhiều điền trang, nếu không nòi hoàng tử thì cũng thuộc dòng dõi khiến nhiều hoàng tử phải ghen tị. Đó là một trong những họ Anh cổ xưa và ưu tú nhất; họ thuộc vào những gia tộc đã bám rễ lâu đời ở đất nước này và dù không giữ tước hiệu, đầu họ ngẩng cao chẳng kém gì những bậc thượng tôn. Mít-tơ Longstaff tội nghiệp này đúng là mẫu vật xinh đẹp của một quý ông trẻ Anh Quốc; hắn trông thật mềm yếu, nhưng cũng thật can trường, thật nhún nhường, nhưng cũng đầy mê luyến! Hai thiếu nữ cứ quen miệng gọi hắn là Mít-tơ Longstaff “tội nghiệp”, bởi họ chắc mẩm rằng hắn vướng lụy. Cuối cùng, Agatha Josling cũng tìm hiểu được nguyên do và tuyên bố thật trọng thị kết quả của mình. Té ra mối lụy của mít-tơ Longstaff là bởi hắn đã đem lòng yêu Diana! Việc hắn đem lòng yêu ai cũng thường tình thôi, nhưng, như lời Agatha nói, làm sao có thể yêu nàng ấy được. Mít-tơ Longstaff xanh xao và hơi luộm thuộm; hắn có bao giờ mở miệng với ai; dễ thấy lòng hắn đang bận, và gương mặt hiền lành, chất phác kia hẳn là minh chứng chân xác cho thấy điều đang đè nặng lên trái tim hắn bấy giờ không phải là một dự định man trá. Thế thì là gì, ngoài một khối tình câm. Thế nhưng, vướng mắt không kém là tại sao mít-tơ Longstaff lại chưa hề có động tĩnh nào mưu cầu sự đáp đền.

“Sao hắn không thăm hỏi em bao giờ nhỉ?” Agatha Josling hỏi người đồng hành.

Chẳng có vẻ gì hứng thú, Diana đáp rằng đơn giản hắn không có gì để nói với nàng; và nàng quả quyết nhấn mạnh rằng mình cũng chẳng biết lấy chủ đề gì để bắt chuyện với người ấy. Nàng bảo thêm rằng hai người đã đàm tiếu đủ về người trai tội nghiệp ấy để dừng lại, và giả run rủi  hắn có ngốc tới nỗi xăm xăm đi bắt chuyện với họ thì nàng sẽ bỏ đi để lại hắn một mình với Quý cô Josling. Nói thế nhưng sự thật là từ trước, nàng đã xem hắn như người “xuất chúng” nhất xứ Nice; và sau đó, dù chẳng bao giờ khơi chuyện ra, hơn một lần nàng đã để người đồng hành huyên thuyên về đối tượng này rất lâu mà chẳng hề buột miệng rằng toàn bộ chuyện này thật vô nghĩa. Người duy nhất mít-tơ Longstaff nói chuyện là một người cao niên có diện mạo ngoại quốc thi thoảng lại tìm đến hắn với vẻ hết mực cung kính, người Agatha Josling cho là bề tôi. Chắc chắn y là người Ý; y có màu xun xoe, một cặp ria hoa râm, một nụ cười ẩn hiện. Có vẻ y tìm tới mít-tơ Longstaff để xin lệnh; sau đó, y rời ngay để giải quyết, và Agatha để ý rằng lúc nào thối lui y cũng gắng đi ngang qua mặt bạn mình và gắn lên đó một cái nhìn kính cẩn nhưng thấu thị. “Chắc ông ta biết tỏng bí mật,” cô bảo thế trong một câu đùa ý nhị; “chắc ông ta biết tỏng chủ nhân của mình gặp chuyện gì và muốn xem thử có chấp nhận em không. Mấy người hầu cao niên không thích chủ nhân của họ kết hôn đâu, và chị nghĩ em khiến ông ta phải đắn đo đấy. Dù gì thì cách ông ta nhìn em cũng nói lên nhiều điều rồi.”

“Ai chẳng nhìn em cơ chứ!” Diana uể oải nói. “Cấm được mắt họ chắc.

Vài tuần sau, Agatha Josling biết được căn bệnh mà mít-tơ Longstaff đang mắc là lao phổi. Vẻ điêu tàn của chàng trai trẻ tội nghiệp dần lồ lộ; hắn ngước đầu lên rất nhọc và chân sau khó dò kịp chân trước; người hầu phải có mặt luôn để dìu hắn hay choàng thêm cho hắn một cỗ áo khoác ngoài. Không ai dám khẳng định hắn mắc lao; nhưng Agatha đồng tình với bà thím buôn chuyện dòng dõi lúc trước rằng điều đó cũng đoán được; bởi lẽ, theo lời bà thím nhỏ thó người Anh, nếu không mắc bệnh thì hà cớ gì phải tỏ ra bí hiểm như vậy? Một thanh niên trẻ có xuất thân và điều kiện như thế mà mắc lao thì mới thảm làm sao, trong khi những người như thế thường rất giỏi giấu giếm và trưng ra một bộ dạng khỏe mạnh tuyệt vời. Như thế thì lũ xu nịnh để hưởng gia sản và đám người thân thích đói khát mới đỡ điêng cuồng ủ mưu tính kế. Agatha thấy những ngày cuối đời của chàng trai tội nghiệp sao quá đơn độc. Cô rất muốn đề nghị săn sóc hắn, bởi không chung họ hàng gì nên hắn đỡ phải nghĩ rằng cô tới vì hám lợi. Hết lần này đến lần khác, hắn nhổm dậy từ băng ghế quen và chậm rãi bước ngang qua hai người bạn. Mỗi lần hắn tới gần, Agatha đều có một cảm giác kỳ lạ - một niềm tin vững chãi rằng hắn sắp sửa mở lời với họ. Hắn sẽ nói với sự nhã nhặn tuyệt đối nghiêm chỉnh- cô không thể tưởng tượng khác được. Từ xa, hắn mở màn bằng ánh mắt từ tốn, dịu dàng hướng về Diana, và khi hắn tới, ta có thể bảo rằng hắn đang đi thẳng tới chỗ nàng với những lời ca tụng run rẩy. Nhưng càng tới gần, vẻ cương nghị của hắn càng nao núng; rồi hắn đi chậm hơn, mắt phóng ra biển và vuột qua nàng mà không dám chỉ một lần đưa mắt nhìn nàng. Rồi cũng điệu bộ đó hắn quay lại chỗ nghỉ, thả người xuống băng ghế, để vẻ nhọc nhằn bởi một cuộc dạo vô nghĩa trùm lên và tuồi vào cơn mơ man mác. Nói buông tuồng như thế thì dễ gán ghép cho những hành động đó một sự hung hăng không hề có. Ở đây có chút gì chân thành và mẫn tiệp giữ cho mọi thứ hoàn toàn kín đáo, và có thể quả quyết rằng không kẻ biếng nhác nào trên bờ biển phát hiện được “mối bận tâm” lặng thầm của chàng trai trẻ.

“Chẳng hiểu sao cứ bị nhìn luôn như thế mà không thấy khó chịu chút nào,” một hôm Agatha Josling nói.

“Ai nhìn?” Diana nói, lòng chẳng bận.

Agatha nhìn chằm chặp bạn mình một đỗi - rồi từ tốn nói:

“Mít-tơ Longstaff. Đừng có mà ‘Mít-tơ Longstaff là ai?’ đấy nhé,” cô chêm vào.

“Thật lòng thì em cũng chẳng để ý,” Diana nói, “là cái người chị đang nhắc tới có nhìn mình hay không. Em có bao giờ thấy gì đâu.

“Em mà quay sang nhìn lại thì hắn lại lỉnh đi chỗ khác chứ sao. Hắn đâu dám chạm mắt em. Nhưng chị thấy tỏng.”

Cuộc đối thoại ấy diễn ra lúc họ ngồi như lệ thường trước mặt biển lóng lánh; và, cũng như lệ thường, trước mặt họ là Reginald Longstaff đang đi lại ngẩn ngơ. Diana nhoài về phía trước để nhìn hắn. Hắn cũng đang nhìn nàng, và đó là lần đầu tiên mắt họ chạm nhau. Diana đưa mắt xuống, về lại trang sách, rồi sau một đỗi im phắc, “Nhưng em thì thấy khó chịu đấy,” nàng bảo. Đoạn, nàng nói sẽ về nhà biên thư, và dù nàng chưa bao giờ rời Agatha nửa bước ở đất châu Âu này, quý cô Josling vẫn thuận cho nàng về một mình. “Em tự đi được chứ?” Agatha hỏi. “Cũng chỉ ba phút thôi.”

Diana đáp rằng nàng cũng thích đi một mình hơn, và rồi đi khỏi, với chiếc ô gác hờ qua vai.

Agatha Josling có lý do đặc biệt để phá vỡ thông lệ trinh trang của họ. Cô đột nhiên tin chắc rằng nếu ở lại một mình, mít-tơ Longstaff sẽ đến bắt chuyện với cô và nói một điều gì đó vô cùng hệ trọng, và cô tự cho rằng niềm tin này chẳng có gì trâng tráo. Nó hàm một vẻ gì đó nghiêm nghị; linh cảm mách bảo cô như thế, nhưng nó không khiến cô sợ hãi; nó chỉ khiến cô cảm thấy thật cảm kích. Đúng thật là sau mười phút (sao thấy thật lâu), cô thấy chàng trai đứng dậy và chậm rãi tiến về phía mình, khiến dâng lên trong cô một niềm lo lắng. Mít-tơ Longstaff đến thật gần, rồi ngay bên cạnh; hắn dừng lại và đứng nhìn cô. Cô đã ngoảnh đầu sang chỗ khác để tỏ vẻ không ngóng đợi hắn; nhưng giờ cô cũng nghiêng đầu về, và hết mực nhã nhặn, hắn nhấc mũ.

“Tôi có thể mạo muội ngồi đây được chứ?” hắn nói.

