Hai bài xã luận của Chesterton
Từ All Things Considered
TỤNG NGƯỜI GIÀU
Tôi để ý thấy một cách tụng giới nhà giàu và quyền thế mới đang mon men len lỏi vào báo chí và văn chương thời đại của chúng ta. Ở những thời ngay thẳng trước kia, đến nịnh hót cũng trực diện hơn, dối trá cũng thành thật hơn. Ngày trước, kẻ bần hàn muốn bợ đỡ giới trọc phú chỉ cần tâng bốc ngài là người thông thái nhất, dũng cảm nhất, cao lớn nhất, mạnh mẽ nhất, thiện lương nhất và đẹp đẽ nhất đại đồng nhân loại, và người nghe khi ấy cũng thừa hiểu điều đó không thật, từ đó mà lời ca tụng ấy ít gây hại hơn. Khi triều thần ca ngợi Đức Vua, họ đặt ngài vào trong những tính chất phi thường tới phi lý, ngài như vầng dương sáng rọi giữa trưa làm họ phải lấy tay mà che mắt khi bước qua, ngài là không khí họ hít thở và chỉ một thanh gươm thôi, ngài cũng chinh phạt được hết bốn châu lục. Sự vô hại của cách tụng này nằm ở sự giả tạo hiển lộ của nó - giữa Đức Vua và hình ảnh ví von không hề có mối liên hệ thực sự. Nhưng người đương thời đã tìm ra một đường lối tán tụng tinh vi và độc hại hơn nhiều. Thời nay, người ta sẽ chọn một vị quân vương hay trọc phú nào đó, từ tính cách của họ phác ra một chân dung thật đáng tin, gọi họ là người có tinh thần doanh nghiệp, một người có tinh thần thể thao, có máu nghệ thuật, hoà đồng hoặc trầm lặng; sau đó, người ta sẽ thổi phồng thái quá giá trị và tầm quan trọng của những đặc điểm hết sức tự nhiên này. Người kẻ ca ngợi ngài Carnegie đâu dám ví ngài thông tuệ như vua Solomon hay dũng mãnh như Thần Chiến Tranh - giá mà họ làm thế. Đó ít ra còn là biểu hiện trung thực thứ hai sau việc thắng thắn thừa nhận lý do thực sự để tán dương ngài ta chỉ đơn giản là vì ngài giàu có. Các tay báo viết về Pierpont Morgan đâu dám so sánh ngài với vẻ đẹp của thần Apollo - giá mà họ làm thế. Thay vào đó, họ chú tâm vào bề ngoài ngài sống thế nào, ngài có cử chỉ gì, mặc gì, thích gì, yêu mèo ra sao, thù ghét bác sĩ ra sao cùng tất cả chi tiết vụn vặn nào về đối tượng, rồi nhân danh chủ nghĩa hiện thực để biến nhân vật của mình trở thành những nhà tiên tri và ân nhân của loài người, trong khi thực chất đó chỉ là những cá nhân tầm thường vô tình mà thích mèo và ghét bác sĩ. Những kẻ xu nịnh trước đây đi từ tiền đề rằng nhà vua vốn là người bình thường để ra sức biến ông ta thành phi thường. Kẻ xu nịnh thời đại mới khôn ngoan hơn đi từ tiền đề rằng đối tượng vốn phi thường nên ngay cả những điều tầm thường nhất về họ cũng phải làm sao cho trở nên đáng bàn, đáng quan tâm.
