favorites
Shopping Cart
Search
Vitanova
Prev
Thu 2024
Next

Ford Madox Ford về Joseph Conrad

21/12/2024 06:56

(để tiếp tục ở kia, trong một kỳ mở ra cả Ford và Conrad

Ford Madox Ford viết và in Joseph Conrad: A Personal Remembrance vào năm 1924, chỉ bốn tháng sau khi Joseph Conrad chết, trong đó chủ yếu tập trung vào giai đoạn kể từ lần gặp đầu tiên giữa hai người cho đến khi hoàn thành cuốn tiểu thuyết viết chung thứ hai Romance (1903). Đây là một tài liệu quý: không những cuốn sách của Ford Madox Ford cho ta biết nhiều điều về Joseph Conrad - nhân vật xét cho cùng vô cùng bí hiểm, mà nó còn rọi ánh sáng vào dạng công việc rất hiếm có (và cũng bí hiểm): viết chung, như là chơi piano bốn tay.

Độc giả của Joseph Conrad biết tại sao Ford Madox Ford lại đặt nhan đề ấy cho cuốn sách của mình: cuốn sách của chính Joseph Conrad, khi Joseph Conrad tự viết về mình - một dạng hồi ký - mang tên A Personal Record (1912).

Dưới đây là Chương I, thuộc Phần I cuốn sách của Ford Madox Ford

 

Phần I: “C’est toi qui dors dans l’ombre”

Ford Madox Ford

I

Ông ấy thuộc dạng thấp, có đôi vai rất rộng và cánh tay dài; da ngăm, tóc đen và bộ râu đen tỉa gọn. Những cử chỉ của ông toát lên phong thái đặc trưng của một người Pháp, thường xuyên nhún vai. Khi bạn thực sự thu hút được sự chú ý của ông, ông sẽ đeo chiếc kính một mắt lên mắt phải và soi xét khuôn mặt bạn ở một khoảng cách gần, giống như cách một thợ sửa đồng hồ tẩn mẩn quan sát từng chi tiết bên trong chiếc đồng hồ. Khi bước vào một căn phòng, ông giữ đầu ngẩng cao với vẻ hơi cứng nhắc cùng dáng điệu kiêu kỳ, khẽ xoay đầu một vòng bán nguyệt. Chỉ bằng một chuyển động, ông dường thâu tóm toàn bộ không gian và mọi thứ bên trong căn phòng; vẻ kiêu kỳ của ông không nhằm áp chế những người có mặt, mà ông quyết tâm làm chủ không gian ấy, bởi ham mê lớn nhất nơi ông là tự khám phá và tri nhận thế giới theo cách riêng của mình.

§

Tại Pent Farm, dưới chân dãy South Downs, có một gian bếp lớn với sàn lát gạch uốn lượn. Trên đó có rất nhiều mèo; chúng được nuôi để bắt chuột và mỗi sáng đều được cho một ít sữa. Mỗi buổi sáng, một chú chim cổ đỏ hoang với bộ yếm đỏ và thân hình màu xanh lục ngả kaki sẽ nhảy, chứ không bay, ngang qua sàn bếp giữa những con mèo đang đợi. Những con mèo lảng tránh ánh nhìn, co duỗi bộ móng vuốt giấu kín trong lớp lông mềm của chúng. Con chim cổ đỏ nhảy qua ngưỡng cửa bên trong của gian bếp, băng qua một góc của phòng ăn thấp rồi leo lên cầu thang dẫn đến phòng ngủ. Khi cô hầu gái mang thư buổi sáng và khay trà mở cửa phòng ngủ, con chim cổ đỏ sẽ bay qua căn phòng thấp và tối, rồi đậu lên một chiếc lược cắm trong bàn chải đặt trên bàn trang điểm, ngay cạnh những khung cửa sổ dài, thấp với kính ghép chì. Nó kiên nhẫn chờ những mẩu vụn bánh mì và những miếng đường nhỏ xíu từ khay trà. Chẳng ai dạy con chim ấy về các chuyến phiêu lưu như thế. Chính con chim cổ đỏ này đã có mặt khi bức thư đầu tiên mà tác giả nhận được từ Joseph Conrad hơn một phần tư thế kỷ trước, được mở ra. Nó chăm chú dõi theo bằng đôi mắt nhỏ lanh lẹn, nhìn tờ giấy màu xanh xám có nét chữ viết tay khá cầu kỳ... Sau này, con chim đã chết chìm trong một bình đựng kem, điều ấy làm hao mất phần nào dáng vẻ từng có của một vị khách thần bí.

§

Phía trên gian bếp lớn là một căn phòng lớn được gọi là “Men's Room”, nơi trước đây những người làm thuê ở nông trại thường ngủ. Phòng này chỉ có thể vào bằng một chiếc thang, và ban đêm cái thang sẽ được dỡ xuống để những người làm thuê không thể giết chủ nông trại hoặc làm điều tệ hại với vợ ông ta. Những ô cửa sổ thấp của căn phòng thấp này được ghép bằng kính chì theo hình kim cương, với lớp kính mờ phủ màu xanh nhạt của thời gian. Trên một trong những ô cửa sổ đó khắc một cái tên, chắc hẳn bằng đầu nhọn kim cương: John Kemp, cùng với năm 1822. Conrad luôn luôn phản đối cái tên John Kemp, cho rằng nó không đủ quý tộc để đặt cho nhân vật chính của Romance, người vốn là cháu trai của một bá tước, nhưng tác giả lại ưng cái tên ấy và vẫn giữ nguyên.

§

Nhiều năm về trước, trong khi lật giở các trang của tạp chí All the Year Round do Dickens chủ trì để tìm những bản khắc gỗ của Ford Madox Brown, tác giả tình cờ bắt gặp một bài viết ngắn tóm tắt báo cáo chính thức về phiên tòa xét xử Aaron Smith. Đây là phiên tòa xét xử cướp biển cuối cùng từng được tổ chức tại Old Bailey và bị cáo được tuyên trắng án. Câu chuyện mà Aaron Smith kể tại tòa gần như chính là nội dung của Romance như ta biết ngày nay. Ngay khi đọc vài đoạn đầu tiên, người viết nhận ra ngay đây là thứ mà người ta vẫn gọi là chủ đề. Một số chủ đề sẽ chiếm lấy bạn bằng sức mạnh gần như siêu nhiên, như thể có một thứ gì đó ở đằng sau những dòng chữ in, chữ viết, hoặc lời nói, hoặc trong chính hào quang của sự kiện thực tế, vươn ra và túm cổ bạn rồi thốt lên: “Hãy viết về tôi.” Trong không gian mờ tối của Phòng Đọc tại British Museum, khi lần đầu va phải những dòng đó, dường như có một linh hồn ngự tại đây đã thì thào: “Hãy xử lý nó đi.” Nếu làm vậy, anh sẽ gặp may; nếu không, cả đời anh sẽ xúi quẩy. Và quả thật, nó mang lại may mắn.