Agatha cúi người không nói và xếp khăn choàng của Diana sát vào người để chừa ra một khoảnh trên băng ghế. Hắn từ tốn ngồi xuống và nói rất dịu dàng.

“Tôi đã mong chờ được nói chuyện với cô từ lâu, bởi tôi có điều này quan trọng cần tỏ bày.” Giọng hắn run run và gương mặt rất đỗi xanh xao. Đôi mắt mà Agatha thấy thật tròn đẹp của hắn dường như đang trưng một sự sốt sắng bất thường.

“Tôi e rằng anh đang bị bệnh,” cô nói, với vẻ ân cần rất mực. “Tôi hay để ý thấy và cảm thương anh lắm.”

“Tôi cũng nghĩ thế, thảng hoặc,” người trai nói. “Do đó tôi mới quyết định đến gặp cô nói chuyện.”

“Bệnh tình anh đang trở nặng,” Agatha dịu dàng nói.

“Vâng, tôi đang trở nặng; tôi đang chết dần. Điều đó thì tôi rõ lắm; tôi không mộng tưởng gì đâu. Tôi rã đi từng ngày; chắc được vài tuần nữa thôi.” Hắn nói ra điều này rất giản dị; buồn nhưng không thảm.

Nhưng Agatha thì gần như chết lặng; trái tim cô bỗng chộn rộn những cảm giác vi tế về tình chị em ruột rà với chàng trai trẻ xinh đẹp đang ngồi bên cạnh mình và nói về cái chết với vẻ phục tùng như vậy.

“Chẳng lẽ không làm gì được nữa ư?” cô bảo.

Hắn lắc đầu mỉm cười. “Không làm gì được nữa ngoài cố gắng tìm cho mình chút niềm vui từ quãng đời còn lại này.”

Dù cười nhưng cô thấy hắn đang rất nghiêm túc; hắn đang thực sự kích động và đang cố gắng làm chủ cảm xúc của mình.

“Tôi e rằng anh chẳng có mấy niềm vui,” Agatha thêm vào. “Anh trông cô độc thế mà.”

“Tôi cô độc vô cùng. Tôi không có gia đình - không thân thích. Tôi hoàn toàn cô độc.”

Agatha nhìn hắn với ánh mắt đầy trắc ẩn, và rồi...

“Lẽ ra anh phải nói với chúng tôi chứ,” cô bảo.

Hắn chỉ ngồi nhìn cô; mũ hắn đã cởi; hắn chậm rãi đưa tay quệt trán. “Thì cô thấy đó, cuối cùng tôi cũng đã làm.”

“Lúc trước anh cũng muốn thế ư?”

“Lúc nào cũng.”

“Tôi cũng nghĩ thế,” Agatha chẳng giấu giếm gì, một sự thành thực ẩn chứa lòng thương.

“Nhưng tôi không thể,” mít-tờ Longstaff nói. “Không lần nào tôi thấy cô ngồi một mình cả.”

Trước khi kịp nhận ra, Agatha đã thoáng đỏ mặt; bởi chỉ nghe qua thì có vẻ lời nói của hắn ngụ ý rằng cô chính là nơi chốn duy nhất để hắn tín thác những niềm vui đang tìm kiếm. Nhưng ngay sau đó, cô đã hiểu ra rằng hắn chỉ đơn giản muốn nói rằng hắn say mê người bạn của cô đến mức hãi nàng, và việc hắn dám mò tới nói chuyện với cô đã chứng tỏ rằng hắn nghĩ cô kém dữ dội lẫn kém hấp dẫn hơn nhiều. Mặt cô thoáng nhạt đi bởi đâu còn dỗi hờn để giữ đào đôi má, và cũng chẳng chút dỗi hờn nào khi giờ cô đã hiểu ra, dù cho người bên cạnh đang nhìn thẳng vào cô với đôi mắt nhiệt thành căng mở, tâm trí hắn nghĩ tới Diana nhiều tới mức chẳng hề hay biết thoáng bối rối bâng quơ này.

“Vâng, quả là thế,” cô bảo. “Đây là lần đầu tiên chúng tôi tách nhau ra.”

“Nàng thật đẹp,” mít-tơ Longstaff nói.

“Rất đẹp - cả trong lẫn ngoài.”

“Vâng, vâng,” hắn chêm vào, rất đỗi nghiêm trang. “Tôi biết chắc mà. Tôi biết mà!”

“Tôi rõ hơn anh cái sự ấy,” Agatha nói, thoáng cười.

“Bởi vậy nên tôi mong cô kiên nhẫn hơn với những gì tôi sắp nói. Lạ lùng thay cái chuyện ấy; nó sẽ làm cô tưởng tôi điên. Nhưng không đâu; tôi vô cùng tỉnh táo. Rồi cô sẽ thấy.” Rồi hắn ngừng một đỗi; giọng lại bắt đầu run rẩy.

“Tôi biết anh định nói gì mà,” Agatha nói rất hồn hậu. “Anh yêu bạn tôi chứ gì.”

Mít-tơ Longstaff nhìn cô với vô vàn cảm kích; hắn nhấc một góc khăn choàng màu xanh biếc mà hắn thường thấy Diana mang đưa lên môi mình.

“Tôi cảm kích khôn xiết!” hắn ca lên. “Cô không nghĩ tôi điên đấy chứ?”

“Anh mà điên thì thiên hạ điên nhiều vô kể,” Agatha bảo.

“Ngoài kia dĩ nhiên là nhiều lắm. Tôi tự nhủ thế để tự an ủi. Họ chẳng được gì ngoài tình cảm của chính mình, nghĩa là, dầu tôi chẳng được gì và chẳng có gì, tôi cũng không tệ hại hơn phần còn lại. Nhưng chẳng phải họ có nhiều hơn tôi đấy sao? Cô thấy đấy, tôi chẳng được gì - ngay cả một ánh nhìn,” hắn tiếp tục. “Tôi chưa bao giờ thấy nàng nhìn tôi. Tôi không chỉ chưa từng nói chuyện với nàng mà còn chưa một lần đến đủ gần để nói chuyện. Đây là điều duy nhất tôi có được - đặt tay lên thứ nàng từng khoác; khi tháng trước tôi hãy còn ngày đêm nghĩ về nàng. Ngồi kia, cách hàng trăm thước, chỉ bởi nàng ngồi đây, chung một ánh dương, ngắm chung một mặt biển; bấy nhiêu thôi với tôi là hạnh phúc. Tôi đang chết, nhưng năm tuần vừa rồi đã khiến tôi bừng sống. Vì điều đó mà tôi thức dậy mỗi ngày và ra đây; nhưng cũng vì điều đó, lẽ ra tôi nên cứ ở lì nhà và không bao giờ dậy nữa. Tôi chưa bao giờ trông được trình diện nàng, bởi tôi sợ sẽ gieo thêm rắc rối đẩu đâu cho nàng. Tôi thấy cái việc thổ lộ với nàng sao mà suồng sã. Tôi chẳng có gì dâng nàng - tôi chẳng là gì ngoài cái bóng đổ xuống từ một con người đang sống, và giả rằng tôi có quả cảm mà đến bảo nàng, ‘Madam, tôi yêu cô,’ chắc nàng chỉ đáp, ‘Thế, thưa ngài, thì làm sao?’ Không gì cả - Hoàn toàn không! Cái việc thổ lộ ấy tôi tưởng chẳng khác gì nhấc nắp mả trên gương mặt nàng. Biết điều thì sẽ không làm thế; nên tôi cứ giữ khoảng cách và không nói gì. Ngay cả chỉ có thế, như tôi nói, đã là một niềm hạnh phúc, nhưng niềm hạnh phúc ấy đang làm tôi điêu tàn. Hôm nay tôi phải đặt đoạn cuối cho nó thôi. Tôi phải từ bỏ và chấm dứt thôi!” Và hắn ngưng, thoáng thở dốc, lộ rõ về kiệt quệ bởi bản độc thoại của mình.

Agatha nghe đến tình yêu từ cái nhìn đầu tiên suốt; cô đã đọc về sự ấy trong thi ca và tiểu thuyết diễm tình, nhưng cô chưa bao giờ nghĩ nó gần mình đến thế. Với cô, nó đẹp vô cùng, và cô tin vào nó bằng lòng sùng kính. Nó khiến mít-tơ Longstaff trở nên cực kỳ thú vị; nó điểm hào quang lên ngũ quan hắn, vóc vẻ hắn và những lời nỉ non trong giọng hắn. Những bà thím người Anh nhỏ bé đã đúng; hắn quả là một quý ông hoàn hảo. Cô có thể tin hắn.

“Có lẽ nếu anh ở nhà một quãng thì sẽ khá lên,” cô an ủi.

Qua cách nói, hắn biết cô đã chấp nhận rằng khối tình của mình là mực thước và thành thật, thế là hắn đưa ra một bàn tay, rồi đặt ngay lên tay cô.