Tôi để ý thấy một thủ pháp tán tụng rất thú vị đang được tận dụng. Ta có thể nhận thấy nó ở vài cuốn sách chép lại các bài phỏng vấn của một nhà báo tên tuổi anh người này miêu tả sáu nhân vật giàu có nhất nước Anh. Kẻ xu nịnh đã khéo léo kết hợp sự thật khách quan với bầu không khí tôn kính đầy huyền nhiệm bằng một thao tác đơn giản: chỉ tập trung xoáy vào những phủ định. Tưởng tượng bạn đang viết một bài ca ngợi Pierpont Morgan. Có lẽ chẳng có gì đáng nói trong chuyện ông ta thực sự nghĩ gì hay thích gì, nhưng bạn có thể gợi tả cả một hệ tư tưởng bằng cách liệt kê những thứ ông ta không nghĩ đến hoặc không thích. Bạn viết: “Ít bị hấp dẫn với những trường phái triết học Đức đương đại, ngài kiên định giữ khoảng cách không chỉ với khuynh hướng Thần luận Siêu việt mà còn với những ngây cuồng hạn hẹp của Tân Công giáo.” Hoặc giả tôi muốn muốn ca ngợi bà lao công vừa tới nhà tôi, người xứng được ca tụng hơn nhiều, tôi sẽ nói: “Thật sai lầm nếu xếp bà Higgs vào nhóm những người theo Loisy; lập trường của bà có nhiều điểm khác biệt; cũng không thể đồng nhất bà hoàn toàn với chủ nghĩa Do Thái vững chắc của Harnack.[1]” Đây quả là một phương pháp tuyệt diệu, nó vừa cho phép kẻ nịnh hót nói về những chủ đề ngoài đối tượng cần được tán dương, vừa khiến đối tượng đó cảm thấy một luồng hào quang trí tuệ rực rỡ (dù hơi gây bối rối), như thể họ vừa trải qua những giằng xé triết học mà bản thân chưa hề ý thức được. Thật là một phương pháp tuyệt vời; nhưng tôi ước gì nó được tận dụng để khen ngợi những bà lao công nữa, thay vì chỉ dành cho tài phiệt.
Tôi cũng nhận thấy một lối tán tụng phổ biến khác trong giới báo chí và các tác giả đương thời khi miêu tả những nhân vật có tầm cỡ. Cách này bao gồm việc áp dụng những cụm từ như “giản dị”, kín đáo” hay “khiêm tốn” một cách sáo mòn và vô nghĩa, không trực tiếp liên quan gì tới đối tượng được miêu tả. Giản dị là đức tính tuyệt vời nhất; rồi khiêm tốn xếp thứ nhì. Tôi không chắc nên nói gì về tính “kín đáo.” Tôi giữ quan điểm rằng những người thực sự khiêm tốn thường gây nhiều ồn ào. Và hiển nhiên, người thực sự giản dị cũng ồn ào y hệt. Nhưng ít ra, giản dị và khiêm tốn là những đức tính quý giá và khó tìm nơi bậc quân vương, nhắc tới thì chẳng thể hời hợt. Rất ít người, trong những khoảnh khắc hiếm hoi, đạt tới sự khiêm tốn đích thực; đâu mấy ai như những người lính thực thụ sau những cuộc chiến dài đã sống cùng sự mộc mạc tăng dần, không đến một trên mười, thậm chí hai mươi người sau những miên trường chiến trận có thể khiêm tốn đúng nghĩa. Những đức tính ấy không phải là thứ ném ra như những lời tán tụng rỗng tuếch; những nhà tiên tri và những con người cả đời công chính đã mong mỏi điều ấy mà chưa bao giờ được thấy. Thế mà, trong miêu tả về cuộc đời, sự nghiệp và cái chết của những kẻ xa hoa, phù phiếm, chúng lại được phỉ ra không ngớt và hoàn toàn không có suy nghĩ. Khi một ký giả tả một chính khách hay nhà tài phiệt lớn (về cơ bản thì hai thứ này cũng giống nhau cả thôi) bước vào phòng hay đi xuống phố, anh ta thường lôi ra: “Midas tái thế ăn mặc giản dị với áo khoác đen, ghi lê trắng, vận quần xám nhạt phối cà vạt xanh lá trơn và điểm bông hoa mộc mạc cài khuy.” Làm như thể ai cũng mong đợi ông ta sẽ mặc áo khoác đỏ tươi hay quần kim tuyến vậy. Làm như ai cũng mong đợi ông ta sẽ cài vòng pháo hoa trên khuy vậy.