§

Lần đầu tác giả xử lý câu chuyện đó, nó mỏng đến khó tin. Nó giống tiếng thì thào của một cụ già 90 tuổi, và người viết cố làm cho giống tiếng thì thào của một cụ già 90 tuổi. Tác phẩm được hoàn thành ngay trước khi, vào khoảng năm 1898, Conrad lần đầu tiên tới thăm tác giả ở Limpsfield... Tại sao tác giả lại nghĩ đến việc viết về cướp biển, chỉ có trời biết, hoặc tại sao, khi đã quyết định viết về cướp biển, người viết lại tham vọng mô tả họ như thể bước ra từ bản thảo mờ nhạt của một vở kịch Hy Lạp cổ? Nhưng chắc chắn đó là tham vọng của tác giả, và cũng chắc chắn rằng tác giả đã được trao cơ hội để thực hiện nó. Câu nào cũng mang âm điệu của tàn lụi, và đoạn nào cũng nhòa dần đi. Những câu cuối của bản thảo gốc như sau: “Trên đầu chúng tôi, một con dạ oanh (làm điều gì đó; dốc cạn tâm hồn của nó ra, có lẽ thế, hoặc cũng có thể là trút từng giai điệu của nó vào không khí mùa hè, với nhịp cần đúng 11 âm tiết). Vì là tháng Sáu nên tiếng hót của nó hơi đục...” Độc giả có thể nhận thấy tác giả khi đó đã đọc Trois Contes, giống những từ đầu tiên trong cuốn sách đầu tiên của Conrad được viết nguệch ngoạc trên bìa và lề của Madame Bovary. Những nhịp cuối cùng trong Herodias [truyện cuối trong ba truyện của Trois Contes] của Flaubert như sau: “Et tous les trois, ayant pris la tête de Iaokanaan, s'en allaient vers Galilée. Comme elle était très lourde, ils la portaient alternativement.” [Và cả ba người, sau khi mang đầu của Jokanaan, đã đi về phía Galilê. Vì cái đầu rất nặng, họ thay nhau xách nó - trích dẫn của Ford Madox Ford không chuẩn lắm]. Về nhịp, các câu sau là một sự mô phỏng hoàn hảo của câu trước. Ở cả hai, câu đầu tiên chứa 19 âm tiết; câu cuối cùng bắt đầu bằng cụm “As it was” và nổi bật với âm “u” trong “June” và “lourd, cùng với âm “or” trong “hoarse” và “portaient”. Như vậy, trước khi tác giả và Conrad gặp nhau, cả hai đã cùng nghiên cứu Flaubert.

§

Conrad xuất hiện từ góc nhà, bế trên tay một đứa nhỏ; việc này không làm ảnh hưởng tới dáng đi hơi cứng nhắc hay chuyển động hình bán nguyệt của đầu khi ông quan sát ngôi nhà kỳ lạ này, những luống rau diếp được bảo vệ khỏi lũ thỏ bằng lưới thép, hay khung cảnh bao la trải dài trước căn nhà. Ông được dẫn đường bởi Mr. Edward Garnett. Thời điểm đó tác giả đang bị choán lấy bởi cơn hứng làm nông cứ vài năm lại trỗi lên một lần, đến mức các nhà văn chuyên miêu tả từng chú ý đến anh ta đã khắc họa hình ảnh anh khi thì như một tay chơi Piccadilly với mũ chóp cao, áo khoác buổi sáng và giày bọc, khi lại như một người làm nông lấm lem bùn đất. Mr. Garnett sống cách đó khoảng một mẫu đất trên triền đồi; còn Mr. Conrad và gia đình thì đang ở Limpsfield Chart. Hồi đó, Mr. Garnett có tham vọng trình diện như người người Pháp thường gọi là lézarde: trông ông giống con thằn lằn cực kỳ dài, gần như không thể phân biệt được với những tảng đá khổng lồ xung quanh căn nhà hang động của mình, ngoại trừ cặp kính. Từ căn biệt thự riêng, Mr. Garnett nhìn ngôi nhà hai phòng của tác giả như thể một mảnh vụn núi lửa bị bắn ra. Mr. Garnett thường xuyên quở người viết vì mặc áo dạ màu xám đậm, ông nói nó bôi ra một “vết đen” trên triền đồi Limpsfield, nơi mà con người nên hòa vào sắc thái tự nhiên của cảnh vật. Lúc đó, tác giả đang mải thử nghiệm theo gợi ý của Giáo sư Gressent từ Đại học Sorbonne ở Paris. Anh đang cố trồng mười cây rau diếp trên mảnh đất vốn tua tủa cây tầm ma và đồng thời viết các bài cho tờ tạp chí Outlook về việc sử dụng khoai tây như một phương pháp tiêu diệt cây kế trên đất cát. Bây giờ nó đã được công nhận là phương pháp canh tác hiệu quả.

§

Đối với tác giả, Conrad hoàn toàn không để lại ấn tượng gì. Ông là tác giả của Almayer's Folly, một cuốn sách lớn mang phong cách lãng mạn, nhưng được viết theo lối quá giống Alphonse Daudet - nhân vật mà tác giả đã nằm lòng từ thời đi học, ở tuổi 18 đã thuộc làu Lettres de Mon Moulin. Một nhà văn lớn, mới mẻ vào thời đó. Nhưng đối với những nhà văn hay nghệ sĩ lớn, ngay từ thời đó, tác giả sớm đã en avait soupé vì ông được nuôi dưỡng giữa những bản in thử của Rossetti, cùng Swinburne, Watts-Dunton, Hall Caine (hay Sir Hall Caine nào đó) và toàn bộ nhóm Tiền Raphael - những hình tượng phổ biến nhất trong bối cảnh cuộc đời anh ta. Và Mr. Garnett thường dẫn các Great New đến, từng người một, để kích người viết như thể anh ta là một con sư tử xơ xác. Tác giả chắc chắn đã gầm lên. Theo cách đó, Mr. Garnett dẫn đến nào là Stephen Crane, Conrad, Lord Ollivier - giờ đây là Bộ trưởng của Hoàng gia Anh phụ trách Ấn Độ - vợ của Thư ký Hội Fabian, Thư ký Hội Fabian... Cả một đoàn người và tác giả thì như con sư tử bờm xơ xác trong một gánh xiếc lưu động. Hoặc rất có thể, giống một người đàn ông bị nhốt trong sở thú! Và Mr. Garnett thường là người chọc ghẹo, bảo với những vị khách danh tiếng rằng tác giả có cá tính quá mạnh nên chẳng độc giả nào thèm ngó ngàng... Đó là thời gian ảm đạm nhất trong cuộc đời vốn đã không thiếu những quãng ảm đạm.

§

Tác giả có lẽ đã gầm lên. Thực ra, vào dịp đó, anh ta chắc chắn đã gầm lên, nhưng cũng không khỏi thấy khó chịu với Conrad - giống như cảm giác khi có người đi ngang qua chuồng của bạn và khiến người khác chọc tức bạn. Sau đó, những người lớn cùng vài đứa trẻ đi lên bãi cỏ thoai thoải bên ngoài ngôi nhà của Mr. Garnett. Chính tại khoảnh khắc đó, một ký ức thực sự sống động về thiên tài tuyệt vời này đã vụt lên trong tâm trí tác giả... Một trong số những đứa trẻ bò qua bãi cỏ dốc, yếu ớt như mèo non; trong khi đó, một đứa khác lớn hơn một tẹo, với khuôn mặt tập trung cao độ, tiến về phía trước theo cách giống hệt một người tàn tật ở các con phố Paris. Hai nắm tay ghì xuống đất, một chân ngắn chìa ra, chân kia co lại bên dưới, mái tóc vàng và ánh mắt đầy quyết tâm, nó tự nâng mình qua lớp cỏ bằng đôi tay và khoảng trống giữa hai cánh tay. Conrad ngả đầu ra sau và bật cười lớn; chiếc kính một mắt rơi khỏi; ông lại đeo nó vào, nhìn đứa trẻ chăm chú, rồi ngả đầu ra sau lần nữa cười vang, thốt lên những từ ngữ kỳ lạ bằng tiếng Pháp kiểu Marseille... Ngay sau đó, Mr. Garnett lại khẳng định lần thứ ba với Mr. Conrad rằng tác giả có cá tính quá mạnh nên chẳng độc giả nào thèm ngó ngàng. Tất nhiên đấy là một lời ngầm khen ngợi...