“Tôi đã biết cô là người thích hợp - tôi đã biết tôi có thể nói chuyện với cô mà. Nhưng có lẽ tôi chẳng khá lên được đâu. Tất cả bác sĩ giỏi nhất điều bảo thế rồi, và tôi cũng tin họ. Nếu nỗi tha thiết cực cùng được khỏe lên để làm một điều gì đó có thể tạo ra phép mầu và cứu rỗi căn tử bệnh thì đáng ra hai tháng trước phép mầu đó phải xuất hiện rồi. Được khỏe lên và được nói chuyện với bạn cô - đó là tha thiết cực cùng của tôi. Nhưng tôi yếu lắm rồi; tôi yếu lắm rồi, và có lẽ tôi sẽ chẳng thể ra đây được nữa. Hôm nay tôi đã nghĩ không nên gặp lại các cô nữa, nhưng tôi vẫn rất muốn bày tỏ điều này! Nó làm tôi đau khổ lắm. Thật may sao lại gặp dịp nàng rời khỏi! Tôi cảm kích vô cùng; hóa ra Thượng đế đã không nghe những nguyện cầu to tát của tôi, nhưng Ngài đã thí cho những lời bé nhỏ. Tôi xin cô hãy giúp tôi một việc. Truyền lại nàng những lời tôi nói. Nhưng không phải lúc này - chờ khi tôi chết đi hẵng. Đừng gieo thêm rắc rối cho nàng khi tôi vẫn còn trên đời. Làm ơn hãy hứa với tôi như thế. Khi tôi chết rồi, điều ấy sẽ ít bức thiết hơn, bởi lúc ấy, cô có thể nói về tôi trong ký vãng. Nó sẽ giống như một câu chuyện vậy. Người hầu của tôi sẽ đến báo cho cô. Sau đó, làm ơn hãy bảo nàng - ‘Em là điều cuối anh ta nghĩ về, và ước nguyện cuối cùng của anh ta là em biết được điều đó.’” Hắn chậm rãi đứng dậy và chìa tay ra; người hầu của hắn nãy giờ vẫn đứng từ xa tiến lại với một vẻ kính cẩn khúm núm, như thể nhiệm vụ của y là điều chỉnh cách đi đứng sao cho hợp với màu sắc cuộc trò chuyện của chủ nhân. Agatha Josling cầm lấy bàn tay chàng trai, và hắn đứng đó nhìn cô thêm một chốc. Rồi cô cũng đứng dậy; lòng thán ngạc vô vàn.

“Cô sẽ không nói cho đến lúc...?” giọng hắn khẩn khoản. Cô gật đầu. “Và cô sẽ nói với nàng thật chân thành chứ?” Cô gật, hắn bắt lấy tay cô rồi đội mũ lên, tựa vào vai người hầu, chầm chậm đi khỏi.

Agatha giữ lời; cô không nói gì với Diana về cuộc trò chuyện ngày hôm đó. Hết ngày này đến ngày nọ, hai thiếu nữ người Mỹ vẫn ra ngồi trước biển, và Agatha cứ dáo dác tìm hình bóng của mít-tơ Longstaff. Nhưng đợi chờ dần vô vọng; hắn biền biệt mấy ngày, và sự vắng mặt ấy xác tín dự đoán buồn thảm của chàng trai ấy. Cô nghĩ đó chính là điều tuyệt vời nhất mà một phụ nữ có thể nhận được, và khi nghi hoặc nhìn qua bạn đồng hành xinh đẹp của mình, cô gần như phát bực khi thấy nàng ngồi đó thật vô tư và thản nhiên, trong khi có một chàng trai trẻ tội nghiệp đang, như lời người ta hay nói, chết vì tình yêu dành cho nàng. Trong một lúc, cô tự hỏi liệu rằng, bỏ qua lời hứa của mình, phải chăng sẽ đúng nghĩa vụ Cơ đốc hơn nếu cô kể cho Diana câu chuyện trên và cho nàng một cơ hội để tìm đến hắn. Nhưng đã biết rõ niềm kiêu hãnh bệ vệ của bạn - mà mình không có, Agatha chợt nhận ra rằng dù có biết tình cảnh của hắn đi chăng nữa, chắc gì Diana đã chịu làm gì; và sẽ thật đau lòng khi phải chứng kiến điều đó. Mặt khác, cô đã hứa, và cô là người luôn giữ lời. Nhưng tâm can cô không dứt khỏi hình bóng mít-tơ Longstaff và cuộc lãng mạn này. Điều ấy thôi cũng làm cô âu sầu, và cô trở nên lặng lẽ hơn thường lệ. Bỗng, cô bị kéo ra khỏi cơn mơ màng khi Diana bỗng bâng quơ thắc mắc không biết điều gì xảy ra với chàng trai trẻ cô độc hay ngồi ở băng ghế bên cạnh và cho họ vinh dự được chiêm mộ rồi.

Gần như đó là lần đầu tiên trong đời mình Agatha Josling phải giấu giếm tận tình như thế.

“Chắc hắn bỏ đi, hoặc chết gí trên giường rồi. Có khi hắn đang một mình hấp hối ở nhà trọ tồi tàn của phường hám lợi cũng nên.”

“Sao chị không nghĩ ra cảnh gì sáng sủa một chút,” Diana nói. “Em thì nghĩ hắn đã sang Paris và đang ăn một bữa tối thật thịnh soạn ở một nhà hàng hạng ưu.”

Agatha im lặng hết một đỗi; và rồi...

“Chị không nghĩ em lại quan tâm hắn ra sao đấy,” Agatha đánh liều dò hỏi.

“Ôi, tại sao em phải quan tâm?” Diana đáp.

Và Agatha Josling buộc phải thừa nhận đúng là chẳng có lý do gì. Nhưng có một sự kiện đã chứng minh điều ngược lại. Ba ngày sau, cô có một cuộc du hí dài với bạn mình và chỉ trở về khi hoàng hôn sập xuống. Khi họ bước xuống cỗ xe ngựa dừng trước quán trọ, cô bắt gặp một bóng người đang đứng trên phố khá tách biệt, nên dầu trong choạng tối vẫn toát ra cảm giác quen quen. Nhìn thêm lần nữa, cô tin chắc đó là kẻ hầu của mít-tơ Longstaff - đang loay hoay tìm kiếm sự chú ý của cô. Ngay lập tức, cô rộng rãi đáp ứng. Diana bước ra khỏi xe và đi vào nhà, trong khi người đánh xe nhân thể xin lệnh cho ngày mai. Agatha điểm lại những điều quan trọng và trước khi đi vào, ngoảnh nhìn bóng dáng lập lờ kia. Y đứng kiễng chân, mũ trên tay và lắc đầu buồn bã. Không khí phiền muộn ken đặc quanh người đàn ông già nua chứng tỏ rằng mít-tơ Longstaff là một ông chủ độ lượng, và y bắt đầu chào hỏi quý cô Josling bằng thứ tiến Pháp lơ lớ, thường được sử dụng bởi những gia nhân người Ý thạo đời.

“Tôi phải lỉnh khỏi giường quý ngài yêu quý của mình để nói với cô đôi câu. Bà lão ở sạp hoa quả đối diện mách rằng cô đã đi bằng xe ngựa, nên tôi đợi; nhưng quãng đợi ấy dài như vạn năm trời!”

“Nhưng ông không để chủ nhân của mình một mình đấy chứ?” Agatha nói.

“Ngài có hai Dì phước bên cạnh - cầu trời ban họ! Họ túc trực bên ngài đêm ngày. Ngài yếu lắm rồi, pauvre cher homme10!” Và ông già nhìn người phụ nữ bé nhỏ bằng ánh mắt trong trẻo, nhân từ, thông cảm, mà những người Ý thuộc mọi giai tầng dùng để bắt nối với nhau bất chấp cách biệt xã hội. Agatha cảm giác rằng y đã biết bí mật của chủ nhân mình và cô có thể thoải mái mà nói với y về điều đó.

“Anh ta đang hấp hối sao?” cô hỏi.

“Là thế đấy, quý cô thân mến! Ngài kiệt cùng rồi. Bác sĩ cũng đành chịu; nhưng họ không chẩn ra bệnh. Họ khám cả cơ thể rệu rã của ngài, nào là nghe phổi, xét lưỡi, đếm nhịp tim; họ biết ngài ăn gì và uống gì - điều đó dễ thấy thôi! Nhưng họ làm sao thấy được suy tư của ngài, hỡi quý cô thân mến. Bởi thế bác sĩ chẳng lợi bằng tôi đâu. Tôi biết bí mật của ngài - tôi biết ngài đang tương tư cô gái xinh đẹp trên kia!” và ông già chỉ vào cửa sổ tầng trên của ngôi nhà.

“Chủ nhân của ông đã nói với ông à?” Agatha gặng hỏi.

Y hơi đắn đo; rồi lắc đầu và đặt tay lên tim:

“Ôi, quý cô thân mến,” y bảo, “điều quan trọng là tôi đã nói với ngài hay chưa thôi. Xin thừa nhận là chưa; ngài yếu quá rồi. Nhưng tôi quyết làm bác sĩ một phen và chữa cho ngài bằng một phương thuốc chưa ai nghĩ đến. Cô giúp tôi được không?”

“Nếu trong khả năng,” Agatha nói. “Phương thuốc của ông là gì?”

Y chỉ lại về cửa sổ tầng trên của ngôi nhà.

“Người bạn đáng yêu của cô! Hãy đưa nàng ấy đến bên giường ngài.”

“Nếu hắn đang hấp hối,” Agatha bảo, “thì việc ấy giúp được gì sao?”

“Ngài đang hấp hối vì đợi chờ điều ấy. Đó chỉ là ý tưởng của tôi, và tôi nghĩ là đáng thử một phen. Khi một chàng trai trẻ yêu một cô gái xinh đẹp nhưng chưa hề được một lần chạm vào đầu găng nàng, hắn sẽ rơi vào tử bệnh và dần tàn rữa, có thể dễ dàng nhận ra bệnh của hắn hoàn toàn không đến từ việc nuông chiều bản thân quá mức mà ngược lại! Nếu cách xa nàng làm hắn suy tàn, có lẽ hắn sẽ bừng dậy khi  có nàng kề bên. Dù sao thì đó cũng là lý luận của tôi; và lý luận chính xác sẽ cứu một kẻ đang ở bờ vực. Xin hãy để người thiếu nữ ấy đến và đứng bên giường ngài một đỗi, đặt đôi tay nàng lên bàn tay ngài. Rồi ta sẽ thấy điều gì xảy ra. Nếu ngài khỏe dậy, cách ấy quả công hiệu; nếu điều ngược lại xảy ra thì cũng không thiệt hại gì. Một thiếu nữ trẻ sẽ gặp nguy hiểm gì khi đến gặp một quý ông tội nghiệp đang nằm mê man giữa hai người phụ nữ thiêng thánh chứ.”