Nhưng thủ pháp này, vốn đã lố bịch khi áp dụng để miêu tả cuộc sống bên ngoài đầy lấp lánh của những phàm phu tục tử, trở nên khôn kham khi nó được áp dụng, như cái cách nó luôn luôn được áp dụng, vào khoảnh khắc nghiêm túc duy nhất trong đời các chính khách. Tôi đang muốn nói đến cái lúc họ chết. Sau khi đã chán chê những bài văn tả bộ đồ giản dị, thứ trang phục thường phức tạp đến mức nếu cố tình mặc thêm bất cứ thứ gì sẽ bị coi là khùng; sau khi nghe về ngôi nhà khiêm tốn của ngài triệu phú, thứ dinh thự thường quá xa hoa để gọi là nhà; sau khi theo dõi vô số lời tán dương vô nghĩa ấy, cuối cùng ta luôn được yêu cầu phải ngưỡng mộ một đám tang trầm lặng của ngài. Cá nhân tôi chẳng biết người ta nghĩ gì về một đám tang ngoại trừ trầm lặng. Thế mà hết lần này đến lần khác, trên nấm mồ của những kẻ giàu có đáng thương ấy, những người lẽ ra nên được nhận sự thương cảm không lời - từ mộ của Beit đến mộ Whiteley - những lời lẽ sáo rỗng về sự khiêm tốn và giản dị vẫn không ngừng tuôn ra. Tôi nhớ rõ khi Beit qua đời, báo chí viết rằng những cỗ xe tang chứa biết bao nhiêu là ông này bà nọ, những vòng viếng phúng điếu hào nhoáng, lộng lẫy, choáng ngợp, nhưng dầu có thể vẫn là một đám tang giản dị và trầm lặng. Thế họ mong đợi gì nữa sao? Họ nghĩ sẽ có màn tế người sống đi theo như những nô lệ phương Đông bị chôn cùng với chủ? Họ nghĩ sẽ có màn những vũ nữ phương Đông quằn quại trong cơn đau thương? Hãy mong đợi những trò chơi giống tang lễ của Patroclus? E rằng họ chẳng có ý ngoạn mục và ngoại giao nào như thế. E rằng họ chỉ dùng từ “trầm lặng” và “khiêm tốn” để cho kín mặt giấy - một kiểu giả tạo trong vô thức đã trở nên quá phổ biến ở những kẻ phải viết nhanh và viết nhiều. Chữ “khiêm tốn” rồi sẽ giống chữ “quý” mà người Nhật hay thêm pháp trước bất kỳ từ nào để tăng phần trang trọng cho câu, chẳng hạn “Xin đặt quý-ô vào trong quý-giá-để-ô” hoặc “xin được lau quý-ủng.” Rồi ta sẽ thấy những dòng văn: “Vị vua khiêm tốn đội vương miện khiêm tốn, khoác lên mình từ đầu đến chân bộ hoàng bào khiêm tốn, được hộ tống bởi mười nghìn bá tước khiêm tốn cùng thanh khiêm khiêm tốn tuốt sẵn.” Không! Nếu sự xa hoa ấy phải đổi bằng tiền của, hãy ca ngợi rằng nó xa hoa, đừng gọi nó là giản dị. Lần tới thấy một kẻ giàu trên phố, tôi sẽ chủ động tiếp cận hắn mà thỉnh an theo lối cường điệu phương Đông xem sao. Chắc hắn sẽ xách dép mà chạy mất.