§

Tác giả rời Limpsfield và trở lại Pent Farm. Một bức màn dường đã buông xuống giữa anh ta và Conrad. Và rồi bất ngờ xuất hiện bức thư mà con chim cổ đỏ kia đã được chứng kiến. Thực ra, tại Limpsfield, tác giả đã gầm lên. Rõ ràng là anh ta từng kể cho Conrad câu chuyện về John-Kemp-Aaron-Smith, vì Conrad đề nghị ý tưởng hợp tác viết câu chuyện ấy - câu chuyện mà Mr. Garnett bảo rằng vì anh ta quá cá tính nên sẽ không bao giờ tìm được một nhà xuất bản. Nếu không phải bởi câu nói ấy, lời đề xuất từ phía Conrad hẳn rất khiếm nhã. Song Conrad chưa bao giờ là người xấc xược. Sự tế nhị của ông, ngay cả đối với người bán tạp hóa, luôn luôn mang phong thái rất phương Đông.

§

Hiển nhiên tác giả đáp lại rằng tốt hơn hết Conrad nên tự mình đến xem ông đang đẩy mình vào đâu. Và Conrad đã đến. Nhưng lần đó, Conrad xuất hiện... Ông giống một vị Sultan của các tín đồ chân chính bước vào chợ nô lệ. Và trong mắt người viết, hình ảnh ấy mãi mãi ngự trị cho đến khi ông không may qua đời. Ông là một quý ông phiêu lưu, một người từng ra khơi cùng Drake. Một nhân vật mang tinh thần thời Elizabeth - đó chính là con người ông. Người ta gọi ông là người Xlavơ; người ta gọi ông là người phương Đông; người ta cũng gọi ông là một nhà Lãng mạn. Nhưng ông không thuộc về bất cứ điều gì trong số đó, ngoại trừ vẻ ngoài, thứ mà ông trưng ra cho người bán tạp hóa hay những vị khách đến thăm buổi chiều. Một người đàn ông cần có vẻ ngoài để giao thiệp, dù là với người bán hàng hay với khách. Nhưng thực chất, ông chỉ đơn giản là con người: homo europaeus sapiens, một con người đồng điệu với thời cuối thế kỷ 16. Trên đời này, chẳng có gì ông khao khát hơn việc đốt cháy bộ râu của vua Tây Ban Nha, nếu như không phải để viết nên một cuốn sách thật hay. Vậy mà ông đã làm được cả hai: đánh lừa hải quân Hà Lan ở Malaysia và viết nên những cuốn sách vĩ đại nhất thế giới.

§

Ông có một con ngựa cái già kỳ lạ với đôi tai dài đến mức ai nhìn cũng tưởng là con la. Nó tên là Nancy. Và một chiếc xe ngựa đen làm bằng mây. Ông chăm chút cả hai thứ ấy với niềm ham mê sống động của một người đàn ông ưa sự gọn gàng, ngăn nắp: dây cương, hàm thiếc, đai đầu, thức ăn... tất tật phải đâu vào đấy. Tôi nhớ có lần, tại sân quán trọ ở Winchelsea, có một gã chăm ngựa khổng lồ, béo ụ, cao đến sáu foot hai, bẩn thỉu và xám xịt. Hắn tựa lưng vào tường, khuôn mặt run rẩy, nhợt nhạt như hồ dán quảng cáo. Hắn thở hổn hển: “Tôi từng nghe nói về sư tử Anh; nhưng xin trời bảo vệ tôi khỏi con gấu Nga... “Gấu Nga” là cách gần nhất hắn có thể gọi “người Ba Lan”. Conrad gọi hắn ra vì hắn đã trộm phần yến mạch ông để dành cho con ngựa.

§

Điều đầu tiên bạn nhận ra ở Conrad là sự mãnh liệt trong ông và ông đã trút cả vào việc viết: vẻ u tối, động tác phóng khoáng, cùng ánh mắt sáng quắc như lửa từ ngọn núi lửa đang âm ỉ. Không hề cường điệu hóa mà chính tính cách của ông xứng đáng với những lời vinh danh này. Conrad còn mang trong mình tinh thần hiệp sĩ. Sau cuộc tranh luận với quý bà về quyền thần thánh của các vị vua, ông tái nhợt, kiệt sức, gần như thở dốc. Đó là bởi ông nhớ đến Marie Antoinette trong ngục Conciergerie, ăn mặc rách rưới, mất con, gầy gò xanh xao, đầu tóc rối bời. Với ông, bà không chỉ là nhân vật lịch sử mà là con người đúng nghĩa, và ông cảm nhận được nỗi đau của bà. Bà đã chết, và một quý bà vui vẻ nhưng thiếu cảm thông không nên bày trò chế giễu về vị nữ hoàng đã khuất. Chó không nên cắn chó; quý bà lụa là không nên hủy hoại danh tiếng của các nữ hoàng một thời cũng từng ăn vận các tấm lụa còn đẹp hơn nhiều song giờ đây đã nằm sâu trong lòng đất. Chính sự nghèo nàn trí tưởng tượng của toàn thể nhân loại, khi được tóm gọn và phơi ra trước mặt ông, đã khơi dậy trong ông một ham mê cháy bỏng, đồng thời đòi hỏi ở ông một sự kiềm chế phi thường. Chỉ có người viết mới hiểu được sống động hình ảnh tách trà bị thẳng tay ném vào lò sưởi bởi anh ta từng được chứng kiến cảnh Conrad nổi đóa khi Giám mục London, sau khi trở về từ St. Petersburg sau Bloody Monday, buông lời rằng người Nga sẽ mãi gặp rắc rối chừng nào họ chưa thấm nhuần niềm đam mê nồng nhiệt của người Anh dành cho các trò ngoài trời! Ông căm ghét người Nga; niềm ham mê của ông nghiêng về những người theo chủ nghĩa Bonaparte hơn là những kẻ ủng hộ Bourbon. Thế nhưng, điều khiến ông phát điên là các lời ngu xuẩn đến thể lại được ướm lên số phận của những con người đang hứng chịu khổ đau.

§

Điều đặc trưng ở Conrad - vô cùng đặc trưng ở Conrad - là khi, sau năm năm, ông và tác giả cùng hoàn thành các đoạn cuối của Romance, và lúc người viết viết rằng: “Vì đau khổ là số phận của con người”, Conrad đã thêm vào: “nhưng không phải là thất bại không thể tránh khỏi hay sự tuyệt vọng vô nghĩa trường kỳ: đau khổ là dấu ấn của bản lĩnh con người, mang trong chính nó hy vọng về hạnh phúc, như một viên ngọc được khảm trong sắt thép. Bản lĩnh con người ấy hiện diện bên trong ông.