Agatha vô cùng thán ngạc trước lý lẽ hết sức sinh động này, nhưng cô đáp rằng gần như không thể khiến người bạn xinh đẹp thực hiện cuộc thăm viếng khả ái ấy nếu không có lời mời đặc biệt từ chính mít-tơ Longstaff. Mà dù hắn có van nài Diana đến thì Agatha cũng không chắc bạn mình sẽ đi; nhưng gần như chắc chắn rằng nàng sẽ không chịu đi một nước phi thường như thế chỉ vì lời đề nghị của một người hầu.

“Nhưng cô, thưa quý cô thân mến, cô may thay đâu phải người hầu,” ông già thêm vào. “Cứ xem như đề nghị ấy là của cô vậy.”

“Nếu tôi nói thì e rằng chẳng mấy tác động, bởi nàng đâu biết tôi thân thuộc chủ nhân tội nghiệp của ông?”

“Cô chưa kể lại với bạn mình những lời ông chủ tôi nói với cô hôm trước ư?”

Agatha trả lời câu hỏi này bằng một câu hỏi khác.

“Hắn có nói cho ông những lời đã nói với tôi không?”

Người đàn ông già vỗ trán, mỉm cười.

“Một người hầu tốt, cô biết đấy, không đợi phải được bảo thì mới biết! Nếu cô chưa nhắn nhủ những lời của chủ nhân tôi với tiểu thư, tôi van cô hãy mau chóng làm đi. Tôi chỉ e rằng nàng nhiều phần lạnh nhạt.”

Agatha nhìn lảng về cửa sổ tầng trên, lặng lẽ gật đầu. Cô cảm thấy cực kỳ khó hiểu khi mình đứng đây nói về tính nết Diana với kẻ hầu già này; nhưng tình thế bấy giờ kỳ lạ và lãng mạn tới nỗi những giới hạn thông thường đã bị xóa bỏ hoàn toàn, và việc một valet de chambre11 người Ý lại xử sự chân thành và tha thiết hệt như kẻ hầu trong một vở hài kịch cổ điển trở thành chuyện đương nhiên.

“Nếu cần thiết thì chủ nhân thân mến của tôi sẽ gửi lời mời đến tiểu thư,” người hầu của mít-tơ Longstaff tiếp tục, “tôi có thể đoan chắc ngài sẽ làm thế. Trong lúc đó, xin cô mau chóng nhắn nhủ với nàng. Nếu nàng lãnh đạm, xin cô ấp nồng cho! Xin cô hãy nói về ngài thật ấn tượng với nàng. Nếu em thấy ngài, quý ông tội nghiệp, nằm đó im lìm và đẹp đẽ như thể bức tượng tạc chính mình trong một campo santo12, chị nghĩ em sẽ thấy thú vị.”

Hình ảnh đó có vẻ làm Agatha xúc động lắm, nhưng cô chợt nhận ra rằng cuộc nói chuyện với người của mít-tơ Longstaff, bấy giờ đã kéo dài quá mức, đang dần đi vào đêm muộn. Cô đột ngột kết thúc cuộc chuyện sau khi đã khẳng định với đối phương sẽ làm theo những lời được mách; và cô sẽ tin lại với bạn mình bằng vẻ sốt sắng nhất có thể. Đến tối muộn cùng hôm, sự sắng sốt bùng ra. Cô vào phòng Diana và thấy nàng đang choàng áo ngủ trắng đứng trước gương, những bím tóc nâu đỏ buông xõa xuống tận đầu gối; và rồi, cầm đôi tay bạn mình, cô kể câu chuyện về mối mê của chàng trai trẻ người Anh nọ, kể về chuyện hắn đã đến băng ghế cạnh biển để bày tỏ với cô vào cái hôm Diana về trước và chuyện người hầu đáng kính của hắn vài giờ trước đã đến nói với cô điều tương tự. Diana lắng nghe, thoạt tiên má ửng, nhưng rất nhanh thay bằng cái cau mày lạnh lùng, gần như tàn nhẫn.

“Hãy vì hắn rủ lòng,” Agatha Josling nói - “xin em rủ lòng cho hắn, rồi đi mà gặp hắn.”

“Em không hiểu,” người bạn cô đáp, “và nó làm em thực khó chịu vô cùng. Mít-tơ Longstaff là gì với em cơ chứ?” Nhưng trước khi đi, Agatha đã cố thuyết phục nàng rằng nếu thực sự có lời mời đến từ chính chàng trai trên giường bệnh ấy, nàng hãy tới.

Lời mời đến thật, tất nhiên là do người hầu sốt sắng của kẻ bệnh tật mang tới. Y trở lại vào ngày hôm sau, nhắn nhủ rằng ông chủ của mình mạn phép xin mười phút chuyện trò với hai thiếu nữ. Họ đồng ý đi theo và được y dẫn đến nơi ở của mít-tơ Longstaff. Diana vẫn giữ vừng trán khó ở của mình, nhưng nó khiến nàng giống vị nữ thần săn bắn đầy cảnh giác hơn bao giờ hết. Dưới sự chỉ dẫn của ông già, họ bước qua một vuông cửa thấp trên mảng tường vàng, băng qua một khu vườn xum xuê đầy cây cam và hồng mùa đông, và bước vào một phòng khách ốp ván trắng, nơi sau đó họ được để lại trước một chiếc đồng hồ theo phong cách Empire cổ điển rất lớn treo trên một lò sưởi theo kiểu miền nam đã nguội củi. Họ đợi một đỗi; cánh cửa phòng bên hé mở và hai dì phước đội mũ trùm có hai cánh trắng với đôi bàn tay lồng vào nhau trong tay áo bước ra và đứng hướng mắt nhìn xuống hai bên ngưỡng cửa. Đoạn, người hầu hiện ra giữa họ và ra hiệu cho hai cô gái cất bước. Họ làm theo nhưng ngần ngại nhiều phần, và y dẫn họ đến buồng ngủ của người đàn ông đang lâm chung. Tại đây, y trỏ vào phía giường và lặng lẽ tách đi; nhưng vẫn để ngỏ cánh cửa nối với phòng khách, nơi y đến đứng chung với các dì phước.

Diana và bạn đứng cùng nhau ở giữa căn phòng sập tối, chờ người mời họ tới mở lời gọi. Hắn nằm trên giường, đầu tựa gối, hai tay để ngoài chăn. Trong một chốc, hắn chỉ nhìn họ mà không nói gì; người hắn trắng bệch như cái chăn hắn đang đắp, và giống hệt một người sắp chết. Nhưng hắn cố sức nhổm dậy, gọi ra bằng giọng cực kỳ yếu ớt.

“Các cô có thể vui lòng đến sát hơn không?” mít-tơ Longstaff nói.

Agatha Josling nhẹ nhàng đẩy bạn mình về phía giường, phần cô đi lần theo sau. Diana đứng đó, vẻ cau có đã biến mất; và chàng trai ngồi dựa vào gối nhìn nàng. Một màu lớt phớt tô lên gương mặt hắn, và hai tay hắn lồng vào nhau trước ngực. Nhiều quãng, hắn không làm gì ngoài ngồi nhìn người thiếu nữ xinh đẹp trước mắt. Quả là một phen khó xử cho nàng, và Agatha nơm nớp rằng một lúc nào đó cô bạn mình sẽ quay phắt đi trong khinh bỉ. Nhưng dần dần, vẻ ép buộc đầy kiêu hãnh và sự phục tùng máy móc của nàng đã chuyển sang thứ gì nhẫn nại và xót xa hơn. Gương mặt của chàng thanh niên người Anh tỏ ra một vẻ ngây ngất tâm can rõ ràng đến mức không thể không cảm nhận được; nó khiến cho cuộc gặp có một vẻ thiêng kỳ lạ.

“Cô thực rộng lượng mà cất công đến đây,” cuối cùng hắn cũng mở lời. “Đến nghĩ tôi cũng chẳng dám nghĩ rằng cô sẽ đến. Chắc cô biết - chắc bạn cô, người đã lắng nghe tôi tha thiết, đã nói với cô rồi?”

“Phải, nàng biết rồi,” Agatha lầm bầm - “nàng biết rồi.”

“Tôi không ngờ cô biết trước khi tôi chết,” hắn tiếp tục; “nhưng” - và hắn dừng một dỗi, thít chặt đôi bàn tay đang đan vào nhau - “tôi không đợi nổi! Và khi tôi cảm giác mình không đợi nổi, một suy nghĩ mới, một khao khát mới lại nảy ra trong đầu tôi.” Hắn lại im lặng, vẫn nhìn Diana với sự khẩn cầu đầy tôn thờ. Vệt màu trên gương mặt hắn dần đậm lên. “Đó là một khẩn cầu cô có thể làm cho tôi. Cô sẽ nghĩ nó là lời khẩn cầu lạ lùng nhất; nhưng khi gần đất xa trời, người ta trơ trẽn lạ. Thưa quý cô, em đồng ý cưới tôi chứ?”

“Trời đất!” Agatha Josling kêu lên, đủ lớn để ai cũng nghe thấy. Bạn cô thì chẳng nói gì - thái độ của nàng dường như muốn nói rằng trong tình huống này thì chẳng điều gì bất ngờ hơn điều gì nữa rồi. Nàng đáp lại lời cầu hôn của mít-tơ Longstaff bằng cách ngồi chậm rãi xuống chiếc ghế đã được đặt cạnh giường hắn; nàng ngồi đó trong sự trinh bạch diễm lệ, mắt dán chặt xuống đất.

“Như thế tôi có thể chết trong hạnh phúc, bởi tôi phải chết!” người thanh niên tiếp tục. “Như thế tôi sẽ làm được gì đó cho em - điều duy nhất tôi có thể làm được. Trong tay tôi có nhiều tài sản - đất đai, nhà cửa và vô vàn những thứ tốt đẹp - những thứ tôi vẫn hằng yêu và nuối tiếc cực cùng khi phải bỏ lại. Bao ngày nằm đây vô vọng và bất lực, tôi bỗng nghĩ rằng sẽ tuyệt vời biết mấy nếu chúng ở lại trong tay em. Nếu em là vợ tôi, chúng sẽ an ổn nằm ở đó. Em sẽ tránh được nhiều phiền toái; và không chỉ có thế. Nó còn cho tôi những mơ mộng thoát ly. Nó còn cho tôi những xúc cảm chưa từng! Tôi yêu cuộc đời. Tôi không muốn chết; nhưng bởi tôi phải chết, sẽ hạnh phúc biết mấy khi được mang theo hình ảnh ấy mà tạ thế - hình ảnh đôi tay ta lồng vào nhau trước cha xứ. Rồi em có thể đi. Việc ấy chẳng tác động gì đến đời em - chẳng mảy may khơi sầu. Nhưng với đời tôi, tôi sẽ có vài giờ để nằm nghĩ đến hạnh phúc đời mình.”