TÌNH YÊU NƯỚC VÀ THỂ THAO
Tôi nhận thấy một số tờ báo, đặc biệt những tờ tự nhận là yêu nước, đã cư xử như gà mắc tóc khi chúng ta bị đánh bại hai lần trên đấu trường thể thao: ta bị người Pháp vượt mặt môn gôn và bị người Bỉ đánh bại môn chèo thuyền. Sự kiện này có lẽ vô cùng quan trọng đối với những người từng tin vào huyền thoại thể thao đầy tự mãn của dân Anh. Chắc chắn vẫn còn nhiều người mơ hồ không tin nổi ta đã thua dưới tay Pháp, bất chấp sự thật rằng chúng ta đã thua người Pháp nhiều lần, thậm chí còn có lần thua cả một người phụ nữ Pháp. Lật lại những bức tranh biếm hoạ trên tạp chí Punch ngày trước, không khó nhận ra một mô-típ trào phúng lặp đi lặp lại. Những hoạ sĩ biếm hoạ Anh luôn cho rằng người Pháp không thể cưỡi ngựa săn bắn theo kiểu Anh. Hình như họ quên mất rằng chính những người sáng tạo ra môn săn bắn kiểu Anh lại là người Pháp. Tất cả các vị vua và quý tộc đầu tiên tham gia bộ môn này đều nói tiếng Pháp. Và đến tận ngày nay, rất nhiều quý ông Anh đam mê săn bắn vẫn mang họ Pháp. Tôi đoán sự kiện nhị bại này chỉ đáng nhớ với những kẻ không biết gì về lịch sử rõ ràng như thế. Nếu ai đó từng tin rằng người Anh có đặc quyền thiêng liêng và duy biệt để vượt trội hơn thảy về thể thao, thì thất bại này quả là một cú sốc khủng khiếp. Chắc họ thấy kinh ngạc chẳng khác gì mặt trời mọc hướng tây bắc thay vì hướng đông như thường lệ. Vì lợi ích về mặt đạo đức và trí tuệ của những người như vậy, cần thiết phải chỉ ra rằng: trong những trường hợp này, người Anglo-Saxon đã bị đánh bại bởi những đối thủ mà họ từng coi là “không phải là đối thủ”; bởi những người La-tinh, những người La-tinh thuộc hàng dễ xơi và yếu ớt nhất; bởi không chỉ người Pháp, mà còn là người Bỉ. Tất cả những điều trên phải được làm rõ với bất kỳ con người thông thái nào tin vào thuyết ‘Anglo-Saxon ưu việt’ ngạo mạn. Mà thực tế, chẳng ai thông thái mà tin vào cái thuyết đó. Một người Anh chân chính chẳng bao giờ tin. Và đối với họ, lần thua cuộc nầy chẳng có gì đáng phải bận tâm.
Một người Anh yêu nước chân chính sẽ hiểu rằng: sức mạnh của nước Anh chưa bao giờ phụ thuộc vào những thứ như thế; vinh quang của nước Anh cũng chẳng hề liên quan, ngoại trừ trong mắt một bộ phận giàu có và một nhóm người nghèo ăn theo thói nhàn rỗi của giới thượng lưu. Những kẻ ấy, tất nhiên rồi, sẽ hệ trọng hoá thất bại của chúng ta, y hệt cách chúng đã từng hệ trọng hoá những chiến thắng. Lũ jngo điển hình, những kẻ đã tôn sùng dân tộc mình thái quá khi họ là những kẻ chinh phục, giờ đây cũng sẽ khinh miệt dân tộc mình thái quá chỉ vì giờ họ bị đánh bại. Nhưng bất kỳ người Anh nào có tình yêu thực sự với quê hương đều biết rằng: thất bại trong thể thao không chứng minh nước Anh đã yếu đi, cũng như chiến thắng trong thể thao cũng chưa hề chứng minh nước Anh đã mạnh lên. Sự thật là thể thao, cũng giống như mọi thứ khác ngày nay, đã trở nên cực đoan trong thời đại của chủ nghĩa cá nhân. Những vận đông viên Anh đoạt huy chương vốn là ngoại lệ giữa những người Anh, bởi đơn giản họ là ngoại lệ ngay cả giữa nhân loại. Việc các động viên Anh đại diện cho nước Anh cũng giống nhưu gánh xiếc dị nhân của ông Barnum đại diện cho nước Mỹ. Trên khắp thế giới, có quá ít những cá nhân như thế và việc họ thuộc về quốc gia nào gần như chỉ là chuyện ngẫu nhiên.