§

Ông đến Pent khi đó để xem mình đang chạm trán với điều gì. Và ông chạm trán với niềm ham mê - và đau khổ. Hiếm khi tác giả chứng kiến nỗi đau nào sâu sắc như những gì Conrad trải qua trong lúc đọc bản thảo đầu tiên của Romance. Conrad từng kỳ vọng một vở kịch về cướp biển Cuba, đồ sộ và u ám, giống như Salammbô, với ánh sáng đỏ rực, như trên một sân khấu xa xôi nào đó... Trong một hoặc hai chương đầu - những chương diễn ra tại Pent Farm - ông giữ im lặng. Rồi ông trở nên... im lặng hơn. Dường như sự im lặng của ông mang trong nó những sắc thái mãnh liệt khác nhau. Chắc chắn ban đầu ông còn có vài động tác nhỏ chẳng hạn như châm điếu thuộc, thả lỏng cơ thể hoặc đổi tư thế ngồi. Song dần dần, các cử chỉ ấy hoàn toàn biến mất.

§

Phòng khách ở Pent là một căn phòng sâu hun hút, với một xà ngang chắn ngang giữa trần nhà thấp; những bụi hồng nhỏ, hoa nở quanh năm, khẽ hé các cánh mỏng manh qua bậu cửa sổ. Nếu ngồi bên lò sưởi, toàn bộ tầm nhìn của bạn sẽ bị choáng ngợp bởi hình ảnh một kho thóc khổng lồ, mái tranh rộng lớn phủ đầy rêu đen. Đôi lúc, bạn có thể thấy một con chuột ung dung di chuyển trên mái, như đang đăm chiêu suy ngẫm. Nếu tiến đến gần cửa sổ, bạn sẽ thấy một bãi cỏ hẹp kéo dài tới một bức tường gạch thấp. Phía sau bức tường, địa hình thoải, để lộ một sân chứa lớn thường trải đầy rơm và đôi khi có vài con bò đứng đó. Conrad và tác giả đã trồng một cây cam, mọc lên từ một hạt giống, ngay dưới bức tường thấp phía bắc của khu vườn hẹp này. Đến năm 1917, cây cam vẫn còn sống, mọc cao tới mép tường, nơi sức gió đã chặt phăng chiều phát triển của nó. Căn phòng ấy thật yên tĩnh và giản dị.

Tác giả ngồi trên chiếc ghế bành cũ của ông nội, quay lưng lại cửa sổ, bên cạnh lò sưởi, tay cầm bản thảo giơ lên để hứng ánh sáng mà đọc. Conrad ngồi hơi chúi về phía trước trên một chiếc ghế bành có đệm mây, chăm chú lắng nghe. (Chẳng biết bao nhiêu năm trời tác giả và Conrad đã ngồi như thế!)

§

Chúng tôi bắt đầu buổi đọc sau bữa trưa của một ngày ngắn ngủi; đèn được mang vào cùng với trà. Trong khoảng thời gian ấy, Conrad trông bồn chồn và u sầu, thu mình lại và gần như không trả lời bất kỳ câu hỏi nào. Khi ấy Conrad vẫn còn là người lạ, và đây là lần đầu tiên tác giả cảm nhận được sự trầm uất của Conrad trước một vấn đề nghệ thuật: nó giống một dòng chảy mạnh mẽ trùm lấy cả căn phòng. Tác giả, quay lưng lại với ngọn đèn, tiếp tục đọc, trong khi Conrad hoàn toàn chìm trong bóng tối. Tác giả chỉ có ấn tượng rằng cơ thể của người đối diện cơ hồ co rút lại, thu gọn trong chiếc ghế và cứ thế co chặt hơn. Trong căn phòng trần thấp ngập bóng tối, phần lớn ánh sáng tụ trên trần nhà, tạo ra những mảng tranh sáng tranh tối đối chọi mạnh mẽ.

§

Conrad bắt đầu rên rỉ... Đến lúc này, tác giả dần nhận ra Conrad không hài lòng với cách câu chuyện về những chuyến phiêu lưu của John Kemp được xử lý, ít nhất là ở Cuba. Tác giả, với sự hiểu biết đủ sâu sắc về tính khí của Conrad, đã không hỏi thẳng liệu vị khách của mình có đang khó chịu hay không. Đến bây giờ anh vẫn nhớ như in cảm giác im lặng cứng đầu rồi tiếp tục đọc ấy, giữa bóng tối càng lúc càng rõ tiếng bên hơi ấm lò sưởi... Những lần ngắt lời ngày càng kéo dài cùng tiếng cảm thán. Ban đầu là: “Ôi! Ôi!... Trời ơi, Hueffer thân mến của tôi...” ...Và đến cuối cùng, ông thốt lên: “Ôi trời ơi, người bạn khốn khổ của tôi, làm sao chuyện này lại xảy ra được...” Tác giả khép lại buổi đọc bằng việc thả xuống một câu, vì đang là tháng Sáu, tiếng chim dạ oanh cất lên hơi đục. Thế nhưng, nhận xét mang tính sinh học này, dù có nhịp duyên dáng, lại như đòn chốt hạ chí mạng đẩy tâm trạng Conrad xuống tận đáy. Khi người viết ngừng đọc, Conrad giật mình hỏi: “Gì? Gì? Sao lại thế?” Và khi biết đó là đoạn kết, ông buông một tiếng rên: “Trời đất!” - lần cuối cùng. Có những nhà văn - nhất là người Pháp - có thể giữ bí mật của cả cuốn tiểu thuyết dài cho đến tận ba từ cuối cùng. Đó là điều Conrad kỳ vọng. Nhưng với tác giả, anh ta thà chết còn hơn viết một cuốn sách máy móc như vậy.