Có điều gì đó trong giọng người thanh niên này sao đơn thuần và chân thành, sao dịu dàng và gấp rút quá, điều gì đó khiến Agatha Gosling trào lệ. Cô quay đi giấu nước mắt và nhón nhén tới cạnh cửa sổ để khóc rưng rức. Diana rõ ràng cũng không phải sắt đá. Nàng nhướng mắt và đặt ánh nhìn ân cần lên đôi mắt mít-tơ Longstaff, vẫn tiếp tục khẩn khoản đưa ra những lời cầu hôn êm ái. “Đó sẽ là một ân huệ rộng lượng,” hắn bảo, “một sự hạ cố tót vời; và điều đó sẽ chẳng gây hại gì khiến em hối hận. Nó chỉ đem đến cho em một sự tự do lớn hơn. Em không biết nhiều về tôi, nhưng tôi có lòng tin rằng em có thể tin tưởng nơi tôi, và tôi chỉ xin em ngần ấy. Tôi không xin em yêu tôi, - yêu đương cần thì giờ. Đó là điều tôi không thể ngụy tạo. Tôi chỉ xin em đồng ý làm một thủ tục, một nghi lễ. Tôi quen biết một linh mục người Anh; ông ta bảo sẽ cử hành cho. Ông ta cũng sẽ nói cho em mọi điều về tôi - rằng tôi là một quý ông Anh Quốc, và tôi sẽ trao cho em tên họ cao quý nhất thế gian.”

Lạ lùng sao việc ngồi đó mà nghe một kẻ sắp chết làm rõ từng quan điểm của mình thuyết phục và nhất quán đến thế; nhưng bấy giờ, rõ ràng cuộc giãi bày đã hết. Không gian im phắc, và Agatha cho rằng đã đến lúc phải tách ra. Cô kín đáo dời sang phòng bên cạnh, nơi hai dì phước vẫn đứng chờ và hai tay áo nối lồng vào nhau, cùng lão hầu người Ý đang cắt bấc nến - cử chỉ u uất như một nhà ngoại giao thất bại. Agatha xoay lưng về hướng họ rồi rảo tới một cửa sổ khác, phóng mắt về khu vườn với những cây cam và hoa hồng đông. Cô cảm tưởng mình vừa được nghe những lời tuyên vô cùng đẹp đẽ, lãng mạn, khiến ai cũng phải thán ngạc. Sao Diana còn có thể hững hờ được nữa? Cô hy vọng bạn mình sẽ bằng lòng với hôn lễ trọng thể và đặc biệt mà mít-tơ Longstaff đã đề nghị, và sự tế nhị khiến cô tách ra giờ đã cho phép cô được háo hức lắng nghe những lời sắp sửa của Diana. Và rồi (khi chẳng nghe được gì), nó bị choán hết bởi mong muốn được trở lại và thì thầm, với một nụ hôn đồng cảm, một lời nhắn nhủ. Cô quay lại nhìn hai dì phước - cũng đang cảm nhận được sự hệ trọng của khoảnh khắc. Một người tách ra, đợi khi Agatha quay lại thì theo gót cô vào lại buồng. Diana đã đứng dậy. Nàng nhìn quanh khó chịu - nàng nắm lấy tay Agatha. Reginald Longstaff vẫn nằm đó với gương mặt tụy tiều và đôi mắt sáng quắc đang nhìn cả hai người họ. Agatha đón lấy đôi tay bạn bằng cả hai tay.

“Em đâu phải làm gì nhiều, hỡi em yêu quý,” cô rì rầm, “nhưng nó sẽ khiến một người vui khôn xiết.”

Dường như chàng trai trẻ cũng nghe được những lời ấy, và hắn nhắc lại với điệu bộ kính cẩn vô vàn.

“Em đâu phải làm gì nhiều, hỡi em yêu quý!”

Diana nhìn về hắn một thoáng. Rồi bỗng nhiên, hai tay nàng bưng lấy mặt. Khi đôi bàn tay trượt xuống áp vào má, nàng nhìn bạn mình với đôi mắt khiến Agatha không thể nào quên - đôi mắt ánh lên một tia giễu cợt xuyên qua vẻ nghiêm trang của khuôn diện.

“Nhưng giả xong rồi lỡ hắn không chết thì sao?” nàng thì thầm.

Longstaff đã nghe được; hắn rên nhẹ và quay đi. Hai dì vội đến bên phía kia giường, thọp xuống và nhoài người về phía hắn, để đầu hắn tựa vào bộ áo choàng lớn màu trắng bên dưới biểu tượng thánh giá. Diana nán lại thêm một đỗi và nhìn hắn; đoạn, nàng dém lại khăn choàng với vẻ kiều diễm ngất ngây và nhẹ bước đi. Agatha chỉ biết đi theo nàng. Lão già Ý giữ cửa để họ ra đi với sự tuân phục đầy cường điệu.

Khi đến giữa vườn, Diana dừng lại với đôi má đỏ bừng, bảo:

“Nếu dù gì hắn cũng chết, có hay không đâu quan trọng gì!” Nhưng vừa ra khỏi cổng vườn, nàng bỗng bật khóc nức nở giữa con đường không người nắng lên chan chứa.

Agatha không trách cũng không bàn; nhưng bạn cô suốt ngày hôm đó cứ nhắc về mít-tơ Longstaff với vẻ phẫn nộ gần như bùng nổ. Với nàng, hành động của hắn thật sỗ sàng, vênh váo và xấc xược. Agatha chỉ im lặng, nhưng ngày hôm sau, cô cố vời mấy lời bao biện lập lờ cho chàng trai tội nghiệp ấy. Đầy quả quyết, Diana xin bạn mình đừng bao giờ nhắc đến cái tên ấy nữa; và nàng bảo thêm rằng sự việc đáng ghét này đã làm nàng hoàn toàn hết hứng với Nice nên ngay hôm sau họ sẽ rời đi. Rồi họ đi không lần lữa; họ lại cùng nhau du ngoạn. Agatha biệt dấu Reginald Longstaff; những bà thím người Anh từng loan tin cho cô lúc đầu giờ cũng đã rời Nice; nếu không thì cô sẽ biên cho họ mấy dòng để dò la. Nghĩa là, cô đã nghĩ tới việc biên thư cho họ - điều tôi tin rằng sau cùng cô đã phủi đi vì lòng trung thành với bạn mình. Dù sao, những lúc ở một mình, Agatha cũng chỉ có thể nhỏ nước mắt cho lời thỉnh cầu bị chối từ và cái chết sớm sủa của chàng trai trẻ. Nhưng phải thú nhận rằng, đôi khi trong những tuần về sau nhìn lại, cô thấy lẫn trong sự cảm thông một nét bất mãn: giá mà mít-tơ Longstaff tội nghiệp kia đừng lướt qua đời họ thì hơn. Bởi kể từ cuộc trò chuyện lạ lùng bên giường hắn, mọi sự có chiều tệ đi; hứng thú tiêu dao lúc trước của họ dường đã nhạt. Agatha tự nhủ rằng nhìn theo góc độ mê tín thì thật khó lòng không tin rằng cách xử sự của Diana lúc đó đã khiến họ mắc phải một lời nguyền. Nhưng có một điều chắc chắn: cô thiếu nữ đã đánh mất sự điềm tĩnh ngày xưa. Giờ nàng thật thiếu kiên nhẫn, lơ đãng, lạnh nhạt, thất thường. Nàng đưa ra những ý kiến không tài nào lý giải nổi và vẽ ra toàn những kế hoạch quái đản. Đúng là những điều kinh khủng cứ liên tục trút xuống họ - những chuyện sẽ thử thách ngay cả những tinh thần điềm tĩnh nhất. Họ toàn thuê phải những cỗ ngựa tàn tật, những xà ích xấc láo, họ để lạc hành lý, họ bị lũ hầu trở mặt. Chính ông trời dường như cũng dự phần vào âm mưu ấy, cứ kéo vần vũ những ngọn gió than thở và mây úng nước phủ suốt những ngày tàn nhẫn tối tăm. Mấy năm sau, nhìn toàn cảnh, Agatha mới có thể đánh giá được về giai kỳ ấy; nhưng ngay thời điểm đó, cô đã cảm thấy một vẻ u ám, bức bối, kỳ lạ. Chắc chắn Diana cũng cảm thấy tương tự dù chưa bao giờ thừa nhận công khai. Nàng rúc vào im lặng ngạo mạn, và bất cứ khi nào chạm mặt một bất trắc mới, nàng chỉ đón nó bằng một nụ cười cay đắng - nụ cười mà Agatha luôn xem là hồi tưởng mỉa mai về mít-tơ Longstaff tội nghiệp và kỳ quặc, người đã làm điều gì ám muội với cơ chế tự nhiên để toàn bộ vận mệnh họ bỗng lộn tùng phèo. Không hề báo trước, vào cuối mùa hè, Diana bảo họ nên hồi hương bằng giọng của kẻ đã chịu đầu hàng một trận chiến vô vọng. Agatha đồng ý, và việc hai người về Mỹ làm cô Josling nhẹ nhõm nhiều phần vì đã từ lâu mang dự cảm không lành rằng giữa họ án ngữ một điều gì khó nói và khó tỏ, thứ đang biến mối thâm tình của họ thành một buổi sáng oi nồng. Sau khi về nước, vì Agatha phải về quê cho tròn hiếu thuận, hồi phân ly cũng bịn rịn lắm nỗi. Sau quãng dài biệt tích, những con người ấm nồng của quê nhà quyết giữ cô thật kỹ, đến nỗi suốt hai năm cô không kiếm nổi một dịp hội ngộ người đồng hành xưa.