Ta có thể dễ dàng tìm thấy một bằng chứng đơn giản cho luận điểm trên. Những vận động viên Anh vĩ đại, nếu không phải là những cá nhân xuất chúng hiếm hoi của nước Anh, thường thậm chí còn chẳng phải là người Anh. Hơn thế nữa, họ thường đại diện cho những chủng tộc có đặc điểm nhân chủng không mấy thuận lợi cho việc chơi thể thao. Chẳng hạn, người Anh vẫn được cho là đã có thể cai trị người Ấn Độ bằng sức bền bỉ vượt trội, khả năng vận động ưu việt và trí lực mạnh mẽ hơn. Người Hindu bị xem là thần dân vì họ được cho là lười vận động, ít ưa không gian mở và hoạt động ngoại trời. Nói toẹt ra, họ ít ưa cricket. Thế nhưng, nếu tìm hiểu ai là tay cricket cừ khôi nhất nước Anh, bạn sẽ phát hiện đó là một người Ấn. Hay lấy một ví dụ khác: người Do Thái nhìn chung được xem là một chủng tộc ôn hoà, trí tuệ, thờ ơ với chiến tranh giống người Ấn, thậm chí còn có thể khinh miệt chiến tranh như người Hoa. Ấy vậy mà trong số những võ sĩ quyền Anh xuất sắc nhất, vẫn có một vài người là dân Do Thái.
Đây là một trong những minh chứng rõ ràng nhất cho hệ luỵ tai hại sinh ra từ cái cách người Anh tôn sùng thể thao. Nó chăm hăm quá nhiều vào sự thành công của những cá nhân. Ban đầu, hết sức tự nhiên và chính đáng, họ muốn nước Anh thắng. Thế nhưng ở giai đoạn thứ hai, họ muốn một số người Anh thắng. Đến giai đoạn ba (trong cơn cuồng nhiệt của những cuộc tranh tài đặc biệt), họ chỉ còn muốn một cá nhân Anh cụ thể nào đó thắng. Và rồi đến giai đoạn bốn, khi người đó đã giành chiến thắng, họ chợt nhận ra người đó thậm chí chẳng phải người Anh.
Theo tôi, đây chính là điểm cần xem xét trong những đề xuất của Lord Roberts và những ý tưởng khá mơ hồ nằm giữa câu lạc bộ súng trường và chế độ nghĩa vụ quân sự bắt buộc. Dù những ý tưởng này có ưu nhược điểm gì đi chăng nữa, ít nhất chúng cũng nhắm đến việc tạo ra sự bình đẳng và nâng cao năng lực thể chất trung bình của người dân; chúng có thể giúp điều chỉnh khuynh hướng chỉ nhìn thấy bản thân qua những vận đông viên xuất chúng. Trên thực tế, hàng triệu người Anh thực sự tin. rằng họ là hậu duệ của một dòng máu cường tráng chỉ vì C.B. Fry là người Anh. Và cũng không ít người mơ hồ nghĩ rằng thể thao hẳn phải thuộc về nước Anh, bởi Ranjitshinhji là người Ấn Độ.
Nhưng sức mạnh thực sự của nước Anh, cả về thể chất lẫn tinh thần, chưa bao giờ gắn liền với sự duy biệt thể thao này; trái lại, chính điều này còn cản trở nó. Người ta hay bảo Waterloo khải hoàn được là nhờ sự nuôi dưỡng từ trên những sân chơi của trường Eton. Nhận định này đặc biệt sai lầm, bởi đóng góp của người Anh vào chiến thắng Waterloo phụ thuộc vào sự kiên định của những người lính bình thường trong tình thế tuyệt vọng, điều hiếm thấy ở các chiến thắng khác. Trận Waterloo thắng được nhờ sự ngoan cường của những người lính thô mộc, những người còn chưa từng đặt chân tới Eton. Thật nực cười khi nói rằng Waterloo thắng được nhờ những sân cricket của Eton. Nhưng có lẽ sẽ đúng hơn nếu nói rằng Waterloo thắng được nhờ những bãi cỏ làng, nơi những chàng trai vụng về chơi thứ cricket vụng về. Nói cách khác, chính sức mạnh bình quân của cả dân tộc đã làm nên chiến thắng, và những vinh quang thể thao chẳng nói lên nhiều về sức mạnh bình quân ấy. Waterloo không thắng được nhờ công những tay cricket giỏi. Waterloo thắng được bởi những tay cricket tồi, bởi đám đông những con người có chút bản năng và thói quen thể thao tối thiểu.