§

Conrad là bậc thầy vô song trong việc ấp ủ các kế hoạch đầy tham vọng nhằm đạt được sự giàu có bất ngờ và vô hạn hay vinh quang lẫy lừng một cách nhanh chóng. Chỉ cần chứng kiến ông lao vào một trong những cuộc phiêu lưu ấy cũng đã đủ để khơi dậy cảm hứng. Khuôn mặt ông rạng rỡ, cơ bắp căng lên, và trước tiên, ông sẽ say sưa trình bày ý tưởng của mình, rồi bắt tay ngay vào hành động. Rõ ràng, kinh nghiệm của ông trong vai trò thuyền trưởng - dụ dỗ các thương nhân phương Đông miễn cưỡng đồng ý vận chuyển hàng hóa mà họ không muốn gửi, với mức giá họ không muốn trả, trên những con tàu dưới quyền chỉ huy của Conrad, vốn vì lý do nào đó không phù hợp để chở loại hàng hóa đó - đã rèn cho ông năng lực đàm phán trực tiếp với con người. Nhìn ông tựa vào quầy, thuyết phục ông Dan West, một người bán tạp hóa trầm lặng ở Hythe, cho mình mua chịu - một điều chưa từng có ở thị trấn này - là một cảnh tượng hết sức lôi cuốn. Ông chủ tiệm với bộ râu rậm, đôi mắt chớp liên tục cùng tính tình cực kỳ đáng mến - tôi ước gì tìm được ai giống ông ấy - có lẽ đã ngầm hiểu phần nào về giao dịch này, vốn ẩn chứa bản chất của những hối phiếu hạn ba tháng, có lẽ cả thế chấp bảo hiểm nhân thọ - trời mới biết còn gì nữa! Ngay sau đó, Conrad, như một người thắng trận, lại tiến về quán White Hart, nơi cô Cobay, người phụ nữ uy nghiêm, da ngăm, xinh đẹp đến đáng kinh ngạc, cai quản góc tối mờ ảo của quán rượu cổ kính ấy. Ở đó, ông Dan West ngồi yên, vẻ phúc hậu, hài lòng, đôi mắt chớp nhẹ, một người đàn ông giàu có ở tuổi năm mươi, từng nhiều lần làm thị trưởng của thị trấn cổ này, am hiểu con người và yên lặng khoan dung với vị khách đầy chất lãng mạn vừa bước vào. Ông ấy trông y đúc Stein trong Lord Jim, nhìn nhân vật chính của tác phẩm tuyệt vời đó và tự nhủ: “Lãng mạn... Anh ta đúng là một kẻ lãng mạn!”... Và cô Cobay, người phụ nữ đẹp như tượng, chậm rãi, không bao giờ nói một lời nào. Tác giả, ít nhất trong ký ức, chưa bao giờ nghe cô ấy nói gì, ngoại trừ nhiều năm sau, khi đi ngang qua thị trấn Cinque Port cổ, anh ta ghé vào quán White Hart để hồi tưởng, và cô Cobay, với ánh mắt bí ẩn, hỏi thăm Mr. Conrad, người đã rời khỏi Pent từ lâu lắm rồi, giống như một trong những người phụ nữ lặng thinh trong các cuốn sách đầu tay của Conrad: nữ chính trong Falk [trong tập Bão lớn: Ford Madox Ford đang muốn nhắc đến nhân vật cô cháu gái của thuyền trưởng Hermann], người không nói một lời nào... Người viết, than ôi, dường đang hóa thành Marlowe.

§

Conrad là Conrad vì ông chính là những cuốn sách của mình. Không phải ông viết văn chương; ông chính là văn chương, hiện thân cho tinh thần Phiêu lưu của các Quý ông thời Elizabeth... Hãy tưởng tượng việc ông ngồi trên một chiếc xe lót mây cũ kỹ, kéo bởi một con vật trông giống như con la, để đi thuyết phục một người bán tạp hóa ở Hythe cho mình mua chịu trong ba năm... Hay hãy nghĩ đến việc rời khỏi Stamford-le-Hope - một bến cảng an toàn, nơi ít nhất bạn còn có sự kết nối với tàu bè, cửa sông, và những đảo nhỏ - để lao vào một vùng đất xa lạ, nơi có dân cư hoang dã chưa từng được biết đến, qua những ngọn đồi trơ trọi, xa khỏi tầm nhìn của biển cả, nhằm thuyết phục một người cầm bút hoàn toàn xa lạ, người được coi là bậc thầy văn phong xuất sắc nhất nước Anh, từ bỏ tự do để cùng tham gia vào một chuyến phiêu lưu trên biển. Không chỉ thế, còn thuyết phục người ấy từ bỏ cả “chủ đề” hấp dẫn của mình - một hành động chẳng khác gì việc bạn mạo hiểm tiến sâu vào những vùng đất hoang phía sau Palembang, để yêu cầu một người vừa mới quen giao lại cho bạn - để cùng hợp tác - bí mật của một con lạch huyền bí nơi người ta tìm thấy vàng. Một cuộc phiêu lưu không khác gì câu chuyện trong Victory... Và rồi, để xúc phạm chủ nhân của con lạch ấy bằng những tiếng rên rỉ, thở dài, những câu “Ôi trời ơi!” đầy thống khổ, cùng những cử chỉ méo mó... Thật vậy, tất cả chúng tôi - những người đã ủng hộ Conrad đến chiến thắng cuối cùng, vĩ đại của ông - đều chẳng khác gì các nhân vật phụ trong sách của ông. Chúng tôi phải chịu đựng những đòi hỏi quá đáng của ông, từ việc xin nợ, xin kiên nhẫn, cho đến xin cả đề tài sáng tác... Những Stein, những Whalley, thuyền trưởng MacWhirr... và giờ đây, cả những Marlowe nữa!

§

Vì, trong vài giờ khắc của ngày xưa khi chúng tôi làm việc với Romance, độc giả có thể tin rằng từng có khi số phận của tác phẩm này đã bị treo lơ lửng trên cán cân. Đó quả thật giống như việc Rumpelstiltskin xuất hiện để mang đứa con của Nữ hoàng đi mất. (Conrad, trích dẫn Grimm trong lời đề từ, đã viết: “Không, có một điều thuộc về con người còn quý giá hơn tất cả của cải Ấn Độ!”) Và hãy tin rằng, tác giả từ trước đến nay hoàn toàn dửng dưng với số phận của các cuốn sách mình viết, với cách mà chúng được đánh giá - ngoại trừ bởi Joseph Conrad; cũng như các thứ sự nghiệp, danh tiếng hay bất kỳ điều gì tương tự. Conrad dường khó tìm được ai phù hợp hơn để cùng ông khám phá những con lạch huyền bí. Nhưng người viết khi đó không hề xa lạ với những thăng trầm của cuộc sống con người và của các mối quan hệ hợp tác văn chương. Các cuộc cãi vã dữ dội giữa Henley và những người thừa kế cùng những đại diện của Stevenson lúc đó đang tràn lan trên báo chí. Hoặc ta có thể nhớ đến ảnh hưởng mà Boswell đã gây ra đối với danh tiếng của Johnson. Làm theo điều mà Conrad khi đó khăng khăng đòi - từ bỏ lạch nước để cùng hợp tác - chẳng khác nào tự chuốc lấy rắc rối!

§

Số phận tác phẩm khi ấy vẫn còn treo lơ lửng trên cán cân. Nhưng dần dần, sau bữa tối, trong một đêm dài ở trang trại kéo đến tận hai giờ sáng, phép mầu đã hiện ra. Đúng vậy, đó là phép mầu! Những ý tưởng được hé lộ, và Conrad, một cách hồn nhiên, đã chia sẻ mong muốn của mình. Khi ở Limpsfield, nghe người viết trình bày về đề tài đầy mê hoặc - về Aaron Smith, tên cướp biển cuối cùng bị xét xử tại Old Bailey, về con lạch nơi dòng Rio Media chảy qua, về những con tàu cướp biển do Nikola el Escoces chỉ huy ra khơi tấn công tàu Victoria với hàng hóa là gỗ vang, rượu rum, đường thô và phẩm nhuộm - Conrad đã hình dung ra một cuốn sách đầy sức sống, khai thác triệt để mọi tinh túy của câu chuyện. Một điều đặc trưng của tác giả là, dù trong phiên xét xử, Aaron Smith đã nhắc đến một phụ nữ mang cái tên cuốn hút, Seraphina Riego - con gái của một thẩm phán cấp sơ thẩm, được mệnh danh là “Ngôi sao của Luật pháp Cuba”, sống ở thành phố cướp biển Rio Media - tác giả đã cố tình loại nhân vật này khỏi bản thảo đầu tiên. Thay vào đó, người phụ nữ mà John Kemp ngồi cùng dưới tiếng hót đục của con chim dạ oanh được phác họa mờ nhạt, chỉ hiện lên qua hình ảnh đôi vai trần cùng chiếc khăn tay, mang cái tên giản dị là Veronica... Conrad kỳ vọng sẽ được nghe một tác phẩm do bậc thầy văn phong xuất sắc nhất nước Anh trình bày - một cuốn sách vừa có sức hút rộng rãi như Treasure Island, vừa tinh tế như Salammbô. Ông hình dung rằng, chỉ cần thêm vào vài nét chấm phá: không khí biển, sương mù, dây buồm... thì trong hai tuần, vận may sẽ nằm trong tay những kẻ phiêu lưu. Lại một dự án đầy ma lực nữa... Nhưng than ôi, sau năm năm làm việc, Romance chỉ đạt được chút thành công khiêm tốn, được đánh giá cao về mặt nghệ thuật. Mà ngay cả thế cũng chẳng thấm là bao, bởi những nhà phê bình ở xứ sở này vốn chẳng mấy tin vào các tác phẩm được viết chung.