Nhưng cô vẫn thi thoảng nghe tin từ bạn và Diana vẫn hiện diện trong lời kể từ thành thị truyền về vùng nông thôn cô ở. Đôi lúc nàng hiện ra rất lạ lùng - một người đàn bà phong lưu buông lời tán tỉnh hàng trăm, làm tan vỡ trái tim hàng tá kẻ tài trai. Đó đâu phải tính cách trước kia của nàng, và Agatha đã biết sự thay đổi này hàm chứa một điều gì cần nghĩ ngợi. Nhưng thư của chính nàng lại ít khi nhắc những gã si tình hay trưng trổ chiến tích. Chúng đến rất thất thường - có tháng cả chục, có tháng không một lá; nhưng luôn luôn mang giọng nghiêm trang khó hiểu, đầy những suy tư về cõi sống, cái chết, tôn giáo và sự bất tử. Với một người luôn biết phải làm gì với đời mình và khối tài sản kếch xù của mình, dường như tin loan rằng cuối cùng Diana cũng đã nhận lời một trong những người tình tin đồn là sự thật. Quả thật, điều đó đã diễn ra và được xác nhận bởi chính nàng. Nàng viết cho Agatha báo rằng mình sắp kết hôn, và Agatha lập tức chúc nàng hạnh phúc. Rồi Diana hồi âm bảo dù sắp kết hôn, nàng không thấy hạnh phúc; và rất nhanh sau đó, nàng lại viết thêm rằng mình không hạnh phúc mà cũng không kết hôn. Nàng đã hủy hôn, và nàng đang thấy bất hạnh hơn bao giờ hết. Agatha tội nghiệp vô cùng bối rối, nhưng rồi cũng có thể nhẹ nhõm khi cuối cùng, một tháng sau, nhận được thư vời rất khẩn từ bạn mình. Cô lập tức lên đường.

Đến nhà bạn sau chuyến đi dài, cô thấy Diana đang ngồi xoay lưng nhìn ra cửa sổ ở cuối phòng khách. Rõ ràng nàng đang chờ để đón Agatha, nhưng quý cô Josling đã vô tình chọn một lối kín mà từ cửa sổ không thấy được. Cô từ tốn đến chỗ bạn, và Diana ngoảnh mặt lại. Hai tay nàng đang ôm lấy má, và đôi mắt nàng trông thật u sầu: gương mặt và tư thế ấy khơi tỏ điều gì đó Agatha từng quen và vẫn nhớ. Khi hôn nàng, Agatha mới nhớ nó giống hệt cách cô đã đứng trước mít-tơ Longstaff tội nghiệp trong khoảnh khắc cuối cùng.

“Chị sẽ cùng em du ngoạn phương xa nữa chứ?” Diana hỏi. “Giờ em ốm quá.”

“Em yêu quý, em có chuyện gì thế?” Agatha nói.

“Em không biết; em nghĩ em sắp chết. Họ nói nơi này không tốt cho em; em phải đổi môi trường; em phải chuyển đi nơi khác. Chị săn sóc cho em được chứ? Giờ em dễ chiều lắm rồi.”

Agatha ôm lấy nàng lần nữa thay câu trả lời, và ngay khi sắp xếp xong, hai người bạn lại lên đường sang châu Âu. Cô Josling dồn toàn bộ tâm sức vào chuyến đi bởi thần sắc bạn cô dường khẳng định lời nàng là thực. Thật ra, nói trông như sắp chết thì chẳng phải; chỉ là sau hai năm không gặp, nàng đã tiều tụy và phai tàn nhiều. Trông nàng già đi nhiều hơn hai tuổi, và thiên hương rạng rỡ đã xỉn màu giáng hạ. Nàng nhợt nhạt và thiếu minh mẫn, nàng đi chậm như một nữ thần dò dẫm trên lá rừng. Bức tượng đẹp xưa kia đã hóa thành người và nhận về những bất toàn trần thế. Nhưng bác sĩ vẫn không thể chẩn ra bất kỳ căn bệnh hiểm nghèo nào, và khi bà y tá trưởng tọc mạch hỏi tại sao lại khuyên cô gái trẻ này ra nước ngoài, ông ta chỉ cười đáp rằng với nghề này, nguyên tắc là kê cho bệnh nhân những phương thuốc mà họ thực lòng mong mỏi.

Bấy giờ, hai lữ khách vẫn chưa gặp gì trở ngại. May mắn một thủa biến mất giờ tái sinh; khuông thiên mỉm cười với họ, những xà ích họ thuê đối xử với họ như công chúa. Diana cũng đã lấy lại sự bình lặng vốn có; nàng trở lại làm người phụ nữ rất mực dịu dàng, nhu thuận, biết điều. Như vẫn thường thấy ở những người bệnh nhược, nàng im lặng và kín đáo, nhưng khác là phong thái nàng hoàn toàn không giống một người đã ở triền dốc bên kia. Nàng đi nhiều hơn nghỉ và ngày nào nàng cũng phải lên đường. Nàng muốn đến tất cả những nơi mình chưa từng và thăm lại cả những nơi đã từng.

“Nếu quả thật em sắp chết,” nàng mỉm cười dịu dàng nói, “em sẽ đi khắp nơi phát thiệp từ biệt.” Và thế là nàng sống trên một cỗ ngựa lớn, người ngả về phía sau ngắm hết trái sang phải mọi phong cảnh lướt qua. Chuyến trước đến châu Âu nàng chưa thăm thú nước Anh nhiều nên lần này nàng quyết định đi hết hòn đảo danh tiếng ấy. Nàng dập dìu hàng tuần qua cảnh vật Anh tuyệt đẹp, băng những cánh đồng và rào giậu, chân đạp trên những con đường giữa hai hàng cây nằm trong các điền trang mông mênh, đầu luồn dưới những bức tường tháp đài và tu viện. Nàng đặc biệt mến mộ công viên và trang viên của nước Anh, những “Sảnh” và những “Tòa”, nàng cố gắng tìm vào những khuôn viên mở cửa cho hạng khách du lịch biết thưởng thức. Ở đó, nàng cho ngựa dừng dưới những tán cây sồi và dẻ gai rồi ngồi hàng giờ nghe sơn ca hót và nhìn nai nhảy. Nàng không bao giờ quên ghé vào một ngôi nhà trên đường, và bất cứ khi nào đến thị trấn, nàng đều hỏi kỹ xem quanh đó có vùng quê nào đẹp không. Nàng sống cả mùa hè lối phong lưu như thế. Đến thu nàng lại lang thang không nghỉ; trên Lục địa, nàng đã đến thăm hàng trăm khu nghỉ dưỡng dọc biển cho du khách. Đầu đông nàng đã qua Rome, thú nhận rằng mình  rất mệt và cần được nghỉ ngơi.

“Em kiệt quệ quá,” nàng nói với bạn mình. “Em không biết mình đã kiệt quệ đến mức nào rồi nữa. Em có cảm giác mình đang chìm dần vào Xứ An Nghỉ và có thể dành vĩnh hằng ở đó.”

Nàng chọn cư trú ở một dinh thư cũ, vách buồng ngủ lợp thảm cổ và phòng khách trang hoàng bằng những huy hiệu của một giáo hoàng. Tại đây, nàng thôi cơn du ngoạn để nhường chỗ cho rã rời. Việc duy nhất nàng làm mỗi ngày là đến thánh đường Thánh Phêrô. Nàng không đi đâu khác. Ngồi cả ngày bên cửa sổ, ôm trong lòng một cuốn sách to mà chẳng bao giờ đọc, nàng nhìn ra khu vườn kiểu La Mã với một đài phun hắt nước vào một hốc tường rêu phong và sáu bức tượng nữ thần bằng cẩm thạch lốm đốm. Thi thoảng, nàng bảo bạn rằng nàng đang hạnh phúc hơn bao giờ hết - sống như thế này, ngày ngày tới thánh đường Thánh Phêrô. Nàng thường ở cả buổi chiều trong nhà thờ rộng lớn. Nàng thuê một người hầu mang cùng một ghế đẩu; hắn sẽ đặt ghế tựa vào một cột cẩm thạch, và nàng cứ thế ngồi đó rất lâu, nhìn lên mái vòm lộng gió và vỉa hè rộng người qua chộn rộn. Nàng chú ý đến tất cả những người đi qua mình; nhưng nán bên cạnh nàng, Agatha không biết sao lại cảm thấy không dễ dàng buông những nhận xét hóm hỉnh về các hình bóng xung quanh như đã từng khi ngồi bên bờ biển ở Nice.

Một ngày nọ, Agatha tách ra và tản bộ quanh nhà thờ một mình. Đời sống giáo hội của Rome không thu nhỏ theo sự chật hẹp hiện tại của nó, và bất cứ góc nào ở vương cung thánh đường Thánh Phêrô cũng luôn có nghi lễ thờ phụng nào đó đang diễn ra. Chỉ một chốc cạnh vô vàn những lý thú nơi đây cũng đã hết nửa giờ. Khi trở lại và thấy bạn mình đã đi đâu, Agatha ngồi xuống ghế đợi. Bẵng mất một lúc, cô quyết định đi tìm. Cuối cùng cô cũng tìm thấy bạn ở một gian phụ; nhưng nàng không ở đó một mình. Người đàn ông đang đứng trước mặt kia dường như nàng chỉ vừa mới chạm mặt. Mặt nàng tái nhợt hiện những biểu cảm khiến Agatha phải nhìn thẳng về phía người lạ. Nhưng người cô thấy đâu có xa lạ gì; là Reginald Longstaff chứ ai! Hắn rõ ràng cũng bất ngờ ra mặt, nhưng đã kịp bình tĩnh lại. Hắn đứng đó thêm một hồi trang trọng; đoạn, hắn khẽ cúi chào hai người phụ nữ rồi quay gót.

