Di sản bị mất giá của Laurence Sterne
Để viết được thì phải nhìn được. Và để nhìn được, phải chăng là phải biết lùi. Lùi cũng là một hành trình nhưng theo tư thế khác: lùi mới cần visa (nhân vật của Sterne quên cả xin giấy thông hành trong Hành trình tình cảm) và bản đồ hơn là đi. Nhưng lùi đến đâu? Lùi vào thế kỷ XX đã chứng minh thất bại nghiêm trọng, nhất là đối với riêng tôi, không chỉ vì thế kỷ XX quá nhiều khói, mà cơ bản là vì ta phải nhìn cả thế kỷ XX và thời đại của chúng ta trong chung một khối. Sự xuất bản ở Việt Nam trước kia không hỗ trợ được nhiều cho đường lùi xuống các thế kỷ trước, buộc ta phải cẩn trọng, và phải may mắn, tìm được một ánh lửa nhận đường. Nhưng vẫn phải lùi xuống đó chẳng còn cách nào khác, cũng như Yorick của Hành trình tình cảm, dù đang nợ nần và mắc bệnh lao, vẫn phải tìm hạnh phúc, vẫn phải vui thú, vì đấy là bản mệnh con người. Chẳng hạn, nếu chỉ kẹt lại ở thế kỷ XX, ít nhất ta không thể biết nổi cười là gì. Cười của Cervantes, Racine, Laurence Sterne… không giống cười gằn của chúng ta bây giờ, thậm chí ta có thực sự cười không? Không biết về cười thì cũng không biết đến trang nghiêm, cặp cười - trang nghiêm bị thay thế một cách tàn nhẫn thành cặp cười - khóc của thời này. Ta nhìn vào văn bản classic: "Văn học kinh điển là văn học có giá trị vượt thời gian"? Câu nói này người ta đồng ý ngay tắp lự, à nhưng cẩn thận, ấy là cái nhìn lởm, vạch khởi động của một đường chạy sai. Phải thấy là ngoài thiểu số may mắn được ở lại, nhiều khi là do nỗ lực cá nhân, thì phần lớn văn chương kinh điển có giá trị lại ở chính chỗ nó đã mất hình tích, đã góp mình vào trong bóng tối của vòm trời hôm nay. Theo kiểu cách Milan Kundera: những di sản bị mất giá.
(Và lại nói về thời gian, thì cái “thời gian” trong một mệnh đề như trên là thời gian cơ giới, E. M. Forster đã nói trong Các khía cạnh của tiểu thuyết và cả Alain trong quyển về văn xuôi của Hệ thống Mỹ Thuật, ta phải nhìn vào cùng lúc bên trong thời gian (lịch sử) và bên trên thời gian (tức thời tục) để nắm bắt được truyền thống văn chương, từ đó, người viết văn của ngày nay và thậm chí common readers có chỗ dựa để tìm ra được các bắt rễ của thực tại bây giờ.
Thế thì, Laurence Sterne (1713 - 1768) xuất hiện như cột mốc trước nhất - theo một cách nói nào đó - vào mê cung riêng của một người đọc. Thực ra với riêng tôi, rất dễ để tôi nói rằng E. M. Forster mới là người vẽ bản đồ, vì ông đưa chúng ta đến danh mục tác giả mà phần lớn đã đến trong tiếng Việt, đưa cả hướng dẫn và sốt sắng kéo hộ luôn cả dây cung chưa giương lên của chúng ta. Nhưng không, bản đồ không quan trọng bằng những cây cọc có vạch sơn vàng. Laurence Sterne đã đến đúng lúc tôi cần: chúng ta đã và sẽ có hai tác phẩm lớn của Laurence Sterne, Hành trình tình cảm (Nguyễn Hoài dịch) và Tristram Shandy (sẽ được in). Ở đây sẽ nói đến Hành trình tình cảm. Gặp ngay từ trang đầu của Hành trình tình cảm một thử thách nho nhỏ: cuốn sách ấy mời gọi một cách đọc nhảy cóc, vì trông có vẻ như, một người đọc sành sỏi có thể nắm được ngay các tính chất của văn bản; nhưng cùng lúc, ta lại thấy phải thực sự đi vào, kiên nhẫn. Khoảnh khắc tranh đấu nho nhỏ của hai sự đọc, bên nào cũng có phần thưởng.