Một dân tộc mà làm những việc như thế một cách thô vụng thì mới là dấu hiệu tốt. Nó chứng tỏ rằng tất cả mọi người đều đang tham gia. Ngược lại, một khi mọi thứ đều quá điêu luyện, đó lại là dấu hiệu xấu - vì nó cho thấy chỉ có vài kẻ xuất chúng hay lập dị đang làm, còn cả dân tộc chỉ có đứng đó mà nhìn. Giả sử, hễ nghe nói đến chuyện đi bộ ở nước Anh, người ta chỉ hiểu đó là việc rảo bộ 45 dặm mỗi ngày mà không biết mệt. Thế thì ta có thể chắc chắn luôn: chỉ có vài tay siêu nhân thực sự bước đi, còn toàn bộ người dân Anh quốc khác thì ngồi ườn trên xe đẩy. Nhưng nếu hễ chuyện đi bộ làm ta ngay lập tức liên tưởng tới những cuộc rảo bộ chậm rãi, nhiều gắng gỏi và những mệt mỏi thường xuyên ập tới, ta hiểu toàn bộ đất nước đang đi bộ. Ta hiểu nước Anh đang rảo gót.
Vậy nên, vấn đề là ở chỗ, việc nâng cao tiêu chuẩn thể thao có lẽ đã gây hại cho tinh thần thể thao của quốc gia. Những giải đấu, thay vì là một trận mêlée lành mạnh mà bất kỳ người bình thường nào cũng có thể tham gia, giờ đây trở thành đấu trường được đóng cổng cài then kỹ lưỡng và chỉ mở ra cho những nhà vô địch, những đối thủ mà người thường không dám, thậm chí không được phép, thách thức. Nếu chiến thắng Waterloo được nuôi dưỡng từ những sân cricket trường Eton, môn thể thao này thời đó hẳn phải rất khác bây giờ, một cricket bừa bãi và khoáng đạt hơn nhiều. Khi trò chơi vẫn là trò chơi, ai nấy đều muốn tham gia. Nhưng khi nó trở thành một thứ nghệ thuật, người ta chỉ muốn đứng nhìn. Thời đại của thể thao phóng túng có lẽ đã mang đến trận thắng Waterloo: còn thời đại của thể thao chuyên nghiệp hoá đã mang đến trận bại Magersfontein.
Ở thời Waterloo, tinh thần thể thao bộc pháp tự nhiên tồn tại ở mỗi người Anh bình thường. Thứ tinh thần ấy không thể tái tạo bằng cricket, bằng nghĩa vụ quân sự bắt buộc hay bất kỳ biện pháp nhân tạo nào. Nó thuộc về tâm hồn, xuất phát từ tiếng cười, từ đức tin và cái hồn cốt của đất nước. Nhưng nó giống những cuộc đấu súng tay đôi kiểu Pháp thời nay ở chỗ: nó dành cho tất cả mọi người. Nếu tôi là một ký giả Pháp, biết đâu Monsieur Clemenceau lại thách tôi đấu súng cũng nên. Nhưng tôi dám chắc C.B. Fry sẽ chẳng bao giờ thách tôi so tài cricket.
[1] Một câu nói chế giễu tri thức kinh điển trong văn chương Chesterton. Loisy (1857-1940) và Harnack (1851-1930) đại diện cho hai trường phái đối lập trong ngành tôn giáo học bấy giờ: một cấp tiến, một bảo thủ, một đề xuất cải cách theo hướng chủ nghĩa hiện đại, một chủ trương quay về với những quan điểm của Do Thái giáo. Chesterton dùng những trường phái, tư tưởng lớn lao để gán ghép lên hình ảnh bà lao công đơn giản, có phần thô mộc để chế nhạo thói viện dẫn những thuật ngữ triết học một cách sáo rỗng, màu mè của giới ký giả bấy giờ.
Chesterton
Chesterton: Một nhà thơ đã chết
Chesterton: Một bản tình ca về đầm lầy