§

Đường nét biến đổi kỳ diệu và sống động của Conrad đã hoà vào câu chuyện. Có phần khó chịu, người viết, ngay trước bữa tối, đã giải thích về bản chất của cú tour de force mà anh đang cố gắng thực hiện. Đó là một câu chuyện được kể lại bởi một ông lão, nhìn về quá khứ, về mối tình lãng mạn của chính mình - giống như cách mà người kể chuyện này đang hồi tưởng ngày hôm nay. Bạn đang được chứng kiến bản thảo gốc đích thực của Romance. Đây chính là cách câu chuyện được triển khai, dựa trên sơ đồ kỹ thuật mà chúng tôi khi ấy đã cùng nhau thống nhất.

Trước bữa tối, Conrad lắng nghe lời giải thích của người viết với vẻ kính cẩn nhưng lạnh nhạt. Dĩ nhiên, nếu đó là cách anh ta chọn, thì không sao... nhưng tại sao lại chọn một chủ đề như vậy? Một người đàn ông sáu mươi hai tuổi... Ừ, phải, tất nhiên rồi... Thế nhưng, ông vẫn khép mình trong nỗi thất vọng và, hơn nữa, trong sự phẫn nộ đối với kẻ dám nắm lấy một chủ đề như thế mà không siết chặt nó, không vắt kiệt từng giọt máu và sức hút của nó. Trong mắt Conrad, tác giả chẳng khác nào một kẻ tội phạm - một kẻ đã lãng phí cơ hội trời cho, biến một Cuốn Sách đầy triển vọng thành bộ xương khô của một màn trình diễn kỹ thuật vô hồn. Ông thốt lên: “Đưa tôi xem nào. Đưa tôi bản thảo.” Rồi cầm những trang giấy lên với vẻ khó chịu, như thể chúng là bằng chứng của một tội ác. Lãng phí vận may - điều đó không thể chấp nhận được; giết chết một chủ đề - đó là một vụ sát hại tàn nhẫn, phản tự nhiên... Chuông bữa tối vang lên...

§

Trong bữa tối có sự hiện diện của các quý bà; dần dần Conrad trong cơn u uất lại trở về là chính mình. Chủ đề xoay quanh hạt tiêu được đưa ra bàn luận, và ông hùng hồn tuyên bố rằng những cuộc chiến lớn nhất trong lịch sử thế giới từng nổ vì hạt tiêu. Những hòn đảo Gia Vị, vùng Viễn Đông, như được mang vào căn phòng, cùng với Wapping Old Stairs, những lều trại của quân đội bao quanh Constantinople vào cuối cuộc chiến Nga-Thổ, khi Conrad còn là một thủy thủ trên tàu vận tải của Messageries Maritimes. Một cuộc tranh cãi nảy lửa sau đó bùng lên về việc liệu nghệ tây có thực sự có mùi vị hay không - ngay giữa lúc mọi người đang thưởng thức món cà ri. Conrad khẳng định rằng nghệ tây hoàn toàn không có mùi vị, trong khi tác giả cho rằng nghệ tây là một trong những loại thảo mộc đậm vị nhất. Conrad thề rằng ông từng vận chuyển cả tàu hàng đầy nghệ tây, rằng cả cuộc đời ông chỉ xoay quanh việc chở nghệ tây, rằng ông chẳng biết đến công việc nào khác ngoài điều đó. Ngược lại, tác giả nói rằng anh ta đã sử dụng nghệ tây để chữa bệnh cho gia cầm còn nhiều hơn số lượng mà Conrad từng vận chuyển, và hơn nữa, anh ta cũng đã khiển trách đủ số đầu bếp để quy tụ nên được cả một thủy thủ đoàn vì không bỏ đủ nghệ tây vào món poule au riz. Conrad tuyên bố nghệ tây chỉ được dùng để tạo màu bắt mắt cho cơm. Tác giả phản bác, gọi đó là một màu khó chịu, thậm chí chướng mắt. Đôi mắt Conrad lóe lên vẻ nguy hiểm; hàm răng trắng lộ rõ dưới bộ ria hơi chếch lên. Cả hai chúng tôi cùng im lặng hướng ánh mắt về những bãi cát ở Calais... Một ai đó nhanh chóng chuyển chủ đề sang những viên ngọc trai.

§

Trong suốt hàng vạn cuộc trò chuyện giữa chúng tôi qua bao năm tháng, chỉ có hai chủ đề khiến chúng tôi tranh cãi: liệu nghệ tây có mùi vị hay không và liệu có thể phân biệt con cừu này với những còn cừu khác hay không.

§

Sau bữa tối đầu tiên ấy, Conrad bắt đầu trò chuyện, vì có mặt những người mà ông cảm thấy đồng điệu. Trong những dịp như vậy, ông nói chẳng khác nào một hiện thân sống động của The Mirror of the Sea. Thật ra, phần lớn nội dung của tác phẩm đó chính là những câu chuyện của ông, được người viết ghi lại bằng tốc ký tự chế. Khi Conrad chìm trong trạng thái u uất, tác giả thường nhắc ông về những đoạn văn mà chính ông từng viết... Than ôi, chỉ mới ba tuần trước, tác giả còn ngồi trong một cỗ xe mui đen, lắc lư trên con đường băng qua những vùng đồi trọc đơn điệu - phần kéo dài của những ngọn đồi Kent - ở phía bên kia eo biển. Chiếc xe lắc lư phía sau một con vật bốn chân kỳ cục, giữa những cánh đồng lúa mì mà từng gợn gió thổi qua tạo thành bề mặt lăn tăn như dấu chân mèo trên mặt nước. Mối tương đồng quá rõ làm người viết không kìm được mà tự nhủ: “Ford, mon vieux, ông sẽ tả cánh đồng lúa mì này thế nào đây?”... Độc giả hãy xem ghi chép này như một sự trùng hợp, nhưng hoàn toàn chân thật.

§

Bởi đã có vô số ngày, từ năm 1898 đến 1905, chúng tôi ngồi trên xe - khi thì sau lưng chú ngựa cái hiền lành của Conrad, khi thì sau con ngựa Exmoor kém phần thân thiện của tôi - băng qua những vùng đồi trọc đơn điệu, tự hỏi làm thế nào để miêu tả một cánh đồng lúa chín vàng hay một mảng bắp cải xanh tím rộng mười mẫu. Chúng tôi thử diễn đạt bằng tiếng Pháp: sillonne, bleu foncé, bleu-du-roi; rồi thử quay lại với tiếng Anh; rồi lục lọi trong trí nhớ những từ tiếng Pháp khác để liên tưởng, đối chiếu với tiếng Anh, và cứ thế tiếp tục miệt mài suốt những giờ yên tĩnh.