Hành trình tình cảm đặt tên phần alias của nó “Chuyến du hành qua Pháp và Ý” lấy luôn tiêu đề (và là để hồi đáp cho) tiểu thuyết của người cùng thời Tobias Smollett. Thay vì một du ký theo nghĩa thông thường, cuộc đi của nhân vật trong Hành Trình Tình Cảm là giữa vạch biên của thế giới bên ngoài và thế giới bên trong. Trước, tôi không hiểu có cách nào để một cuốn tiểu thuyết tồn tại được trọn vẹn chỉ trong một cõi. Để có tiểu thuyết, ngay cả ly kỳ tiểu thuyết, cần ít nhất hai cõi. Nhưng Laurence Sterne đã xếp gọn các thứ vào một trình tự, một tổng hòa, bằng một cách mà cách ấy là duy nhất. Yorick - nhân vật chính của Laurence Sterne là một giáo sĩ, lại còn trùng tên với một nhân vật trong Hamlet của Shakespeare - điều sẽ gây ra một vụ tức cười liên quan đến giấy thông hành. Nhưng người đọc cũng không cần phải biết đến chuyện đó ngay từ đầu. Những thông tin cần thiết đều đến chậm: ta chỉ cần biết rằng, nhờ một lời ráo hoảnh của thằng hầu “Thế ngài đã tới Pháp chưa?”, chuyến đi được hợp thức hoá một cách chóng vánh. Không có lý do, sau này ta biết là quên mất cả giấy thông hành, và nhân vật cũng cố ý quên luôn cả chuyện nước họ và nước mình đang chiến sự, ba thứ ấy chìa ra ở các chỗ khác nhau trong sách, gạt luôn cõi khác ra ngoài. Vậy ngay từ đầu, người lữ hành đã gắn chặt mình với chuyến đi, không cần một mào đầu, một liên hệ nghiêm trang theo kiểu các du hành khác - chẳng hạn, không cần như Nguyễn Tuân trong Một chuyến đi liên hệ mình với một nhà văn Romania, và thấy khó chịu với tâm trạng nhạt nhẽo với các bạn đồng hành trên con tàu King Chow. Nguyễn Tuân luôn luôn là nhân vật “tôi”, luôn luôn làm một cái phép đo khoảng cách giữa mình và thực tại, luôn luôn trong mọi chuyển động, là đỉnh cao của một lối du hành. Nhưng du hành của Sterne không như vậy.
Yorick đi, chuyến đi là đơn nhất, thực tại thuần tuý là đây, một mình nó. Cái sự đi để nhìn và để xếp lại cõi mình trong chỉ một ngăn dài thôi. Câu chuyện kể nhảy cóc, có lẽ là thế, từ một cái nhà để xe, sang một cửa hàng xén nơi có cô vợ xinh đẹp nắm cả quyền hành pháp và lập pháp, rồi qua những suy nghĩ về kiểu tóc, ngôn ngữ (phân biệt rất nhỏ mấy cụm từ) anh chàng hầu La Fleur, người hiệp sĩ sa cơ với thúng bánh ngọt v.v… chia làm các chương khác nhau. Có chương là một cái nhìn thẳng vào đáy cùng sự vật; có lúc thì là một truyện kể hiện lên đầy đủ như kịch ba hồi. Có lúc, có sự xuất hiện của các nhân vật ở Tristram Shandy, và ta thấy đặc trưng những kiểu lý luận Shandy, ở chương Người lùn: trẻ em có thể phát triển không giới hạn, nhưng chẳng qua ở Paris đất chật người đông quá nên tạm chưa đạt được điều ấy.
Nhưng không lúc nào là không tránh đi cái nhìn vu khoát khi nhân vật chỉ tìm đến những điểm nhỏ, một bắt tay, một xúc động, một chuyện nghe lỏm, một kiểu tóc, mà người khác sẽ bỏ qua, những tiếp điểm của tinh thần từ đó khơi dậy tình cảm và cho người đi một hiện hữu mới - như E.M. Forster vẫn trong Các khía cạnh của tiểu thuyết nói về Laurence Sterne (và cả Virgina Woolf): “Họ [tức Sterne và Woolf] trộn lẫn cái nhìn hài hước về sự rối mù của cuộc đời với cảm giác sâu sắc về vẻ đẹp của nó” (tr. 24). Loáng sau thì ta đã thấy nhân vật ở Ý rồi.