Agatha mới đầu thấy như thể mình mới gặp ma; nhưng ấn tượng ấy dần được sửa lại bởi sự thật rằng thần sắc của mít-tơ Longstaff lúc này đương tràn ngập sức sống. Hắn trông như một người mạnh khỏe; người hắn tráng kiện và nước da hồng hào. Agatha thấy trên gương mặt Diana không điểm chút ngạc nhiên; hiển hiện nơi ấy chỉ là một loang sáng bợt mà Agatha phải tốn một lúc mới gọi tên được. Diana chìa tay nắm lấy cánh tay bạn và chính cái chạm ấy đã giúp Agatha hiểu thứ cảm xúc gương mặt bạn mình tỏ bày. Rồi cô cũng tự thấy rằng chuyện ấy với mình chẳng phải là điều chưa từng tưởng tượng; hình như cô đã chờ đợi nó. Cô nhìn bạn, Diana thật đẹp. Diana ửng hồng đôi má và càng đẹp hơn. Agatha dìu bạn mình về chiếc ghế bên trụ cẩm thạch.

“Nghĩa là em đã đúng,” Agatha bảo ngay. “Rốt cuộc thì hắn cũng khỏe lại!”

Diana không màng ngồi xuống; nàng ra hiệu người hầu đem ghế đi và tiếp tục tiến về phía cửa. Nàng không nói gì cho tới khi đã đứng bên ngoài, trên khoảnh sân rộng giữa những dãy cột hành lang và thác nước. Rồi nàng bắt đầu.

“Đúng lúc này, nhưng em đã sai khi ấy. Hắn khỏe dậy vì em từ chối hắn. Em đã cho hắn nỗi đau có khả năng cứu rỗi hắn.”

Đêm đó, dưới những ngọn đèn La Mã trong phòng khách trưng đầy những huy hiệu giáo hoàng, hai người bạn có một cuộc trò chuyện thật dài. Diana nước mắt lưng tròng quay mặt đi giấu giếm; nhưng nước mắt và nỗi khổ tâm của nàng tuyền vô cớ. Như tôi đã nói, Agatha cảm giác rằng cô đã đoán ra hết những điều không giải thích được, và không cần bạn giãi bày, cô cũng biết rằng ba tuần sau khi từ chối Reginald Longstaff, nàng bắt đầu yêu hắn cuồng dại. Diana cũng chẳng cần thú nhận rằng hình bóng hắn chưa bao giờ thôi hiện ra trong tâm trí nàng, rằng nàng vẫn tin hắn còn sống, và rằng nàng đã quay lại châu Âu với hy vọng liều lĩnh sẽ được gặp hắn lần nữa. Trong hy vọng ấy, nàng lang thang phố lại phố và nhìn từng người vuột qua mình; và cũng trong hy vọng ấy, nàng lần lữa ở quá nhiều những công viên Anh Quốc. Nàng biết tình yêu của mình thật kỳ lạ; nàng chỉ có thể nói nó đã làm nàng héo hon. Tình yêu đó đã ập đến với nàng - khi mọi chuyện đã qua, trong trầm tư mặc tưởng. Hoặc đúng hơn, như nàng vẫn nghĩ, nó vẫn luôn ở đó từ lần đầu gặp hắn, và chuyển biến đột ngột từ bực dọc sang thương xót sau khi rời giường bệnh đã khiến nó bục ra. Và đi cùng đó là niềm tin rằng hắn sẽ vượt qua bệnh tật và cả cơn si. Đó chính là hình phạt cho nàng! Và rồi nàng nói với một vẻ chân phương tuyệt trần mà Agatha, mắt đã nhòa lệ, ước rằng chàng trai có thể nghe được. “Em rất vui vì giờ hắn đã khỏe!” Và nàng bồi ngay, “Dĩ nhiên khỏe lên chỉ để ghét bỏ em. Điều ước em thành hiện thực rồi; em đã được gặp hắn lại lần nữa. Đó là tất cả những gì em muốn, và giờ em có thể mãn nguyện mà chết được.”

Nàng dường như sắp chết thật. Nàng không đến thánh đường Thánh Phêrô và cũng chẳng gặp mít-tơ Longstaff lần nào nữa. Nàng ngồi bên cửa sổ phòng mình và ngắm những nữ thần ngự trong những cây sồi và cây bách hoặc lang thang quanh chỗ ở của mình trong dinh thự với vẻ nhẫn nhục hệt như một nụ cười nhạt nhòa. Agatha nhìn nàng với một nỗi sầu muộn bất tuân. Chính điều này cô cũng đã từng nghe thấy, chính điều này cô cũng từng đọc trong thơ ca và truyện cổ, nhưng cô chưa bao giờ nghĩ rằng chuyện diễn ra thật - bạn cô đang chết vì yêu! Agatha tính đủ đường và quyết định một số điều. Một trong số đó là mời bác sĩ. Người này đến, và Diana để ông ta soi mình qua cặp kính và nắm cổ tay trắng ởn của mình. Ông bảo rằng nàng đang có bệnh, và nàng mỉm cười bảo rằng điều đó thì mình biết; rồi ông ta cho nàng một ống thuốc nước màu vàng nhỏ bảo uống. Ông cũng khuyên nàng nên ở lại Rome vì bệnh tình của nàng trong khí hậu này dễ bề thuyên giảm. Mong ước thứ hai của Agatha là gặp lại mít-tơ Longstaff, người đã cầu cứu cô trong những giờ cận kề cái chết, người cô vì thế cho rằng mình có quyền được gặp lúc này. Cô cũng tin niềm si mê đã khiến hắn đi một nước phi thường ở Nice khi ấy vẫn chưa hoàn toàn tan biến; những si mê như vậy không bao giờ chết đi. Nếu hắn vẫn chưa từng cố gắng tiếp cận Diana lần nữa thì đó chỉ vì hắn nghĩ nàng vẫn sẽ lạnh lẽo như cái lần quày quả bỏ đi khi hắn trên giường bệnh. Cũng phải nói thêm rằng Agatha cảm thấy một sự tò mò chính đáng được biết làm sao hắn có thể từ cõi chết trở lại thành người rực rỡ đến thế. Điều này cô vẫn chưa tìm ra được bất cứ lý giải khả dĩ nào.

Agatha đến thánh đường Thánh Phêrô, chắc mẩm trước sau gì cũng sẽ chạm mặt hắn. Vào một cuối tuần, cô bắt gặp hắn và khi nhận ra, hắn lập tức đến nói chuyện. Như Diana nói, bây giờ hắn đẹp vô cùng, dáng vẻ cũng hoàn toàn khỏe mạnh. Hắn quả là một quý ông Anh kiệm lời, rực rỡ và ga-lăng. Hắn dường sượng sùng, nhưng thái độ hắn với Agatha biểu lộ một sự ân cần tuyệt vời.

“Chắc cô nghĩ tôi là một kẻ lừa đảo kinh tởm,” hắn sốt sắng nói. “Nhưng tôi đã sắp chết thật - hoặc tin rằng mình như thế.”

“Và nhờ phép mầu nào mà anh sống lại?”

Im lặng một đỗi, hắn đáp:

“Tôi cho rằng lòng tự trọng bị tổn thương là phép mầu ấy.”

Cô để ý rằng hắn không hỏi bất cứ điều gì về Diana; và ngay sau đó, cô có cảm giác hắn biết cô đang nghĩ thế. “Lạ lùng nhất ở chỗ,” hắn thêm, “khi sự sống quay về, những chuyện xảy ra dường một giấc mơ, không hơn. Và chuyện đã xảy ra với tôi ngày hôm trước,” hắn tiếp tục, “cũng dường chẳng phải sự thật.”

Agatha lặng lẽ nhìn hắn thêm một đỗi, và lại cảm thấy hắn thật đẹp đẽ và tử tế; rồi khi đã buông một tiếng thở dài phủ lên sự huyền bí khôn cùng của mọi chuyện, cô buồn bã quay gót. Tối đó, Diana nói với cô:

“Em biết chị đã đi gặp hắn!”

Agatha đến bên cạnh, hôn nàng.

“Giờ em chẳng là gì với hắn, đúng không?”

“Ôi em yêu quý của chị...” Agatha lẩm bẩm.

Diana vẫn đều đặn uống thứ thuốc nước màu vàng đựng trong ống ấy; nhưng về sau, nàng thôi không dạo quanh cung điện nữa; nàng không bao giờ rời khỏi phòng mình nữa. Ông bác sĩ già ngày xưa giờ đến túc trực bên cạnh và liên tục nhấn mạnh rằng không khí ở Rome là lý tưởng để bệnh tình nàng chuyển biến. Agatha nhìn nàng với nỗi buồn bất lực; cô biết nàng đang kiệt quệ và héo rụng, nhưng cô không biết làm sao để an ủi nàng. Có lần, cô đã cố gắng làm điều đó bằng cách buông những câu khó nghe về mít-tơ Longstaff, kết hắn tội man trá; nhưng những câu ấy chỉ là đắp điếm quẩn quanh, bởi trong lần cuối gặp gỡ ở Thánh đường Thánh Phêrô, cô gái tội nghiệp đã luyến mộ hắn bao giờ hết - và đốm lửa loe lóe đã nhen nhóm ở Nice lại bùng lên. Agatha chẳng thấy được gì khác vẻ xinh đẹp và cung cách trang nhã của hắn.

“Rốt cuộc là lúc ấy hắn muốn gì - hắn có ý gì kia chứ?” cô giả vờ càm ràm, người nhổm về xa-lông Diana đang nằm. “Cớ gì hắn lại bị tổn thương bởi những lời em nói cơ chứ? Chính hắn đã đưa điều kiện rằng mình sẽ không khỏe lại ra mặc cả mà. Có phải từ đầu hắn đã ủ mưu hèn kế bẩn - vờ bệnh tật để khiến em chịu làm vợ hắn? Khi em phát hiện ra lỗ hổng và trỏ vào nơi ấy, cớ gì hắn phải lấy làm bực dọc? Không, cảnh ấy có mấy phần thành thật đâu.”