§

Ba tuần trước, đúng vào ngày này - thật kỳ lạ làm sao chuyện con người luôn trở về với những điều mình từng yêu! - tác giả ngồi trên xe, rời khỏi một trang trại cũ kỹ, tồi tàn giữa một vùng quê bình thường, đi qua những ngọn đồi thoai thoải trên con đường phụ rải đá, và như nghe tiếng Conrad vang lên: “Ford, mon vieux, ông sẽ tả cánh đồng lúa mì này thế nào đây?”... Nếu không biết những chi tiết này, bạn sẽ khó có thể hình dung được ấn tượng sâu sắc đến mức nào mà thiên tài tuyệt đẹp ấy đã để lại trong một tâm trí vốn không dễ bị tác động hay dễ dàng nảy sinh tình cảm... Và thế là tác giả cứ mãi trăn trở về điều đó.

Anh ta tiếp tục nghĩ, lúc thì bằng tiếng Pháp, lúc thì bằng tiếng Anh: “Champs de blés que les vents faibles sillonnaient... Cornfields... Không, không thể dùng từ cornfields được, vì với người Mỹ, đó lại có nghĩa là đồng ngô... Wheat fields... Fields of wheat that the eak... feeble... light... gió gì nhỉ, breezes, airs...” Không gì thú vị hơn là làm việc này vào một ngày yên tĩnh; thực sự còn thư giãn hơn cả việc câu cá bên ao... “Fields of wheat that small winds ruffled into cat’s-paws... Nhưng, tất nhiên, cách diễn đạt này văn vẻ quá...”

§

Những suy nghĩ đó cứ luẩn quẩn trong đầu anh ta khi chiếc xe xóc nảy qua những phiến đá granit gồ ghề ở một thị trấn nhỏ, hướng về nhà ga đổ nát. Anh ta tiếp tục nghĩ về cánh đồng lúa mì - bụi bặm, ánh đồng, rực vàng, như đang trôi chạy qua một ngọn đồi nhỏ - trong khi mua vé từ một phụ nữ khó chịu ngồi sau khung lưới, rồi mua một tờ báo Anh từ một phụ nữ dễ mến mặc tạp dề xanh. Đứng trên sân ga, anh lẩm bẩm: “Dont les vents faibles sillonnaient les surfaces roussâtres...”, mắt vẫn dán vào những dòng chữ đen in hoa trên tờ báo mà người bạn đồng hành cầm gấp gọn trong tay. Một ý nghĩ vụt hiện: “Đây là một trò đùa tồi... Tờ báo này thuộc loại chuyên đưa ra những trò đùa tệ hại... Chính ông ấy vừa nói với mình. Không phải năm phút, không phải ba... Chỉ vài giây trước; ngay tại sân ga này... một giọng trầm, hơi tối màu, với âm điệu nâu nâu, có chút dịu dàng...

§

Tác giả bật thốt: “Nhìn kìa! Nhìn kìa!”... Người bạn đồng hành mở tờ báo ra. Dòng thông báo chạy dài trên hai cột với những chữ in đậm, rõ nét: CÁI CHẾT ĐỘT NGỘT CỦA JOSEPH CONRAD. Ở sân ga phía đối diện, ba người đàn ông, phủ đầy bụi trắng, đang phá dỡ một phòng chờ cũ kỹ bằng những chiếc cuốc chim. Bức tường chỉ còn lại những đường dích dắc đổ nát. Tác giả tự nhủ: “C'est le mur d'un silence éternel qui descend devant vous!” [Đó là bức tường của sự im lặng vĩnh hằng đang phủ xuống trước mắt bạn]. Trên bức tường bụi bặm, ánh trăng rọi xuống như một tấm màn mỏng, phản chiếu từ bóng đen của những cây sồi. Chúng tôi ngồi trên hiên nhà có mái kính, nơi hoa lạc tiên vươn lên, và những dây nho quấn chặt lấy chúng. Những chiếc ghế xếp nằm lặng lẽ dưới mái hiên. Đồng hồ đã điểm một giờ sáng. Conrad đứng đó, trước mặt chúng tôi, nói chuyện. Giọng nói của ông vang lên không ngừng, xen giữa những mảng sáng tối mà ánh trăng và bóng dây leo kết nên. Thị trấn nhỏ nơi chúng tôi ngồi nằm trên đỉnh một ngọn đồi thấp, nhìn xuống eo biển Anh. Conrad khoác một chiếc áo thủy thủ đen và mặc chiếc quần trắng giản dị.

§

Ông đang nói về Malaysia, về những hàng dừa, về các bà vợ bé của những ông hoàng địa phương mặc những chiếc sarong rực rỡ - có phải sarong không nhỉ? - ngồi xổm xung quanh ông trên mặt đất; còn ông thì ngồi xếp bằng, dạy các bà vợ bé của các ông hoàng cách dùng máy may! Con thuyền hai buồm của ông neo đậu bên một cầu cảng mục nát - có thể giống Palembang, nhưng tất nhiên không phải Palembang. Trong khoang thuyền, nửa hàng hóa là súng trường được giấu bên dưới nửa còn lại là máy may. Các ông hoàng, chồng của những bà vợ bé, không ưa gì những kẻ thống trị Hà Lan, và ở đất nước ấy, cuộc chiến không chỉ kéo dài năm năm mà tới ba trăm năm mươi lăm năm...

§

Đó chính là Conrad trong những dịp ông nói chuyện như buổi tối đầu tiên sau bữa ăn. Giọng ông trầm, có chút thân mật và dịu dàng. Ban đầu, ông nói chậm rãi và rồi nhanh dần. Chất giọng của ông rõ ràng, hơi tối, mang sắc thái của những dân tộc da ngăm hơn là da sáng. Ấn tượng đầu tiên của tác giả là ông giống một người Pháp chính gốc ở Marseille; ông nói tiếng Anh rất trôi chảy và tao nhã, câu cú chính xác, từ được dùng đúng nghĩa, nhưng cách nhấn âm thì không ổn gây ra sự khó hiểu, và cách dùng trạng từ cũng khá kỳ lạ. Ông sử dụng “shall” và “will” một cách tùy hứng. Khi muốn nhấn mạnh, ông hay dùng tay và vai để biểu đạt, nhưng khi bị cuốn vào sự phấn khích của câu chuyện, toàn bộ cơ thể ông như hòa vào, ông quăng mình trên ghế, thậm chí kéo ghế lại gần bạn. Cuối cùng, ông thường đứng bật dậy, đi ra xa, rồi bước qua lại ở góc cuối phòng. Khi tác giả nói, Conrad lại trở thành người nghe rất giỏi, ngồi thu mình trên ghế trong khi người viết lượn lờ qua lại dọc theo viền hoa văn trên thảm.