Cái “tình cảm” là phép cộng của ngoại cảnh và người nhìn, không rút bớt bên nào được. Sau Laurence Sterne, ta có các loại du ký khác, tập trung hơn vào “trải nghiệm” của hành trình: tức là các tác giả sẽ khoe rằng cuộc đi ấy là để tìm thấy chính mình. Nhưng cái khác biệt rất lớn là ở chỗ: chính ở các cuốn du ký mà người ta cứ nói là “tìm thấy chính mình”, bỏ đi cái tôi lữ hành, thì vẫn còn lại các loại thông tin khác, quyển sách không thiệt hại gì mấy. Nhưng riêng ở Hành trình tình cảm, ta không rút đi cái nhìn của nhân vật được, vì như thế sẽ chẳng còn lại gì. Theo tôi, nó vẫn là vì không có thế giới bên trong và bên ngoài nào cả, nó chỉ có một thế giới thôi, đó chính là tính cách tiểu thuyết của nó. Đây nhé: đoạn tưởng tượng về cảnh tù (lúc nhân vật tự huyễn rằng lãnh án trong nhà ngục Bastile vì nhập cảnh trái phép thì cũng không quá tệ), Laurence Sterne có một pha chuyển hoá lý thú, từ thế giới khác vào thế giới mình: “Bastile không phải một cái tai hoạ mà ta có thể coi khinh - nhưng nếu lấy đi những toà tháp - san lấp các con hào - dỡ bỏ chướng ngại nơi các cửa - chỉ gọi đấy là nơi giam giữ, và tin rằng tên bạo chúa nhốt anh vào đó là một cơn khó ở chứ không phải một con người - thì cái tai ương sẽ bốc hơi một nửa, và anh có thể chịu đựng nửa còn lại không một lời than” (tr. 132). Qua khỏi bốc đồng ấy, khi nhân vật Yorick nhận thấy thì ra nhà tù vẫn đáng sợ lắm, thì cách thức vẫn y sì, qua hình ảnh một con chim - độc giả đọc đến đoạn này có lẽ sẽ thấy rất hay và chia sẻ với tôi về ý ấy.
Virginia Woolf không phải chỉ được đặt cạnh Laurence Sterne bởi E.M. Forster, chính bà viết lời tựa cho common readers trong bản in A Sentimental Journey 1928 - Oxford World’s Classics edition. Virginia Woolf nhìn Laurence Sterne như sau:
“Bởi lẽ, dù nhà văn luôn ngẫm thấy sẽ có cách nào đấy để gạt bỏ các nghi thức và quy ước của viết lách để nói chuyện trực tiếp với độc giả như thể đang tỉ tê, ấy nhưng bất kỳ ai thử làm điều này đều hoặc bị đứng hình trước những điểm khó của nó, hoặc bị cuốn vào những pha lan man dài dòng ngớ ngẩn. Thế nhưng Sterne bằng cách nào đó đã thực hiện được sự kết hợp đáng kinh ngạc này. Không có văn bản nào dường như thấm sâu vào từng nếp gấp và ngóc ngách của trí tưởng đến thế, biểu diễn được những tâm tình xao động, đáp ứng mọi ý thích và cảm hứng vặt vãnh nhất của nó, nhưng kết quả vẫn hoàn toàn chính xác và trọn vẹn. Linh hoạt tột độ tồn tại song hành với vững vàng lừng lững. Như thể thủy triều lên xuống liên hồi nhưng để lại mỗi gợn sóng và xoáy nước khắc sâu trên cát như bằng đá cẩm thạch”. [1]
Tuy nhiên, chính vì đặt Yorick quá gần Sterne, đến mức bà cho rằng gần như là đồng nhất người viết với nhân vật, ở phần cuối, bà nói khá nhiều về cái vị kỷ của tác giả. Sự ký sinh của cái tôi kể chuyện bày tỏ mình (và giữ cái hình ảnh tốt đẹp về mình): “Theo một cách bị bóp méo, A Sentimental Journey dự báo trước một truyền thống ký sự du lịch thời kỳ Victoria, khi người ta tái phát hiện cá nhân như một chủ thể biết cảm nhận. Đó là lý do tôi đặt văn bản của Sterne vào bối cảnh ký sự du lịch thay vì tiểu thuyết. Nhưng Yorick là một du khách ký sinh, tức là vô cùng cá nhân chủ nghĩa”. Lối nhìn này được đón nhận ngay bởi học giả đời sau (ví dụ, Heidi Liedke): “Hành trình tình cảm” chỉ còn lại một cách viết thú vị, một ego trip, đồng thời đi kèm với cái tôi khổng lồ và vụng về của người viết ra nó. Với độc giả Việt Nam - một nơi bị ám ảnh bởi post-modernism, ta cũng có thể nhanh miệng gọi ngay đấy là hậu hiện đại đi trước thời. Còn đâu cái kinh ngạc, cái cười phá lên được của đọc A Sentimental Journey nếu đi theo con đường ấy. Yorick không phải là Sterne, họ khác nhau đến mức chính cái khoảng cách giữa Sterne và Yorick mới là nền tảng của tiếng cười chứ không phải những hóm hỉnh vui nhộn lạc thời của anh giáo sĩ lập dị với một nước Pháp hoạt kê.
[1] Laurence Sterne (1928). A sentimental journey through France and Italy (Oxford World’s Classics ed., p. VIII). Oxford University Press. Các đoạn do Virginia Woolf viết tác giả tạm dịch sang Tiếng Việt từ văn bản này.
Đức Anh
khách đến chơi nhà