Diana mỉm cười buồn bã; bấy giờ không mang sự nhục nhã tự tạo nào, nàng nói như thể mình không phải là nhân vật chính của câu chuyện ấy.

“Lẽ ra hắn phải mong mỏi được em tha thứ!” nàng bảo. Quãng sau, sức khỏe của nàng càng sa sút nhanh. Cuối cùng, nàng bảo bạn đến và nói nhẹ tênh, “Bảo hắn đến!” Và trong lúc Agatha vẫn trông đầy bối rối và đau khổ, nàng nói thêm, “Em biết hắn vẫn còn ở Rome.”

Mới đầu, Agatha hoàn toàn không có một manh mối nào về hắn, nhưng trong số những lợi ích của chế độ giáo hoàng là cảnh sát nhà thờ13 - bọn họ sẽ truy ngay được bất cứ khách trú nào từng đặt chân tới Thành phố Vĩnh hằng. Mít-tơ có hộ chiếu bị chính quyền giữ lại, và tài liệu này là cơ sở để Agatha hướng dẫn người hầu đến để tham vấn nhà chức trách. Người hầu trở về báo rằng đã tìm thấy người ngoại quốc ấy và hắn đã đồng ý đến gặp hai cô gái vào giờ đã định. Khi giờ hẹn đã đến và người đã cử tới đón mít-tơ Longstaff, Diana bảo bạn mình chút nữa hãy cứ ở lại cùng nàng. Đó là một chiều mùa xuân; những cửa sổ cao trổ ra khu vườn cung điện bật tung và căn phòng ngập tràn những bó hoa La Mã. Diana ngồi trên một chiếc ghế bành sâu đáy.

Quả khó xử cho Reginald Longstaff khi vào thế ấy. Hắn dừng lại ngưỡng cửa và nhìn một đỗi về người phụ nữ mình từng đưa ra lời đề nghị không tưởng ngày xưa; rồi, hắn kíp tiến về phía nàng với vẻ bợt bạt xen xúc động. Hắn lộ rõ bất ngờ khi thấy tình cảnh hiện tại của nàng trước mắt; hắn cầm tay nàng, nhoài người tới và đưa lên môi mình. Nàng nhìn hắn một chặp, rồi mỉm cười.

“Giờ tôi là người sắp chết,” nàng bảo. “Và giờ tôi muốn xin anh một chuyện - xin anh chuyện anh đã xin tôi.”

Hắn không dứt ánh nhìn, một loang hồng đậm nổi lên trên gương mặt; hắn do dự một lúc khá lâu. Sau đó, cúi đầu ra dấu đồng ý, hắn hôn tay nàng lần nữa.

“Xin mai anh hãy quay lại,” nàng nói, “tôi chỉ xin có thế.”

Hắn lại im lặng nhìn nàng một quãng; và rồi hắn đột ngột quay gót đi. Nàng cho mời một linh mục người Anh và bảo với ngài rằng nàng sắp chết, nàng muốn được thực hiện lễ hôn phối ngay cạnh ghế đệm của mình. Vị giáo sĩ nhìn nàng kinh ngạc nhưng đồng thuận với trò khơi trêu tình tứ vô hại ấy nên đồng ý chiều hôm sau sẽ đến. Diana bình tĩnh lạ. Nàng ngồi bất động, tay đan, mắt nhắm. Agatha cứ chộn rộn hoa này hoét kia. Hôm sau, cô gặp mít-tơ Longstaff ở phòng ngoài. Hắn đến sớm hơn hẹn. Cô vì lẽ này chưa cho vào; hắn bảo mình biết hẵng sớm và làm vậy vì có lý do; hắn muốn tranh thủ lúc đợi để ở bên cô dâu tương lai của mình. Thế là hắn đến và ngồi bên ghế, Agatha rời ra để họ một mình, chưa bao giờ biết họ đã nói với nhau điều gì. Cuối giờ, linh mục đến và cử hành cho họ, ngài đọc phước hôn trong lúc Agatha làm chứng kiến. Xuyên suốt nghi lễ ấy, mít-tơ Longstaff trưng ra một mặt nghiêm nghị, khó hiểu, và trong lúc quan sát hắn, Agatha tự nhủ rằng ít nhất mình cũng nên trả lại công bằng cho hắn khi giờ hắn đã thực hiện cần mẫn yêu cầu của lòng danh dự. Khi linh mục rời khỏi, hắn hỏi Diana bao giờ có thể gặp lại.

“Không bao giờ!” nàng bảo, trên môi một nụ cười kỳ lạ. Và nàng thêm - “Em không còn sống bao lâu nữa.”

Hắn hôn lên gương mặt nàng, nhưng nàng giục hắn rời đi. Hắn nhìn Agatha với vẻ căng thẳng như thể muốn nói với cô điều gì đó, nhưng cô không muốn nghe. Sau chuyện này, Diana thực sự lụi đi rất nhanh. Hôm sau, Reginald Longstaff trở lại và đòi gặp Agatha.

“Sao nàng phải chết?” hắn nài. “Tôi muốn nàng sống.”

“Anh đã tha thứ cho nàng chưa?” Agatha nói.

“Nàng đã cứu tôi!” hắn kêu lên.

Diana đồng ý gặp hắn lần nữa; trong phòng có hai bác sĩ và họ cũng chấp nhận. Hắn quỳ xuống cạnh giường nàng và cầu xin nàng hãy cố sống. Nhưng nàng yếu ớt lắc đầu.

“Như thế tôi sẽ mang tội lắm,” nàng nói.

Sau đó, khi hắn quay lại lần nữa, Agatha bảo nàng đã không còn. Hắn đứng đó sững sờ, nước mắt lã chã.

“Tôi không hiểu,” hắn nói. “Nàng đã yêu tôi chăng?”

“Nàng đã yêu anh,” Agatha nói, “nhiều hơn những gì nàng tin lúc này anh có thể yêu nàng; và dường như nàng đã nghĩ, khi chính nàng đã có cho mình một khoảnh khắc hạnh phúc, để anh lại với tự do là cách dịu dàng nhất nàng có thể thể hiện tình yêu!”
 

1 Ám chỉ Nữ thần Săn bắn Artemis trong thần thoại Hy Lạp.

2 Thư tín dụng (Letter of Credit, L/C) là dịch vụ thanh toán rất phổ biển nhắm vào đối tượng lữ hành thời kỳ này. Bấy giờ, nó là một thẻ tròn nhỏ, cho phép người sở hữu được rút tiền ở các ngân hàng có liên quan ở các nước khác trong chuyến hành trình của mình.

3 Nói tới Eleanor Butler (1739-1829) và Sarah Ponsoby (1755-1831), cặp đôi đồng tính nữ thuộc tầng lớp thương lưu người Ái Nhĩ Lan từng gây sửng sốt người đương thời nhưng có mối quan hệ vô cùng tốt với các văn sĩ bấy giờ. Lúc viếng thăm họ, William Wordsworth thậm chí còn viết thơ để tặng.

4 Trong thần thoại La Mã, Artemis là Diana. Nàng đem lòng yêu Endymion, một anh chàng chăn cừu, lúc chàng đang ngủ trong hang.

5 Nhân vật nữ nhà thơ người Ý, được cho là hiện thân của tác giả, trong tiểu thuyết lãng mạn Corrine ou l’Italie (1807) của Germaine de Staël (1766-1817).

6 Nhân vật trữ tình, được cho là hiện thân của tác giả, trong trường ca Childe Harold’s Pilgrimage (khoảng 1812-1818) của Lord Byron (1788-1824).

7 Tiếng Pháp: “Lối bộ của người Anh.” Ám chỉ tuyến đường tản bộ ven biển Địa Trung Hải ở Nice thường được giới quý tộc Anh chọn đến để trốn lạnh nửa cuối thế kỉ XVIII.

8 Mô hình thư viện rất phổ biến vào thế kỷ XVIII, XIX, cho phép các người đăng ký của mình được thuê sách về nhà đọc với một lệ phí rất tiết kiệm.

9 (1789-1854) Một tác gia người Ý.

10 Tiếng Pháp: Tội nghiệp ngài!

11 Tiếng Pháp: Hầu phòng.

12 Tiếng Ý: Thánh địa.

13 Thời điểm James viết truyện này (khoảng 1878), đây là lực lượng cảnh sát chịu trách nhiệm bảo đảm an ninh trật tự tại khu vực Vatican, vùng đất nhỏ nằm gọn trong Roma mà Giáo hoàng còn nắm giữ sau khi sáp nhập gần như toàn bộ vào Vương quốc Ý.

Bùi Gia Bin dịch

Project Henry James

 James viết 

 Những người châu Âu, Phan Lương dịch

Vẽ một phụ nữ, Anh Hoa dịch

Con quái vật trong rừng & Ban thờ người chết, Anh Hoa dịch

Daisy Miller & Di sản Aspern, Phan Lương & Anh Hoa dịch

Bi kịch từ lỗi, Chi Quân dịch

Một vấn đề, Công Hiện dịch

Bốn cuộc gặp, Công Hiện dịch

Hình tượng trên tấm thảm, Anh Hoa dịch

Richard khốn khổ, Nguyễn Hoài dịch

De Grey: Một chuyện tình, Hoàng Trang dịch

Đám cưới của Longstaff, Bùi Gia Bin dịch 

 James đọc

đọc Flaubert 

đọc George Eliot

đọc Turgenev

đọc Balzac

đọc phê bình

đọc James

Mona Ozouf

E.M.Forster

Gertrude Stein

Pietro Citati

về James

Daisy (AH)

James và Stevenson (CVD)

Chuyển động của Isabel (CH)

James và Turgenev (CVD)

Sống tiếp (AH)

Một James & Một James (PL)

Tại sao Isabel khóc? (AH)

Những người châu Âu (CVD)

Henry James và sự vui lớn (PL)

favorites
Thêm vào giỏ hàng thành công