§

Chúng tôi trò chuyện như thế từ khoảng mười giờ tối cho đến hai giờ rưỡi sáng, khi các quý bà đã đi ngủ. Chủ đề xoay quanh Flaubert và Maupassant - thực chất là để thăm dò lẫn nhau. Khi đó, Conrad vẫn còn có chút cảm tình với Daudet - với những cuốn sách như Jack. Điều này làm người viết coi thường, với thái độ của một người ưu việt đang tuyên bố rằng rượu Hermitage không còn xứng tầm với đẳng cấp của giới quý ông. Chúng tôi nói về Turgenev - người vĩ đại nhất trong các nhà thơ; Byelshin Prairie từ Letters of a Sportsman [Bút ký người đi săn] - tuyệt tác lớn nhất trong mọi tác phẩm; hình ảnh Turgenev khoác chiếc áo choàng, nằm trên thảo nguyên vào ban đêm, cách đống lửa lớn một khoảng không xa, nơi những cậu bé chăn ngựa ngồi cạnh lửa, nói chuyện vu vơ về những nàng tiên Rusalka với mái tóc xanh từ rừng sâu và những thủy nữ kéo bạn xuống sông để dìm chết.

§

Chúng tôi đồng ý rằng một bài thơ không nhất thiết phải là thứ được viết dưới dạng vần điệu, mà là bất kỳ hình thức nào - dù là văn xuôi hay thơ - mang trong nó vẻ đẹp cấu trúc. Chúng tôi thống nhất rằng việc viết tiểu thuyết là điều quan trọng nhất còn lại đối với thế giới này, và rằng điều tiểu thuyết cần lúc này chính là một Hình Thức Mới. Chúng tôi cũng thú nhận rằng cả hai đều mong ước một ngày nào đó có thể viết được Văn Xuôi Tuyệt Đối.

§

Nhưng điều thực sự gắn kết chúng tôi lại với nhau chính là sự say mê dành cho Flaubert và Maupassant. Chúng tôi phát hiện ra rằng cả hai đều thuộc lòng - hoặc gần như thuộc lòng - những tác phẩm như Félicité [Đúng hơn, Un coeur simple, truyện đầu tiên trong Trois Contes], St.-Julien l'Hospitalier [truyện thứ hai của Trois Contes], những đoạn dài trong Madame Bovary, La Nuit, Ce Cochon de Morin và nhiều đoạn trong Une Vie [của Maupassant]. Thậm chí, những chỗ mà một người ngập ngừng, người kia có thể tiếp lời ngay. Và thực sự, vào lần cuối cùng chúng tôi gặp nhau, vào tháng Năm năm nay, khi cả hai đồng ý rằng bản thân hầu như chẳng thay đổi gì, thật đáng ngạc nhiên - ồ, chẳng thay đổi chút nào! - người viết bắt đầu: “La nuit, balancé par l'ouragan...”, và Conrad tiếp lời: “tandis que le feu grégeois ruisselait, cho đến tận câu: “Et comme il était très fort, hardi, courageux et avisé...”

§

Trước khi chúng tôi chia tay vào đêm hôm đó, Conrad thú nhận với tác giả rằng trước khi đề xuất hợp tác, ông đã tham vấn một số người trong giới văn chương về tính khả thi của ý tưởng này. Ông nói rằng mình đã trình bày với họ những khó khăn trong việc sử dụng ngôn ngữ, tốc độ viết chậm, và hy vọng có thể cải thiện sự trôi chảy bằng cách làm việc tỉ mỉ với từ ngữ cùng một bậc thầy tiếng Anh. Người viết mường tượng Conrad thực sự đã hỏi ý kiến của Edward Garnett, W. E. Henley và Marriott Watson. Trong số đó, cái tên duy nhất được Conrad nhắc đến là W. E. Henley. Conrad kể lại một cách ngắn gọn và cẩn thận rằng ông từng nói với Henley - người đã xuất bản The Nigger of the Narcissus trên tạp chí của mình - như sau: “Nghe này, tôi viết lách rất khó khăn: những suy nghĩ thầm kín, tự động và khó diễn đạt của tôi đều bằng tiếng Ba Lan; khi cần diễn đạt cẩn trọng, tôi sử dụng tiếng Pháp. Khi viết, tôi nghĩ bằng tiếng Pháp, sau đó dịch suy nghĩ của mình sang tiếng Anh. Đây là một quy trình bất khả thi đối với người muốn kiếm sống bằng nghề viết bằng tiếng Anh...” Và Henley, theo lời Conrad vào tối hôm đó, đã trả lời: “Tại sao anh không nhờ H. hợp tác cùng? Anh ấy là nhà văn có văn phong tiếng Anh tinh tế nhất hiện nay...” Tác giả, cần nhấn mạnh, tuy kém Conrad khoảng mười đến mười lăm tuổi, nhưng lại là một nhà văn thành danh trước ông, ít nhất xét về thời gian xuất bản, và ở một mức độ nào đó, thành công hơn về doanh số bán sách.

§

Rõ ràng, Henley chưa hề nói như vậy. Thực tế, như người viết đã đề cập ở chỗ khác, trong một cuộc tranh cãi nảy lửa sau này, Henley - vốn nổi tiếng với lời lẽ sắc bén - đã buông câu: “Anh là ai? Tôi thậm chí chưa từng nghe đến tên anh!” hoặc tương tự như thế. Điều này, xét cho cùng, có lẽ không quá quan trọng. Có khả năng Conrad chỉ nhắc đến tên tác giả trước mặt Henley, và Henley đáp lại: “Tôi nghĩ anh ta cũng ổn, chẳng hơn gì người khác.” Thực ra, chuyện đó không mấy ý nghĩa, trừ khi nhìn vào để hiểu rõ hơn về tính cách, cách làm việc của Conrad và khả năng ông xoay chuyển tình thế theo ý mình.

Rõ ràng, vào những giờ khuya trong căn phòng trang trại mờ tối ấy, tác giả đã trải qua một cảm xúc mạnh mẽ - một émotion forte. Trong những khoảnh khắc như vậy, giọng nói của Conrad, dịu dàng nhưng hơi kéo dài, lại pha thêm âm sắc Ba Lan rõ rệt và trầm xuống. Khuôn mặt ông rạng lên; như thể ông đang thì thầm, và như thể hai chúng tôi đang khẽ khàng âm mưu chống lại thế giới đang say ngủ. Và không còn nghi ngờ gì nữa, đó chính xác là những gì đang diễn ra. Vào thời điểm đó, thế giới chắc chắn không cần đến chúng tôi; và chỉ cần mang danh là nhà văn có văn phong tiếng Anh tinh tế nhất cũng đã đủ để khiến bạn bị tống vào tù. Có gì đó xa lạ, ngoại lai - đó chính là bản chất.

§

Dù sao, khi cầm cây đèn nến thấp trong tay, tác giả cuối cùng cũng dẫn vị khách vào căn phòng ngủ lạnh lẽo, tường được phủ giấy nhạt màu, đầy bóng tối mơ hồ, rồi khép cửa lại. Anh ta có cảm giác như vừa đặt một vị vua vào trong căn phòng ấy - một nhà vua âm mưu, một kẻ tranh đoạt ngai vàng, như Don Carlos trong một thế giới mà thần dân chỉ là những cái bóng mờ ảo.

Thanh Nghi dịch

 

Joseph Conrad và Ford Madox Ford

Henry James và Edith Wharton

Paul Celan và Ingeborg Bachmann

James và Stevenson

Melville và James

James và Turgenev

favorites
Thêm vào giỏ hàng thành công